Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên
NGỌN LỬA ẤY ĐÃ BÙNG LÊN
Lời
Chúa:
Lc 12, 49 – 53
(49) "Thầy đã đến ném
lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (50)
Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi
việc này hoàn tất!
(51) "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái
đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.
(52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba
chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống
lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại
me; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".
Suy Niệm
Sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng khi đến trần gian
luôn mang đặc tính yêu thương, hòa bình, nhân ái, không gây thù oán, chia
rẽ.... Cũng chính vì yêu thương nhân loại mà Đức Giêsu đã nhập thể vào trần
gian. Thế nhưng trình thuật của Thánh Luca trong bản văn Tin Mừng hôm nay, lại
làm ta ngỡ ngàng trước lời rao giảng của Đức Giêsu khi Ngài nhắc đến sự chia rẽ, chống
đối bởi chính Ngài. Lời đó dường như đi ngược lại
với tinh thần Kitô
giáo, với những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm. Đó
là một nghịch lý của Tin Mừng.
Lửa và Phép Rửa.
Mở đầu bài
Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy tình yêu của Ngài đối với nhân loại, Ngài muốn
thiêu đốt nhân loại bằng ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy
những ước mong ngọn lửa ấy đã bùng lên”. Trong Kinh Thánh, mỗi khi nói đến lửa
là nói đến sự thanh luyện, thánh hóa của lễ, trừng phạt... Nhưng lửa trong Kinh
Thánh cũng nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đó cũng là biểu tượng tình yêu
trọn vẹn của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi nhập thể vào trần gian, Đức
Giêsu đã hiện diện với nhân loại bằng tình yêu và hình ảnh con người. Ngài đem
ngọn lửa tình yêu đó vào trần gian, hiện diện giữa nhân loại và Ngài mong cho
ngọn lửa ấy được nhân rộng, được phân chia ra, không chỉ hiện diện cách ấm áp
mà con bùng lên giữa nhân loại. Ngọn lửa ấy cũng được Chúa Thánh Thần soi sáng
và làm lan tỏa nơi các tông đồ để các ngài sẻ chia cho nhân loại. Chúng ta cũng
được ngọn lửa mà chính Đức Giêsu ném vào trần gian hôm nay thanh luyện, soi
sáng và Chúa muốn chúng ta đem ngọn lửa của đời mình thắp sáng chính mình và
tha nhân bằng tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần để ngọn lửa Đức tin
của mình bùng cháy trong cuộc sống hàng ngày của mình để mọi người, qua đời
sống chứng nhân của mình nhận ra ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện
giữa nhân loại.
Ngọn lửa mà Đức Giêsu mong muốn không dễ dàng bùng cháy
nếu Ngài không trải qua cuộc khổ nạn và cái chết. Đó cũng là tình yêu tột đỉnh
của Ngài đối với nhân loại và đó cũng là phép rửa mà Chúa nói đến trong bài Tin
Mừng hôm nay.Ước mong ngọn lửa tình yêu mau chóng lan rộng, nên Đức Giêsu mong
chờ cuộc thương khó và cái chết đau thương trên Thập giá: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho
đến khi việc này hoàn tất”. Đó là một bảo chứng tình yêu mà chính Ngài đã thực
hiện khi đến trần gian.
Đức Giêsu đã đến và mang ngọn lửa tình yêu của Ngài thắp
sáng và soi sáng giữa một xã hội thiếu vắng tình thương và Ngài ước mong ngọn
lửa ấy bùng cháy nơi chúng ta để chính chúng ta được soi sáng và sưởi ấm. Chúng
ta cũng mang ngọn lửa ấy thắp sáng trần gian này để ngôn lửa tình yêu đức Giêsu
không lụi tàn đi mà ngày càng được nhân rộng qua mọi thời đại và lan tỏa đến
mọi người.
Sự chia rẽ : một nghịch lý của Tin Mừng.
Bản chất của
Thiên Chúa là yêu thương. Đức Giêsu nhập thể vì tình yêu thương nhân loại của
Ngài. Vì yêu thương nên con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thế
nhưng Tin Mừng hôm nay lại mang đầy kịch tính: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao ? Thầy bảo
cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Theo lẽ
thường tình, con người chúng ta ai cũng thích những gì dễ dãi, tự do buông theo
ý mình. Đó là khuynh hướng tự nhiên của thân xác, của cái tôi lúc nào cũng muốn
tự làm Chúa chính mình. Nhưng sứ điệp của Đức Giêsu lại đòi chúng ta đi vào con
đường hẹp, ngược lại những gì chúng ta muốn. Sự chia rẽ bắt nguồn từ đây, với
những người luôn sẵn sàng mở lòng đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu và hành động
theo những đòi hỏi của Tin Mừng, thì họ khép mình vào kỷ luật, đi theo con
đường hẹp, ghập ghềnh, chông chênh sỏi đá. Họ lập tức bị “ném đá” bởi những
người quen sống trong sự dối trá, lừa gạt, tham nhũng.... Vì quen sống buông
thả nên họ lấy làm “trái tai gai mắt” trước lối sống theo Tin Mừng nên họ tìm
cách chống đối, chỉ trích, kết án...cũng là để phần nào biện minh cho lối sống
sa đọa của mình.
Theo Đức Giêsu, chúng ta chọn đi vào cửa hẹp, đi trên con
đường chông gai và chấp nhận cả những chống đối, chia rẽ. Nhưng đó là con đường
đưa đến bình an, hạnh phúc. Người sống theo Tin Mừng cũng được mời gọi để bảo
vệ và giữ gìn ngọn lửa mà Đức Giêsu đã mang vào trần gian. Muốn thế, chúng ta
phải chiến đấu để ngọn lửa ấy luôn được thắp sáng trong chính mình và trong tha
nhân. Chúng ta cũng chiến đấu để đón nhận sự bình an đích thật. Chúng ta cũng
chiến đấu để luôn luôn chọn lựa sống theo những giá trị của Tin Mừng để chúng
ta xác nhận với Chúa rằng: ngọn lửa mà Chúa đã ném vào trần gian nay đã bùng
lên.
Nt. Maria Phương Trâm – Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi