Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 27

Lễ Mẹ Mân Côi

Cuộc đời có Chúa…

LỜI CHÚA: (Lc 1,26-38)

chuoi-man-coi.jpg (26) Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, (27) gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.  (28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. (29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói : "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." (34) Bà Maria thưa với sứ thần : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (35) Sứ thần đáp : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.(38) Bấy giờ bà Maria nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM

Quý vị và các bạn thân mến,

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, phụng vụ của Giáo hội cho chúng ta thấy rằng, các ngày lễ kính Mẹ và các ngày lễ kính Chúa Giêsu thường đi sóng đôi cùng nhau. Nếu Giáo hội mừng lễ sinh nhật Chúa thì cũng có lễ sinh nhật Đức Mẹ ; nếu có lễ suy tôn Thánh Giá thì cũng có lễ Mẹ sầu bi ; nếu có lễ Chúa thăng thiên thì cũng có lễ Mẹ lên trời ; và nếu có lễ Chúa Kitô vua vũ trụ thì cũng có lễ Mẹ trinh vương. Tuy nhiên, chúng ta không thấy một lễ nào mừng tổng hợp các biến cố trong đời Chúa Giêsu, và cũng chẳng có ngày lễ nào mừng các biến cố của đời Mẹ. Ngày lễ hôm nay Giáo hội trả lời cho chúng ta thấy rằng, không thể tách rời các biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu ra khỏi các biến cố của cuộc đời Mẹ Maria, vì Mẹ Maria đã kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi biến cố.

Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa được nghe, thuật lại biến cố đầu tiên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa : biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Bằng sự gắn kết cuộc đời mình với Chúa, một sự gắn kết trọn vẹn trong thân xác và vĩnh cửu trong linh hồn, Mẹ thưa lên tiếng “xin vâng”. Khi Mẹ thưa tiếng xin vâng là Mẹ nhắc lại sự gắn kết với Chúa trong xác tín. Từ đây cuộc đời Mẹ và cuộc đời của Chúa Giêsu con Mẹ đã nên một. Từ đây, Chúa lớn lên trong Mẹ và Mẹ cưu mang Chúa không rời một phút giây. Từ đây, bóng uy phong của Thiên Chúa phủ lấp cuộc đời Mẹ và Mẹ hãy "mừng vui lên” vì Mẹ được “đầy ân sủng”.

Đi tìm thánh ý Thiên Chúa, sống nên một với Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời không phải là một điều dễ dàng. Mẫu gương sống động của Mẹ Maria qua bài Tin Mừng hôm nay, là một lời nhắn nhủ mỗi chúng ta. Khi sứ thần của Thiên Chúa vừa đến loan báo điều lạ lùng cho Mẹ. Cũng như bao người khác, Mẹ Maria “rất bối rối, “tự hỏi…”. Bối rối là phản ứng tự nhiên, nhưng tự hỏi là đã bắt đầu đi vào trong suy nghĩ thâm sâu, đã bắt đầu suy niệm về ý nghĩa và màu nhiệm cuộc đời của chính mình. Tuy nhiên, Mẹ Maria không chỉ suy nghĩ, mà Mẹ đã rất chân thành, đối thoạitrình bày. Mẹ thưa lên : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…?”

Trong tương quan với Thiên Chúa, việc đối thoại bằng cầu nguyện, bằng kết hiệp mật thiết để tìm ra thánh ý Người, đó là điều quan trọng. Đôi lúc chúng ta thấy mình bất xứng không dám thưa lên với Chúa, chúng ta hãy nhờ Mẹ làm Đấng trung gian để Mẹ chuyển cầu giúp chúng ta.

Thái độ đẹp lòng Thiên Chúa là thái độ xin vâng, thái độ tín thác trong mọi hoàn cảnh : dẫu biết rằng điều mình đón nhận thật bí nhiệm, sức con người khó có thể hiểu thấu ; dẫu biết rằng đi vào con đường Thiên Chúa muốn là đi vào một hành trình “không biết ra sao ngày sau” ; dẫu biết rằng gắn kết với Chúa, cũng nên giống như Mẹ, lúc nào đó “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn”. Để có thể gắn kết với Chúa trong từng biến cố của cuộc đời, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm và sự cậy trông, lòng yêu mến và sự tín thác, để chúng ta trung thành luôn mãi. Chúng ta cũng học nơi Mẹ mau mắn xin vâng, nhưng cũng thẳng thắn trình bày.

