ĐÓN
NHẬN ĐỨC GIÊ-SU: VIÊN ĐÁ GÓC BAN ƠN CỨU ĐỘ
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN
MỪNG: Mt 21,33-43
(33) Các
ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn
nho. Chung quanh vườn, ông rào dậu, ông khoét bồn đạp nho, và xây một
tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa
hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn
tá điền bắt các đầy tớ ông. Chúng đánh người này, giết người kia,
ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước.
Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai
chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con
ta”. (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa
thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó
!”. (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và
giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì
bọn tá điền kia ?”. (41) Họ đáp: “Ác giả ác báo ! Ông sẽ tru diệt
bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng
mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. (42) Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao
giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. (43) Bởi đó, tôi nói cho các
ông hay: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân tộc biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
2. Ý
CHÍNH: DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN
Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn “Những tá điền
sát nhân” này để cảnh cáo các đầu mục Do Thái. Câu chuyện kể về bọn
tá điền gian ác, đã được chủ vườn ưu ái trao quyền canh tác vườn
nho, nhưng lại rắp tâm chiếm đọat bằng việc không chịu nộp phần hoa lợi
như đã thỏa thuận. Ho đã bách hại các đầy tớ do chủ sai đến và còn
giết chết chính con trai ông chủ. Số phận của bọn tá điền gian ác
là sẽ bị ông chủ trừng phạt đích đáng
và vườn nho được trao cho tá điền khác biết chu tòan các thỏa
thuận đã ký kết.
3. CHÚ
THÍCH:
- C 33: + Các ông: Ở đây ám chỉ các thượng
tế và kỳ mục Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. + Gia chủ và vườn nho: Trong
sách ngôn sứ I-sai-a, vườn nho ám chỉ dân Ít-ra-en và chủ vườn nho là
Thiên Chúa (x. Is 5,1-4). Còn trong dụ ngôn này, vườn nho lại ám chỉ
Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập. + Rào giậu chung quanh, khoét
bồn đạp nho và xây một tháp canh: Khi liệt kê các việc ông chủ đã
làm cho vườn nho, Đức Giê-su nhấn mạnh đến sự quan tâm và quyền sở
hữu tuyệt đối của chủ vườn nho qua các việc như: rào giậu là cách
bảo vệ khỏi bị người khác lấn chiếm; bồn đạp nho hay hầm ép rượu
là một cái hố được đục khoét sâu vào tảng đá lớn, nho được đạp
dập cho chảy ra nước cốt. Nước cốt này chảy qua máng vào một thùng
lớn và được ủ trở thành rượu. Tháp canh là vọng gác luôn có người
canh để đề phòng kẻ trộm. + Cho tá điền canh tác: Tá điền ám chỉ
các đầu mục dân Do thái đã được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăn
dắt dân Ít-ra-en. Nhưng họ đã đưa dân này vào con đường thất tín và
bất trung với Giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
- C 34: + Gần đến mùa hái nho: Gần đến nhắc
ta nghĩ đến lời giảng “Nước Trời đã đến gần” của Gio-an Tẩy Giả và
của Đức Giê-su (x. Mt 3,2; 4,17). Mùa hái nho là thời gian Thiên Chúa
sẽ đến tính sổ với dân Ngài. + Ông sai đầy tớ đến gặp tá điền để
thu hoa lợi: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ Cựu Ước đã được Thiên Chúa
sai đến kêu gọi dân Ít-ra-en sám hối để làm con dân của Thiên Chúa.
- C 35-36: + Bọn tá điền bắt các đầy tớ
ông: Dân Ít-ra-en đã bắt bớ giết hại các ngôn sứ do Thiên Chúa sai
đến kêu gọi họ giữ Giao ước. + Chúng đánh người này, giết người kia,
ném đá người nọ: Các hình khổ của bọn tá điền làm đối với những
gia nhân do chủ sai đến theo thứ tự từ nhẹ đến nặng: Đánh, giết, ném
đá. Ném đá cũng là một cách giết chết, nhưng kèm thêm sự nhục nhã
và đau đớn hơn nhiều. Điều này cho thấy sự chống đối của dân
Ít-ra-en đối với các ngôn sứ ngày một gia tăng. Đó là thứ tội bất
trung và xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. + Ông lại sai một số đầy
tớ khác đông hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy:
Qua câu này ta thấy có hai loại ngôn sứ là ngôn sứ tiền và ngôn sứ
hậu. Việc gửi các ngôn sứ hậu đông hơn ngôn sứ tiền, diễn tả lòng
khoan dung kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en. Dù bị họ
phản bội bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi, mà vẫn tiếp
tục sai các ngôn sứ khác đến cảnh cáo, ngăm đe, để giúp họ hồi tâm
sám hối. Nhưng họ vẫn cố chấp giết hại các vị ấy.
- C 37-39: + Sau cùng: Đây là cơ may cuối cùng
để bọn tá điền hồi tâm sám hối. + Ông sai chính con trai mình đến: Con
trai ông chủ ám chỉ Đức Giê-su, vì nhiều lần Người đã xưng mình là
Con Thiên Chúa (x. Mt 14,32; 16,16). + Đứa con thừa tự đây rồi: Khi thấy
con ông chủ đến, bọn tá điền lập tức nhận ra kẻ thừa tự. Họ đã
hành động với đầy đủ ý thức và tự do nên tội của họ rất nặng. Còn
về các đầu mục dân Ít-ra-en tuy không tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa
(x. Mt 27,43) vì lầm chẳng biết (x Lc 23,34), nên tội của họ có thể
được nhẹ đi phần nào. + Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài
nó: Lỗi nặng nhất của các tá điền là không bhững không tiếp nhận mà
còn giết hại các đầy tớ và chính người con thừa tự do chủ vườn sai
đến với họ. Tội đó phát xuất từ ý muốn chiếm đoạt vườn nho. Đây
cũng là lời cảnh báo chúng ta: Mỗi lần ta biến các việc thuộc về
Chúa trở thành việc riêng của mình để trục lợi, là ta đã chiếm đoạt
vườn nho của Chúa làm của riêng ta, như bọn tá điền làm trong Tin
Mừng hôm nay. + Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho,
và giết đi: cái chết của người con trai ông chủ do bọn tá điền làm,
ám chỉ cái chết của Đức Giê-su ngoài thành Giê-ru-sa-lem lúc cuối
đời Người.
- C 40-41: + Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ
làm gì bọn tá điền kia ?: Đặt câu hỏi này, Đức Giê-su muốn cho các
đầu mục dân Do Thái nhận định điều gì phải quấy. + Họ đáp: “Ác giả
ác báo !: Họ cũng trả lời đúng với ý của ông chủ là phải trừng
phạt bọn tá điền gian ác kia. + Cho các tá điền khác canh tác vườn
nho: Tá điền khác ám chỉ dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh. Hội Thánh
sẽ thay thế dân riêng Ít-ra-en để thừa hưởng lời hứa cứu độ của
Thiên Chúa.
- C 42-43: + Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong
Kinh Thánh sao ?: Đây là câu trích trong sách Thánh vịnh (x. Tv
118,22-23), gần giống với lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a (x Is
28,16). Sau này thánh Phê-rô đã ám chỉ câu này về mầu nhiệm Đức Giê-su
Phục sinh, Đấng sẽ thiết lập dân mới của Thiên Chúa (x. Cv 4,11; 1 Pr
2,4-8). + Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ…: Tảng đá bị thợ xây loại bỏ
ám chỉ Đức Giê-su bị bọn đầu mục Do thái sát hại, đã được Thiên
Chúa nâng lên địa vị làm “Chúa” muôn loài sau cuộc tử nạn và phục
sinh của Người (x. Pl 2,8-11). + Mà ban cho một dân tộc: không nhất
thiết là dân ngoại, nhưng một dân mới là Hội Thánh, gồm các dân tộc
tin thờ Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su (x. Rm 9,25; 1 Pr 2,10). Chính
dân mới này sẽ thay chỗ của dân Ít-ra-en bất trung. + Biết làm cho
Nước ấy sinh hoa lợi: Hoa lợi là phần rỗi đời đời. Tóm lại: Giao
ước mới (Tân ước) sắp được ký kết giữa Thiên Chúa với loài người
trong Máu Con Chiên Thiên Chúa là Đức Giê-su, sẽ thay thế Giao ước cũ
(Cựu ước) được ký kết giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en trong máu
chiên bò thời Mô-sê.
4. CÂU HỎI:
1) Ý nghĩa của vườn nho trong sách ngôn sứ
I-sai-a và trong Tin mừng Mat-thêu khác nhau thế nào ? 2) Trong dụ ngôn,
ông chủ vườn nho đã biểu lộ lòng yêu mến dành cho vườn nho của mình
qua những hành động nào ? 3) Bọn tá điền trong dụ ngôn ám chỉ những
ai và họ đã thi hành nhiệm vụ thế nào ? 4) Đầy tớ được chủ sai đến
thu hoa lợi vườn nho ám chỉ những ai ? 5) Bọn tá điền đã đối xử thế
nào đối với các đầy tớ do chủ vườn sai đến ? 6) Sự khoan dung nhẫn
nhịn của chủ vườn nho thể hiện qua hành động nào ? 7) Sau cùng chủ vườn
nho đã sai ai đến và nhằm mục đích gì ? 8) Bọn tá điền hè nhau giết
hại con trai ông chủ nhằm mục đích gì ? Cái chết của con trai ông chủ
vườn trong dụ ngôn ám điều gì sẽ xảy ra cho Đức Giê-su sau này ? 9)
Câu “Ác giả ác báo” ám chỉ về ai trong dụ ngôn ? 10) Tảng đá bị bọn
thợ xây lọai bỏ ám chỉ ai và điều gì sẽ xảy ra cho Người ? Dân tộc
khác ở đây là dân nào ? Làm cho sinh hoa lợi nghĩa là gì ?
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI
CHÚA:
“Tôi nói cho các ông hay: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không
cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”
(Mt 21,43).
2. CÂU
CHUYỆN: VỀ MỘT ÔNG VUA THAM LAM
Sách Các Vua (x. 1 V 21,1-16) thuật lại câu
chuyện về lòng tham của một ông vua như sau:
Trong thời kỳ các vua, ở Sa-ma-ri có một
người tên là Na-vót. Ông là chủ đang canh tác một vườn nho. Bấy giờ
vua của Sa-ma-ri là A-kháp đã sai người đến yêu cầu Na-vốt nhượng lại
vườn nho ấy để làm vườn rau, vì nó nằm cạnh cung điện của nhà vua.
Bù lại, vua sẽ cho ông ta một vườn nho khác tốt hơn. Hoặc nếu muốn,
nhà vua sẽ trả bằng bạc theo giá thỏa thuận. Nhưng Na-vốt đã từ
chối không bán vườn nho cho vua, với lý do đó là đất hương hỏa của tổ
tiên để lại. Vua A-Kháp rất tức giận và buồn rầu. Nhà vua vào nằm quay
mặt vào trong giường không chịu ăn uống gì cả. Bấy giờ hoàng hậu
I-de-ven nghe biết đã đến an ủi vua. Bà hỏi lý do tại sao nhà vua lại
buồn rầu và bỏ ăn như thế. Vua liền kể lại sự thể do Na-vốt đã
không bán vườn nho cho mình. Nghe xong, hoàng hậu I-de-ven đã hứa sẽ
tặng không cho vua vườn nho ấy. Rồi bà nhân danh vua A-kháp viết một bức
thư, dùng con dấu của vua đóng ấn trên đó, rồi sai người mang đến nhà
các kỳ mục và thân hào trong thành. Trong lá thư, bà đã đề ra một
kế hoạch chi tiết để họ làm theo. Đó là xúi người đứng ra cáo gian
Na-vốt đã dám nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua, rồi hội đồng sẽ xét
xử và kết án Na-vốt bị ném đá chết. Dân chúng, kỳ mục và thân hào
trong thành đã làm đúng theo kế hoạch hoàng hậu đã vạch ra cho họ.
Sau khi Na-vốt chết, hoàng hậu liền đến gặp và giục vua chiếm lấy
vườn nho của Na-vốt.
3. SUY
NIỆM:
1) Về sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su:
Đức Giêsu có sứ mạng thiết
lập Triều đại của Thiên Chúa hay cũng gọi là Nước Thiên Chúa. Đây là một Vương
quốc bình an, hạnh phúc và đầy tràn tình thương. Nước Thiên Chúa bắt đầu trong
lòng mỗi người như Đức Giê-su đã nói: «Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông»
(Lc 17,21), rồi từ đó lan rộng ra xã hội để làm thành một Vương quốc mang lại
hạnh phúc vĩnh cửu cho loài người. Để hình thành Nước Thiên Chúa này, Đức
Giê-su đã kiện toàn Luật Mô-sê khi nhấn mạnh đến khía cạnh tinh thần của việc
thờ phượng thay vì chú trọng thờ Chúa ở hình thức bề ngoài, như Người đã nói
với người phụ nữ Sa-ma-ri: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không
phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này
đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần
khí và sự thật» (Ga 4,21.23).
Tuy nhiên các lời rao giảng về Nước Thiên Chúa của
Đức Giê-su chỉ được lớp người bình dân đón nhận, đặc biệt là những người thu
thuế và những cô gái điếm tội lỗi đi theo Người rất đông... Còn các người lãnh
đạo là các Thượng tế, Kinh sư, Biệt phái… lại quyết liệt chống đối vì cho rằng
Đức Giê-su đã phá bỏ truyền thống của cha ông. Do đó nhiều lần họ đã dò xét và
tranh luận với Đức Giê-su về nhiều vấn đề như: Việc rửa tay trước khi ăn, việc
ăn chay, việc chữa bệnh trong ngày hưu lễ Sa-bát, quyền xua đuổi con buôn ra
khòi Đền Thờ… Đặc biết họ phẫn nộ khi nghe Đức Giê-su xưng mình là Con Thiên
Chúa, gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa… Nên cuối
cùng họ đã họp nhau quyết định: “Hắn đáng chết !” (Mt 26,59-66). Khi kể dụ ngôn
những người tá điền sát nhân này, Đức Giê-su đã cho biết Người sẽ bị các đầu
mục dân Do thái giết chết và về số phận của bọn người gian ác này (Mt
21,33-39).
2) Về ý
nghĩa của dụ ngôn bọn tá điền sát nhân:
Câu chuyện trong dụ ngôn là một bản tóm lược
về ơn cứu độ của Thiên Chúa, trong đó mỗi chi tiết đều mang một ý
nghĩa liên quan tới lịch sử cứu độ: Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn
nho là dân Ít-ra-en được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài: Chúa
đã thiết lập Giao ước Xi-nai với dân này qua trung gian ông Mô-sê, gọi
là Cựu ước. Người đã bảo vệ và hướng dẫn họ như ông chủ vườn nho
rào giậu, làm bồn đạp nho và vọng gác. Bọn tá điền sát nhân ám chỉ
các nhà lãnh đạo đã đưa dân vào con đường bội nghĩa bất trung. Các
đầy tớ của chủ vườn ám chỉ các ngôn sứ đã bị các đầu mục Do thái
đối xử tàn tệ. Người con trai của chủ vườn là chính Đức Giê-su cũng
sẽ bị họ đóng đinh trên núi Sọ ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Các đầu mục
Do Thái tưởng rằng khi giết được Đức Giê-su, họ sẽ nắm được trọn
quyền lãnh đạo dân tộc. Nhưng trái lại, họ sẽ bị mất quyền ấy và
tòan dân cũng bị vạ lây là thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá vào năm 70
sau này. Còn Nước Thiên Chúa sẽ được giao cho một dân khác biết làm
phát sinh hoa lợi, đó là Hội Thánh. Hội Thánh được ký giao ước mới
với Thiên Chúa nhờ máu Đức Giê-su chịu chết trên thập tự: Người là
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại sẽ trở nên đá tảng góc tường”.
Người là Con Thiên Chúa bị dân Do Thái là bọn thợ xây giết hại. Nhưng
đến ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại và được “Thiên Chúa
siêu tôn và tặng ban Danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Để
khi vừa nghe Danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài
phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (PI 2,10-11).
3) Chúng tôi
phải làm gì ?
- “HỒNG ÂN THIÊN CHÚA BAO LA”: Thiên Chúa là
chủ vườn nho, đã ban cho loài người biết bao hồng ân như thánh Phao-lô
đã viết: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?” (1 Cr 4,7). Chúa
trao cho ta một nén vàng và ta có bổn phận phải làm lợi ra gấp năm
gấp mười nén khác. Ngài giao cho chúng ta trọn quyền làm chủ vườn nho
tượng trưng cho sinh mạng, sức khoẻ, tài năng, phương tiện sinh sống,
thời giờ và cả con cái hay những người chúng ta có bổn phận chăm sóc…
Sau này chúng ta sẽ phải trả lẽ về phần hoa lợi phải nộp cho Ngài
là các việc lành. Vậy chúng ta sẽ nộp cho Chúa phần hoa lợi nào khi ra
trước tòa Chúa phán xét ở đời sau ?
- TRÁNH THÓI THAM LAM: Sự tham lam là thói
thường của con người: “Lòng tham vô đáy” được biểu hiện qua các thái
độ: “Được voi đòi tiên”, “Theo đạo lấy gạo mà ăn”, hoặc “Sống chết
mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi, cho tôi được
vợ tôi thôi nhà thờ”… Chúa trao trách nhiệm coi sóc vườn nho của Ngài
cho ta và chỉ cần ta dâng lại một một phần nhỏ hoa trái làm ra. Thực
ra Thiên Chúa không cần những thứ ta dâng, vì Ngài hoàn toàn sung mãn.
Nhưng qua hành động dâng tiến đó, ta mới chứng tỏ được lòng mến Chúa
và sẽ được Chúa ban thêm nhiều hồng ân, nhất là ơn cứu độ đời đời.
Vậy hiện nay tôi đang theo đạo nhằm mục đích gì ?
- NƯỚC THIÊN CHÚA SẼ BỊ LẤY ĐI: Câu cuối cùng
trong bài Tin Mừng không chỉ là lời Chúa cảnh cáo các thượng tế và đầu mục dân
Ít-ra-en, mà cũng là lời cảnh báo mỗi tín hữu chúng ta. Có khi nào
Chúa sẽ lấy đi “ơn cứu độ” khỏi tay chúng ta để ban cho anh em lương dân thành
tâm thiện chí đón nhận Chúa Giê-su không? Chúng ta sẽ bị Chúa lấy ơn
Chúa khi chúng ta “đánh, giết, ném đá” những ngôn sứ là những vị chủ chăn trong
Hội Thánh được Chúa sai đến coi sóc hướng dẫn chúng ta. Chúng ta sẽ
bị lấy đi ơn cứu độ khi chúng ta cố tình phạm tội trọng, khi chúng ta không cầu
xin ơn Thánh Thần đến thánh hóa chúng ta, khi chúng ta không biết làm phát
triển nén vàng đức tin được trao cho chúng ta quản lý.
- “ÁC GIẢ ÁC BÁO”: là lời cảnh cáo các
tín hữu tham lam, lợi dụng tôn giáo để mưu cầu ích lợi cho bản thân
mình. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn trước những sự bất trung của con
người. Nhưng sẽ đến ngày thái độ kiên nhẫn phải nhường chỗ cho sự xét
xử công minh. Đó là giờ chết của mỗi người hay là ngày tận thế
chung của toàn nhân loại. Vậy ngay từ bây giờ mỗi tín hữu chúng ta phải
làm gì ? Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê cũng là khuyên
chúng ta về cách ăn nết ở như sau: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng
kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê
trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của
Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em
phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (PI 2,14-15).
4. THẢO
LUẬN:
1) “Tất cả đều là hồng ân”. Bạn có đồng ý
với câu khẳng định đó không khi bản thân bạn liên tiếp gặp phải những
tai nạn rủi ro và những sự trái ý cực lòng ? 2) Thiên Chúa có quảng
đại không, khi đòi chúng ta phải làm lợi thêm những nén vàng Ngài đã
trao cho ta, hay khi Ngài đòi thu phần hoa lợi từ vườn nho tài năng mà
Ngài đã trao cho ta trọn quyền sử dụng ?
5. NGUYỆN
CẦU:
- LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Mỗi người chúng con
đều là những tá điền được Cha trao sứ mệnh canh tác vườn nho của
Cha. Vườn nho đó chính là những người thân yêu trong gia đình ruột
thịt, là bà con chòm xóm, là xứ đạo, đất nước và Hội Thánh mà
chúng con được mời gọi phục vụ.
- Xin cho các tín hữu chúng con biết chiếu sáng
đức tin như những vì sao trên trời. Xin cho đức tin của chúng con luôn thể
hiện qua đức cậy là lời cầu nguyện phó thác nơi Cha, và đức mến là thái độ
khiêm nhường phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo đói bệnh
tật hay bị bỏ rơi... Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa chia sẻ niềm vui
ơn cứu độ cho chúng con đời này và đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM