Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016

BẢN TIN 05

GIA HẠN NHẬN BÀI ĐẾN 31-3-2016

vietvanduongtruong.jpg

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Giải Viết Văn Đường Trường do Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng và đã tổ chức thực hiện đến năm thứ 4 (2016) dành cho các cây bút văn xuôi chưa quá 40 tuổi. Chương trình này muốn gợi lên nơi các bạn trẻ Công giáo ý định thử viết một truyện ngắn có nội dung Kitô giáo, rồi từ đó dần dần sẽ khám phá ra mình có khả năng sáng tác và có thể trau dồi khả năng này để phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội.

Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu 8 truyện dự thi mới được chọn qua vòng sơ loại. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Ước mong quý độc giả khắp nơi tích cực vận động để có thêm nhiều tác giả hưởng ứng và tiếp tục tham gia cuộc thi.

Xin mời xem thể lệ cuộc thi ở cuối bản tin này và các thông tin khác về cuộc thi tại: http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Nhân đây Ban Tổ chức xin thông báo: Cuộc thi lần thứ 4 (2016) đang vào “giai đoạn nước rút” với lượng bài dự thi gởi về ngày càng nhiều. Theo thể lệ đã công bố thì đến ngày 1/3/2016 là hết hạn nhận bài của lần này. Tuy nhiên qua trao đổi, nhận thấy vẫn còn nhiều tác giả muốn tham gia dự thi nhưng không kịp hoàn thành bản thảo, để tạo điều kiện cho các tác giả có thời gian hoàn thiện bản thảo dự thi, Ban Tổ chức quyết định gia hạn việc nhận bài của giải 2016 thêm một tháng. Hạn cuối nhận bài là đến hết ngày 31-3-2016. Rất mong sẽ có thêm nhiều truyện dự thi gởi đến cho Ban tổ chức để cuộc thi thêm phong phú và hấp dẫn.

Nếu quý độc giả phát hiện bài nào chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình này thật rộng rãi.

Xin chân thành cám ơn.

Qui Nhơn, ngày 25-02-2016

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

BÀI DỰ THI

  Mã số: 16-046

CHỌN LỰA

     Đêm đã khuya. Chủng viện ngập chìm trong bóng đêm dày đặc, thanh vắng từ lâu. Đâu đó nghe thoang thoảng tiếng ngáy của ai đó đã phiêu bồng trong giấc ngủ im lìm. Anh vẫn không ngủ được. Anh đang cố nằm lây lất và mong màn đêm chóng qua. Anh nhớ lại ngày anh bước vào chủng viện, mọi người hởn hở mừng rơn. Đi đâu ba mẹ anh cũng tự hào vì anh đã được vào chủng viện. Anh đi tu là niềm vui lớn cho gia đình. Bao nhiêu kỳ vọng đặt ở nơi anh. Giờ đây, anh lại cảm thấy hối hận vì anh không thích hợp với đời tu nữa. Thời đó anh cũng thích đi tu thật! Nhưng lúc này anh thiết nghỉ không phải cứ thích là đi tu được mà cần phải hợp nữa. Và ngược lại nhiều khi có thể sống hợp đời tu nhưng không thích thì cũng khó mà đi tu được. Nói chung, để sống đời tận hiến cách trọn vẹn phải đủ hai yếu tố cả thích lẫn hợp. Anh cứ lăn qua trở lại trên giường, rồi trằn trọc suy nghĩ. Sự giằng co đang xâm chiếm trong tâm trí anh. Anh nên về hay anh nên bước tiếp trên đường tận hiến. Anh cần có một sự chọn lựa dứt khoát. Nếu cứ tu mà không thích hợp thì đời anh còn đâu là hạnh phúc. Những ngày sau này chỉ là những ngày anh sống lắt lay cho qua ngày đoạn tháng mà thôi. Nếu về thì anh sẽ sống với ba mẹ và người đời được không? Áp lực từ phía gia đình quá lớn đối với anh. Ba mẹ anh đều là những người có chức vụ ở trong giáo xứ. Cậu ruột anh là linh mục đang du học ở bên trời Tây. Anh về anh sợ gia đình thất vọng và tiếng đời xỉa xói chỉ trích. Lắm lúc, anh nhủ thầm: “Hay là mình cố mà tu. Không được! Cố tu để rồi chừng sau mình sẽ thác loạn trong đời tận hiến. Đời tận hiến không thể sống một cách xoàng xĩnh, hời hợt và nông cạn. Thà Giáo hội có ít linh mục mà linh mục thánh, còn hơn có nhiều linh mục mà linh mục ‘tồi’ ”.

     Thời gian này, anh suy nghĩ nhiều về đời ơn gọi của anh. Anh suy nghĩ về đời sống thiêng liêng của anh, về lời mời gọi “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy? ” (Mt 16,24). Anh nhận thấy anh là người hướng ngoại, khó cầu nguyện. Vì thế, nơi anh thiếu đời sống nhiệm hiệp. Cứ mỗi lần cầu nguyện hay chầu Thánh Thể anh cảm thấy những giây phút ấy trôi qua thật nặng nề. Chủ đề “chiêm niệm trong đời sống linh mục giáo phận” mà chủng viện đề ra trong năm, mấy khi mà anh kết hiệp được bởi tâm hồn anh tiều tụy và ngày càng héo úa. Dường như anh chẳng nói chuyện được với Chúa, từ năm tu đức cho đến bây giờ trong anh chẳng mấy đổi thay. Dù anh yêu Chúa, anh mến Chúa nhưng sâu thẳm của cõi lòng anh không thể tận hiệp với Đấng Tình Yêu Tuyệt Đối ấy. Anh nghỉ rằng một khi đã yêu ai mà nói chuyện  không được, thì làm sao hiểu được người mình yêu và vun đắp cho tình yêu ấy triển nở. Điều nguy hại hơn nữa, đó là anh không thể sống đời độc thân linh mục mai này. Dường như đời tận hiến của anh cứ chập chờn trong khung cảnh ảm đạm và u tối.  Phải chăng qua những dấu chỉ ấy, Chúa đã cho anh nhận ra anh không hợp với đời dâng hiến. Mấy tháng gần đây, anh đã thưa chuyện với cha linh hướng về dấu hiệu mà anh gặp phải. Cha linh hướng của anh không khuyên anh về mà cũng chẳng ngăn anh ở lại. Cha linh hướng mở ra cho anh một con đường để anh phán đoán về ơn gọi riêng của mình và tự ý chọn lựa. Cha khuyên anh nên thưa chuyện cho gia đình biết tình cảnh của anh lúc này. Anh lưỡng lự. Anh chìm vào giấc ngủ lúc nào anh không hay.

o0o

     Mặt trời phía đông bắt đầu ló dạng. Những chú chim chào mào kéo nhau về đậu trên mái nhà hót líu lo, đón chào một ngày mới. Mọi sinh hoạt của chủng viện diễn ra như  thường lệ. Sáng nay lớp anh không có giờ lên lớp. Sau những lần thao thức suốt đêm hôm qua, anh quyết định thưa chuyện cho gia đình biết ý định của mình.

- Reng reng! Reng reng! Reng reng!...

     Ba anh đang chăm chú giở từng trang lịch treo tường để xem những ngày lễ Công giáo trong tháng. Tấm lịch của Đại Chủng viện biếu gia đình anh mỗi khi vào dịp tết đến. Ba anh dừng lại trang lịch có in hình của anh, nhìn một hồi thật lâu. Ông chậc lưỡi: “Mới ngày nào…mà giờ đây…Chà! Nhanh thật! ”. Ông nở một nụ cười tươi trên môi. Nghe điện thoại reo lên, ông liền bắt máy:

- Alô!

- Ba! Con…con… đây, ba…ba… khỏe không ba?- Giọng anh nhỏ nhẹ có chút ấp a ấp úng.

- Uhm! Ba khỏe.

- Mẹ đi đâu rồi hả ba?

- Mẹ đang nấu cơm dưới bếp.

- Ba ơi! Con có chuyện muốn nói với ba mẹ.

- Chuyện gì thế con?

- Dạ! Con…con muốn…muốn…về.

- Cái gì? Mi…mi…mi muốn về.- Ba anh ngạc nhiên, đổi giọng nóng giận. Mẹ anh nghe thế cũng giật thót tim.

- Mi điên hả? Mi về thì tau và mẹ mi còn mặt mũi nào mà nhìn bà con hàng xóm.- Ba anh điếng người, lớn tiếng.

Sau cuộc điện thoại đó, cả ngày lòng anh bị xâu xé đến mức không chịu đựng nổi. Hễ nghĩ về gia đình anh lại ngơ ngẩn y như người mất hồn. Nỗi lo lắng đang ngụp lặn nơi anh.

o0o

     Tối đến, giờ kinh vừa xong. Nguyện đường chỉ còn thưa thớt một vài người. Anh ngồi lại trong không gian yên tĩnh của nguyện đường. Anh thầm thĩ nguyện cầu: “Lạy Chúa! Xin cho gia đình con chấp nhận sự chọn lựa của con”. Bầu trời đêm nay không một vì sao. Thỉnh thoảng những tàu lá chuối ở cuối vườn vỗ vào nhau nghe tiếng loạt soạt. Âm thanh ấy như thể kéo anh ra khỏi giấc miên man suy nghĩ. Anh dứt khoát quyết định về, chứ anh không thể sống trong tình trạng “ nửa nạc nửa mỡ ” mãi thế này được. Anh suy nghĩ kỹ rồi, anh không tu nữa. Tu hay về, anh mới là người quyết định chứ không phải ba mẹ anh. Cuộc đời anh, anh tự chọn lấy. Anh nghĩ thế rồi anh lặng lẽ đến phòng cha giám đốc, để xin chuyển hướng ơn gọi. Anh đứng thập thò ngoài mái hiên trước cửa phòng của cha giám đốc. Màn đêm đen kịt bên ngoài như tâm trạng của anh lúc này. Bất chợt, một cơn gió khẽ làm lay động các cành cây. Ánh đèn từ trên cao xuyên ngang tán cây len lỏi qua từng kẻ lá. Ánh đèn leo lét đến bên mái hiên và chiếu tỏa xuống làm ánh lên nét ưu tư trên khuôn mặt anh càng thêm ảm đạm. Bỗng nhiên, cha giám đốc mở cửa ra,  cha ngạc nhiên hỏi anh: “Con đứng đây có chuyện gì thế? ”. Cha hỏi làm anh cũng ngượng nghịu khó nói.

- Dạ…dạ...con đến xin cha cho con chuyển hướng ơn gọi. Con biết đây là tin quá đột ngột với cha.

- Vì sao con muốn chuyển hướng thế con?- Cha giám đốc hỏi lại anh với giọng trìu mến, trầm buồn.

- Thưa cha, sau khi con suy nghĩ kỹ càng và nói chuyện với cha linh hướng nhiều lần. Con thấy con không thích hợp với đời sống của bậc tu trì nữa.  

Cha giám đốc tư lự. Cả cha và anh đều chìm sâu trong lặng thinh. Chỉ có một vài cành phượng khô rớt lộp độp trên mái tôn, đủ phá tan sự tĩnh mịch của đêm tối mịt mùng.

- Ơn gọi của con, con tự phân định là điều rất tốt. Thế gia đình con biết ý định của con chưa?- Cha giám đốc ân cần hỏi.

- Dạ  hôm nay con đã điện thoại cho gia đình biết. Ba mẹ con không đồng ý và rất sốc khi nghe quyết định của con.- Anh nói vẻ mặt anh hiện lên nét buồn bã, âu sầu.

- Con đừng buồn. Chúa không bao giờ tạo ra ngõ cụt cho con người đâu. Ngõ cụt có chăng là do con người tự tạo ra cho chính mình mà thôi. Vả lại, cuộc đời đâu phải chỉ có một con đường thẳng, nó có rất nhiều ngã rẽ nhưng liệu mình có chọn lựa  đúng con đường mà Chúa mong muốn không thôi. Theo cha, con nên về gặp trực tiếp và nói chuyện với ba mẹ thì hay hơn, rồi có gì con cứ về lại đây suy nghĩ và thong thả quyết định con nhé.

o0o

    Thế rồi nghe lời cha giám đốc, sáng hôm sau anh về nhà trên con đường còn hoang vắng và thô sơ nhưng thân quen. Hai bên đường là dãy phi lao cao vút thẳng tắp. Những cánh đồng bao quanh làng sặc mùi lúa chín thơm ngào ngạt. Làng quê anh yên ả, lặng buồn như trầm mình vào dòng thời gian.

- Mi muốn tau và mẹ mi cắt mặt mà sống với thiên hạ hả?- Ba anh đang ngồi ở ghế, thấy anh về, ông liền đứng phắt dậy lấy tay đập mạnh vào bàn, quát lớn, vẻ mặt ông toát lên sự giận dữ.

Anh chưa kịp bước vào nhà, nghe thế anh đứng tần ngần ở cửa. Anh sa sầm nét mặt. Bọn trẻ con trong xóm nghe to tiếng, chúng hiếu kỳ tụm lại, đứng lấp ló trước ngõ nhà anh.

- Thôi mà ông, con nó mới về để nó ngồi uống miếng nước đã ông.- Mẹ anh lên tiếng. Bà nói tiếp:

- Vào nhà đi con.

- Bà lúc nào cũng bênh con, con nó ương bướng như thế này là do bà cả.- Ba anh nhìn chằm chằm vào mặt mẹ anh, buồn bực nói.

- Ông…!- Mẹ anh rân rấn nước mắt.

- Bây giờ mi nói đi. Tại sao mi về? Mi còn nhớ thằng Khanh con ông Bảy ở xóm dưới chứ? Nó đi tu như mi. Nó về. Bây giờ chuyện gì ập xuống gia đình ông Bảy, người ta cũng bảo: “Do con ông ăn lường Hội Thánh  nên mới trở nên thế này”. Cả gia đình ông Bảy không cất nổi mặt mà sống với thiên hạ đó. Có cái gương sờ sờ trước mặt, sao mi không soi?- Ba anh đi lui đi tới, múa tay vò đầu, chặc lưỡi, nhăn nhó.

     Nghe những lời ba anh nói, anh ấm ức thầm trách người đời: “Tại sao người ta lại có những suy nghĩ thật nông cạn như vậy chứ ? Thời gian ở chủng viện là thời gian thụ huấn để cho ứng sinh biện phân ơn gọi và tập sống ơn gọi mà. Cũng chính vì sợ tiếng đời nên biết bao ứng sinh muốn về nhưng họ không dám về. Họ không dám đối mặt với sự thật, họ sợ người đời chê trách. Thậm chí có người nghĩ rằng đến nước này thôi thì ‘ phóng lao thì phải theo lao ’. Đó là ý nghĩ sai lầm, chỉ khiến đời tu của họ trở nên ngán ngẩm, ê chề ”. Anh cũng nhớ lại lời các ông cụ, bà cụ ở làng thường nói mỗi khi gặp anh: “Cố gắng mà đi tu cho sướng con ạ! Ở đời chi cho cực…”. “Có lẽ đó là câu ‘ điệp khúc ’ quen thuộc mà những ai đi tu ít nhiều cũng đã được nghe. Phải chăng cũng vì nghe điệp khúc ấy, nhiều người cứ dấn thân đại vào đời tu rồi ‘ nhắm mắt qua cầu ’ , tiến chức linh mục. Vui vẻ, hạnh phúc, hồ hởi được vài ngày đầu mới làm linh mục: nào là lễ mở tay, lễ tạ ơn giáo xứ này giáo xứ nọ, được người ta dâng quà, cung phụng... Nhìn đúng là sướng thật! Nhưng đằng sau những ngày sung sướng ấy là những chuỗi ngày dài lê thê, chán nản, rầu rĩ, buông xuôi. Để rồi từ đó họ cảm thấy hối hận và không thích sống đời linh mục nữa. Chính vì lẽ đó, họ buông thả trong lối sống, hững hờ trong việc đạo đức và quên múc lấy căn tính cội nguồn nơi Đức Giêsu Kitô…Đó là những nguyên nhân khiến họ sa ngã và làm hoen ố giới giáo sĩ đó sao. Người linh mục không phải chỉ sở hữu được chức linh mục rồi là xong, mà cái thiết yếu là sống chức linh mục. Niềm vui đời linh mục chỉ có được khi nhận ra đích điểm của ơn gọi mà thôi ”. Anh trầm tư một lát. Anh cất tiếng:

- Ba mẹ à ! Con biết con về ba mẹ sẽ rất buồn. Ngày con đi tu ba mẹ đã kỳ vọng ở con thật nhiều, để giờ đây nghe con về ba mẹ thất vọng ở nơi con cũng thật nhiều.- Anh nhìn ba mẹ anh rồi cố nuốt những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, ngậm ngùi nói tiếp:

- Ba mẹ ! Con biết con đi tu là một niềm hãnh diện lớn cho ba mẹ. Nhưng càng tu, con càng khám phá ra bản thân mình không thích hợp với đời sống tu trì. Tiếp tục tu con càng sợ mình sẽ rơi vào vũng lầy của đời tận hiến. Nếu con cố tu thì trong tương lai không chóng thì chày con sẽ bị cuốn theo vòng xoáy của cám dỗ, làm xấu chức linh mục, xấu Hội Thánh. Con tu là tu cho Chúa chứ con không tu cho người đời. Con lớn rồi, tương lai của con, xin ba mẹ để cho con chọn lựa.

     Hai hàng nước mắt mẹ anh dàn dụa, nóng hổi chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét thông cảm. Ba anh lặng trân người, ngồi nhơ tay với lấy tách trà, nhấp một ngụm, cầm điếu thuốc bập bập trên môi mà không buồn đốt. Không gian yên ắng đến lạ lùng. Bầu trời xanh ửng màu nắng nhưng đâu đó vẫn thoáng xuất hiện những gợn mây kéo tới làm mờ đi tia nắng chói chang của ban trưa. Thưa thoảng một vài chiếc xe máy chạy ngang phá vỡ vẻ nặng nề của buổi trưa vùng ngoại ô. Anh lặng lẽ cất bước trở về chủng viện.

o0o

      Hai tuần sau, anh quyết định giã từ mái nhà chủng viện với bao kỷ niệm thân thương mà nơi đây anh đã từng tu học, bây giờ chỉ đưa vào ký ức.  Anh nói lời từ biệt với mọi người, anh nói lời tri ân với quý cha  kính yêu. Khuôn mặt mọi người, ai cũng có nét đượm buồn. Trong căn phòng hôm ấy đều tề tựu đủ tất cả mọi người, anh nhận ra chỉ có thiếu một mình cha giám đốc. Anh bèn chạy đến phòng cha, cố tìm cha cho bằng được để anh nói lời chia tay. Cánh cửa phòng cha chợt mở ra. Cha nói với anh : “Con về bình an, khi nào con rãnh nhớ ghé thăm chủng viện. Mỗi năm vào dịp lễ Xuân Bích nhớ về họp mặt nhé con ”. Nói xong, cha tặng cho anh một kỉ vật. Anh chẳng nói được gì chỉ biết ôm chầm lấy cha. Anh rơm rớm nước mắt , cha cũng cay cay dòng lệ. Anh nhìn vào đôi mắt cha thật sâu, rồi anh bước lên xe. Chiếc xe chạy dần xa tít, để lại phía sau một vệt khói dài. Cha giám đốc lặng buồn vì mất đi một ơn gọi, nhưng cha lại thầm vui vì sự chọn lựa trưởng thành của anh.

Mã số: 16-047

            NGƯỜI TỐT

            - Thủy ơi, cuối buổi rảnh không đi café chị có chuyện nhờ em.

            - Không được chị ơi, hôm nay em phải đón con, mai được không ạ? Hay có chuyện gì chị nói luôn cũng được, café làm gì mất thời gian chị.

            - Không được đâu, việc hệ trọng, à mà thôi cuối tuần vợ chồng chị đến nhà gặp ông xã em luôn vậy.

            Có chuyện gì trọng đại thế nhỉ, Thủy đoán già đoán non mãi không ra. Thôi cứ để cuối tuần xem sao…

*

*  *

Thủy gặp Chị lần đầu ở Ký túc xá những năm chín mươi thế kỷ trước. Chị học cùng khóa nhưng hơn Thủy một tuổi, người Hà Nội, nhà cách trường có mười lăm cây số nhưng chị ngại đi nên vào Ký túc “ở cho nó lành” - là chị nói thế. Hôm đầu ăn cơm Ký túc, chị xơi hết thức ăn ở phần trên tô cơm rồi ngớ người ra, Thủy phải “chia” cho chị miếng đậu hũ rán và mấy hạt lạc rang muối để chị “có cái ăn với cơm”, ai cũng cười bảo chị “con nhà lành”, đánh bạn với Thủy thành “cặp đôi hoàn hảo” luôn. Hai chị em cứ thế, “con chấy cắn đôi” đến ngày ra trường. Ngày chia tay hai đứa khóc sướt mướt. Hồi đó đâu có điện thoại di động như bây giờ, mạng internet cũng chưa phát triển, nhớ nhau lắm chỉ viết thư tay mà cũng mất cả tuần thư mới đến nơi. Thủy về quê xin việc mãi không được vì nhà nghèo lại không quen biết “người trên”, chán nản phải quay lại Hà Nội vì “dù sao cũng có tổ chức thi tuyển” chứ không chỉ đơn thuần “xin xỏ” như ở quê. Công việc chẳng đâu vào đâu nhưng chí ít cũng không phải “cầu cứu” bố mẹ, có việc thì đủ ăn, còn đâu để dành “trụ lại Hà Nội” khi bị sa thải. Làm cái nghề kế toán này thật khó, Thủy thẳng thắn trung thực lại là người Công giáo nên lắm lúc không chịu ghi sai ghi lệch theo ý sếp, vậy nên chẳng trụ được chỗ nào lâu. Cuộc sống vật vờ nơi đô thành chỉ thay đổi khi vào một ngày đẹp trời, Thủy bỗng nhận được cuộc gọi đến nhà trọ. Là Chị. “Ê Thủy hâm, mày mang hồ sơ lên chỗ tao rồi sáng thứ hai đi làm, gặp nhau nói chuyện luôn”. Cú điện thoại nửa phút nghe như đùa đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô.

            Thì ra chị là “con nhà có điều kiện”. Tốt nghiệp xong về làm ở công ty bố là Giám đốc, chỉ vài năm chị thăng chức Kế toán trưởng luôn. Thảo nào chị có thể quyết một câu xanh rờn “mang hồ sơ lên chỗ tao rồi sáng thứ hai đi làm”. Vừa gặp lại, chị bảo Thủy luôn:

            - Mày biết nguyên tắc “hai sổ” rồi đấy, cái tính ương gàn của mày chỉ phụ trách được cái “sổ một” thôi, làm cho thật tốt, đừng để ý cái sổ kia làm gì, việc đó để tao lo.

            Thủy ngỡ ngàng, không ngờ mọi việc lại dễ dàng đến thế. Được hai năm, chị bảo Thủy:

- Chắc sắp tới tao lên Phó tổng, hay là mày vào Đảng đi, tao chốt cho mày chức Phó phòng cho chắc chân, tao lên trên kia cũng yên tâm.

Thủy chối, bảo sợ không làm được, chị cười:

- Thôi tao chả biết nguyên nhân rồi, tùy mày, có gì khó khăn cứ ới tao một tiếng là được. À mà lấy chồng đi, ế nhăn nhở ra rồi đấy, cứ ngồi mà đợi lấy chồng người Công giáo thì có khi bạc tóc cũng chưa kiếm ra đâu em ạ.

Tưởng chị nói bâng quơ vậy, ai dè mấy tháng sau chị bảo:

- Đi café với tao, xem mặt đi.

- Á á, chị, không đâu, ngại chết đi được, em còn trẻ mà…

- Gần ba mươi trơ mỏ ra đấy rồi còn kiêu! Yên tâm đi, anh này là người Công giáo, cũng ế nhăn ế nhở ngồi đợi lấy cho được người Công giáo như mày ấy.

Thế mà lại nên duyên. Thủy cũng không hiểu cô tốt số gì mà được “quý nhân phù trợ” vậy, “quý nhân” của cô chẳng đâu xa vời mà chính là người bạn thân, hơn thế là sếp của cô, còn kiêm luôn vai trò “bà mối”, nếu nói là người “sinh ra cô lần thứ hai” có lẽ cũng không quá…

*

*  *

Lấy chồng được nửa năm thì Thủy có bầu nhưng niềm vui sớm thành nỗi lo. Khi đi siêu âm thai tuần thứ mười bốn, mấy bệnh viện các bác sỹ đều kết luận nên “đình chỉ thai” vì nguy cơ lưu thai cao mà nếu có sinh ra thì đứa bé cũng khó sống được hoặc dị tật rất nặng nề. Hai vợ chồng vô cùng hoang mang không biết làm thế nào, cái bấu víu duy nhất là những bài test trước đó “Double test”, “Triple test” đều tốt nhưng bác sĩ bảo hình ảnh siêu âm mới là quan trọng, các bài test đó chỉ “sàng lọc” được tỷ lệ nhỏ thôi. Vợ chồng Thủy phải gõ đến cánh cửa cuối cùng: Hội chẩn ở Bệnh viện phụ sản Trung ương. Chạy qua chạy lại “nhà H” của bệnh viện, hai vợ chồng thấy một cảnh tượng hết sức tương phản: cùng một dãy nhà, phía bên trái dành cho người chữa hiếm muộn, bên phải là nơi cô đến hội chẩn “sàng lọc trước sinh” còn ở giữa cũng là phần chiếm nhiều gian phòng nhất là nơi nạo phá thai. Cùng một dãy nhà mà vẻ mặt, tâm trạng của mỗi người một khác, nhưng ắt hẳn ai cũng ước giá như dãy nhà này không tồn tại…

Chị biết chuyện, “nhẹ nhàng” khuyên:

- Thôi bỏ đi em ạ, để sức sinh đứa khác, quá rủi ro rồi, khỏi hội chẩn hội chiếc gì cho mệt, đến khi có kết quả hội chẩn thì thai đã lớn rồi, phải kích đẻ non đấy, không phá được nữa đâu.

Thủy ngỡ ngàng không chỉ bởi câu nói mà thái độ có phần vô cảm của chị:

- Sao chị nói vậy, vẫn còn hy vọng mà, vợ chồng em sẽ không bao giờ từ bỏ dù chỉ là cơ hội nhỏ nhoi. Mà sao chị biết rõ chuyện phá thai quá vậy?

- Ôi sời, tao bỏ mấy lần rồi, có sao đâu - Chị thủng thẳng - Hơi đau một chút thôi. Còn cái chuyện kích đẻ non ấy, là bác sĩ nói thế, tao đã làm bao giờ đâu…

“Bỏ mấy lần”, Thủy sửng sốt, không thể tin người trước đang đứng trước mặt mình nói đến chuyện bỏ con dễ dàng như vậy chính là chị, người mà lâu nay vợ chồng cô vẫn thường ví như một vị thánh…

Thì ra chồng chị là tộc trưởng của một dòng họ lớn, đứa đầu của chị là con gái nên đứa thứ hai chị phải sinh bằng được con trai để “nối dõi tông đường”. Với gia đình nhà chồng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, chị mà không được sinh con trai thì không giữ được được gia đạo, thậm chí còn phải cho phép chồng “đi ra bên ngoài”. Mấy lần siêu âm con gái chị đều “phải cho ra”. Thảo nào chị còn bảo Thủy: “Con gái mà, tiếc gì…”.

Thủy nghe mà rụng rời, cô đoán chắc có nhiều người cũng đang làm như chị, song cô vẫn thấy khó tin người ta có thể nhẫn tâm như vậy, càng không tin có vị tổ tông nào vì muốn có người thờ phụng mà khuyến khích con cháu mình giết hại thế hệ kế tiếp cả. Cũng từ đó mỗi lần cô nhìn thấy chị là gai ốc lại nổi lên, tình cảm với chị không còn như trước. Chị không hề để ý, vẫn coi Thủy như em gái, lên làm Phó tổng vẫn dặn dò sếp mới của Thủy “cho nó làm sổ một thôi”.

*

*    *

Có lẽ lời nguyện xin Chúa xót thương của gia đình Thủy đã được Ngài chấp nhận, bác sỹ trưởng ban hội chẩn kết luận: “Em bé sinh ra có khả năng dị tật, nhưng các bác sĩ nhi khoa có thể khắc phục được phần nào”. Câu nói đó như chiếc phao cứu sinh cuối cùng của vợ chồng Thủy và kỳ lạ thay những kết quả siêu âm sau đó mỗi lúc một tốt lên, đứa bé sinh ra kháu khỉnh chẳng có dị tật gì, bác sĩ nhi khoa xem mớ kết quả siêu âm thai cũng phải nhìn nhận: “có cái gì đó không đúng”. Ai cũng bảo là “chiến thắng dành cho người dũng cảm”, chỉ có chị không đồng ý: “dũng cảm cái gì, liều lĩnh thì có”. Chẳng sao, với vợ chồng Thủy chỉ cần con bé lớn lên khỏe mạnh, phát triển bình thường là được rồi…

Chị lại có bầu, các bác sĩ bảo là con gái nhưng có vị bảo không chắc chắn lắm nên chị cố đợi thêm vài tuần để kết quả chính xác hơn song “kết quả vẫn vậy” nên chị quyết định “phải cho ra”. Thủy biết chuyện khuyên chị mãi, chị đã xuôi xuôi nhưng bất ngờ hai tuần sau có người gọi báo tin chị bị băng huyết rất nguy kịch. Thủy tất bật chạy vào bệnh viện mới hay chị bị tai biến lúc kích đẻ non và một điều không ai ngờ tới - đứa bé lại là con trai. Thấy con chỉ thoi thóp được ít giây rồi đi, chị không giữ được bình tĩnh, gào thét ôm hài nhi chạy như điên dại khắp “nhà H”, mọi người chỉ đuổi kịp khi chị ngất lịm giữa cầu thang.

