Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 34

CHÚA NHẬT XXXIV:

AI ĐANG LÀ VUA CỦA ĐỜI TÔI?

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

tin mung.jpgMột trong những khao khát của con người được làm vua làm chúa, chính vì thế, mà trong xã hội người ta gìanh giật nhau để làm vua, người nào hơi nổi bật một chút thì đều được báo chí tôn làm vua: vua phá lưới, vua bếp, vua lốp, vua nhạc rock … Tại Campuchia, trong những ngày này người dân đang vô cùng đau xót khi nghe tin đức vua của họ Norodom Sihanuk băng hà, cả quốc gia như chìm ngập trong tang tóc, và họ đã tổ chức tang lễ cho ông kéo dài trong 3 tháng; Người dân Campuchia đã coi nhà vua như là một vị thánh, là người đem lại cuộc sống hạnh phúc cho dân, và là chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Hai hình ảnh vua nêu trên hoàn toàn khác nhau, là vua theo cách thứ nhất chỉ là những vua không ngai, những vị vua ảo, còn những vị vua theo cách thứ hai là những vị vua thực sự được tôn sùng và đi vào trái tim của người dân.

Thưa quý OBACE, hôm nay, tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta cùng với Giáo Hội tôn kính Chúa Giêsu là vua. Chắc chắn, Ngài không phải là vị vua theo những cách nêu ở trên, mà Ngài thực sự là vua, là Chúa, là chủ tể của mọi vật mọi loài, và Ngài hiện diện ở trong tâm của mọi vật mọi loài và ảnh hưởng, chi phối mọi vật mọi loài.

Bài Tin Mừng cho thấy hình ảnh tương phản về Chúa Giêsu, lúc Chúa thành công trong việc rao giảng, thu hút cả hàng ngàn người đi theo, lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no, người ta muốn tôn Chúa lên làm vua thì Ngài đã trốn lên núi một mình. Khi Chúa vào thành Giêrusalem cách trọng thể dưới một rừng cành lá chào mừng, cùng với tiếng reo hò phấn kích của dân chúng: Hoan hô Con Vua Đavít, thì Đức Giêsu hoàn toàn giữ thinh lặng, vậy mà hôm nay khi đức trước mặt quan Philatô, lúc tay chân đang bị trói, ngoài kia thì tiếng la hét phản đối của người Do Thái đòi đóng đinh nó đi…, thì Đức Giêsu đã dõng dạc xác nhận câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Phải, như Ngài đã nói, tôi là vua.

Nguyên sự tương phản ấy đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là vua, nhưng Ngài là vua hoàn toàn khác với các vua trần gian mà chúng ta đã thấy. Ngài là vua, vì Ngài là Thiên Chúa, và cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng tạo dựng nên mọi vật mọi loài và con người, chính vì thế, mọi loài mọi vật phải nhìn nhận và vâng phục vương quyền của Ngài. Ngài là vua, vì Ngài vẫn đang nắm giữ giềng mối của mọi vật mọi loài, và điểu khiển vũ trụ này theo sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, nếu Ngài ngừng tay thì mọi vật mọi loài sẽ tiêu tan và trở về hư không. Chính vì thế, Ngài vẫn đang là vua cai trị và điều khiển vũ trụ này.

Hơn thế nữa, Ngài là vua vì Ngài là Đấng đã hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc mọi loài và con người khỏi cảnh chết chóc và khỏi sự ràng buộc của ma quỷ và sự chết, Ngài đã thực sự đem lại sự sống mới cho con người và vũ trụ, Ngài còn tiếp tục đem lại lương thực để nuôi dưỡng toàn dân, lương thực ấy chính là máu thịt của Ngài. Ngài còn là Đấng đem lại hòa bình cho thế giới và cho tâm hồn của con người, tất cả những ai đón nhận Lời của Ngài vào trong tâm hồn, để cho vương quyền của Ngài chi phối cuộc đời, thì người ấy sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, và trở thành người đem bình an đến cho người khác. Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu đã hoàn toàn chiến thắng sự chết và về trời vinh quang, Ngài đã được Thiên Chúa cha đặt làm chủ tể mọi loài, và mọi loài phải quy phục Ngài, và chỉ những ai quy phục Ngài thì mới được vào trong vương quốc của Ngài đó là điều Sách Khải Huyền đã mô tả.

