VÂNG LỜI THẦY DẠY BẢO
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Hôm nay, ngày khánh nhật truyền giáo, chúng ta nghe thấy âm vang lệnh truyền giáo của Chúa năm xưa: “Các con hãy đi giảng dậy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Thiết tưởng đây là dịp thuận lợi để mỗi người kitô hữu chúng ta nhìn lại tinh thần làm chứng cho tin mừng của Chúa nơi mỗi người chúng ta. Nói đến hai chữ Truyền Giáo, không biết tự bao giờ, trong tâm thức của người giáo dân thường cho rằng đó là việc của các Giám mục, linh mục, tu sĩ. (Vậy mà khi thấy linh mục, tu sĩ hay tiếp xúc với người này người kia, đặc biệt là với nữ giới, chưa biết nói chuyện gì đã vội đi rêu rao khắp xứ – vậy thì còn làm ăn được gì). Thật ra, Truyền giáo không của riêng ai, vì ngày chịu phép rửa tội, mỗi người tín hữu được tham dự vào ba chức năng: Tư Tế - Tiên Tri và Vương đế. Với chức năng Tiên Tri chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng “hãy đi loan báo Tin mừng khắp thế gian”. Như vậy, mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu không chỉ cho các tông đồ mà thôi, nhưng cho tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Trước sứ mạng Chúa trao, mỗi người chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Trong bản tường trình mới đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thì số tín hữu Việt Nam là 5,6 triệu người công giáo trên tổng số 80,9 triệu dân. Với một tỉ lệ chưa được 7% người công giáo, chúng ta vẫn là thiểu số trong một thế giới bao la rộng lớn giống như các tín hữu thời sơ khai. Thế nhưng, ngày xưa, vào thời Giáo hội sơ khai. Một Giáo hội non trẻ nhưng có sức mạnh biến đổi trần gian. Một Giáo hội bị cấm đoán nhưng vẫn lan tỏa đến tận cùng thế giới. Vậy đâu là điểm son để Giáo hội sơ khai có thể vượt qua mọi trở ngại mà phát triển như hôm nay? Thưa đó chính là tinh thần hiệp nhất yêu thương. Và đây cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta trên bước đường truyền giáo.
Thật vậy, theo sách tông đồ công vụ, thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu “sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự là của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”. Họ hợp nhất với nhau không chỉ trong niềm tin mà còn hiệp nhất trong tình liên đới chia sẻ của cải vật chất cho nhau. Sự liên đới này tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương, trong đó mỗi người đều được cộng đồng quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ. Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo hội sơ khai đã được toàn dân thương mến. Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa. Vậy, nếu ngày xưa cộng đoàn Giáo hội sơ khai đã được “toàn dân thương mến” vì họ đã sống hiệp nhất yêu thương, thì đời sống của xứ đạo chúng ta hôm nay, nếu muốn những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến thân thương để nhờ đó “càng ngày càng có nhiều người gia nhập Giáo hội” thì mỗi người trong chúng ta phải biết hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất. Đồng thời phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét trong cộng đoàn để đón nhận nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Và như thế, truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà cần thiết là chia sẻ một cuộc sống yêu thương.
Vì thế, cử hành khánh nhật truyền giáo, trong bối cảnh giáo hội bước vào Năm Đức Tin mỗi người chúng ta hãy ý thức rằng: việc truyền giáo quan trọng và hữu hiệu nhất, là truyền giáo bằng những cố gắng đổi thay trong cung cách sống đạo, trong nếp nghĩ, trong cách nhìn, biết đi đến với tha nhân bằng con tim chan chứa yêu thương và đôi tay chân thành rộng mở. Cuộc sống là một mảnh đất màu mỡ, chỉ những ai biết dẹp đi gai góc của tham lam, ích kỷ, mới gieo được hạt mầm của yêu thương, phục vụ. Cuộc sống là con đường vạn dặm, chỉ những ai biết nương vào nhau, dìu nhau mới có thể vươn lên và đi tới đích. Cuộc sống không có chỗ cho tham vọng, mà chỉ dành cho ước vọng mà thôi.
Vậy, ước gì, từng người và từng gia đình chúng ta cùng nỗ lực đào sâu chân lý đức tin và xây đắp đức tin qua việc siêng năng học hỏi giáo lý, sốt sắng cử hành phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện. Nhờ đó, mỗi người cũng biết chia sẻ niềm tin kiên vững của mình bằng đời sống bác ái yêu thương.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã từ trời xuống để gieo tin mừng yêu thương vào lòng nhân thế, ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo. Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo. Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới trở nên một nhà truyền giáo tuyệt vời để qua ta, sẽ có thêm nhiều người nhận ra dung mạo nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa. Amen.