Lời Chúa thứ tư sau Chúa Nhật XXVII thường niên năm C
LỜI CẦU NGUYỆN ĐẸP NHẤT
LỜI CHÚA: (Lc11,1-4)
1 Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông" 2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến. 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con. Vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ"
SUY NIỆM:
Khi trình bày Tin Mừng của Đức Giêsu Ki-tô, thánh sử Luca luôn làm nổi những "điểm son" trong giáo huấn của Chúa. Đó là những "luật vàng" dành cho người môn đệ. Một trong những điểm sáng chói ấy mà Tin Mừng hôm nay trong chương 11, với 4 câu đầu đã nói đến. Đó là việc cầu nguyện- một việc không thể thiếu và luôn được ưu tiên bậc nhất trong đời sống của người môn đệ ngày xưa và người Ki-tô hữu thời nay.
Mở đầu chương 11, thánh sử viết: "Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia." Như thế là Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều lần trong cuộc sống dương thế của Ngài. Và câu chuyện hôm nay đã xảy ra một trong những lần ấy: Đợi Thày cầu nguyện xong, một môn đệ có lẽ vì khao khát được cầu nguyện như Thày, hoặc chỉ vì muốn có một kinh đặc biệt để nhóm cầu nguyện riêng hoặc đã được lôi cuốn bởi hình ảnh của Thày khi cầu nguyện, người ấy bèn thưa " Xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ ông ấy". Chúng ta thấy trong câu đề nghị này có 2 ý : ý thứ nhất là khẩn khoản nài xin Thày dạy trò cầu nguyện; ý thứ hai là một hình ảnh so sánh với từ "cũng như", ý muốn so sánh với môn đệ Gioan được Thày của họ dạy cầu nguyện và việc Thày dạy trò cầu nguyện như là một điều hiển nhiên.
Chúa Giêsu nhân cơ hội này đã dạy họ về việc cầu nguyện: không cần "nói nhiều, lải nhải... vì Cha trên trời đã biết điều các con cần..." (x.Mt 6,7) mà chỉ cần đi vào đời sống tương quan thân mật với Thiên Chúa trong tình phụ tử, chỉ cần đi thẳng vào ý Chúa đang mong muốn mà thôi. "Khi cầu nguyện, hãy nói..." và chỉ nơi những điều Chúa muốn "Lạy Chúa". Đó là lời khẩn cầu mà người môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi, có quyền xưng hô với Thiên Chúa, Đấng Tác Tạo nên mình bằng một ngôn ngữ thân tình như Chúa Giêsu đã xưng hô với Cha của Ngài vậy (x.10,21). Như thế, quan hệ giữa Chúa Cha và con người như đã được mặc khải. Từ đây, Thiên Chúa sẽ là Cha và chúng ta, là loài thọ tạo là con cái Ngài. Lời khẩn cầu này khiến nhiều vị thánh đã nghẹn ngào rơi lệ khi môi bật lên 2 tiếng "Lạy Cha" và nhận ra tình thương Thiên Chúa. Lời này cũng khiến nhiều tội nhân trở về vì nhận ra lỗi lầm của mình trước Tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Chúng ta để ý đến 2 ước mong kế tiếp: "Xin cho danh Cha vinh hiển; triều đại Cha mau đến". Khi đọc lời này, chúng ta cầu mong xin Thiên Chúa đích thân mạc khải về Ngài cách tỏ tường cho con người và xin Ngài đến, tỏ lộ sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong thế giới này. Nhìn chung lại: Lời khẩn cầu và ước mong trên tương tự như câu chúng ta thường khẩn cầu thống thiết trong Mùa Vọng: "Lạy Chúa, xin hãy đến.". Như thế, Thiên Chúa là đối tượng duy nhất, là trung tâm của mọi lời cầu nguyện.
Tiếp đến là 3 lời thỉnh nguyện xin Cha ban cho con người :
Thứ nhất là xin lương thực hằng ngày (c.3) để nuôi sống. Chúng ta đi ngược về hành trình Đất Hứa của dân Israel. Như dân xưa đã được ăn Manna, thứ bánh từ trời rơi xuống..
Nay con người cũng mong mỏi khao khát Bánh Hằng Sống đích thực, làm lương thực nuôi họ trên đường dương thế. Vì thế, lời cầu xin này không những xin của ăn để nuôi sống phần xác, nhưng còn hướng đến thực phẩm nuôi linh hồn làm "Của Ăn Đàng".
Lời cầu xin thứ 2 là : xin tha tội- là lời nài xin lòng thương xót Chúa cho thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối. Vì trước tôn nhan Chúa chẳng có ai là xứng đáng, chỉ có hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới dám tiến đến gần ngai ân sủng của Ngài. Lời cầu xin này còn kéo theo một điều kiện mà chúng ta phải thi hành đó là: "Chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con" (c.4). Ở đây Thánh sử dùng từ "Lỗi" mà người anh em vướng mắc với chúng ta thay cho từ "Tội mà chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì cũng phải biết làm hòa với người anh em đã xúc phạm đến mình. Từ chối làm hòa với anh em là một nguy cơ làm giảm sút khả năng đón nhận ơn tha thứ của Chúa.
Lời cầu xin thứ 3 là: xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Chước cám dỗ mạnh nhất và lớn nhất là chối từ Đức Giêsu Ki-tô là Con Thiên Chúa, loại bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Chước cám dỗ tôn thờ vật chất, địa vị, lạc thú... thay cho Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, lời kinh mà Chúa dạy các môn đệ xưa kia cũng là lời kinh mà ngày nay chúng con đọc hằng ngày. Xin cho chúng con ý thức và cầu nguyện tha thiết với lời kinh ấy, để đời sống chúng con cũng trở thành một lời kinh "Lạy Cha" sống động cho thế giới hôm nay. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể.