Thánh lễ
giữa những tiếng ồn ào
Ngày nào vai mang thập giá lên ngọn Đồi Sọ để hiến tế thân mình, vị Thượng Tế trong chiếc áo dệt liền không có đường khâu đã bước đi giữa những tiếng ồn ào náo động. Tới bàn thờ thập giá, chiếc áo thượng tế bị những người lính lột bỏ, và vị thượng tế trở thành của lễ tiến dâng lên Thiên Chúa Cha, không chỉ giữa những tiêng ồn ào, mà còn giữa những lời chế nhạo và thách thức. Thánh lễ đã được hiến dâng: “vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi”.
Tối nay, tôi theo chân cha xứ Lộc Quang đến dâng lễ trong gia đình có một bà già mới mất hồi khuya. Đó là một căn nhà nhỏ, vách tre, chỉ đủ đặt chiếc quan tài. Chiếc bàn tròn dùng làm bàn thờ phải kê xéo một bên để có chỗ cho vị chủ tế dâng lễ. Hai bên quan tài là chỗ cho các người thân của gia đình. Còn lại gần hai chục anh chị em giáo dân đứng phía ngoài, ngay trước mấy bàn khách đang ăn uống và đánh bài. Trước thánh lễ, chủ nhà có nhắc mọi người xin giữ im lặng nhưng chẳng mấy ai nghe. Vì thế, tiếng cầu kinh lẫn với tiếng ồn ào của mọi người đang ngồi dự tiệc; bài đọc nghe câu được câu chăng; giọng nói của vị linh mục lớn hơn một chút, vừa đủ lọt tai những người tham dự thánh lễ.
Cảnh tượng diễn ra hoàn toàn trái ngược với các thánh lễ vẫn được cử hành trong các nhà thờ, nhưng không phải vì vậy mà thánh lễ hôm nay mất phần trang nghiêm sốt sáng, bởi vì đây là một thánh lễ được cử hành giữa lương dân, loan truyền Chúa chịu chết và công bố ơn phục sinh. Do đó, tất cả đều một lòng một ý nài xin ơn tha thứ và tình thương, không chỉ cho người mới qua đời mà là cho mọi người đang có mặt, những người đang ngồi ngay sau lưng chúng tôi đây, đang ăn uống và nói cười như không hề để ý đến bàn tiệc thánh dành riêng cho chính người thân của họ.
Thánh lễ được cử hành trong một gia đình người Khmer mới chỉ có 2 ông bà theo đạo cùng với mấy đứa cháu, còn các con trai con gái vẫn chưa theo, và trong ngày tang chế như hôm nay, họ hàng tụ tập về. Bà con người Khmer theo Phật Giáo, đã quen với những lễ nghi bên Phật: Ở chùa cũng như những dịp rước thầy về cầu kinh trong làng, trong nhà thầy tụng kinh, những người tham dự thì ngồi cung kính, còn ngoài sân bà con vẫn sinh hoạt vui chơi.
Vị linh mục chủ tế xem ra đã quen với khung cảnh này, nên vẫn điềm đạm và khoan thai trong từng cử chỉ, từng lời kinh, và vì thế mà lời kinh chúc tụng càng lúc như càng thêm tha thiết, như nhận chìm tất cả trong cơn khát của Con Thiên Chúa trên bàn thờ Thánh Thể, Đấng đang cố lôi kéo mọi người lên để ôm trọn tất cả mọi người trên đôi tay đang giang rộng để hiến tế. Lời kinh trong thánh lễ hôm nay được cất lên giữa tiếng ồn ào, bề ngoài như thể tiếng ồn ào lấn át câu kinh, nhưng nơi con tim của những con người đang cất lên lời kinh lại như gom trọn cả những tiếng ồn ào, để tất cả được hòa vào trong lời kinh hiến tế của Vua muôn đời.
Khung cảnh diễn ra hôm nay làm sống lại hiến lễ của Con Thiên Chúa trên thập giá, Đấng không chỉ nói lời yêu thương và tha thứ đến cùng, mà còn làm cho Thiên Chúa vô hình trở thành Thiên Chúa ở giữa con cái loài người: “chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là đồi sọ ... họ đóng đinh Người vào thập giá…” (Ga 19,17). Đường thập giá diễn ra giữa những tiếng ồn ào náo động của đám đông chen lấn, xô đẩy, tiếng la hét của những người lính, tiếng binh khí chạm nhau,… thế nhưng dưới ngòi bút của tác giả Gioan thì tất cả được nhận chìm vào trong thinh lặng. Tin Mừng Gioan như không mấy chú ý đến những âm thanh bên ngoài, mà chỉ chú ý đến những gì diễn ra trong con tim của Đấng chịu đóng đinh đang trải qua kinh nghiệm này, từ đó dẫn đưa mọi người đến chỗ cảm nếm những gì Đức Giêsu đang cảm nếm trong lòng.
