THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Lễ thánh Thánh Luca - tác giả Tin mừng
Lc 10, 1-9
Ngoài Nhóm mười hai, hôm nay Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông đi. Mười hai rồi, bây giờ gấp sáu lần nữa mà Chúa Giêsu vẫn còn bảo các ông: ‘lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa Người’. Người không bảo ‘các anh kêu thêm công cho tôi, vì lúa chín nhiều quá rồi’ như các chủ ruộng khác; mà Người lại bảo ‘các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người’, tại sao? Lúa của chủ, chủ không đi tìm thợ gặt; mà lại bảo thợ xin chủ sai thêm thợ! Nghe qua cứ như câu dạy ngược đời. Lúa chín của chủ, chủ không lo; người ngoài lại đi lo cho chủ của.
Chính vẻ nghịch lý của Lời dạy thúc đẩy ta tìm hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói là gì? Trong bối cảnh sai các ông đi truyền giáo, thì chắc chắn Chúa Giêsu muốn ví môi trường truyền giáo như cánh đồng lúa chín đã đến ngày gặt. Lúa đã chín cũng chính là ‘thời kỳ đã mãn’, không thể chần chờ hay lai rai được; nhưng là tính cấp bách. Bởi lúa đã chín mà còn để ở ngoài đồng thì mức độ rủi ro là một trăm phần trăm. Rủi ro do chim trời, chuột đồng ăn mất; rủi ro do mưa lũ có thể tràn về mất trắng; của ăn đến miệng rồi coi chừng ‘xôi hỏng bỏng không’. Cấp bách đến độ ‘đừng chào hỏi ai dọc đường’, chứ không phải bỏ hết mọi phép tắc xã giao.
Tuy cấp bách như thế nhưng không phải cứ lao vào là gặt được. Bởi ‘Thầy sai các con như chiên ở giữa soi rừng’. Lại một nghịch lý khác! Chiên vào giữa sói rừng mà không bị sói ăn thịt mới là lạ. Đi mà lại không có hành trang: ‘đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép’ thì càng lạ hơn. Chính những nét khác thường này kéo chúng ta trở lại với nguyên tắc đầu tiên: ‘hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người’. Như vậy, ông chủ mới là nhân vật chính của mùa gặt chứ không phải thợ gặt. Ai được ông sai vào cánh đồng của ông là một vinh dự. Vì ông đã lo liệu mọi nhu cầu cho người đó đến độ không phải mang theo cái gì cho bản thân. Công việc có nguy hiểm như chiên vào giữa sói rừng đi nữa thì cũng an tâm, vì đã có ông bảo vệ. Vì thế chúng ta hãy xin ông nhìn đến ta, nhận ta vào làm thợ gặt cho ông, để ông sai ta vào cánh đồng lúa đã chín vàng.
Được Chúa chọn để sai vào cánh đồng truyền giáo của Người thật là một vinh dự. Thánh Luca đã được chung phần vinh dự này mà hôm nay Giáo Hội mừng kính. Ai không được vinh dự này thì đúng là mối họa như thánh Phaolô nói: ‘khốn cho tôi, nêu tôi không rao giảng Tin mừng’. Thánh Luca đã đồng hành với thánh Phaolô trong nhiều chặng đường truyền giáo, và nhất là trong giai đoạn cuối đời, lúc mà nhiều người rời bỏ thánh Phaolô thì thánh Luca vẫn ở lại với Ngài (2Tm 4, 9-17). Hơn nữa, như Nhóm mười hai, như Nhóm bảy mươi hai, thánh Luca không những cũng tham gia vào cánh đồng truyền giáo mà Ngài còn viết lại Lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai trong Tin mừng thứ ba và kể lại mọi sinh hoạt của cộng đoàn này như một công trình của Chúa Thánh Thần trong sách Tông Đồ Công Vụ.
Hơn bao giờ hết, trong thời đại của chúng ta, Lời Chúa Giêsu thôi thúc: ‘lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa Người’. Việc quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu là cầu nguyện cho việc truyền giáo. ‘Việc xin chủ ruộng’ nằm trong tầm tay của mọi thành phần dân Chúa. Như Teresa Hài Đồng Giêsu ở trong Dòng kín mà được kể là quan thầy của các xứ truyền giáo vì chị đã tích cực cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Không chỉ là lời cầu nguyện suông, nhưng là những lễ vật hy sinh, hãm mình với tình yêu lớn lao dành cho các nhà truyền giáo cũng như những linh hồn đang khao khát tìm biết Chúa. Các thiếu nhi đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể dâng việc học hành để cầu xin Chúa sai thêm thợ gặt. Những bà mẹ đang đi chợ cũng xin Chúa sai thêm thợ gặt. Những công nhân bước vào nhà máy mỗi ngày cũng đều xin Chúa sai thêm thợ gặt… chẳng mấy chốc thì ‘Danh Cha được cả sáng và Nước Cha đã trị đến’. Amen.
Linh mục Giuse Phạm Đình Hiền.