Thứ ba sau Chúa
Nhật XXIX Thường Niên
“Anh
em hãy thắt lưng cho gọn”
(Lc 12, 35-38)
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay và
ngày mai nhắc nhớ chúng ta “hãy sẵn sàng”, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa
của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là
thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn
sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian
có thủy có chung; nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu[1].
Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ
đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người
chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong
độ tuổi nào. Ai còn trẻ, người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng điều
này đâu có chắc chắn, và chỉ là hi vọng mà thôi. Hơn nữa, môi trường và hoàn
cảnh chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng
nữa.
1. Người tôi
tớ
Vì thế, khi nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, Lời
Chúa đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống: đó là chúng ta phải luôn
sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta:
Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.
Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá
bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên,
mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi,
nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.
Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời
gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn
ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người
này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng
giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất
cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy
làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở
ngay” (c. 35)
Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia
trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát
phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (c. 42)
Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành
người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách
sai lầm rằng: “Còn lâu chủ ta mới về!” Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ
nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ
bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của
người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tì”: Đó là đón nhận
như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình,
con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của
chúng ta nữa.
Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ,
để sống tâm tình của người tôi tớ hay nữ tì, chúng ta không chỉ không bị mất
mát, nhưng còn được gấp trăm, như tổ phụ Abraham đối với người con duy nhất và
yêu quí của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà
chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người
khác, trong bổn phận hay sứ vụ, kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy rằng, khi đó
sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất
người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất
chính mình.
2. Tình yêu
và lòng thương xót của Chúa
Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến
độ khiến chúng ta có thể sống tâm tình của người tôi tớ, từ bỏ quyền làm chủ
mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương
xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa
thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong
bài Tin Mừng:
“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã
vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (c. 32)
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh
thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ
vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (c. 37)
Trên thế gian này không có người chủ nào hành động
như “ông chủ Giê-su” của chúng ta: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến
bên từng người mà phục vụ”. Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để
phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hàng ngày đối với từng người trong
chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày,
cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban
cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ
mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng,
mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người
chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.
Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh
em ở đó” (c. 34). Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất
yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta
dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn
luôn dành cho mỗi người chúng ta?
3. Chúa đã
đến, đang đến và sẽ đến
Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi
ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ,
qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập
đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất
chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ,
giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ
nhất, trong đêm Giáng Sinh.
Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện và để
sống tâm tình sẵn sàng của người tôi tớ khôn ngoan và trung tín, không có cách
nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống
hay với một giai đoạn sống của chúng ta.
Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu
nguyện.
Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của
chúng ta như là một lời cầu nguyện.
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp
rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác,
là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua
khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta
vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:
Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian
của chúng ta một cách nhưng không.
Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về
“những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn
gọi và trong từng ngày sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc