Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019

Được Rửa Tội và Được Sai Đi:

Hội Thánh Chúa Kitô

thi hành sứ mạng trong thế giới

Logo Duoc Rua Toi Tieng Viet png.png

Anh chị em thân mến,

Hướng đến Tháng Mười 2019, tôi đã xin toàn thể Hội Thánh làm sống lại ý thức và dấn thân truyền giáo của Hội Thánh khi chúng ta kỷ niệm một trăm năm Tông thư Maximum Illud của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV (30 tháng 11, 1919). Tầm nhìn xa mang tính tiên tri của Tông thư về hoạt động tông đồ này đã giúp tôi một lần nữa hiểu ra tầm quan trọng của việc đổi mới sự dấn thân truyền giáo của Hội Thánh và tạo sức đẩy Tin Mừng mới cho công cuộc rao giảng và đem cho thế giới ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh.

Chủ đề của Sứ điệp này cũng giống như chủ đề của Tháng Mười Đặc Biệt Truyền Giáo: Được Rửa Tội và Được Sai Đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới. Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa. Mối tương quan con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần là một cái gì riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Hội Thánh. Nhờ mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta cùng với rất nhiều anh chị em chúng ta được sinh ra để sống đời sống mới. Sự sống thần linh này không phải là sản phẩm để bán chúng ta không làm chuyện chiêu dụ người ta vào đạo nhưng là một kho báu để trao tặng, truyền đạt và công bố: đó là ý nghĩa của truyền giáo. Chúng ta đã được tặng không món quà này và chúng ta cũng đem nó tặng không người khác (x. Mt 10,8), không loại trừ một ai. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Ngài nhờ sứ vụ của Hội Thánh, bí tích phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2,4; Lumen Gentium, 48).

Hội Thánh đang thi hành sứ mạng trên thế giới. Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng chính con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần vào. Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mk 5,4; Mt 28,19; Cv 1,8; Rm 10,18). Một Hội Thánh quyết tiến tới những vùng biên cương xa xôi nhất thì cần có một sự hoán cải truyền giáo kiên trì và liên tục. Biết bao vị thánh, biết bao người nam người nữ giàu đức tin, làm chứng cho sự thật rằng sự mở rộng vô hạn này, sự đi ra trong tình thương xót này quả thật là khả thi và thực tế, vì nó được thúc đẩy bởi tình yêu và ý nghĩa sâu xa nhất của nó như là một quà tặng, một hy sinh và một sự cho không (x. 2 Cr 5,14-21)! Người rao giảng về Thiên Chúa phải là một người của Thiên Chúa (x. Maximum Illud).

Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi luôn là một sứ mạng; bạn luôn là một sứ mạng; mỗi người nam người nữ đã chịu Phép Rửa là một sứ mạng. Những người đang yêu thì không bao giờ ở yên; họ bị kéo ra khỏi con người họ; họ bị người khác thu hút rồi họ lại thu hút người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối tương quan trao ban sự sống. Đối với tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô dụng hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa. Cho dù những người cha người mẹ có thể phản bội tình yêu của họ bằng sự dối trá, thù hằn và bất trung đi chăng nữa, Thiên Chúa không bao giờ lấy lại món quà sự sống của Ngài. Từ thuở đời đời Ngài đã tiền định cho mỗi con cái của Ngài được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Ngài (x. Ep 1:3-6).

Sự sống này được ban cho chúng ta trong Phép Rửa, ban cho chúng ta ơn đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Phép Rửa tái sinh chúng ta theo chính hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, tức là Hội Thánh. Theo nghĩa này, Phép Rửa thực sự cần thiết để được cứu rỗi vì nó bảo đảm rằng, luôn luôn và mọi nơi, chúng ta là những người con ở trong nhà Cha, chứ không bao giờ là những kẻ mồ côi, khách lạ hay nô lệ. Thực tại bí tích nơi người Kitô hữu được hoàn thành trong Thánh Thể vẫn là ơn gọi và số phận của mọi người nam người nữ đang tìm kiếm ơn hoán cải và ơn cứu độ. Bởi vì Phép Rửa hoàn thành lời hứa về món quà của Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành con cái [của Thiên Chúa] trong Chúa Con. Chúng ta là con cái của cha mẹ ruột chúng ta, nhưng trong Phép Rửa chúng ta nhận được nguồn mạch của mọi  tình phụ tử và tình mẫu tử đích thực: Chẳng ai có thể nhận Thiên Chúa là Cha mà lại không nhận Hội Thánh là mẹ (x. Thánh Cyprianô, De Cath. Eccl., 6).

