SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI
(Lc, 13, 1-9)
Ngày 11/03/2011 vừa qua, miền Đông Bắc Nhật Bản bị một cơn địa chấn rất mạnh 8,9 độ Richter. Hình ảnh hàng ngàn ngôi nhà, xe cộ ngập chìm trong biển nước mênh mông khiến người dân xứ Phù Tang và cả thế giới sững sờ. Dù trước đó đã có cảnh báo sóng thần cùng nguy cơ động đất nhưng không ai ngờ hậu quả tàn khốc của nó lại xảy ra trên diện rộng ở vùng Kanto thuộc Đông Bắc Nhật Bản. Cơn địa chấn ngoài khơi biển Nhật Bản cũng làm các tỉnh ven biển rung chuyển, đặc biệt là trung tâm Tokyo. Khi nhớ lại biến cố sóng thần ở Nhật bản. Chúng ta lại được Lời Chúa hôm nay soi sáng khi người ta đưa tin cho Ngài biết về vụ Philatô mới giết một số người Gallilê lúc họ dâng lễ. Rồi Chúa còn nói thêm về vụ 18 người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết và cả hai sự kiện Chúa đã kết luận: Nếu các ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt y như thế”. (Lc, 13, 5).
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sám hối để đáp lại lòng thương xót nhẫn nại của Chúa. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng vừa cho thấy ai trong chúng ta cũng đều là tội nhân, nhưng Ngài cũng ám chỉ rằng hết mọi người đang được xót thương. Chỉ có điều là Thiên Chúa đang xót thương và còn gia hạn cho một thời gian để mời gọi người ta sám hối. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Chúa Giêsu đã cho thấy lòng kiên nhẫn kỳ lạ của người chủ vườn là Thiên Chúa, vừa loan báo về tính cách khẩn trương của việc người ta phải hối cải.
Ngay từ ban đầu tạo dựng, con người đã lạm dụng sự tự do để phạm tội bất trung với Thiên Chúa. Từ đó tội lỗi đã tràn vào thế gian. Với bản chất con người khiếm khuyết bất toàn, mỗi chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Chúa, mỗi chúng ta chưa phải là những cây vả cho hoa trái đầy dẫy. Nhưng có điều chúng ta đang được sống trong tình thương bao dung của Thiên Chúa, và Ngài luôn mong muốn chúng ta đáp trả bằng sự thành tâm sửa đổi đời sống, luôn biết dùng Lời Chúa để sám hối, sửa đổi, và hưởng ứng lời mời gọi của Thanh Phaolô: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an”. (Rm 8, 5-6).
Lạy Chúa, giữa một cuộc sống đầy những hưởng thụ vật chất đã làm cho chúng con bị cuốn hút. Nhiều khi chúng con sống trong tình trạng tội lỗi, tệ nạn, mất công bằng mà chúng con vẫn xem là chuyện bình thường. Vẫn chai lì trước lời cảnh báo của Chúa. Xin cho chúng con được Thánh Thần của Đức Kitô soi dẫn để được ơn đổi mới của Ngài, để đời sống đức tin của chúng con như những cây vả sinh nhiều hoa trái làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa.
Lm. GioamB Lại Anh Tuấn