CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Thỉnh thoảng có người than thở: “Tôi đã cầu nguyện nhiều rồi, nhưng không được nhậm lời, nên tôi không cầu nguyện nữa”. Nhưng liệu bạn có ngừng nói chuyện với những người mà bạn yêu thích bởi vì họ không cho bạn tất cả những gì mà bạn đòi hỏi không? Và cả bạn nữa, bạn có luôn chấp nhận Chúa đòi hỏi bạn thích ứng cuộc đời theo tin mừng của Người không? Chắc hẳn một tình thế khó khăn kéo dài có thể khiến đức tin của chúng ta sa vào trong một cơn thử thách ghê gớm. Nhưng chúng ta có thể vì thế mà để mất đức tin không?
Xuất hành 17,8-13
Diện mạo của ông Mô sê, cánh tay được bạn bè nâng lên, là hình ảnh của người cầu nguyện cho dân tộc mình. Chúa Giê su trên thánh giá, giăng tay để giao hòa tất cả mọi người. Đôi tay hướng về trời sẽ đem lại cho lời cầu nguyện của chúng ta sức mạnh cần thiết.
Thánh Vịnh 120
Ngước mắt lên trời để kêu cứu: Người sẽ đến không? Chúa không ngủ đâu dù bên ngòai xem ra như thế. Cách Người hành động đảo lộn cách nhìn thiển cận chúng ta, nhưng dù chúng ta có nghĩ như thế nào đi nữa, Người sẽ bảo tòan mạng sống của chúng ta.
Thư 2 Tm 3,14-4,2
Thánh Phao lô đòi hỏi người môn đệ Ti mô thê của mình hãy nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Nếu Lời có ích để chuẩn bị cho Lời chứng, thì các bản văn thánh cũng có ích cho Lời cầu nguyện vì chúng có quyền năng ban cho chúng ta sự Khôn Ngoan. Từ đó, anh có thể kiên trì giúp đỡ người khác, quan tâm giáo huấn và sống đúng với Lời Thiên Chúa.
Tin mừng Lc 18,1-8
NGỮ CẢNH
Đọan văn nầy nằm trong phần nói về thời cuối cùng. Dẫn vào là câu hỏi các người Pha ri sêu về lúc nào Nước Thiên Chúa sẽ đến (17,20) và kéo dài cho đến câu hỏi của chính Chúa Giê su về tình trạng đức tin ngày Con Người trở lại (18,8).
Đoạn (18,1-8) là lời mời gọi hãy kiên trì cầu nguyện diễn tả dưới hình thức một dụ ngôn mà chỉ riêng Lu ca mới có.
TÌM HIỂU
Dụ ngôn: ngay đầu đoạn 18, Luca đã cho biết đây là một dụ ngôn và cho biết ý nghĩa. Dụ ngôn là một câu truyện đời thường có thêm vài dữ liệu hài hước nhằm mục đích đề cao một ý tưởng nền tảng. Do vậy cần phải chú ý đừng xây dựng nhiều lí thuyết trên một chi tiết duy nhất. Quan án trong dụ ngôn là một người không lương thiện, đó là một điều hợp lí, nhưng không có tương quan gì với Thiên Chúa cả.
Cầu nguyện luôn: phải làm gì trước viễn tượng thời gian đến hồi kết thúc? Hoảng sợ? Vô tư? Tốt nhất là phó thác vào Chúa trong lời cầu nguyện và trong niềm hi vọng (x.21,36). Sau nầy Phao lô sẽ nói: “Hãy kiên trì cầu nguyện” (Rm 12,12). Do vậy, Chúa Giê su sắp kể một dụ ngôn về cầu nguyện. Chỉ mình Lu ca kể lại dụ ngôn nầy. Ông muốn nhấn mạnh một giáo huấn mà ông rất thích: cầu nguyện là một hoạt động chính yếu của các môn đệ Chúa Giê su (chủ đề tương tự trong 11,5-12).
Quan tòa – Bà góa: là hai gương mặt cũng đối nghịch nhau như người giàu có và ông La da rô (16,19-31) hoặc người Pha ri sêu và người thu thuế (18,9-14). Sự xuất hiện của Quan tòa đã được chuẩn bị bởi chủ đề về Thiên Chúa phán xét, và ông ta sắp trở thành hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù không công chính và không quan tâm đến sự phán xét của Thiên Chúa. Vì những lợi ích cá nhân, ông quan tòa chấp nhận làm người minh giải cho bà góa; nhưng Thiên Chúa còn hơn thế nữa, Người cũng sẽ là người bảo vệ các môn đệ của Người chống lại thù địch là ma quỉ. Chúa Giê su nói điều đó với tư cách là Chúa (18.6).
Ngày đêm hằng kêu cứu: lời cầu xin nầy có lẽ là âm vang vọng lại của Giáo Hội nguyên thuỷ đang chờ đợi và ngạc nhiên vì Chúa chậm trở lại. Đoạn thư 2Pr 3,9 cắt nghĩa rằng sự chậm trể dành cho mọi người là nhằm giúp họ có cơ hội sám hối (x. Gv 35,18-23).
Người sẽ mau chóng: không xác định gì thêm về việc sắp trở lại của Chúa.
Lòng tin: là lòng tín thác vào một vì Thiên Chúa xử sự công mình và thi hành phán quyết của Người qua Chúa Giê su, Con Người: “Đức tin của con (vào Chúa Giê su) đã cứu con” (17,19).
Câu hỏi của Chúa Giê su không diễn tả một sự nghi ngờ về phía Ngài, nhưng là một lời mời gọi phải kiên trì trong lời cầu nguyện và trong sự trung thành, ngay cả khi sự bất tín trở thành phổ biến (2 Tx 2,3).
SỬ ĐIỆP
Các bài đọc hôm nay nói với chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện.
Bài đọc thứ nhất cho ta thấy dân Ít-ra-ên trên đường tiến về Đất Hứa. trên suốt đường đi, họ liên tục bị kẻ thù tấn công. Và trong cuộc chiến chống lại người Ama lết, Mô sê cầu nguyện giơ tay về phía Thiên Chúa. Khi ông hạ tay xuống, Ít-ra-ên thua, vì thế Aharon và Ur phải tìm cách nâng lên. Và cứ như thế cho đến khi Ít-ra-ên chiến thắng.
Bài đọc ấy là câu trả lời cho người Híp pri: “Thiên Chúa còn ở giữa chúng ta chăng?”. Điều quan trọng không phải là điều diệu kì xảy ra, mà là xác tin rằng Thiên Chúa thật sự ở giữa dân của Người.
Đời sống chúng ta cũng là một cuộc chiến chống lại mãnh lực sự Ác. Bằng sức riêng chúng ta không thể chiến thắng. Như Mô sê, chúng ta cần đến sự trợ giúp của anh em trong cộng đoàn. Như là lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phan xi cô ngay vào lúc Ngài được bầu chọn: “Anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi”. Và đó cũng là lời khẩn thiết của các anh chị em chúng ta đang là nạn nhân của bách hại và thù hận trên toàn thế giới.
Trong bài tin mừng, cũng một lời mời gọi tương tự như thế đến với chúng ta. Nếu chúng ta hướng về Thiên Chúa và chỉ nghĩ đến tình yêu của Người, thế gian chắc chắn sẽ thay đổi lớn. Hãy tìm thời giờ tiếp nhận tin mừng nầy và hãy để cho nó thấm vào tâm hồn. Nó loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa chúng ta không phải là một vị quan án giống trong dụ ngôn; Người là Cha, một người Cha đầy yêu thương. Chính vì thế mà Cha đã dạy chúng ta cầu nguyệnvới Người. “Một người nghèo kêu lên, Thiên Chúa đã nghe; Người giải thoát họ khỏi mọi nỗi âu lo”. Lời cầu nguyện của chúng ta không có mục đích đánh thức Thiên Chúa hay làm cho Người chú ý. Người biết chúng ta đang cần gì trước khi chúng ta cầu nguyện với Người. Thánh Gioan khẳng định Người không chọn lựa lời cầu xin của chúng ta. Người nghe chúng ta bất cứ chúng ta cầu xin điều gì.
Vì thế chúng ta được mời gọi hãy tin tưởng mãnh liệt, một niềm tin tưởng không bao giờ buông cánh tay xuống và không dành chỗ cho một chút nghi ngờ nào. Điều quan trọng đó là phải cầu nguyện nhân danh Chúa Giê su: “Tất cả những gì anh em đầy lòng tin tưởng cầu xin nhân danh Ta thì sẽ được nhậm lời” (Mt 21,22). Vấn đề là chúng ta thường trải nghiệm về sự im lặng của Thiên Chúa khi cầu nguyện mà không được nhậm lời. Vì thế chúng ta cần lưu ý:
1. Lời cầu nguyện không thay thế hành động của chúng ta: dân Israel đã được cứu thoát nhờ vào lời cầu của ông Mô sê, nhưng cũng nhờ vào trận chiến của ông Giô suê trên mặt trận. Bà góa trong tin mừng không ngừng tranh đấu bằng sự can đảm. Điều đó cũng đúng cho chúng ta ngày hôm nay. Lời cầu nguyện không chuẩn cho chúng ta phải có trách nhiệm. Một ngọn nến không thể thi đậu được nếu người ta không làm việc. Thiên Chúa không phải làm người thay thế những lười biếng của chúng ta hay khuyến khích chúng ta trốn chạy. Lời cầu nguyện không thôi chưa đủ; dấn thân không thôi cũng chưa đủ. Chúng ta cần phải có cả hai, lời cầu nguyện và sự dấn thân.
2. Đức tin thêm sức mạnh cho lời cầu nguyện. Trong tin mừng, Chúa Giê su nói với chúng ta về một quan án không công bằng nhưng cuối cùng cũng phải thỏa mãn điều người đàn bà nài nẵn để được yên ổn. Ông ta hành động hoàn toàn ngược với Thiên Chúa. Người là Quan án chí công bởi vì Ngài tốt lành và quan tâm.
Nguy cơ không được chấp nhận không đến từ Thiên Chúa mà là từ chính chúng ta. Nếu Chúa Giê su đòi chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện thì trước tiên là để cho lời cầu được thanh luyện, để thực sự xứng đáng với tình yêu say mê của Thiên Chúa đối với chúng ta và thế gian.
3. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy lời cầu nguyện của chúng ta được thực sự nhậm lời. Lời khẩn xin của Chúa Giê su trong vườn Giết sê ma ni không được nhậm lời ngay lập tức. Cũng thế, lời cầu xin của Cha Maximiliên Kolbê bị lên án chết đói trong trại giam. Tuy nhiên lời cầu ấy không biến mất, nhưng đã được nhậm lời sau đó một cách khác.
Mỗi ngày chủ nhật chúng ta tụ họp trong nhà thờ nhân danh Chúa lại được cảm nghiệm Ngài hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta hãy nương tựa vào nhau và đầy lòng tin tưởng và kiên trì cầu nguyện. Chúng ta sẽ cầu ngyện với lời cầu của những người bên cạnh và của Giáo Hội tòan cầu. Đức Ki tô hiện diện giữa chúng ta và chờ đợi chúng ta. Ngài lắng nghe chúng ta hơn nếu chúng ta kết hợp mật thiết hơn với anh chị em mình trên tòan thế giới. Ước gì tin mừng ấy củng cố niềm tin của chúng ta!
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Người A-ma-lết thuộc các bộ tộc sống ở sa mạc Negev. Họ được Kinh Thánh nhắc tới như là kẻ thù của dân Dân Ít-ra-ên trên đường vào đất hứa. Thậm chí vào thời kì các vua Saun và Đa vít, họ vẫn là những thù địch đáng sợ đến nỗi tên gọi A-ma-lết đã trở thành mẫu thù địch truyền kiếp của dân Ít-ra-ên.
2. HỎI: A-ma-lết là ai?
THƯA: A-ma-lết là cháu của Esau, anh em và địch thủ của Gia cóp. Sự tranh chấp giữa Esau và Gia cóp đã được truyền lại cho con cháu qua các thời đại.
3. HỎI: Cây gậy của Mô sê có phải là cây gậy thần không?
THƯA: Không. Đó không phải là cây gậy pháp thuật, nhưng cho thấy hành động siêu việt của Thiên Chúa. Đó là cây gậy giúp Mô sê thực hiện được nhiều điều lạ lùng dưới mắt Pha ra ôn và triều đình Ai cập, tách biển đỏ để Ít ra ên băng qua, khiến nước ngọt chảy ra từ tảng đá. Và giờ đây mỗi khi Mô sê giơ cây gậy lên thì ai cũng biết rằng Thiên Chúa đang hành động.
4. HỎI: Bài đọc một muốn nhấn mạnh điều gì?
THƯA: Bài đọc muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Lời cầu nguyện của Mô sê và hành động của Giô su ê bổ túc cho nhau. Cánh tay giơ lên của người cầu nguyện là dấu chỉ con người cộng tác với quyền năng của Thiên Chúa.
5. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Dụ ngôn Chúa Giê su kể có thể được đặt vào thời điểm Cánh chung tận cùng thế gian. Ở đoạn trước, thánh Lu ca kể lại Chúa Giê su trên đường đi Giê ru sa lem, để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. Ngay trước dụ ngôn, Chúa Giê su nói nhiều về việc Con Người sẽ đến.
6. HỎI: Bài Tin Mừng có nội dung như thế nào?
THƯA: Trong bài tin mừng Chúa Giê-su kể dụ ngôn để “dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Ngài dạy phải tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng sẽ minh xét một cách công minh cho mọi yêu cầu chính đáng của con cái Người. Phần chúng ta, phải kiên trì chờ đợi trong lời cầu nguyện.
7. HỎI: Bài tin mừng liên kết với bài đọc một như thế nào?
THƯA: Cả hai bài đọc được liên kết chặt chẽ với nhau. Giữa vòng vây của quân thù, sức mạnh của Mô sê đến từ sự xác tín rằng Thiên Chúa muốn cứu dân Người. Nhiều thế kỉ sau đó, người Ki tô hữu tiên khởi cũng gặp những khó khăn tương tự, và để khỏi tuyệt vọng, họ cũng phải nhớ rằng Thiên Chúa muốn họ được cứu thoát. Lời cầu nguyện kiên trì giúp nuôi dưỡng lòng tin ấy.
8. HỎI: Con Người là ai?
THƯA: Con Người là đấng mà người ta chờ đợi xuất hiện ngay trước khi thế gian kết thúc. Trong sách tiên tri Đa ni ên, Con người là nhân vật đến từ trên đám mây. Ngài tiến đến ngai Thiên Chúa để lãnh nhận vương quyền trên mọi tạo vật. Điều nầy sẽ xảy ra vào lúc tận cùng thế giới. Thiên Chúa sẽ ngự trị trên mọi loài và Con Người sẽ cùng ngự trị với Người.
9. HỎI: Dụ ngôn có so sánh trực tiếp Thiên Chúa và viên thẩm phán không?
THƯA: Không. Với những nét phát họa, rõ ràng viên thẩm phán là người ích kỉ, sở dĩ ông ta giải quyết cho bà góa không phải vì lòng tốt, mà vì muốn được yên thân. Một người như thế thì không thể so sánh với Thiên Chúa được.
10. HỎI: Trong Kinh Thánh, bà góa thuộc hạng người nào?
THƯA: Trong Kinh thánh, bà góa là mẫu người nghèo, bị áp bức, tứ cô vô thân và không được ai bênh vực, vì thế mọi người cần phải quan tâm và nâng đỡ họ (Xh 22,2; Đnl 10,18; Is 1,17; Gr 22,3…).
11. HỎI: Bà góa nêu gương như thế nào?
THƯA: Cũng như bà góa trong dụ ngôn, các môn đệ sẽ bị ngược đãi trong thế gian, phải chịu nhiều bất công, không được bênh vực che chở. Chỉ có Thiên Chúa quan âm đến họ. Vì thế, nếu họ kiên trì cầu nguyện không nản chí sờn lòng, Thiên Chúa là vị thẩm phán tối cao sẽ không thể làm ít hơn “viên thẩm phán bất công và bạo ngược”.
12. HỎI: Tại sao Thiên Chúa phải “Chờ đợi một thời gian khá lâu”?
THƯA: Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi là để cho thấy tính bao dung muốn cứu rỗi hết mọi người. Thay vì giận dữ, Người sẵn sàng chờ đợi dịp thuận tiện để giúp tội nhân ăn năn hoán cải (2 Pr 3,9-15).
13. HỎI: Vậy trong lúc Thiên Chúa chờ đợi, ta phải làm gì?
THƯA: Việc Thiên Chúa xem ra không làm gì cả trong khi chờ đợi không phải là dấu Người tỏ ra thờ ơ lãnh đạm, nhưng là bằng chứng Ngài nhân từ đối với chúng ta. Vì thế, chính trong thời gian nầy, chúng ta phải tiếp tục cầu xin không được sờn lòng nản chí.
14. HỎI: Thiên Chúa sẽ can thiệp cách nào?
THƯA: Chúa Giê su khẳng định: “Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi sao? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách bất ngờ để cứu giúp những kẻ được chọn. Thiên Chúa có thể trì hoãn cho đến lúc nào Người muốn ra tay hành động. Và khi đã quyết định, Người hành động ngay (Lc 17,24).
15. HỎI: Câu: “Khi Con Người đến, liệu Ngài còn tìm thấy niềm tin trên trái đất nữa không?”
THƯA: Chúa Giê su cảnh giác các môn đệ trước những gì sẽ xảy đến. Sẽ có những dấu chỉ báo trước khi Ngài quang lâm. Sẽ có cuộc bách hại dữ dội, sẽ có bội giáo (2 Tx 2,3), đức ái của một số đông sẽ nguội dần (Mt 24,12). Nếu Thiên Chúa không rút ngắn những ngày ấy, thì không ai được cứu thoát (Mc 13,20-22). Ví thế các môn đệ phải cầu nguyện không ngừng, chớ nhàm chán, vì đó là ơn cứu rỗi.