Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay năm C
TRONG ĐỨC GIÊSU MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐƯỢC HÌNH THÀNH
LỜI CHÚA: Ga 11, 45-56
(45) trong số những người Dothái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Ðức Giêsu làm, có kẻ đã tin vào Người. (46) Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Ðức Giêsu đã làm. (47) Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng hội Ðồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. (48) Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". (49) Một người trong Thượng Hội Ðồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, (50) các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". (51) Ðiều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Ðức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, (52) và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (53) Từ ngày đó, họ quyết định giết Ðức Giêsu. (54) Vậy Ðức Giêsu không đi lại công khai giữa người Dothái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ. (55) Lễ Vuợt Qua của người Dothái đã gần. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem trước lễ Vượt Qua để thanh tẩy mình. (56) Họ tìm Ðức Giêsu và đứng trong Ðền Thờ bàn tán với nhau: "Các ông có nghĩ rằng ông ấy sẽ không lên dự lễ chăng?"
SUY NIỆM: Sứ mệnh của Đức Giêsu, Ngài đến để thiết lập một vương quốc mới. Một vương quốc mà không phân biệt mầu da tiếng nói. Điều này đã được tiên báo trong sách bài đọc một của tiên tri Ezekiel: “22Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Ít-ra-en; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn chia thành hai vương quốc”. Và trong vương quốc này, Thiên Chúa không giới hạn bờ cõi, biên cương vương quốc là ở trong tim của mỗi người. “Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá Israel, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.” Để thực hiện được điều này, Thiên Chúa đã dùng cách thế khác với con người chúng ta. Đối với con người, họ dùng sức mạnh và võ khí để thu phục mọi vương quốc, từ đó họ thống trị trên toàn dân và bành chướng đến với các quốc gia xung quanh. Nhưng với Thiên Chúa thì khác. Ngài đến với thân phận một con người bị bỏ rơi và một kế hoạch xem ra như bị loại bỏ và thất bại. Điều này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Bằng đôi tay và trái tim, Ngài đã đến trần gian để xoa dịu vết thương phần hồn cũng như phần xác, việc này đã làm cho các nhà lãnh đạo Do Thái lúc đó phải thốt lên: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Và họ đã dốc tâm để triệt hạ Đức Giêsu, khi một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caiaphas, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Một điều lý thú trong bản văn này là, có sự trùng hợp giữa những gì Caiaphas nói và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Chúa Giêsu phải chết để tòan dân được hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa dùng ông để mặc khải ý định của Ngài: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” Như lời tiên-tri Ezekiel báo trước trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu đến để quy tụ dân thành một đòan chiên, và Ngài chính là Mục Tử Tốt Lành duy nhất chăn giữ đòan chiên này. Và như thế, một thế giới mới được hình thành trong Đức Giêsu, chính nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Người.
Phụng vụ Giáo Hội đang đi gần đến ngày tuần Thánh. Cao điểm chính là ngày Đức Giêsu bị trên trên Thập giá. Qua hai bài đọc hôm nay, giúp chúng ta xác tín rằng: Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, trước con mắt thế gian đó là một thảm bại, nhưng trong con mắt đức tin, Ngài chết để đưa nhân loại chúng ta về cho Thiên Chúa, mở ra một vương quốc mới, yêu thương thay cho hận thù, tha thứ thay cho hình phạt. Và trong thánh ý của Thiên Chúa, những gì xem ra là bất toàn lại trở nên công cụ hữu ích cho nhân loại chúng tra trên con đường lữ thứ trần gian này. Như Thánh Phaolô nói: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”
Lm. GB. Nguyễn Trường Sơn