Thứ
Hai tuần 27 Thường Niên
TÂM ĐIỂM YÊU THƯƠNG
LỜI CHÚA: Lc 10, 25 - 37
25 Khi ấy, có người thông
luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải
làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã
viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn
ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông
trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29 Tuy nhiên, ông ấy muốn
chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người
thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống
Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ
tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế
cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà
đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà
đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động
lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và
băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn
sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác
săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ
hoàn lại bác.’ 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người
thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời :
“Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông
ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.
”SUY NIỆM: “...hãy đi, và
cũng hãy làm như vậy” (Lc 10, 37)
1.
Có lẽ đa số độc giả bị thu hút bởi câu chuyện của người samari trong trình thuật
Tin Mừng hôm nay. Vì thế, thiết nghĩ ta bắt đầu giờ suy niệm bằng việc hình
dung và chiêm ngắm những nét đẹp thoát ra từ bản văn:
Trên
con đường vắng có một nạn nhân bị bọn cướp làm cho dở sống dở chết. Trong cơn
mê cận kề cái chết, có lẽ anh vẫn rất mong một ai đó giúp đỡ. Thầy tư tế đi tới,
thấy anh, nhưng tránh lối khác. Thầy lêvi đi tới, cũng thấy anh, cũng tránh. Một
người samari đi tới, thấy anh, động lòng thương, xuống ngựa, xức dầu vào vết
thương của anh và băng bó lại, đặt anh trên lưng lừa của mình, đưa anh về quán
trọ, dặn dò chủ quán, thanh toán hẳn hoi. Có thể nói, những hành động của anh
góp lại thành ngọn đèn pha rực sáng, rọi thẳng và đẩy lui bóng tối của tội ác
và óc kỳ thị, phân biệt,... Nhưng để cảm thấu và hiểu sâu hơn sứ điệp Tin Mừng,
ta cần đặt câu chuyện vào khung cảnh chung của cả trình thuật.
2.
Khung cảnh này bắt đầu từ việc một người thông luật muốn chứng tỏ khả năng chữ
nghĩa, đã bắt bí Chúa Giêsu, đòi Ngài định nghĩa, giải thích ai là người thân cận
của ông. Chúa Giêsu dùng câu chuyện đẹp của người samari để dạy ông rằng: đừng
ngồi đó định nghĩa, tìm hiểu, phân loại ai là người thân cận của ông ; mà hãy
đi ra, hãy làm những hành động cụ thể, để chứng tỏ ông là người thân cận của
tha nhân, của tất cả mọi người đang cần đến sự giúp đỡ của ông.
Lời
dạy này xem ra lạc lõng giữa thế giới hiện nay vốn đầy rẫy bạo lực, kỳ thị, ...
Thật vậy, liệu rằng tiếng kêu và nỗi đau của anh chị em Kitô hữu tại Irắc; sức
chịu đựng của những mảnh đời tả tơi vì nghèo đói, tật bệnh; giọt nước mắt của
những mẹ góa con côi, của những người thấp cổ bé miệng;... có đủ cắn rứt lương
tâm nhân loại, có đủ mở tâm mở tay những ai thiện chí ; hay thực tế buồn này chỉ khiến những người vô
tâm, vô cảm biện hộ để vòng tay, để chống cằm, để tìm lối khác mà đi, để tính
toán xem tôi sẽ được lợi gì khi dấn mình vào đó,... ?
Công
bằng mà nói, những samaritanô thời nay dù hiếm, dù ít nhưng vẫn có, vẫn đẹp, vẫn
tỏa sáng cùng ngôi sao giáo hoàng Phanxicô, vẫn đủ sức hút để lôi kéo lòng người
khám phá lại, nhận thức lại, xác tín lại rằng Tình Yêu Thiên Chúa vẫn sống, vẫn
sáng, vẫn mạnh, vẫn là tâm điểm mọi ánh nhìn, mọi khả năng và mọi hành vi yêu
thương của con người.
3.
Nhìn lại mình, soi lại tư cách Kitô hữu trước Lời, trước Tâm Điểm Yêu Thương,
trước tấm gương người anh em samari hôm nay, tôi, bạn, anh chị thấy gì ? Ta vẫn
xinh, vẫn sáng hay có cái gì đó khúc khuyết, có nét gì đó khuất lấp, có mảng
nào đó ảo huyền ? Thói quen đặt mình làm trung tâm với câu hỏi ai là người thân
cận của tôi nơi ta dường như vẫn còn. Thói quen đòi người khác phải biết điều
thì mới đáng để ta thi ân xem ra vẫn rõ. Thói quen né tránh tiếng thúc bách của
yêu thương trong ta bằng những bổn phận khác với giọng điệu bận lắm, để khi
khác có lẽ vẫn nhiều lúc khiến ta hổ thẹn với lòng mình.
“Hãy
đi và làm như vậy” – Hãy đi ra, đi ra từ tâm điểm yêu thương là trái tim Thiên
Chúa, là lòng nhân Chúa đặt sẵn trong thâm tâm con người để đến với tha nhân, đến
với những anh chị em chưa một lần được nghe và được nếm cảm niềm vui và sự ngọt
ngào của Tin Mừng, đến với những ai cần ta giúp đỡ, rồi để trở về - cũng về với
Tâm Điểm ấy – trong hân hoan và thanh thoát, tràn niềm vui và sức sống của Tin
Mừng.
Tôi,
bạn và anh chị, ta đã sẵn sàng trước lời mời gọi hãy đi và làm như vậy của Chúa
Giêsu chăng ? Có điều gì cản đường ngăn lối, có điều gì khiến bước chân đi ra của
ta chùn lại ?
4.
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, con muốn đi và làm như người anh em samari hôm nay. Xin
thăng hoa ước muốn Chúa đặt trong con, xin nâng đỡ xác thịt hèn yếu của con,
xin đồng hành với con để con kiên tâm chu toàn đến cùng những đòi hỏi của Yêu
Thương. Amen.
Nt. Anna Têrêxa Thiên
Hoàng
Dòng Đa Minh Thánh Tâm