“Chính Người vác lấy thập giá đi ra…” thập giá của tình con thảo, một lòng vâng phục đến cùng, chén đắng của sứ mạng Cha trao cho con, để lôi kéo mọi người lên cùng Cha. Ngôi Con đã bước đi trong lời kinh hiến tế và chúc tụng, để tôn vinh Danh Cha, và để hiến thánh thế giới. Vì thế, dù vai mang nặng thập giá, thân xác bầm dập đau đớn, nhưng khi trí lòng chỉ một nguyện ước mong sao ý Cha nên trọn, thì Ngôi Con có thể bước đi mạnh mẽ. Mỗi bước đi, mỗi nhịp đập của con tim dọc suốt hành trình đều phó trọn trong tay Cha, từ sâu thẳm cõi lòng không ngừng lên tiếng gọi “Cha ơi, Con đến cùng Cha”(x Ga 17); “Cha ơi, xin hãy tôn vinh Danh Cha” (Ga,12, 28).
Hiến lễ thập giá đang diễn ra trên bàn thờ lúc này đây, trong ngôi nhà tranh đơn sơ, giữa cảnh ồn ào vì kẻ ngồi người đứng, kẻ ăn người uống… nhưng vẫn không phá vỡ được bầu khí tĩnh lặng lan toả từ bàn thánh. Không phải tiếng hát hay lời kinh lấn át tiếng ồn ào, mà là thâu tóm tất cả để hiến dâng tất cả. Tiếng kêu “Ta khát” từ ngọn Đồi Sọ năm xưa thấm vào lòng vị chủ tế và mười mấy anh chị em đang tham dự thánh lễ hôm nay, làm thành cơn khát cháy bỏng, và lời kinh đan xen trong tiếng ồn ào tưởng như lỗi nhịp nhưng thật ra có sức vang xa và vươn lên cao vút, tới tận ngai toà Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân trần đến nỗi đã sai Con của người làm giá cứu chuộc nhân loại.
Một đám tang.
Ngôi nhà tranh bé nhỏ.
Đôi vợ chồng già kẻ ở người đi.
Thánh lễ tối nay, dẫn tới một điểm đến tuyệt vời,
để người vừa nằm xuống, nghỉ ngơi an bình trong tình thương ngàn đời,
vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Và người ở lại, ở lại trong niềm tin vào Đấng đã chịu chết,
loan truyền ơn tha thứ và ơn giải thoát,
Thế còn những người dửng dưng ăn uống và nói cười, chưa thấy được những gì vừa diễn ra trên bàn thờ, cũng chưa nhận được những của ăn vừa được dọn ra trên bàn tiệc Thánh, thì ai là người sẽ dẫn đưa họ đến với Đấng chịu đóng đinh, kể cho họ nghe câu chuyện Giêsu, chuyện đã được kể và phải tiếp tục được kể…!!!
Mười mấy anh chị em chúng tôi vừa được hạnh phúc dự phần vào bàn tiệc nước Trời. Hình ảnh cuối cùng của Đấng chịu đóng đinh là một thể xác bất động, con tim bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra, Gioan đã xem thấy và đã làm chứng… Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu (Ga 19,37).
Tôi nhìn lên Đấng mà tôi đã đâm thâu,
Chúng tôi nhìn lên Đấng mà chúng tôi đã đâm thâu,
Đêm nay, mỗi người trên đường về nhà mình, cặp mắt như dán chặt vào Đấng mà mình đã đâm thâu, ở đó, chúng tôi đã biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng tôi và chúng tôi đã tin vào tình yêu đó.
Chúng tôi tiếp tục kể cho mọi người nghe câu chuyện về Đấng chịu đóng đinh, để tất cả cũng tin thật trong lòng và cùng xưng ra ngoài miệng (x.Rm 10,8-10) : “chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1Ga 4,16)
Trung thu 2011
MM. Tân, SJ