            Sau hôm đó, chị nằm bẹp gần một năm mới đi làm trở lại nhưng thi thoảng vẫn ngơ ngẩn như người mất hồn. Mỗi lần Thủy đến thăm chị đều khóc, quay mặt vào tường không tiếp. Chị đâu dám nhìn mặt Thủy - để nói rằng chị đã không đủ dũng cảm, rằng hậu quả hôm nay chị lãnh lấy là do đã không nghe lời cô sao…

*

* *

            Thủy đứng lặng trước cửa sổ phòng trọ miên man suy nghĩ. Chuyện hệ trọng của chị là một bài toán hóc búa cho Thủy: nhờ mang thai hộ. Chị nói sẽ “làm việc” với bác sĩ nên chắc chắn sinh bé trai, cứ yên tâm…

Còn dịp nào tốt hơn để trả ơn chị nữa đây, thêm nữa chị sẽ phụ cho nửa tiền căn hộ chung cư mà vợ chồng Thủy chưa gom đủ. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Thủy mang thai bé gái hay đứa bé có dịt tật bẩm sinh? Trường hợp cô và chính chị vừa rồi, các ngài bác sĩ cũng đã nhầm đó thôi. Chưa kể việc mang thai hộ vơi mục đích lựa chọn giới tính là vi phạm pháp luật nữa. Thủy rất muốn giúp chị, muốn làm “người tốt” lắm nhưng sao khó quá…

            Có tiếng trở mình, Thủy ngoảnh lại, ánh mắt như giãn ra. Dưới ánh trăng vàng nhạt xuyên qua cửa sổ là hình ảnh con bé vắt chân lên cổ bố như mọi khi, đáng yêu như một thiên thần. Chúa nói: "Ai không trở nên như trẻ thơ, thì chẳng đáng vào Nước Trời", cổ nhân cũng dạy “nhân chi sơ tính bản thiện”, biết mai ngày lớn lên con bé có trở thành “người tốt” không, tốt như Mẹ Nuôi của nó chẳng hạn…

Mã số: 16-048

NGHIỆP CHƯỚNG

“Thuê bao quý khách vừa gọi…”, tiếng nhân viên tổng đài lại vang lên trong điện thoại, bà Thu tắt máy thở dài. “Thôi, ra Hà Nội mình gọi lại cho nó, lúc về ghé qua vậy”.

Bà được tuyên dương là giáo dân tiêu biểu trong thực thi bác ái của Giáo hạt, phần thưởng là một chuyến du lịch Thủ đô, hành hương về Tổng giáo phận Hà Nội, đoàn còn viếng thăm nhiều địa danh nổi tiếng như Bùi Chu, Phát Diệm nữa. Bà có thể tranh thủ qua Đại học Y Thái Bình xem nơi con bé Ban ăn ở, học tập. Hơn hai năm nay mấy lần nhắm nhót định đi nhưng bận việc này việc kia nên chưa thực hiện được. Thế mà gọi điện mãi nó không bắt máy, nhỡ lúc mình đến con bé lại đi thực tập xa thì dở việc ra, có lần gọi nó bảo thế mà.

Cái tên Ban của nó có “nguồn gốc xuất xứ” hẳn hoi nhé. Bà lấy chồng ba năm chưa có con, mấy lần đi khám hiếm muộn thấy người ta phá thai, bà xót xa xin Bệnh viện cho mang về tắm rửa, đặt tên rồi chôn cất ở gò đồi sau nhà. Ai cũng bảo vợ chồng bà “có vấn đề”, nhất là những người ngoại giáo, họ cho rằng hai người rước oan hồn về nhà thế này thì nghiệp chướng nặng nề lắm, làm sao có con được. Có lúc vợ chồng bà thấy nản, chữa hiếm muộn mãi không xong bởi các bác sỹ soi soi xét xét chán cũng chỉ phán một câu xanh rờn “hai người… đều bình thường”. Đôi lúc bà ngã lòng: phải chi là người ngoại giáo thì mình ly dị cho rồi, biết đâu mình lấy người khác lại có con mà anh ấy lấy vợ mới cũng có người nối dõi. Cũng có lúc hai vợ chồng cân nhắc thôi xin thai nhi về chôn cất vì sợ “nghiệp chướng”, phần đất trống ở gò đồi cũng hẹp đi nhiều, lơ mơ còn bị chính quyền xử cho cái tội chiếm dụng đất bất hợp pháp thì khổ. Nhưng rồi bàn tính thế nào vợ chồng bà lại đi xin xã cho phát quang bụi rậm để mở rộng “nghĩa trang anh hài” và rất bất ngờ khi được chính quyền đồng tình, cấp hẳn cả gò đồi 3000m2 cho hai người quản lý. Từ đó mỗi khi có tin từ Bệnh viện, bà lại gọi ông về trông quán, tất tả lên Khoa Sản đem thai nhi về nhà tắm rửa rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Khi đã ngoài ba mươi, không thèm đi thăm khám hiếm muộn nữa, đang tính xin con nuôi thì bất ngờ bà có thai, ban đầu bụng to ra bà còn tưởng bị đầy hơi, khi đến bệnh viện nhận thai nhi, bác sỹ thấy bụng bà “lùm lùm” nghi nghi gọi vào khám mới ngã ngửa ra đã có bầu gần bốn tháng, rõ chán, may mà không sao. Xem như là ơn từ trời xuống, hai ông bà đặt tên con bé là Ban. Hai mươi năm trôi qua, con bé sinh ra từ “nghiệp chướng” ngày nào đã lớn lên xinh đẹp học giỏi, đỗ Đại học Y Thái Bình hẳn hoi, ai mà không biết đến con gái “bà Thu nghĩa địa”.

*

* *

Nhà thờ Thái Hà bà được hành hương hôm nay là nơi có nhóm “Bảo vệ sự sống” cũng làm công việc hơn hai mươi năm của vợ chồng bà: mang thai thi về khâm liệm và chôn cất. Đón chào đoàn của bà là cha Đông, trưởng nhóm “Bảo vệ sự sống”, kiêm trưởng nhóm “Lòng thương xót Chúa”. Gặp bà, cha nhận ra ngay:

- A, “bà Thu nghĩa địa” phải không, trông có vẻ trẻ hơn trên báo nhỉ…

- Dạ, con chào cha ạ! - Sau phút lúng túng bà tếu táo - Con hơn năm mươi rồi cha, cũng đủ tuổi “về hưu” rồi cha ạ.

- Bà mà “về hưu”, ai coi sóc các anh hài cho cha chứ - Cha lại cười, nụ cười buồn, chua xót như đang nuốt nước mắt vào trong - Cha cũng ước bà được “về hưu” còn cha thì “thất nghiệp” luôn ấy chứ…

Không khí trong phòng dường như đông đặc lại, mọi người bần thần nhìn nhau. Ai cũng biết công việc cha và “bà Thu nghĩa địa” đang làm. Ước mong của bà Thu dường như rất bình thường, ước nguyện của cha tưởng như kỳ quặc nhưng không biết bao giờ hai người mới thỏa nguyện…

- Cha Phaolô ơi, ngài có quà này - Bên ngoài có tiếng gọi cắt ngang dòng suy tư của mọi người.

Một vị mặc áo chùng thâm bước vào trao cho cha Đông “món quà”, đó là một chiếc hộp thủy tinh rất đẹp, nhìn rõ bên trong có một thai nhi đã đủ hình hài và một bức thư khiến ai nấy bàng hoàng. Cha đọc thư, thẫn thờ, nước mắt lặng lẽ rơi. Ngài lẩm bẩm trong tiếng nấc: “Xin Chúa tha tội, vậy là con lại không hoàn thành nhiệm vụ nữa rồi”… Vị mặc áo chùng thâm vỗ vỗ vai cha: “Cha đã cố gắng hết sức rồi, Chúa hiểu mà…”. Cha quay lại, giọng run run như thanh minh với mọi người:

-  Thư của mẹ thai nhi, đồng hương nhà mình đấy, mấy hôm trước cô gái này nói chuyện với cha hơn ba giờ đồng hồ, nó bị lừa tình không muốn giữ lại đứa con, cha khuyên nhủ nó đã nghe rồi, vậy mà… Sẵn có bà Thu ở đây, giúp cha luôn nhé!

Cha hạ giọng, lẩm bẩm:

- Người Công giáo, sinh viên năm ba trường Y Thái Bình rồi mà còn ra nông nỗi này…

“Sinh viên năm ba trường Y Thái Bình”, bà Thu giật bắn mình dù cha nói rất nhỏ, bà run run lại gần nhìn cho kỹ bức thư, những dòng chữ quen thuộc như đang nhảy múa trước mắt bà: Chữ g dãn rộng ngoắc dài ra phía sau, dấu ngã xoắn lên trên… Chân của bà khuỵu xuống…

Mã số: 16-049

BỒ CÔNG ANH!

Buzz! Một tiếng buzz từ những cái nick yahoo đang sáng, tôi giật mình nhìn ra thì là cô bạn trong nhóm cầu nguyện.

- Hi, khỏe không?

- Tớ khỏe, cậu khỏe không?

- Cũng bình thường nhưng…

- Nhưng gì?

- Tớ muốn đi tu cậu ạ!

- Hehe…Vì sao muốn đi tu? Thế bao giờ mới vào Dòng?

- Tớ phải học xong đại học đã.

- Umh, bây giờ phải chú tâm học cho xong.

- Nhưng…

- Sao vậy? Có điều gì à?

- Uhm, tớ không biết thế nào nữa, cái cảm giác đó làm tớ sợ cậu à!

- Cảm giác gì?

- Hic, khó nói lắm!

- Chuyện này tớ không có nói cho ai đâu.

- Hehe… Nếu cậu tin tớ, và cậu có thể nói được thì nói tớ không có ép.

- Uhm… Đợi tớ một tí nhá!

- Ok, tớ có thời gian mà… Hehehe!

- Nhưng mà cậu phải hứa là không cho ai biết cơ đấy.

- Được rùi, cậu biết tớ mà.

- Uhm… Cậu lại động vào nỗi đau của tớ rồi.

- Hehehe… Cậu nói đi tớ đang nghe.

- Uhm… Tớ không muốn chuyện đó xảy ra với tớ, tớ đã khóc và cảm thấy tội lỗi rất nhiều. Tớ không hiểu mình lúc đó nữa cậu ạ! Tớ đã yếu lòng, tớ không muốn như vậy nhưng tớ đã làm. Tớ chỉ rung động một chút nhưng…

- Sao? Cậu nói tiếp đi…

- Người đó nói là yêu tớ nhưng tớ nói là không xứng với người ấy… Uhm… Người đó cũng đi tu nhưng…

- Nhưng sao?

- Lại ra rồi cậu ạ! Tớ không biết lý do là gì. Vì thế tớ thấy áy náy. Nhưng tớ sợ và tớ đã khóc nhiều lắm. Người đó gọi điện, nhắn tin nhiều cho tớ. Hôm đó tớ và người ấy nói chuyện riêng.

- Uhm… Rồi sao nữa?

- Người ấy nói là đã thôi không đi tu nữa để theo đuổi một người… Tớ muốn an ủi người đó. Lúc đó tớ đã yếu lòng cậu ạ! Tớ… tớ…

- Sao? Đừng có ngại.

- Tớ đã để người đó ôm tớ. Người ấy nói, vì yêu tớ nên mới ra tu, tớ cũng không biết phải làm sao nữa. Lúc đó tớ quá xúc động nên đã để người đó làm như vậy. Tớ khóc nhiều lắm, tớ thấy tội lỗi. Tớ thấy có tội với Giêsu. Tớ muốn giữ sự trong trắng, khiết tịnh để theo Ngài. Cậu hiểu mình không?

- Có, tớ hiểu được cảm giác của cậu.

- Cảm ơn cậu. Tớ đã khóc khóc rất nhiều khi nghĩ đến chuyện đó. Những đêm tớ nghĩ về chuyện đó tớ lại mặc cảm. Mình muốn khiết tịnh để dâng cho Chúa. Tớ thấy mình không xứng đáng để đi tu cậu ạ.

- Cái gì là xứng hay không xứng với Đức Giêsu chứ! Cậu muốn trong trắng từ trong tâm hồn tới thể xác, một tâm hồn đẹp hết sức. Nhưng vì một phút xiêu lòng cậu đã để người đó ôm mình. Nhưng những giọt nước mắt cùng cái cảm thức dằn vặt đã là câu trả lời cho mối tương quan giữa cậu với Đấng Tối Cao rồi. Mình nghĩ cậu đã trong sạch tâm hồn, cậu đã khóc rất nhiều, khóc cho sự yếu đuối đó, liệu cái ôm đó có còn quan trọng không, khi cậu luôn thao thức, khao khát trọn vẹn hướng về Chúa. Cậu nói cậu mặc cảm và tưởng như không thể xóa đi được vết nhơ đó. Nhưng mình nghĩ, có phải ai đi tu cũng đều có quá khứ trong sạch đâu, coi như đó là một bài học kinh nghiệm để cậu vững tin trên con đường dâng hiến, tớ nghĩ cậu sẽ làm được với tâm hồn khao khát. Vết thương ấy là dấu chứng của khát vọng mà cậu dành cho Giê su lớn dường nào. Và vết thương Giêsu cũng là chứng tích cho một tình yêu tròn đầy đó sao? Dẫu rằng đắng lòng nhưng tình yêu sẽ bao bọc tất cả, hàn gắn tất cả. Hai vết thương chẳng phải đã có điểm dừng rồi sao, khởi điểm cho một tình yêu vẹn toàn.

* * *

Ngày vào Sài Gòn, tôi không gặp được bạn, để viết tiếp giấc mơ của mình. Thời gian đã đưa tôi và bạn đến những vùng trời mới. Tôi gặp lại cô bạn trong cầu nguyện, trong cuộc trò chuyện xa mặt nhưng cạnh lòng qua những tin nhắn ngắn ngủi dịp nào đó.

- Tớ sẽ vào Dòng cậu ạ!

- Dòng gì đó?

- Rồi cậu cũng sẽ rõ.

- Uhm…

- Cảm giác hoang hoải, miên man hết sức. Tạm biệt giảng đường, nói lời chia tay với những con đường ngập hoa sữa, để rồi… Bây giờ tớ chỉ quen mấy việc làm cỏ, nhặt rau trong Dòng thôi.

- Uhm, nhưng cậu thấy sao?

- Tớ thấy mình được yêu hết sức cậu ạ!

- Vậy tốt quá rồi.

- Tớ thích những công việc nhỏ bé và tầm thường.

- Không nhớ ngành y sao?

- Không, nếu Chúa muốn tớ sẽ dùng vào dịp khác.

- Uhm, tớ vui với cậu.

- Còn cậu, vẫn mơ đấy chứ?

- Uhm, mơ nhiều lắm, nhưng sao thấy mình giới hạn quá.

- Hehe, cậu lúc nào cũng thế, chàng lãng tử của Giê su!

- Haha, có lãng đãng thì có.

- Ê, nhớ hồi còn ở nhóm cầu nguyện quá!

- Trời, tớ cũng thế.

- Hồi đó, hồn nhiên thích gì là cầu nguyện đó.

- Bây giờ cũng thế mà.

- Uhm, nhưng thích tình thuở đầu hơn.

- Uhm, thì tình thưở đầu! Cái thời sinh viên, những con người trẻ không hẹn mà gặp ở tối chủ nhật. Chẳng hiểu sao, hồi đó, tôi muốn nhanh cho hết tuần để chìm vào giữa những ánh nến nhẹ nhàng và thả hồn vào những bản nhạc lặp đi lặp lại. Chỉ biết ở đó được chậm lại, được nghe rõ hơn  âm thanh phố phường và tiếng lòng mình. Chẳng là, có vài người trẻ tụ lại, thắp mấy cây nến xung quanh tượng chịu nạn và mở mấy bản nhạc không lời. Cứ như thế, cả nhóm chìm vào bầu khí thinh lặng không hay. Rồi những âm giọng cất lên ngập ngừng, nghẹn lòng, lúc đó tiếng nói là tiếng lòng, chúng tôi cầu nguyện như vậy, câu được câu không nhưng là chân thật và đơn sơ. Có cả những giọt nước mắt mắc trong tiếng, nghe sao chạnh lòng vô cùng, Giêsu đã ở lại, ở lại cho đến cùng. Ở lại trong những vết thương mà xã hội đã loại trừ, chỉ có tối chủ nhật mới có dịp được băng bó bởi tình yêu lắng nghe.

- Cậu khóc ư?

- Uhm…

- Sao vậy?

- Chẳng biết nữa, chỉ thấy nước mắt muốn trào ra.

- Uhm, người đó sao rồi?

- Tớ đã nói rõ rồi…

- Nói sao?

- Thì cảm ơn và chỉ làm bạn thôi.

- Uhm, vậy cũng tốt!

- Cảm ơn cậu nhiều lắm.

- Chi vậy?

- Thì lắng nghe.

- Hehe, cảm ơn cậu nhiều lắm, vì đã tin tưởng mình.

- Uhm… Cảm ơn Chúa vậy, hehe…

- Uhm… Cùng cầu nguyện cho nhau nhé!

Tôi lặng lẽ nhìn vào màn hình laptop, nick Bồ Công Anh đã offline rồi, một khuôn mặt đang nhìn tôi từ ảnh nền desktop sao thấy bình an hết sức. Hình Giêsu trong trang phục người mục tử, ôm trọn con chiên lạc mà Người vừa tìm thấy. Niềm vui sao diễn tả nổi, có một Giêsu đang ở đây. Nick Bồ Công Anh hiện lên status in nghiêng “Con muốn làm bông Bồ Công Anh dại”.

Mã số: 16-054

CHA

Cô cảm thấy thật thoải mái, nhẹ nhàng. Hôm nay là Chúa Nhật mà. Cô được đi lễ, được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả, lại có thể đi nơi mình thích, làm điều mình muốn và tất nhiên không quên gọi điện về cho cha mẹ yêu dấu ở quê nhà.

Tút... Tút... “Không biết mẹ đang làm gì vậy nhỉ?”- Cô bấm gọi thêm lần nữa.

- Alô!

- Dạ, mẹ bận gì mà không bắt máy vậy ạ?

- Ừ, mẹ vào trong phòng lấy cái áo khoác chuẩn bị đi đọc kinh với cha con. Gần tới giờ rồi.

Trâm nhìn đồng hồ, 3 giờ kém 20.

- Giờ này đọc kinh hở mẹ? Trước giờ con đâu thấy cha mẹ đi.

- Cũng mới thôi con à, sau ngày khai mạc năm thánh lòng Chúa Thương Xót. Mấy ngày đầu, cha con đi một mình, mẹ có biết đâu. Cha xứ thấy vậy bèn nhắc nhở chung giữa nhà thờ: “Các ông bà lớn tuổi, nếu buổi chiều không bận gì thì cố gắng đến nhà thờ, cùng nhau lần chuỗi Thương Xót lúc 3 giờ chiều để cầu nguyện thêm cho mình và cho mọi người.” Thế là từ một người, ba người, rồi năm người, mười hai người. Bây giờ cha con kéo thêm hai chục người nữa đó.

- Ôi, thích mẹ nhỉ? Thế là giáo xứ lại có thêm việc làm đạo đức.

- Mấy đứa ở trong nhớ mà đọc kinh nghe con. Cha mẹ chỉ lo các con sống ở thành phố, bị nhiều cái cám dỗ rồi quên Chúa mất.

Cô xúc động lắng nghe những lời nói ấm áp của mẹ.

- Mẹ yên tâm. Ba chị em trong phòng vẫn đọc kinh chung mỗi tối, không lần chuỗi Thương Xót thì lần chuỗi Mân Côi mẹ à. Có ngày lần cả hai nữa chứ.

- Vậy là tốt quá rồi. Bỏ gì cũng được chứ Chúa thì không được bỏ nghe con. Mất tiền, mất việc chứ đừng để mất Chúa.

- Dạ

-Thôi, cha mẹ đi đọc kinh đã, lúc nào về mẹ gọi lại, sắp tới giờ rồi.

-Dạ. Cha mẹ nhớ cầu nguyện thêm cho tụi con đó.

- Cái đó thì ngày nào chẳng nhớ. Mẹ tắt máy nghe!

Cuộc điện thoại chỉ mấy phút vội vàng, chẳng “buôn dưa” như những lần trước, thế mà cũng đủ làm Trâm ấm áp trong tiết trời mùa đông. Cô nhớ cha, người cha tuyệt vời trong trái tim cô. Đó là người thầy đầu tiên dạy cô biết làm dấu, đọc kinh; là người cho cô kè kè bên mình mỗi lần đi dự lễ. Đó còn là người khơi nguồn tình Chúa trong cô, đặt đá nền xây dựng đời sống thiêng liêng giúp cô kết hợp với Chúa, Mẹ qua những lời nguyện đơn sơ.

- Trâm làm gì mà ở ngoài đài lâu vậy?- Bác hàng xóm tò mò hỏi.

- Con xin với Chúa, Mẹ cho cha mẹ được khỏe mạnh, cho anh chị em con học giỏi, ngoan ngoãn, con cũng xin cho bác Ba nữa đó.

Nghe câu nói đơn sơ, chân thật như thế của đứa bé lên bốn, ai mà chẳng vui lòng. Huống chi Chúa của mình yêu trẻ nhỏ, chắc còn vui nhiều hơn nữa. Trâm mỉm cười, lại nghĩ về cha. Bạn bè cô ai cũng bảo cha khó tính theo kiểu phong kiến. Khó thế để mấy đứa con nên người. Chín đứa con, người đi tu, người lập gia đình, làm ăn xa nhà, chẳng còn ai ở cùng cha mẹ. Cô là gái út, đến tuổi trưởng thành, cũng rời xa cha mẹ để bắt đầu cuộc sống mới. Năm năm rồi, cha sống chung cùng những cơn đau của thân xác. Thế mà chẳng bao giờ cô nghe một lời than vãn hay thấy một cái nhăn mặt. Trong hoài niệm về cha, đó là nụ cười ấm áp, dịu hiền, là ánh mắt đầy hi vọng giúp cô vượt qua bao thử thách của cuộc sống. Người ta bảo cha là “thánh sống”, đáng nể biết bao. Mỗi lần có ai hỏi thăm về sức khỏe, cha bảo: “Tất cả là hồng ân. Thánh giá Chúa trao thì Người sẽ nâng đỡ cho ta được nhẹ nhàng. Chúa chẳng bao giờ giao cho ta điều gì vượt quá sức đâu.” Cha đón nhận như một món quà của tình Chúa bao la và sống với niềm tin phó thác. Kể từ ngày tai nạn, sức khỏe của cha giảm đi nhiều. Bệnh viện khắp Bắc, Trung, Nam không đâu chữa lành được. Thời gian đầu, cha phải nằm một chỗ, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Rồi Chúa thương cho cha đi lại được dù phải nhờ tới anh gậy bốn chấu  hỗ trợ. Cha cô thích được tự làm mọi việc. Quãng thời gian vất vả kia lại trở thành cơ hội để chứng tỏ lòng mến và niềm cậy trông vào Chúa. Cô nghe anh trai kể, nhiều đêm đau quá, cha không ngủ được, mỗi lần anh tỉnh giấc lại thấy cha ngồi cầm tràng chuỗi trên tay đọc kinh. Nghĩ mà thương cha quá! Trong tâm trí cô lúc này là bóng dáng khập khiễng cùng cây gậy, bên cạnh là mẹ đang tiến về ngôi thánh đường dấu yêu!

Trâm giật mình. “Ba giờ rồi. Mình lần chuỗi Thương xót hiệp ý cùng cha mẹ ở nhà thôi!”

Mã số: 16-056

THA THỨ VÔ HẠN

Beng…beng…beng…

Chuông đồng hồ phía cuối giáo đường điểm chín tiếng. Đêm đã về khuya. Màn đêm buông dày đặc. Tiếng ếch nhái, côn trùng kêu rỉ rả. Chàng thanh niên u hoài thả bước về phía tòa giải tội.

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu anh vào tòa cáo giải?! Vẫn vị linh mục già; vẫn tấm phên gỗ đen cũ kỹ…Và anh vẫn xưng cũng tội này. Lòng anh nặng trĩu. Anh lo sợ.

……

Vài phút trôi qua trong lặng lẽ. Bỗng tiếng vị linh mục la lên tức tối, xé tan màn đêm tịch mịch: “Không!Tôi không tha thứ cho anh thêm một lần nào nữa. Anh ra khỏi đây ngay. Đi đi..!”

Nói rồi, vị linh mục đứng phắt dậy, xăm xăm bước đi, bỏ lại mình anh với phên tòa đen đúa. Chàng thanh niên cúi đầu và những giọt nước mắt lặng rơi.

Bỗng từ trên vách tường loang lổ, Tượng Chịu Nạn như bắt đầu cử động, quằn quại và đau đớn. Một cánh tay rớt khỏi dấu đinh, thõng xuống trên đầu chàng thanh niên, và anh nghe một giọng nói rất ấm: “Ta tha tội cho con. Con hãy về bình an và đừng phạm tội nữa[1] ”. Rồi cũng giọng nói ấy hướng về phía vị linh mục: “Ngươi chẳng hy sinh cho người này nên ngươi chẳng có gì để mất. Còn Ta, Ta đã chết cho anh nên lòng Ta rất xót xa. Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn [2]”.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu không biên giới, đến độ “hiến mạng sống vì bạn hữu của mình[3]  ”.

Mã số: 16-057

CẦM

Trên trần gian nghệ thuật được phân làm bốn loại: cầm - kỳ - thi - họa. Để ca tụng Chúa trên trần gian này riêng bộ môn “cầm” cũng đã được chia ra làm rất nhiều loại như: nhạc sỹ, ca sỹ, ca trưởng, ca đoàn, ca viên, nhạc công… Còn về  dụng cụ phát ra tiếng nhạc cũng có rất nhiều loại: đàn piano, đàn tranh, đàn hạc, đàn bầu, đàn đá, đàn guita, đàn organ, đàn violon, đàn tỳ bà, sáo trúc, đàn nhị, đàn cò, đàn bầu, trống, chiêng, kèn…

Trong một ca đoàn nọ của một giáo xứ có bốn người gồm một ca trưởng, một nhạc sỹ, một nhạc công, một ca viên cùng qua đời vì bệnh tật trong cùng một năm. Bốn người này đều là những người công chính và sống đúng luật mến Chúa yêu người như Chúa đã dạy. Các linh hồn này đều lên tới thiên đàng và Chúa hỏi cả bốn người: “Trong các con ai là người mến Chúa yêu người nhất và làm được những gì để lập công phúc ở trần gian?”.

Người ca trưởng hiên ngang bước ra trước và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con là ca trưởng, trong mỗi thánh lễ con đã dùng hết tài năng của mình mà điều khiển ca viên lẫn nhạc công để dâng lên Chúa những bài hát mà nhạc sỹ sáng tác nên con là người có công nhất trong ca đoàn. Vậy con xin dâng lên Chúa tất cả khó nhọc của cuộc đời con, mong Chúa thương nhận và cho con được hưởng nhan thánh Chúa trước hết ạ!”.

Lúc này người nhạc sỹ nghe vậy liền thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con là một nhạc sỹ chuyên sáng tác những khúc nhạc hay để tôn vinh Thiên Chúa, nếu không có con thì ca trưởng, nhạc công, ca viên chẳng có những bài hát hay để dâng lên Chúa đâu, vậy xin Chúa hãy cho con được hưởng nhan thánh Chúa đời đời trước tiên”.

Chúa nghe xong cũng ầm ừ và bảo: “Hai con đều có công lao rất lớn, nhưng đối với ta những lời các con ca ngợi không thêm gì cho ta hết, nhưng ta rất vui lòng khi nhận những công lao khó nhọc của hai con trong suốt cuộc đời trần gian. Vậy còn nhạc công và ca viên thì sao, các con đã làm gì để mến Chúa yêu người?”

Lúc bấy giờ nhạc công mới thưa: “Lạy Chúa, con đã bỏ ra rất nhiều thời gian để học đàn organ và không có con thì ca đoàn không có những tiếng đàn du dương để dâng lên Chúa trong các thánh lễ, và thánh lễ chỉ có những tiếng ngân nga buồn tẻ mà thôi Chúa ơi, cả cuộc đời con, con đã dâng tiếng đàn là công sức của con dâng lên Chúa, xin Chúa hãy thương nhận và cho con được vào hưởng nhan thánh Chúa”.

Chúa nghe xong cũng gật gù và phán: “Con cũng thật là một người không thể thiếu trong ca đoàn, tiếng đàn của con cũng đã vang lên đến tai ta, và ta cũng rất hài lòng lắng nghe tiếng đàn của con dâng lên trong các thánh lễ, nhưng các thiên thần trên thiên đàng đàn hay hơn con rất nhiều”. Sau đó Chúa quay sang hỏi người cuối cùng: “Còn ca viên, con đã làm gì để được coi là mến Chúa yêu người?”.

Lúc này ca viên mới lặng lẽ khiếm tốn thưa: “Con chẳng có gì để dâng lên Chúa, con chỉ biết cám ơn Chúa đã ban tài năng cho các nhạc sỹ, ca trưởng, nhạc công để con có những bài hát hay, những ngày luyện tập kiên trì, những tiếng nhạc êm dịu để dâng lên Chúa. Con không phải là nhân vật quan trọng trong ca đoàn, nhưng con ca ngợi Chúa với tất cả lòng thành của con dâng lên Chúa trong mỗi thánh lễ, đồng thời con cũng yêu mến các ca viên trong ca đoàn như lời Chúa dạy bằng cách quan tâm hỏi han các bạn vắng mặt trong mỗi ngày đi hát hoặc đi tập. Con chỉ có món quà nhỏ bé đó để dâng lên Chúa mà thôi. Con xin lỗi Chúa vì con không có tài năng như ca trưởng, nhạc sỹ, nhạc công. Và con xin hết lòng cám ơn những người tài giỏi do Chúa thương ban, để con có những ngày tập luyện gian khổ, những ca khúc hay, những tiếng đàn du dương để dâng lên Chúa. Con tạ ơn Chúa vì tất cả”.

Chúa nghe xong liền phán: “Tất cả các con đều đẹp lòng ta, nhưng lời ca viên nói làm ta vui lòng hơn cả. Vì tài năng ta ban cho mỗi người khác nhau, không phải tự sức các con có thể làm được những điều đó, mà là do ơn của ta ban cho các con khi các con còn sống trên trần thế. Phần thưởng của các con đều là một đồng như nhau. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót, nên những ai càng khiêm nhường ta càng yêu mến”.

Và tất cả nhạc sỹ, ca trưởng, nhạc công, ca viên đều được lên Thiên đàng, nhưng người được đẹp lòng Chúa hơn cả là ca viên, vì Những lời của ca viên là những lời trong tấm lòng khiêm nhường tận đáy lòng như lời Chúa phán xưa: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Lòng khiêm nhường và biết ơn là điều Chúa cần nhất khi con người sống ở trần gian này. Không có gì mà Chúa không biết và quan phòng cho từng người chúng ta, tất cả đều là tình thương của Chúa ban tài năng cho chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Chúa và đem ra phục vụ lợi ích cho mọi người theo như luật Chúa dạy là: “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy”. Đó là thước đo để con người có thể vào thiên quốc hay không.

Cám ơn Chúa đã cho con có trí óc để con có thể viết ra những dòng này mà ca ngợi kỳ công của Chúa trên trần gian này.

Mã số: 16-059

NGÓNG CON

Đã tròn năm tháng kể từ ngày Vinh đặt chân lên cao nguyên Gia Lai. Mùa này cà phê trên những khu vườn bạt ngàn đã bắt đầu chín rộ. Nhờ đó mà Vinh cũng nhanh chóng tìm được việc làm, qua Thắng giới thiệu. Thắng hơn Vinh ba tuổi, ở cùng làng, nhưng ở nhà hai đứa thường xưng hô ngang hàng là mày- tao. Vinh xin ở cùng Thắng, hai đứa đi làm thuê cho một xưởng thu mua cà phê cách nhà trọ khoảng mười lăm cây. Thắng thì đã quen công việc. Hết lớp chín, vì nhà nghèo, cha mất sớm nên cậu phải bỏ học vào miền Nam tìm việc kiếm tiền về xây nhà, nuôi mẹ và hai đứa em. Còn Vinh được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn, điều kiện vật chất khá đầy đủ. Cậu lại là con một nên được cha mẹ chiều chuộng, tạo mọi điều kiện để học tập cho tốt. Năm nay Vinh đã lên lớp mười hai, nhưng thay vì chăm chỉ học tập như mọi năm, cậu lại theo đám bạn xấu bỏ học, chơi bời suốt ngày. Hai tháng trước, Vinh chơi game thua tiền, cậu đánh cắp chiếc nhẫn cưới bằng vàng của mẹ cậu đem đi bán. Bị phát hiện, cha cậu cho cậu một trận tơi bời, còn mẹ, bao nỗi uất giận kể từ ngày đứa con trai duy nhất đâm ra hư hỏng, bấy lâu kìm nén trong lòng, thì nay bùng ra. Bà la lối đứa con bằng những lời nặng nề, chua chát.

Vinh giận dỗi, bỏ nhà đi. Cậu ra đường, vớ được cái xe đang dừng bắt khách, thế là nhảy lên, không thèm quan tâm đây là xe chạy tuyến Hà Tĩnh- Gia Lai. Thôi kệ, đến đâu thì đến, trước mắt là cứ đi cho bõ tức, rồi sau đó kiếm việc gì làm ăn qua ngày. Cậu nghĩ mọi thứ sẽ đơn giản. Nhưng đến bến xe còn bơ vơ không biết về hướng nào, thì một nhóm côn đồ đã xông vào đánh đập để cướp tiền, vì tưởng cậu là người giàu có. Rất may, vừa lúc đó, Thắng chở bác chủ nhà trọ ra bến xe về quê, nhìn thấy và đưa cậu về nhà.

Hàng ngày, Thắng và Vinh phải dậy sớm, vào làng, đến từng nhà để thu cà phê, đóng bì và bốc vác lên xe chở về, để kịp nắng lên thì phải phơi hết số cà phê tươi đã thu mua. Vinh lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt thứ quả mà cậu đã thấy nhiều trong sách vở và truyền hình, thì thích lắm, nhưng khi bắt đầu công việc thì rất khó khăn. Hồi còn ở nhà có bao giờ cậu phải bốc vác gì nặng nhọc đâu, có bao giờ phải đội nắng để phơi nông sản đâu. Cậu bắt đầu nuối tiếc những ngày đi học nhàn hạ, về nhà đã có mẹ nấu ăn bồi dưỡng, cơm nước đến tận miệng. Nhưng làm sao được, đã đâm lao thì phải theo lao. Cậu quyết tâm không trở về cho đến khi cha mẹ cậu đem xe đến rước. Rồi ngày qua ngày, Vinh cũng phải thích nghi với công việc chẳng mấy dễ chịu này.

- Này, chiều mình xin ông chủ về sớm hơn cho kịp đi lễ Chúa nhật. Chỉ còn có một lễ Thiếu nhi Thánh Thể lúc 5 giờ thôi đấy.

- Chiều xong việc, tao ở nhà ngủ một giấc, mệt lắm rồi. Mày đi lễ thì đi đi, lễ lạc gì. Tao chẳng cần tin nữa. Nếu có Chúa thì tao đã chẳng nên nông nỗi này. – Vinh đáp lời Thắng.

- Ơ cái thằng này ăn nói hay nhỉ. Lễ Chúa nhật mà không đi. Mày có phải người có đạo nữa không đấy?

- Có đạo thì để làm gì cơ chứ? Để phải gò bó trong những luật lệ khó chịu, phải đi học giáo lý. Ông bà, cha mẹ tao vì có đạo nên mới cảm thấy việc tao bỏ học, chơi game là bất thường; còn tao, như vậy mới tự do, mới thỏa thích…

- Im đi! – Vinh nói chưa dứt lời, Thắng đã cắt câu. -Tao không cho phép mày ăn nói như vậy. Thôi kệ, mày thích làm gì kệ mày. Mày nói không sai, nếu có Chúa thì mày đã chẳng nên nông nỗi này. Nhưng không phải là không có Chúa, mà là tự mày đã đuổi Chúa đi.

Chiều tối hôm đó, Thắng đi lễ một mình, còn Vinh ở nhà nằm dài một giấc…

Sáng hôm sau, hai đứa lại vào làng từ tảng sáng. Cà phê hôm nay đã chín nhiều hơn, quả đen hái không kịp rơi rụng ngổn ngang xuống đất. Vinh làm việc mà chỉ mong mua được ít hàng, để đỡ phải bốc vác và phơi khén. Trái lại, Thắng rất mừng khi thấy nhiều nông sản, vì lương cậu nhận được sẽ tỉ lệ thuận với sản lượng làm việc. Đang vác bì cà phê trên vai, thì có một cuộc điện thoại gọi đến. Cậu thả bì cà phê xuống, nhấc điện thoại lên. Là cuộc gọi của Nhu, người bạn Thắng mới quen vài tháng. Nhu là một cô giáo ở miền khác đến, dạy chữ cho các em đồng bào trong nhà nội trú của các Soeurs Dòng Phao-lô. Nhu cũng hay đi lễ Thiếu nhi Thánh Thể chiều Chúa nhật, và gặp Thắng nhiều lần, rồi họ quen nhau.

- Thắng ơi, tuần này giáo xứ có tĩnh tâm để chuẩn bị mừng 50 năm thành lập. Nếu cậu đi làm về kịp thì đi lễ tối rồi nghe cha giảng tĩnh tâm luôn.

- Ừ, cảm ơn Nhu. Tớ sẽ cố gắng thu xếp công việc, rồi rủ đứa cùng phòng đi nữa.

- Thế nhé, Chúa ở cùng cậu nghen.

- Cảm ơn Nhu, bye!

Thắng lại tiếp tục công việc, vác bì cà phê bốc lên xe.

Hôm nay, Thắng làm việc cật lực hơn để hoàn thành công việc sớm, và xin ông chủ cho mình và Vinh về trước.

- Này Vinh, về đi tĩnh tâm nghen.

- Tĩnh tâm cái gì?

- Giáo xứ Đức An đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ. Cha sở mời các cha Dòng Chúa Cứu Thế về giảng tĩnh tâm đấy. Nhanh đi.

- Đi làm gì? Tao có phải chiên xứ này đâu, ông anh bạn thân mến.

- Tao thấy mày bất trị rồi đấy. Chắc là tâm mày lâu nay động lắm rồi, đi nghe giảng cho nó tĩnh lại.

- Chúc ông anh tĩnh tâm vui vẻ nghen. Tao ở nhà nằm ngủ thôi. Giờ đối với tao, giấc ngủ là thuốc bổ an toàn nhất, chẳng phải mệt nhọc làm việc, hay suy nghĩ mà đâm ra tức tối.

Sau một tuần giảng tĩnh tâm, cha xứ tổ chức một ngày hòa giải. Cha mời các Linh mục trong khu vực về giải tội cho toàn giáo dân, nhờ các Soeurs từ các cộng đoàn phục vụ tại giáo xứ đến để giúp chiên lạc xét mình. Hôm đó, hai cậu vẫn tiếp tục vào làng thu mua cà phê, nhưng chẳng có bì nào. Hỏi ra mới biết mấy bữa nay trong làng có lễ hội nên tất cả nghỉ làm việc, và hôm nay không có nông sản tươi để bán. Vinh mừng rỡ, đó là điều dễ hiểu với một cậu bé không muốn làm việc. Nhưng Thắng cũng mừng, khác với những ngày thường khác, vì nhờ đó cậu sẽ được về nhà thờ để đi xưng tội.

- Hôm nay nghỉ việc, mày chở tao qua nhà thờ luôn. Có nghi thức sám hối và giải tội cả ngày đấy.

Bữa nay Vinh không thèm cãi tay đôi với Thắng nữa. Cậu không có ý định đi xưng tội, nhưng cũng đồng ý đi cùng Thắng đến nhà thờ. Vì dù sao cậu phải đi nhờ xe máy của Thắng, vả lại, coi như là đi tham quan cho biết đây biết đó.

Trời càng về chiều càng nhạt dần màu nắng. Mặt trời không còn gay gắt, chói lọi khủng khiếp như những buổi trưa thiêu đốt ngoài trời. Trong nhà thờ, có nhiều người đang ngồi thinh lặng, cúi đầu trước Mình Thánh Chúa. Tòa giải tội đặt ở nhiều góc, có nhiều cha ngồi tòa. Ánh nắng chiều tuy không chói chang nhưng len lỏi xuyên thấu các ô cửa kính màu, làm cho ngôi thánh đường càng trở nên huyền linh, tĩnh mịch.

Dừng xe nơi bãi đậu, Thắng khuyên Vinh vào xưng tội, vì đây là một dịp quan trọng, nhưng Vinh vẫn không thèm đếm xỉa đến. Cậu bỏ đi ra phía trước nhà thờ, để mặc Thắng bước vào phòng xét mình trong thái độ buồn bã, vì không thuyết phục được cậu.

Lần đầu tiên Vinh đến một ngôi nhà thờ ở Tây Nguyên. Trong khuôn viên nhà thờ xứ, xen lẫn với những cây xà cừ cổ thụ, có nhiều tượng gỗ thô sơ được đục trên thân cây, hình thù như con khỉ ở rừng. Sau mỗi bức tượng đó đều có những tấm bảng chú thích. Vinh rảo qua một lượt. Nào là một thân gỗ đẽo hình ba con khỉ đang đăm chiêu suy nghĩ với chú thích nói về ý nghĩa tôn giáo. Nào là hình người cầm chìa khóa, được giới thiệu là Thánh Phê-rô Tông Đồ; và đối diện là tượng thánh Phao-lô cầm mấy lá thư; rồi cạnh bên là hình Bok Kiêm và Thầy Sáu Do kết nghĩa anh em.

Vinh nhìn xa hơn, và cậu bị cuốn hút bởi một bức tượng được đặt ngay trước sảnh, nơi cửa bước vào nhà thờ. Nhìn xa như một người chống gậy đứng ăn xin. Cậu tò mò, bức tượng sao lạ quá! Vinh tiến lại gần bức tượng. Hình như không phải là một người hành khất, mà rõ ràng là một cụ già chống gậy lom khom với tư thế sẵn sàng để đi, ánh nhìn xa xăm. Bức tượng được đẽo gọt thô sơ trên thân cây gỗ thông, càng làm lộ lên vẻ xót xa, tội nghiệp của người đang khắc khoải, mong chờ một điều gì đó. Ánh mắt của cụ già tượng gỗ như xuyên thủng vào đôi mắt của Vinh, làm cậu ứa lệ. Cậu nhìn và đọc bảng chú thích, một tấm bảng hình vuông với dòng chữ:

“NGÓNG CON

Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20).

Vinh ngậm ngùi. Cậu bị đánh động bởi tấm bảng đó, nhưng rồi những hình ảnh đòn roi và lời mắng nhiếc của cha mẹ ngày xưa cứ ám ảnh cậu. Trong người Vinh có sự giằng co mãnh liệt. Cha mẹ yêu thương hay ghét mình? Những đòn roi đánh vào cậu là vì yêu con hay vì trút giận? Và như được Chúa soi sáng, cậu lại nhìn lên tấm bảng rồi nhớ lại những bài học giáo lý hồi xưa. Cha xứ từng giảng rằng: “Giả như cha mẹ có lúc ghét con, thì Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương con”. Vinh hét lên: “Trời ơi, cha ơi!” . Rồi cậu òa khóc.

Chạy vào sụp gối một góc trong nhà thờ, Vinh nức nở. Cậu thưa cùng Chúa:

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Con biết rằng Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài đang mong con trở về, nhưng tại sao con lại cố chấp. Và có lẽ, giờ này ở nhà, cha mẹ cũng đang ngóng con...”.

Từ phòng xét mình bước vào nhà thờ, Thắng nhìn thấy người bạn mình đang quỳ gối bên tòa giải tội. Cậu mừng rỡ cám ơn Chúa: “ Lạy Chúa, tạ ơn Ngài, vì chỉ có Lòng Thương Xót của Ngài mới có thể chạm đến và làm biến đổi quả tim của người bạn con”.

Buổi tối hôm ấy, hai đứa về nhà nấu bữa cơm và ăn mừng vui vẻ.

- Việc đền tội của mày là gì vậy?- Thắng hỏi.

- Đọc Tin Mừng Luca chương 15. Tao cảm thấy đoạn Tin Mừng ấy như viết riêng cho tao vậy. Còn mày?

- Của tao, cha giao một tuần lễ sáng. Cũng được. Tập dậy đi lễ sáng cho quen. Hồi bé tí ở nhà, có bao giờ bỏ lễ sáng đâu, mà đi làm rồi thì biếng nhác.

- Ừ, đi lễ sáng một tuần đền tội cho mày, rồi cứ tiếp tục đi đền tội cho tao với. Cảm ơn mày những ngày qua đã thương và giúp đỡ tao. Tao nghĩ kĩ rồi. Giờ này chắc là bố mẹ tao cũng đang “ngóng con” từng ngày. Tuần tới tao sẽ về nhà, tiếp tục học hành.

- Mày suy nghĩ kĩ rồi chứ? Lên đây mới bắt đầu quen việc. Có mày tao cũng đỡ buồn hơn. Nhưng mày quyết định như thế là đúng đắn hơn cả. Cầu chúc mày về bình an. Cho tao gửi lời hỏi thăm gia đình mày, gia đình tao và quê hương làng xóm. Đợi Tết tao về luôn.

Vinh trở về gia đình kịp giờ cơm tối. Nhìn cha mẹ cậu có vẻ xanh xao và gầy ốm hơn chút xíu. Bàn ăn vẫn luôn dọn cho ba người, vì mẹ cậu nói cha mẹ luôn mong một ngày nào đó cậu về ăn bữa cơm gia đình ấm cúng. Phòng ngủ của cậu cũng sạch sẽ, ngăn nắp và sách vở đã sẵn sàng để cậu bắt đầu tiếp tục học hành.

***

Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội năm nay cũng là ngày khai mạc Năm thánh  Lòng Chúa Thương Xót. Trong bài giảng lễ, cha xứ mời Vinh lên chia sẻ kinh nghiệm trở về của mình: “Lòng Thương Xót của Chúa Cha đã chạm đến quả tim chai lì đầy tính tự ái của con, và dẫn con về nhà bình an. Về đến nhà, con mới cảm nghiệm được rằng cha mẹ vẫn yêu thương và ngóng con về từng ngày, thì Thiên Chúa cũng vui biết mấy khi các tội nhân trở về với Ngài từng phút giây”.

Đó cũng là ngày Vinh xin gia nhập nhóm dự tu của giáo xứ. Cậu nuôi dưỡng ước mơ làm Linh mục để có thể thực thi Lòng Thương Xót của Chúa một cách hữu hiệu hơn, để đi tìm nhiều con chiên lạc về với Chúa nơi Bí tích Hòa giải.

Description: D:\TU LIEU 2011\BTVHQN\GIAI VIET VAN DUONG TRUONG 2015\LOGO\Viet van DT.png

 

 

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ tư - 2016

 

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài: đợt này cuộc thi ưu tiên nhấn mạnh hai đề tài: Lòng Chúa thương xót – Việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo Việt Nam – Trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên (theo thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô); tuy nhiên vẫn nhận cả những bài viết ngoài hai đề tài ấy, miễn là có nội dung Kitô giáo.

6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.

8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.

15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng

Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:

- một giải nhất:                                                         20.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải                                              12.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải                                                  8.000.000 $VN

- 15 giải triển vọng, mỗi giải                                    3.000.000 $VN

 Tuyển tập truyện ngắn riêng

Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

 Qui Nhơn, ngày 15-8-2015

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn

 

 



[1] Tin mừng Gioan, chương 8, câu 11

[2] Tin mừng Macco, chương 2, câu 17

[3] Tin mừng Gioan, chương 15, câu 13S


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 04
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 03
     CÚ NGÃ... ĐỔI ĐỜI ! Lm. Đaminh Hương Quất
     Cùng nhau đi hái lộc đầu năm_ Trần Văn Tân, S.J.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_BẢN TIN 02
     KITÔ HỮU LOAN BÁO TIN MỪNG_ Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo
     Giáo xứ tôi thao thức TRƯỚC TIẾNG GỌI TRUYỀN GIÁO. MM Tân, S.J.
     TRUYỀN GIÁO DỄ HAY KHÓ? (sưu tập)
     LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi, Redemptoris Missio. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Chuyện truyền giáo: NHỮNG KỶ NIỆM VUI BUỒN VỀ HƯNG HÓA. Lm. Piô Ngô Phúc Hậu