Lời Chúa thứ hai Tuần Thánh
LỜI CHÚA:( Ga 12,1-11 )
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu : cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : “ Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo ?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói : “ Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.
Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu
SUY NIỆM:
Chúng ta đang ở trong giai đoạn cao điểm của Năm Phụng Vụ : cử hành Mầu Nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Cùng với thời tiết mùa hè nóng bức, oi ả, phụng vụ Lời Chúa đưa chúng ta ngày càng tới gần những gay cấn, xô xát,những đụng chạm nảy lửa giữa Chúa Giêsu và dân riêng của Ngài. Cuối cùng dân của Ngài cũng đưa Ngài lên cây thập giá như để thoả mãn cơn ghen tức của con người, như là một kết quả của tội lỗi và đúng hơn như là một biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Bài Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay nằm trong bối cảnh : Sau khi Chúa Giêsu cho La-da-rô sống lại từ cõi chết và thời điểm là gần Lễ Vượt Qua, ( trong lễ này, người Do Thái mừng kỷ niệm việc Thiên Chúa đưa dân Người ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập ). Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên con đường lên Jérusalem. Giờ đã điểm. Giờ mà Con Thiên Chúa được giương cao trên Thập giá và Thiên Chúa tôn vinh Con của Ngài. ( x. Pl 2,8-11 ). Giờ mà ánh sáng chiếu dọi và xua tan bóng tối. Giờ mà Ngài bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha ( x. Ga 17,28 ). Lần này Chúa Giêsu tự nguyện lên Jérusalem. Ngài không rút lui, không chạy trốn, không đi một cách bí mật, nhưng như con chiên hiền lành sẵn sàng cho người thợ xén lông, không kêu ca hay chống cự.
Để đi vào tâm tình của Chúa Giêsu trong những ngày trọng đại này, chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của các nhóm người trong Tin Mừng hôm nay.
1/ Nhóm người theo Chúa Giêsu :
Đó là gia đình Bê-ta-ni-a : có Macta là người phụ nữ đảm đang, quảng đại trong mọi việc tiếp đón, phục vụ. Có La-da-rô, bạn thân của Chúa Giêsu, đã được Chúa cho sống lại tuy đã chết 3 ngày, nặng mùi khí tử... và bây giờ đang ngồi ăn cùng một bàn với Chúa. Có Maria ngồi dưới chân Chúa với một hành vi lạ thường : đập vỡ bình dầu bạch ngọc, xoa lên chân Chúa và lấy tóc cô mà lau. Hành vi tiếp khách lạ thường, vì chủ nhà chỉ lấy nước rửa chân cho khách, chứ không
ai lấy dầu thơm cam tùng hảo hạng xức chân và lau chân bằng tóc bao giờ. Hành vi của cô là một cử chỉ yêu thương. Cô làm với tất cả tình yêu dành cho Thầy mình. Và Chúa Giêsu đã mặc cho hành vi cử chỉ yêu thương đầy cảm tính này thành hành vi tình yêu bất diêt của Thiên Chúa đối với con người “ cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” ( c 7 ). Việc làm của cô muôn đời thiên hạ còn nhắc tới. Cô thật diễm phúc vì được phục vụ chính thân thể Mầu Nhiệm của Con Thiên Chúa.
2/ Hành vi của Maria : không ai hiểu được ý nghĩa ngoài Chúa Giêsu. Vì thế, Giuđa Iscariốt phải buộc miệng thốt lên : Ôi ! sao không bán đi... để giúp người nghèo... phí quá ! Phần vì ham tiền, phần vì quá để ý về vật chất, mà ông không thể hiểu ý nghĩa sâu xa bên trong là “ chỉ về việc mai táng” Thầy mình. Hơn nữa, tác giả nói rõ : vì anh ta giữ túi tiền, nên muốn bớt xén` của công. Thật là con người tham lam ! Ông ghen tức ngay cả khi người khác quảng đại và ông còn muốn thu tóm những gì không phải là của mình.
Tuy tác giả Tin Mừng Gioan chưa đề cập đến vấn đề phản Thầy của Giuđa, nhưng chúng ta thấy lấp ló những manh tâm bội phản. Ông như ghen tỵ vì Thầy được trọng vọng, yêu mến, bằng cách ông so sánh Thầy với người nghèo. Và Chúa Giêsu khẳng định : “ người nghèo luôn ở bên anh em, còn Thầy se không có mãi đâu” ( c 8 ). Ông vô tình đến nỗi khi Chúa Giêsu thốt lên điều này để biểu lộ tâm trạng khi đến gần “ cái chết” ông vẫn không phản ứng, không tìm hiểu suy nghĩ xem lời đó có ý nghĩa gì.
Còn người Do Thái tuôn đến chỉ : nhìn tận mắt anh La-da-rô, người đã chết mà nay đã sống lại và chỉ muốn giết anh mà thôi ( c 9-10 ). Chúng ta thấy dã tâm của con người nay đã lộ rõ ràng: Chỉ vì muốn lấy lại địa vị, danh vọng, tình yêu của người khác mà người Do Thái có những hành vi sát nhân ( c.11) . Khi miêu tả hành vi lên Jérusalem của Chúa Giêsu, Bốn tác giả Tin Mừng đều nói rõ mục đích của người Do Thái : MUỐN GIẾT CHÚA GIÊSU vì GHEN TỴ lòng ghen tỵ sẵn sàng triệt hạ người khác bằng bất cứ giá nào. Con người ngày nay cũng vậy. Họ kiếm tiền bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để đạt được “ ghế này, ghế nọ”. Họ sẵn sàng hy sinh thời gian, sức khoẻ và ngay cả người thân... để đạt được ý nguyện. Thật là ích kỷ và tàn nhẫn !. Họ mãi chạy theo một thần tượng, sẵn sàng làm nô lệ cho dục vọng, danh vọng... để cuối cùng tự nhắm mắt xuôi tay, họ để lại tất cả nói đúng hơn, họ không thể mang theo được gì.
3/ Thái độ của Chúa Giêsu :
Càng ngày như Ngài càng ý thức về “ Giờ” của Ngài. Ngài sẵn sàng đáp lời xin vâng, để ý Cha được thực hiện nơi Ngài. Ngài chấp nhận đối đầu như con chiên tự nguyện hiến tế. “ Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hi sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hi sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,18 ) và Ngài khẳng định đó là điều đẹp ý Chúa Cha. “Chúa Cha yêu mến tôi là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” ( 10,17 ).
Nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta thấy : Để đáp lại những thù oán, ghen ghét của người Do Thái Ngài đã trao ban tình yêu và tha thứ : “ Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” ( Lc 23,34 ). Ngài đã đáp lại sự hững hờ, vô tâm của Giuđa bằng lời giải thích ân cần, kiên nhẫn chờ đợi. Đáp lại chân tình của Maria, Ngài đã đưa cô lên một bậc cao hơn, một Tình yêu vô vị lợi, phổ quát hơn. Và cô như một sứ giả loan báo tình thương của Ngài qua sứ điệp Phục Sinh : “ Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ...” ( 20,17 )
Lạy Chúa, chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc Mùa Chay, xin cho chúng con biết soi minh trong những nhân vật trên, để chúng con nhận ra Tình Yêu của Chúa yêu thương, tha thứ và bao bọc chúng con. Để ích ra trong Mùa Chay này, chúng con biết trở về trong tinh yêu của Chúa và anh em. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể.