SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXVII TN. B
LỜI CHÚA: Lc 10, 38 - 42
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
SUY NIỆM:
Sáng thứ năm tuần trước, Giáo xứ tôi tổ chức lễ mừng Ngân khánh linh mục của cha Chánh xứ. từ một tuần trước đó, đã có cuộc họp của Ban Thường vụ và các Ban Ngành đoàn thể trong giáo xứ. Các công tác đã được chia. Các mảng đón tiếp, phục vụ lễ tân, ẩm thực… đều có các ban ngành chịu trách nhiệm. Thánh lễ dự trù sẽ có Đức cha chủ sự và hơn 50 linh mục đồng tế…. Sáng thứ năm, chính ngày lễ, từ sáng sớm đã nghe nhạc thánh ca trổi vang, khoảng 8g00, nhạc kèn, trống phách chào đón các vị khách quí đã vang lừng. Các đội ‘con hoa’ sặc sỡ trong áo đầm đủ màu tung hoa lên tân khách. Cha phó xứ đảm nhiệm trách vụ phát thanh viên chào mừng, giới thiệu Đức cha, quí cha, quí tu sĩ nam nữ và quí khách đến với giáo xứ. Một bầu khí thật là khẩn trương, tưng bừng và náo nhiệt! Đó là mặt tiền. Ở hậu hoa viên phía sau, bầu khí cũng khẩn trương, tưng bừng, náo nhiệt không kém; Ban phụ trách ẩm thực, nhân viên nấu ăn, các em phục vụ lăng xăng, tất bật để chuẩn bị và phục vụ cho bữa tiệc thiết đãi sau Thánh lễ. Ai nấy đều khẩn trương, ai nấy đều lo chu toàn nhiệm vụ trong khả năng có thể một cách tốt nhất. Buổi lễ mừng được đánh giá cao trong mọi mặt. Cha chánh xứ hân hoan, cả Giáo xứ vui mừng – Tuy vất vả nhưng ai nấy đều phấn khởi. Bởi vì kết quả có được là do sự đồng tâm hiệp lực của mọi thành phần trong Giáo xứ. Không ai buồn vì cảm thấy mình làm việc ở những khâu kém quan trọng hơn, nhưng tất cả đều vì ngày lễ, đều là tấm lòng đối với vị mục tử họ yêu quí.
Hôm nay đọc bài Tin mừng, trình thuật một cuộc đón tiếp khác – cuộc đón tiếp Đức Giê-su ở nhà chị em Macta và Maria – một cuộc đón tiếp không được chuẩn bị trước, không nhạc kèn, trống phách... Tự nhiên buổi lễ mừng tuần trước và biết bao buổi lễ mừng tương tự lại hiện về trong trí, khiến tôi chợt có một chút so sánh và thấy chạnh lòng. Cuộc đón tiếp Đức Giê-su và các môn đệ hôm nay chỉ có hai người: một người lo tiếp chuyện và một người tất bật lo nấu nướng phục vụ bữa ăn (ít nhất cho 13 người). Thật là thật là nhiêu khê và nan giải nhưng cũng thật là vinh dự cho hai chị em Macta và Maria. Tuy nhiên, có cái gì đó không ổn giữa hai chị em. Macta cảm thấy mình quá vất vả và bận rộn mà Maria thì lại ‘như cái gai trong mắt’ chẳng chịu làm gì cả, chỉ biết ngồi say sưa nghe Chúa nói chuyện – (Thật là bất công mà!) – Macta đã xin Chúa phân xử ‘cho vụ này’: “Thầy coi, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? (Macta trách Chúa rồi) Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (c.40). Đức Giê-su là một con người rất tinh tế, Ngài không chê tấm lòng, không phụ sự tất bật phục vụ của Macta, nhưng Ngài xác định “Maria đã chọn phần tốt nhất” phần mà “không ai có thể lấy mất được” (c.42).
Đã hẳn Đức Giê-su không bao giờ chê bai công việc phục vụ. Vì Người đã nói: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Cả cuộc đời của Ngài dùng để phục vụ - phục vụ Thiên Chúa, phục vụ con người. Trong suốt 33 năm tại thế, Ngài đã sống 30 năm âm thầm, ẩn dật. Đây là 30 năm học hỏi, 30 năm của hiệp thông, kết hợp và nhận định ý Cha. Ngài chỉ dành 3 năm để rao giảng và chữa lành; để công khai thực thi sứ vụ Cha trao. Và trong 3 năm này Ngài vẫn không thôi hiệp thông với Cha trong cầu nguyện. Ngài đã dành những thời gian rất riêng tư để trò chuyện, phân định và lãnh hội ý Cha, kín múc từ nơi Cha năng lực và sức mạnh cho những hoạt động của Người. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Ngài đã khẳng định với tên cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Và Ngài còn cho biết: “lương thực Ta dùng là thi hành thánh ý Chúa Cha” (Ga 4,34). Vì vậy, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa luôn là việc quan trọng hàng đầu; Vì đó là điều kiện tất yếu cho việc thực thi thánh ý của Người. Do đó, tư thế ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người của Maria là tư thế học hỏi của người môn đệ: lắng nghe và chiêm ngắm, để lời Chúa thấm vào tâm hồn, đi vào trái tim và chuyển thành hành động đã được Đức Giê-su khen ngợi ‘Maria chọn phần tốt nhất’. Phần Macta, bởi có lẽ thiếu sự lắng nghe Lời, nên có thể cũng thiếu đi lòng vị tha, thiếu sự tinh tế trong phần ‘tiếp khách’ (ai mà bỏ khách đó để chỉ đi lo công việc chứ?), mà có thể chỉ muốn khoe trương, trổ tài bếp núc, bực bội với Maria, trách Chúa; thành ra Macta đã chuyển mình thành trung tâm chú ý chứ không phải là Chúa. Hậu quả thật tai hại!
Trong cuộc sống, người ta thường lấy Macta và Maria làm biểu tượng cho hai mặt chiêm niệm và hoạt động (có dòng tu chuyên về chiêm niệm, có dòng tu chuyên hoạt động). Tuy nhiên, thực ra thì hai mặt chiêm niệm và hoạt động không thể tách rời nhau. Làm việc tông đồ mà không cầu nguyện, lắng nghe Chúa, thì công việc đó trở thành xác không hồn, đó là một thứ dịch vụ, một công việc tìm thỏa mãn hoặc hư danh cho chính bản thân. Những người ấy, dễ chán nản bỏ cuộc khi gặp thử thách, dễ tự ái và nhiều khi trở thành kẻ chống đối, phá hoại khi gặp trái ý hay bị xúc phạm…. Người cầu nguyện nhiều, nhưng không yêu thương, không muốn quan tâm đến tha nhân, không muốn phục vụ thì đó là một thứ đạo đức trá hình, một đức tin chết. Vì thế, cũng như tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đã được Đức Giê-su đặt làm quan trọng như nhau (x. Mt 22, 37 - 39), thì đời sống yêu mến gắn bó với Thiên Chúa qua cầu nguyện và đời sống yêu thương phục vụ tha nhân là một tương quan hai chiều không thể thiếu bất cứ bên nào. Càng sống gắn bó, yêu mến Thiên Chúa, người môn đệ đích thực của Đức Giê-su càng khát khao phục vụ Người qua tha nhân; đồng thời qua đời sống phục vụ yêu thương anh em, người môn đệ mang những nỗi đau thương, cùng khốn của cuộc đời trao vào tay Thiên Chúa để Người băng bó những thương tích và chữa lành.
Bài Tin mừng hôm nay một lần nữa cật vấn tôi về tình yêu tôi dành cho Thiên Chúa và người đồng loại. Tôi có tương quan thế nào với Thiên Chúa? Tôi đang làm công việc nào? Công việc của tôi là để phục vụ cho chính Thiên Chúa hay cho chính bản thân tôi? Xin Thiên Chúa giúp tôi củng cố mối tương quan với Người qua đời sống chuyên chăm cầu nguyện và học hỏi Lời Người, để tôi có thể yêu thương anh em cách chân thành và phục vụ không tính toán như Lời kinh hòa bình của Thánh Phanxico Assisi.
Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh