LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO
theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi, Redemptoris Missio
Bất kỳ tôn giáo nào trên
thế giới cũng đều có một linh đạo. Linh đạo đó được coi như ‘kim chỉ nam’ hướng
dẫn toàn bộ con người của họ, nhờ đó họ có thể đạt tới chân lý vẹn toàn.
Hoạt động truyền giáo
của người Kitô hữu cũng cần có một linh đạo riêng, đặc biệt cho những ai được
Thiên Chúa mời gọi để trở thành nhà truyền giáo đích thực. Linh đạo này đã được
Công đồng Vaticano II đặc biệt quan tâm, khởi đi từ sắc lệnh Truyền giáo [1] (Ad Gentes), và được
phác họa một cách rõ nét qua tông huấn Loan Báo Tin Mừng[2] (Evangelii Nuntiandi) của đức giáo hoàng Phaolô
VI. Sau cùng, linh đạo truyền giáo được đề cập một cách trực tiếp trong thông
điệp Sứ vụ Đấng cứu thế [3] (Redemptoris Missio) của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Vậy linh đạo là gì ?
“Linh đạo truyền giáo” được hiểu như thế nào?
Từ “linh đạo”,
theo nghĩa rộng, là bất cứ giá trị tôn giáo hay đạo đức nào đã được cụ thể hóa
như một thái độ hay tinh thần chi phối các hoạt động của con người. Theo nghĩa
này, chúng ta có thể nói linh đạo Phật giáo, linh đạo Nho giáo, linh đạo Lão
giáo, linh đạo Ấn giáo… Còn theo Kitô giáo, “linh đạo” là ‘sống theo Thần Khí’ (Rm 8,4). Lối sống này có liên quan
đến thái độ bên trong của con người, đặc biệt là người mang sứ vụ rao giảng Tin
Mừng, nên sống “linh đạo truyền
giáo” là sống theo tác động của Chúa Thánh Thần - Đấng làm cho chúng ta
tham dự một cách trung thành và tin tưởng - vào sứ mạng của Chúa Kitô[4].
Mọi Kitô hữu, nhờ bí
tích rửa tội, được mời gọi để sống thực tại Kitô giáo và sứ mạng của Giáo Hội,
vì sứ mạng của Giáo Hội là sứ mạng của chính Chúa Kitô, Đấng đã truyền cho các
tông đồ sứ mạng mà Ngài tiếp nhận từ Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x.Lc
4,18). Vì thế, nhà truyền giáo cần phải sống ơn của Chúa Thánh Thần như Đức
Kitô, cũng như mọi hoạt động truyền giáo của Gíao Hội phải được thúc đẩy bởi
Chúa Thánh Thần.
Sau đây là một vài điểm
gợi ý sống ‘linh đạo truyền giáo’ theo giáo huấn của Giáo Hội theo các tài liệu
trên.
1. Luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Đó là mối quan tâm đặc
biệt mà Đức Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp Sứ vụ đấng cứu độ: là người hoàn toàn vâng phục Thần Khí, tức là
người “để cho Thần Khí uốn nắn bên trong, hầu luôn trở nên giống Đức Kitô hơn”[5]. Về kinh nghiệm này, thánh
Phaolô trong thư Roma giải thích như sau: người tuân theo các thôi thúc
của ân sủng là người “bước đi trong Thánh Thần”, là người được Chúa Thánh Thần
tác động (x.Rm 8,4.14). Như thế, cả cuộc đời tại
thế của Đức Giêsu là một chuỗi vâng phục theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần:
khởi đi từ biến cố Nhập thể (x. Lc 1, 35), rồi Người được Thần Khí dẫn vào
hoang địa để chịu cám dỗ 40 đêm ngày (x. Mt 4,1); và đang khi chịu phép thanh
tẩy tại sông Gio-đan, Người được đầy Thần Khí (x. Lc 3, 22), sẵn sàng khởi đầu
sứ vụ rao giảng và vâng phục Người hoàn toàn cho đến chết.
Trước lời mời gọi của
Đức Kitô trong hành trình rao giảng khắp nơi trên đất Do Thái, các Tông đồ cũng
vì mến Chúa, nên đã quảng đại đi theo Người loan báo tin mừng. Nhưng Kinh Thánh
còn cho biết: họ vẫn chưa hiểu nổi những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, cũng như
chưa thể nhận ra những dấu chỉ tình yêu mà Người giành cho nhân loại, nhất là
khi Người bước vào con đường đau khổ và sự chết. Chỉ sau khi Đức Kitô phục sinh
và trao ban Chúa Thánh Thần, thì tâm trí các Tông đồ được mở ra, lòng tràn đầy
niềm vui hoan lạc vì có Chúa ở cùng; kết quả lời rao giảng đầu tiên đã có rất
nhiều đàn ông đàn bà xin theo đạo (x. Cv 2).
Sứ vụ truyền giáo hôm
nay của Giáo Hội cũng không ngoài con đường mà cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi
đã trải qua, nghĩa là các nhà truyền giáo ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn, thử
thách khi thi hành sứ vụ đem Tin Mừng đến cho mọi người. Nhưng dù có nhiều khó khăn đi nữa, thì Thánh
Thần - Đấng tùy ý ban phát các đoàn sủng và là sức mạnh – sẽ ban cho họ ơn can
đảm để trung thành với Tin Mừng, và trở thành những chứng nhân sống động của
Đức Kitô, đến nỗi họ coi thường tính mạng, sẵn sàng đón nhận đau khổ cho đến
hơi thở cuối cùng vì danh Đức Giêsu Kitô.
Có thể nói, trọn cuộc
đời của Đức Kitô đã để cho Thần Khí uốn nắn và hướng dẫn, để Người hoàn tất sứ
mạng cứu chuộc mà Chúa Cha đã trao cho Người. Còn chúng ta, những người mang
thân phận mỏng dòn, yếu đuối và bất lực… càng phải để cho Người uốn nắn biết
bao! Nếu không, chúng ta sẽ không thể rao giảng[6].
2. Sống tinh thần ‘sai đi’ của Đức Kitô
Những ai được mời gọi
làm chứng cho Chúa phục sinh, thì cũng được mời gọi để sống tinh thần ‘sai đi’của
Đức Kitô; tinh thần đó đã được nhắc đến qua các thông điệp, tông huấn và sắc
lệnh của Giáo Hội.
Thật vậy, vấn đề được
quan tâm đầu tiên là sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, để hoàn toàn
dấn thân phục vụ rao giảng Phúc Âm[7]; nhưng kết quả của việc dấn thân và phục
vụ này, còn tùy thuộc rất nhiều nơi nhà truyền giáo: sự thấm nhuần đời sống và
sứ mệnh của Đức Kitô, hay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và củng cố. Để đứng
vững trong ơn gọi đặc biệt này, Công đồng mời gọi các nhà truyền giáo biết từ
bỏ mình, từ bỏ những gì mình có từ trước đến nay, để “trở nên mọi sự cho mọi
người” (1Cor 9,22)[8].
Như vậy, việc “từ bỏ”
được xem như một trong các điều kiện để người môn đệ có thể thi hành sứ vụ như
Đức Kitô. Trong thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô đã quảng diễn tấm gương
“từ bỏ” của Đức Kitô như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như
người trần thế” (Pl 2, 6-7). Việc ‘trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ’ của Đức Kitô không
chỉ vì Người muốn làm theo ý Chúa Cha (x.Pl 2,8), mà còn cho thấy Người muốn
nên một với con người, để dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa.
Theo gương Đức Kitô, nhà
truyền giáo cũng sẽ bước đi trên cùng một con đường với thày mình, mà đích điểm
chính là thập giá. Nên khi bước vào con đường hẹp của Tin Mừng, người môn đệ
phải dấn thân, từ bỏ tất cả, nhất là việc tìm kiếm những thỏa mãn trong tiền
tài, danh vọng, tiện nghi, lợi lộc và các sở thích vật chất để phục vụ Tin
Mừng; vì theo thánh Phaolô, những nết xấu do tính xác thịt chi phối dễ nổi loại
chống lại tinh thần; và “ai bị tính xác thịt chi phối, thì không thể vừa lòng
Thiên Chúa” (Rm 8, 8). Trái lại, người sống
theo Thần Khí, tức là sống khiêm nhường, đơn sơ, nhịn nhục, quên mình, hy sinh,
bác ái… thì hướng về những gì thuộc Thần Khí, tức là có sự sống và bình an (x.
Rm 8,5-6). Cho nên thánh Công
đồng khuyên nhủ các nhà truyền giáo luôn biết sống khiêm nhường, sẵn sàng từ bỏ
mình để thực sự trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô[9].
Ngoài sự “từ bỏ” bằng ý
chí, sống tinh thần “sai đi” của Đức Kitô còn đòi hỏi một sự từ bỏ ngặt nghèo
hơn nữa, đó là thời gian, tình thân thiết với gia đình, người thân, bạn bè,
láng giềng và cả quê hương xứ sở, để lên đường phục vụ trong Thánh Thần tại các
miền truyền giáo xa xôi, hẻo lánh. Đức Gioan Phaolô II đã nhìn vấn đề này trong
chiều kích sứ vụ nên Ngài nói: “việc từ bỏ người thân hay của cải tại quê
hương, chính là để nhà truyền giáo trở nên anh em của những người mình được sai
đến, và mang Đức Kitô đến cho họ”. Đây cũng chính là linh đạo mà nhà truyền
giáo đại tài Phaolô đã làm khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các dân
ngoại. Ngài xác định rõ, ngài phục vụ là vì Tin Mừng : “Tôi đã trở nên yếu với
những người yếu, để chinh phục những người yếu…với mọi người, tôi đã nên mọi
sự, để dầu sao cũng cứu được ít người. Mọi sự tôi làm, đều là vì Tin Mừng..” (1Cor 9, 22b-23).
Như vậy, tất cả những gì
làm cản trở nhà truyền giáo trong việc theo Đức Kitô và thực thi sứ vụ loan báo
Tin Mừng, thì cần phải dứt khoát loại bỏ, để việc phục vụ Tin Mừng thực sự trở
nên hữu ích cho mọi người (x.1Cor 9, 22).
3. Chúa Thánh Thần, tác nhân chính trong sứ vụ truyền giáo của Giáo
Hội
Có lẽ không ai phủ nhận
vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là
trong sứ mạng ‘đến với muôn dân’. Sứ mạng này đã được Đức Kitô phục sinh trao
cho các tông đồ, là những người đã cùng ăn cùng ở với Người, và cũng là những
người đầu tiên trong Hội Thánh. Qua những con người này, Chúa Thánh Thần vẫn
tiếp tục “ngự trị như một chủ thể siêu việt”[10] để họ có thể thực hiện
sứ vụ đó trong con người và trong lịch sử thế giới.
Quả thật, Kinh Thánh Cựu
ước diễn tả sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ngay từ buổi đầu khi Thiên
Chúa tạo thành vũ trụ (x.St 1,1). Thần Khí được liên kết với sự sống và ban sự
sống, nên sự hiện diện của Người trong thế giới được diễn tả như một quyền lực
ẩn tàng để hoạt động và hướng dẫn lịch sử hướng tới những chân lý vẹn toàn và
sự thiện hảo của Ba Ngôi Chí Thánh[11]. Hơn nữa, Kinh Thánh còn cho thấy Người
hoạt động trên con người, những người Do Thái như vua Saul, vua David… và còn
làm cho những người tầm thường khác trở nên mạnh mẽ, thành những sứ giả của
Thiên Chúa[12] hay “người của Thiên
Chúa”[13] để công bố sứ điệp của
Người cho dân như ngôn sứ Môsê[14], Giêrêmia[15], Amos[16], Edêkiel…
Trong Tân ước, Thần Khí
không chỉ hiện diện và hoạt động trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu tại thế (từ
lúc nhập thể cho đến khi chết, sống lại và lên trời), mà còn gắn liền với sứ
mạng loan báo Tin Mừng của Người. Đặc biệt khởi đi từ lễ Ngũ Tuần, Thần Khí của
Đấng phục sinh đã đặt trên môi miệng các tông đồ những lời lẽ mà tự sức họ
không thể làm được; đồng thời cũng chính Người đã chuẩn bị tâm hồn của những
người nghe, để họ sẵn sàng mở rộng trái tim đón nhận Tin Mừng được loan báo từ
các tông đồ[17].
Trong sự xác tín mạnh mẽ
ấy, tông huấn Loan Báo Tin Mừng của đức Phaolô VI khẳng định rõ rằng: “ngay cả
khi những kỹ thuật, những kế hoạch, những chương trình, những lược đồ và cả
những lời lẽ biện luận chắc chắn nhất đã được chuẩn bị một cách tốt nhất để
loan báo Tin Mừng cũng không thể thay thế hoạt động âm thầm của Chúa Thánh
Thần”[18]. Qua tông huấn này, Đức Thánh Cha tha
thiết mời gọi mọi người, đặc biệt là các nhà truyền giáo, không ngừng kêu xin
Chúa Thánh Thần để Ngài dẫn dắt, điều khiển mọi chương trình, mọi hoạt động rao
giảng Tin Mừng của chúng ta.
4. Yêu mến Giáo Hội và con
người[19]
Giáo huấn của Giáo Hội còn đề cao tinh thần yêu mến Giáo
Hội và con người nơi nhà truyền giáo. Vì như Đức Kitô, đấng đã yêu mến và phó
mình vì Giáo Hội thế nào (x. Ep 5,25), thì nhà truyền giáo cũng phải theo gương
thày mình, yêu mến và phó mình cho Giáo hội như vậy.
a. Yêu mến Giáo hội
Theo hướng dẫn của Đức Phaolô VI, yêu mến Giáo Hội trước
hết là xây dựng sự hiệp nhất giữa các môn đệ, hay giữa những người truyền giáo
với nhau. Sự hiệp nhất này không chỉ là bằng chứng cho thấy chúng ta là môn đệ
của Đức Kitô, song còn là lời chứng sống động cho sứ mạng của Chúa Giêsu, vì
Ngài đến là để quy tụ mọi con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (x.Ga
11,52).
Hơn nữa, dấu chỉ ‘hiệp nhất’ giữa các tín hữu còn là con
đường và là khí cụ của việc loan báo Tin Mừng, chứ không phải ‘chia rẽ’; vì nếu
chúng ta chia rẽ là chúng ta làm hoen ố công cuộc của Chúa Kitô[20]. Công đồng Vaticano II khẳng định rằng:
“sự chia rẽ giữa các Kitô hữu gây tai hại cho công việc rất thánh thiện là rao
giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối
với nhiều người” (AG 6). Vì thế, tinh thần này phải được thể hiện bằng sự
trưởng thành trong đức tin, sẵn sàng chia sẻ với nhau những khó khăn, những
căng thẳng thực tế, và không ngừng cùng nhau tìm kiếm chân lý cách chân thành
và vô vị lợi[21]. Thánh Phaolô còn cho biết: nỗi ray rứt
hàng ngày của Ngài là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! (x. 2Cr 11, 28).
Vậy nếu nhà truyền giáo trung tín, hiệp nhất với Chúa Kitô, thì cũng trung tín
và hiệp nhất với Hội Thánh của Người[22].
b. Yêu mến con người
Đối tượng của công cuộc truyền giáo là con người, do đó,
nhà truyền giáo cần có tình yêu như Đức Kitô mục tử nhân lành: biết chiên, tìm
chiên và hiến thân vì chiên. Khởi đi từ tình yêu này, nhà truyền giáo được thôi
thúc bởi “lòng nhiệt thành với các linh hồn”, là quan tâm, ân cần, trắc ẩn, đón
tiếp, sẵn lòng, lo lắng đến những vấn đề của con người mà không phân biệt màu
da, tiếng nói, chủng tộc, giai cấp xã hội… nói chung là thực thi bác ái đối với
mọi người, ưu tiên cho những người nghèo, những trẻ em đường phố và những người
bất hạnh bị xã hội ruồng bỏ[23].
Theo Đức Gioan Phaolô II, yêu mến con người hôm nay cũng
cần tỏ cho họ biết là họ cũng được Thiên Chúa yêu thương; đồng thời họ cũng có
khả năng yêu thương người khác như mọi tín hữu khác, bởi vì họ cũng là con cái
Thiên Chúa, là dấu ấn tình thương của Người.
5. Nhà truyền giáo đích thực
là một vị thánh
Thông điệp Sứ vụ Đấng cứu độ ghi nhận: linh đạo truyền
giáo là đường dẫn tới sự thánh thiện, do đó, nhà truyền giáo đích thực
cũng chính là một vị thánh. Vậy trở nên thánh thiện là gì ?
Đức Gioan Phaolô II khẳng định: nhà truyền giáo trước hết
phải dấn thân theo đuổi con đường thánh thiện, vì “sự thánh thiện là nền tảng
cốt yếu và là một điều kiện tuyệt đối không thể thay thế để chu toàn sứ vụ cứu
độ của Giáo Hội”[24]. Như vậy, sự thánh thiện
theo ơn gọi Kitô giáo và ơn gọi truyền giáo có một mối liên hệ mật thiết với
nhau, nghĩa là người tín hữu cùng một lúc được mời gọi trở nên thánh thiện và
truyền giáo. Nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng sự thánh thiện và truyền giáo?
Theo sắc lệnh Ad Gentes số 25, Công đồng khuyên nhủ
nhà truyền giáo cần nuôi dưỡng sự thánh thiện và truyền giáo bằng đời sống
thiêng liêng, cầu nguyện, hy sinh, tận hiến chính mình, gia tăng lòng yêu mến
Chúa và các linh hồn. Còn tông huấn Evangelii Nuntiandi số 76, Đức Phaolô VI nhấn
mạnh việc nuôi dưỡng sự thánh thiện và lòng nhiệt tâm truyền giáo bằng đời sống
cầu nguyện, nhất là bằng lòng mến đối với bí tích Thánh Thể. Riêng với đức giáo
hoàng Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris Missio số 91 nhắc nhớ : nhà truyền
giáo phải canh tân đời sống mỗi ngày bằng sự hoán cải, đào tạo giáo lý và mục
vụ hợp thời, chiêm niệm trong hành động để có thể loan báo Đức Kitô một cách
thuyết phục hơn.
Song song với việc nuôi dưỡng sự thánh thiện và truyền
giáo, nhà truyền giáo còn phải trở nên bạn hữu với người mình rao giảng, nghĩa
là gắn bó, gần gũi với họ như anh em trong cùng một cha trên trời. Thánh Phaolô
đã chia sẻ kinh nghiệm này khi nói: “chúng tôi thật gắn bó với anh em, đến nỗi
không chỉ muốn chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với anh em, mà còn trở nên những
người thân mến của chúng tôi” (1Th 2, 8). Thật vậy, cung cách sống hòa đồng như
thánh Phaolô không phải là để “mị” người mình rao giảng, nhưng là để chia sẻ
niềm vui thánh thiện, tôn trọng lương tâm cũng như quyền tự do tín ngưỡng, đặc
biệt đối với những người không cùng tôn giáo. Điều quan trọng là nhà truyền
giáo phải luôn trung thành với chân lý, nhất là chân lý của mạc khải, vì chân
lý này, nhờ lý trí, con người có thể hiểu nhưng không thể hiểu thấu, nên cần
phải không ngừng tìm kiếm để có thể truyền đạt chân lý đó cho người khác.
Tuy nhiên, dù cho việc nắm bắt chân lý có bị hạn chế,
nhưng nhà truyền giáo vẫn “không bao giờ được phản bội hay che đậy chân lý vì
muốn làm vui lòng người nghe, vì muốn gây ngạc nhiên, vì muốn tạo nên giựt gân,
hay vì muốn lập dị háo danh. Người đó không được chối bỏ
chân lý, không phiền phức hay vì sợ hãi. Người đó không được phép
khinh thường việc nghiên cứu. Người đó phải phục vụ chân lý cách quảng đại mà
không kiềm chế chân lý”[25].
Sau cùng, việc nuôi dưỡng sự thánh thiện và truyền giáo
mà thế giới hôm nay đang mong đợi nơi các nhà truyền giáo, đó là sự vâng phục
và khiêm tốn, siêu thoát từ bỏ mình và từ bỏ mọi sự. Vì nếu không có những dấu
hiệu về sự thánh thiện, thì những lời chúng ta rao giảng, hay những hành động
chúng ta làm, khó đi vào lòng người, hoặc có nguy cơ trở thành uổng công và vô
hiệu[26]. Do đó, Đức Phaolô VI đã
khích lệ các nhà truyền giáo phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành, nhờ đó, việc rao
giảng cũng sẽ làm cho người rao giảng được lớn lên trên đường thánh thiện.
Kết luận
Linh đạo truyền giáo của
Giáo Hội khởi đi từ chính linh đạo của Chúa Kitô trong sứ vụ loan báo tin mừng
mà Ngài lãnh nhận từ Chúa Cha nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhà truyền giáo đích thực không thể rao giảng
Tin Mừng nếu không bắt chước Chúa Kitô và không sống đúng linh đạo của Người.
Câu hỏi
gợi ý:
1. Anh/Chị đã sống linh đạo truyền giáo theo Giáo
huấn của Giáo Hội thế nào?
2. Anh/Chị có thấy việc loan báo Tin mừng là cấp
bách và khẩn thiết trong đất nước của chúng ta không?
3. Anh/Chị phải làm gì để trở nên người loan báo
Tin mừng hay nhà truyền giáo nhiệt thành trong thế giới hôm nay?
4. Khó khăn của Anh Chị là gì khi tìm hiểu về linh
đạo truyền giáo?
Nt. Maria Phạm Thị Hoa O.P
[1] Công đồng Vaticano II,
sắc lệnh “Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” (Ad Gentes), (7.12.1965), số 23-27.
[2] Phaolô VI, tông huấn “Loan
báo Tin Mừng”, (Evangelii Nuntiandi), (8.12.1975), số 74-80.
[3] Gioan Phaolô II, thông
điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio), (7.12.1990), số 87-91.
[4] Bifet Esquerda J., Spiritualità
missionaria,
in Dizionario di Missiologia, Edizioni Dehoniane, Bologna 1993, p. 481.
[5] RM 87.
[6] X. EN 75.
[7] AG 24.
[8] X. AG 24.
[9] X. AG 24.
[10] RM 21.
[11] EA 15.
[12] Is 44, 26.
[13] 1V 17,18.
[14] Xh 3,11-4,7.
[15] Gr 1,46.
[16] Am 3,3-8.
[17] X. Cv 2.
[18] EN 75.
[19] RM 89.
[20] X. EN 77.
[21] X. EN 77.
[22] X. PO 14.
[23] RM 89.
[24] CL 17.
[25] EN 78.
[26] X. EN 76.