DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI NHẬP
CƯ
Đất nước Việt Nam - kể từ khi chính
phủ “mở cửa” thì nền kinh tế quốc gia phát triển một cách nhanh chóng. Tại các
thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội,… tập trung nhiều khu công nghiệp,
khu chế xuất, tạo ra nhiều công việc,…chính vì thế, người dân từ các tỉnh thành
khác lần lượt kéo nhau về đây để kiếm kiếm sống. Cứ thế hằng năm, làn sóng di
dân mỗi ngày một gia tăng, từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy như: kinh tế, tôn
giáo, giáo dục, văn hóa,… làm cho xã hội ngày càng phức tạp, làm đau đầu bao
nhà lãnh đạo về tôn giáo cũng như chính trị, xã hội. Chính phủ và các tổ chức
xã hội, tôn giáo, y tế, giáo dục,… đã tìm đủ mọi cách để giúp đỡ đời sống những
người di dân làm sao đảm bảo cho họ không chỉ về phương diện vật chất mà còn
giúp đỡ họ về tinh thần và tâm linh nữa.
Hòa mình vào công việc chung ấy,
Dòng Đồng Công đã có những việc làm cụ thể kể từ khi đất nước đang trên đà phát
triển; những việc làm như: mở nhà Bác ái nấu cơm miễn phí, Lắp đặt hệ thống
nước sạch để cung cấp nước uống sạch miễn phí. Mở lớp học hè và các lớp ôn miễn
phí, cung cấp cháo miễn phí cho các bệnh nhân… Một trong những công việc giúp
đỡ làn sóng di dân một cách cụ thể đó là giúp họ về đời sống tâm linh; hay nói
một cách khác đó là dạy Giáo lý Dự tòng, Giáo lý Hôn nhân và đồng hành với họ
trong đời sống tôn giáo mới mà họ đang theo, đang sống.
1. Những bước đầu tiên
Dòng Đồng Công là một Dòng truyền
giáo. Ngay từ thời Dòng còn ở Bắc Việt cho tới khi chuyển vào miền Nam, đi tới
đâu Dòng cũng có những cơ sở truyền giáo. Tuy nhiên, công việc ấy đã bị gián
đoạn kể từ khi đất nước đổi chủ. Ngược dòng thời gian, vào khoảng năm 1996 -
1997 của thế kỉ XX, Nhà nước mở cửa, các hoạt động về tôn giáo, giáo dục, y tế,
văn hóa xã hội phát triển mạnh; và cũng thời gian đó, tại Dòng Đồng Công đã có
một số anh chị em đến xin học Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân, Nhà Dòng
cũng đã bắt đầu lưu tâm về vấn đề này, Bề trên Dòng đã cho một số thầy bắt đầu
dạy Giáo lý cho những người tới xin học. Giai đoạn đầu này là mang tính chất tự
phát; nhóm các thầy đầu tiên như thầy Khải , thầy Ái, thầy Tài,…do thầy Bính
đứng đầu giúp đã đỡ dân chúng tới học Giáo lý một cách tích cực. Công việc này
mỗi lúc một phát triển nhanh bởi vì có nhiều người tới Dòng xin học Giáo lý.
Dẫu là giai đoạn đầu tiên nhưng Dòng đã thu hoạch được nhiều thành quả; hầu hết
những ai học Giáo lý tại Nhà Dòng lúc bấy giờ đều được rửa tội tại Nhà nguyện
Di dân của Dòng do tay cha Mi-ca-e Ma-ri-a Nguyễn Trung Giáo. Thời gian dần
trôi, năm 2001, điều hành chung việc dạy Giáo lý lúc này được giao cho cha
Stê-pha-nô Phạm Cao Đích; cha đã cùng các thầy khác như: thầy Khải, thầy Bính,
thầy Thanh, thầy Quang, thầy Phùng, thầy Túy, thầy Xuân Hào… tích cực dạy Giáo
lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân tới năm 2006.
2. Hình thành và phát triển
Từ 2006, Ban Giáo lý và Đặc trách Di
dân đã được các Bề trên quan tâm đặc biệt và Ban Giáo lý đã chính thức nằm
trong Tổng ban Truyền giáo của Hội Dòng. Bên cạnh đó, do nhận thấy thành quả
đạt được từ việc dạy Giáo lý và công tác Di dân nơi Dòng Đồng Công, nên Đức
Hồng Y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn đã công nhận những thành quả ấy và
Ngài còn khuyến khích Nhà Dòng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc truyền giáo, cụ
thể là dạy Giáo lý cho những người dự tòng. Dưới sự điều hành của cha
Stê-pha-nô Ma-ri-a Phạm Cao Đích (Tổng Cố vấn 3), Ban Truyền giáo nói chung và
Ban Giáo lý đã hoạt động một cách tích cực. Hàng loạt các hoạt động truyền giáo
được mở ra trong thời kì này, chẳng hạn: phát thuốc, hớt tóc miễn phí tại Đất
thánh; lắp ráp một số máy lọc nước uống tinh khiết cho dân chúng tới lấy,…cách
riêng là việc dạy Giáo lý. Người học Giáo lý mỗi ngày một đông hơn, các phòng
khách cũ của Nhà Dòng đã không đủ chỗ để cho các lớp giáo lý hoạt động; hơn
nữa, ngôi Nhà nguyện A đã trở nên quá nhỏ bé khi phải rửa tội hằng tháng cho
một số đông dự tòng, thế nên Nhà Dòng đã phải tính đến chuyện đưa các lớp Giáo
lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân ra ngoài Giáo xứ Châu Bình và rửa tội cho họ tại
đó.
Thực ra, đây cũng là vấn đề phù hợp
với Giáo luật Giáo Hội Công Giáo điều 857 triệt 2, và điều 860: có nghĩa là
người lớn buộc phải rửa tội tại nhà thờ của giáo xứ chứ không phải ở những nơi
khác (trừ khi có phép riêng của Đức Giám mục). Ngoài ra, cha xứ nơi mới là
người chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề thiêng liêng (cụ thể là ban phát
các bí tích) của giáo xứ mình (Giáo luật điều 528 -535). Chính vì thế, cha Toàn
(chánh xứ Châu Bình) là người chịu trách nhiệm với các Đấng bản quyền về tất cả
những gì mà Giáo luật đòi hỏi nơi một cha chính xứ. Vì cha Toàn cũng mong muốn
những hoạt động truyền giáo như: việc dạy Giáo lý và hoạt động Di dân nơi Dòng
Đồng Công được mở rộng hơn nữa nên Ban Giáo lý đã mở các lớp đào tạo Giáo lý
ngay tại Nhà xứ Châu Bình và tháng nào cũng có nhiều dự tòng được lãnh nhận Bí
tích Thánh tẩy tại nơi đây.
Từ những năm 2011 trở đi, Ban Giáo
lý càng ngày càng phát triển nhanh hơn nữa. Cha Thanh và sau này là cha Khải (Trưởng
Ban Giáo lý ) đã cùng các thầy, kết hợp cùng cha xứ Châu Bình, mỗi năm đã giúp
cho rất nhiều anh chị em dự tòng trở về với Chúa qua Bí tích Rửa tội; biết bao
cặp uyên ương nhờ các thầy hướng dẫn, dạy dỗ đã trở thành vợ chồng trong đạo
Công Giáo; biết bao ơn phúc mà Thiên Chúa đã đổ xuống cho anh chị em di dân qua
lời cầu nguyện và qua sự chỉ dẫn về Giáo lý, về cách sống đạo bởi các thầy, các
cha Dòng Đồng Công.
3. Lịch trình hướng dẫn
Chương trình hướng dẫn Giáo lý cho
người dự tòng với thời gian khóa học là sáu tháng. Mỗi tuần, các học viên phải
đến lớp khoảng hai buổi, mỗi buổi là một tiếng đồng hồ. Nếu muốn học thêm Giáo
lý Hôn nhân thì họ phải học tăng giờ lên, mỗi tuần thêm hai buổi nữa thì mới
đảm bảo được chất lượng và số kiến thức cần và đủ cho việc lãnh nhận các Bí
tích. Ngoài ra, các thầy còn dạy kèm riêng cho những cặp hôn nhân cần phải cưới
gấp. Với sự thỏa thuận, các cặp bạn trẻ ấy phải sắp xếp thời gian làm sao vừa
thuận tiện cho họ và cũng phải thuận tiện cho các thầy nữa. Đối với Giáo lý cho
người dự tòng thì họ sẽ phải trải qua ít là hai lần kiểm tra trong kì họ và một
kì thi cuối khóa. Còn đối với môn Giáo lý Hôn nhân, họ phải trải qua ba kì thi:
một là về Giáo lý, hai là về các kinh và ba là những câu hỏi về cách sống đạo.
Về giảng viên hướng dẫn, đa số các
giảng viên là các thầy đã hoặc đang học chương trình Triết học và Thần học,
chẳng hạn: Thầy Y Phan, thầy Trưởng, thầy Tư, thầy Giang, thầy Phi, thầy Cơ,
thầy Tước, thầy Thuyết, thầy Hảo, thầy Bổng, thầy Tiến Lễ, thầy Huy, thầy
Thuật, thầy Khoa, thầy Phúc Lộc, thầy Nghi, thầy Vượng, thầy Bảo, thầy Trọng,
thầy Khúc,… ; ngoài ra các giảng viên còn có thêm một số linh mục có bề dầy
kinh nghiệm trong việc giảng dạy Giáo lý như: cha Khải, cha Tặng, thầy Châu,
cha Thân, cha Hào, cha Đính. Bên cạnh đó, cha Khải còn nhờ thêm các chuyên gia
hướng dẫn về tâm lý như sơ Quế (Tiến sĩ Tâm lý); các bác sĩ chuyên về đời sống
sinh hoạt vợ chồng như: Bác sĩ Gio-an B. Nguyễn Lê Hoàng Phi, Bác sĩ Lan Hải
(Thạc sĩ Tình dục học); một giáo dân chuyên về đời sống đạo như: cô Tê-rê-sa Vũ
Thị Minh Hải, anh Gio-an B. Phạm Thành Đức… Ở mỗi lãnh vực chuyên biệt ấy, các
chuyên gia sẽ hướng dẫn các học viên để cho họ có thêm kinh nghiệm và hành
trang cho một đời sống mới đang đón chờ họ.
Về giáo trình, từ năm 2011 trở về
trước, các thầy thường sử dụng giáo trình của các địa phận như các Sách Giáo lý
của Giáo phận Xuân Lộc, Giáo phận Sài Gòn. Từ năm 2011 trở lại đây, các thầy đã
sử dụng giáo trình mới do cha Gio-an Ma-ri-a Thiên Khải tổng hợp từ một số giáo
trình khác nhau. Giáo trình gồm 2 cuốn: một là cuốn Giáo lý Dự tòng, hai là
cuốn Giáo lý Hôn nhân.
Cuốn Giáo lý Dự tòng bao gồm 50 bài được chia ra làm bốn
phần:
Phần 1: Tuyên xưng Đức tin, đó là
những điều phải tin, tất cả là 18 bài nói về Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước
và Lịch sử cứu độ, các màu nhiệm của Hội Thánh Công Giáo…
Phần 2: Những điều lãnh nhận, bao
gồm 13 bài: đó là các Bí tích, các Á Bí tích, ơn Chúa…
Phần 3: Đời sống trong Đức Ki-tô
(những điều phải giữ), bao gồm 15 bài, đó là người tín hữu phải giữ các lệnh
truyền, các giới răn của Chúa và Hội Thánh và sống theo thánh ý Chúa…
Phần 4: Kinh nguyện Ki-tô giáo, bao
gồm 5 bài giáo lý và một số kinh sáng – tối phải thuộc, một số bài hát thường
hát trong phụng vụ,…
Cuốn Giáo lý Hôn nhân 18 bài và phần phụ lục
Phần 1: Nói về Bản tính Hôn nhân
Ki-tô giáo, bao gồm 6 bài.
Phần 2: Nói về cách Xây dựng Đời
sống Ki-tô giáo làm sao cho hạnh phúc.
Phần 3: Nói về Luân lý Tính dục
Ki-tô giáo.
Cuối cùng là phần phụ lục.
Với hai cuốn giáo trình chính này, cộng
thêm một số tài liệu khác mà các cha, các thầy đã tự tham khảo; thế nên các học
viên đã có cơ hội được tiếp cận với nhiều thể loại kiến thức về đạo, đủ để cho
họ hiểu và sống đạo một cách căn bản nhất.
4. Thành quả đạt được
Kể từ những năm 1997 trở lại đây, số
người lãnh nhận Bí tích Rửa tội đã lên tới con số ngàn. Hiện nay, mỗi năm Dòng
Đông Công thường mở hai khóa học Giáo lý Dự Tòng và Giáo lý Hôn nhân. Mỗi khóa
như vậy thường có hai lớp Giáo lý Dự tòng và hai lớp Giáo lý Hôn nhân, mỗi lớp
cũng có tới 40 – 50 học viên. Thủ tục đăng kí học Giáo lý tại Nhà Dòng thật là
đơn giản: chỉ cần sự đồng ý của cha xứ nơi các học viên đang cư trú là được.
Đến với Nhà Dòng, các cha, các thầy dạy Giáo lý hoàn toàn miễn phí: về thời
gian dạy, về giáo trình, về tất cả các tài liệu liên quan, về chụp hình khi
lãnh nhận các bí tích. Không những thế, sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, người Tân
tòng còn được Nhà Dòng tặng một vài món quà nhỏ để làm kỉ niệm như: vài cuốn
sách, tấm hình hay pho tượng Chúa, Đức Mẹ,…Và cứ và Chúa Nhật thứ 2 mỗi tháng,
Nhà Dòng lại có những dịp rửa tội cho các Dự tòng tại Nhà thờ Giáo xứ Châu
Bình. Trung bình mỗi tháng các Dự tòng được rửa tội thường khoảng 40 người, có
khi ít hơn hoặc nhiều hơn.
Bên cạnh thành quả đạt được về số người
gia nhập Đạo Chúa thì các tu sĩ Đồng Công cũng lãnh nhận được những phần thưởng
thiêng liêng đó là niềm vui trong tâm hồn. Họ vui vì đã có nhiều người tìm về
với Chúa là Đấng Chân – Thiện – Mĩ; họ vui vì họ đã góp phần cộng tác trong
việc truyền bá Tin Mừng của Chúa; họ vui vì những việc làm, những công phúc của
họ sẽ được Chúa ghi nhận vào sổ hằng sống của Ngài; họ vui vì họ có dịp để cho
đi: cho đi thời gian, cho đi sức khỏe, cho đi kiến thức… điều đó là họ đang
thực hiện câu châm ngôn sống của Hội Dòng “Không phải được phục vụ nhưng là
phục vụ”.
5. Hướng về tương lai
Giảng dạy Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân
cho những người nhập cư là điều không khó, nhưng đồng hành với họ trong đời
sống đạo, là một điều vô cùng khó khăn; điều này không chỉ riêng đối với các
cha các thầy Dòng Đồng Công, mà còn là tất cả các Giám mục, các cha xứ, và giáo
dân trong những thành phố lớn nữa. Hiện nay, hầu như các giáo xứ ở một số thành
phố lớn có số giáo dân tăng đột ngột. Có những giáo xứ trước đây chỉ có vài ba
ngàn giáo dân, giờ có thêm giáo dân nhập cư nên đông hơn gấp hai gấp ba lần.
Chính vì thế mà công việc mục vụ của các linh mục trong địa phận mỗi ngày một
nặng nề và phức tạp thêm lên. Các linh mục mỗi Chúa Nhật phải dâng nhiều thánh
lễ, phải tổ chức nhiều lãnh vực hoạt động trong mục vụ, trong sinh hoạt chung
của cộng đồng. Nếu như giáo xứ nào hoặc cha xứ nào coi nhẹ hoặc chưa quan tâm
đủ tới những người nhập cư thì họ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, bị quên lãng.
Dòng Đồng Công cũng đã dạy Giáo lý cho
rất nhiều người nhập cư. Tuy nhiên, để đồng hành với họ trong đời sống Đức tin
thì các tu sĩ, linh mục Đồng Công cũng chưa thể kham nổi bởi trong vấn đề này
còn rất nhiều hạn chế. Biết là thế, nhưng mỗi năm, cứ vào đầu năm mới thì Dòng
Đồng Công thường tổ chức một buổi họp mặt, gọi là “Buổi Họp mặt Di dân” để Nhà
Dòng và các tân tòng có cơ hội gặp gỡ nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm
trong đời sống Đức tin mà họ mới lãnh nhận. Trong những buổi gặp gỡ ấy, rất
nhiều người đã lên chia sẻ những kinh nghiệm giữ, sống và làm chứng tá Đức tin
trong môi trường sống của họ. Ước ao rằng, nên có nhiều buổi họp mặt như thế,
không chỉ trong giới hạn của một dòng tu mà còn ra xa hơn, ở cấp độ giáo xứ,
giáo phận, để những tín hữu mới ấy có thêm nhiều kinh nghiệm sống đạo và từ đó
đời sống Đức tin của họ sẽ thăng tiến hơn.
“Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế
giới”, đó là lệnh truyền của Chúa. Đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng ư? Điều đó
là hiển nhiên. Thực vậy, Mẹ Giáo Hội luôn khuyến khích, động viên con cái mình
hãy ra đi và loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Bởi thế, dẫu cho trăm ngàn nguy
khó có xảy đến nhưng các nhà truyền giáo vẫn ra đi để đem Tin Mừng đến cho mọi
người, mọi nơi. Riêng ở Việt Nam, đặc biệt là ở một số thành phố lớn: Hà Nội,
Sài Gòn, Đà Nẵng, Biên Hòa,…các tu sĩ, linh mục không cần phải đi đâu xa, không
phải leo đồi, vượt núi,… để đi truyền giáo. Tại sao thế? Vì tại nơi đây hiện
nay đang có rất nhiều người muốn trở về cùng Chúa. “Lúa chín đầy đồng mà thợ
gặt thì ít” ; thực ra, “thợ gặt” ở đây cũng không thiếu nhưng, nhưng lại thiếu
những thợ gặt có lòng nhiệt tâm vì Chúa, thiếu những vị mục tử biết xả thân vì
đoàn chiên. Lạy Chúa, xin Chúa ban cho cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam, cách
riêng là công cuộc truyền giáo cho người di dân có thêm nhiều mục tử biết xả
thân, quên mình vì Chúa, và vì đoàn chiên của Chúa.
Hữu Ngữ, CMC
Nguồn : http://tinmung.net