GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG
TRƯỜNG 2016
BẢN TIN 09
Thưa
quý Tác giả và Bạn đọc,
Chúng
tôi xin được gửi đến mọi người 8 truyện dự thi tiếp theo đã được chọn qua vòng
sơ loại. Hiện các giám khảo đang tiến hành chấm sơ khảo gần 100 truyện (trong
số 143 truyện dự thi) đã lọt qua vòng loại. Hi vọng đến đầu tháng 6 này sẽ có
kết quả sơ khảo để chọn những truyện vượt trội hơn vào vòng chấm chung khảo.
Xin
nhắc lại vài thông tin đã loan trong hai bản tin trước.
1.
Cuộc thi còn tiếp tục hai năm nữa. Ban Tổ chức ước mong quý vị và các bạn góp ý
cho việc tổ chức cuộc thi năm thứ sáu (2018), là năm cuối cùng của cuộc thi, để
nó có một tầm vóc xứng đáng. Chúng tôi đang nghĩ tới những điểm sau đây:
-
Sẽ vẫn có việc tổng kết các bài đạt giải 5 năm trước. Dự kiến sẽ có những giải
thưởng như: Tác giả có nhiều bài đạt giải cao - Tác giả gởi nhiều bài dự thi và
đạt giải liên tục nhiều năm - Tác giả trẻ tuổi nhất đạt giải nhiều lần
nhất…v.v…
-
Thay vì chỉ “dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải
tổng kết” (theo bản thể lệ hiện có), năm cuối sẽ vẫn đón nhận bài dự thi bình
thường như các năm trước và vẫn có khung giải thưởng từng năm như các năm
trước.
-
Lần này không hạn chế số lượng bài dự thi của cùng một tác giả. Những tác giả
có từ 5 bài trở lên được vào chung khảo sẽ nhận được những phần thưởng đặc
biệt, đồng thời sẽ khuyến khích tập hợp thêm những truyện khác của mình để in
thành những tuyển tập riêng trong Tủ sách Nước Mặn.
Ước
mong quý vị và các bạn góp thêm ý kiến.
2.
Xin được giói thiệu đến quí vị facebook của Giải Viết Văn Đường Trường
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/
FB
sẽ gửi đến quí vị và các bạn các thông tin của cuộc thi, rồi sẽ lần lượt đăng
giới thiệu từng truyện dự thi đã qua vòng sơ loại với cách trình bày bắt mắt và
dễ đọc hơn. Mong quí vị và các bạn giúp giới thiệu và kết nối trang facebook
này với các thân hữu, để những đóng góp văn thơ Công giáo sớm đến với mọi người
ở khắp nơi.
Ngoài
ra qua trang facebook này, ban tổ chức quyết định có thêm bốn giải thưởng qua
việc bình chọn, nhằm mục đích tạo nên sự tương tác trực tiếp hữu ích giữa các
tác giả và độc giả. Xin mời xem chi tiết trong bản thể lệ dưới đây.
Xin
các bạn trẻ đang dùng FB, hãy tham gia nhóm để được cập nhật thông tin thường
xuyên và để bình chọn hoặc chia sẻ.
Vừa
qua khi trang FB được khai trương và bắt đầu đăng bài dự thi, đã có một số ý
kiến lo ngại việc bình chọn trên mạng sẽ
không trung thực và có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả chấm giải. Chúng tôi xin
được nói lại cho rõ: Việc mở ra cuộc thi và các giải bình chọn chỉ nhằm mục
đích tạo thêm sự tương tác giữa tác phẩm và độc giả một cách sâu rộng hơn, các
giám khảo làm việc độc lập và hoàn toàn không dựa vào kết quả bình chọn, vì thế
giải bình chọn có thể trùng hoặc không trùng với các giải do ban giám khảo
chấm.
Chúng
tôi sẽ cập nhật thêm thông tin về cuộc thi trên FB và trên các bản tin sau.
Xin
chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá
chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả
đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót
chúc lành cho tất cả chúng ta.
Qui
Nhơn, ngày 19-05-2016
TM
Ban Tổ chức
Lm
Trăng Thập Tự
THỂ LỆ GIẢI THƯỞNG BÌNH CHỌN
Ban Tổ chức Giải Viết Văn
Đường Trường 2016 hân hạnh thông báo khai trương facebook
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/
để nhanh chóng gửi đến quí
vị và các bạn các thông tin của cuộc thi.
Với facebook này, ban tổ
chức quyết định có thêm bốn giải thưởng bình chọn, nhằm mục đích tạo nên sự tương
tác trực tiếp hữu ích (like và share)
giữa các tác giả và độc giả.
Một giải dành cho truyện
được yêu thích nhất, tức là được “like” nhiều và được “chia sẻ” nhiều lượt
nhất, nhưng chỉ tính theo số lượng trên trang facebook chính thức này thôi.
Cách tính giải: lượt thích (like, hệ số 1) + lượt chia sẻ (share, hệ số 3). Dĩ
nhiên truyện này có thể sẽ trùng với một bài đã
đạt giải do Ban Giám khảo chấm, nhưng sự bình chọn của độc giả cũng sẽ là một
niềm vui tinh thần cho tác giả và có thêm phần thưởng phụ trội (3.000.000 đồng)
cộng vào với giải thưởng đã có.
Ngoài ra là ba phần thưởng
đặc biệt lần lượt cho 3 độc giả trả lời đúng nhất 2 câu hỏi sau đây:
1. Theo bạn, truyện
ngắn nào sẽ được Ban Giám khảo chấm đạt giải cao nhất trong cuộc thi 2016? (Bạn
nhớ ghi cả mã số và tiêu đề truyện)
2. Theo bạn, sẽ có
bao nhiêu người cùng bình chọn truyện đó như bạn?
- Hình thức và thời gian dự đoán: Trong thời gian theo dõi, độc giả có thể tải những truyện mình đánh giá
cao và chia sẻ về FB riêng thành một tuyển tập. (Nếu muốn giữ bí mật, thì để ở chế độ: chỉ
mình tôi-Only me). Như thế, cuối cùng bạn dễ dàng xem lại để chọn truyện
hay nhất. Một ngày sau khi FB giới thiệu truyện cuối cùng (Mã số
16-143), sẽ có thông báo ngắn về việc dự đoán, kéo dài 15 ngày, độc giả
sẽ ghi câu trả lời vào phần bình luận (comment).
Vd:
1. Theo tôi, truyện sẽ đạt giải cao nhất là truyện mang mã số 16-000 với
tiêu đề:....
2. Có 1030 người bình
chọn truyện này như tôi.
- Lưu ý:
+
Mỗi người chỉ được bình chọn 1 lần duy nhất mà thôi.
+ Nếu cùng 1 một người mà
có 2, 3 địa chỉ FB thì xin dùng 1 FB chính thức để tham gia bình chọn mà thôi.
+ Ai không dùng FB, xin
gửi dự đoán về: gopnhattho@yahoo.com, và tinmunggiesu@gmail.com
Ba độc giả đáp đúng nhất
sẽ nhận được phần thưởng đặc biệt (3.000.000 đồng, 2.000.000 đồng, và 1.000.000 đồng) đồng thời được hỗ trợ tiền
xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Ban Tổ chức sẽ so sánh kết
quả dự đoán và sẽ công bố kết quả sớm để độc giả trúng thưởng kịp thu xếp thời
giờ về dự họp mặt trao giải và hành hương.
Xin các bạn trẻ đang dùng
FB, hãy tham gia nhóm để được cập nhận thông tin thường xuyên và để bình chọn
hoặc chia sẻ. Cám ơn các bạn.
Qui Nhơn ngày 27-4-2016
TM Ban Tổ chức
Lm Trăng Thập Tự
BÀI DỰ THI
ƯỚC MƠ NHỎ - HẠNH PHÚC TO…
“Chát…chát…” ,
“Đi lễ nè… Đi lễ nè… Tao quýnh cho mày què giò luôn”.
Những tiếng
đòn roi quất túi bụi cùng với đó là những tiếng la mắng chát chúa của người mẹ
vào đứa con trai của mình đã phạm lỗi, mà theo người mẹ đó là tội nặng đáng
đánh đòn – đi lễ nhà thờ.
Tôi được sinh
ra trong một gia đình gồm 3 chị em. Tôi là út và cũng là con trai duy nhất nên
có lẽ mọi tình thương ba mẹ đều giành cho tôi. Nhưng nào tôi biết được điều đó.
Tôi cứ mãi vô tư chìm đắm trong các trò chơi cùng lũ bạn, xin tiền mẹ để lao
vào các trò game online mà nào biết đó là tội. Tôi sống trong xóm đạo, gần nhà
nguyện của các nữ tu dòng Phaolo. Vì thế mà bọn con nít tuổi tôi hay đi lễ và
chạy đến đó chơi. Tôi sợ nên không dám đi theo chúng, nhưng đối với tôi tiếng
chuông nhà nguyện thì chẳng xa lạ gì. Thật ra thì nội tôi là người có đạo đấy.
Bác tôi, chú tôi thì có đạo. Chỉ có ba tôi thì nghe nói ông đã bỏ đạo được hơn
20 năm rồi.
Và rồi, một
ngày đẹp trời mà đối với tôi đó là ngày tôi không thể quên. Hôm đó là Chúa
Nhật, là ngày là bạn cùng xóm đi học giáo lý, đi lễ nhà thờ. Bạn tôi - ở sát
nhà tôi rủ tôi đi chơi với nó. Vậy là tôi quyết định đi theo. Tôi đi vào nhà
thờ - nơi mà tôi chưa bao giờ dám đặt chân đến – và được một cô chỉ định ngồi
trên hàng đầu. Tôi thấy một vị mặc áo trắng, có các bạn nhỏ chắc tuổi tôi đi
sau. Tôi nghĩ “À, kẻ hầu theo hoàng thượng đây mà”. Tôi thấy ông ấy đứng trên bàn
rồi trên bục, nói nói giảng giảng điều gì đó mà tôi không rõ. Bên trên có một
cái ông chết trên cái thánh giá mà máu me nhiều lắm kể. Rồi tôi đi về và cứ
nghĩ mãi về những hình ảnh đó. Lúc ấy tôi lớp 3. Thế rồi mỗi chúa nhật, tôi đều
theo bạn đến nhà thờ. Tôi hỏi những đứa bạn về các hình ảnh đó. Thì ra ông ấy
gọi là Cha, ông ấy giảng giáo lý và dâng lễ, đọc sách. Còn cái bọn theo sau là
giúp lễ cho Cha. Còn cái ông chết trên cao đó là Chúa Giê-su.
Không biết tự
bao giờ, tôi ham muốn đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tôi nhìn lên trên thập giá,
tự nhiên thấy mình khao khát điều gì đó. Tôi cười và dự lễ. Đó là năm tôi lớp
5.
Và chuyện gì
đến cũng đến. Ba mẹ tôi biết tôi đi lễ nhà thờ. Ba mẹ tôi ra sức cấm cản. Lúc
đầu nói, rồi la mắng, và biện pháp mạnh hơn – đánh. Những cái đòn roi nghe chan
chát vào mỗi sáng chúa nhật phát ra từ nhà tôi thu hút bọn trẻ cùng xóm đến xem
và trêu chọc. Tôi buồn lắm chứ nhưng biết làm gì hơn. Nhưng rồi, tôi không
hiểu, động lực nào lại cứ thúc đẩy đôi chân tôi đến với Chúa. Tôi biết rằng,
mỗi chúa nhật là một trận đòn, có khi đến từ cả ba và mẹ nhưng tôi vẫn đi. Tôi
đi mà chẳng hề suy nghĩ gì. Tôi hay lén đi rồi lễ xong tôi tranh thủ chạy về
nhà thật nhanh. Đôi khi, lễ xong tôi ở lại và ngồi học lóm giáo lý bên ngoài
cửa sổ. Tôi nghe các thầy cô dạy và tôi hiểu được phần nào các điều mà bấy lâu
nay tôi không hiểu về đạo Công giáo. Tôi đi chơi, tôi thấy nhà nào đọc kinh thì
tôi thích lắm. Nhìn ngó xung quanh, không có ba mẹ với chị, vui lắm, đứng vào
và nhẩm kinh theo. Nhờ vậy mà tôi thuộc được các kinh ngắn và thông dụng. Hạnh
phúc của tôi bé lắm, chỉ vậy thôi.
Rồi năm tôi
học cấp 3, ba mẹ càng ngăn cấm tôi quyết liệt hơn. Ba tôi phải dùng biện pháp
mạnh là ông mua sợi dây xích về và đến sáng chúa nhật là ông cho tôi ăn sáng và
xích chân tôi vào cầu thang để tôi không đi nhà thờ được. Lúc ấy tôi cảm thấy
mình thật tội lỗi vì không đến nhà thờ dự lễ. Tôi cảm thấy mặc cảm với bạn bè
vì mình không được đi học giáo lý. Tôi thầm trách ba tôi tại sao ông lại bỏ đạo
rồi lại ngăn cấm tôi thế này. Và tôi đọc kinh như đã học lõm giáo lý để cầu xin
Chúa. Được hai tuần thì nhà tôi có tin vui. Còn tôi thì vui gấp trăm lần. Chị
tôi cưới chồng có đạo. Vậy là chị tôi đi học giáo lý. Nhìn ba tôi cũng sốt sắng
hẳn. Bên nội tôi có 3 người cô đi tu cũng về dự lễ cưới của chị. Tôi nghĩ Chúa
đã lắng nghe tôi cầu xin.
Nhưng nào có
ngờ, chưa được 3 tháng thì gia đình chị có chuyện xích mích. Họ phải ly thân.
Chị tôi hận anh rể nên không đi lễ. Ba tôi vốn đã có mối hận đạo, nay thêm
chuyện này lại càng thêm hận. Rồi ngày nọ, chị tôi nhận hung tin từ người em
bên phía nhà chồng là anh rể tôi đã có con với người con gái khác. Không tin
nên chị đến nhà chồng xem nhưng đó lại là sự thật. Chị tôi đau lắm. Chị quyết
ly dị dân sự. Bỏ đạo và cưới một người chồng khác. Tôi lại buồn. Tôi chạy đến
nhà thờ, dưới chân Đức Mẹ, tôi cầu xin Mẹ.
Sau vụ việc
này, gia đình tôi vô cùng hận đạo. Tôi đi lễ, sáng mẹ tôi đánh bằng roi, chiều
tối ba tôi đánh bằng dây nịt. Cứ như vậy, họ cứ mãi đánh còn tôi cứ mãi mê
trong những thánh lễ. Tôi thấy hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn mỗi khi đến
nhà thờ, đặc biệt là dự lễ. Tôi xin “Lạy Chúa Giesu, xin cho con được đi lễ mà
không cần phải trốn, xin cho ba mẹ con biết Chúa”. Mỗi Chúa nhật tôi đều cầu
nguyện như vậy. Một số người có đạo gần nhà thấy vậy cũng thương tôi lắm. Họ
bảo tôi rằng:
- Thôi mày
đừng theo đạo đi lễ nữa, ba mẹ mày không cho rồi mà cứ đi, có ngày ba mẹ mày
đánh chết? Không sợ hả?
Tôi trả lời
vui rằng:
- Nếu sợ thì
con đâu có đi đâu. Mà kệ, đánh chết thì nhiều khi con được làm thánh tử đạo thì
sao.
Họ phá lên
cười cho câu trả lời ngây ngô của tôi. Tôi cũng cười cho câu trả lời từ tận đáy
lòng mình. Tôi khao khát thèm muốn lắm. Nên mỗi khi giáo xứ tổ chức gì tôi đều
có mặt. Từ lễ Giáng sinh cho đến Phục sinh, từ vai diễn nguyện thằng bé cho đến
các vị thánh, tôi đều được kêu gọi đóng
giúp. Những lúc ấy, tôi có phần vui mà cũng sợ. Vui vì được làm việc cho Chúa.
Sợ vì ba mẹ tôi có thể thấy tôi. Tôi còn nhớ như in Noel năm 2013, một Sơ
Phaolo nhờ tôi múa. Tôi nhận lời ngay. Qua nói chuyện, Sơ biết hoàn cảnh của
tôi nên đã dạy tôi học giáo lý. Tôi được các Sơ dạy giáo lý, nuôi dưỡng đức
tin, tâm hồn mến Chúa. Tôi xem các Sơ Phaolo như những người mẹ thứ hai sinh ra
mình. Tôi ao ước mẹ tôi cũng như thế.
Mỗi lần đến
nhà thờ, nhìn mọi người lên rước lễ, tôi ao ước lắm. Dẫu biết rằng, tôi chưa
được rửa tội nên không được rước lễ, tôi cố kìm chế bản thân mình. Vì lòng quá
khao khát, tôi đã quyết định lên rước Chúa. Nhưng tôi đã bị một cô biết được và
cản lại. Xấu hổ quá, tôi chạy xuống dưới cuối nhà thờ mà dự lễ cho xong. Hôm đó
là tối thứ 7. Lễ xong, về nhà, ba tôi đã chuẩn bị xong 2 sợi dây nịt. Tôi thấy,
biết thời khắc đã đến. Tôi không sợ. “Chúa chịu được thì mình cũng phải cố
chịu”. Bố không đánh túi bụi như mẹ tôi. Ông đánh ở bắp chân và đùi. Tôi nhớ
như in. Tối hôm đó ông đánh tôi đi không được. Tôi đứng lên không nổi. Chị tôi
đứng xem chỉ nói: chừa cái tật. Tôi nằm một lúc cho đỡ đau, nhưng cũng không đi
được. Tôi lết lên phòng ngủ. Đến ngày hôm sau, không biết điều gì thúc đẩy, tôi
lại đi lễ nữa. Mẹ tôi thấy và chửi. Tôi vụt chạy. Đến nhà thờ, tôi trách Chúa,
trách nhiều lắm. “Tại sao? Tại sao Chúa bỏ con? Sao Chúa không thương con? Con
đến với Ngài hết cả tấm lòng mà”. Tôi không dám về. Tôi ăn cơm nhà bạn. Đến
tối, tôi về để học bài. Nhà đóng cửa. Tôi gõ cửa xin vào nhà rất lâu nhưng cũng
không ai mở cửa. “Mày đi luôn đi, biến khỏi nhà tao” – tiếng ba tôi vọng ra.
Tôi ngồi bên ngoài đợi cửa mở. Mãi đến 23 giờ, tôi gọi bạn xin ngủ nhờ. Ngày
hôm sau, tôi nói bạn tôi chở ra bến xe. Tôi đón chuyến xe đi Nha Trang và lang
thang 2 ngày ở nơi xứ người. Tôi đến nhà thờ Núi xin cha sở để được làm việc
nhà thờ và có một chỗ ngủ sống qua ngày. Cha không chấp nhận. Tôi đi lang thang
với 20.000 đồng. Tôi đói. Tôi xin một nhà kia là phật tử để ở nhờ một đêm. Lúc
đầu, bà ấy nghĩ tôi là kẻ hút chích hay cờ bạc nên bị gia đình ruồng bỏ. Sau
khi nghe tôi kể, bà khuyên tôi nên về, rồi bà đưa tôi 100.000 đồng về xe. Chiều
ngày thứ hai sau khi bỏ nhà đi, tôi quyết định về. Thầm nghĩ, nếu như lần này
về bị đuổi thì sẽ đi luôn.
Về đến nhà, ba
mẹ và chị đều im không nói lời nào. Nhắc đến chuyện đi lễ, mẹ tôi chỉ la mắng
thay vì đánh như trước. Tôi vui quá, chạy lên núi Đức Mẹ Hòa Bình tạ ơn. Chắc
là ba mẹ đã suy nghĩ khác hay Chúa đã
biến đổi tâm hồn họ? Dù sao đi nữa đó cũng là điềm tốt. Rồi tôi tốt nghiệp phổ
thông và thi đại học. Tôi đậu một trường cao đẳng tại Nha Trang. Ngoài đi học ở
trường, tôi thường đến nhà thờ học hỏi thêm giáo lý. Tôi nhớ như in là cha Quý
dòng Phanxico ở xứ Antôn Vĩnh Phước dạy. Tôi còn xin gia nhập nhóm sinh viên
Công giáo Tin yêu Nha Trang để sinh hoạt nữa.
Ngày
08/09/2014. Đây là ngày gì? Sinh nhật Đức trinh nữ Maria đó. Đây cũng là ngày
tôi được sinh ra bởi Nước và Thần khí. Ngày rửa tội, tôi vui lắm, niềm ao ước
bấy lâu nay được trở thành hiện thực. Tôi xin Cha sở đóng hết cửa nhà thờ lại
vì sợ. Đến dự lễ, chỉ có các sơ dòng Phaolo, bố đỡ đầu và cô đã đỡ đầu cho chị
tôi. Không hoa, không long trọng, nhưng tôi đã có Chúa và Đức Mẹ là bông hoa tuyệt
vời nhất của tôi, được trở thành con cái Chúa là sự long trọng nhất trong tâm
hồn tôi. Tôi giữ kín gia đình việc này. Vì họ còn sự ngan cản. Nhưng cây kim
trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Họ biết và chửi tôi. Nhưng không hề chi. Những
lúc đó tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ mỗi ngày. Như hai câu
thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Từ ấy trong
tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân
lý chói qua tim.
“Mẹ nghe tiếng
con rồi. Chúa nhận lời con rồi” – tôi thốt lên trong niềm hân hoan sung sướng.
Tôi chuẩn bị đi tắm, không biết vô tình hay cố ý, ba tôi mở karaoke lên hát,
bài đầu tiên ông hát là “Cung chúc Trinh vương”. Tôi chạy lên. Bấm ngay bài
“Xin vâng”. Tôi với ba cùng hát. Ông thuộc rất kỹ, không cần nhìn màn hình ông
vẫn hát được. Đó là lần 1. Ba ngày sau, ông cũng mở karaoke, “Con xin dâng mẹ”
là bài mở đầu. Vui quá tôi chạy lên nói với các Sơ. Dịp đó, tôi đi hành hương
Mẹ Trà Kiệu với các Sơ. Khi về, Sơ mua tặng ông tượng Mẹ La Vang. Nếu như bình
thường, ông sẽ vứt đi hoặc cho người khác. Lần này, ông lại cất giữ trong tủ đồ
rất kỹ. Thấy vậy lòng tôi mừng rỡ hân hoan. Tôi chạy đến tạ ơn Chúa và Mẹ. Tôi
nghĩ chắc ông đang muốn quay về nhưng vì ngại mà thôi. Tôi tiếp tục cầu nguyện.
Trước đó, tôi
trách Chúa không thương tôi, không đoái hoài gì đến tôi. Tôi đã lầm. Chúa giàu
lòng thương xót đã lắng nghe. Tôi thấy Ngài cho tôi thật nhiều ơn. Từ ơn không
từ bỏ Chúa cho đến biến đổi ba tôi. Và gần đây nhất, đó là muốn hiến dâng cuộc
đời cho Chúa. Tôi sinh hoạt thiếu nhi thánh thể và dạy giáo lý tại Giáo xứ
Thanh Hải – Giáo phận Nha Trang. Tôi gặp được Cha Ninh – người rất hiền hòa,
cùng Cha phó Giang – người rất vui vẻ. Họ cùng các anh chị em, thầy cô giáo lý
cùng các Sơ giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi thấy mình không còn cô đơn trong tâm hồn
nữa. Chúa quan tâm tôi nhiều hơn rồi. Ngọn tro sắp tàn tôi đây đã bén lửa cho
than hồng khác. Giờ đây, tôi muốn thánh hiến đời mình tại dòng Salesians Don
Bosco – dòng mà Cha Ninh đã hướng tôi, cũng phù hợp với tôi. Chúa không lầm.
Đúng, Ngài đến không phải để đem yêu thương, Ngài đến để đem sự chia rẽ. Và tôi
ước mong rằng, ba tôi sẽ đến nhà thờ xưng tội để trở lại là con cái của Thiên
Chúa. Ước mong rằng mẹ và chị tôi biết đến Chúa, học hỏi giáo lý và được rửa
tội. Để gia đình tôi luôn được sống trong an hòa và tình thương vô bờ của Chúa.
Quả vậy. “Ai
muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Ngài. Vì ai liều
mạng sống mình vì Chúa và Tin mừng, thì sẽ được sống” (Mc 8, 34-35).
LẠY CHÚA, XIN
ĐOÁI NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN ĐƠN SƠ CỦA CHÚNG CON KHI TRAO PHÓ MỌI SỰ CHO CHÚA VÀ
VUI MỪNG VÌ NHỮNG GÌ CHÚA ĐÃ THỰC HIỆN NƠI CHÚNG CON. GIÊSU – CON TÍN THÁC VÀO
NGÀI. AMEN.
BÔNG HOA BUÔN LÀNG
Ba má nó lấy
nhau trong sự phán đối kịch liệt của ông bà nội. Ba là con trai trưởng trong
một gia đình sùng đạo Phật. Ba theo học lớp giáo lý dự tòng để lấy má. Ngày
mong chờ rồi cũng đến, ba chịu phép rửa tội rồi lấy má về làm vợ. Ngày lễ cưới
là giây phút linh thiêng của đôi vợ chồng trẻ, nhưng ấn chửa sâu thẳm trong đôi
mắt hai người là nỗi buồn trĩu nặng. Ngày lễ cưới không một người nào bên nội
tham dự. Thêm vào đó, ông bà nội không tổ chức tiệc mừng cho ba má. Không đón
dâu, không mâm cỗ, ba một mình qua nhà má làm lễ gia tiên.Bên ngoại lo được vài
mâm cơm để chia vui cùng ba má. Cưới nhau xong, ba má nó dụng một túp lều tranh
nhỏ trên mảnh đấtđầy tranh và cỏ dại gần bãi mía của nông trường. Lấy nhau
trong sự khó khăn, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thầnnên ba má nó rất trân trọng
và yêu thương nhau.
Dù ba đã theo
đạo nhưng ông bà nội vẫn phản đối kịch liệt, không cho phép ba tham dự Thánh
Lễ. Nếu hôm nào biết ba đi dự lễ thì ngày đó coi như địa ngục của má, bà nội
chửi má thậm tệ, còn đánh má nữa. Thương vợ nên ba nó đành ở nhà.Vào chúa nhật
hàng tuần, ba chở má tới cổng nhà thờ rồi quay trở về, canh chừng thánh lễ kết
thúc rồi trở lại đón má.
Hoa trái tình
yêu giữa ba má là ba anh em lần lượt chào đời. Nó là đứa con gái duy nhất ở
giữa anh trai và em út. Tiếc thay, ông bà nội không cho ba anh em nó rửa tội.
Dù vậy, má nó luôn cố gắng nuôi dạy ba anh em thật tốt. Chúng lớn lên trong sự
khôn ngoan và đạo hạnh. Điều này như sợi dây liên kết tình cảm ba má thêm khăng
khít. Má nó ngày đêm cầu nguyện để mong sao một ngày nào đó ba anh em được rửa
tội.
Má đi làm trên
phố, tuy không xa lắm nhưng cuối tuần mới về vì má không biết đi xe. Bỗng nhiên
hôm nay mới thứ sáu, điện thoại reo lên.
- Alô! Anh à! Anh đến đón em về nhé?
- Ừ,
anh đến ngay.
Ba nó nhìn
đồng hồ cũng đã 11 giờ đêm. Đang phân vân không biết có chuyện gì rồi lấy vội
chiếc áo khoác mặc vào lên phố đón má. Chuyến đi định mệnh, đi được khoảng 2km,
ba va vào chiếc xe công nông chở gỗ, vì trời tối, với lại sương dày đặc nên ba
không thấy khúc gỗ thụt ra ngoài, đầu ba thúc vào khúc gỗ. Cú va chạm quá mạnh
làm ba nó chết tại chỗ. Cái chết của ba để lại bao nỗi đau thương cho gia đình.
Việc ba không còn nữa mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của má. Đôi vai ấy
đã bao năm gánh lấy những vất vả, khổ cực nay càng thê lương hơn. Ba là trụ cột
gia đình, từ nay không biết gia đình sẽ ra sao, việc học tập của chúng không
biết má có gánh nỗi không.
Ngày đưa ba
lên Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ cuối cùng trong đời, đoàn người khá đông, hầu hết
là người Êđê. Nhà nó sống trong buôn nên mọi nghi thức hầu hết nhờ sự giúp đỡ
của buôn làng. Nó bước sau quan tài của ba, nó dường như không còn sức bước đi,
không khóc nỗi nữa, mà làm sao khóc được vì những giọt nước mắt cuối cùng đã
không còn. Phải nhờ đến hai đứa bạn dìu hai bên nó mới đi cùng với ba lên Nhà
Thờ được. Khi tới cửa Nhà Thờ, họ hàng bên nội lên nhà Thờ đưa xác ba về, dù ba
đã được rửa tội nhưng nhà nội nhất quyết không cho cử hành Thánh Lễ an táng cho
ba. Họ gây áp lực lên Cha xứ, thậm chỉ sẵn sàng dùng bạo lực, Cha xứ đành
nhượng bộ để họ đưa xác ba về. Vậy là ba nó không được chôn cất theo nghi thức
công giáo giống ước vọng của má và ông bà ngoại. Họ an táng ba theo nghi thức
đạo phật.
Từ ngày ba ra
đi, nó trở nên trầm cảm, ít nói, kết quả học tập giảm sút. Đi học về, nó lũi
thủi trong phòng, không chịu nói chuyện với ai hết. Hồi ba còn sống, đi học về
là nó lăn vào bếp nấu cơm đợi ba về ăn, chơi đùa với ba. Giờ ba không còn, nó
cũng không tha thiết với việc ăn uống, nhìn nó gầy đi rất nhiều. Ba mất, má
nghỉ việc trên phố về làm cà phê để tiện chăm sóc nó.
Tôi là thằng
con trai thân nhất của nó. Tôi tìm mọi cách giúp nó nhưng tình trạng không
chuyển biến là bao. Một hôm, nó gọi điện bảo tôi đến chở ra thăm mộ ba. Tới
nghĩa trang nó khóc sướt mướt. Tôi chỉ biết im lặng đưa vai cho nó tựa vào. Đột
nhiên tôi hỏi:
- Em có muốn đọc kinh cầu nguyện cho linh
hồn ba không?
- Em không có đạo, làm sao Chúa nhậm lời
chứ?
- Sao lại không, nếu em thành khẩn thì Chúa
sẽ nhậm lời?
- Nhưng em không thuộc kinh?
- Không sao, anh đọc trước rồi em đọc theo
anh.
Thế rồi chúng
tôi cùng nhau đọc Kinh Tinh Kính, Kinh Lạy Cha, và Kinh Kính Mừng. Tôi viết
kinh vào tờ giấy nhỏ đưa cho em và không quên dặn rằng buổi tối trước khi đi
ngủ hãy lấy ra đọc và cầu nguyện cho ba. Tôi còn chỉ cho nó cách lần hạt nữa,
vì tình thương đối với ba nên nó rất chăm chỉ làm. Một hôm nó nhắn tin:
- Anh à!.
- Sao vậy, có chuyện gì hả em?
- Em đốt tờ giấy anh đưa rồi.
Tôi hốt hoảng
hỏi:
- Sao vậy, em không muốn cầu nguyện cho ba nữa
sao?
Em nhỏ nhẹ trả
lời:
- Em thuộc rồi
nên đốt ấy mà.
- Em làm anh
đau tim đúng không?
Tôi bất ngờ vì
em thuộc nhanh thế.Vào cuối năm đó, tôi đậu vào một trường đại học tại Sài Gòn.
Trước ngày đi, em hẹn gặp tôi, em nói muốn tặng tôi một món quà và bảo cho tôi
một tin sốt dẻo. Tối đó, tôi không sao ngủ được, tôi lăn qua, lăn lại chỉ mong
trời mau sáng gặp em. Sáng sớm, khi Thánh Lễ vừa kết thúc, tôi không về nhà như
thường lệ mà chạy ngay đến chỗ hẹn. Đến cổng tôi đã thấy em ngồi trong đó
rồi.Tôi chưa kịp ngồi xuống, em đã xỏ tay vào ba lô đưa cho tôi một món quà và
nói:
- Mừng anh đậu đại học.
- Cái gì trog hộp vậy? - Tôi hỏi.
- Anh cứ mở ra xem đi.
Tôi mở ra. Đó
là chuỗi tràng hạt màu trắng. Em bảo, ở môi trường xa gia đình anh hãy siêng
lần hạt nhé. Em thấy lần chuỗi mân côi làm tâm hồn bình an lắm.Tôi lên giọng:
- Em tính dạy anh à?
- Dạ! không phải đâu anh, em thấy thế nên chia
sẻ thôi.
Chưa hết bỡ
ngỡ tôi hỏi tiếp:
- Vậy còn tin sốt dẻo là gì vậy?
- À! Em sẽ xin má đi học giáo lý và rửa tội
theo đạo giống ba má.
Không từ nào
diễn tả hết niềm vui của tôi. Tôi nhập học trong niềm vui vô bờ. Những ngày đầu
còn đang bỡ ngỡ với môi trương mới. Tôi lại nhận được tin vui từ em. Em cho tôi
biết không chỉ riêng em mà cả anh hai và út cũng theo học giáo lý để kịp rửa
tội vào dịp lễ Phục Sinh. Ba mất nên ông bà nội không còn gây nhiều áp lực lên
gia đình em nữa. Má em trình sự việc cho cha quản xứ biết để ngài giúp ba anh
em học giáo lý. Ngày em rửa tội, dù bận việc nhưng tôi vẫn sắp xếp bắt xe từ
Sài Gòn về tham dự Thánh lễ. Khi ba anh em bước lên cung thánh nhận lãnh Bí
Tích, lòng tôi cảm động không sao diễn tả được. Khoảnh khắc đó in mãi trong tâm
hồn một đứa khô khan như tôi. Đó cũng là giây phút làm tôi suy nghĩ nhiều về
cuộc sống của mình, tôi cảm nhận được niềm vui khi làm con Chúa, tôi tự nhủ với
bản thân phải sống gương mẫu để làm chứng cho Ngài giữa cuộc sống trần thế này.
Từ ngày lãnh nhận Bí Tích, em siêng năng học giáo lý, tham dự Thánh Lễ và ít
năm sau trở thành một giáo lý viên gương mẫu. Vào chủ nhật hàng tuần, em dạy
giáo lý và kỹ năng cho các em thiếu nhi dân tộc Êđê, những đứa trẻ với làn da
ngăm đen trong bộ áo cũ kĩ, và đôi chân trần.Cuộc sống khó khăn nên nhìn chúng
gầy gò, ốm yếu so với độ tuổi và một mái tóc để dài. Nhưng ẩn sau những hình
ảnh đó là khuôn mặt đơn sơ và tâm hồn trong trắng.Em coi chúng như những đứa em
của mình. Sau giờ tan trường,em thường rủ nhóm bạn đến nhà rông nô đùa cùng tụi
nhỏ. Hình ảnh cô giáo lý viên xinh xắn với chiếc răng khểnh cùng khuôn mặt rộng
và đầy đặn in mãi trong tâm hồn bọn trẻ. Cuộc sống buôn làng trở nên nhộn nhịp
hơn với lũ trẻ bằng những trò chơi, lời ca tiếng hát. Em không còn quá đau khổ
về cái chết của ba nữa, chắc hẳn qua biến cố đó em đã nghiệm ra một điều gì sâu
xa hơn.
Vào dịp tết
hàng năm, chúng tôi dành nguyên một ngày đi chơi, ăn uống đủ thứ và kể lại
những những kỷ niệm đã qua. Chúng tôi huyên thuyên suốt mà không hết chuyện.
****
Không khí Sài
Gòn vào dịp cuối năm vẫn vậy, khô và nóng bức. Mọi người ai cũng vội vã với
những công việc. Họ cố gắng hoàn thành mọi việc cần thiết để kịp bắt chuyển tàu
cuối cùng trở về sum họp với gia đình. Tôi trở về phòng trọ sau một ngày làm
việc vất vả, vừa nằm xuống nệm thì tiếng chuông nhà thờ vang lên. Nghe đâu hôm
nay có Cha Pháp, người con của giáo xứ mới đi du học bên Mỹ về, Cha chú tể
Thánh Lễ tối nay. Tiếng chuông nhà thờ làm tôi sực nhớ đến em. Năm nay tôi sẽ
không được gặp em. Cách đây mấy tháng em bảo cho tôi biết em đi tu làm “ma
soeur”. Năm nay em bước vào tập một nên không được về ăn tết. Ngày em đi tu, em
tu tập tụi nhỏ lại, dặn dò chúng bao điều, đứa nào mắt cũng rưng rưng đẫm lệ
làm em không sao kìm được nước mắt, em ôm tụi nhỏ vào lòng rồi khóc nức nở. Kể
từ ngày em ra đi, bầu không khí trong buôn làng không còn vang vọng như ngày
nào nữa, nhưng trong tâm hồn mỗi người, đặc biệt là của những đứa trẻ ngọn lửa
tình yêu và nghị lực vươn lên trong cuộc sống đang bừng chảy, ngọn lửa ấy được
thắp lên bởi một bông hoa đỏ rực, bông hoa được vun tưới bằng nước mắt và sự
đau khổ. Để giờ đây, bông hoa ấy gieo xuống những mảnh đất màu mỡ. Mảnh đất tốt
tươi nhưng đã bao năm khô hạn không có người gieo vãi. Lúc này, những hạt mầm
đang nảy nở trên mảnh đất đó, nó sẽ sinh hoa trái và tiếp tục gieo xuống những
mảnh đất xa xôi, hẻo lãnh nơi buôn làng.
Lòng tôi chạnh
buồn vì tết này không được đi chơi cùng em, không được cùng nhau ăn vặt nơi
nhưng quán vía hè ưa thích, không còn cảnh véo tai, nhéo mũi thủa nào nữa.Nhưng
nghĩ lại, tôi phải vui mới đúng chứ, em đã bước đi trên hành trình bao điều kì
diệu, những biến cố xảy đến trong cuộc đời làm em mạnh mẽ và tin thác vào Chúa
hơn.Cuộc đời em giúp tôi hiểu ra được bao điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi vội
tắm rửa đến kịp giờ lễ. Quỳ trước Thánh Thể Chúa lòng tôi tràn đầy niềm vui,
tôi cầu nguyện cùng Chúa : “Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã đong đầy lòng thương xót
trên bạn của con, hành trình của bạn con chỉ có Ngài mới vẽ theo đường nét kì
diệu như thế. Tết năm nay, con không được gặp bạn, nghe đâu cả sang năn nữa.
Nhưng lạy Chúa, điều đó cũng không sao phải không Chúa. Con sẽ cầu nguyên cho
bạn và mong chờ đến ngày được tham dự lễ khấn lần đầu. Lạy Chúa, chắc giờ này
linh hồn người ba đang hưởng hạnh phúc bên Chúa, chắc ba tự hào về đứa con gái
bé bóng nhưng nhiều ý chí và nghị lực. Chúa ơi, con cảm tạ Chúa và con sẽ chờ,
sẽ chờ đến giây phút được nhìn thấy bạn con trong tu phục của một nữ tu, một
người biết nương tựa vào lòng thương xót của Chúa và gieo bao hạt mầm yêu
thương nơi những đứa trẻ Êđê ngày nào”.
HÃY TIN, HÃY PHÓ THÁC
Nếu đã là
người Công giáo thì chắc hẳn ai cũng từng bị ít nhất một lần người ngoai đạo chỉ
trích hay đặt điều về đạo của mình. Tôi cũng vậy. Không chỉ một mà là nhiều
lần. Những lúc ấy, dường như tôi chỉ biết cười cho qua chứ chẳng biết làm gì.
Tôi có dịp
được gặp anh Tuấn – hiện tu dòng Đồng Công. Lần đó, tôi đi lễ thì gặp anh đang
nói về dòng của mình cho một số người lớn nghe, chắc là họ hỏi thăm anh. Vốn
cũng có lòng dâng hiến, tôi gặp anh để hỏi thăm. Anh cũng tận tình lắm, kể tôi
nghe rất nhiều, từ chuyện đời đến đạo. Tâm đắc nhất, in sâu vào tâm hồn và lòng
trí tôi nhất, đó là câu chuyện thật của anh đã trải qua cùng với một người bạn
của anh.
Chúng ta đã
biết rồi, cái thời bao cấp khốn khổ trước năm 2000 khiến người ta muốn quên đi
để nó chìm vào quên lãng. Lúc đấy anh còn đang là tu sinh năm 2. Anh quen một
anh bạn trên trường đang học đạo. Anh ta tên Nhật, nhỏ hơn anh Tuấn. Anh Tuấn
cũng hay chỉ thêm giáo lý cho Nhật mỗi lúc rãnh trên trường hay mỗi khi có điều
gì thắc mắc. Một hôm, cha đặc trách gọi anh Tuấn lại và nói:
- Tuấn, con đi
lên núi, trên đó có nhà của ông Tư. Ông chỉ ở một mình nên con thay Cha mời ông
xuống dòng để ở nhé.
- Dạ vâng, khi
nào thì con đi ạ? – Anh Tuấn nhanh nhảu đáp.
- Con đi hôm
nay luôn nhé. Sao cho sáng mai con và
ông Tư kịp dự lễ nhé. Từ đây lên nhà ông Tư mất khoảng 2-3 giờ đó.
- Vâng, thưa
Cha.
Thời nào cũng
vậy. Nạn đói làm cho con người ta trở nên tội lỗi. Vì cái ăn cái mặc, họ bất
chấp tất cả dù biết đó là việc sai trái. Họ cướp bóc, trộm cắp, thậm chí là
giết người. Chính vì vậy mà anh Tuấn cũng lo lắm. Anh băn khoăn không biết nên
làm gì. Có nên đi một mình không? Có nên mang theo ít đồ ăn không? Hàng chục
câu hỏi cứ hiện lên trong đầu. Bỗng anh lấy chiếc xe đạp cộc chạy một mạch đến
nhà Nhật. Qua hồi nói chuyện và thuyết phục, Nhật đồng ý. Hai anh đem theo một
ít đồ lạnh, một ít thức ăn, một con gà, một cây đèn dầu cùng vài đồng bạc lẻ
nữa. Đến đây, tôi không hiểu họ đem theo những thứ ấy để làm gì. Hỏi ra mới
biết, đồ lạnh để mặc ấm vào ban đêm, thức ăn dọc đường khi đói, con gà để nó
gáy mỗi khi trời sáng báo hiệu đi lễ đọc kinh, cây đèn dầu soi đường. Tôi nghĩ
“Cũng tính kỹ gớm nhỉ?” – rồi mỉm cười. Thật đúng là những người đi tu, họ thật
giỏi.
Thế rồi họ lên
đường, lúc này trời đã sẫm tối. Hỏi thăm thì đã gần tới. Phía trước chừng 10
cây số nữa là có một ngôi làng. Lúc này anh Tuấn mới chợt ngẫm ra, lúc đi quên
hỏi Cha về ngôi nhà dáng vẻ ra sao, màu gì… Nghĩ vậy thôi chứ anh tin rằng Chúa
quan phòng tất cả. Nếu tin thì Ngài sẽ dẫn đường nhanh thôi. Ở trên núi thường
có nhóm cướp nên hai người vừa đi vừa nhìn rất kỹ. Trời càng về đêm càng lạnh
lẽo, mặc nhanh chiếc áo rồi lên xe tiếp tục đi với hi vọng sớm tìm ra nhà ông
Tư để ngủ qua đêm rồi sáng mai còn về. Bỗng run sợ điều gì đó, Nhật hỏi:
- Anh Tuấn,
sao anh không đi sớm mà đi trễ vậy. Giờ đã tối rồi đó. Nhỡ gặp cướp thì sao?
- Yên tâm, hãy
tin tưởng vào Chúa. Thiên thần đang bảo vệ ta. – Anh Tuấn bình tĩnh đáp.
- Nhưng em vẫn
thấy lo. Thấy có gì đó bất an.
- Em đọc kinh
đi.
Đến đây Nhật
nhẩm đọc kinh. Từ đằng xa lấp ló vài ngọn đèn leo lét và chóp mái nhà. Anh Tuấn
mừng thầm nhưng cũng lo, không biết sẽ phải tìm nhà ông Tư như thế nào đây. Độ
15 phút, họ cũng đã đến nơi. Ngôi làng im lìm, mọi người đều ở trong nhà, đa số
đều tắt đèn. Họ sợ cướp. Nhìn quanh, anh Tuấn gõ cửa mấy ngôi nhà còn bật đèn.
Có nhà thì sau khi nghe tiếng gõ cửa thì tắt đèn, có nhà thì không thèm mở cửa.
Anh tuyệt vọng. Anh cầu nguyện.
- Không lẽ anh
đi mà anh không biết nhà sao? – Nhật gắt.
- Anh xin lỗi,
lúc đi anh quên hỏi Cha rồi.
- Vậy thì biết
nhà nào mà đến. Biết vậy tôi không đi cho rồi.
Thôi, cứ trao
phó cho Chúa đi. Bây giờ mình ra chỗ hốc đá kia ngủ tạm vậy. Sáng mai hẳn là sẽ
tìm ra ngay thôi. Chúa sẽ quan phòng.
- Trời ơi, giờ
này ở nhà tôi chăn ấm nệm êm ngủ ngon rồi. Tôi bực lắm rồi đấy.
Anh Tuấn chẳng
nói một lời cứ vậy vác đồ đến hốc đá vì anh biết, bây giờ có nói gì thì cũng
vậy. Anh chuẩn bị hết cho chỗ ngủ của mình và Nhật. Anh treo cây đèn dầu lên
ngọn cây, cột chân gà vào gốc cây. Đây là lần đầu tiên anh ngủ bụi thế này.
Tiếng ve sầu kêu sầu não. Tiếng gầm rú của các con chó trong làng càng làm nỗi
khiếp sợ tăng gấp đôi. Nhật nói ngay: “Nếu Chúa quan phòng thì đã cho mình chỗ
ngủ rồi, giờ phải ngủ đây lạnh lẽo, đáng sợ thế này”. Anh Tuấn chẳng nói lời
nào. Anh làm dấu tạ ơn rồi đi ngủ. Nhật ức lắm nhưng đành bấm bụng nằm xuống
ngủ. Bỗng bất ngờ tiếng gà kêu: quác…quác… Hai người giật mình tỉnh dậy. Thì ra
con mèo rừng vồ ăn thịt con gà. Thế là không có gà để mà báo thức nữa rồi. Lúc
này, Nhật gay gắt hơn: “Đấy, anh thấy không, Chúa quan phòng mà lại để con mèo
rừng vồ mất con gà. Lấy gì báo thức cho mình dậy bây giờ?”. Anh Tuấn vẫn lặng
thinh. Làm dấu rồi ngủ tiếp. Nhật giận lắm mà chẳng biết làm gì hơn. Chưa dừng
lại đó, chiếc đèn dầu bỗng dưng tắt lịm. Nhật choàng dậy, nhìn lên cây đèn dầu
đã tắt, như được tiếp chuyện, Nhật nói với giọng điệu rất bực bội: “Anh cứ nói
tin vào Chúa rồi Ngài quan phòng mọi chuyện. Tôi chả tin. Chúa lấy mất con gà
rồi giờ lại để cho cây đèn lại tắt. Không biết khi nào chiếc xe đạp này cũng bị
mất đây?”. Anh Tuấn lúc này chỉ nằm nghe chứ không dậy. Nhật như được đổ dầu
vào lửa, anh không ngủ mà ngồi đó canh chiếc xe vì trời cũng đã gần sáng.
Mặt trời chưa
ló dạng. Hai người đi xuống làng tìm nhà ông Tư. Họ thấy có rất đông người tập
trung ở một ngôi nhà lụp xụp, có người chảy nước mắt, hầu như ai cũng có nét
mặt sầu thảm. Tò mò, họ đến hỏi thăm thì biết rằng đó là nhà của ông Tư, ông đã
về với Chúa. Bọn cướp đã đến nhà ông cướp bóc sạch, vì ra sức ngăn cản và cố
gắng tháo chạy, ông đã bị chúng giết hại. Mấy con chó của những gia đình khác cũng
bị bắt mất. Nhật hoảng sợ. Toàn thân anh ta run lẩy bẩy. Bấy giờ anh Tuấn mới
nói: “Em thấy chưa? Chúa đã quan phòng và Thiên thần hộ mệnh đã bảo vệ chúng
ta. Nếu Ngài không quan phòng, làm cho ngọn đèn tắt đi thì có lẽ bọn cướp đã
thấy mà đến cướp sạch đồ của chúng ta. Nếu Ngài không quan phòng cho con gà bị
chết, để cho nó gáy lên thì có lẽ bọn cướp sẽ nghe, đến mà giết chúng ta rồi”.
Nhật cúi gầm mặt xuống không biết nói gì. Kể từ đó, Nhật luôn tin tưởng nơi
Chúa, anh luôn cầu nguyện sốt sắng và phó thác mọi sự cho Chúa.
Vâng, Thiên
Chúa toàn năng đã làm cho chúng ta biết bao điều cao cả. Chẳng bỏ ta mà lại cho
ta được làm người, hằng gìn giữ và che chở ta, cho ta đạo Thánh Chúa Trời cùng
nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa. Chúa Giêsu đã nói “Ai sống và tin vào Ta, sẽ
không phải chết”. (Ga 11, 26)
ĐÔI MẮT VŨ TRỤ
Đã mười hai
giờ khuya rồi, Du vẫn ngồi co ro bất động nhìn xa xăm vào trời đêm. Từ ô cửa
kính trên tầng hai mươi của tòa nhà cách đó chừng một trăm mét, một người đàn
ông da đen lạ mặt đang quan sát Du. Cậu ngồi trên mái ngói của tòa nhà nhỏ phía
dưới, thơ thẩn kết nối những chấm sáng trên bầu trời thành bức hình sinh động,
lơ đãng thả hồn trôi theo những đám mây lửng lơ cuộn tan trong ánh sáng huyền
ảo của đêm trăng. Người đàn ông lạ nghẹn ngào xót xa khi nhìn thấy Du gục mặt
trong lòng bàn tay như một đứa trẻ bất hạnh lạc lõng giữa cuộc đời trăm ngã. Du
đang mất phương hướng, đang bị trơ ra bởi những thứ trôi qua mà lòng mình không
thể bắt nhịp kịp.
***
Mười giờ đêm,
bóng tối phủ kín căn phòng đến ngộp thở, là do cái choáng ngợp của đêm đen hay
là do sự chênh vênh, bất lực đang đè nén cõi lòng Du. Cậu thả từng bước nặng nề
men theo các dãy giường bước ra cửa, hướng về phía cầu thang tối om không một
ánh đèn. Mông lung vịn lấy thành cầu thang, Du lê bước đến tầng trên cùng. Gió
thốc vào người, len vào chiếc áo thun mỏng manh cắt xé da thịt. Du cũng chẳng
mảy may để ý đến cái lạnh của thành phố biển về đêm, cậu cố định vị chiếc cầu
thang nhỏ nằm sát mép hành lang dưới ánh sáng mờ của đêm trăng trong ngày
khuyết bóng. Chiếc cầu thang này dẫn lên mái ngói của tòa nhà. Nó đưa Du thoát
khỏi cái sa mạc khô cằn của tâm hồn để bước vào khoảng trời bình yên có thể lấp
đầy những trống vắng. Lên đến cuối cầu thang, Du nhấc chân bước qua thành tường
cao ngang đầu gối, rẽ theo lối đi sát mép ngói. Gió như muốn quật ngã Du xuống
tòa nhà 6 tầng, cậu cũng chẳng màng đến. Trong Du lúc này trống rỗng, chẳng thể
nghĩ được gì khác là tìm đến nơi nào đó thật mênh mông để lấn át cái mênh mang
của lòng mình. Du đưa tay bám vào mép ngói, bún nhẹ người để rời lối đi nhỏ mà
leo lên mái ngói phía trên. Chẳng mấy chốc cậu đã ngồi trên cái vị trí cao nhất
của tòa nhà. Đưa mắt nhìn quanh bốn phía thành phố, Du dang rộng tay cố lấy vào
lồng ngực cái hơi lạnh trong lành của đêm để đẩy lùi những trống rỗng, khô khốc
trong lòng.
Du ngồi lặng
lẽ trong dáng vẻ cô độc nhất, mắt thăm thẳm vô hồn. Du không hề biết ở phía
trên cao tòa nhà kia, có một người da đen lạ mặt nép mình sau ô kính cửa sổ vẫn
quan sát cậu. Đôi mắt người đó trong ngần nhưng sâu thẫm, cả vũ trụ đều lọt
thõm vào đôi mắt ấy. Đột nhiên, một sự thôi thúc lạ thường khiến Du ngước lên,
trong đêm tối cậu không nghĩ mình có thể nhìn thấy đôi mắt của ai kia rõ đến
vậy. Cái nhìn của người lạ như ôm trọn cả không gian, nuốt chửng lấy sự nhỏ bé
của Du, bao bọc cậu khỏi những giá lạnh lúc này. Ánh nhìn xuyên thấu vào những
trống rỗng trong lòng Du, làm dịu mát cả những khô khốc tâm hồn.
Người đàn ông
đón lấy ánh mắt vô hồn của Du, nhìn thấu tận cõi lòng hoang hoải của cậu. Người
đàn ông nhìn thấy những kí ức ẩn khuất trong góc tối phủ bụi trắng xóa, nhìn
thấy những gương mặt mờ nhạt hiện lên rồi vụt tan, thấy những chuyện vui đến
nhạt nhẽo, chuyện buồn đến hững hờ. Bốn bề cõi lòng leo lét những mãnh vụn hư
hại của quá khứ.
Du lúc này cảm
thấy mình bị hút vào ánh nhìn của người đàn ông kia. Mọi vật xung quanh cậu
dường như mờ nhạt đi, gió lạnh ban đêm như chẳng thể chạm đến cậu, mọi âm thanh
bên ngoài bỗng nhiên lùi xa để lại bình yên cho hai tâm hồn. Du hít một hơi
thật sâu như những thợ lặn thường làm trước khi chìm mình khám phá thế giới
huyền diệu dưới mặt nước. Cậu biết mình đang bị chìm vào thứ gì đó mà bản thân
không thể cưỡng lại, nó có sức mạnh như những xoáy nước khiến đối phương ngạt thở
bất cứ lúc nào nếu không cố tâm sẵn sàng. Sau một cơn choáng xoay vòng cả tâm
trí, Du thấy mình lẻ loi giữa một vùng không gian tối om, lúc này cậu chỉ có
thể cảm nhận được cơ thể của mình còn hình ảnh thì chỉ là một vũng tối đen kịt,
dày đặt.
Du nghe thấy
tiếng của ai đó đằng xa vọng lại, mỗi lúc một rõ và vô cùng thân quen.
“Cứu! Cứu! Có
người đuối nước. Cứu em tôi với”. Những tiếng la hét kêu cứu vang dậy làm Du
bàng hoàng. Có nỗi đau tột cùng đang vùng mình trỗi dậy sau bấy lâu bị đè nén.
Cậu như vỡ vụn, hét lên: “Im đi, im hết đi, tôi không muốn nghe. Cho tôi thoát
ra cái nơi quỷ quái này. Làm ơn!”. Đây chính là nỗi đau tột cùng mà Du cố chôn
giấu suốt gần chín năm, hôm nay sao nó lại trỗi dậy mạnh mẽ đến vậy. Cậu không
muốn nghĩ và không muốn ai nhắc đến nó. Cậu không dám đối diện và phủ nhận sự
thật đớn đau này.
Một chấm sáng
nhỏ nhoi hiện lên phía đằng xa, phá tan cả không gian dày đặt bóng tối. Chấm
sáng to dần cho đến lúc hình thành nên những hình ảnh thật rõ nét. “Em tôi, là
em tôi, em tôi thật sao. Là Dương, Dương ơi, anh hai của em đây. Em có nhìn
thấy anh?”. Du nghẹn ngào từng chữ trong nước mắt giàn giụa, tim cậu như muốn
vỡ tung khỏi lồng ngực. Du quá rõ hình ảnh này, rõ đến từng đường nét gương mặt
đáng yêu của đứa em cậu. Dù đã chôn giấu nó chín năm nay trong vùng kí ức sâu
kín nhất nhưng lúc này đây, nó vùng mình hiện lên thật rõ ràng.
“Anh Du! Em sợ
lắm! Nước sâu quá. Buông em ra. Anh Du! Em sợ!”
“Không sao
đâu! Ngoài này vui hơn! Có anh đây mà lo gì”. Du phớt lờ Dương trong khi tay
vẫn cố kéo em ra xa bờ.
Du thét lên,
lấy tay ôm mặt, mắt nhắm nghiền không muốn thấy lại cảnh tưởng hãi hùng này:
“Biến đi, xin đừng hành hạ tôi”. Cho dù đã nhắm chặt mắt, tất cả những hình ảnh
đó vẫn hiện lên rõ ràng trong bóng tối dày đặt nơi tâm trí Du. Cậu không thể
thoát ra nó. Càng trốn tránh cậu càng tiến gần hơn với cảnh đau thương này.
Chín năm rồi, Du chôn giấu nó. Chính nó là nỗi đau mà cậu không dám đối diện.
Nỗi đau của một sự thật phũ phàng: Du đã hại chết Dương. Gồng mình chôn giấu
nỗi đau đến nỗi Du không đủ sức mặn mà với hiện tại. Cậu trở nên lặng lẽ, hời
hợt và vô tâm trước mọi thứ xung quanh. Du cố gắng hất tung nỗi đau đang hiện
hình xé nát tâm hồn, cho nó yên vị về nơi nó vẫn ở suốt chín năm nay nhưng mọi
thứ không hề biến mất mà hiện lên rõ nét hơn.
Trên hình ảnh
trước mặt, Du nhìn thấy một thanh niên đang đuổi theo sau cậu và Dương. Du nhớ
người thanh niên này, chính anh đã bất chấp nỗi sợ hãi lao mình ra giữa hàng
trăm con người khi nghe tiếng kêu cứu của cậu. Nhưng tiếc thay người thanh niên
này chỉ có thể cứu Du. Câu nhớ rõ cánh tay săn chắc của anh dù đã mệt nhừ vẫn
cố kéo cậu vào bờ. Tuy nhiên, ngay lúc này, đứng trước kí ức của mình, Du phát
hiện ra thứ gì đó rất thân quen từ ánh mắt của người thanh niên. Ánh mắt sâu
thẫm chứa đựng cả vũ trụ của một người lạ. Nhìn sâu vào đôi mắt ấy, nỗi đau dồn
nén chín năm tan rã ra như mây khói cuốn cậu vào đôi mắt huyền ảo của người
thanh niên.
Trong cơn xoay
vòng nhẹ lâng, Du thả lõng người rơi vào đôi mắt của người thanh niên. Du thấy
mình xuất hiện trong một căn phòng lớn. Trên bốn bức tường, trần và sàn nhà
xuất hiện những hình ảnh chuyển động lướt nhanh liên tục. Du không khỏi bàng
hoàng và choáng váng trước cảnh tượng kì lạ này. Căn phòng còn trộn lẫn nhiều
dải quang đủ màu sắc đang uốn lượn, chúng bất thần đâm xuyên qua Du. Khi dải
quang màu vừa chạm đến Du, cậu cảm nhận được vô số thứ cảm xúc hỗn tạp ào ạt
tuôn chảy khắp người. Những thứ cảm xúc này đưa Du hướng nhìn lên khung cảnh
những tháng ngày sau sự ra đi của Dương. Thước phim kí ức tràn ngập màu thương
đau quay nhanh cho đến khi chậm lại tại một tán cây bên vệ đường. Đó là Du, cậu
đang ngồi co rút người trên chiếc ghế đá lạnh teo dưới tán cây trong một đêm
không trăng. Từng dòng xe rồi người người lướt qua sự thất thần của Du. Mọi tiếng
động chẳng chạm đến cậu, mọi cảnh vật trôi qua không lấy được sự chú ý của cậu,
bóng dáng cậu mờ nhạt chìm vào bóng tối dưới tàn cây, ẩn khuất trong nhộn nhịp
cuộc sống.
Du nghẹn ngào,
chạnh lòng và xót xa trước hình ảnh cậu của ngày xưa. Nhưng kìa từ đằng xa, một
cô gái với chiếc ba lô nhỏ trên lưng, tóc búi cao, gương mặt sáng ngời, chậm
rãi bước vào sự mờ nhạt đang bao trùm Du. Cô đến ngồi cạnh cậu trên ghế đá.
Du nhớ cô gái
đó, người con gái tên Phong Anh. Phong Anh từng là tia sáng lóe lên trong những
ngày âm u nhất cuộc đời Du. Phong Anh dùng ngọn lửa tươi trẻ cháy bùng khát
vọng sống đẹp nơi mình sưởi ấm những ngày cô độc của Du. Và đặc biệt, Phong Anh
mang lại cho Du niềm tin vào Người Cha Yêu Thương mà cậu đã vô tình đánh rơi từ
khi nào không rõ.
“Anh Du, hôm
nay anh đi gặp Cha em nhá!”
“Thật hả?” Du
hỏi lại với chút ngạc nhiên.
“Ừ.”
Du càng khó
hiểu khi Phong Anh lại dẫn cậu đến nhà thờ trong một Thánh lễ chiều thứ bẩy để
gặp Cha. Cho dù Du vẫn giữ thói quen đi lễ mỗi tuần nhưng hôm nay cảm giác hoàn
toàn khác. Cậu cùng Phong Anh đi gặp Cha cô. Và đó không ngoài ai khác chính là
Đấng mà mọi người đang sấp mình thờ lạy. Sau Thánh lễ, Phong Anh quỳ lại rất
lâu. Du cũng lặng lẽ quỳ cạnh đợi cô, tâm hồn vẫn trống rỗng như mọi lần bước
vào nhà thờ kể từ ngày định mệnh ấy, riêng Phong Anh thì cậu tin chắc rằng cả
tâm hồn cô đang ngự trị bởi Đấng mà cô gọi là Cha. Một hồi sau, Phong Anh ngồi
lên, mắt vẫn hướng nhìn về trước, cô nói với Du:
“Anh Du, ngày
mai, em vô nhà dòng”.
“Hả?”.
Du cảm thấy có
chút gì đó xốn xang và mất mát. Đến lúc này, Du vẫn còn cảm nhận được. Khung
cảnh ngày đó hiện lên trước mắt cậu châm ngòi cho bao dòng cảm xúc khó tả chảy
lan rồi đọng lại thành giọt nơi khóe mắt. Đứng trước những kỉ niệm cũ, Du vô
tình phát hiện ra, lại là ánh mắt đó, ánh mắt mênh mông ôm trọn tất cả nơi
Phong Anh khi cô quay lưng từ biệt Du.
Dòng kí ức
tiếp tục trôi với những hình ảnh lặp lại, ngày ngày có một cậu con trai lặng lẽ
đến nhà thờ quỳ ngay hàng ghế đó mỗi Thánh lễ ngước nhìn về trước. Phong Anh đi
rồi, Du cũng chẳng còn buồn thương, tiếc nuối đến nỗi cồn cào, khắc khoải nhưng
chẳng hiểu sao cậu vẫn tìm đến nơi đây. Hay có lẽ hình ảnh Phong Anh đã âm thầm
yên vị trong Du mà cậu vô tình chẳng nhận ra hay là cố chấp tự dối lừa: bản
thân đã hững hờ tự bao giờ.
Du thầm trách
Cha: “Sao Cha gửi con của Cha đến với con rùi mang người con ấy đi, bỏ rơi con
lạc lõng giữa ồn ào cuộc sống”.
Ngày đó, khi
Du đang quỳ lại sau Thánh lễ, một bàn tay lạ nhè nhẹ đặt lên vai cậu: “Con có
muốn bước đi theo Ta không?”. Tiếng nói ấm áp của Cha sở mở ra cho Du một con
đường mới, con đường mà cậu đã nhẹ nhàng gật đầu cho dù chẳng có chút ý niệm gì
về nó. Du chợt nghĩ: “nhưng có lẽ con đường này không còn gì mới đối với Phong
Anh kể từ ngày cô bước đi theo Cha”. Hình ảnh Phong Anh lại thoáng xuất hiện
trong ý nghĩ của Du.
Bên ngoài dòng
kí ức, Du nhận ra rằng, vẫn ánh mắt đó nơi người gọi cậu, ánh mắt âu yếm nhìn
Du như ôm trọn lấy Du. Ánh mắt xuất hiện nhiều lần nơi những con người khác
nhau trong dòng hồi ức. Mỗi một lúc gặp lại ánh mắt đó, cậu cảm thấy thứ gì đó
xuất phát nơi lồng ngực, ấm nóng chảy lan khắp người, mỗi lúc mỗi mạnh mẽ, cái
cảm giác mà cậu đã không còn cảm nhận được kể từ ngày mất Dương.
Kể từ khi
Dương ra đi, mặc cảm khiến em chết bao trùm Du, tách cậu ra khỏi mọi thứ đang
diễn ra xung quanh. Du trở nên lặng lẽ, đơn độc, hờ hững trước mọi thứ. Phong
Anh đến, mang chút ấm áp sưởi ấm cho Du. Phong Anh đi, Du cũng chẳng buồn hơn
được. Cuộc sống cậu bình lặng như mặt hồ trơ trọi giữa thiên nhiên, thảng hoặc
một chút gợn sóng lan nhẹ ra rồi êm đềm trả lại sự phẳng lặng ban đầu. Tuy thế,
dẫu Phong Anh chẳng thể là dấu nhấn trong cuộc đời Du, nhưng đâu đó cô cũng đã
để lại một vết tích nhệt nhòa trong dòng kí ức của Du, đôi lúc thoáng hiện lên
khiến lòng chòng chành.
***
Đó là một buổi
chiều mùa thu trong lòng thành phố biển. Mặt trời lửng thửng lưng chừng núi,
ráng chiều đổ ngập trên từng con đường ngõ hẻm, ngoài đường xe cộ tấp nập giờ
tan tầm, Du kéo lê chiếc va-li dọc theo vỉa hè rùi dừng lại trước cổng nhà
dòng. Bên ngoài dòng ký ức, Du tự hỏi: “ngày đó không biết mình đã nghĩ gì?”.
Du không còn nhớ nữa chỉ biết rằng cậu bước vào nhà dòng bởi một tiếng gọi tình
cờ tại nhà Cha Phong Anh.
Những hình ảnh
lướt nhanh trước mắt Du, một chàng trai âm thầm vẫn cứ bước đi từng ngày qua
những giây phút tẻ nhạt của lòng mình nơi nhà dòng, cậu bước đi lặng lẽ như lẽ
tự nhiên của thời gian: thời gian vẫn hững hờ trôi, cậu cứ tiếp tục bước cho
đến ngày Cha đưa cậu về với Dương. Cậu vẫn gặp, vẫn cười nói với biết bao con
người ở cái cảm xúc lưng chừng. Đêm về cậu trải lòng ra với cô đơn, và thiếp đi
trong trống rỗng, khô khốc lòng mình. Thước phim trước mắt chậm lại nhưng biết
bao cảm xúc xốn xang, hối tiếc, tin yêu, hi vọng đang trỗi mình mạnh mẽ vây kín
cậu. Cậu thấy căn phòng tối, ẩn hiện các dãy giường, cầu thang ngoài cửa phòng,
rồi từng đợt gió mạnh nơi chiếc cầu thang nhỏ đưa lên mái ngói. Cậu thấy người
đàn ông da đen với đôi mắt vũ trụ. Đôi mắt ấy sáng lên chói lòa đưa Du về với
hiện tại.
Người đàn ông
da đen sau ô cửa kính không còn ở đấy nữa. Cảnh vật xung quanh vẫn như vậy,
mênh mông trời đêm, mây cuộn trôi quét lấy sao trời, gió từng cơn thốc vào
người, nhưng tâm hồn cậu không còn mênh mang, khô khốc và trống trải nữa. Du
cảm thấy ấm áp và ngập đầy niềm hạnh phúc. Cậu đứng phất dậy, men vội theo lối
cũ sát mép ngói, bước nhanh xuống chiếc cầu thang nhỏ, hướng về hành lang dẫn
đến nhà nguyện. Du đến quỳ tại hàng ghế thân thuộc của mình hướng nhìn lên phía
trước. Tượng Thánh Tâm sáng lên bên chiếc đèn chầu nhỏ đặt cạnh Nhà Tạm. Du mỉm
cười an lòng nhìn vào đôi mắt vũ trụ đang ôm trọn lấy cuộc đời cậu. Du thầm cầu
nguyện...
ĐƯỜNG VỀ NHÀ
Bốp!
Sương nảy đom
đóm mắt, ngã chúi xuống đất vì cái tát như trời giáng của bố. Khi ngẩng đầu
lên, người Sương run bắn khi bắt gặp ánh mắt vằn đỏ vì giận dữ của ông.
- Cút! Mày cút
ra ngay khỏi nhà cho tao! Cái thứ con gái hư hỏng, thế này tao còn mặt mũi nào
mà nhìn bà con trong giáo xứ nữa. Chánh trương… mà có đứa con gái chửa hoang!
Thà rằng mày đừng bao giờ trở về nữa, tao sẽ nói với mọi người là mày mất tích!
Ông ném cái
balô to đầy bụi đường sau chuyến đi dài trở về của đứa con gái dại dột vào
người nó, rồi quăng cục tiền 100.000đ và quăng xuống đất, gằn từng tiếng một:
- Mày… còn
muốn trở về thì giải quyết cái thai cho tao. Lẽ ra… mày đừng sinh ra thì hơn,
mẹ mày vì cố gắng sinh ra mày mà… bây giờ…
Ông chỉ nói
được đến đó. Ông mất bình tĩnh vì cơn tức giận, mắt vẫn hằn lên những tia giận
dữ. Hai hàm răng nghiến chặt. Vai ông gồng lên, các ngón tay co lại thành hai
nắm đấm. Ông đứng như thế khá lâu, và với ánh mắt như thế, ông nhìn đứa con gái
có cái bụng lùm lùm hơn 20 tuần đang cúi đầu ngồi bệt dưới đất. Ông đóng sập
cửa lại, cài chốt và quay vào nhà.
Sương là đứa
con gái đầu lòng của ông. Lúc mẹ cô biết mình có bầu, bà đang xạ trị ung thư.
Bà đã lựa chọn ngừng xạ trị để tiếp tục mang thai và sinh nở vì không nỡ từ
chối món quà mà Thiên Chúa đã trao ban. Bà sinh con hồng hào bụ bẫm, nhưng chỉ
được 2 năm sau thì bà qua đời. Đã 20 năm trôi qua mà ông vẫn ở vậy để nuôi dạy
đứa con gái duy nhất, bởi ông vẫn không nguôi thương nhớ người vợ hiền quá cố.
Ông đã nghiêm khắc với nó lắm, đã gắng sức dạy nó đủ điều hay lẽ phải. Vậy mà
giờ đây nó lại vác cái bụng đó về.
Bị đuổi ra
khỏi nhà ngay khi vừa về đến cửa, Sương thấy quanh mình trời đất tối sầm dù
đang giữa trưa hè, trời đang nắng chang chang. Cô nhặt cục tiền, ném trở lại
vào sân rồi lếch thếch bước đi. Miệng đắng ngắt. Một bên má vẫn còn rát bỏng vì
cái tát của bố. Cô tiến ra đường lớn, chờ bắt xe. Cô muốn đi đến một nơi thật
xa. Càng xa càng tốt.
Boongggg…
Boo…oong… Boo… ong…
Tiếng chuông
nhà thờ từ xa đang ngân lên từng hồi. Cô ngoái đầu lại và ngước lên tháp chuông
cao vút, nhô lên sau những rặng cây.
- Lạy Chúa, con
phải làm gì bây giờ? Con phải làm gì để bảo vệ đứa con bé bỏng của con? Xin
thương giúp con.
Điện thoại báo
có tin nhắn, Cô mở ra đọc. Là bố đứa bé.
“Anh nhắc lại
lần nữa, đứa bé đó là oan nghiệt, nó sẽ làm anh tán gia bại sản. Em phá thai,
anh sẽ đền bù. Không sinh đứa này thì sinh đứa khác. Nếu cô nhất quyết giữ nó
thì giờ tự lo nhé, đường ai nấy đi. Cô biết đấy, tôi thiếu gì gái theo!”
Đọc tin nhắn
cô sững sờ đến mức buông rơi chiếc điện thoại xuống nền đường xi măng khô
khốc.
Anh học cùng
trường với cô và trước cô một khoá. Cô và anh quen nhau trong thư viện trường,
rồi kết bạn và tình yêu nảy nở. Lúc đầu cô còn e ngại vì anh không cùng tôn
giáo, nhưng vì bị anh cuốn hút, cô đã gật đầu nhận lời yêu anh, và chấp nhận
cùng anh đi quá giới hạn vào cái đêm sau buổi tiệc mừng cô được mặc áo cử nhân.
Cô mím môi,
nhặt điện thoại lên. Nuốt nước mắt ngược trở lại vào trong và tự nhủ “Không,
mình không thể khóc.”
Vậy mà nước
mắt cứ rơi chan hòa. Cô lau nước mắt, và tiến ra đường, vẫy xe. Trong túi cô
vẫn còn vài đồng tiền ít ỏi, đủ tiền đi xe và sống qua vài ngày. Cô cầu nguyện…
mình sẽ bắt chuyến xe khách thứ 3 đi ngang qua, và đi tới bến cuối. Dù có là
tuyến xe nào đi nữa. Số 3, chỉ đơn giản vì đó là con số yêu thích của cô.
Xe tới. Cô lên
xe và ngủ thiếp đi vì quá mệt.
- Dậy đi, bến
cuối rồi. Anh phụ xe đánh thức cô dậy.
- Đây là đâu
anh?
- Trời, bến xe
Mỹ Đình chứ đâu nữa. Chưa tỉnh ngủ hả em?
Hà Nội! Chúa
ơi, sao lại là Hà Nội? Cô đã muốn chạy trốn khỏi nơi này… Vậy mà…
Trời đã xế chiều,
mặt trời bắt đầu lặn. Sương xuống xe, tìm một quán trà đá để ngồi nghỉ và suy
nghĩ giờ chẳng biết đi đâu về đâu. Phòng trọ thì vừa trả. Còn ít đồ gửi nhà
bạn. Cô tháo chuỗi Mân Côi đeo tay ra lần hạt, vừa hết 50 kinh thì nghe thấy
đoạn nhạc mà mình yêu thích ngay sát bên tai...
“Ngợi ca lòng
thương xót Chúa đã ban tặng con
Hỡi trái tim
từ nhân, con tín thác nơi Ngài.
Chiều đồi núi
Can-vê năm nào Ngài chết treo thân...”
Sương quay về
phía phát ra tiếng nhạc thì thấy một cô gái ngồi cô đang móc điện thoại trong
túi xách ra nghe:
- A lô… Dạ,
con chào cha. Vâng, con vừa từ quê lên ạ... Ca đó con thuyết phục được rồi ạ,
lúc đầu nghe con tiếp cận nghe thấy cái tên “Bảo Vệ Sự Sống” thì họ phản ứng dữ
dội lắm, nhất quyết đuổi về và bảo nhưng giờ thì họ lại đồng ý cho em ấy vào
Nhà Mở rồi ạ. Chiều mai hai mẹ con họ sẽ lên Hà Nội và tới gặp cha ạ. Quê con
giờ phá thai nhiều lắm, lúc nào cha cho nhóm về truyền thông nhé, con có nói
với cha xứ chỗ con rồi ạ, ngài đồng ý ngay. Còn một ca nữa con đang thuyết phục
ạ… Dạ, mai con sẽ đi lấy đồ sơ sinh và đồ bầu rồi mang qua Nhà Mở, luôn… Dạ
vâng… Con nhớ rồi ạ. Con chào cha.
Cô gái nói
chuyện điện thoại xong, có lẽ muốn ngồi nghỉ một chút sau chuyến đi dài nên
ngồi nán lại nhìn những chiếc xe ra vào bến. Thấy chuỗi Mân Côi trên tay Sương,
cô gái quay sang bắt chuyện:
- Em là người
Công giáo à?
- Vâng. Sao
chị biết ạ?
- Chị cũng
Công giáo này. Thấy em đang cầm chuỗi Mân Côi trên tay là biết liền. Chắc em
mới ở quê lên à?
- Vâng.
Cứ thế họ bắt
đầu mấy câu thăm hỏi thông thường giữa những người Công Giáo khi tình cờ gặp
nhau. Hai cô gái đã biết những thông tin cơ bản về người đối diện.
- Chị Yến này…
- Sương ngập ngừng - Em xin phép hỏi chị trước được không? Lúc nãy em nghe chị
nói chuyện điện thoại, phá thai với Bảo Vệ Sự Sống gì đó… Nếu có thể, xin chị
nói cho em biết rõ hơn...
- Em chưa nghe
về Bảo Vệ Sự Sống bao giờ sao?
- Dạ chưa.
- Thế này nhé.
Bảo Vệ Sự Sống là một nhóm bác ái xã hội, với sứ mệnh là đấu tranh cho quyền
sống của các thai nhi, gọi một cách nôm na là chống phá thai. Các hoạt động
chính là cầu nguyện cho sự sống, truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, an
táng các hài nhi xấu số, thuyết phục giữ lại thai nhi, và cưu mang các chị em
bầu đơn thân. Chị ở nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà. Em học ở Hà Nội, chắc biết nhà
thờ DCCT Thái Hà mà không biết tới Bảo Vệ Sự Sống thì lạ thật.
- Dạ em chưa
đi lễ Thái Hà. Em học Học Viện Tài Chính nên toàn đi lễ Cổ Nhuế thôi chị.
- 8h sáng thứ
7 hàng tuần có thánh lễ an táng các thai nhi đấy. Em có rảnh thì...
- Chị!- Sương
ngắt lời Yến, mếu máo.
- Ủa, sao vậy
em?- Yến tròn mắt ngạc nhiên.
- Chị giúp em
với…
Sương nghẹn
ngào trong tiếng nấc.
Thoáng bối
rối, nhưng khi nhìn xuống bụng Sương, Yến đoán được phần nào câu chuyện. Cô
siết chặt tay Sương để biểu lộ sự cảm thông. Bao cảm xúc mà Sương kìm kén bấy
lâu, giờ cô để mặc cho chúng trào tuôn và trôi đi theo dòng nước mắt. Yến vẫn
ngồi cạnh, dịu dàng nắm chặt tay Sương như người chị an ủi đứa em gái bé bỏng.
Chờ cho Sương
khóc xong, Yến hỏi han ngọn ngành câu chuyện rồi đưa Sương về nhà thờ Thái Hà
gặp cha đặc trách, ngài sẽ giúp đỡ, cho cô vào Nhà Mở, nơi cưu mang những cô
gái lầm lỡ như cô.
Một tuần sau,
mọi sự được thu xếp ổn thoả để Sương vào Nhà Mở. Một nơi khiêm tốn dản dị nhưng
ấm áp trong một xứ đạo yên bình xa trung tâm thành phố. Những ngày đầu, cũng
như nhiều cô gái khác, Sương khóc rất nhiều. Cô khóc vì giận bố đứa bé, vì tủi
thân khi gia đình hắt hủi, vì sợ hãi khi nghĩ đến tương lai. Nhưng khi trò
chuyện cùng các chị em cùng hoàn cảnh, Sương dần dần thấy nguôi ngoai và bình
tâm, yêu đời trở lại. Cô thấy mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho đứa con mà
mình đang cưu mang. Ở trong Nhà Mở, Sương càng siêng năng lần chuỗi hơn. Cô cầu
nguyện cho bố mình và cũng hiệp thông với những tâm tình cầu nguyện của Bảo Vệ
Sự Sống.
Đủ tháng đủ
ngày, Sương sinh hạ một bé gái 3,2kg kháu khỉnh đáng yêu. Yến nhận lời Sương
làm mẹ đỡ đầu cho bé.
Khi bé được 2
tháng, Sương rời Nhà Mở, và kiếm được công việc nhẹ nhàng là đan móc đồ bằng
len để sống qua ngày. Cô vốn khéo tay và nhanh nhẹn nên cũng tạm đủ sống. Cô
cũng đổi số điện thoại, xóa Facebook cũ, chỉ giữ lại một số liên lạc cần thiết.
Hai năm trôi
qua.
Hôm đó, Sương
đưa bé lên qua dòng Mến Thánh Giá để cầu nguyện với thánh Antôn. Bước vào sân,
để cho con mình lẫm chẫm chạy vào trước, cô đứng nhìn con và mỉm cười rồi bước
vào sau. Bé gái chạy tới cửa nhà sách thì đồng thời một người đàn ông mặc áo cổ
cồn xách một nilon đầy sách bước ra. Cô bé nhìn ông và bật cười khanh khách.
Ông mỉm cười, cúi xuống đặt tay làm động tác chúc lành cho bé.
Đoán chắc là
một vị linh mục, Sương bước lại gần để chào hỏi và cảm ơn. Khi người đó ngẩng
lên, cô sững sờ. Và người đó cũng kinh ngạc khi nhìn thấy cô.
- Ơ… Cha!
- Sương! Sao
con ở đây?
- Cha ơi… Con…
- Con đây rồi,
tạ ơn Chúa.- Vị linh mục nghẹn ngào, mắt rưng rưng.
Sương cúi đầu.
Yên lặng.
- Cha hiểu cả
mà, con không phải giải thích gì cả. Gặp lại con ở đây, cha phải tạ ơn Chúa.
Sao con cắt đứt liên lạc với gia đình và bạn bè bấy lâu nay?
- Cha… Bố con
đuổi con đi mà! Con phạm tội tày trời thế này, làm sao có thể được tha thứ. -
Từ hai khóe mắt của Sương, đôi dòng lệ trào ra.
- Sương à, bố
con đi tìm con suổt 2 năm nay. Ông ấy nói với cha rằng chính ông mới cần đứa
con gái của mình tha thứ, vì con đã trở về nhưng ông đã không mở rộng vòng tay.
- Thật sao
cha?
- Lạy Chúa
tôi, con không tin cha sao? Sương à, về nhà đi con.
Sương òa khóc,
nức nở. Nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Vậy là cô đã có thể trở về nhà,
điều mà cô mong ước bấy lâu nay. Cô ngửa mặt lên trời, mắt đẫm lệ, cô mỉm cười,
làm dấu và khẽ thì thầm:
- Tạ ơn Chúa!
CÔ BÉ VÀ BỌ HUNG
Con bọ hung
đang lom ngom bò dưới đất. Chợt mấy bước chân của thiếu nhi giáo lý tan học
chạy qua thình thịch, làm rền nền đất nơi nó đang bò. Bọ hung lật đật xòe hết
đôi cánh của nó, bay lên, lượn qua lượn lại vài vòng thì đâm đầu vào cây cau
gần cổng nhà thờ, rơi bịch xuống đất, chổng hết chân lên trời. Mặc cho nó có cố
gắng vùng vẫy đôi cánh thế nào đi nữa cũng không thể trở mình được. Bé Dung
ngồi tiu nghỉu trên ghế đá dõi theo nó nãy giờ. Cô bé động lòng thương con bọ
vừa đen lại vừa bẩn, liền lấy một nhành cây hất nhẹ cho nó lật lại. Con bọ chỉ
chờ dịp đó, liền tung cánh bay lên. Đôi mắt cô bé mải miết nhìn theo một chấm đen
đen trên nền trời xanh biếc.
* * *
Một gã vừa
chạy xe máy đến cổng nhà thờ, tiến đến gần cô bé, miệng cười nói:
- Con là bé
Dung phải không? Ba con nhờ chú đến chở con về nhà.
Cô bé mở đôi
mắt tròn xoe, ngước nhìn một người đàn ông dáng người cao gầy trước mặt, rồi
đáp lại từng tiếng cũng tròn trịa như đôi mắt của cô:
- Đấy… Ba lại
bận công việc nữa đấy! Có rảnh được lúc nào chơi với con không.
Cô bé thở dài
một tiếng ra dáng điệu giống người lớn đang sầu não lắm, rồi nói với gã:
- Hôm nay sao
chú Tài không lái xe hơi đến đón con ạ?
Mày gã hơi
nhíu lại, đang ậm ự thì cô bé lại nói:
- Chắc là tối
qua lại đi liên hoan cuối tuần, rồi say sưa cho đến giờ luôn rồi. Hm… cánh đàn
ông bây giờ…
Cô bé bỏ lửng
câu nói vì thường ngày cô vẫn hay nghe mẹ nói đến đó là hết. Cô mang balô vào,
bước tới ngồi lên xe. Gã chỉ chờ có dịp đó, rồi phóng xe vọt lẹ. Dãy nhà hai
bên vùn vụt bị bỏ lại phía sau. Cô bé thích thú được ngồi trên xe máy, được tự
do ngắm nhìn cảnh vật hai bên, và đón những luồng gió mát lồng lộng thổi vào
khuôn mặt nhỏ xinh xắn. Xe băng qua chiếc cầu sắt lam lổ màu gạch cũ, bên dưới
là dòng sông êm đềm chảy nhẹ. Những quả đồi, những khu rừng cứ từ từ bị bỏ lại
phía sau, làm cô bé cảm thấy tiếc nuối nên thỉnh thoảng ngoảnh cổ lại xem cho
kỹ. Xe ôm cua chạy vào một con đường đất, rồi quẹo vào những lối nhỏ hơn nữa,
tới một căn nhà gạch. Gã nhẹ nhàng bảo cô bé xuống xe. Cô bé vừa ngoảnh đi, gã
nhếch mép một cái rồi dắt cái xe máy giấu ở một gốc cây gần đó. Chợt nghe tiếng
cô bé la toáng lên:
- Có ai ở đây
không?
Gã rợn sau
gáy, lật đật chạy tới, định lấy tay bịt miệng cô bé lại, chưa kịp thì cô bé nói
với gã:
- Ba con đâu
rồi hả chú?
Gã chợt nghĩ
điều gì đó, rồi thở phào nhẹ nhõm:
- À… lát nữa
ba má con sẽ tới sau. Con vào trong nhà chờ đi.
Cô bé nhảy lên
vui mừng:
- Hay quá… Hôm
nay ba má tổ chức pinic mà lại giấu con. Lại còn đến một nơi đầy bí hiểm nữa.
Con được nghe các bạn kể nhiều về những cuộc dã ngoại như thế này rồi.
Nói xong, cô
bé chạy ào vào ngôi nhà gạch, dưới chân tường đã phủ đầy rêu xanh, bốc lên một
mùi ẩm thấp. Gã cũng bước vào nhà sau khi ngó qua ngó lại nhiều lần. Căn nhà
trống không, đầy bụi bặm, chỉ có chiếc giường rộng vừa đủ hai người nằm, có cả
chiếc bàn cũ kỹ xiên quẹo đặt gần đó, cùng mấy cái ghế. Gã thấy cô bé cứ mải mê
chầm chậm bước chân vào cái buồng tối bên trong, giống như đang tìm một mật thư
được giấu kỹ. Chưa kịp khám phá ra điều gì thì bị ngay mùi hôi thối xông lên
mũi, cô bé liền chạy ra ngoài.
- Ở đây nhiều
rác quá chú ơi… bịch nhựa, vỏ hộp, có cả dây thừng nữa, vứt bừa bãi…
Gã lấy tay
phủi cái ghế, rồi kéo cô bé ngồi xuống.
- Nhiều rác là
phải rồi, vì người ta đến cắm trại, xả rác ở đây rồi ra về mà.
- Tại sao họ
lại thiếu quan tâm đến người khác vậy?
Gã cười phẩy:
- Trên đời này
có ai thực sự quan tâm nhau đâu. Họ chỉ tỏ ra chút quan tâm vì thương hại, rồi
lại chửi bới, xua đuổi nó chỉ vì một sai lầm nhỏ.
Cô bé nhíu mày
không chịu:
- Nhiều người
vẫn còn yêu thương mà. Con đến trường hay nhà thờ, mọi người đều quan tâm đến
con hết.
- Tiểu thư con
nhà giàu đi đâu mà chẳng ai quan tâm… hãy nhìn một đứa khố rách áo ôm đó.
Cô bé lắc đầu,
không chịu:
- Người nghèo
vẫn có người yêu thương đấy thôi. Ba má con vẫn hay tặng quà giúp đỡ những
người nghèo mà.
Gã nói bằng
cái giọng mỉa mai:
- Bố thí cho
mấy đồng tiền thừa đó hả?
Cô bé cảm thấy
ấm ức lắm, cảm giác cũng giống như khi nghe những lời châm chọc của mấy đứa
bạn. Cô bé vẫn đinh ninh:
- Nhưng dù sao
đi nữa, ta vẫn phải yêu thương, quan tâm đến người khác.
- Hứ, làm việc
bao đồng…
Gã thầm than
trời vì cô bé này hỏi nhiều quá, lời của gã nói ra có chỗ nào chẳng ưng thì cô
bé liền phản ứng lại. Nhưng dù sao cô bé nói nhiều vẫn tốt hơn là một cô sợ
hãi, rồi lại la toáng lên, làm gã vất vả hơn. Gã rút chiếc điện thoại ra, bảo
cô bé tạo vài kiểu trong căn nhà bí ẩn này trước khi ba má tới. Chụp liền mấy
tấm xong, gã đi ra bên ngoài gọi điện thoại cho ai đó. Nói chuyện một hồi, gã
lại vào trong nhà vẫn còn thấy cô bé đang chăm chú nhìn qua ô cửa sổ, nơi có
những đàn cò sải cánh rẽ quạt trên nền trời, có con chim đang ngậm một con sâu
đang còn giãy giụa. Cô bé tinh nghịch muốn chạy ra ngoài chơi, thấy gã đi vào
liền hối thúc:
- Sao ba má
lâu đến vậy chú, hay là mình đi ra ngoài chơi trước đi chú!
Gã nhìn vào
đôi mắt lung linh của cô bé:
- Một chút nữa
thôi, chút nữa sẽ có một màn hứng thú lắm.
Nói đoạn, gã
rút trong túi áo ra một bao thuốc, đốt một điếu rồi phì phà làn khói từ từ tan
biến trước mặt. Gã đang tận hưởng cái cảm giác đê mê từ khói thuốc và cũng từ
thứ gì đó đang trào lên trong lòng gã. Gã chăm chú nhìn cô bé từ trên xuống
dưới, rồi hỏi:
- Con năm nay
học lớp mấy rồi?
- Dạ, con học
lớp xưng tội.
Cô bé mới đi
học giáo lý từ nhà thờ ra nên cứ ngỡ là gã hỏi về lớp giáo lý. Gã nghe thế cũng
chỉ đoán được lờ mờ khoảng chín hay mười tuổi gì đấy. Gã nhìn cô bé, cười thầm
rồi nói:
- Chúa có tha
tội không mà lại xưng tội?
- Có chứ chú!
Dù phạm tội gì đi chăng nữa, đến xưng tội đều được Chúa tha thứ hết.
- Chỉ khéo bày
chuyện… Chẳng lẽ phạm tội hãm hiếp, giết người xong, vô nhà thờ quỳ gối trước
một ông cha xưng tội, rồi đọc ít kinh là Chúa tha hết hả?
Cô bé ngẩng
mặt lên nói với gã:
- Chúa yêu
thương người tội lỗi mà, sẽ tha thứ hết._Nói đến đây, cô bé ngập ngừng, rồi dứt
khoát_ Chỉ cần người đó thật lòng sám hối ăn năn.
- Hứ… mấy cái
bài giáo lý cũ rích.
Cô bé cau mày trước sự bất ưng của gã. Giống
như đang nói chuyện với một người bạn, điều nào khiến cô không đồng ý thì cô
lấy đủ thứ lý do, lời lẽ để trình bày biện hộ. Gã cũng thầm thán phục về những
lời lẽ khôn khéo của cô bé, chắc cô đã được bố mẹ giáo dục cách kỹ lưỡng bằng
những ngôn từ của lớp người giàu.
Hai người ngồi
gần nhau, tựa hồ gã có thể nghe được hơi thở của cô bé. Ngồi nói chuyện với gã
một hồi, cô bé lại than phiền sao ba má lại tới trễ đến thế. Cô ngồi nhìn mấy
con ong cứ bay qua, bay lại hết bông này tới bông khác làm cô bé thấy mỏi mắt.
Cô bé nhắm mắt thiu thỉu, rồi đầu gục lia lịa. Gã không nghe thấy tiếng cô bé
nói nữa, chỉ nghe thấp thoảng khe khẽ gì đó về buồn ngủ, rồi bên vai gã có cảm
giác nằng nặng. Gã nhìn qua thì thấy cô bé đã ngủ rồi.
Gã cảm thấy
như có một lò lửa trong lòng, thúc giục gã làm theo kế hoạch đã định sẵn, theo
một thói quen. Bàn tay của gã muốn mơn trớn, nhưng cánh tay nơi cô bé tựa đầu
chẳng thể nhúc nhích được. Gã có cảm giác nếu mình chỉ động cánh tay một chút
thôi, thì gã sẽ đánh thức giấc ngủ của cô bé, một thứ mà gã có cảm giác rất quý
giá đối với mình lúc này. Vài sợi tóc mềm mại tự do uốn mình trong gió, rồi
thướt tha lượn là trên mặt gã. Gã cảm nhận được một mùi hương của hoa đồng nội
phảng phất trong làn tóc đang bay, phải chăng hương thơm cũng toát ra từ làn da
trắng ngần của cô bé. Nhìn hai hàng mi khép trên đôi gò má cao, nhịp thở đều
đều, gã có cảm giác loáng thoáng về một thời thơ ấu, thời tung tăng trên cánh
đồng xanh mượt, với những đàn bò, những cánh diều chập chờn trên nền trời hoàng
hôn đầy nắng nhẹ.
Đời của gã đã
mất đi nhiều thứ rồi và gã cũng nhiều lần liều cả tính mạng để làm lắm chuyện,
nhưng lần này, gã không muốn đánh mất thêm nữa. Thời gian tựa hồ trôi qua nhanh
lắm, gã vẫn không rời chiêm ngưỡng giấc ngủ thiên thai của cô bé. Chợt, xung
quanh gã trở nên tối sầm lại, gương mặt của cô bé bỗng sáng lên lạ thường.
Không, dường như không chỉ có khuôn mặt của cô bé, gã còn nhận ra nhiều gương
mặt khác nữa, trông quen lắm, nhưng toát lên những vẻ đầy ghê rợn. Người gã run
lên, mồ hôi tuôn ra ướt cả áo khi gã nhận ra đó là những khuôn mặt, những ánh
mắt đã từng thảm thiết, kêu gào, van xin, nguyền rủa gã. Gã nhắm mắt, giụi mắt
thế nào thì những hình ảnh đó vẫn cứ xuất hiện trong đầu gã.
Gã nhận ra có
một khuôn mặt không phải của các cô gái, nhưng là một người đàn ông, mặt mũi
đầy vết thương và từng giọt máu vẫn đang rỉ ra từ những cây gai được kết thành
vòng quấn trên đầu. Gã biết đó là ai, là người mà gã vẫn tìm cách né tránh,
không dám nhìn vào. Gã sợ ánh mắt đó có thể nhìn thấu tam can gã, thấu những
tội ác kinh tởm trong đời gã và gã sẽ sợ hãi chính mình. Từng giọt máu rỉ ra,
chảy qua đôi mắt nhắm nghiền trong hơi thở dốc dát, khuôn mặt đó đang rướn lên,
cố gắng thì thầm với gã:“Ta khát! Ta khát!”.
Sao mà đau đớn
thế! Sao mà nhục nhã thế! Như thể tất cả đau đớn này đều do tội lỗi một mình gã
gây nên. Đôi mắt gã thấy cay cay không phải do làn khói thuốc lúc nãy. Gã khóc
cho tội lỗi của mình vì đã bao lần cố lờ đi khuôn mặt đó, bịt tai trước những
lời thì thầm đó, để rồi tự biện minh cho hành động đen tối của mình bằng đủ mọi
lý lẽ mà gã có thể nghĩ ra. Gã nói như người đang mếu, kêu gào lên chỉ sợ khuôn
mặt đang nhắm nghiền đó không nghe thấy, chỉ sợ lúc khác gã sẽ không còn can
đảm để nói được: “Lạy Ngài, khi về nước Ngài, xin nhớ đến tôi!”
Rồi gã nhận ra
căn phòng mình đang ở sao trở nên đáng ghét quá. Chính căn phòng này đã gợi cho
gã nhớ lại biết bao tội ác mà mình đã gây ra. Những âm thanh, hình ảnh đó cứ ám
ảnh gã như bầy lũ ruồi nhặng cứ theo đuổi, bu bám lấy gã. Gã dồn nén mọi khó
chịu, ức chế trong người rồi quát lên: “Cút đi, cút hết đi”.
Gã vừa la vừa
vung cánh tay rắn chắc để xua đuổi, vô tình hất cô bé tỉnh dậy, ngã lăn xuống
đất. Cô bé chẳng hiểu chuyện gì, bị một cú ngã đau liền vặn hỏi:
- Có chuyện gì
vậy chú!
Cô bé ngơ ngác
vì thấy gã tự dưng hai tay ôm mặt mà khóc, mà không, hai tay đang cào cấu trên
khuôn mặt hốc hác, tạo thành những lằn đỏ rỉ máu. Cô bé hoảng hốt chạy đến bên
gã, thì bị gã nắm chặt lấy tay, kéo lôi ra ngoài:
- Về đi, về nhà
ngay!
Tiếng nổ của
xe máy gầm lên làm cho bầy chim đang đậu gần đó bay tá lả. Cô bé cảm thấy lo sợ
nên cũng không dám hỏi lại gã điều gì, vội bước lên xe. Tựa khuôn mặt vào lưng
gã, cô bé cảm nhận được luồng hơi nóng toát ra từ người gã, nghe được cả nhịp
đập dồn dập của trái tim. Cô cảm thấy nơi bàn tay và bàn chân lạnh dần, rồi
thấm ướt những giọt mưa. Chắc gã chẳng nhận ra đâu là giọt mưa té lên và đâu là
giọt nước mắt trào ra, chảy loang qua những vết cấu xé trên khuôn mặt. Trời bắt
đầu mù tối dần, gã chỉ còn nhìn thấy thấp thoáng một cây thập giá nhỏ cắm trên
một ngọn tháp cao, nổi bật giữa những dãy nhà san sát. Gã cứ nhắm hướng đó mà
chạy, chẳng còn biết mình đang đi đâu, chẳng quan tâm đến một đám đông nhốn
nháo vẫn còn tụ tập ở nhà thờ, có cả chú công an ở đó nữa.
* * *
“Chiều thứ sáu
vừa qua, tại phiên tòa xét xử, luật sư khởi kiện đã tố cáo hắn biết bao tội
danh: bắt cóc trẻ em, tống tiền, hãm hiếp, giết người. Nhưng có điều lạ thường
là hắn đã không chối bỏ, không bào chữa cho mình, mà hắn còn khai thêm những vụ
khác đã phạm. Tòa tuyên án tử hình, biệt giam trong khi đợi thi hành án. Điều
bất ngờ hơn nữa là nghe tòa phán xong, hắn quỳ gối làm dấu thánh giá trên
người. Chắc hắn nghĩ là mình đang được phúc tử đạo!”.
Cô bé xếp ngay
ngắn tờ báo pháp luật vào trong ba lô, rồi nhanh chân theo ba đến nhà thờ. Đôi
mắt cô bé vẫn mải miết nhìn lên nền trời xanh biếc.
KHÓC
Ở hai đầu vũng
tối là ánh sáng. Khi chiếc xe rít lên rồi dừng lại cũng là lúc hắn đáp đất sau
một cú bay. Giây phút lơ lững đó, ánh mắt hắn ngợp bởi hai bóng đèn pha lóe
sáng. Sau đó là chìm đến tận đáy của một vũng tối dày đặc. Người ta kéo máy tới
đợi hắn ở bên kia vũng tối, để ghi lại khoảng khắc vị anh hùng tỉnh lại. Mắt
hắn lại đầy ánh sáng của những chiếc máy quay phim, chụp ảnh. Người ta tặng
hoa, tặng quà, tặng bằng khen. Ai cũng xúm xít, véo von quanh người vừa mới làm
một chuyện đáng tuyên dương, ca ngợi. Rộn ràng một lúc đám người đã mệt vì cười
và khen ngợi cũng ra về, mẹ hắn mới tới gần nói nhỏ:
- Bây không
được làm chuyện dại dột đó nữa.
Hắn cong người
ôm lấy mẹ đang ngồi ở mé giường và khóc.
Ngày thứ hai
sau khi tỉnh lại, lúc ghé mắt ra cửa phòng, hắn thấy khuôn mặt mình bị xách
ngược trong tờ báo trên tay một người đàn ông. Người đàn ông băng qua cửa chưa
đầy hai giây, nhưng hắn kịp thấy mặt mình trên trang nhất tờ báo, bên dưới
người ta ghi một tít dài, có hai chữ “anh hùng”. Khuôn mặt đó ám ảnh hắn. Hắn
nhắm mắt lại cũng thấy khuôn mặt mình chờn vờn trên bàn làm việc, trên tay của
những đứa bé bán báo hay lắt xắt bay trên những con đường khô cong và mù mịt
bụi. Cả trăm ngàn khuôn mặt đó đều có ánh mắt hoảng hốt và miệng mở ra như muốn
nói điều gì.
Ngày thứ bảy ở
bệnh viện, cha hắn tới. Khi hắn trân cứng người lại vì sợ và ngạc nhiên thì cha
hắn đã mở lời:
- Cuối cùng
bây cũng làm một chuyện coi được. Chừng nào khỏe thì về nhà đi.
Chắc có tờ báo
nào đã trôi ngược về xóm núi, và cha hắn nhận ra khuôn mặt của con trai mình.
Ngày thứ mười
ba, hắn xin xuất viện. Từ chổ chiếc xe dừng lại tới nhà phải đi một quãng khá
xa. Hắn đi nhỏ nhẻ, vì những cái xương sườn gãy vẫn nhói lên đau điếng và một
tay bị băng cứng đơ. Mẹ hắn xách đồ nặng, nên tuột lại phía sau. Thấy con ngập
ngừng ở lối rẽ vô nhà, bà tiến lên bảo:
- Nhà của bây,
có chi mà ngại.
Trong đầu hắn
có những thước phim quay chậm. Hắn thấy con đường này của ba năm trước, cũng
những ngôi nhà này, cũng những khuôn mặt vói ra từ cửa sổ, hay nép sau những
tán cây, hay tụm lại ở một góc sân nhìn cảnh cha hắn cầm con dao theo sau lưng
đứa con. Ông chạy chậm, tiếng thở dốc cuộn trong tiếng bước chân. Khi giữ được
khoảng cách an toàn với con dao, hắn mới dừng lại, nghĩ tim cha cũng tốt đó
chớ. Cha hắn dứ con dao về phía hắn nói:
- Tao không có
đứa con tù tội như mày. Tao thà chết cũng không cần mầy.
Câu nói này
làm hắn chảy nước mắt. Phía trên kia trời trong vắt, không gợn chút mây. Hôm
hắn ra tù trời cũng im ắng như vậy. Không mây, nắng không biết bám vào đâu nên
trút hết xuống đầu một kẻ đứng trước cổng trại giam hoang mang không biết mình
đi hướng nào. Lối về duy nhất bị bịt kín bởi người cha không chấp nhận một đứa
con mới ngồi tù về, và nhục nhã hơn, hắn còn làm trai bao.
Hắn quay lại
thành phố và tiếp tục làm trai bao để trả thù cuộc đời. Một cuộc đời bất công
và hắt hủi lối về của hắn. Khoảng đó là một vũng tối dày đặc và sâu. Bóng tối
cong mình lại, nên ánh sáng không lọt vào được. Ban đêm đi làm, ban ngày hắn
cuộn mình trong phòng, nghe mùi ẩm mốc xọc lên từ chiếc chăn xỉn màu và tiếng
những con gián thầm thì nói chuyện bên những hộp cơm vương vãi. Nhưng có ai đau
đớn vì hắn càng lún sâu vào ngỏ tối? Những người có thể đau vì hắn thì ở xa và
định kiến xây nên một bức tường dày giữa hắn và họ. Hắn chỉ đợi lúc cánh cửa
được mở ra đều đặn vào thứ năm hàng tuần. Nắng ùa vào căn phòng tối và ẩm mốc.
Người mở cánh cửa đó thường ngồi ở mép giường nhìn hắn, hay dọn dẹp đôi chút
trong căn phòng, và thỉnh thoảng hỏi:
- Muốn xưng
tội không?
Sau đó là
tiếng đáp không ơ hờ, hoặc hắn không đáp, chỉ quay lưng úp mặt vào chăn. Đó là
một linh mục, người bạn thân với hắn những năm cấp ba. Sau mỗi lần người bạn đó
ra về, cánh cửa khép lại. Nắng bị nhốt bên ngoài nên bóng tối và sự im lặng đè
nghiến, nhấn chìm hắn đến nghẹn thở.
Khác với căn
phòng của hắn, con đường về nhà sáng sủa vì đầy nắng. Hôm ở bệnh viện ba hắn
biểu hắn về. Sẽ không còn ly nước trà bay thẳng vào mặt và sau đó là con dao
sắc loáng đuổi theo, nhưng con đường gập ghềnh bởi những khuôn mặt vói nhìn ra,
và những lời móc máy vẫn nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Nhưng mẹ hắn mới biểu, nhà
của bây, có chi mà ngại, bây đâu có ở ngoài đường, hay ở nhà người ta.
Cả ngày hắn
chỉ loanh quanh trong nhà, không hẳn vì mỗi bước đi xương xóc va vào nhau đau
nói, mà hắn sợ gặp người ta. Nhưng hắn không ngờ mình lại gặp linh mục bạn ở
nhà mình. Linh mục bạn đạp xe đạp trên con đường mềm mại uốn mình giữa những
cánh đồng. Một đám trẻ líu ríu chạy theo sau, cười nói râm ran. Chúng dừng lại
trước cổng nhà hắn, như chạy qua cánh cổng ấy sẽ có một con ngáo ộp nhảy ra vồ
lấy chúng. Linh mục bạn thì chạy thẳng vào, như về nhà mình, con chó nhỏ còn
chạy ra quấn quýt. Hắn không giấu được một nét cười vừa vẽ lên trên khóe môi.
Sau khi xăm xoi tay chân hắn, linh mục bạn nói còn hên lắm. Tay chân băng bó
như vậy mà nói còn hên. Nhưng hắn hiểu, vì vụ này mà hắn được về nhà, như vậy
quá hên rồi. Linh mục bạn hỏi, có muốn xưng tội không. Hắn gật đầu.
Hắn nhớ lần
cuối cùng mình xưng tội cách đây khoảng mười năm. Bữa đó là lần đâu tiên hắn đi
khách. Sau khi nắm được tờ tiền trong tay hắn đã bật khóc, nhưng khi quỳ trước
tòa giải tội hắn lại rối lòng. Mình làm vậy có sai không? Mình đã làm sai điều
gì? Mình có thể từ bỏ công việc này được không? Lúc đó hình ảnh cha hắn đang
quằn quoại trên giường với những cơn đau tim hiện lên. Mẹ hắn lúc nào cũng nơm
nớp với những nỗi lo, tiếng thở dài trôi lãng đãng mỗi khi nhìn cha hắn ngủ
mệt, khi nghe tiếng lon múc gạo vọng vào đáy thùng. Em hắn mỗi lần thấy bạn mặc
áo trắng tung tăng đến trường lại bỏ vô phòng nằm. Hắn biết mình không thể bỏ
công việc hái ra tiền này, nên bước ra khỏi tòa giải tội. Tiếng vị linh mục già
hiền từ vói theo sau lưng, làm hai chân hắn dẫm lên nhau cuống quýt:
- Con ơi, quay
lại đi. Cha chưa đọc lời tha tội.
Khi bị cảnh
sát còng tay dẫn đi vì món tiền lừa đảo, hắn cũng thấy khuôn mặt cha mình mòn
sâu trên tấm trải giường trắng ở bệnh viện với hơi thở đã đều trở lại. Thùng xe
nhốt phạm nhân vừa tối vừa nóng, nhưng hắn cảm thấy dễ chịu với ý nghĩ bệnh của
cha mình ổn rồi.
Mười năm, hắn
đã thôi đi lễ. Hắn cũng thôi áy náy lương tâm từ lâu. Nhưng hắn vẫn đợi mỗi
chiều thứ năm người bạn linh mục đến. Một vệt nắng lóe lên trong căn phòng, một
vài câu hỏi thăm, và đôi khi kèm theo lời cằn nhằn sao để đồ đạc lung tung vậy.
Hắn cảm thấy có một chút nhẹ nhàng trong lòng vì ít ra còn một ai đó quan tâm
đến mình, còn một sợi dây cố gắng níu hắn với cuộc đời. Người bạn đó làm vọng
về trong hắn câu nói của linh mục già ngày xưa: Con ơi, quay lại đi…
Đôi lúc đứng
tròng trành trên thành cầu lộng gió nhìn xuống dòng sông cuộn xiết, hắn nghe
lời vị linh mục ấy vọng về trong tiếng sóng: “Con ơi, quay lại đi”. Khi nhìn
đoàn xe lửa lao đi, hắn vẫn nghe tiếng ấy trộn lẫn trong tiếng bánh xe sắt
nghiến vào đường ray: “Con ơi, quay lại đi”. Hắn nghe “Con ơi, quay lại đi” lẫn
trong lời của nhân viên bán thuốc, khi nhìn khuôn mặt đầy u uẩn của hắn, bảo
muốn mua thuốc ngủ phải có giấy của bác sĩ. Nhưng hắn muốn hỏi, bây giờ con sẽ
quay lại đâu, về đâu hay đi đâu? Không ai trả lời hắn. Khi hắn quay lại ngôi
nhà thờ ngày xưa thì vị linh mục già đã không còn ở đó nữa.
Đã ba chiều
thứ năm người bạn không đến, hắn tuyệt vọng, như ngọn đèn thắp lên một ánh lửa
nhỏ nhoi trong đêm mịt tối đã vụt tắt vì mòn dầu. Nên khi chiếc xe trờ tới, và
người phụ nữ luống cuống không biết làm gì, thì hắn lao ra giữa lòng xe cộ đẩy
người phụ nữ khỏi mũi xe chỉ trong chớp mắt. Lúc hai mắt đã thoát khỏi ánh sáng
của chiếc xe, xương gãy kêu lắc rắc trong mình và thân thể tiếp đất sau một cú
bay, trong cơn đau đớn đứt gãy hắn còn níu được một ý nghĩ rời rạc, mình đâu có
chổ nào để về. Sau đó là bóng tối.
Chiêm bao thấy
mình nằm dưới tấm vải trắng trùm đến tận đầu, khí lạnh làm khô cứng buồng phổi
của hắn và bóng tối như một thứ khói đặc quánh, có thể sờ được bằng tay. Nhà
xác, người ta đã chuyển hắn đến nhà xác. Bóng tối thâm u len lỏi và bắt đầu
chiếm luôn chút ánh sáng nhợt nhạt còn lại trong mắt hắn. Hắn không sợ bóng
tối, bởi cảm giác này đã quá quen thuộc. Cảm giác của một kẻ bị bỏ rơi, một kẻ
vô hình trước mắt người khác, một kẻ bị khạc nhổ lên mình sau khi người ta ném
những đồng tiền vào mặt. Đó là cảm giác của một kẻ chỉ còn biết tự bảo vệ bằng
cách ẩn mình trong bóng tối.
Ý nghĩ tại sao
vào đến nhà xác rồi mà cũng chưa chết, tại sao những người nằm thẳng đơ và được
trùm vải trắng trong căn phòng này không phải là mình làm hắn tức tưởi, và mơ
hồ nghe người ta kêu tên mình, lắc tay mình, nói anh ấy tỉnh lại rồi kìa, anh
ơi tỉnh lại đi. Khi ra khỏi vũng tối đó, hắn hoảng hốt thấy mình còn mở mắt.
Một sự thất vọng không thể kìm chế được trên khuôn mặt khi ánh sáng trở lại.
Người ta đã bấm máy lách tách ngay giây phút đó. Khuôn mặt ấy được đem đi dán
trên mấy tờ báo.
Một nhà báo
hỏi lúc đó anh đã nghĩ gì? Hắn nói đâu có kịp nghĩ, chỉ thấy người gặp nạn nên
lao ra cứu. Nếu có thời gian mà đứng nghĩ chắc gì đã dám cứu người, mà nghĩ xong
chắc cũng chỉ cần gọi xe cấp cứu. Câu nói này làm mấy người trầm trồ ghi chép.
Đèn lại lóe lên. Nhưng chỉ mẹ hắn mới biết, con mình đang nói dối, nên mới
biểu, bây không được làm chuyện dại dột đó nữa. Cha hắn không biết chuyện này.
Hai ngày ở bệnh viện ông ít nói ít cười, cả nhìn con mình cũng ít. Cuối ngày
khi xách giỏ về, ông mới nói được một câu cụt ngủn:
- Cũng tại ba.
Xin lỗi con.
Hắn lại cong
người về phía mẹ mà khóc. Bên ngoài hành lang cha hắn lảo đảo ngồi xuống ghế.
Hai dòng nước mắt trào ra trên khuôn mặt đã gầy đi nhiều từ lúc nghe tin hắn bị
nạn. Nước mắt đó được ngâm ủ lâu năm, nên trong vắt. Cha hắn đã hết giận con
lâu rồi, nhưng cái buổi chiều cha đuổi con chạy ngời ngời ngoài đường vẫn còn
tươi rói, và lời ông nói tao có chết cũng không cần bây không biết làm sao để
rút lại. Nên ông cần một cái cớ, dù vô lý như chuyện con ông bị tai nạn để vẽ
nên một đường cho đứa con về nhà. Bà mẹ lấy bàn tay lau nước mắt cho hắn, nói
bây khóc cả chục năm nay chưa đủ sao. Nín đi, rồi còn đứng dậy mà làm lại cuộc
đời.
Tất cả những
chuyện đó hắn đem kể với linh mục bạn, làm cho buổi xưng tội giống một cuộc trò
chuyện. Hắn nhẹ nhõm, cảm giác như mình vừa gỡ được một tảng đá khỏi lưng. Linh
mục bạn cười, nói bây giờ mình làm việc mà vị linh mục già ngày xưa phải bỏ lỡ,
vì hối nhân đang xưng tội thì chạy mất. Và hắn thấy bàn tay linh mục bạn đưa
lên:
- Vậy tôi tha
tội cho anh, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.
TIM ĐÈN LEO LÉT
“Lạy Chúa, con chỉ là kẻ tội lỗi, bất
xứng, nào đáng gì được Chúa đoái mắt nhìn xem. Nhưng con tin, lòng thương xót
Chúa luôn tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên chúng con, cách này hay cách khác.
Xin Ngài thương đến những người nữ trong dòng họ con, nếu không quay về được
lúc còn sức khỏe, chỉ xin trong giây phút cuối của cuộc đời, bà và cô được đón
nhận bí tích hòa giải, được rước Mình Máu Cực Thánh Chúa làm lương thực trên
chuyến đi xa xôi ấy. Trong một năm, con sẽ cố gắng mỗi ngày lần một chuỗi Thương
xót, xin Chúa thương cho con một dấu chỉ. Lạy Chúa, con không dám đòi hỏi,
không dám mặc cả, nhưng con chỉ xin Ngài đón nhận như một chút lòng thành hi
sinh con dâng lên, rằng của lễ ấy đã làm đẹp lòng Ngài.”
Trong ngôi giáo đường bé nhỏ của vùng núi Gia
Lai, vào đêm vọng Phục Sinh, chứng kiến hơn trăm người dân tộc thiểu số đón
nhận đức tin, cô không khỏi bồi hồi nghĩ về hai người nữ trong họ tộc để rồi
dâng lên Chúa những lời cầu tha thiết từ đáy lòng.
Cộng tác cùng
nhà dòng trong những chuyến đi từ thiện, những đợt hè tình nguyện thời sinh
viên, tốt nghiệp đại học xong, cô được các thầy mời lên dạy trường tư của nhà
dòng ở vùng Tây Nguyên. Chẳng người thân, chẳng quen biết, nhưng không hiểu sao
cô vẫn đủ động lực vượt gần ngàn cây số lên chốn núi rừng này. Gần hai năm qua
đi, cô chỉ quẩn quanh trong trường, gắn bó cả ngày với học sinh. Cuối tuần rảnh
rỗi thì đi lễ, dạy giáo lý rồi đi chơi với mấy anh chị nội trú trong trường.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua cho tới một ngày, cô nhận được cú điện thoại từ
số lạ:
- Dạ, alo!
- Liên à, cô
Hường đây. Cô mới gọi điện về nhà nghe nói con đang ở Gia Lai, con vào từ lúc
nào mà không cho cô biết thế!
Cái giọng cao
réo réo khiến Liên mường tượng trong đầu. Khoảng kí ức gần hai chục năm trước
đưa cô nghĩ về một người. Nhưng nghe đồn…
- Con không
nhớ à, cô Hường nhà bà Sáu đây.
- Ôi, cô khỏe
không? Con nghe nói cô ở Bắc mà, sao giờ lại ở Gia Lai?
- Làm gì có,
cô vào đây gần hai chục năm rồi, cái thời con nhỏ tèo teo, không biết giờ có
nhớ cô nữa không vậy?
- Nhớ chứ, sao
con quên được. Có cô ở đây mà chẳng biết, gần hai năm qua con cứ tưởng mình
chẳng có ai bà con thân thuộc.
- Ừ, cuối tuần
con có rảnh không? Bữa nay biết có anh em họ hàng rồi thì lo mà tới thăm thường
xuyên nhé!
- Dạ, nhất
định vậy rồi. Cuối tuần con rảnh để con tới cô chơi. Nhưng nhà cô ở gần con
không ạ? Con ở Đăk Đoa.
- Cô ở Iagrai,
cách khoảng 40km đó con. Giờ con đi lên thành phố rồi… Nhưng Liên này, khi nào
con đi mua giúp cô quyển sách kinh với sách giáo lý dành cho người dự tòng được
không? Ở trong này xa xôi không biết nhà thờ, cũng chẳng biết mua ở đâu.
- Cô mua sách
dự tòng làm gì vậy ạ?
- Ờ.. cho
dượng con.
- Ủa, thế
dượng…
- Ừ, dượng là
người ngoại đó con. Vì dượng con trai trưởng nên không thể theo đạo được. Giờ
cũng gần 60 rồi, dượng muốn tìm hiểu. À, con mua cho cô quyển giáo lý vỡ lòng
nữa.
- Cho ai vậy
cô?
- Hai em đó
con, một đứa năm nay lớp 9, đứa lớp 7 nhưng chưa rửa tội.
Mỗi câu người
cô nói khiến Liên càng há hốc, ngỡ ngàng. Ở chốn đạo toàn tòng ngoài quê có bao
giờ nghe những điều kì lạ vậy đâu. Bốn mươi cây số đường núi, xa lắm nhưng có
động lực nào đang thúc giục cô đến nhanh hơn.
- Dạ, con hiểu
rồi ạ. Cuối tuần con chạy xe tới chỗ cô nhé!
Liên hồi hộp
và nóng lòng chờ tới ngày đó. Sau giờ dạy giáo lý ngày Chúa Nhật, cô tới gặp
cha xứ để hỏi thăm có nhà thờ nào vùng gần đó không. May quá! Có nhà thờ của
các cha cùng dòng Phanxico với cha xứ. Liên trình bày hoàn cảnh của cô mình và
xin số điện thoại để tiện liên lạc. Trước khi về, cha còn gửi tặng cho cô một
quyển sách Tân Ước có dòng chữ “Mến tặng!” và chữ kí của cha. Cha cũng không
quên tặng thêm tràng chuỗi Mân Côi và tờ kinh Lòng Thương Xót. Cha còn đùa với
Liên:
- Cô giáo lần
này đi công đôi việc rồi nhé! Vừa gặp người thân, vừa truyền giáo cho người
ngoại. Biết đâu ông chồng trở lại, anh em của ông cũng trở lại thì sao… Mình cứ
tin tưởng việc Chúa làm thật kì diệu!
Lời động viên
của Cha như tiếp thêm niềm tin và hi vọng. Liên lên đường và xin Chúa đồng
hành, chúc lành cho chuyến đi ý nghĩa này. Trời hôm nay thật đẹp! Cả tuần nắng
chói chang, thế mà hôm nay im mát đến lạ. Càng nghĩ Liên càng vui, chắc Chúa
thương cho cái thân hình bé nhỏ của cô gái phải chạy đường xa…
- Ôi, lâu quá
rồi con! Bữa nay con lớn trông khác xưa nhiều!
- Sao cô nhận
ra con thế? Con không nhận ra cô đâu. - Liên cười hỏi.
- Con bố,
không giống bố thì giống ai hở? Thôi vào nhà đã con.
Nói rồi, cô
dắt tay Liên đi vào trong. Căn nhà nhỏ, không cao lắm nhưng sạch sẽ, xung quanh
là vườn cà phê trải dài tít tắp. Bàn tay cô cứ nắm chặt tay Liên như tìm được
vật gì rất xưa, rất hiếm. Chẳng để cháu gái kịp hỏi han, cô đã tiếp lời:
- Con ơi, gặp
được con cô không biết phải kể hết niềm vui thế nào. Bao năm qua, cô tội lỗi
quá, là Giu-đa con à. Năm đi được 1,2 lễ ở dưới phố, nhưng chỉ đứng dưới cửa
nhà thờ chứ có rước lễ gì đâu con. Cô cũng chẳng dám đi gặp và nói chuyện với
cha xứ, vì sợ cha la. Nhưng không bao giờ cô bỏ đạo đâu con. Mấy lần người ta
bảo cô đi học chính trị để được thăng tiến trong công việc, cô dứt khoát không
đi, vì mình có đạo. Đêm nào cô cũng đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi. Bữa trước cô
mơ bị rơi xuống biển, cô sợ lắm, chết mà chưa được xưng tội thì xuống hỏa ngục
mất. Đang lo vậy thì cô thấy cái phao. Chắc con là cái phao Chúa, Mẹ gửi đến cho
cô rồi.
Thấy giọt nước
mắt rơi trên má cô, trong lòng Liên cũng không khỏi xúc động.
- Cô ơi, cha
xứ chỗ con dạy giáo lý có quà gửi tặng cô. Cha cảm thông và sẽ rất vui nếu cô
đến gặp linh mục gần đây. Cô đừng sợ gì hết. Chúa nhân từ có bao giờ trách phạt
và bỏ rơi chúng ta đâu. Các cha hạnh phúc khi thấy con chiên trở về đó cô ạ.
Con có xin số điện thoại của cha xứ cách đây chừng 15km, con có hỏi thăm và cha
nói cô gọi trực tiếp cho cha được gặp.
- A! Chị Liên
tới rồi hở mẹ?
Liên giật mình
nhìn ra cửa thì hai đứa nhỏ vừa đi học về. Đứa nào cũng dễ thương, nhanh nhảu.
- Con chào mẹ,
em chào chị ạ!
- Hai em đi
học về rồi à, sao biết chị Liên vậy?
Thằng em nhanh
miệng đáp:
- Biết chứ sao
không chị, cả tuần nay ngày nào mẹ chẳng nhắc chị, hình như mẹ vừa khóc, chắc
mẹ vui quá đó chị. Ôi, quà nè, có phải tràng hạt đây không chị? Chị Thương có
tràng hạt rồi…
- Đẹp quá chị
Liên! Em cám ơn chị, đợi em cất cặp xíu. – Cô chị đáp.
Hai nhỏ vừa
vào tới phòng đã hét lên:
- Mẹ ơi, mẹ
vào mà xem này!
Liên và cô
hoảng hốt chạy vào.
- Có chuyện gì
vậy con?
- Tràng hạt
phát sáng mẹ à. Đẹp quá!
Liên thở phào
nhẹ nhõm. Cô không nghĩ hai đứa lại yêu mến chuỗi hạt đến thế. Nhìn bọn nó
thích thú và vui, trong lòng cô hạnh phúc vô cùng.
- Hai em nhanh
ra đây, chị còn có cái này nữa.
- Còn gì nữa
vậy chị.
Liên đưa cho
hai em quyển sách kinh, hai quyển giáo lỹ vỡ lòng và tờ kinh Lòng Thương Xót
Chúa và dặn:
- Mấy em nhớ
chăm chỉ học những quyển này, khi nào thuộc chị sẽ xin Cha cho các em được rửa
tội.
- Thật không
chị? Em cũng thuộc được kinh Lạy Cha, kính Kính Mừng và Kinh Sáng Danh rồi, vì
tối nào mẹ cũng bảo bọn em đọc. Em sẽ cố gắng đọc thuộc nhiều hơn…
Trưa đó là bữa
cơm vui nhất suốt bao năm qua. Tiếng cười nói vang mãi không ngớt. Ăn xong, hai
em chẳng ngủ, chắc hẳn vui quá, nằm cầm sách đọc mãi. Vừa thấy chị Liên bước ra
khỏi phòng, hai đứa đã kéo chị ra ngồi ngoài bàn rồi giành nhau nói:
- Chị ơi, em
đọc thuộc kinh này rồi, lát nữa 3 giờ em sẽ đọc. “Kính lạy Máu và Nước đã tuôn
trào từ Thánh Tâm Chúa Giê-su như thác nguồn thương xót chúng con, con tín thác
vào Chúa!..”
- Chị ơi, em
thấy sách đạo dạy hay quá. Phải thảo kính cha mẹ, chị em phải thương yêu nhau,
lên trường phải quan tâm bạn bè… trước giờ em ít làm vậy lắm! Em chẳng nhường
cho em Kiệt, lên lớp hay bắt nạt bạn, em là con gái mà mạnh mẽ lắm. Hì hì.
Nghe những lời
nói đơn sơ, tiếng cười trong trẻo, Liên thầm cám ơn Chúa đã đưa mình lên vùng
núi này.
- Ừ, từ bây
giờ, hai em phải biết vâng lời cha mẹ, yêu thương nhau hơn, lên lớp phải biết
giúp đỡ bạn, quan tâm bạn thì mọi người mới biết người có đạo sống tốt đúng
không nào?
- Dạ, đúng rồi
chị, từ giờ hai chị em mình không giận nhau nữa nghe Kiệt! Cùng ngoéo tay nào!
Nói xong, hai
nhỏ khoác vai nhau cười hạnh phúc. Chiều hôm ấy, bốn con người lòng đầy hân
hoan cùng nhau lần chuỗi Thương Xót.
Đến giờ Liên
phải về rồi. Bịn rịn không muốn xa cô, xa hai em nhưng Liên phải về với những
đứa học trò thân thương, bắt đầu cho tuần học mới.
- Chị ơi, chị
nhớ thường xuyên đến chơi và dạy giáo lý cho tụi em nghe! Lúc trưa em đọc mà
chưa hiểu Chúa tạo dựng thế nào.
- Chị ơi, lần
sau mang thêm cho em tràng chuỗi nữa nha chị! Chị Thương bảo sẽ mang tràng
chuỗi lúc sáng lên trường, khoe với các bạn. Em chưa có.
- Ừ, chị hứa
sẽ tới thăm và mạng quà, nhưng các em phải nhớ thực hiện những lời chị dặn
nhé!- Rồi Liên quay qua chào cô.
Liên lên xe
trở về trường. Con đường dài nhưng sẽ hóa gần trong tình yêu! Cô hơi buồn vì
dượng đi làm xa, không gặp được. Nhưng phải chăng, đó là sự sắp xếp của Chúa để
cô có thời gian tâm sự với ba mẹ con? Cô thầm thì: “Tạ ơn Chúa đã cho con một
dấu chỉ! Con sẽ cố gắng hơn nữa!
Cây lau bị
dập, Người không đành bẻ gãy
Tim đèn leo
lét, chẳng nỡ tắt đi.”
Mã số: 16-106
TRỞ VỀ!
“Anh Tiến ơi,
anh đẹp trai vậy sao không chịu rước nàng nào về dinh đi, chứ ở mình hoài vậy
uổng lắm anh ơi!” – Giọng con Vân mềm nhũn, nghe muốn sởn da gà. Cả bọn cười
nắc nẻ hùa theo: “Phải đó anh Tiến ơi… Uổng thiệt đó… Phí một đời anh hai
ơi..!”.
- Tôi già rồi,
ai thèm mà thương hả mấy cô? – Tiến vừa đặt chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, vừa trả
lời.
- Ôi chao,
hổng dám đâu anh hai ơi, anh hai còn trẻ, còn đẹp lắm, chỉ mỗi tội hơi ốm chút
xíu thôi à! – Con Hải nhảy ra khỏi đám bạn, vừa uốn éo mấy động tác điệu đà tới
ớn của bọn con gái, vừa dúi cái miệng đỏ chót áp vào mặt Tiến. Cả bọn lại phá
lên cười ngặt nghẽo. Tiến lùi lại một bước, giơ tay lên quơ quơ:
- Thôi, dẹp cô
đi, nhiều chuyện!
Cả đám lại
cười ầm, khoái chí.
- Thôi đi mấy
cô nàng, tha cho anh ấy về, chớ anh ấy mà khiếp mấy cô rồi mai mốt không đi dạy
hát nữa thì mấy cô liệu đó! – Cả bọn đang cười ngặt nghẽo bỗng khựng lại, im
phắt. Tiến tỏ ra ngại ngùng thấy rõ. Con Vân đổi giọng:
- À, thì ra là
anh Tiến đã có chị Quy quan tâm rồi tụi bay ơi, hèn chi…!
- Thôi đi mấy
cái con này, về hết đi kẻo tụi bay ăn đòn đó! – Vừa nói, Quy vừa đưa tay làm bộ
đánh mấy đứa. Tụi nó nắm tay nhau chạy loạn, vừa chạy vừa cười đùa: “Đó, tụi em
biết mà…”.
Bóng mấy đứa
con gái tinh nghịch khuất sau cánh cổng nhà xứ, chỉ còn thấy tiếng cười đủ
loại, chí choé. Quy đỏ mặt, cười gượng, khẽ liếc nhìn Tiến. Thẹn! Tiến lóng
ngóng đưa tay lên cài quai mũ, vụng về:
- Cảm ơn Quy
nhiều. Tôi về. Lát Quy về cẩn thận nha!
Nói rồi, Tiến
mở khoá xe, nổ máy, đi vội qua cái nhìn như còn gì chưa kịp nói của Quy. Tiến
đi, bỏ lại Quy đứng một mình, mắt nhìn theo hướng chiếc Honda vừa khuất, luyến
tiếc như vừa vụt mất điều gì đó. Cô cũng nổ máy, lẩn vào trong bóng đêm. Cũng
khuất!
***
Tiến trạc tuổi 35, cao, hơi gầy với khuôn mặt
xương xương, nhưng đầy chất “men”. Anh ít cười lắm, nhưng mỗi khi anh cười, hàm
răng trắng đều lộ ra rất cuốn hút người khác. Những khi đó, khuôn mặt anh ánh
lên một vẻ hiền hậu, khác hẳn với vẻ mặt đầy nghiêm nghị, ẩn khuất một chút gì
đau khổ thường ngày. Tiến ít nói, hát hay, nhiệt tình trong công việc nên khiến
lũ con gái trong ca đoàn mê mệt. Khổ nỗi, anh chẳng thèm để ý tới đứa nào bao
giờ!
Chẳng ai biết quê gốc của anh, chỉ biết là
một nơi nào đó ngoài Bắc thôi. Nghe người ta kể, anh lưu lạc vào Nam này trước
biến cố 75, khi đó anh mới chỉ là đứa nhóc mười lăm tuổi. Anh đi lẫn vào một
đoàn người di cư mà không có lấy một người thân thích. Thấy mặt mũi anh sáng
sủa, lại có Đạo nên một cha cố nhận nuôi. Tính anh hiền lành nên cha cố muốn
anh học làm cha, nhưng anh nhất định không chịu mà cũng chẳng bao giờ nói lý
do. Mấy năm sau, cha cố theo đoàn người vượt biên, đi mất. Tiến lại cô độc một
mình. Bơ vơ!
Tiến ở một mình mãi đâu đó trong thành phố,
cách giáo xứ này cả gần chục cây số. Thế nhưng từ ngày tham gia ca đoàn, chưa
có buổi lễ hay học hát nào anh vắng mặt. Cũng đã hơn chục năm rồi chứ chẳng ít!
Hồi đầu, cha sở thấy có chàng thanh niên ngày nào cũng chịu khó đi lễ, rất sốt
sắng, nhưng lại chẳng thấy anh lên rước lễ bao giờ. Cha tìm cách nói chuyện với
anh nhưng anh cứ rụt rè, sợ sợ, dường như chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt
cha. Cha đoán rằng anh có điều gì đó lớn lắm, ẩn khuất trong lòng mà chẳng nói
được ra. Cha mời anh tham gia ca đoàn, anh nhận lời. Vốn đã có kiến thức nhạc
lý mà cha cố xưa đã dạy, cộng thêm chất giọng trời cho nên chỉ sau thời gian
ngắn, anh đã trở thành ca trưởng chính của giáo xứ. Từ ngày có anh, ca đoàn xứ
mạnh lên hẳn: đông hơn, hát hay và tâm tình hơn, sốt sắng hơn. Cả giáo xứ cũng
được rộn ràng hơn.
Cha sở thương anh, muốn giúp anh mở lòng để
giải toả mọi điều đang chất chứa trong lòng anh. Cha thường xuyên mời anh ở lại
uống nước, nói chuyện sau mỗi thánh lễ Chúa nhật. Hai người đàn ông bên ly cà
phê, chén nước chè đặc. Ly cà phê cạn dần, hai mảnh đời dần lộ ra, cả cha sở và
anh chia sẻ cho nhau về cuộc đời đã đi qua, thân tình, chân thành lắm. Nhưng,
biết bao ly cà phê cạn, biết bao chén chè đã vơi, mà những gì cha sở biết về
cuộc đời anh trước khi vào Nam vẫn là “con số không” tròn trĩnh. Vẫn là một câu
nói khiến cha sở đau lòng và bất lực: “Con tội lỗi lắm, Chúa cũng chẳng thể tha
thứ cho con được…!”. Cha sở đã cố gắng dùng biết bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu
cách diễn đạt, từ giáo lý căn bản, ví dụ đời thường, …cho tới những bài thần
học cao siêu để nói với anh rằng Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa đã
chấp nhận hy sinh cả tính mạng để chuộc tội cho con người, rằng Ngài là Đấng
đầy xót thương luôn luôn chờ đợi để tha thứ… Anh nghe hết, hiểu hết nhưng cuối
cùng cũng vẫn chỉ là mấy tiếng “Cảm ơn cha” mà thôi!
Mùa Chay về, cha xứ cố tình sắp xếp cho ca
đoàn tĩnh tâm riêng. Ngài chú tâm dọn bài giảng thật sâu sắc, thật ý nghĩa,
thật đánh động lòng người… Buổi tĩnh tâm của ngài có thể nói là thành công, vì
bài giảng của cha đã khiến tất cả ca viên phải rơi lệ, nhiều đứa con gái còn
khóc lớn tiếng… Riêng anh, một góc nhỏ anh ngồi, mặt cúi gằm, nước mắt chảy vào
trong. Cha đã giảng về hình ảnh Thiên Chúa là người cha yêu thương, hiền lành,
dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái mình; người cha luôn chờ đợi để tha thứ,
dù lỗi lầm của đứa con có nặng tới đâu, chỉ cần nó quay về! Những lời giảng đó
như những vết dao đâm sâu, xé toạc những vết thương mà chưa đêm nào thôi dày vò
anh: “Cha yêu thương mình như thế, vậy mà mình đã…”. Tiến vào toà, xưng tội hồi
lâu. Người ta dù ngồi khá xa vẫn nghe được những tiếng nấc nghẹn ngào của anh,
tiếng nấc xót xa vô cùng. Bước ra khỏi toà giải tội, cha sở mắt đỏ hoe. Trưa
đó, cha không dùng cơm, quỳ suốt buổi trước Thánh Thể, cầu nguyện, than thở…
đầu óc mập mờ mấy tiếng “…con là kẻ giết cha mình, con không đáng được tha…”.
Rồi biết bao mùa Chay trôi qua, biết bao buổi tĩnh tâm, biết bao lần xưng tội,
biết bao lần dự lễ sốt sắng..Tiến vẫn chưa một lần lên rước lễ!
***
Quy vốn là
người trong xứ, nghe đâu đã đi tu ở một Dòng nào đó hơn chục năm, trước cả khi
Tiến về xứ này. Quy mới ra khỏi Dòng mấy năm nay vì lý do sức khoẻ, nghe bảo
vậy. Cô hiền lành, dịu dàng, vẫn giữ được chất người nhà tu. Quy đánh đàn hay
lắm. Tiếng hát của Tiến được hoạ thêm bởi tiếng đàn của Quy thì quả như trăng
rằm gặp mặt hồ phẳng lặng, càng thêm lung linh, càng trong, càng sánh, càng
cao, càng huyền! Quy cảm được trong tiếng hát, trong ánh mắt, trong nụ cười của
Tiến luôn có một điều gì đó giam hãm, kìm kẹp khiến cho Tiến chẳng bao giờ tỏ
lộ ra trọn vẹn là mình: nụ cười mới hé đã vụt tắt! Càng cảm được nỗi khổ tâm của
Tiến, cô càng thấy thương, thấy gần anh hơn. Từng cử chỉ, từ ngón tay nhẹ đặt
trên phím đàn, ánh mắt…của Quy đều tỏ ra một sự quan tâm dành cho Tiến. Tiến
như cũng nhận ra được điều đó, nhưng mỗi lần bắt gặp ánh mắt muốn được cảm
thông, muốn được chia sẻ của Quy thì anh lại vội quay đi một cách vụng về. Lòng
Tiến rung động thực sự, anh cảm được tấm chân tình đó tận sâu trong trái tim
mình, nhưng anh không dám nhìn nhận nó, không dám đối diện, không dám đón nhận
nó: “Một kẻ xấu xa như mình sao xứng với một người như Quy!”. Cả ca đoàn đều
nhận ra điều đó, ai cũng muốn cho mối duyên này sớm nở hoa. Nhưng nào ích gì
khi Tiến cứ lạnh lùng gạt bỏ đi tất cả. Tiếng đàn của Quy như đượm một màu tủi
phận!
***
Đoàn người đâu
mà đông thế. Người cầm cuốc, kẻ cầm gậy. Người già, người trẻ, con nít, thanh
niên. Kẻ mặc váy, người cởi trần, kẻ chân quần còn xắn cao tới bẹn, chân đầy
bùn lấm bẩn, kẻ áo nâu, ô hộn! Ùn ùn kéo nhau đi.
Nhốn nháo, ồn
ào, chen lấn, xô đẩy: “Đâu, đâu…Thằng nào, thằng nào…Cho nó chết luôn đi…Bọn đó
cứ phải xử tử…Giết, không tha…”. Kẻ nào cũng tranh nhau nói, chí choé, ầm ầm cả
một góc trời. Một người mặc bộ đồ xanh đi đầu, theo sau là mấy anh lính tay
súng, tay gậy, vừa đi vừa đẩy một ông lão có tuổi đang bị trói đi cho mau. Mỗi
lần thúc, mấy anh lại văng vài câu chửi thề, rủa ông lão. Lếch thếch theo sau
ông lão có mấy người gào khóc: “Ối bố ơi,…bố ơi…Ông cố ơi...”. Thật tội!
Tới sân đình,
đoàn người im bặt. Ông lão bị đẩy ra quỳ giữa sân. Người mặc đồ xanh nói gì đó,
mọi người chăm chú ngắm nghía, bình luận về ông lão… Rồi, thằng nhóc nãy giờ
vẫn lấm lét đứng nép bên người đàn ông áo xanh tiến ra trước mặt ông lão. Cả
đám đông im lặng. Thằng nhóc giơ tay chỉ vào mặt ông lão, mắt đỏ ngầu, đầy căm
phẫn: “Ông không xứng đáng là cha của tôi. Hàng ngày, ông cấm tôi không được đi
chơi trọi chim, ném đá, tắm sông với bọn trẻ con nhà nghèo. Ngày nào ông cũng
bắt tôi phải học. Biết bao lần ông dùng roi mây mà đánh tôi, chảy cả máu mông
chỉ vì tôi trốn đi chơi. Ông còn nhốt tôi trong phòng cả buổi không cho tôi ăn
gì chỉ vì tôi lấy của ông hai hào. Ông đã hành hạ tôi suốt bấy nhiêu năm trời,
ông là tên địa chủ tồi tệ, ông không xứng là cha tôi”. Thằng nhóc vừa dứt lời,
cả đám người gào thét, la lối om sòm: “Giết…giết nó đi…Thằng địa chủ độc
ác…giết…”. Mặc kệ tiếng kêu gào thảm thiết của mấy kẻ đi theo ông lão: “Bố tôi
là người tốt…Bố tôi không phải như thế…”. Ông lão vẫn im lặng, ngước mắt nhìn
thằng nhóc, ánh mắt xót xa, oan ức, nhưng đầy yêu thương, ánh mắt như muốn nói:
“Con, sao con dại dột như vậy?”.
Người mặc đồ
xanh xoa đầu thằng nhóc: “Tốt lắm!”
Xong!
***
- Thằng nhóc
đó chính là tôi đấy Quy ạ!
Giọng Tiến run
lên, khàn khàn, nghẹn ứ. Quy đã khóc nấc lên từ lúc nào không hay nữa. Ánh đèn
điện lắc lư theo con gió. Quy đưa tay nắm lấy bàn tay đang run lên bần bật của
Tiến. Anh vội rút tay lại, đứng lên, bước vào nhà, bỏ lại một mình Quy hụt hẫng
ngồi lại bên bậc thềm.
- Suốt bấy
nhiêu năm nay, chưa đêm nào ngủ mà những hình ảnh đó không hiện về hành hạ tôi.
Ánh mắt của cha tôi, tiếng la hét của đám dân mà tôi và họ chẳng hề biết nhau…
Tất cả đều rõ mồn một. Tôi đã giết cha tôi như vậy đó Quy ạ.
Quy vẫn im
lặng trong xót xa.
- Nếu hôm đó
đấu tố ở làng tôi, thì dân làng đã đứng lên bảo vệ cho cha tôi rồi. Ông là một
người tốt. Rất yêu người nghèo! – Tiến tiếp tục. – Có kẻ nào đó đã nói với tôi
rằng chỉ cần tố cha tôi như thế, tôi sẽ được tất cả gia tài của cha tôi…và cha
tôi cùng lắm sẽ chỉ bị đánh một trận đòn! – Tiến hít một hơi thật sâu rồi đẩy
một tiếng thở thật dài, tiếp – Ngoài cha sở và Quy, tôi chưa bao giờ kể chuyện
này cho ai. Tôi đã phải trốn đi một ngày trước khi cha tôi bị xử bắn. Suốt đời
này, chắc cha tôi chẳng bao giờ tha thứ cho tôi…Và tôi cũng chẳng bao giờ dám
quay về mảnh đất đó nữa! – Tiến lại nấc lên cay đắng. Quy nói trong tiếng khóc
đã khản, đôi mắt đỏ hoe nhìn thẳng vào Tiến:
- Không, anh
không phải là người đã giết cha anh. Rõ ràng là thế. Em tin chắc cha anh không
trách anh vì những hành động của anh. Chắc chắn cha anh đã tha thứ cho anh rồi.
Chỉ cần anh tự tha thứ cho mình thôi. Anh quay về với cha anh đi!
- Tha thứ à? –
Tiến cười khẩy, quay đi – Tội của tôi không ai tha cho đâu Quy ạ!
Làn khói hương
trên bàn thờ không di ảnh cứ quện vào nhau, trùng trình, như chẳng muốn bay
lên. Về đâu? Về đâu!
***
“Hãy xé lòng
đừng xé áo….”, lời bài ca vang lên đưa Mùa Chay về với muôn người. Tiếng dạo
đàn dẫn vào bài ca hiệp lễ sao mà sầu thảm, sao mà da diết! Tiến đứng trên bục
để điều khiển ca đoàn, rõ là anh có gì đó khang khác! “Tôiii sẽ trở về, về cùng
Cha tôi, tôiiii sẽ trở về…”. Tiếng ca đoàn vừa cất lên theo nhịp tay đưa của
Tiến thì tiếng đàn bỗng nên lúng túng. Tiến ngừng vẫy tay nhịp, ôm mặt, bật
khóc nức nở. Cả nhà thờ nhốn nháo nhìn lên gác đàn. Tiến vẫn quỳ khuỵ khóc nấc.
Quy chỉ biết úp mặt trên phím đàn, cổ nghẹn ứ, dòng lệ cứ thế tuôn. Cha sở đang
cho rước lễ giữa lòng nhà thờ, lặng im, khoé mắt cay cay mà lòng như vui nhộn:
“Về đi con!”
***
Chiếc taxi
tiến vào làng quê nghèo trước ánh mắt tò mò, ngơ ngác của đám trẻ con. Sau một
hồi chạy lòng vòng hỏi đường, chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà cấp bốn
có cái xưởng mộc kế bên. Người đàn ông trung tuổi bước xuống xe cùng người phụ
nữ ăn mặc giản dị. Nhìn về phía căn nhà, người đàn ông tỏ ra chút sợ sệt. Bàn
tay người phụ nữ đặt lên vai anh như một lời động viên.
- Bố ơi, nhà
mình có khách. – Giọng đứa nhỏ cất lên rõ chua càng khiến người đàn ông thêm
hồi hộp. Từ phía xưởng mộc, người đàn ông cao to vận chiếc quần ngố với áo mai
ô còn vương đầy bụi tiến ra, ngơ ngác.
- Bác cả Lý!
Em đây, thằng em bất hiếu của anh đây…Hôm nay em về để chịu tội…
Tiếng nấc đột
ngột chặn đứng câu nói còn dang dở. Hai tay ôm mặt, người khách lạ khóc run
lên, khuỵ gối xuống đất nghe đánh “huỵch”. Ông chủ nhà tái mặt, ú ớ, lúng túng.
Mắt ông căng ra, nhạt nhoà vì giọt nước mắt chợt tuốn ra. Bất giác, ông mếu máo
và lao thẳng tới ôm chầm lấy người kia: “Chú Tiến, là chú thật sao…?! Hức… Cuối
cùng thì chú cũng đã về rồi…!”.
Tới lúc này
thì Tiến không kìm nén được nữa, anh khóc rống lên. Hai tiếng khóc quyện lấy
nhau, nức nở…
***
Bên ngôi mộ
rất đẹp trong nghĩa trang đầu làng chiều nay, có hai người quỳ gối rất lâu, mắt
lệ nhạt nhoà. Đầu óc Tiến cứ vang vẳng mãi lời ông Lý: “Bố không trách chú đâu.
Trước khi bị bắn, bố dặn đi dặn lại bọn anh rằng phải tha cho chú, không được
ghét bỏ chú, nhưng phải thay bố chăm sóc và yêu thương chú…”. Tiến thấy tủi hờn
cho quãng đời của mình. “Cha ơi, bao năm qua, con cứ nghĩ rằng không bao giờ
cha tha thứ cho con. Bao năm qua con khổ sở, giày vò… Con dại dột quá quá cha
ơi! Con đã quên mất tình thương cha dành cho con! Con đã về bên cha rồi, cha
ơi!”. Anh đưa tay sang nắm lấy bàn tay Quy đang quỳ bên cạnh, xiết thật chặt!
Làn khói hương
trầm nghi ngút bay lên, thật cao, thật cao… Nghe vang vọng đâu đó khúc ca ngày
trở về…!