Do đó, sứ mạng của chúng ta bắt nguồn từ tình cha của Thiên Chúa và tình mẹ của Hội Thánh. Sứ vụ Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh gắn liền với Phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, đầy tràn Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20,19-23; Mt 28,16-20). Sứ mạng này thuộc về căn tính Kitô hữu chúng ta; nó trao cho chúng ta trách nhiệm giúp mọi người thể hiện ơn gọi của họ là làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mỗi người và quý trọng giá trị nội tại của mọi sinh linh, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chủ nghĩa thế tục lan rộng ngày nay, khi nó nhất quyết từ chối tình phụ tử chủ động của Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta, nó là một cản trở cho tình huynh đệ nhân loại đích thực, thể hiện nơi thái độ tôn trọng sự sống của nhau. Nếu không có Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, mọi khác biệt đều trở thành một mối đe doạ nguy hại, khiến không thể nào có được sự chấp nhận huynh đệ chân thành và sự hiệp nhất hiệu quả giữa loài người.

Tính phổ quát của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô đã khiến Đức Thánh Cha Bênêđictô XV kêu gọi chấm dứt mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa vị chủng, chấm dứt việc rao giảng Tin Mừng nhằm đạt được các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân. Trong Tông thư Maximum Illud, Đức giáo hoàng lưu ý rằng sứ mạng phổ quát của Hội Thánh đòi hỏi phải gạt bỏ các ý tưởng độc quyền về tư cách thành viên của đất nước hay nhóm sắc tộc của mình. Sự cởi mở của nền văn hoá và cộng đồng trước tính mới mẻ cứu độ của Đức Giêsu Kitô đòi hỏi phải bỏ lại đàng sau mọi hình thức tự quy quá mức về sắc tộc và giáo hội. Ngày nay cũng vậy, Hội Thánh cần những người nam người nữ, mà vì đã lãnh nhận phép rửa, họ quảng đại đáp lại tiếng gọi bỏ lại nhà cửa, gia đình, xứ sở, ngôn ngữ và giáo hội địa phương của mình, để được sai đến với các dân tộc khác, đến với một thế giới chưa được biến đổi nhờ các bí tích của Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi người ta hoán cải, họ làm phép rửa và cống hiến ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của các dân tộc mà họ được gửi đến. Nhờ đó, ‘sứ mạng đến với muôn dân’, missio ad gentes, vốn luôn cần thiết cho Hội Thánh, góp phần một cách thiết yếu cho tiến trình hoán cải thường xuyên nơi mọi Kitô hữu. Đức tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu; sứ mạng Hội Thánh được lãnh nhận trong Phép Rửa; ra khỏi bản thân mình và ngôi nhà của mình về phương diện địa lý và văn hoá; nhu cầu cứu thoát khỏi tội lỗi và giải thoát khỏi sự dữ cá nhân và xã hội: tất cả những điều này đòi hỏi sứ mạng phải đạt đến tận cùng cõi đất.

Sự trùng hợp do Chúa quan phòng của dịp kỷ niệm một trăm năm này với việc cử hành Thượng Hội đồng Đặc biệt về các Giáo hội Vùng Amazon cho phép tôi nhấn mạnh rằng sứ mạng mà Đức Giêsu uỷ thác cho chúng ta với ơn Thần Khí của Người cũng thật hợp thời và cần thiết cho các vùng đất ấy và các dân tộc ấy. Một lễ Hiện Xuống mới đang mở rộng cửa cho Hội Thánh, để không một nền văn hoá nào còn khép kín trong chính mình và không dân tộc nào bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông phổ quát của đức tin. Không một ai bị đóng kín trong tình trạng chỉ biết quan tâm đến mình, đến sắc tộc và tôn giáo của mình. Biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô phá vỡ những giới hạn chật hẹp của các thế giới, các tôn giáo và các nền văn hoá, bằng cách kêu gọi họ lớn lên trong sự tôn trọng nhân phẩm của mọi người nam và nữ, và hướng tới một sự hoán cải sâu xa để trở về với sự thật của Chúa Phục Sinh, Đấng ban sự sống đích thực cho mọi người.

(Đoạn sau đây tham khảo bản tiếng Pháp. Xin xem chú thích số 1) :

Ở đây tôi nhớ đến những lời của Đức Bênêđictô XVI khi ngài khai mạc Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ Latinh tại Aparecida, Brazil, năm 2007. Tôi muốn lặp lại và lấy những lời này làm những lời của chính tôi: “Nhưng việc tiếp nhận đức tin Kitô giáo có ý nghĩa thế nào đối với các dân tộc ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê? Đối với họ, điều đó có nghĩa là nhận biết và đón nhận Đức Kitô, vị Thiên Chúa chưa tường minh mà tổ tiên của họ tìm kiếm, dù không nhận thức rõ rệt, trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ mà họ thầm khao khát. Điều đó cũng có nghĩa là họ đã lãnh nhận, trong nước Rửa tội, sự sống thần linh làm cho họ trở thành những nghĩa tử của Thiên Chúa; hơn nữa, họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, bằng cách thanh luyện các nền văn hoá ấy và làm nảy mầm nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo vào đó, nhờ thế dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng. […] Lời Thiên Chúa, khi trở thành xác thể nơi Đức Giêsu Kitô, cũng trở thành lịch sử và văn hoá. Cái ảo tưởng hồi sinh các nền tôn giáo thời kỳ tiền-Colombus, bằng cách phân rẽ họ với Đức Kitô và với Hội Thánh hoàn vũ, hẳn không phải là một bước tiến mà là bước thụt lùi. Quả vậy, đó là một bước thụt lùi trở về một giai đoạn lịch sử bám chặt vào quá khứ” (Diễn văn khai mạc Hội nghị, 13 tháng 5, 2007: Insegnamenti III, 1 [2007], 855-856).

 

Chúng ta phó thác sứ mạng của Hội Thánh cho Đức Maria Mẹ chúng ta. Từ khi Con của Mẹ nhập thể, Đức Trinh Nữ Maria đã kết hợp với Con để lên đường lữ hành. Mẹ hoàn toàn gắn bó với sứ mạng của Đức Giêsu, một sứ mạng đã trở thành sứ mạng của chính Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá: sứ mạng cộng tác, với tư cách là Mẹ Hội Thánh, trong việc sinh ra thêm những người con của Thiên Chúa trong Thần Khí và đức tin.

Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời về các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, đã từng được đề nghị trong Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo phục vụ tính phổ quát của Hội Thánh như là một mạng lưới toàn cầu để trợ giúp Đức giáo hoàng trong hoạt động truyền giáo của ngài bằng cầu nguyện, linh hồn của việc truyền giáo, và bằng những quyên góp bác ái của các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các khoản quyên góp của họ giúp Đức giáo hoàng trong các cố gắng loan báo Tin Mừng của các Giáo Hội địa phương (Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức Tin), trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương (Hội Giáo hoàng Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ), trong việc gây ý thức truyền giáo giữa các nhi đồng (Hội Giáo hoàng Nhi đồng Truyền giáo), và trong việc khích lệ chiều kích truyền giáo của đức tin Kitô giáo (Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo). Trong khi nhắc lại sự ủng hộ của tôi đối với các Hội này, tôi tin tưởng rằng Tháng Mười Đặc Biệt Truyền Giáo 2019 này sẽ góp phần canh tân việc phục vụ truyền giáo của các Hội này cho sứ vụ của tôi.

(xin xem chú thích số 2)

Tôi thân ái ban phép lành cho những nhà truyền giáo nam và nữ, và cho tất cả những ai, nhờ Phép Rửa, đang bằng cách này hay cách khác tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh.

Từ Điện Vaticanô, 9 tháng 6, 2019, Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

PHANXICÔ

Bản dịch Tiếng Việt

của Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

 

1/ Tham khảo bản tiếng Pháp:

« Qu'a signifié l'acceptation de la foi chrétienne pour les pays de l'Amérique latine et des Caraïbes ? Pour eux, cela a signifié connaître et accueillir le Christ, le Dieu inconnu que leurs ancêtres, sans le savoir, cherchaient dans leurs riches traditions religieuses. Le Christ était le Sauveur auquel ils aspiraient silencieusement. Cela a également signifié qu'ils ont reçu, avec les eaux du Baptême, la vie divine qui a fait d'eux les enfants de Dieu par adoption ; qu'ils ont reçu, en outre, l'Esprit Saint qui est venu féconder leurs cultures, en les purifiant et en développant les nombreux germes et semences que le Verbe incarné avait déposés en elles, en les orientant ainsi vers les routes de l'Evangile. […] Le Verbe de Dieu, en se faisant chair en Jésus Christ, se fit également histoire et culture. L'utopie de redonner vie aux religions précolombiennes, en les séparant du Christ et de l'Eglise universelle, ne serait pas un progrès, mais plutôt une régression. En réalité, il s'agirait d'un retour vers un moment historique ancré dans le passé. » 

2/ Tên gọi (tiếng Việt) của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, theo:

http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-nhiem-tan-giam-doc-hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-giao-tai-viet-nam-29894

 

 

Học hỏi sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô

cho ngày thế giới truyền giáo 2019

 

Được Rửa Tội và Được Sai Đi:

Hội thánh Chúa Kitô

thi hành sứ mạng trong thế giới

 

Câu 1: Chủ đề của ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019 là gì?

Được Rửa Tội và Được Sai đi: Hội thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”.

Câu 2: Tác giả của sứ điệp về ngày Truyền giáo 2019 là ai?

Sứ điệp về ngày Thế giới truyền giáo 2019 do Đức Giáo Hoàng Phanxicô soạn thảo.

Câu 3: Nội dung của Sứ điệp này là gì?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục toàn thể Hội thánh làm sống lại sự ý thức và dấn thân truyền giáo của Hội thánh khi chúng ta kỷ niệm một trăm năm Tông Thư Maximum Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (30 tháng 11, 1919).

Câu 4: Đâu là động lực để Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết sứ điệp này?

Tính Ngôn sứ của Tông Thư về hoạt động tông đồ này đã giúp Đức Phanxicô nhận ra tầm quan trọng của việc đổi mới sự dấn thân hoạt động truyền giáo của Hội thánh.

Câu 5: Tại sao tựa đề Sứ điệp này cũng y hệt tựa đề của Tháng Mười Đặc Biệt Truyền Giáo?

Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa.

Câu 6: Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa được diễn tả như thế nào?

Mối tương quan con thảo của chúng ta với Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần là một cái gì riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Hội thánh.

Câu 7: Chúng ta diễn tả lòng tin vào Hội thánh như thế nào?

Nhờ mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta cùng với rất nhiều anh chị em chúng ta được sinh ra cho để sống đời sống mới.

Câu 8: Sự sống mới này là gì?

Là sự sống thần linh. Sự sống này không phải là một sản phẩm nhưng là một kho báu để trao tặng, để truyền đạt và công bố. Đó là ý nghĩa của việc truyền giáo.

Câu 9: Nhiệm vụ của người Kitô hữu đối với quà tặng này như thế nào?

Chúng ta có trách nhiệm đem Lời Chúa cho người khác, không loại trừ một ai (x. Mt 10:8). Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người nhờ sứ vụ của Hội thánh, mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ (x. 1 Tm 2:4; Lumen Gentium, 48).

Câu 10: Vậy Hội thánh thi hành sứ mạng này như thế nào?

Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng chính con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần vào. Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mk 5:4; Mt 28:19; Cv 1:8; Rm 10:18).

Câu 11: Nhờ ba Nhân đức đối thần, Hội thánh thi hành sứ mạng truyền giáo như thế nào?

Một Hội thánh quyết tiến tới những vùng biên cương xa xôi nhất thì cần có một sự hoán cải truyền giáo kiên trì và liên tục. Hay nói cách khác, người rao giảng về Thiên Chúa phải là một người của Thiên Chúa (x. Maximum Illud).

Câu 12: Người Kitô hữu ý thức việc Truyền giáo như thế nào?

Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi luôn là một sứ mạng; bạn luôn là một sứ mạng; mỗi người nam người nữ đã chịu Phép Rửa là một sứ mạng. Mỗi người chúng ta là một sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa.

Câu 13: Ý thức về sứ mạng của mình, đâu là động lực để người tín hữu thực thi điều đó?

Phép Rửa tái sinh chúng ta theo chính hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh.

Câu 14: Phép Rửa làm gì cho chúng ta?

Phép Rửa hoàn thành lời hứa về món quà của Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành con cái [của Thiên Chúa] trong Chúa Con. Chúng ta là con cái của cha mẹ ruột chúng ta, nhưng trong Phép Rửa chúng ta nhận được nguồn mạch của mọi tình phụ tử và tình mẫu tử đích thực: Chẳng ai có thể nhận Thiên Chúa là Cha mà lại không  nhận Hội thánh là mẹ (x. Thánh Cyprianô, De Cath. Eccl., 6).

Câu 15: Qua Phép Rửa, vậy sứ mạng của người Kitô bắt nguồn từ đâu và thi hành như thế nào?

Sứ mạng của chúng ta bắt nguồn từ tình cha của Thiên Chúa và tình mẹ của Hội Thánh. Sứ vụ Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh gắn liền với Phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, đầy tràn Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20:19-23; Mt 28:16-20). Sứ mạng này thuộc về căn tính Kitô hữu chúng ta; nó trao cho chúng ta có trách nhiệm giúp mọi người thể hiện ơn gọi của họ là làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mỗi người và quý trọng giá trị nội tại của mọi sinh linh, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Câu 16: Chúng ta có trách nhiệm gì với chủ nghĩa thế tục?

Chúng ta có nhiệm vụ giúp thế gian nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa dành cho con người trong lịch sử của chúng ta, đồng thời giúp cho thế gian đón nhận lẫn nhau trong tình huynh đệ chân thành và sự hiệp nhất hiệu quả giữa loài người.

Câu 17: Đâu là lý do chấm dứt chủ nghĩa dân tộc và chủng tộc?

Tính phổ quát của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô đã khiến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV kêu gọi chấm dứt mọi hình thức của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa vị chủng, chấm dứt việc rao giảng Tin Mừng nhằm đạt được các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân. Trong Tông Thư Maximum Illud, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng sứ mạng phổ quát của Hội thánh đòi hỏi phải gạt bỏ các ý tưởng độc quyền về tư cách thành viên của đất nước hay nhóm sắc tộc của mình.

Câu 18: Nhờ sự cởi mở của các nền văn hoá cộng với tính mới mẻ của ơn cứu độ phổ quát, nhiệm vụ của chúng ta là gì?

Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi người ta hoán cải, họ làm phép rửa và cống hiến ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của các dân tộc mà họ được gửi đến. Nhờ đó, ‘sứ mạng đến với muôn dân’, missio ad gentes, vốn luôn luôn cần thiết cho Hội thánh, góp phần một cách thiết yếu cho tiến trình hoán cải thường xuyên nơi mọi Kitô hữu.

Câu 19: Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về các Giáo Hội Vùng Amazôn là gì?

Sự trùng hợp do Chúa quan phòng của dịp kỷ niệm một trăm năm này với việc cử hành Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về các Giáo Hội Vùng Amazôn cho phép tôi nhấn mạnh rằng sứ mạng mà Đức Giêsu uỷ thác cho chúng ta với ơn Thần Khí của Người cũng thật hợp thời và cần thiết cho các vùng đất ấy và các dân tộc ấy.

Câu 20: Đức Giáo hoàng Phanxicô nhớ tới những lời của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài khai mạc Hội Nghị các Giám Mục Châu Mỹ Latinh tại Aparecida, Brazil, năm 2007 như thế nào?

“Nhưng các quốc gia Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê đã hiểu việc chấp nhận đức tin Kitô giáo có nghĩa là gì đối với họ? Đối với họ, nó có nghĩa là biết và đón nhận Đức Kitô, vị Thiên Chúa chưa tường minh mà tổ tiên của họ từng tìm kiếm, dù không nhận thức rõ rệt, trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ mà họ thầm khao khát. Điều đó cũng có nghĩa là họ đã lãnh nhận, trong nước Rửa tội, sự sống thần linh làm cho họ trở thành những nghĩa tử của Thiên Chúa; hơn nữa, họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, bằng cách thanh luyện các nền văn hoá ấy và làm nẩy mầm nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo vào đó, nhờ thế dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng. Lời Thiên Chúa, khi trở thành xác thể nơi Đức Giêsu Kitô, cũng trở thành lịch sử và văn hoá.

Câu 21: Chúng ta phó thác sứ mạng truyền giáo cho ai?

Chúng ta phó thác sứ mạng của Hội thánh cho Đức Maria Mẹ chúng ta. Từ khi Con của Mẹ nhập thể, Đức Trinh Nữ Maria đã kết hợp với Con để lên đường lữ hành. Mẹ hoàn toàn gắn bó với sứ mạng của Đức Giêsu, một sứ mạng đã trở thành sứ mạng của chính Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá: sứ mạng cộng tác, với tư cách là Mẹ Hội Thánh, trong việc sinh ra thêm những người con của Thiên Chúa trong Thần Khí và đức tin.

Câu 22: Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắn gửi điều gì?

Ngài muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã từng được đề nghị trong Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo.

 

Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP.

Văn Phòng Uỷ Ban Loan báo Tin mừng

soạn thảo

 

 



Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công

Các bài viết cũ hơn
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa
     THAM LUẬN TRUYỀN GIÁO HẠT AN BÌNH- ĐẠI HỘI TVTM LẦN I. Phêrô Vũ Ngọc Tam
     BÀI CÁM ƠN LỄ TRUYỀN GIÁO 2016_ Đaminh. Trần Xuần Thảo
     BÀI CHIA SẺ TRONG NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2016: HÁT cho DÂN TÔI nghe. Thầy Đaminh Trần Văn Tân
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 09.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016: BẢN TIN 06 Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     Những người con của lòng CHÚA THƯƠNG XÓT_ MM Tân, S.J.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 05