Chiêm ngắm các màu nhiệm của cuộc đời Chúa, chiêm ngắm Mẹ Maria và các cách thức hiện diện của Mẹ, chúng ta dần tìm ra ý nghĩa màu nhiệm cuộc đời mình. Và nếu chúng ta được soi sáng bởi các màu nhiệm cuộc đời Chúa, chúng ta cũng dễ liên đới với người khác trong các biến cố của đời họ. Nhìn mọi biến cố xảy đến bằng cái nhìn của Chúa, bằng sự hiệp thông sống động của ân sủng và sự chia sẻ yêu thương.

Ước chi mỗi người chúng ta nhận ra rằng :

Cuộc đời tựa chuỗi mân côi,

Hạt vui, chen lẫn hạt thương, sáng, mừng

Môi say niệm hát vang lừng

Hiệp thông trong Chúa không ngưng suốt ngày.

Cuộc đời dẫu có chua cay,

Nên một trong Chúa ơn dày thông ban

Sống liên kết, mối bình an,

Ta ngân cao giọng hát vang “kính mừng”.

Xin quý vị cùng với chúng tôi đọc một kinh Kính Mừng dâng kính Mẹ Mân Côi :

“Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ. Thánh Maria - Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”

Nt. Minh thùy

KINH MÂN CÔI LỜI KINH CỦA NGƯỜI

CÓ ĐỨC TIN

Kính thưa quý OBACE, theo truyền thống của Giáo Hội có lẽ kinh Mân Côi là một trong những lời kinh cổ xưa nhất, và lời kinh này trở nên gần gũi thân quen với hết mọi người, mọi tầng lớp từ người già đến người trẻ, từ trí thức đến người bình dân, ai cũng có thể đọc và có những cảm nghiệm đức tin cho riêng mình qua những lời kinh này. Đặc biệt với người tín hữu Viêt nam, thì lời kinh Mân Côi là lời kinh gần gũi thân thương từ khi chúng ta bập bẹ biết nói cho đến khi nhắm mắt xuồi tay, người tín hữu luôn tin tửơng vào lòng từ mẫu của Đức Mẹ qua tràng chuỗi Mân côi. Cho đến hôm nay mỗi lần có dịp kính viếng Đức Mẹ tại Lavang hoặc Tapao, chúng ta cũng có thể nhìn thấy lòng tin của người tín hữu đối với Đức Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi và chính lời kinh này trở thành lời kinh của những người tin và cũng là lời kinh nuôi dữơng lòng tin.

Gọi kinh Mân Côi là lời kinh của đức tin vì trước hết kinh Mân Côi trình bày lại các màu nhiệm đức tin quan trọng dưới hình thức tóm tắt đơn giản. Qua việc đọc kinh Mân Côi chúng ta được suy niệm từ màu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người qua biến cố sứ thân Gabriel truyền tin cho Đức Maria. Biến cố truyền tin mà chúng ta vừa nghe thánh Luca thuật lại cho thấy cả một chương tình yêu thương của Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa nay được khời đầu, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến hỏi ý kiến của một cô gái thành Nazaret và mời gọi cô cộng tác vào chương trình kỳ diệu này. Với biến cố truyền tin, ngôi Lời Con Thiên Chúa làm người mở ra một trang sử mới cho nhân loại. nếu như trước đây, nhân loại phải lầm lũi bước đi trong tăm tối, thì với màu nhiệm Thiên Chúa làm người, nhân loại được bước đi trong ánh sàng, được nối lại mối dây thân tình với Thiên Chúa. Trong chương trình này, Đức Maria đã hoàn toàn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa, mặc dù băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình, song Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào cung lòng của mình và dâng tặng cho Thiên Chúa không chỉ cung lòng mà là cả cuộc đời để phục vụ cho chương trình của Thiên Chúa, trở thành một người mẹ chăm sóc cho Thiên Chúa và đồng thời cũng mang vào mình trách nhiệm, lo lắng và những khổ đau của một người làm mẹ.

Kinh Mân côi cũng là lời kinh gắn liền với màu nhiệm thập giá tử nạn của Chúa Giêsu. Mặc dù các màu nhiệm mùa thương không nhắc gì đặc biệt đến Đức Mẹ, nhưng những lời kinh: Kính mừng maria đầy ơn phúc, Đức chúa trời ở cùng bà…, được đọc xen kẽ và các màu nhiệm thương khó này, đã cho thấy sự hiện diện của Mẹ trong cuộc thương khó của Chúa như là một người môn đệ, người mẹ âm thầm bước theo con trên từng chặng đường đau khỗ, đón nhận tất cả những đau khổ của con vào trong trái tim của mình. Sự hiện diện lặng lẽ của Mẹ trên hành trình thập giá là sự hiện diện của sự cảm thông nâng đỡ và an ủi cho Chúa Giêsu trong lúc đau khổ. Dưới chân cây thập giá nhìn thấy con mình bị người đời đóng đinh chân tay và treo giữa đất trời chịu muôn sự chê cười nhục nhã, thì chính Mẹ là người cùng đón nhận những đau đớn ấy và đón nhận cả những lời nhục mạ của mọi người trút xuống trên con của Mẹ. Hành động can đảm ấy đã trở thành gương mẫu đức tin cho chúng ta, những người tin theo Chúa của ngày hôm nay. Theo Chúa những khi vui, khi thành công thì không khó, thế nhưng vẫn tin và vẫn trung thành ngay cả khi bị người ta nhục mạ, bị thất bại, bị tước đoạt tất cả, thì đòi hỏi phải có một đức tin mạnh mẽ, Mẹ đã nêu gương cho chúng ta trong những hoàn cảnh như thế.

Với màu nhiệm mùa Mừng chúng ta cùng với Mẹ Maria được chia sẻ niềm vui Chúa sống lại, lên trời và ban Thánh Thần cho Giáo Hội. Với biến cố Phục sinh và lên trời, chúng ta được chiêm ngắm và được biến đổi nên con người mới, được tham dự vào cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, được hy vọng cùng chung hưởng vinh quang nước trời. Trong những biến cố này, chúng ta lại thấy Đức Maria hiện diện trong Giáo hội sơ khai không chỉ với tư cách là mẹ của chúa Giêsu, mẹ của các tông đồ, mà Mẹ còn hiện diện như một người tín hữu trong giáo hội bên cạnh các tông đồ, để đón đợi hồng ân Chúa Thánh Thần, để nâng đỡ đức tin cũng như bước đường truyền giáo của các ông. Cũng trong các màu nhiệm mùa mừng, Giáo hội đã tôn vinh Mẹ như là một bông hoa tuyệt hảo nhất được Thiên Chúa tuyển chọn và ban thưởng vinh quang Thiên quốc trước mọi thụ tạo, cho mẹ được lên trời cả hồn và xác, và còn ban thưởng vinh quang cho mẹ làm nữ vương các thiên thần và các thánh, trở thành đấng bầu cử đắc lực cho toàn thể nhân loại.

Dưới thời Đức Chân Phước Giáo Hoàng JP II, năm Màu nhiệm Sự sáng được thêm vào các màu nhiệm Vui, Thương, Mừng, làm cho chuỗi kinh mân côi trở nên phong phú và sinh động hơn. Vì với các màu nhiệm Sự Sáng, các biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu được nhắc lại, từ ngày Chúa bắt đầu rao giãng Tin Mừng, lãnh nhận Phép rửa của Gioan đến việc loan báo Tin Mừng, làm các phép lạ và lập Bí Tích Thánh Thể…, để giúp người tín hữu suy niệm các biến cố ấy và cùng với Đức Maria theo Chúa Giêsu trên hành trình truyền giáo. Với vị trí là một môn đệ, Mẹ cũng theo Chúa trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên Mẹ không hề gây ảnh hưởng, cũng không bao giờ xuất hiện công khai làm cản bước của Chúa, những lúc Chúa thành công, mẹ vẫn âm thầm đồng hành với Chúa, những lúc dân chúng ca tụng người đã sinh ra Chúa và cho Chúa bú mớm, mẹ cũng vẫn âm thầm lặng lẽ, thế nhưng khi Chúa bị người đời từ chối, khi Chúa gặp thất bại thì Mẹ lại ở bên Chúa để ai ủi như người mẹ vỗ về con cái.

Chính vì tính cách đơn giản và gần gũi mà lời kinh mân côi đã trở thành lời kinh nuôi dưỡng lòng tin của bao thế hệ tín hữu trong Giáo Hội. Qua tràng chuỗi mân côi, người tín hữu tin tưởng vào tình yêu thương của một người mẹ dành cho con cái, và cũng là tâm tình của con cái dâng tặng Mẹ, dù khi vui hay lúc buồn, dù thành công hay thất bại, người tín hữi tin rằng, Mẹ Maria có thể chia sẻ, lắng nghe và có thể giải gỡ những khó khăn trong cuộc đời của họ. Thực tế lịch sử Giáo Hội và đời sống của các tín hữu đã chứng minh sự can thiệp hết sức hữu hiệu và kịp thời của Mẹ, mà chính ngày lễ Mân Côi 8/10 đã được ghi nhận như một phép lạ lớn lao Mẹ đã làm để gìn giữ Giáo Hội khỏi sự tàn phá của người Hồi Giáo lúc đó. Gần chúng ta hơn, cả triều đại giáo hoàng của Đức Chân Phước JPII được đặt dưới sự che chở của Mẹ, và chính Đức Mẹ đã nhiều lần ra tay che chỡ bản thân của Ngài và che chở Giáo hội qua lời cầu xin của ngài. Gần chúng ta hơn nữa, nhiều người trong chúng ta cũng đã nhận được sự cứu chữa can thiệp của Đức Mẹ khi chúng ta chạy đến khấn xin cùng Mẹ, các phép lạ đã xảy ra cho nhiều cá nhân và gia đình tin tưởng vào Mẹ qua tràng chuỗi mân Côi mỗi ngày.

Thưa quý OBACE, không có người mẹ nào không thương con, chúng ta thật hãnh diện và thật hạnh phúc vì chúng ta có một người mẹ thiêng liêng đó là Đức Maria, Mẹ đã sống trong đời sống gia đình, đã hiểu thế nào là những khó khăn trắc trở của đời sống gia đình, Mẹ sẽ hiểu những hoàn cảnh khác nhau của các gia đình hôm nay. Vì thế các bậc cha mẹ đừng ngại ngần, hãy đến tâm sự với Mẹ mỗi khi vui cũng khi buồn, khấn xin Mẹ giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn của ngày nay. Hãy cùng nhau lần chuỗi mân côi tại các gia đình và các giờ kinh tối sớm, hãy xin với Mẹ gìn giữ và ban sự êm ấm thuận hòa xuống cho các gia đình đang rạn nứt, chia sẻ niềm vui với những gia đình đang được thành công, và an ủi những gia đình đang gặp thất bại. Kinh nghiệm giáo hội cho thấy gia đình nào cậy trông vào Đức Mẹ bằng việc trung thành với các giờ kinh Mân Côi, thì gia đình đó chắc chắn bình an hòa thuận.

Lời kinh Mân Côi không phải chỉ là của người lớn tuổi hay là của trẻ nhỏ, mà còn là lời kinh của của các bạn trẻ thanh thiếu niên nam nữ. Các bạn đừng ngại ngần, đừng xấu hổ, cứ cầm lấy chuỗi Mân Côi, vì kinh Mân côi không biến các bạn thành già nua, nhưng sẽ giúp các bạn có một tâm hồn và một nếp sống tươi trẻ. Các bạn đang phải đương đầu với nhiều cám dỗ của dục vọng, của hường thụ, ích kỷ, hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ sẽ giúp các bạn chiến thắng những cám dỗ và sự lôi kéo của xã hội, cũng như sẽ cho bạn có một trái tim quảng đại một nếp sống dễ thương dễ mến với mọi người.

Xin Chúa cho mội người chúng ta biết yêu mến, tin tưởng và chạy đến với Đức Maria qua kinh Mân côi, và làm cho lời kinh và tràng chuỗi Mân Côi trở thành bạn đồng hành, nguồn trợ lực cho cuộc đời chúng ta. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên - Lm . J. P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên- Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên- Lm.JB

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT XXVII TN C. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN B: QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA. Nt. Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN B: Cứ Xin Sẽ Được. Nt. Teresa MTG. Xuân Lộc
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN B. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     HIỆU LỰC CỦA KINH MÂN CÔI. Lm. Đan Vinh