Đó cũng là điều Chúa Giêsu muốn giải thích cho Philatô, khi thấy ông vẫn cứ thắc mắc về sự nghịch lý trứơc mặt ông ta, Chúa Giêsu đã xác nhận câu hỏi của Philatô, song Ngài đã giải thích thêm về địa vị làm vua và vương quốc của Ngài, Ngài là vua nhưng lại không phải là vua theo kiểu của thế gian, mà là vua tình yêu, là vua trời đất: Nước tôi không thuộc thế gian này, vì nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng Nước tôi không thuộc chốn này. Chính vì thế, Ngài cho thấy, Ngài không tranh giành quyền lực hay ảnh hưởng với Philatô và các vua thế gian, Ngài cũng không sử dụng quân đội hay sức mạnh của vũ khí, nhưng Ngài sử dụng sức mạnh và quyền lực của tình yêu thương để chinh phục và điều khiển mọi loài.

Cũng trong lời giải thích với Philatô: Tôi sinh ra và đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, và ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Như thế sứ mạng của Chúa Giêsu là làm chứng cho sự thật, sự thật về Thiên Chúa yêu thương con người, sự thật về con đường đích thật đưa lời sự sống hạnh phúc ở đời này và sự thật về hạnh phúc đời sau của mỗi người. Sự thật ấy được bày tỏ qua chính con người và lời giảng dạy, và cả đời sống, sống yêu thương cho đến cùng của Chúa Giêsu. Như thế những người dám đứng về phía sự thật của Tin Mừng, dám đón nhận vương quyền yêu thương và đem quyền lực của tình yêu này vào trong cuộc đời và trong xã hội, thì những người ấy mới thực sự là công dân của Nước Thiên Chúa và là thần dân, tôi trung của vua Giêsu.

Tiên tri Đaniel đã cho thấy vương quyền của Thiên Chúa không hề bị giới hạn mởi một ranh giới hữu hình hay vô hình nào, mà vương quyền của Ngài bao phủ trên mọi dân tộc, mọi quốc gia, và mọi ngôn ngữ; Vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận không bao giờ bị suy vong.

Thưa quý OBACE, thông thường, ai là vua của ta, thì ta thờ vua ấy, ai làm chủ thống lĩnh đời ta, thì ta phò người ấy, thế nhưng vấn đề là ngày hôm nay có quá nhiều thứ vua, thì chúng ta đang phò vị vua nào? Ai đang làm vua, là người chi phối và điều khiển cuộc đời chúng ta?

Mặc dù là người tin Chúa theo Chúa, song chúng ta lại làm tôi hai chủ, chúng ta vẫn để cho những thứ vua kia chi phối làm chủ đời ta, đó là những thứ quyền lực của ngẫu tượng, của ma quỷ mê tín đang ảnh hưởng trên đức tin của nhiều người, khiến cho nhiều người chạy theo những thứ cúng bái, bói toán của vua ma quỷ. Nhiều người khác đã để thần chết đùa giỡn trên cuộc đời của mình, khi họ lao vào cuộc sống buông thả, để mình sống trong tội lỗi, hoặc là lười biếng từ chối đón nhận vương quyền và sự điều khiển của Người.

Là công dân chúng ta được mời gọi phải tuân theo luật pháp của Chúa, luật pháp của Thiên Chúa không trói buộc con người nhưng giải thoát và đem đến tự do đích thực cho con người, bồi bổ tâm can, gia tăng sức mạnh. Là Thần dân của vua Giêsu, Chúng ta phải sống theo sự chỉ dạy của Ngài, Ngài muốn tất cả mọi người được hạnh phúc, Ngài muốn chúng ta đạt tới hạnh phúc bằng con đường Tám Mối Phúc Thật, bằng con đường hy sinh từ bỏ của Tin Mừng. Là công dân của vương quốc Giêsu, chúng ta được mời gọi sống niềm tin của chúng ta vào nơi Thiên Chúa, phó thác cuộc đời chúng ta cho tình yêu quan phòng của Ngài, và có quyền tự hào về niềm tin ấy.

Là công dân của Vua Sự Thật, chúng ta cũng phải dám sống và bênh vực cho công bình và sự thật, và còn phải chiến đấu để loại trừ khỏi tâm hồn và cuộc sống chúng ta mọi hình thức của sự gian dối bất công, góp phần làm cho môi trường xã hội thực sự trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hãy loại trừ sự gian dối trong suy nghĩ trong lời nói và hành động, sống ngay thẳng trong tâm hồn, nơi gia đình, ở nơi công sở, nơi buôn bán làm ăn.

Là gia đình Công Giáo, các bậc cha mẹ hãy đặt vua Giêsu làm trọng tâm gia đình mình, hãy tôn Ngài làm vua, làm chủ của gia đình qua các giờ kinh sớm tối và để Ngài điều khiển công việc làm ăn của gia đình. Hãy để Ngài phân giải những bất hòa bất đồng giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, và để Ngài đem đến bình an và niềm vui cho gia đình.

Các bạn trẻ cũng cần đặt lại cho mình câu hỏi: Ai đang làm vua trong cuộc đời tôi? Tôi đang phò vua nào? Có thể rằng nhiều người đã đầu hàng trước những thứ vua của thế gian, vua vật chất và kể cả vua quỷ và để những thứ vua ấy đang thống lĩnh trong cuộc đời mình. Nhiều người đang quay cuồng vì mong làm giàu, để cho vua tiền bạc sai khiến, người khác thì bị cuốn hút bởi các thứ vua công nghệ và kỹ thuật khiến họ không còn thời gian cho Vua Giêsu, nhiều người khác đánh đổi linh hồn mình, đánh đổi cả vua Giêsu để tìm kiếm địa vị, bằng cấp…. Tôn vinh Vua Giêsu hôm nay đòi mỗi người cần tái khẳng định lòng tin và sự trung thành của chúng ta đối với Ngài mỗi ngày, và quyết tâm sống theo sự dẫn dắt của Ngài.

Xin vua Giêsu luôn mãi làm chủ tâm hồn và điều khiển cả con người và cuộc đời chúng ta. Amen

 

GÓP PHẦN KIẾN TẠO “TRỜI MỚI ĐẤT MỚI”

Lm. Đan Vinh

 I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 18,33-37

(33) Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?” (34) Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về Tôi?”. (35) Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?” (36) Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”. (37) Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là Vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: Đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

2. Ý CHÍNH: Trước tòa án của quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su đã cho ông biết về Vương Quốc của Người. Vương Quốc ấy thiêng liêng và không thuộc về thế gian, không có quân đội và không biên giới. Đức Giê-su cũng khẳng định Người là Vua, nhưng là vị Vua Thiên Sai, đến để làm chứng cho sự thật. Thần dân của Người là những ai sẵn sàng tin theo sự thật của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 33-34: + Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su: Đức Giê-su đã bị dân quân Đền thờ bắt tại vườn Cây Dầu vào đêm thứ Năm sau bữa tiệc ly Vượt Qua mừng trước. Sau khi bị bắt Đức Giê-su đã bị tòa án tôn giáo xét xử và bị thương tế Cai-pha kết án tử hình(x Ga 18,19-24). Tuy nhiên vì các đầu mục Do thái đã bị người Rôma truất quyền kết án tử hình (x. Ga 18,31), nên sáng hôm sau, họ đã giải Đức Giê-su đến dinh quan Phi-la-tô để yêu cầu ông này kết án tử hình cho Đức Giê-su. Họ đứng ngòai sân chứ không vào trong nhà để tránh bị ô uế theo Luật, mà ai vi phạm sẽ không được ăn mừng lễ Vượt Qua (x Ga 18,28b). Quan Phi-la-tô đã phải ra ngòai hành lang để gặp họ. Sau khi biết rõ ý họ muốn, Phi-la-tô đã vào trong phòng thẩm vấn Đức Giê-su + “Ông có phải là Vua dân Do thái không?”: Người Do thái đã tố cáo gian cho Đức Giê-su tội phạm chính trị là xưng mình là Vua dân Do thái, để yêu cầu quan Phi-la-tô quy tội phản lọan và kết án tử hình cho Người. Do đó Phi-la-tô  tra vấn Người về việc này. + “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”: Đức Giê-su không trực tiếp trả lời câu hỏi của Phi-la-tô, nhưng Người gợi ý để ông tự xét lời tố cáo đó có cơ sở không hay chỉ là sự vu cáo bịa đặt?

- C 35: + Tôi là người Do thái sao?: Phi-la-tô cho biết ông không quan tâm đến những vấn đề tôn giáo, vì ông không phải là người Do thái! + Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?: Phi-la-tô cho biết dân chúng và các đầu mục Do thái đã tố cáo như thế để yêu cầu ông xét xử. Ông hỏi Đức Giê-su đã làm gì chống lại họ để đến nỗi bị họ tố cáo như vậy?

- C 36: + “Nước tôi không thuộc về thế gian này”: Đức Giê-su không chối điều họ tố cáo, nhưng Người xác định mình không phải là ông vua trần tục. Vì Nước của Người không thuộc về thế gian này. + “nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái”: Lời này cho thấy sự khác biệt giữa vương quốc thế gian và Vương Quốc của Thiên Chúa. Khác về tinh thần cai trị (x. Mt 20,24-28), về hiến pháp (x. Mt 5,1-12), về điều kiện gia nhập (x. Mt 7,21), về sự vững bền (x. Mt 25,46), về tương quan giữa vua với dân (x Ga 13,12-15).

- C 37: + “Vậy ông là vua ư?”: Đặt câu hỏi này, Phi-la-tô chỉ tò mò muốn biết thêm về chức vị vua thiêng liêng trong Nước Trời của Đức Giê-su, chứ ông không nghĩ Người là vua thế tục. Phi-la-tô biết rõ Đức Giê-su không làm loạn, vì Người không có quân đội để tự vệ khi bị người Do thái vây bắt. + “Chính ngài nói: tôi là vua”: Đức Giê-su xác nhận Người là Vua. nhưng là Vua Tình Yêu, Vua Mục Tử: Người hiểu biết từng con chiên (x. Ga 10,14), nuôi dưỡng đàn chiên (x. Ga 10,3), đi tìm chiên lạc (x. Ga 10,16), bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đàn chiên (x. Ga 10,11.15). Tóm lại, Người đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). + “Tôi đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật”: Sứ mệnh của Đức Giê-su là đến để làm chứng cho sự thật. ** làm chứng theo tiếng Hy Lạp nghĩa là tử đạo. Đức Giê-su làm chứng cho sự thật bằng việc đổ máu ra vì yêu nhân loại đến cùng ** Sự thật không có nghĩa là không gian dối, nhưng chính là Tin Mừng Nước Trời mà Người loan báo. Sự Thật ấy cũng là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, đã được biểu lộ qua cuộc đời, lời rao giảng và nhất là trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giê-su. + Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”: Đức Giê-su đến không những để cứu độ dân Do thái là dân được Thiên Chúa ưu tuyển, mà Người còn đến cứu mọi dân nước tin vào Tin Mừng của Người và gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và là Thiên Đàng mai sau.

