Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 34

CHÚA NHẬT XXXIV TNC:

ĐỨC VUA GIÊSU YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ VÀ BẢO VỆ BẠN

(Bế mạc Năm Đức Tin 24/11/2013)

17_586_KiTo-Vua.jpgChế độ quân chủ ở Việt nam đã chấm dứt năm 1945 với chiếu thoái vị của vua Bảo Đại. Từ đó đến nay, người ta không ngừng phê phán chế độ quân chủ, coi các vua như là những kẻ chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, và ca ngợi chế độ mới, mà không công tâm để đánh giá lại những đóng góp to lớn của các vua Nhà Nguyễn ở nước ta. Cũng vì thế khiến cho nhiều thế hệ mang một hình ảnh không tốt đẹp về các vị vua. Thế nhưng từ ban đầu các vua không phải là những con người xấu xa trụy lạc, mà là những thủ lãnh hết mình vì dân, mở rộng bờ cõi, xây dựng hòa bình, bảo vệ dân, chăm lo cho dân như cha mẹ lo cho con cái. Ngược lại, dân chúng cũng tỏ ra yêu mến kính trọng và hết sức tùng phục nhà vua của họ. Chúng ta có thể nhìn điều đó nơi thái đô cung kính và lòng yêu mến mà dân Thái Lan dành cho Đức Vua của họ, hoặc dân Anh dành sự tôn kính cho Nữ Hoàng.

Hôm nay, bước vào tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, cũng là ngày bế mạc Năm Đức Tin, Giáo Hội tôn xưng Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, để mời gọi chúng ta yêu mến, biết ơn, tôn vinh và đặt Ngài làm vua hướng dẫn và làm chủ cuộc đời của mình.

Tôn vinh Chúa Giêsu làm vua, Giáo hội muốn lấy lại hình ảnh đẹp nguyên thủy về một vị minh quân để diễn tả về quyền năng và tình yêu thương của Đức Giêsu đối với chúng ta. Đồng thời tôn vinh Ngài là Vua là Chúa, Đấng làm chủ của vũ trụ, mọi vật mọi loài trên trời và dưới đất. Ngài là Vua vì chính Ngài là vị Thiên Chúa quyền năng tạo dựng nên vũ trụ và muôn vật muôn loài, và Ngài vẫn tiếp tục quan phòng, truyền hơi thổi sức sống cho vũ trụ để vũ trụ này chuyển vần theo một trật tự tốt đẹp. Ngài là vua, là chủ, vì Ngài đã tạo dựng nên con người và còn cho con người được cộng tác với Ngài trong việc duy trì và làm cho vũ trụ và cuộc sống con nguời mỗi ngày tốt đẹp hơn.

Khác với nhiều vị vua trần thế tìm kiếm quyền lực và vinh quang cho bản thân và dòng dõi, thì Đức vua Giêsu là Đức Vua yêu thương dân Ngài như người cha yêu thương con cái, như  mục tử yêu thương đàn chiên. Kinh Thánh đã dùng hình ảnh của Vua Đavít để báo trước về sứ mạng và vai trò của vua Giêsu, vì Đavít được gọi là một vi vua thánh. Ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành người dẫn dắt dân Chúa. Chính ông đã đem lại cho dân Chúa một thời kỳ thái bình thịnh vượng nhất trong lịch sử. Bài đọc sách Samuel hôm nay thuật lại giai đoàn đầu triều đại nhà vua, khi ông lên ngôi làm vua các chi tộc phía Nam đất Giuda, tiếng tăm về lòng đạo đức cũng như sự tài khéo, lòng yêu thương của ông đã khiến cho các chi tộc miền Bắc thuộc đất Israel kéo đến để xin ông cũng làm vua của họ, hường dẫn họ và bảo vệ họ: Chúng tôi cũng là cốt nhục của Ngài, xin Ngài cũng hãy làm vua chúng tôi. Chính Đức Chúa cũng đã nói với Ngài rằng: Chính Người sẽ chăn dắt Israel dân ta.

Chúa Giêsu là vị vua phục vụ. Khác với các vua chúa trần gian ngồi trên ngai vàng để được nguời khác phục vụ, thì Vua Giêsu đã không chỉ bước xuống khỏi địa vị Thiên Chúa của mình, mà Ngài còn bước đến với con người, và cúi xuống để phục vụ con người. Ngài phục vụ bằng cách tìm kiếm con người nhất là những con người lầm lạc để đưa họ về với con đường của Thiên Chúa, Ngài đã đem Tin Mừng tình thương cứu độ đến cho mọi người, Ngài nâng dậy những ai gục ngã, an ủi kẻ đau khổ, chữa lành kẻ bệnh tật. Ngài đã biến mình thành người phục vụ như một người tôi tớ, Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho các tông đồ, và cuối cùng Ngài đã trao tặng cả máu thịt mình để phục vụ cho sự sống của con người.

Đức Giêsu là vị vua bảo vệ chúng ta. Giống như vị vua phải xông pha trận mạc để bảo vệ dân mình, thì Đức Giêsu, như người mục tử đã hết mình bảo vệ chúng ta là đàn chiên của Ngài khỏi sự tấn cống của sói dữ là ma quỷ, và khỏi những nguy hiểm của tội lỗi, chấp nhận mang lấy thương tích vào mình. Trong trận chiến quyết liệt cuối cùng trên thập giá, Ngài đã chấp nhận cả cái chết để thế mạng cho chúng ta và cứu chúng ta khỏi chết. Thánh Phaolô đã khuyên cộng đoàn  Colose: Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha đã làm cho anh em xứng đáng chung hưởng phần gia nghệpNgài đã giải thoát chúng ta khỏi uyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái. Trong Thánh Tử, ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.

Tuy nhiên để nhận ra Đức Giêsu là vua và tôn vinh Ngài, cần phải có một cái nhìn chính xác về Ngài đó là cái nhìn trong đức tin và đón nhận vương quyền của Ngài. Nếu nhìn theo con mắt bên ngoài, thì cuộc chiến của Chúa Giêsu trên thập giá là một cuộc thất bại nặng nề. Tiêu biểu cho cái nhìn sai lạc và kiêu ngạo này là cái nhìn của các thủ lãnh Do Thái và của tên trộm dữ. Những thủ lãnh Do Thái khi đã treo được Người lên thập giá, họ thỏa mãn với sự căm thù, lòng ghen tương ích kỷ của mình, họ tưởng rằng họ đã trả thù được ông Giêsu, và họ còn nhạo cưới thách thức: Hắn đã cứu được người khác thì hãy cứu lấy mình đi, nếu thực sự hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa! Để thỏa mãn cho sự cao ngạo của mình và gây nhục nhã cho Chúa Giêsu, họ đã dâng cho Ngài giấm chua để uống, và còn đóng phía trên thập giá bản án viết rằng:  Đây là vua người Do Thái. Bản án ấy vô tình lại trở thành lời giới thiệu và xác nhận vị thế của Chúa Giêsu là vua. Không khác gì những nhà lãnh đạo do Thái, tên trộm bị đóng đinh cùng Đức Giêsu cũng dựa vào cái nhìn bên ngoài để thách thức Chúa: Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu mình và cứu cả tôi nữa!

Ngược lại, với cái nhìn của lòng tin và sự khiêm nhường, người trộm lành đã đứng ra bênh vực Chúa Giêsu, anh ta tin rằng Ông Giêsu này là một người công chính và là Thiên Chúa và cái chết của Ngài chắc chắn khác với cái chết của anh, và anh nói cho tên trộm dữ kia biết rằng: mày cùng chịu đồng một án, mà mày không kính sợ Thiên Chúa sao? Chúng ta chịu như thế này là đích đáng với việc chúng ta đã làm, còn ông này ông có làm gì xấu đâu? Vì tin, anh đã xin được gia nhập vào vương quốc của Đức Giêsu và làm thần dân của Ngài và anh ta khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu: Lạy Ngài khi nào về Nước của Ngài xin nhớ đến tôi! Chúa Giêsu đã đón nhận anh khi tuyên bố: Ngay hôm nay ngươi sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng.

Thưa quý OBACE, sau một năm cử hành Năm Đức Tin, chúng ta cùng với cả Giáo Hội có dịp nhìn lại và làm mới đời sống đức tin của mình, đồng thời mỗi người sẽ trở thành người bảo vệ và giới thiệu đức tin cho mọi người chung quanh. Tin Đức Giêsu là vua, có nghĩa là đón nhận và mời Ngài vào làm chủ cuộc đời của mình, của gia đình, như xưa những người Israel đã đến mời Đavit làm vua của họ, để Ngài điều khiền, hướng dẫn và bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự tấn công của ma qủy và những cám dỗ ngày nay. Tin và tuyên xưng Chúa là vua là dám sống phó thác cho sự chăm sóc quan phòng yêu thương của Ngài.

 Với các bậc làm ông bà cha mẹ, hãy để Đức Giêsu làm vua trong tâm hồn của mình, để Ngài điều khiển hướng dẫn nếp sống của bản thân và gia đình, biết dành ưu tiên cuộc đời và thời giờ cho Chúa. Tôn vinh Ngài làm vua còn là biết mở rộng tâm hồn đón rước Ngài bước tâm hồn vào qua Bí Tích Giải tội và Thánh Thể. Vì qua Bí tich Giải tội, Ngài thực sự là một vị vua nhân từ xét xử khoan dung và tha thứ, đồng thời chăm sóc chữa lành cho tâm hồn chúng ta. Qua Bí tích Thánh Thể, Vua Giêsu đã phục vụ chúng ta cho đến cùng, đã trao ban mình máu Người làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn và cuộc sống chúng ta. Hãy tôn vinh Ngài là vua của gia đình, để hết mọi thành viên trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cái luôn thấy Ngài hiện diện và bảo vệ cho hạnh phúc gia đình của mình.

Ngày nay giới trẻ cũng đang tìm và tôn cho mình những vị vua như vua bóng đá, vua nhạc rock, và các thứ vua khác như là thần tượng của mình, mà họ lại quên rằng vua Giêsu mới thực sự là lý tưởng là cùng đích cho cuộc đời của mỗi người. Chỉ có Ngài mới là Đấng có thể giải thoát và cứu độ chúng ta, chỉ có Ngài mới có thể giải gỡ được những băn khoăn trắc trở trong cuộc đời và chỉ có Ngài mới dẫn chúng ta tới hạnh phúc đich thực mà thôi. Vì thế đừng sợ trở thành thần dân của vua Giêsu, đừng sợ suy tôn Ngài và để Ngài dẫn dắt mình, vì Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta trái lại, Ngài luôn yêu thương phục vụ và bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của các trào lưu xấu của xã hội hôm nay. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

MỞ RỘNG VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU

I.      HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 23,35-43

(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là Người Được Tuyển Chọn”. (36) Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống, (37) và nói: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì cứu lấy mình đi! (38) Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái”. (39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thp giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. (40) Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà có Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. (42) Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (43) Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

2. Ý CHÍNH: Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su trên thập giá như một ông Vua ngự trên ngai vàng của mình. Do dân Do thái đang mong chờ một ông vua trần tục đến giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma, nên họ đã không nhận ra Đức Giê-su chính là Vua Mê-si-a: Dân chúng thì đứng nhìn, các đầu mục Do thái thì cười nhạo, lính tráng cũng chế giễu Người. Trên đầu Người có bản án như sau: “Đây là Vua người Do thái”. Hai tên gian phi thì một tên không tin Đức Giê-su nên đã nhục mạ Người, còn người kia tin đã bênh vực và cầu xin Người thương xót, nên đã trở thành người đầu tiên được nhận vào Nước Thiên Đàng của Đức Giê-su.

3. CHÚ THÍCH:

- C 35-38: + Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: Khi đối diện với thập giá của Đức Giê-su, dân chúng ngỡ ngàng đứng nhìn hậu quả của việc mình đã về hùa với kẻ ác lên án người công chính cách bất công. Còn các đầu mục Do thái thì hả hê vì đã hạ gục được một người đã dám chống lại họ. + Là Đấng Ki-tô: Ki-tô (Christos) là tiếng Hy Lạp, tương đương với từ Mê-si-a trong tiếng A-ram hay Do thái. Cả hai từ Mê-si-a và Ki-tô đều có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Xức dầu là một nghi thức tấn phong một người lên làm vua, tư tế hay ngôn sứ. Chẳng hạn: Sa-mu-en xức dầu phong cho Đa-vít làm vua (x. 1 Sm 16,13), Mô-sê xức dầu phong A-a-ron làm tư tế (x. 1 V 19,16), Ê-li-a được lệnh xức dầu phong Ê-li-sê làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16; Is 61,1). + Là Người Được Tuyển Chọn: Đây là tước hiệu đã được Chúa Cha xác nhận trước mặt ba môn đệ khi Đức Giê-su hiển dung trên núi (x. Lc 9,35), phù hợp với lời tuyên sấm của I-sai-a về người Tôi Trung, được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện công trình cứu độ, nhưng lại bị người đời khinh dể (x. Is 42,1). + Lính tráng cũng chế giễu Người: Lính tráng ở đây là binh sĩ Rô-ma. Chúng thi hành án lệnh của quan tổng trấn Phi-la-tô đóng đinh Đức Giê-su. Bọn lính này cũng vào hùa với các đầu mục Do thái chế giễu nhục mạ Người. + Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống: Giấm là một thứ nước Pó-ca pha chất chua mà quân lính Rô-ma hay dùng. + Đây là Vua người Do thái: Câu này do quan Phi-la-tô truyền viết gắn lên cây thập giá như bản án. Ngày nay trên cây Thánh giá, ta thấy có chữ INRI, là chữ viết tắt của câu tiếng La tinh: “JESUS NAZARETH REX JUDEORUM”, nghĩa là: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái” (x. Ga 19,19).

- C 39-41: + Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá: Thập giá là hình phạt của người Rô-ma dành cho các tử tội phản loạn hay phạm các tội đại gian đại ác. Nhưng nơi Đức Giê-su: Thập giá trở thành Thánh giá, thành phương thế cứu độ loài người. + “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”: Tên gian phi này đã nghĩ Đức Giê-su chỉ là một ông Vua Thiên Sai giả, không thể làm được những điều kỳ diệu, nên đã lên tiếng chế giễu Người. Đây cũng là cơn cám dỗ cuối cùng của ma quỷ, yêu cầu Đức Giê-su làm phép lạ phục vụ mình, giống như ma quỷ đã cám dỗ khi Người khởi đầu rao giảng Tin mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy...” (Lc 4,3). Dân làng Na-da-rét cũng có lần đã cám dỗ Người như thế (x. Lc 4,23). + Nhưng tên kia mắng nó...: Chỉ Tin mừng Lu-ca mới nhắc đến thái độ khác biệt của người gian phi có lòng sám hối này.

- C 42-43: + Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !: Trong hoàn cảnh đau thương như vậy thì lời bênh vực và kêu xin của người gian phi, dù có yếu ớt, nhưng cũng an ủi Đức Giê-su rất nhiều. Người đã lập tức tha tội và còn hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho anh, đúng như Người đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). + “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”: Thiên đàng là “trời cao” như lời thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Thiên đàng còn là “Trời Mới, Đất Mới” thay cho “trời cũ đất cũ” bị biết mất (x. Kh 21,1). Nơi đó sẽ “không có sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (x. Kh 21,4).

4. CÂU HỎI: 1) Tin mừng Lu-ca ghi nhận những thái độ của dân chúng, đầu mục Do thái, lính canh, hai tên gian phi trước cuộc tử nạn của Đức Giê-su thế nào ? 2) Ki-tô hay Mê-si-a nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Trong Thánh kinh, ba chức vụ nào được xức dầu trong nghi lễ tấn phong ? 3) Chữ INRI được gắn trên cây Thánh giá có nghĩa là gì ? 4) Tại sao lại gọi thập giá Đức Giê-su là Thánh giá ? 5) Cơn cám dỗ cuối cùng Đức Giê-su phải đương đầu trên cây Thánh giá thế nào ? 6) Câu nào của Đức Giê-su trên cây Thánh giá cho thấy Người tỏ ra ưu ái đặc biệt đối với tội nhân có lòng sám hối ? 7) Thiên đàng Đức Giê-su hứa với anh trộm lành là nơi nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái” (Lc 23,38).

2. CÂU CHUYỆN: ANH KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ CHO EM HƠN THẾ NỮA

Gần đây, các thợ lặn đã tìm được một con tàu đã bị đắm ở ngoài khơi biển Bắc Ái nhĩ lan cách đây 400 năm. Trong số các báu vật tìm được trên con tàu này, có một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Sau khi được lau chùi sạch sẽ, trên mặt nhẫn hiện ra một hàng chữ kèm theo hình một bàn tay đang cầm một quả tim đưa ra. Người ta đọc được câu ấy như sau: “Anh không còn gì để cho em hơn nữa”. Trong tất cả những báu vật tìm thấy trên con tàu, không vật nào khiến cho các tay thợ lặn cảm động cho bằng chiếc nhẫn với hàng chữ khắc ghi trên đó.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay là Chúa nhật cuối năm phụng vụ, Hội thánh mừng lễ Chúa Giê-su làm Vua để nhắc nhở chúng ta: Đức Giê-su chính là Vua của vũ trụ và cũng là Vua của mỗi người chúng ta. Vậy tước vị Vua của Đức Giê-su như thế nào và chúng ta phải làm gì để trở thành thần dân trong Nước Trời của Người ?

1) Giê-su là Vua: Đức Giê-su là Vua, nhưng không phải như hầu hết các ông vua trần tục: dùng bạo lực để chinh phục các dân tộc và cai trị dân chúng trong nước bằng sự hà khắc bóc lột để hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, đắm chìm trong các đam mê lạc thú … Còn Đức Giê-su là Vua Thiên Sai và là Vua Tình Yêu. Người muốn mọi người được hạnh phúc trong Nước của Người:

-Ông Vua Thiên Sai: Tiếng Do thái Thiên Sai là Mê-si-a (Messiah), tiếng Hy lạp là Khristos và tiếng La tinh là Christus (Ki-tô), nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Theo Cựu Ước, Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít như ngôn sứ Na-than đã tuyên sấm với Đa-vít: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền… Đối với nó, Ta sẽ là cha. Đối với Ta, nó sẽ là con. … Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó… Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta” (2 Sm 7,12-16). Về sau các ngôn sứ I-sai-a, Mi-ca… tiếp tục tuyên sấm về thân thế và sứ mệnh của Đấng Thiên Sai và dân Do thái luôn trông mong Đấng Thiên Sai đến. Đức Giê-su đã đến thi hành sứ mệnh thiên sai ứng nghiệm lời tuyên sấm của các ngôn sứ. Người đã chọn con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo ý Chúa Cha, nhờ đó đã được Chúa Cha tôn vinh làm “Chúa” muôn loài như lời thánh Phao-lô: “Nhờ đã hạ mình vâng lời chịu chết, một cái chết thập giá, mà Người đã được Thiên Chúa siêu tôn và ban một Danh trổi vượt trên muôn ngàn Danh hiệu là: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (x. Pl 2,8-9). Đến ngày sau hết, Đức Giê-su sẽ lại đến phán xét nhân loại như Vua Thẩm Phán. Người sẽ phân người ta thành hai loại là chiên và dê, dựa vào các việc bác ái cụ thể họ đã làm hay không làm khi còn sống (x. Mt 25,34-36.41-43).

-Ông Vua Tình Yêu : Đức Giê-su tự xưng là Mục Tử nhân lành. Người biết rõ từng con chiên, chăm sóc nuôi dưỡng cho chiên được sống và sống dồi dào, đi tìm chiên lạc để đem về đàn (x. Ga 10,10-11. 16-17). Tin mừng Gio-an viết: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở cùng môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20) và để ban Thịt Máu mình làm của ăn của uống ban sự sống đời đời cho họ (x. Ga 6,51). Người còn là Vua Hòa Bình biểu lộ qua việc ngồi trên con lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem (x. Lc 19,35-38). Trong vuộc khổ nạn, Người đã chứng tỏ tình yêu tột cùng bằng việc bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn để máu và nước chảy ra thanh tẩy tội lỗi thế gian (x. Ga 19,33-34). Người đã đã sẵn sàng chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người chúng ta và trở thành Ông Vua Tình Yêu. Trên đầu Người có bản án của Phi-la-tô như sau: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái” (x. Ga 15,13).

2)Vương Quốc của Vua Giê-su:

Để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Đức Giê-su đã thiết lập một Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. Sau thời gian ẩn dật 30 năm tại Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu đi công bố Tin Mừng Nước Trời (x. Mt 4,23-24). Người kêu gọi mọi người “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mc 1,12). Người nêu ra điều kiện để được vào Nước Trời là sống Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5,1-12).

Ai muốn làm môn đệ của Người phải bỏ đi cái tôi ích kỷ tự mãn và vác thập giá mình hằng ngày là sự chu toàn bổn phận, chấp nhận các điều trái ý vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 9,23). Người đòi môn đệ phải tuân giữ giới răn “mến Chúa yêu người”, phân phát gia sản cho người nghèo để đổi lấy kho báu thiêng liêng trên tròi rồi đi theo làm môn đệ của Người (x. Mt 19,21).

Đức Giê-su đòi các môn đệ phải thi hành giới răn “yêu thương nhau như Thầy đã yêu” (x. Ga 13,34-35). Cụ thể phải sống kinh Hòa Bình là bản tóm các lời dạy của Đức Giê-su. Người cũng muốn chúng ta tích cực truyên giáo bằng việc cầu xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt đến găt lúa đã chín vàng (x. Lc 10,2). Người muốn chúng ta dọn tâm hồn đón nhận Thần Khí hầu có thể chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người bắt đầu từ trong gia đình, rồi đến khu xóm, trường học, nhà máy, sở làm và trong mọi lúc mọi nơi (x. Cv 1,8).

Đức Giê-su muốn các tín hữu chúng ta phải biết cảm thông với Người bằng việc chuyên cần cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh, nhất là cầu cho những người đang lạc xa Chúa, những anh chị em lương dân… giúp họ sớm nhận biết tôn thờ Thiên Chúa và gia nhâp Hội Thánh.

c) Mở rộng Vương Quyền của Vua Giê-su: 

 Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện như sau: ”Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Ngày nay các tín hữu chúng ta tôn kính Vua Giê-su không những bằng những lời ca tiếng hát tại nhà thờ, đi tôn vương Thánh Tâm Chúa Giê-su tại các gia đình… Nhưng quan trọng hơn: cần tích cực xây dựng Nước Trời yêu thương an bình ngay từ trong gia đình, rồi tại nhà thờ, khu phố, sở làm và mọi lúc mọi nơi…

Chúng ta phải làm thế nào để mọi người trên thế giới đều nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa là Cha, sống chan hòa yêu thương nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa, theo lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi lên trời: “Thầy đã được trao tòan quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Nhờ Thần Khí của Chúa Giê-su Phục Sinh cùng nỗ lực loan báo Tin Mừng bằng lời nói, kèm theo cuộc sống chứng nhân chia sẻ bác ái và khiêm nhường phục vụ… hy vọng “Trời Mới Đất Mới” là Thiên Đàng Vương Quốc của Đức Giê-su sẽ mau xuất hiện.

 4. THẢO LUẬN: 1-Bạn có đồng ý câu: “Yêu thương là cho đi. Cho nhiều là dấu yêu thương nhiều. Cho cả mạng sống của mình là dấu chứng tỏ tình yêu tột đỉnh”? 2-Trong những ngày này bạn sẽ cho người thân những gì để biểu lộ tình yêu của bạn? 3-Để xứng đáng là thần dân trong Vương Quốc của Vua Giê-su, bạn cần làm gì từ bây giờ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU VUA VŨ TRỤ. Nếu chúng con chỉ nhìn Chúa vác thập giá và tuyên xưng Chúa là Vua của chúng con thì chưa đủ. Nếu chúng con chỉ ca ngợi Chúa trong thánh lễ hôm nay mà thôi cũng chưa đủ. Chúng con còn còn phải yêu mến và sống chết cho Chúa, phải chu toàn bổn phận làm cho Vương quốc của Chúa mau trị đến.

- LẠY VUA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết luôn quên mình và chấp nhận vác thập giá là những bệnh tật, là những con người trái tính trái nết đang sống bên cạnh, là những tai nạn rủi ro chúng con gặp phải trong cuộc sống hằng ngày... mà bước theo Chúa. Nhờ đó, hy vọng chúng con sẽ trở nên những môn đệ trung tín và khôn ngoan của Chúa, sẽ được Chúa tha tội và đến giờ chết, chúng con sẽ được Chúa nói: “Ta bảo thật, hôm nay, con sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”.

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên C: LỄ KI TÔ VUA. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA XXXIV THƯỜNG NIÊN B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN B.Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI SAU LỄ CHÚA KITÔ VUA: QUẢNG ĐẠI CHO ĐI. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN B. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN B. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A- HÃY THỨC TỈNH VÀ CẦU NGUYỆN. Sr. Maria Nguyễn Sao
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A-TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU. Thiên Thảo SJP