4. CÂU HỎI: 1)Tại sao các đầu mục Do Thái lại phải giải Đức Giê-su đến tòa án của quan Phi-la-tô? 2)Tại sao người Do thái không vào trong nhà làm cho quan Phi-la-tô phải đi ra ngòai hành lang để tiếp họ đứng dưới sân? 3)Đức Giê-su cho Phi-la-tô biết Nước Trời do Người thiết lập có những đặc tính nào khác với nước thế gian? 4)Khi hỏi Đức Giê-su: “Ông là Vua ư?”, Phi-la-tô có tin những lời các đầu mục Do thái tố cáo Đức Giê-su không? 5)Đức Giê-su nhận mình là Vua nhưng chức vị này có những phẩm chất nào? 6)Đức Giê-su đến để “Làm chứng cho Sự Thật” nào và làm chứng bằng cách nào? 7)Ngòai dân Do thái ra, Đức Giê-su còn đến cứu độ những ai?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi là Vua” (Ga 18,37):

2. CÂU CHUYỆN:

Lịch sử nước Anh có câu chuyện về một ông vua có lòng khiêm nhường và đạo đức tên là KÊ-NẮT Đệ Tam (CANUT III). Là vua của một cường quốc, nên chung quanh ông ta lúc nào cũng có những nịnh thần nói lời ca tụng, tâng bốc. Một hôm, trong một buổi triều yết, các nịnh thần đã nịnh hót nhà vua như sau: “Muôn tâu thánh thượng! Thánh thượng là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa”.-“Thánh thượng có toàn quyền cả trong đất liền cũng như ngòai biển cả bao la!”

Nghe vậy, nhà vua muốn dạy cho quần thần một bài học, nên đã mời tất cả quan chức triều đình cùng đi du lịch đến một bãi biển dành riêng cho hoàng gia. Khi mọi người đều theo sau nhà vua xuống bãi tắm đang có các cơn sóng vỗ rì rào, nhà vua liền tuyên bố: “Hỡi biển cả kia. Nhiều người nói ta là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa, có quyền trên đất liền và trên biển khơi. Vậy hỡi biển cả hãy nghe đây: Ta truyền cho sóng biển không được tràn tới nữa!”. Nhưng dù nhà vua đã ra lệnh, mà nước biển vẫn cứ từng đợt thi nhau đổ tới tấp lên bãi cát làm ướt cả áo cẩm bào của nhà vua cùng quần áo quan chức triều đình! Sau đó nhà vua dẫn quần thần đến một nhà nguyện gần đó. Vua quì gối trước tượng Thánh giá Chúa Giê-su, lấy ra chiếc vương miện bằng vàng đội lên đầu Chúa và cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giê-su. Chỉ có Chúa mới là “Vua trên hết các vua”, là “Chúa trên hết các chúa”. Chỉ có Chúa mới “có quyền trên cả đất liền cũng như biển khơi” Con xin ngợi khen Chúa. AL-LÊ-LU-IA!”.

3. SUY NIỆM:

1) Hôm nay là ngày Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Chúa Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã khẳng định trước mặt quan Phi-la-tô: “Phải, tôi là Vua”.

2) Đức Giê-su là Vua, vì Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Đấng đã dùng Lời quyền năng sáng tạo nên vũ trụ vạn vật như sau: “Phải có ánh sáng! Liền có ánh sáng” (x. St 1,3). Đức Giê-su thực là Vua, vì Người đã chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết bằng Lời quyền năng như sau: “Câm đi và hãy xuất khỏi người này!” (Mc 1,25-27) ; “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5) ; “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43).

3) Người từng tuyên bố: Nước Người không thuộc về trần gian này. Vương quyền Người không dựa trên sức mạnh của vũ khí quân đội mà dựa trên tình yêu. Bao nhiêu vua chúa, bao nhiêu triều đại xưa đã từng xuất hiện một thời trên trần thế, thì nay đều đã bị diệt vong. Chỉ duy Vương Quyền của Đức Giê-su vẫn luôn tồn tại và hiển trị trong các tâm hồn.

4) Chúa Ki-tô chiến thắng! Chúa Ki-tô trị vì! Chúa Ki-tô hiển trị muôn đời! (“Christus vincit. Christus regnat. Christus... imperat”): Ngày nay các tín hữu chúng ta tôn kính Vua Giê-su không phải chỉ bằng nghi lễ trong nhà thờ, bằng việc ca hát tung hô Người … Nhưng quan trọng hơn: Chúng ta phải tích cực góp phần xây dựng Nước Trời yêu thương an bình hạnh phúc ngay từ trong gia đình đến khu xóm, chợ búa, trường học, xí nghiệp, sở làm và mọi lúc mọi nơi… Chúng ta phải làm thế nào để mọi người nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha, sống chan hòa yêu thương nhau như anh em trong đại gia đình của Thiên Chúa, dưới quyền cai trị của Đức Giê-su Vua vũ trụ, như Người đã phán trước khi lên trời: “Thầy đã được trao tòan quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20)..

4. THẢO LUẬN: 1)Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để Chúa Giê-su làm Vua gia đình mình? 2)Chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho anh em lương dân, hầu mở rộng Vương Quyền của Vua Giê-su đến tận cùng thế giới?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Ngày nay các bạn trẻ thường hay chọn cho mình một thần tượng để tôn sùng và bắt chước: Người thì mê vua bóng đá Pê-lê; Có người lại chạy theo vua nhạc Rốc Mai-côn Giắc-sân (michael jackson). Có những cô gái cố trang điểm, ăn mặc giống như cô ca sĩ này, hay người mẫu nọ... còn chúng con là môn đệ của Chúa, chúng con có Chúa là vị thần tượng ưu việt duy nhất. Ước chi chúng con nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21)- Từ nay “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

- Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa là Vua của sự thật. Xin cho chúng con biết yêu sự thật và nói thật để mưu ích cho tha nhân, (nhưng không phải mọi sự thật đều nên nói ra). Xin cho chúng con tránh những lời dối trá lừa đảo. Trong giao tiếp xã hội, xin cho chúng con tránh thái độ đạo đức giả của các người Pha-ri-sêu và kinh sư đã bị Chúa nặng lời quở trách (x. Mt 23,13-36). Trong quan hệ làm ăn buôn bán, xin giúp chúng con biết buôn ngay bán thật, không nói rước nói thách, không làm hàng gian hàng giả, không cư xử bất công lường gạt người nhẹ dạ dễ tin. Xin Chúa giúp chúng con luôn trung thực trong lời nói việc làm, để xứng đáng là con dân của Vua Giê-su “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

 

LỄ CHÚA KITÔ VUA

                                                                                                              Antôn Lương văn Liêm

Vào mỗi buổi sáng sau khi cải trang thành người dân bình dị, đức vua âm thầm rời cung điện vi hành đến với người hành khất đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Trước lạ, sau quen, để rồi họ cùng tâm sự, cùng chia sẻ với nhau những vui, buồn và cả những gì mà những khách qua đường dừng chân bố thí. Ngày qua ngày đức vua và người hành khất trở thành người bạn tâm giao khi đức vua nói với người hành khất:

Anh là người bạn tốt nhất trong những người bạn mà tôi từng gặp gỡ.

Người hành khất mỉm cười. Ông đâu biết người thường xuyên đến tâm sự với ông là đức vua, người  đang cai quản vương quốc mà ông là thần dân. 

Như mọi ngày, người hành khất trông chờ người bạn. Đức vua đã đến, nhưng hôm nay trông ông hơi khác hơn, lạ hơn từ cử điệu cho đến giọng nói. Sau những lời chào hỏi, đức vua ôn tồn nói:

Này anh bạn! Tôi nói điều này chắc anh sẽ ngạc nhiên, nhưng không sao, mãi mãi anh vẫn là người bạn thân nhất và tốt nhất của tôi.

Người hành khất sững sờ khi biết được người vẫn thường xuyên tâm sự với mình là đức vua, không những thế đức vua còn hứa rằng: nếu ông muốn gì đức vua cũng ban tặng. Sau giây phút nửa mừng, nửa lo, người hành khất cất tiếng:

Thưa đức vua! Đối với hạ thần, không món quà nào lớn hơn món quà mà đức vua ban cho thần, đó là được làm bạn với đức vua.

Nghe người hành khất nói như thế đức vua rất cảm kích và ban tặng cho ông nhiều bổng lộc giúp ông thoát cảnh màn trời, chiếu đất.

Vâng! Một chút gì đó làm ta cảm kích cách sống, hành xử của đức vua lẫn người hành khất trong câu chuyện trên, vì để trở thành bạn với nhau, họ tạm quên danh phận, quên đi tất cả những cung vàng điện ngọc, quên đi những nhọc nhằn, tủi hổ của kiếp ăn mày. Để rồi ngày qua ngày họ cùng nhau giãi bày, tâm sự và lắng nghe nhau, chia sớt cho nhau những gì họ có….

Hôm nay, bước vào những tuần đầu của năm thánh Đức Tin, tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ 2012. Giáo Hội mời gọi ta chiêm ngắm, suy tôn một Đức Vua. Ngài là Đấng đã tác dựng nên vũ trụ, vạn vật, tác dựng nên con người nhân loại, trong đó có cả đức vua và người hành khất trong câu chuyện trên. Đức Vua ấy chính là Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Vua Tình Yêu.

Cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô Vua, ta cảm thấy phấn khích, hân hoan khi ca đoàn nơi các thánh đường cất lên giai điệu trầm bổng qua những nhạc phẩm: Ôi Giêsu (Huyền - Linh), lạy Chúa là Vua (Duy Thiên), Giêsu Vua Tình Yêu (Dominic)..Ta phấn khích, ta hân hoan đó, thế nhưng, có bao giờ ta dừng lại trong cõi lặng để suy tư, chiêm ngắm dung mạo thực của Vua Giêsu Kitô, Đấng vì một chữ yêu đã từ bỏ trời cao, bước xuống cõi phàm trần như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế...”(Pl.2,6-7).

Vâng! Đức Giêsu Kitô, Ngài là một vị Vua vô tiền khoáng hậu, một vị Vua không giống những vị vua trần thế như Ngài đã minh định: “ Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này…”(x.Ga.18,33-38). Chính vì nước của Vua Giêsu Kitô không theo cách nghĩ của thế gian và không thuộc về thế gian mà Ngài đã sinh ra nơi hang đá tanh hôi giữa cái lạnh, cái thiếu thốn cơ cực; giữa những ganh ghét của người đời qua hình ảnh của Hêrôđê bạo chúa khi ông ta tìm cách sát hại Ngài sau khi được ba nhà Đạo Sỹ cho biết qua câu hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông…”(x Mt.2,1-18). Vì nước của Vua Giêsu Kitô không theo và không thuộc về thế gian, nên ngai vàng của Ngài là Thập giá, vương niệm của Ngài là mũ gai, Ngài đăng quang vào buổi chiều ngày thứ sáu trên đỉnh đồi Canvê. Quả là ngược đời!?

Điều ngược đời và khó hiểu nhất của Vua Giêsu Kitô, đó là Ngài cai quản, chăm sóc và gìn giữ thần dân của mình không bằng binh hùng, tướng mạnh, không bằng những đạo luật khắt khe, nhưng bằng một Trái Tim Nhân Ái, bằng sự hiến thân, phục vụ và cho đi. Hiến pháp và luật pháp của Ngài là “Mười Điều Răn” và “Tám Mối Phúc” đời đời không thay đổi, cả hai được gói gọn trong một từ “Yêu”. Thần dân của Vua Giêsu Kitô bao gồm tất cả con người nhân loại, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ, màu da, chủng tộc. Vương Quốc của Ngài không biên giới. Tình Yêu của Vua Giêsu Kitô dành cho thần dân qua việc Ngài hiến giá máu của Ngài để nên của lễ đền tội, Ngài hiến chính thịt máu của Ngài làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn và thân xác, không chỉ một ngày, nhưng mọi ngày và mọi thời.

Quả thật! Trên thế gian này không ngôn ngữ, không ý thơ hay dòng nhạc nào có thể diễn tả một cách trọn vẹn hình ảnh và tình yêu của Đức Vua Giêsu Kitô. Hình ảnh và tình yêu của Đức Vua Giê su Ki tô là một mầu nhiệm, đã là mầu nhiệm thì ta không thể cảm và hiểu thấu bằng trí óc thấp hèn, ta chỉ có thể cảm và hiểu được dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần nơi Kinh Thánh và qua lăng kính Đức Tin. Đây là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho ta ngang qua Đức Vua Giêsu Kitô.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa đã mời gọi và cho ta trở thành thần dân của Vua Giêsu Kitô, ta cảm tạ Thiên Chúa đã tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên ta và gia đình, cộng đoàn và Giáo Hội trong suốt một năm phụng vụ; ta xin lỗi Chúa vì những thiếu xót trong bổn phận của một con dân trong Vương Quốc của Ngài; kế đến ta được mời gọi qua Giáo Hội nhìn lại cung cách tuyên xưng, sống và làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Vua Giêsu Kitô, đặc biệt trong Năm Thánh Đức Tin.

Trên bước đường lữ hành trần thế, còn đó những ông vua thế gian: “Danh-Lợi-Thú…” luôn mời gọi, lôi kéo ta trở thành thần dân, trở thành nô lệ cho chúng bằng những lời hoa mỹ, ngọt ngào, nếu ta không tỉnh thức nhờ ơn Chúa, ta dễ dàng quên mình đã là thần dân của Vua Giêsu mà cất bước đi theo, để rồi sau khi cất bước đi theo, ta sa chân vào cõi chết. Giữa xã hội ngày hôm nay, còn đó những ông vua qua nhiều danh xưng: Tổng Thống, Chủ Tịch… “Coi Trời bằng vung”, cách hành xử và cai quản thần dân của những ông vua này theo chủ nghĩa “Sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi”…!

Để giúp ta không sa chân vào cạm bẫy, ngã quỵ trước những lời mời gọi ngọt ngào của những ông vua “Danh-Lợi-Thú”, để có những ông vua cai quản và chăm sóc thần dân của mình theo gương Đức Vua Giêsu, trước tiên ta phải cầu nguyện cùng Đức Vua Giêsu, nhờ ơn của Ngài giúp, ta dần trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh của Đức Vua Giêsu qua cách sống đạo đức, thánh thiện, bác ái và vị tha….Qua cách sống như lòng Chúa ước mong mà nhiều người, nhất là những người chưa tin, đón nhận Đức Vua Giê su là Vua, là Cứu Chúa của mình.

Lạy Đức Giêsu là Vua cua lòng con! Con xin chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa đã đón nhận con vào Vương Quốc của Chúa, xin uốn nắn lòng con để con thực sự trở thành thần dân của Chúa như lòng Chúa ước mong. Amen.

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- HÃY THỨC TỈNH VÀ CẦU NGUYỆN. Sr. Maria Nguyễn Sao
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A-TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU. Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN. Minh Tứ
     NGÀI ĐÓ SAO?
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- LỄ KITÔ VUA. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     KHI NÀO VỀ NƯỚC NGÀI, XIN NHỚ ĐẾN TÔI. Lm. HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C- LỄ KITÔ VUA. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền