Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 05

tinh lang.jpg

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Xin tạ ơn Thiên Chúa! Việc nhận bài dự thi Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ III đã kết thúc vào cuối ngày 31-3-2015. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của các trang truyền thông Công giáo và sự quan tâm giới thiệu của một số Bề Trên các Giáo phận và các Dòng tu, cuộc thi đã được các bạn trẻ khắp nơi biết đến rộng rãi và hưởng ứng đông đảo hơn hẳn so với các năm trước.

Năm đầu chỉ có 24 tác giả ở độ tuổi dự thi với 51 tác phẩm. Năm thứ II có 64 tác giả dự thi với tổng số 109 tác phẩm. Năm nay có 95 tác giả dự thi với 144 tác phẩm. Không chỉ vượt trội về số lượng mà tỉ lệ những bài bị loại vì không đạt yêu cầu cũng giảm đi rõ rệt, thật sự là những tín hiệu đáng vui mừng cho văn xuôi Công giáo.

Với bản tin số 5 lần này, hơn một nửa số bài dự thi đã được đọc sơ tuyển. Những bài vượt qua vòng loại đã được chuyển đến các giám khảo chấm sơ khảo. Tùy vào điểm tổng kết vòng sơ khảo, dự kiến sẽ có khoảng 60 bài được chọn giới thiệu vào tiếp vòng chung khảo. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong lễ trao giải được tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn tối Chúa nhật 20-9-2015. Tất cả các tác giả có bài vào chung khảo đều được mời tham dự ngày họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo lần thứ IV, từ chiều 19-9 đến tối 20-9-2015. Chúng tôi sẽ gửi thư mời riêng đến từng người.

Xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm, đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Chúc tất cả một Lễ Phục Sinh đầy ơn phước Chúa.

Qui Nhơn, ngày 01-04-2015

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

BÀI DỰ THI

Mã số: 15-049

NIỀM TIN NƠI PHÒNG HẬU PHẪU

- Hừ... hừ... hừ..., đau quá mẹ ơi!

Tiếng rên rỉ của bệnh nhân làm tôi thức giấc. Tôi ngước mắt nhìn qua ô cửa, xa xa những căn hộ chung cư còn lác đác sáng đèn. Chiếc xe máy rồ ga, rít lên một tiếng lanh lảnh rồi nhanh chóng biến mất, trả lại cho thành phố không gian yên tĩnh, khác hẳn với cái ồn ào náo nhiệt ban ngày. Căn phòng bốn giường bệnh, ba người chăm nuôi chìm trong tĩnh lặng.

- Tí...ít..., Tí...ít... - Máy đo nhịp tim và nồng độ ô-xi của bà cụ Xuân giường bên cạnh bỗng réo lên những tiếng kêu báo động.

Tôi cố gắng dồn sức lực vào đôi tay, chống đỡ cho cái thân nặng nề ngồi dậy:

- Chị Nga, chị Nga ơi! - Tôi gọi con gái cụ Xuân.

Có lẽ chị vừa chợp mắt và thiếp đi vì quá mệt. Chợt nhớ đầu giường có chuông cấp cứu, tôi vội nhoài người lần mò tìm nút bấm. Loáng thoáng vài bóng áo trắng vội vã bước vào phòng, rồi tiến thẳng đến giường bà cụ Xuân.

Từ từ thả mình nằm xuống, tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Thở dốc. Tôi cảm nghiệm rõ cái mệt của bệnh nhân vừa trải qua ca phẫu thuật khá quan trọng. Tiếng máy đo nhịp tim và nồng độ ô-xi dần dần ổn định. Sự tịch mịch lại bao trùm căn phòng trắng sáng, nhưng có vẻ lạnh lẽo và nặng nề. Tôi thấy mình chìm trong cảm giác sóng sánh, bồng bềnh như nằm trên đám bèo dày đặc, theo dòng sông trôi đi, trôi đi mãi.

**********

- Linh à, sáng nay em muốn ăn gì? Có cần chị mua giùm không?

Tôi mở choàng đôi mắt, chị Nga đứng ngay bên giường. Gương mặt cởi mở, khác hẳn thái độ dè dặt, xa cách mọi ngày, chị nhìn tôi có phần thân thiện.

- Dạ, chị mua giùm em hộp cháo thịt bằm nhé. Chị đợi em gửi tiền.

- Thôi, cứ mua về rồi tính.... Cảm ơn em đêm qua đã gọi bác sĩ giúp mẹ chị. Chị ngủ mê mệt quá, chẳng biết gì hết, may có em thức giấc. Thôi, em nghỉ đi, chị đi mua đồ ăn, tội nghiệp em nằm viện một mình.

- Không sao đâu chị! Các y tá, điều dưỡng chăm sóc em hai bốn trên hai bốn (24/24) mà; xung quanh còn có các bác, các anh chị người nhà bệnh nhân luôn sẵn sàng giúp đỡ em.

- Ừ, thôi chị đi nhé.

- Cám ơn chị nhiều! - Tôi nhìn theo dáng người nhanh nhảu của chị xa dần và khuất sau cửa kính lờ mờ.

********

- Ngày xưa, xém chút nữa là chị theo Đạo đó Linh ạ. - Chị Nga ngồi bên giường tôi, mắt hướng về phía ô cửa le lói những tía nắng vàng nhạt của một chiều cuối thu, cái nhìn xa xăm như cố nhớ lại thời trẻ trung đầy ước mơ và hoài bão.

- Sao lại như thế hả chị? - Tôi gặng hỏi.

- Ừ, hơn 20 năm về trước, chị đã từng theo học giáo lý dự tòng ở nhà thờ Kỳ Đồng. Tuần cuối cùng, chuẩn bị rửa tội, chị quyết định “bùng”. Các thầy nhờ người tìm chị dữ lắm, nhưng chị đã lặn mất tăm nơi nhà một giáo viên đồng nghiệp.

- Em vẫn chưa hiểu gì hết chị à. Vậy tại sao chị tới lớp giáo lý đó?

- Ngày ấy, chị yêu một người có đạo và quyết định gia nhập để tiến tới hôn nhân. Nhưng đến tuần cuối khóa, hai người trục trặc nên chị đành bỏ dở. Chị nghĩ có lẽ Chúa không gọi mình!

Tôi im lặng, không biết phải nói thế nào, cũng không muốn hỏi thêm về chuyện riêng tư của người khác. Tôi sợ chị buồn.

Nữ y tá và chiếc xe đẩy hướng về phía giường bà cụ Xuân.

– Người ta chích thuốc cho mẹ chị - Vừa nói chị vừa bước đi nhanh chóng.

********

Buổi tối, phòng bệnh nhộn nhịp vì nhiều người thăm hỏi. Câu chuyện rôm rả qua lại phần nào làm ấm lên bầu khí vốn trầm mặc, lành lạnh của phòng hậu phẫu.

Chị Nga vừa ngồi trông cụ Xuân, vừa dướn mắt nhìn màn hình ti-vi treo trên tường. Chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi" vừa kết thúc sau tiếng cười rộn rã và những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả.

- Em nằm ở đây một mình có buồn không? - Chị Nga chợt quay lại hỏi tôi.

- Biết làm thế nào được chị! Mới chân ướt chân ráo đến đây lập nghiệp, gia đình và các anh chị đều ở quê, em có báo tin, họ cũng không giúp được gì, còn thêm lo lắng nữa.

- Nếu là em, chắc chị nằm mà khóc quá! Có lẽ em theo đạo nên tin có Chúa giúp đỡ phải không?

- Đúng thế chị ạ. Chị biết đấy, việc làm của một sinh viên mới ra trường chỉ đủ chi trả mấy bữa ăn đạm bạc hằng ngày. Sức khỏe của em sau ca phẫu thuật này cần thời gian mới có thể bình phục, nguy cơ thất nghiệp rình rập sau lưng. Em chẳng có gì ngoài niềm tin vào Chúa quan phòng, luôn nâng đỡ con người lúc ngặt nghèo. À, sau khóa học giáo lý dự tòng ngày xưa, chị có bao giờ tìm hiểu thêm về Đạo nữa không?

- Thú thực với em, mối tình đầu mãi mãi dang dở, chị không còn lòng trí nào để đào sâu hơn. Sau này, thỉnh thoảng chị đọc cuốn Kinh Thánh mà các thầy giới thiệu trong lớp giáo lý hồi đó. Lúc đầu, đọc vài ba trang, chẳng thấy gì hay, nhưng dần dần, càng đọc nhiều chị càng khám phá ý nghĩa thú vị của Kinh Thánh. Chị thích đọc Cựu Ước hơn, vì có nhiều truyện mang tính lịch sử. Chị thích nhất những vần thơ giáo dục chí lý của sách Huấn Ca; chắc là do nghề nghiệp dạy học của chị chăng ?

- Mà Linh này, chị cứ thắc mắc hoài mà không biết hỏi ai. Sách Tân Ước nói tất cả mọi người sẽ sống lại vào ngày sau hết; vậy khi đó trên trái đất này lấy chỗ nào mà đứng cho hết ?

- Chị có nhớ câu chuyện Tân Ước về bảy anh em trong một gia đình cùng lấy một người phụ nữ không? Họ hỏi: Khi sống lại ai là chồng chính thức của phụ nữ ấy? Chúa Giêsu trả lời: Ngày sống lại, sẽ không còn chuyện dựng vợ gả chồng, tất cả chúng ta đều sống như thiên thần; mà thiên thần thì đâu cần nhiều chỗ đứng.

Tôi chẳng biết trả lời thế nào cho phải, đành giải thích đại khái theo cảm nhận riêng của mình.

- À, nhớ rồi, chị đã đọc đoạn đó.

- Mẹ hôm nay sao rồi bác Nga? - Hai em trai của chị hỏi vọng từ phía cửa ra vào.

Chị đứng dậy vội vã đi về phía người thân. Tôi bước ra hành lang, để cho chị một chút không gian gia đình. Về đêm, thành phố như khoác trên mình một bộ áo mới rực rỡ, khác hẳn ban ngày. Ánh đèn điện giăng mắc khắp nơi, lấp lánh tựa giải ngân hà trên bầu trời thu trong ký ức thơ ấu của tôi về một vùng thôn quê yên ả. Sài Gòn về đêm thật đẹp.

**********

Sau cơn mưa như trút nước, những con phố Sài Gòn ngập chìm trong biển người từ mọi ngõ ngách hối hả đổ ra đường. Len lỏi hồi lâu tôi mới về được nhà mình. Đang loay hoay xếp chiếc xe thế nào cho gọn, điện thoại trong túi áo kêu "reng", tôi mở máy, một dòng tin nhắn vắn gọn hiện trên màn hình nhỏ : "Chủ Nhật tới chị được rửa tội tại nhà thờ Kỳ Đồng. Em đến tham dự nhé. PN".

Ôi chị Nga, chị Phương Nga! Tôi thốt lên trong ngạc nhiên pha chút phấn khích.

Vậy là chị đã quyết định vào Đạo. Còn nhớ hơn một năm về trước, những ngày tôi nằm viện điều trị sau ca phẫu thuật tuyến ức, tôi và chị tình cờ quen nhau: tôi - một bệnh nhân đơn độc, chị - một giáo viên dạy toán đi chăm sóc mẹ già. Những câu chuyện bên lề, tản mạn đôi ba điều về cuộc sống, về tôn giáo… giúp chúng tôi trở thành bạn bè, nói là chị em có lẽ đúng hơn, vì chị hơn tôi 20 tuổi.

Sáng hôm đó, cầm tờ giấy xuất viện và toa thuốc trên tay, tôi đến chào cụ Xuân và chị. Chúng tôi không còn thời giờ hàn huyên nữa, thay vào đó là những lời cảm ơn, tạm biệt và không quên trao cho nhau địa chỉ, số điện thoại. Một cuộc gặp gỡ tình cờ, rồi quen biết nơi phòng bệnh tưởng chừng dễ qua; nhưng giống như chữ "duyên" mà chị vẫn nói, chúng tôi giữ mối liên hệ và trở thành bạn thân của nhau từ khi nào không rõ.

Cái tin chị gia nhập Đạo dù sao cũng bất ngờ đối với tôi. Hơn hai mươi năm trước, niềm tin đã nhen nhóm nơi tâm hồn chị, rồi nhanh chóng bị vùi dập bởi sự nghiệt ngã của cuộc đời. Khi nghe chị kể về cú sốc tình đầu làm tan vỡ cả niềm tin, tôi không thể nghĩ một ngày nào đó chị sẽ trở thành một Ki-tô hữu. Thực tế diễn ra không như tôi tưởng. Hạt giống nảy mầm bị mắc kẹt giữa bụi gai. Niềm tin của chị ngày đó không thể vượt qua những thách thức cuộc đời và lớn lên như mong ước của nhiều người, nhưng rõ ràng nó không chết. Tôi hồi hộp tự kiểm điểm, phải chăng lúc nào đó trong cuộc đời, mình đã gieo hạt gai để niềm tin nơi ai đó không thể phát triển bình thường; quan trọng hơn mình sẽ phải làm gì để phát quang những bờ bụi, tạo không gian thoáng đãng cho những hạt giống Tin Mừng đang nhen nhóm trong lòng người, ngày đêm nảy mầm dưới tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần.

- Reng! Một tin nhắn nữa: "Thánh lễ lúc 8 giờ sáng em nhé".

Trong lòng lâng lâng một niềm vui, tôi muốn gọi cho chị ngay khi đó, nhưng ngần ngại, giờ này, chắc chị cũng vừa đi về, không có thời gian nhiều nên mới nhắn tin, một ngoại lệ trong cách giao tiếp của hai chúng tôi. Trong khi trả lời tin nhắn, những ý tưởng miên man thoáng hiện trong đầu, mình sẽ gọi cho chị sau, phải chuẩn bị quà tặng chị nhân ngày lễ Thanh Tẩy, không biết cái gì đã làm chị quyết định trở lại Đạo…

*******

Ngồi như trời trồng trên ghế đá trước tượng đài Đức Mẹ, bên cạnh khuôn viên nhà thờ, không kìm được hai dòng nước mắt, tôi thấy trời đất quay cuồng như bão táp đang ập về.

- Cái gì rồi cũng qua đi em ạ! - Chị Nga siết nhẹ vai tôi vỗ về.

- Nhưng mà... em mất hết rồi chị ạ. Anh ta bỏ đi, cuốn theo tất cả công lao làm việc của em suốt 2 năm qua. Bao hy vọng và niềm tin đều tan biến. Mất hết rồi chị ơi. Không biết rồi em sẽ sống ra sao ?

- Ráng lên em! Chị tin em vẫn còn là một cô bé Linh can đảm như ngày nào. Một thân một mình em trải qua bao nhiêu khó khăn cuộc đời và đã vượt lên tất cả. Chị biết em có nghị lực hơn người. Trong phòng hậu phẫu, chính niềm tin của em, thể hiện qua tinh thần lạc quan và thái độ đón nhận mọi hoàn cảnh làm chị suy nghĩ nhiều. Chị cảm nhận được sức mạnh niềm tin nơi Chúa. Chị cũng muốn có niềm tin như thế trong cuộc đời này. Đó là một trong những lý do khiến chị quyết định xin được rửa tội cách đây hơn một năm.  Cứ bình tĩnh, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách, vì chị tin Chúa luôn đồng hành với em! Hãy biết học cách cảm thông, biết đâu người yêu của em cũng có những ẩn khúc khó nói, nên anh ta bất đắc dĩ mới phải làm thế.

- Em cảm ơn chị nhiều lắm! Bây giờ, em không nghĩ được gì, em chỉ muốn buông xuôi tất cả. Em mất tất cả thật rồi!

- Không, không ai mất tất cả, cũng không ai được tất cả. Em vẫn nói với chị, một cách nôm na là Chúa đóng cửa trước thì Ngài mở cửa sau cho chúng ta đó sao? Chính lúc này, Chúa đang vác em trên vai. Cây Thánh giá năm ngoái em tặng chị trong dịp lễ rửa tội, em còn nhớ không? Chị luôn giữ bên mình. Chị tin rằng Chúa đồng hành và chia sẻ với mình trong mọi vấn đề lớn nhỏ. Những khó khăn, mất mát của em hôm nay, ngày mai Chúa sẽ bù cho cách này cách khác. Ráng lên em! "Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa - Thì vẫn còn có Chúa đón nhận con". Thôi, lau nước mắt rồi vào dự lễ, chuẩn bị hát ca nhập lễ rồi.

Chị dìu tôi từng bước chân nặng nề trên những bậc thềm phong rêu tới cửa ngôi giáo đường cổ kính. Câu hát " Xin trời cho sương rơi..." được cất lên từ khi nào không rõ. Hai dòng nước mắt tôi vẫn ứa ra, chảy dài xuống gò má. Tôi nghe giọt nước mắt mặn đắng trên bờ môi. Đứng sát bên chị giữa nhà thờ chặt cứng người, lòng tôi vẫn chùng xuống bởi những khắc khoải, khổ đau… "Hãy thông cảm, vì biết đâu người yêu của em cũng có những ẩn khúc khó nói nên anh ta bất đắc dĩ mới phải làm thế". Hãy tha thứ, tha thứ và tin tưởng có Chúa ở cùng.

Trong cơn bộn bề, tôi đưa tay làm dấu Thánh Giá và đón nhận chúc lành của cha chủ tế. Một cảm giác dịu dàng, ấm áp như chạm vào tâm hồn, lan tỏa trong con người héo hon của tôi.

Chia tay chị, tôi trở về cuộc sống riêng trong căn phòng trọ của mình. Vị đắng cay của mất mát tiếp tục gặm nhấm tâm can. Lời nói đơn sơ xuất phát từ niềm tin của chị lại vang lên, khơi dậy trong tôi lòng can đảm đón nhận thực tế phũ phàng. Chị nói rằng chính thái độ tích cực đón nhận cuộc sống của tôi nơi phòng hậu phẫu, giúp chị nhận ra giá trị của niềm tin mà lẽ ra chị đã có được cách đây hơn hai mươi năm. Điều bất ngờ mà tôi khám phá giờ đây đó là chị, một người mới trở lại Đạo, đang sưởi ấm niềm tin của tôi. Tôi chợt nhận ra: mùa Giáng Sinh đang về.

 

Mã số: 15-052

CÂY THÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI PHONG

Tôi đang mải miết dọn đồ lễ, chợt nghe tiếng của xơ Thủy từ phía cuối gian phòng chật hẹp dùng làm nhà nguyện:

- Đồ lễ để đó con soạn cho, nhờ thầy sang phòng 108 giúp ông Trí qua đây giùm con.

Đó là lần đầu tiên tôi tới làng phong Quỳnh Lập. Tôi đi cùng các cha và chủng sinh đoàn chủng viện Vinh-Thanh nhân dịp mùa chay. Tôi gõ nhẹ và mở cửa phòng 108, trước mắt tôi là một bệnh nhân, một ông cụ đã khoảng hơn 60 tuổi. Tôi chào ông, ông nhìn tôi với ánh mắt ấm áp và một nụ cười hiền từ. Ông đưa cánh tay đã cụt lên đến tận khuỷu chỉ vào góc phòng. Tôi vội đẩy ngay chiếc xe từ trong góc lại cạnh giường. Thấy ông vẫn ngồi yên, tôi kéo chiếc chăn mỏng đang đắp lên chân ông và tôi giật mình bồi hồi. Đôi chân nhỏ của ông đã cụt lên quá đầu gối… Theo ý ông, tôi đẩy chiếc xe lăn đến thật gần cung thánh rồi cố định bánh xe. Đang định hỏi thăm ông thêm vài câu, chợt thấy ông đưa cánh tay tật nguyền lên trán. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người cụt tay lại làm dấu với một thái độ sốt mến đến lạ.

   Suốt thánh lễ ngày hôm ấy, tôi chìm sâu trong suy nghĩ về sự đau khổ khi trước mắt tôi là những hiện thân rất thật, rất ghê gớm của sự dữ và khổ đau. Vốn lâu nay tôi chỉ chấp nhận một cách nông cạn rằng đó là một mầu nhiệm bất khả thấu đạt. Lễ xong, tôi định đưa ông cụ trở về phòng nhưng thấy ông vẫn nhắm mắt như đang đắm sâu trong nguyện cầu nên tôi tới dọn bàn thờ. Một lúc sau, các anh em trong đoàn đã bắt đầu đi thăm những bệnh nhân xung quanh đó, tôi đưa ông cụ về phòng, thấy trong phòng điện sáng, chăn chiếu đã được thay mới.

   Sơ Thủy bước vào phòng với một ly sữa trên tay, sơ nhẹ nhàng:

- Hôm nay gặp Chúa hay sao mà cầu nguyện lâu quá vậy?

- Tôi cầu nguyện cho các cha, các thầy. Công việc, học hành vất vả mà vẫn ra thăm chúng ta.

- Sơ Thủy ra bộ giận dỗi: Con ở đây quanh năm mà ông không cầu nguyện lại cầu nguyện cho người mới đến.

Ông không đáp, chỉ mỉm cười hiền lành và tôi giúp ông uống sữa.

Sơ Thủy lại lên tiếng: Ông có định kể cho thầy nghe về cuộc hành trình trở về với Chúa không? Thầy này là bạn học của con từ thuở nhỏ, thầy đến đây lần đầu đó.

- Thì sơ kể cho thầy nghe đi.

Tay quét nhà, sơ Thủy kể:

Hai năm trước, Thủy tới đây lần đầu với chị em trong lớp tập hai của mình. Giờ lễ mà thấy cửa phòng này vẫn đóng im ỉm tưởng không có người. Lễ xong, thấy bên trong có ánh điện, Thủy gõ cửa nhưng một chị y tá chạy lại. Sơ gì ơi, không được đâu. Sao vậy ạ? Sơ mặc áo dòng như vậy mà vào là bị ông đuổi ngay. Ông có nỗi uất hận gì đó. Thủy im lặng đi thăm các phòng khác nhưng trong lòng vẫn thấy trăn trở, băn khoăn. Vài tháng sau, Thủy khấn xong và xin bề trên cho ra phục vụ ở đây. Vì là “người của nhà thờ” nên phải mất hơn một tháng ông mới nói câu đầu tiên với Thủy nhưng lại là câu: “Cô về với ông Chúa, ông cha độc ác của cô đi”. Thủy đáp lại nghẹn ngào nhưng rất cương quyết và xác tín: “Thiên Chúa không độc ác, Ngài yêu thương tất cả mọi người”. Sau không biết bao nhiêu lần bị đuổi, cuối cùng ông đã chịu nói chuyện với Thủy một cách hòa bình. Một lần, Thủy đẩy xe đưa ông đi dạo và làm liều đẩy vào nhà nguyện, chỉ lên thánh giá và nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài làm người, chịu đau khổ và chết đau thương như thế đó. Ngài có thể cảm thông mọi nỗi đau khổ của con người”. Ông không nói gì mà chỉ gục đầu xuống hồi lâu, Thủy đã thấy nhưng giọt nước mắt từ đôi mắt có lẽ đã khô cằn từ lâu lắm. Từ hôm đó, ông bắt đầu thích nghe Thủy nói về đạo, về Chúa, giáo lý. Lễ Phục Sinh năm ngoái ông được chịu phéo rửa tội.

Tôi xen vào:

- Thế là ông sắp được mừng sinh nhật một tuổi làm con Chúa rồi nhỉ!

Ông nói:

- Sơ Thủy kể nhanh quá không có đoạn tôi đọc thơ, làm quen với Hàn Mạc Tử, cùng bệnh, cùng tên Trí như tôi và nhất là tôi chọn tên thánh Phanxicô như nhà thơ nữa.

- Còn gì nữa ông kể cho thầy nghe luôn đi, để con đi lấy cơm cho ông nhé, đến giờ cơm rồi.

Sơ Thủy đi rồi, ông nói:

- Thầy ạ, tôi có tội nhiều lắm. Tôi đã được Chúa thương cho học đạo khi mới 23 tuổi để lấy vợ người Công Giáo, tôi học xong nhưng chưa được rửa tội vì tôi chưa thuộc hết kinh và giáo lý. Chỉ còn mấy ngày nữa thì một trận bom năm 1973 cướp mất người vợ chưa cưới của tôi. Từ đó, tôi hận Chúa, hận nhà thờ, tôi sống lang thang, bất cần rồi nhiễm bệnh. Đau đớn, cô độc, ghê tởm chính mình vì lở lói, hôi thối. tôi hận tất cả…- Ông nghẹn giọng khi nói đến đó.

Sơ Thủy bước vào:

- Nhờ thầy giúp ông ăn cơm, Thủy đi đưa cơm cho mấy người nữa.

Ông cụ vui vẻ trở lại, tôi xúc từng thìa cơm nhỏ giúp ông ăn. Nhìn vào cổ ông cụ tôi nói: Ông có cây thánh giá đẹp quá, mà sao chỉ có thánh giá mà không có Chúa Giêsu trên đó?

Nuốt miếng cơm ông nói:

- Cái này là của sơ Thủy tặng tôi hồi năm ngoái. Sơ nói rằng thánh giá không cũng được tôi cứ tưởng tượng thân xác đau khổ của tôi đóng đinh vào đó để kết hợp với những đau khổ của Chúa.

Thêm một thìa cơm cho ông, tôi nói:

- Thập giá mà không có Chúa Giêsu thì chỉ là đau khổ tột độ, cùng cực và tuyệt vọng. Chỉ nhờ Ngài, thập giá mới có sức cứu độ nhân loại đau khổ này.

- Đúng vậy đó thầy, từ một năm nay tôi cảm thấy được phần nào ý nghĩa cuộc sống, những đau khổ bớt được phần tàn phá kinh hồn của nó. -  Bất chợt ông ngẩng lên và nói- Cây thánh giá thầy mang có Chúa Giêsu đẹp quá.

- Ông có thích không? Con đổi cho ông nha?

- Thế thì còn gì bằng! Cám ơn thầy!

Tôi và ông đổi cây thánh giá đang mang cho nhau, ông nở nụ cười mãn nguyện và đưa tay lên vuốt cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu đó.

- Thầy lỗ rồi, cây thánh giá này của thầy to hơn, đẹp hơn.

Tôi nói:

- Nhưng ông lại phải vác thánh giá nặng hơn con nhiều.

- Không chắc đã hơn đâu thầy, thánh giá đời tu cũng sẽ nặng lắm đó thầy ơi!

Ông cụ ăn xong nằm nghỉ, tôi cùng mấy anh em đi ra phía sau ngắm biển. Biển Quỳnh những ngày cuối xuân xanh trong, êm ả, từng đợt sóng nhè nhẹ xô bờ. Tôi đang thả hồn đi dọc bờ biển nghe những hạt cát mịn mơn man dưới chân. Tôi nghĩ về cô bạn nhỏ hiền lành của tôi đang nơi đây! Thủy là bạn học từ năm cấp hai với tôi, Thủy rất hiền lành nên thường bị chúng tôi bắt nạt. Trong lớp tôi ngồi cạnh Thủy và thường tìm đủ mọi lý do để rồi lấy thước kẻ đánh cô ấy. Thông thường nhất có lẽ là vạch chia chỗ ngồi trên bàn và đánh mỗi khi Thủy vô ý chạm vào vạch kẻ… Thủy đáp lại tất cả bằng sự im lặng hiền lành.

Sơ Thủy từ đằng sau nói:

- Không ngờ thuở học trò ngồi chung lớp bây giờ chung chí hướng thầy nhỉ!

Tôi quay lại:

- Mình rất vui và bất ngờ khi gặp Thủy ở đây. Thủy ở đây mà vẫn văn thơ lai láng nhỉ!

Thủy đáp:

- Sống ở đây, chứng kiến quá nhiều cảnh tượng đau lòng của kiếp nhân sinh, có lẽ Thủy đã rắn rỏi hơn ít nhiều nhưng vẫn phải luôn cảnh giác để khỏi lòng nên lạnh lùng chai đá, để luôn có thể đồng cảm với họ. Thực ra, Thủy không phải giúp họ sống mà là giúp họ vui sống.

- Chà! Thủy ăn nói còn “triết” hơn cả chủng sinh ban triết nhỉ!- Tôi nói.

Thủy đáp lại:

- Có triết gì đâu, cái lẽ nhân sinh trần trụi ra như thế mà!

Tôi chuyển dần chủ đề:

- Mình phục Thủy về việc đưa ông Trí về với Chúa đó!

Thủy trầm tĩnh:

- Không phải chỉ có mình đâu, là công lao của nhiều người lắm. Họ đau khổ cùng cực quá độ nên họ đóng lòng lại, không dễ gì để mở ra đâu. Đối với những người đau khổ ấy mình khó mà rao giảng bằng lời được. Phải âm thầm, kiên trì hiện diện với họ, chăm sóc họ và quan trọng nhất là cầu nguyện. Mình tin, với thời gian và ơn Chúa họ sẽ mềm lòng và cởi mở tâm hồn để đón nhận Chúa, đón nhận đức tin. Cậu nhớ cầu nguyện cho họ và cho mình với nha!

- Uh! Mình sẽ cầu nguyện, mình tin Thủy sẽ làm được nhiều việc hơn nữa!

Thủy tiếp tục trầm giọng:

- Ở đây, vẫn còn nhiều người chưa đón nhận đức tin lắm, họ không chỉ đau đớn thể xác, điều đáng sợ hơn nhiều là sự tuyệt vọng. họ như muốn chết mà không chết được, không dám chết. Họ phải có đức tin, phải biết có Thiên Chúa yêu thương họ, để họ không những được cứu rỗi mà đời này họ muốn sống hơn, cuộc sống của họ, đau khổ của họ có ý nghĩa hơn vì có niềm hy vọng.

Tôi đồng cảm đáp lại:

- Thủy nói đúng, họ phải có đức tin, phải nhận biết Chúa.

- Nhưng ước muốn là vậy, Thủy vẫn thấy mình nhỏ bé, bất lực quá. Thủy nhỏ nhẹ.

Tôi động viên:

- Không đâu, luôn có nhiều người trợ giúp cách này cách khác, rồi bề trên sẽ gửi thêm người tới đây nữa chứ. Vẫn luôn có những tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng chung vai gánh vác những việc đó với Thủy nữa… Hãy vững tin lên nhé!

Chúng tôi lên xe trở về chủng viện. Với tôi, chuyến này tôi nhận được nhiều hơn là cho đi. Lòng dâng đầy những băn khoăn, trăn trở. Trang sách “Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng” tôi mới đọc lại trở về trong trí tôi:

Hình ảnh sức mạnh lòng can đảm, sự khoan dung nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa tiềm tàng trong mỗi con người. Tiếng kêu bi thương của những người thánh thiện hiền lành rên siết van nài Chúa cứu giúp vẫn đang vang vọng không ngừng. Thiên Chúa buồn lắm! Ngài không im lặng, vì Ngài đã trao phó trách nhiệm rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động cho tất cả chúng ta. Hỏi rằng chúng ta phải trả lời như thế nào nếu Ngài thầm thì bên tai mỗi người chúng ta:

"Này con, tại sao con im lặng???... "

 

Mã số: 15-053

CHỨNG THẦM

Tờ báo tới tay anh là một mảnh giấy gói mấy cái bánh. Anh vừa ăn vừa liếc xem bài báo nói gì. Ngôn ngữ này anh mới học được hơn một năm, đọc còn trậm trầy trậm trật. Bài báo nói về một vụ án mạng. Anh thấy tấm ảnh một người đàn ông nằm trên sàn của một căn phòng với những bức tường tróc sơn loang lổ. Trên trần treo một cái quạt và một sợi dây thừng buộc vào móc sắt ở đuôi chiếc máy quạt. Gần đó có một khung cửa sổ nhòe nắng. Cảnh sát xác định đây là một vụ giết người. Nạn nhân bị cắt đứt mười ngón chân trước khi bị treo lên trần nhà.

Chiếc xe bus xuất hiện sau những hàng cây. Tuyến số mười hai sẽ đưa anh tới chổ làm trong vòng mười phút. Anh làm dấu kết thúc bữa ăn sáng khi miếng bánh cuối cùng còn chưa nuốt trôi xuống cổ. Lại một nạn nhân là người châu Á nữa, anh nghĩ vậy khi xếp nhỏ mảnh báo lại, lén lút nhét vào một khe hở của chiếc ghế chờ. Thùng rác nằm hơi xa.

Suốt bốn tiếng ban sáng anh bị vây bũa giữa những khối máy cồng kềnh. Giờ ăn trưa anh chọn một góc nhỏ nhìn ra con đường có hàng cây với những bông hoa có cánh như chong chóng. Bạn đồng nghiệp thường ngồi chung với nhau để tán gẫu trong bữa ăn. Thỉnh thoảng họ cũng bật cười vui vẻ. Những tràng cười ấy hay làm anh thấy mình bị rơi ra khỏi thế giới đang sống, lạc lõng và lơ ngơ như một chú chó con lạc mẹ.

Đứng trên tầng thượng của tòa nhà có thể thấy khu phố của những người lao động. Những ngôi nhà nhỏ chen chúc, kèn cựa nhau từng chút một. Nằm ở chóp đuôi của đường chính là khu vực của người nhập cư đến từ những nước nghèo hơn. Nhà ở đây nhỏ, đôi khi được che chắn tạm bợ bằng những tấm rađô quảng cáo, hoặc chỉ là những cái lều nhỏ chồm xuống mé của một con sông chảy xiên xiên gần đó.

Anh có một căn gác trong xóm lao động, chung nhà với đôi vợ chồng người đồng hương. Từ đó đi bộ khoảng mười phút sẽ thấy một ngôi nhà nhỏ với một cây thánh giá đắp bằng xi măng nổi trên bức tường phía trước. Nó chỉ lớn hơn phòng anh một chút. Bên trong có một Thánh Giá, một cái bàn để linh mục làm lễ và gần chục ghế đẩu nhựa cho vài tín hữu đến dự lễ vào tối thứ năm và Chúa nhật.

Trước giờ lễ, vị linh mục già thường mở tiếng chuông bằng một cái loa nhỏ. Vài người rớt nước mắt. Tiếng chuông nhỏ đổ ra không gian chật hẹp linh hồn của một ngôi thánh đường nghiêng bóng trong chiều tà, của một tháp chuông cổ kính, trầm mặc, của những mẹ quê vừa xỏ dép vừa lúi húi cài mấy hàng nút bóp bên hông tà áo, của ông cha xứ gật gù cười bằng đôi mắt nâu thẫm và những nếp nhăn khi nhìn tụi con nít rượt đuổi nhau trước sân nhà thờ…

Tối nay sau lễ anh nán lại hơi lâu, bàn tán và than phiền cả những chuyện không đáng than phiền. Người tha hương vẫn luôn thèm nói và thèm nghe tiếng mẹ đẻ của mình. Khi coi đồng hồ thì đã hơn mười một giờ đêm. Anh thả bộ trên con đường lẩn khuất dưới những tàng cây tăm tối. Gió mát trong một đêm thanh vắng khiến lòng anh nhẹ nhàng, thanh thản.

Bài giảng của linh mục không còn gì nhiều trong đầu, chỉ câu chuyện vui là anh vẫn nhớ rõ. Nó thật thú vị, làm anh cứ cười cười suốt chặng đường, đến độ không nghe tiếng bước chân đi đằng sau. Khi giật mình quay lại thì anh bị một trong hai người đàn ông trùm mặt đánh vào sau gáy.

Âm thanh đầu tiên anh nghe khi lò mò ra khỏi cơn mê là tiếng chuông nhà thờ. Đến khi tỉnh hẳn thì tiếng chuông chỉ còn là tiếng ong ong choáng váng. Bên ngoài lổ thủng của bức tường là bầu trời tái nhợt bởi một ánh trăng xanh xao, hao gầy treo chênh vênh giữa những đám mây và cánh đồng chỉ nghe tiếng gió hun hút chạy. Khoảnh khắc đó anh thấy mình như bị ném đến một nơi xa xôi, hoang vu nhất của thế giới, và hoảng hốt nhận ra mình đang bị trói gô lại trên một nền nhà ám bụi.

Trước khi kịp xâu chuổi những chuyện đã xảy ra thì có hai người đàn ông bước vào phòng. Họ bật một ngọn đèn dây tóc mắc trên trần nhà. Bóng đèn quấn quanh bằng mạng nhện hắt chút ánh sáng xuống hai khuôn mặt trắng bủng, nhợt nhạt như được ngâm lâu trong bóng tối. Anh cố gắng cựa quậy để ngồi dậy nhưng vô ích. Anh lại cố trườn tới góc tường. Một trong hai người tiến tới gần. Người này to lớn, có hình xăm chi chít cả hai cánh tay và một bên mặt.

- Mày có phải là người Công Giáo không?

Hỏi đến lần thứ ba thì anh mới hiểu, mà lúc đó cũng không còn là câu hỏi nữa. Tên mặt xăm cau mày đá một cú đau điếng vào sườn anh rồi hét lên. Anh gật đầu:

- Đúng. Tôi là người Công Giáo.

Người đó nhìn đồng bạn và mỉm cười bằng một cái nhếch mép. Anh coi đó như lời phán quyết dành cho mình. Hắn ta ngồi xuống bên cạnh, đưa bàn tay bóp vào hàm anh, giọng gằn gằn như có máu tràn qua kẽ răng:

- Mày có chịu bỏ đạo không?

Có cái gì đó, như một sự tức giận, uất hận nóng bừng trào lên trong lòng ngực, nhưng ngay lập tức bị dập tắt bởi nỗi sợ hãi. Vành môi anh không kiềm được run rẩy. Đây là đâu? Những người này muốn gì? Sao lại hỏi anh muốn bỏ đạo hay không?... Trong giây phút ngắn ngủi và sợ hãi đó, anh nhớ lại những buổi ăn cơm ở nhà máy. Trong góc nhỏ quen thuộc của mình, anh luôn kính cẩn làm dấu thánh giá trước và sau mỗi bữa ăn. Không ít lần anh nghe tiếng cười thầm của đồng nghiệp sau lưng. Có lẽ trong mắt họ anh là một tên lập dị với thân hình nhỏ thó, làn da ngăm đen, trầm lặng và là tín đồ cuồng tín của một thứ tôn giáo kì quặc nào đó.

Những ý nghĩ đó chỉ chợt thoáng qua, vì tên mặt xăm lại đá vào sườn anh một cái, và thêm cái nữa. Anh hét lên, lời bật ra khỏi vành môi như một phản xạ:

- Không!

Tên còn lại nãy giờ vẫn đứng im nay cũng tiến tới. Hắn móc trong túi ra một cái kềm cắt. Anh hét toáng lên:

- Không! Không! Các ngươi là ai? Sao lại bắt tôi?

Bọn họ nhìn nhau cười. Nụ cười không ẩn chứa một niềm vui nào hết, chỉ là dấu hiệu của sự đồng thuận đen tối nào đó. Tên cầm kềm có khuôn mặt rất đẹp, hiền lành. Hắn nhẹ nhàng ngồi xuống, nhẹ nhàng nâng chân anh lên, mỉm cười bằng một nụ cười thiên thần trước khi chìa mũi kềm sắc lạnh về phía chân anh. Anh hất mạnh hai chân. Tên mặt đẹp bất ngờ nên bị té nhào. Hắn ngồi dậy, đủng đỉnh phủi bụi quần rồi kẹp chặt hai chân anh vào nách. Tên còn lại đưa bàn chân to lớn đè lên ngực anh khiến mọi cố gắng vùng vẫy đều tiêu tan.

Sau đó là cảm giác đứt rời, đau đớn kinh khủng phát ra thành tiếng thét:

- Á …a … a…

Vài con chim ăn đêm giật mình vỗ cánh lạch phạch bay lên. Trăng khuya bên ngoài chỉ còn là một vệt sáng nhòe qua đôi mắt đầy nước. Anh khóc nức nở, mồ hôi quyện nước mắt túa ra ướt đẫm. Tên mặt xăm vẫn chưa bỏ bàn chân ra khỏi ngực anh. Hắn gằn giọng hỏi thêm một lần nữa:

- Mày có bỏ thứ tôn giáo chết tiệt của mày không?

- Không!

Một lần nữa anh trả lời và cắn răng chờ đợi. Lần này cũng một ngón chân nữa đứt rời, đau đớn khủng khiếp hơn lần trước. Tiếng kêu của anh kinh hoàng như tiếng một con thú bị kẻ săn mồi vồ lấy.

Có màn đêm nào bị xé rách để mặt trời nhô lên ở chân trời. Anh ước đây chỉ là giấc mơ để tỉnh giấc, bật dậy lau mồ hôi, hú hồn, chỉ là cơn ác mộng. Nhưng không có cơn mơ nào để anh cầu mong choàng tỉnh. Trong anh chỉ còn cảm giác đau đớn và trống rỗng, như có bao nhiêu máu đều tuôn ra hết từ hai đầu ngón chân. Gào thét đến kiệt sức, tiếng kêu của anh bây giờ chỉ còn là những lời rên rĩ.

Ánh sáng trong căn phòng bỗng nhiên tím sẫm lại rồi tan biến. Hai tên kia cũng tan vào bóng tối. Mọi dây trói trôi tuột khỏi thân thể tự bao giờ. Anh loạng choạng đứng dậy, dò dẫm tìm đường trong bóng tối. Bỗng nhiên trán anh va vào một cái gì đó. Hai tay anh đưa lên dò dẫm và nỗi kinh hãi làm anh té nhào xuống sàn. Đó là hai bàn chân người. Có ai đó bị treo lên trong căn phòng tối này.

Bỗng nhiên từ thân thể ấy phát ra một thứ ánh sáng đẹp lạ lùng, khiến anh như bị thôi miên. Anh nhìn rõ người đàn ông bị treo bởi một sợi dây thừng buộc với móc sắt nơi đuôi của chiếc máy quạt trần. Đôi chân của người đó đã bị cắt đứt hết mười ngón.

- Tại sao ông lại bị giết?

Người chết dĩ nhiên không trả lời, nhưng từ khe mắt nhắm đó có một thứ ánh sáng chiếu đến, lan tỏa khắp người anh. Tiếp theo là cảm giác lạnh ập đến. Không phải từ ánh sáng diệu kì đó, nhưng từ xô nước hai tên kia tạt vào mặt anh. Ánh sáng bắt đầu trở lại trong căn phòng, đỏ lựng trên khuôn mặt hai kẻ sát nhân. Tên mặt xăm nói với anh:

- Mày đâu có được chết dễ vậy. Đêm còn dài lắm.

Đêm nay còn dài bao nhiêu? Liệu anh có thể sống sót qua đêm nay? “Lạy Chúa, xin cứu con”. Lời cầu nguyện đó theo hai dòng nước mắt trào ra. Tên mặt xăm lại hỏi anh một lần nữa, lần này nó nhẩn nha thả từng chữ một:

- Mày có bỏ đạo không?

“Liệu mình có chịu được thêm một lần nữa? Có vẻ như bọn chúng sẽ không dừng lại. Nếu mình chết rồi thì sao? Nếu không có gì sau cái chết hết, và linh hồn mình cũng không hề tồn tại để chịu thưởng hay phạt thì sao? Có phải mình đã hy sinh cả cuộc đời vô ích và chết như một tên ngu ngốc?”...

- Có Chúa thật không?

Câu hỏi này vang lên trong lòng, khiến anh nghẹn nghào, tức tưởi. Cảm giác của một kẻ đáng thương bị bỏ rơi. Câu trả lời là sự im lặng đến ghẹt thở.

- Tao đang hỏi mày đó, thằng ngu!

Tên mặt xăm lại đá thúc vào sườn anh một cái.

- Không!

Có ai đó vừa nói qua miệng anh. Không phải lời của anh, nhưng anh im lặng khi tên mặt đẹp chìa mũi kềm về phía chân mình. Lần này anh không biết ngón chân nào đã bị cắt. Cảm giác đau đớn làm tê liệt mọi giác quan và cạn khô máu trong người.

“Mình phải sống!”. Đó là ý nghĩ đầu tiên đến khi ngón chân thứ ba bị cắt. Mình muốn sống, muốn đi hết cuộc đời này bằng đôi chân dù chỉ còn bảy ngón, muốn thả mình bồng bềnh, lãng đãng trong những nỗi buồn nhẹ, muốn lấy vợ, sinh con và khao khát cảm giác nhịn ăn sáng để dành tiền mua cho con đôi giày mới. Nếu nói bỏ đạo, chắc bọn chúng sẽ tha cho mình. Mình sẽ đi xưng tội, cầu nguyện và đền tội. Chúa sẽ sẵn lòng tha thứ cho mình thôi. Mình sẽ chịu không nổi nếu có thêm một ngón chân nào nữa bị đứt lìa.

- Đạo này có gì mà mấy tên theo nó thật cứng đầu. Tên lần trước cũng vậy, thà chết chứ không chịu bỏ đạo.

Câu nói của tên mặt đẹp cắt ngang dòng suy nghĩ của anh. Anh bỗng run rẩy vì câu nói đó như phóng một luồng điện qua người. Anh thấy rõ ràng người đàn ông đang bị treo trên trần nhà với ánh sáng diệu kì từ thân thể và đôi mắt. Anh thấy ông nội đang lom khom dọn cỏ trên mộ ông cố. Ông chỉ vào nấm mộ, nói ông cố bây trước đây chết vì đạo.

Ông cố bị một ngọn giáo xuyên thủng ngực. Ông cố, lúc đó mới ba chục tuổi, giành chút sức lực cuối cùng để vẽ một dấu thánh giá lên bàn tay của thằng con, là ông nội của anh, lúc đó chỉ là một thằng bé. Dấu thánh giá đó đổi đời thằng bé nghịch ngợm thành trầm lặng, nghĩ ngợi. Ông nội dành gần sáu chục năm để truyền dấu thánh giá đó lại cho đàn con, nhất là cha anh. Nhưng cha anh đã phờ phạc vì lo cho tám miệng ăn trong gia đình, không có tâm trí nghe lời ông nội. Những ngày giỗ ông cố, con cháu trong nhà ngồi lại để nghe ông nhắc nhở về dòng máu đào của tổ tiên mình đổ ra, như không có lễ giỗ ấy thì chẳng ai nhớ dòng máu tử đạo đang chảy trong gia đình mình.

- Sau này lớn lên con cũng sẽ đánh chuông nhà thờ như ông nội.

Anh nói câu đó khi luồn bàn tay vào áo, vân vê những đốt sống gồ lên trên lưng nội. Lưng nội đã cong khẳm vì hơn sáu chục năm gồng mình đánh chuông nhà thờ. Câu nói đơn giản mà làm nội lem nhem nước mắt.

- Con là đứa cháu mà ông thương nhất. Ráng giữ đạo cho đàng hoàng, tử tế nghe con.

Bữa đó ông nội vẽ cây thánh giá lên lòng bàn tay anh. Anh không ngờ chiều đó nội lăn ra ốm một trận rồi đi luôn. Ngày nào người ta cũng thấy hai ông cháu dắt nhau, bây giờ chỉ còn thằng bé lủi thủi đi nhà thờ một mình.

Hôm nay anh gặp được ông cố, ông nội và người đàn ông bị cắt đứt mười ngón chân kia. Họ đứng ở cánh cửa mở ra vùng ánh sáng chói lòa, vẫy tay kêu anh đi tới. Nhưng anh không còn chút sức lực nào. Anh vẫn còn tức thở vì tên mặt xăm lại để bàn chân lên ngực mình.

- Tao hỏi lại lần cuối, mày có bỏ đạo không?

Anh đã nghe câu hỏi này một lần, không phải ở đây. Đó là hàng rào phủ dây leo tím của một ngôi nhà cao cổng. Người con gái nhìn vào mắt anh và hỏi:

- Em hỏi anh một lần nữa thôi. Anh có bỏ đạo để lấy em không? Ba má nhất quyết không cho em lấy người có đạo đâu.

Bữa đó hình như có ai đốt rác, khói bay lãng đãng cay xè mắt. Anh không trả lời, sợ mở miệng sẽ bật khóc. Anh lắc đầu rồi quay đi, chân bước dấp dúi vào cỏ. Nhưng hôm nay anh sẽ trả lời với hai người kia:

- Tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo.

Nói câu này xong anh thấy mình đã kiệt sức và đau đớn đến độ không thể đau hơn được nữa.

- Chết rồi xin đừng oán hận bọn tao. Bọn tao cũng chỉ làm theo lệnh thôi. Tôn giáo của mày không được phép tồn tại và phát triển trên đất nước này.

Tên mặt đẹp nói. Hắn tiếp tục cắt đứt những ngón chân còn lại mà nghi hoặc không biết cái thân thể im lìm, bất động này còn sống hay đã chết. Chúng treo cổ anh bằng một sợi dây thừng rồi bước ra khỏi phòng, chìm vào trong bóng tối dày đặc.

Rõ ràng là ông cố, ông nội và người đàn ông bị treo cổ đang đứng đó, mở ra một cánh cửa chói lòa và vẫy anh đi tới. Hai tên sát nhân đã đi rồi. Nhẹ nhõm và thanh thản, anh đứng dậy, đi về phía nội đang gọi.

 ***

Cậu thanh niên loay hoay mãi mà chưa tìm được nơi gọi điện thoại. Mệt mỏi, cậu ngồi xuống chiếc ghế công viên rồi giở tờ báo ra. Trang thứ ba đăng tin người thứ hai bị treo cổ và cắt đứt mười ngón chân. Người này cùng quê với cậu. Cậu nghe sóng lưng ớn lạnh. Như thói quen, cậu làm dấu và đọc một kinh lạy Cha, cầu cho người đồng hương xấu số vừa qua đời.

 

Mã số: 15-054

TÌNH YÊU NHỎ, TÌNH YÊU LỚN

Anh và cô là bạn thân, họ sinh ra và lớn lên cùng nhau nơi cái mảnh đất đầy nắng và gió. Họ học chung lớp, ngồi chung bàn nên thường có những bài tập giống nhau, có những bài thảo luận cùng nhau.

- Này, chiều nay cậu lên đồi trước nha.

- Sao vậy, thường ngày cậu vẫn chờ tớ rồi hai đứa cùng lên đồi mà.

- Ừ ừ..ừ… Ở nhà tớ có việc nên tớ sẽ lên sau, hẹn gặp cậu trên đồi nhé.

Đó là một ngọn đồi hoa dại cao, nơi có đầy gió và thơ mộng nằm khuất sau khu xóm họ ở. Nơi chứa đựng đầy kỉ niệm của những buổi trưa vắng ngủ, với đủ thứ trò chơi tinh nghịch mà hai người họ nghĩ ra. Cô ngồi đó, thẫn thờ nhìn về phía xa chân trời. Mắt cô ánh lên những dự định, hoài bão về cuộc sống tương lai xen lẫn nỗi buồn man mác mà cô đang phải đối diện.

Mình có nên nói với cậu ấy rằng ngày kia mình sẽ chuyển trường lên thành phố để học tiếp không? Nếu cậu ấy biết chắc chắn cậu ấy sẽ buồn, sẽ buồn nhiều lắm nhưng mình không muốn cậu ấy buồn.

Cô cúi gầm mặt xuống và thì thầm trong gió:

- Chúa ơi! Xin Ngài hướng dẫn con, con cảm thấy hoang mang và sợ hãi lắm.

Tâm trạng cô giờ này có ai biết được nó rất rối bời, trái tim cô thầm lặng khóc, trái tim cô càng quặn thắt khi nghĩ về anh. Cô thấy tủi thân. Thế rồi từng giọt nước mắt vô thức lăn đều trên gò má cô. Cô nức lên một tiếng và khóc oà lên như một đứa trẻ.

Từ đằng xa, anh đứng lặng người và rất đỗi bối rối khi nhìn thấy cô bạn thân đang khóc. Lúc này, cô vẫn chưa biết sự xuất hiện của anh.

- Phương!- Anh gọi tên cô.

Chưa kịp suy nghĩ gì, ngay lập tức anh chạy đến ôm chầm lấy cô. Rồi nước mắt cô cứ thế, cứ thế lả tả rơi làm ướt cả áo anh. Đến anh cũng cảm nhận được từng hơi nóng đang bốc lên. Không gian chung quanh cũng chùng xuống, gió lặng như tờ, văng vẳng đâu đó tiếng chuông nhà thờ vang lên king koong…king king koong…oong….ng. Tất cả như đang đồng cảm với cảm xúc của cô, với những điều ấm ức mà cô chưa giải thoát được.

Anh nhẹ nhàng lau vội những giọt nước mắt còn vương vãi trên gò má cô, rồi đặt lên trán cô một nụ hôn nồng ấm và nói:

- Tớ luôn ở bên cạnh cậu mà, đồ ngốc. Đừng khóc nữa hãy nín đi được không? Nhìn đôi mắt cậu đã sưng lên hết rồi kìa. Chẳng còn xinh xắn như lúc cậu cười nữa. Vả lại, cậu đâu phải là đứa mít ướt mà tớ biết đâu.

- Tớ mặc kệ, dù sao tớ cũng cảm thấy rất thoải mái.

- Nhưng cậu có biết, tớ sẽ đau lòng lắm mỗi khi nhìn thấy cậu khóc.

Cô dúi đầu vào lòng anh và xiết chặt vòng tay vòng qua lưng anh, như không muốn để anh rời cô thêm một bước nào nữa.

- Cảm ơn cậu nhé. Mọi chuyện buồn cũng sẽ qua nhanh nếu có cậu ở bên thế này. Ở cạnh cậu, tớ cảm thấy bình yên lắm.

- Đừng bao giờ cảm thấy cậu lẻ loi vì tớ vẫn ở đây mà. Lúc nào cậu muốn bờ vai này, tớ liền sẵn sàng.

Rổi cô thầm nhủ: “Nhưng cậu đâu biết là tớ sắp phải rời xa cậu thật rồi, xa cái nơi đầy ấp kỷ niệm vui, buồn của chúng ta. Tớ luôn ước đây chỉ là giấc mơ nhưng thật sự đây không phải là giấc mơ, đó là sự thật, một sự thật mà tớ không hề mong muốn và tớ sẽ không cho cậu biết. Tớ xin lỗi cậu”.

- Nhưng tớ thì…Cậu đừng buông tớ ra nhé, tớ muốn lưu lại giây phút hạnh phúc này.

- Cậu sao vậy, làm như là sắp phải đi xa vậy đó. Phải trả giá gấp đôi đó nha.

Cậu bật cười và cô cũng cười theo...

- Tớ sẽ trả gấp ba cho cậu luôn.

***

- Mẹ à, cho con ở lại đây học đi mà. Chỉ còn một năm nữa thì con cũng vào đại học rồi.

- Không được, lên thành phố thì con sẽ có tương lai tốt hơn ở cái chốn này. Anh chị sẽ kèm cho con thêm, thế thì quá ổn rồi, khi nào vào đến nơi thì điện thoại cho mẹ.

Cô im lặng và thở dài một hơi, rồi lẩm nhẩm điều gì đó mà chỉ cô mới biết. Cô đang loay hoay giúp mẹ cùng chuyển hành lý của cô vào thùng xe khách thì một tiếng nói cất lên từ đằng sau:

- Tại sao cậu đi mà không cho tớ biết.

Giọng nói thân quen ấy, hôm nay không còn mạnh mẽ và hào hứng như mọi ngày nữa rồi, nó thật buồn. Cô đứng yên như tượng thạch, không dám quay lại nhìn anh.

- Tại…tại sao… cậu… biết.

- Biết là cậu chuyển trường à? Có lẽ chỉ có một mình tớ không biết hôm nay cậu chuyển trường. Tớ thật ngốc khi không nhận ra sự thay đổi trong những ngày gần đây.

- Tớ…tớ…xin lỗi.

Người lơ xe thúc giục mọi người lên xe một cách hối hả: “Tới giờ xe chạy rồi, xin mời mọi người nhanh chóng lên xe.”

- Tớ phải đi rồi, tớ sẽ gọi cho cậu.

Cô vội vàng chạy lên xe, vừa ngồi vào ghế thì cô oà lên khóc, nhưng lần này anh không thấy và anh cũng chẳng ở cạnh cô để an ủi.

Xe lăn bánh, anh ngước nhìn theo một cách vô vọng, lặng lẽ. Khói xe bay um tùm, từ từ bóng chiếc xe xa khuất rồi biến mất trước mắt anh. Tim anh như ngừng đập, cảm giác như ai đó đang bóp nghẹt, mắt anh đỏ hoe nhưng nước mắt không thể trào ra.

- Cậu đi thật rồi ư? Chẳng phải cậu đã hứa là cho dù thế nào cậu cũng ở gần tớ mà.

Anh vội vàng lấy chiếc điện thoại trong túi quần, bấm số để gọi cho cô. Điện thoại cô đổ chuông mà cô mặc kệ nó, cô cứ khóc. Điện thoại lại tiếp tục đổ chuông inh ỏi, như đang nài nỉ cô nhấc máy. Khi nhìn thấy số điện thoại của anh, cô đã đắn đo, cô nghĩ rằng mình sẽ không nghe máy, trái tim cô sẽ không nghe lời, nhưng cô vẫn muốn nghe giọng nói ấm áp của anh, muốn được anh an ủi. Thế rồi cô quyết định nhấc máy:

- Tớ xin lỗi, Minh à. Tớ sợ nếu để cậu biết thì làm sao cậu cho tớ đi được.

Đầu dây bên kia vẫn im lặng, anh không nói lời nào. Anh vẫn nghe tiếng cô khóc, anh càng đau lòng hơn.

- Nín đi nào, làm sao cậu có thể khóc như thế, trên xe còn nhiều người khác mà. Thôi được rồi, tớ cũng rất buồn vì sự ra đi bất ngờ của cậu, nhưng điều đó tốt cho tương lai của cậu mà. Cậu nhớ giữ gìn sức khoẻ, ăn uống nhiều vào, học hành chăm chỉ. Đừng khóc nữa nhé, cô bé của tớ.

Anh đang cố tỏ ra bình tĩnh để trấn an chính bản thân anh và một phần nào đó động viên, giúp cô cảm thấy thoải mái hơn trong chuyến hành trình mới này.

***

- Con đến nơi rồi mẹ ơi!

- Ừ, con ráng ăn nhiều và học hành chăm chỉ nghe chưa? Mẹ sẽ gọi cho con.

Cô cũng không quên nhắn cho anh một cái tin: “Tớ đã đến Sài Gòn rồi. Cậu ở lại học hành tốt nhé, tớ chỉ biết nói lời xin lỗi với cậu. Chắc tớ sẽ nhớ cậu nhiều lắm”.

Anh cũng trả lời lại tin nhắn của cô: “Cậu cũng thế, mà đừng có khóc nhiều nhé. Tớ cũng nhớ cậu nhiều”.

Ở cái chốn xô bồ ấy, cô bắt đầu bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới , từ việc nhỏ nhặt nhất đến những việc mà cô được quyền tự quyết định. Cố nhiên những thứ đó chẳng nhằm nhè gì so với nỗi nhớ anh da diết trong lòng cô và chỉ cô mới hiểu được tình cảm mà cô dành cho anh nhiều đến dường nào. Nhưng anh thì không hề biết. Cả khi ngủ cô cũng gọi tên anh. Cô khó chấp nhận cái việc suốt ngày nhìn thấy anh, mà giờ cô cũng chẳng biết anh có khoẻ không, mập lên hay lại gầy gò. Như người ta thường nói: Vẫn biết rằng cố quên thì sẽ nhớ, nên dặn lòng cố nhớ để mà quên. Cô càng giam mình trong việc học tập cho đến khi kiệt sức thì cô lại càng nhớ anh da diết.

Những mẩu tin nhắn cứ đi đi về về giữa hai người họ, khi cô nhớ giọng nói của anh thì cô gọi cho anh và ngược lại anh cũng thế. Nhưng cả hai chẳng ai dám nói ra tình cảm mà họ đã dành cho nhau. Họ đã giữ tình cảm và yêu thương một cách thầm lặng.

Với cô, cái việc đi nhà thờ để tham dự thánh lễ là một thói quen mà ngay cả lúc cô lên Sài Gòn học thì cô vẫn giữ thói quen ấy. Cô cũng sớm được tuyên hứa làm Huynh Trưởng trong Xứ Đoàn Đa Minh tại Giáo Xứ…và cũng là ca viên trong ca đoàn giới trẻ. Cô trở thành một Giáo lý viên với cái bản tính năng động, hoạt bát, luôn quan tâm đến người khác nên lũ nhỏ trong lớp và các anh chị em trong Xứ Đoàn rất quý mến.

Năm học đầu tiên của cô tại ngôi trường mới cũng khép lại trong nhẹ nhàng và thoáng qua. Năm nay, cô không nghỉ hè, cô muốn dành thời gian ở lại Sài Gòn để tổ chức các chương trình của Xứ Đoàn. Những công việc xếp chồng làm cô cũng không nhớ anh nhiều nữa, cô cũng ít nhắn tin cho anh hơn. Cô cảm thấy hạnh phúc và thoải mái khi được làm việc ở nhà Chúa.

- Phương, em có về nghỉ hè không để chị mua vé xe.

- Dạ không à, ở Xứ Đoàn còn nhiều việc lắm, với lại em muốn có thời gian bên tụi nhỏ nhiều hơn.

- Nhớ gọi điện báo cho mẹ biết là không về.

- Dạ, em biết rồi.

Ngày tháng dần trôi qua, cô cũng quên mất sự hiện diện của anh trong trái tim cô. Thay vào đó, sự gặp gỡ giữa cô với Chúa thường xuyên hơn. Cô cảm ơn Ngài lúc cô hạnh phúc cả lúc cô gặp chuyện buồn phiền. Lúc cô hăng say, nhiệt huyết hay lúc cô mệt mỏi chán chường, cô đều nghĩ đến Ngài và dâng lời cầu nguyện. Cô cảm nhận được sự bình yên nơi bàn tay Ngài. Cô cảm thấy ấm áp và hạnh phúc, được an ủi mỗi khi cô cầu nguyện với câu lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28).

- Lạy Chúa, con chỉ là một con người yếu đuối và mỏng giòn, mang trong mình đầy tội lỗi và ước vọng của thế gian. Nhưng con cảm nhận được tình yêu của Chúa rộng lớn biết bao nhiêu. Con được Chúa bao bọc từng ngày, và mỗi khi con mệt mỏi, là Ngài, chính là Ngài cho con được nương tựa bên bờ vai của Ngài.

Lúc con ở nhà, chính Chúa đã cho con gần cậu ấy, yêu cậu ấy nhiều, nhưng lúc này đây, Chúa như thay thế cậu ấy, để an ủi, để động viên và trò chuyện với con lúc con cô đơn, lúc con vui hay con buồn. Chúa đã chiếm trọn trái tim con, Chúa mời gọi con đến với Chúa qua việc phục vụ Giáo Xứ. Con cảm ơn Chúa, cảm ơn tình yêu của Chúa dành cho con.

- Soeur ơi, con muốn xin tìm hiểu dòng của Soeur.

Cô đã được đi tìm hiểu dòng Thánh Phao Lô thành Chartres trong một dịp tình cờ cô được mời tham dự lễ khấn của các Soeur dòng này. Có lẽ, Chúa đã chinh phục trái tim cô từ giây phút đó.

- Minh hả, cậu khoẻ không? Tớ nhớ cậu nhiều. Cậu học hành sao rồi? Cậu có người yêu chưa? Năm nay tớ không về hè, giờ Tết Cổ Truyền gia đình tớ cũng đoàn tụ ở Sài Gòn luôn.

- Cậu hỏi nhiều thế sao tớ trả lời hết được. Tớ khoẻ, mọi thứ ở nhà cũng tốt lắm. Cậu khoẻ không? Tớ thì lúc nào cũng nhớ cậu cả.

- À, đúng rồi. Tớ báo cho cậu cái tin này. Ừ…Hết năm nay tớ sẽ đi tìm hiểu ở dòng Phao Lô đó, tớ vui lắm.

- Ừ,…Chúc mừng cậu nha, ráng tu tốt, để tớ còn được nở mày nở mặt. Thế là cậu đã thực sự rời xa tớ rồi ư? Cậu đã quyết định chắc chắn chưa?

- Tớ đã quyết định rồi. Cậu cầu nguyện cho tớ nhiều nha.

Anh nói thế, nhưng anh cũng buồn lắm. Anh biết rõ cảm xúc của mình lúc này thế nào. Nhưng anh luôn luôn ủng hộ những quyết định của cô và anh cũng sẽ giữ tình cảm dành cho cô trong tận đáy sâu trái tim.

- Dù cậu đi đâu, làm gì thì tớ luôn ở đây để chờ đợi cậu, để an ủi cậu mỗi lúc cậu buồn, mỗi lúc cậu gặp khó khăn.

- Ừ, cảm ơn cậu nhiều, chúng ta mãi là bạn tốt của nhau nha.

Tình bạn là một thứ tình cảm trong sáng và rất đáng để bạn trân trọng và giữ trọn trong tim. Cố nhiên, tình bạn đẹp thế nào thì tình yêu cũng mang một hương vị không kém ngọt ngào và đầy yêu thương. Thế nhưng, cái gọi là tình yêu đó được thể hiện, được chọn lựa thế nào để cuộc sống của bạn luôn mang được đầy màu sắc trọn lẫn với nhau. Giữ lại tình yêu nhỏ bé đó, để dâng hiến cuộc đời cho một tình yêu lớn hơn, vĩ đại hơn mà có lẽ ít ai trong chúng ta có thể yêu như thế.

 

Mã số: 15-055

HƯƠNG TÌNH

Lật qua, lật lại trên cái giường tám tấc[1], liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, 11 giờ 35 phút, đã gần qua ngày thứ hai ở Đại chủng viện, vậy mà giấc ngủ vẫn cứ lảng tránh mình. Nhìn sang hai bên, ba anh em còn lại, đã say giấc từ khi nao, một sự bực bội nhẹ xuất hiện trong người. Giờ đây, trong căn phòng dành cho bốn người, bóng tối bao phủ hầu như toàn bộ, chỉ có một vài sợi ánh sáng len lỏi qua khe cửa, chui tọt vào phòng, và chiếc quạt trần quay ù ù là còn nhiệt tâm làm việc. Muốn đổi không khí, tôi nhẹ nhàng, nói đúng hơn là rón rén ra khỏi phòng, chẳng khác nào một tên ăn trộm. Vừa mở cánh cửa, chưa kịp bước ra ngoài, thì những chùm ánh sáng bắt đầu ùa vào như đội quân ra trận, chỉ còn đôi mắt là kịp phản ứng với những cái chớp nháy liên tục cho tới khi hòa nhịp được với kẻ thù. Ra khỏi phòng, nhìn dãy hành lang mờ mờ ảo ảo, nhờ những bóng đèn pha được treo trên những dãy nhà, như không có điểm đầu và điểm cuối. Bước tới thêm một tí, dựa hai khủy tay vào thành lan can, cảm giác mát lạnh từ lan can bắt đầu chuyển vào cơ thể cùng với những cơn gió nhẹ mang theo không khí trong lành, cảm thấy rất dễ chịu. Bỗng dưng, đập vào mắt tôi hình ảnh bức tượng của Mẹ Maria chắp tay đứng giữa trời, bất kể mưa nắng, che chở cho đoàn con. Bất giác, tôi làm dấu thánh giá, tạ ơn Mẹ, tiếp tục phóng tầm mắt ra khỏi khuôn viên đại chủng viện,những cái khách sạn, nhà nghỉ, thấp thoáng xen lẫn nhà dân, cùng với vài bảng hiệu đèn neon mờ ảo. Hình ảnh rõ ràng nhất mà đôi mắt có thể bắt lấy là những dãy đèn điện đường uốn quanh một hình bán nguyệt, như vòng tay của một người mẹ đang ôm ấp đứa con bé bỏng.Thu ánh nhìn về, hít một hơi thật sâu cái không khí mát lạnh, chợt nhận ra đôi tay mình được ai đó sơn lên một màu vàng nhàn nhạt. Đảo mắt tìm cho ra kẻ gây ra chuyện này, quay đầu qua trái, qua phải, trước sau, rồi cũng biết được thủ phạm khi ngước nhìn lên “Chị Hằng”, hôm này ngày 16 âm! Không biết bộ não ra lệnh cho đôi chân khi nào, mà đôi chân đã cất bước đi tìm cầu thang dẫn lên sân thượng (tầng tôi đang ở là tầng năm rồi đến sân thượng). Vừa đặt chân lên bậc thang đầu tiên, một giọng nói vang trong tâm trí tôi: “Buổi tối các thầy không được lên sân thượng” của cha phó giám đốc chủng viện, nhưng trái tim và sức hút của Chị Hằng đã chiến thắng. Tôi tiếp tục bước lên như con mèo đang rình mồi, lên tới bậc thang cuối cùng dẫn lên sân thượng, một luồng khí lạnh chạy dọc lưng tôi, những con người với chỉ thân mình trắng toát, không đầu, không chân, không tay, đang tiến về phía tôi. Chẳng kịp suy nghĩ, tay phải của tôi, nắm chặt tràng chuỗi mà tôi đang mang ở cánh tay trái, cùng với lời kinh Maria. Vừa dứt lời kinh, đôi mắt định thần nhìn lại thì mới nhận ra, sân thượng dành một chỗ để phơi đồ, và đó là những chiếc áo phông đang phất phơ trước gió, tôi chợt cười chính bản thân tôi. Tới sân thượng, tôi tìm một chỗ lý tưởng để có thể ngắm Chị Hằng một cách rõ ràng và cũng để tránh sương đêm. 

 Ngước, ngắm nhìn Chị Hằng. Không biết tôi đã ngắm nhìn Chị Hằng lần gần đây nhất là khi nào, có lẽ đã lâu lắm rồi, từ thời còn là một cậu học sinh trung học. Chị Hằng, theo tôi là biểu tượng của tình yêu, từ xưa cho tới nay, đã có rất nhiều người từng có tình với Chị Hằng, nhưng rồi họ qua đi, nhưng chị Hằng vẫn còn mãi, và có những đôi lứa nhờ chị Hằng chứng giám tình yêu của họ. Đang chìm đắm trong suy nghĩ, thì Chị Hằng trở nên trong suốt, như một cái màn hình, bắt đầu trình chiếu mối tình đầu của tôi.

Tại tiền chủng viện. Lúc đi dạo tôi hỏi một người anh cùng xứ:

- Anh, hè năm nay, lớp em tổ chức chuyến du hý Đà Lạt, năm ngoái lớp anh cũng vậy phải không ?

- Ừ!- Anh trả lời- Lên đó chơi vui lắm, Đà lạt buổi đêm đẹp, thơ mộng lắm, nhưng phải có “thổ địa” chứ nếu không thì chịu thua.         

- Anh có người quen trên đó không, giới thiệu cho em với, chứ em không có ai quen trên đó hết.- Tôi nói.

- À, có một chị từng là dự tu trong xứ đó, chắc em cũng biết.- Anh trả lời.- Anh có số điện thoại nè, em hỏi thử xem sao?

- Thôi đi anh ơi, cùng dự tu, mà em có biết mặt mũi gì đâu, nhớ được cái tên là may lắm rồi- Tôi cười trừ- Không quen không biết, gọi có mà bị chị la à.

- Thôi tùy em, anh chỉ biết có chị ở Đà Lạt thôi, có muốn tham quan Đà Lạt hay không là tùy em đó- Anh khích tướng- Cũng gần tới Giáng Sinh rồi đó, gọi chúc mừng luôn.

- Thôi được, anh đưa số điện thoại đây, em sẽ gọi. Đẹp trai không bằng chai mặt- Tôi bị anh hạ gục.

- Tu hành đàng hoàng nha nhóc- Anh tặng tôi một cước.

Gần tới ngày Giáng Sinh, tôi đã gọi điện thoại chúc mừng gia đình, bạn bè, và rồi cũng nhớ đến số điện thoại của chị. Ngoại trừ mẹ với chị tôi, đây là lần đầu tiên tôi gọi cho người khác giới. Hồi hộp, đó là cảm giác của tôi.

- Alo...- Đầu dây kia bắt máy.

- Chúc soeur Giáng Sinh an lành- Tôi nói ngay.

- Ủa, ai vậy, mình có quen bạn không ?- Giọng nói nhẹ, vẻ hơi bất ngờ của chị, in sâu vào trí tôi, không thể nào quên được.

- Ui, buồn quá, nghe giọng em mà không biết ai à?- Tôi cười thầm, thực chất thì tôi cũng chỉ nhớ mỗi cái tên của chị thôi

- Ừm… xin lỗi, thực sự là không nhớ- Chị bối rối hỏi.

Tôi cười:

- Em nè, cùng xứ mà, giờ nhận ra chưa?- Chắc chị cũng chưa hình dung ra mình, tôi nghĩ thầm.

Sau đó chị cũng ừ hử cho qua chuyện, hỏi thăm thêm mấy câu, và thêm cái nickname facebook để dễ nói chuyện, rồi chào tạm biệt. Từ đó, qua facebook, chị với tôi nói chuyện nhiều hơn, bắt đầu là những lời hỏi thăm hết sức bình thường như bao người khác, nhưng dần dà, không biết tự lúc nào, càng trò chuyện với chị tôi càng mến chị hơn, trò chuyện nhiều với chị hơn, thoải mái hơn, vui vẻ hơn... Và tới lúc tôi luôn muốn được trò chuyện với chị. Cứ mỗi chiều chủ nhật được ra ngoài dạo chơi, tôi lại nhanh chóng lên mạng để được gặp chị, bao cuộc đi chơi với anh em tôi không thèm để ý tới, thành thử có rất nhiều anh em đã trêu chọc tôi, tôi cũng đành im lặng. Và đặc biệt, từ khi quen chị, tôi đã quên mất mấy trò chơi điện tử tôi đã nghiện từ khi học phổ thông.

Quen chị cuộc sống của tôi ở trong chủng viện bị đảo lộn đôi chút. Từ một đứa thù âm nhạc, tôi lại bắt đầu nghe nhạc, những bản nhạc nước ngoài thập niên 80-90, và còn học đàn ghi-ta mà tôi không thích tẹo nào. Thời gian ở chủng viện cũng hình như ngừng trôi, công việc học hành của tôi cũng đôi phần sa sút nhưng không đến nổi tệ lắm. Tôi muốn gặp trực tiếp chị để nói chuyện hơn là nói chuyện qua cái màn hình máy vi tính, và ước muốn của tôi cũng thành hiện thực. Khi vào những ngày tết âm lịch, tôi được gặp chị, nhưng lạ thay, gặp chị tôi lại không thể nói được lời nào dù là lời hỏi thăm, đối với tôi chị chẳng khác một người xa lạ... Tôi thật thất vọng về chính bản thân mình, vậy mà những cuộc trò chuyện qua màn hình máy tính vẫn tiếp tục diễn ra thân thuộc. Tôi có một người chị qua thế giới ảo mà thôi.

Bước ngoặt chỉ diễn ra vào mùa hè khi tôi và anh em tu sinh cùng lớp có một chuyến đi du hý ở Đà Lạt. Tối hôm đầu tiên ở Đà Lạt tôi tách nhóm đánh lẻ vì đã có thổ địa là chị. Tôi hẹn gặp chị ở đầu đường dành cho người đi bộ, giữa một rừng người đông đúc, tôi đảo mắt tìm chị, và cuối cùng cũng nhận diện được chị, với bộ đồ quần tây áo sơ mi không thể nhầm lẫn được ở chốn đô hội này, chị đi cùng với một người bạn. Trời bỗng đổ mưa ngâu, thế là chúng tôi quyết định đi cà phê. Cũng giống như lần gặp ở xứ, tôi cũng không tài nào bắt chuyện được với chị, mà chỉ nói chuyện qua loa với người bạn của chị, nhưng cảm giác của tôi lúc đó thực là khác khi tôi nhìn chị, nhìn vào đôi mắt của chị. Những con sóng đang đánh vào tâm hồn tôi và những cơn giông bất chợt cũng hình thành trong tôi mà tôi không hiểu lý do, ngoài trời se lạnh lòng tôi thì được sưởi ấm.Sau lần gặp đó, hình bóng của chị cứ luôn bên tôi, ngay cả khi tôi ngủ, hình bóng chị vẫn đi vào giấc mơ của tôi, tôi cũng không hiểu tại sao. Cho đến một lần nọ,khi trò chuyện với chị,chị kể về anh chàng nào đó đi chơi với chị,tôi bắt đầu có cảm giác ghen tức một cách vô cớ,hình như tôi đã từng cười nhạo cảm giác này của đứa bạn thân ... Tôi nhớ lại những lần bạn tôi nói về cảm giác ghen tức với người yêu khi người yêu đi chơi với người con trai khác. Tôi đã yêu chị,tôi cố gắng đánh bay cái suy nghĩ đó ra khỏi người.Những ngày còn lại của mùa hè năm đó với tôi cũng thật là hạnh phúc,khi được bên chị,được nói chuyện,được ngắm chị và được dạo chơi bên chị. Về các việc đạo đức của một người đi tu,mặc dù vẫn hoàn thành nhưng cũng chỉ là chiếu lệ,qua loa,những buổi đọc kinh,cầu nguyện không mấy sốt sắng,và giờ lễ hình như tôi chỉ là cái xác không hồn,nhất là những buổi lễ hôn phối. Tôi nhìn đôi bạn,tôi nghỉ cảnh tương lai của chị và tôi,chợt nhớ đến một câu nói của đại văn hào Victor Hugo: “Người ta có một tôn giáo thứ hai là tình yêu,và chúa của tình yêu đó chính là người phụ nữ”, mà người phụ nữ của tôi là chị.Với tình yêu,thời gian không bao giờ là đủ,mới gặp chị đây,giờ phải vì học hành đành tạm xa nhau khác nào như Ngưu Lang-Chức Nữ...Tôi tiếp tục vào chủng viện ,chị cũng vào dòng,nhưng lần vào tiền chủng viện của tôi thật là hời hợt,chẳng hạnh phúc vui tươi như lần đầu... Cuộc sống vẫn tiếp diễn…

Những lần tôi được gặp chị là dịp tết âm lịch và nghỉ hè. Ngồi bên chị tôi muốn ôm chị vào lòng,muốn nói với chị là: “Em yêu chị”, nhưng bản tính nhút nhát của tôi lại chiến thắng. Tôi buồn,tôi thất vọng vì sự nhút nhát của mình. Tôi thầm nói trong lòng ”xin lỗi chị”,và cũng là lúc tôi tìm đến bầu bạn với những bia và rượu cùng với những người bạn của tôi.Rượu vào thì tôi có thể can đảm tâm sự với những người bạn về tình yêu của tôi,và tôi biết dù tôi nói thật thế nào những người bạn tôi cũng không tin vì “mày đi tu mà”, nhưng tôi vẫn cám ơn vì họ là nơi lòng tôi có thể nói hết mọi suy nghĩ thầm kín của mình.Tôi cũng bắt đầu đọc những cuốn tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng của thế giới,để xem tình yêu là gì,và tôi cũng lùng những cuốn sách về tâm lý lứa tuổi,tâm lý của người con gái,và tâm lý khi yêu...Vậy là một ít kiến thức vặt vãnh cho tôi,mặc dù không biết đúng hay sai,tôi bắt đầu tặng quà cho chị hay chí ít cũng nghĩ đến việc tặng quà cho chị, vì tôi đọc được ở đâu đó rằng là: Muốn một người con gái nhớ đến mình thì hãy tặng quà cho họ... Tôi tặng quà cho chị bất kể dịp lễ hay dịp gì,hay là những chuyến đi xa của tôi,tôi luôn mua quà cho chị mà cũng có thể tôi tặng chị mà không kể dịp gì hết.

Năm tháng cứ dần trôi qua,không biết chị nghĩ gì về tôi,còn tôi “hôm nay yêu chị nhiều hơn hôm qua nhưng ít hơn ngày mai”... Nhưng tôi vẫn cố giữ thái độ là một người em đối với chị,để mọi người trong xứ,bạn bè của tôi không nghi ngờ... Và tôi cũng nghĩ rằng đó là tình yêu đơn phương của tôi và sẽ giữ nó cho đời tôi...

Sau ba năm học,tôi đã mãn khóa tại tiền chủng viện,và bắt đầu thời gian thử thách ,là năm giúp xứ. Một buổi tối, đang đọc kinh chuẩn bị đi ngủ,một cuộc điện thoại reo,làm tôi giật mình,trí tôi linh tính điều xấu xâm chiếm hồn tôi,về gia đình. Nhưng không,số điện thoại hiện lên trên màn hình di động là của chị (số điện thoại của chị tôi không có lưu vào danh bạ). Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng con tim lại bắt đầu làm việc. Một suy nghĩ lạ lùng hiện lên “chị yêu em”, tôi nghĩ như thế và tôi mong ước được như thế. Tôi bắt máy và rồi cơ thể tôi đông cứng lại nhưng hồn tôi đã phiêu bạt tới tận mây xanh khi nghe chị nói “chị yêu em”. Tôi không thể và không biết đáp lại chị như thế nào… Sau mấy giây có vẻ ngừng trôi,chị nói với âm lượng vừa phải đủ để nghe : ”nhưng…”,và rồi cũng im lặng. Tôi biết từ nhưng đó là gì, là tôi có thể xa chị, và để chị không nói tiếp tôi đánh trống lảng qua chủ đề khác.Những ngày tiếp theo là những ngày hạnh phúc, và hạnh phúc thật ‘ngắn chẳng tày gang’.Chị đã quyết định vào nhà tập của nhà dòng mà bấy lâu này chị tìm hiểu, và tôi cũng tiếp tục đi trên con đường ơn gọi của mình. Trước khi đi, chị đã nói với tôi: “Chị yêu em nhưng chị với em yêu nhau hãy hướng về một Người, đó là Chúa Giêsu”.

Và tôi đang có mặt tại Đại chủng viện... Một đám mây bỗng dưng che mất mặt trăng và tôi cũng trở về với thực tại, nhìn lại chiếc đồng hồ, đã 12 giờ 30 phút, qua ngày mới, phải xuống ngủ thôi, tôi tự nhủ, để mai còn dự thánh lễ khai giảng năm học mới nữa.Tôi đứng dậy, nhẹ nhàng bước đi, những giọt sương đã làm ướt đẫm nền, vừa đi trong tôi bỗng dưng vang lên một giai điệu...: “Lạy Chúa xin đừng để con bơ vơ, khi nắng chiều buông xuống trên đồi non, lạy Chúa xin đừng để con bơ vơ...”.

 

Mã số: 15-056

 THỬ THÁCH

Trái đất đang uể oải vặn mình thức giấc,sau một đêm dài. Những tia nắng vượt hàng vạn dặm xa xôi tới chơi đùa cùng trái đất,những hạt nắng len lỏi vào những đám lá cây,xuyên qua những giọt sương long lanh,có những hạt lại tìm tới những nơi âm u,sâu thẳm của trái đất,để mời gọi tỉnh thức,báo hiệu một ngày mới.Những chú chim,hân hoan đáp lại lời mời gọi bằng những bài hát líu lo trên những cành cây cao. Dòng người cũng bắt đầu hối hả ra đồng,ra nương… Một ngày mới bắt đầu.

Tại khuôn viên giáo xứ, một giáo xứ thôn quê.

 Tuấn, một tài xế xe khách, cùng với linh mục quản xứ đang thư thả nhâm nhi ly cà phê,và thưởng thức những bản nhạc Mozart để thư giãn,sau những chuyến ngày dài, hai cha con rong ruổi trên chiếc xe bốn chổ đi mục vụ ở vùng truyền giáo. Hai người đang đàm luận về chuyến đi vừa rồi cũng như là các tin tức thời sự đang xảy ra.Bỗng dưng một hồi chuông điện thoại vang lên cắt ngang cuộc trò chuyện của hai cha con.

“Xin lỗi,cha nghe điện thoại tí xíu…” ,vẻ mặt hơi bất ngờ của cha. “Không sao đâu cha”, Tuấn đáp.trong lúc cha ra chỗ khác nghe điện thoại. Tuấn nhìn theo cha,cảm thấy rất quý mến vị linh mục đạo đức… “Có chuyện gì không cha?”, Tuấn hỏi khi thấy cha đang tiến về phía mình.”Cha phải đi dâng thánh lễ ở giáo xứ của ông cha bạn,con cứ ngồi chơi đi,cha đi cho kịp giờ,xin lỗi con nghe”. “Dạ..dạ..để con chở cha đi…”. “Thôi,con mới chạy đường xa về mà”,vẻ mặt nhân hậu cha tiếp, con cứ nghỉ ngơi còn làm việc nữa, cha đi một mình được rồi…”. “Nhưng,cha…cha cũng…”, Tuấn bỏ lững câu nói. “Không có gì đâu,thôi cha đi đây,cho kịp giờ lễ”, cha vừa dắt chiếc dream vừa nói… “Dạ..dạ...”, ngoài từ đó ra Tuấn không biết nói gì hơn.

Một mình ngồi giữa không gian rộng lớn, từng cơn gió hiu hiu lướt nhẹ trên mặt hồ nhà xứ, những chú chim vẫn cứ cất giọng,hát lên những bài ca thân thuộc. Tuấn nghĩ về mình và nghĩ về cuộc đời linh mục.Sau bao tháng ngày giúp linh mục,Tuấn hiểu rõ linh mục hơn, một con người,một cuộc đời hy sinh cho đàn chiên. Tuấn thấy mến,thương linh mục nhiều hơn…Rồi không biết giấc ngủ xâm nhập mình tự khi nào...

 Kinggggg….kongggggg..,king…kongg..

 4h sáng…Một cậu bé chợt tỉnh dậy…Việc đầu tiên cậu làm là làm dấu thánh giá,miệng thì cứ lâm râm câu gì đó không thể biết được. Xong đâu đó,hớt ha hớt hải,đi làm vệ sinh cá nhân. Một bộ đồ quần tây áo trắng được treo gọn gàng ở đầu giường, cậu mang một cách nhanh chóng,nhẹ nhàng bước ra khỏi nhà đến nhà thờ xem lễ. Cậu bé đó là Tuấn.

 Sống trong môi trường toàn tòng Công giáo và gia đình cũng rất sùng đạo,nên Tuấn được tiếp nhận nền giáo dục Ki-tô giáo từ rất sớm.Dưới sự yêu thương quan tâm của ông bà,và giáo dục của cha mẹ, mới sáu tuổi Tuấn đã thuộc nằm lòng các kinh thường ngày.Tuấn cũng được gia đình định hướng đi tu,Tuấn cũng rất muốn đi tu. Vào đầu năm lớp sáu Tuấn đã đăng ký vào sinh hoạt ở đoàn thể dự tu của giáo xứ,một cậu bé rất tích cực thăm gia các hoạt động mặc dù còn đôi chút hiếu động làm anh chị lớn phải rất vất vả để có thể quản được.

 Nhưng cuộc đời Tuấn đã đảo chiều,từ một con chiên ngoan đạo,thánh thiện đã trở thành một con người lãnh đạm,và chẳng ưa thích gì tới nhà thờ. Từ một nơi là chỗ vui chơi,nghỉ ngơi của Tuấn,nhà thờ đã trở thành một nơi đầy cực hình,vì một cái tát.

 Vào một ngày Chúa nhật,trong lúc đang xếp hàng để sinh hoạt dự tu,với bản tính hiếu động của trẻ nhỏ như một bầy vịt con đùa giỡn,phá bên này,chọc bên kia,cười nói ồn ào,mặc cho cha sở đang dặn dò một số điều...

“Bốppppppppp”, như một tiếng sấm vang lên,bầy vịt con giật mình,tiếng cười nói từ từ trầm xuống rồi tắt hẳn.Một cái tát tai của cha sở dành cho Tuấn,dấu bàn tay đỏ như máu còn hằn lên một bên khuôn mặt đang ngơ ngác.Làn da Tuấn bắt đầu bừng đỏ như một viên than đang cháy,đôi mắt đằng đằng sát khí, hai bàn tay nắm chặt lại như hai cái búa tạ,đang sẵn sàng như đang chờ chủ ra lệnh,nhưng làm sao được bây giờ! “Đã nói rồi mà không nghe lời,cứ bắt phải dùng biện pháp mạnh”, cha nói rồi quay lên tiếp tục công việc của mình, đôi mắt đỏ hoe,kèm theo đôi bàn tay run run.Sự việc xảy ra chớp nhoáng,ai ai cũng phải bất ngờ,vì Tuấn không phải là người đùa giỡn đó nhưng không ai dám nói vì sợ.

Kể từ giây phút đó,lòng mộ đạo của Tuấn như ngọn lửa đang bùng cháy bỗng dưng bị tạt một gáo nước lạnh.Tuấn thờ ơ với việc đi lễ đọc kinh,có quá lắm thì cũng làm chiếu lệ,nhà thờ đối với Tuấn, giờ đây chẳng khác nào nhà tù.Tuấn bỏ dự tu và lần lượt xa rời các hoạt động của giáo xứ,và ngày càng tệ hơn khi Tuấn bước vào giảng đường đại học,khi đó,nhà thờ là một nơi xa xỉ đối với Tuấn,nhưng cũng vì thói quen được mẹ dạy từ nhỏ,hằng ngày,Tuấn vẫn đọc một số kinh Kính Mừng.

Những năm tiếp theo,Tuấn có gia đình êm ấm,nhưng Tuấn vẫn không đến nhà thờ dù được người vợ sùng đạo khuyên răn. Nguy hiểm hơn,Tuấn không cho hai đứa con rửa tội,dù bà con lối xóm có dị nghị,Tuấn vẫn bỏ ngoài tai. Nhưng một đôi lần thấy những đứa bé mang khăn quàng Thiếu Nhi Thánh Thể cười đùa,tung tăng tới nhà thờ,hồi ức thời thiếu nhi của Tuấn cũng đã hiện về chỉ một tích tắc rồi bị cái tát năm xưa dập tắt.

Đặc thù công việc của Tuấn là chạy xe thuê,chạy bất cứ nơi đâu khách yêu cầu,nhưng một ngoại lệ,đó là bất cứ địa bàn nào của Công giáo là Tuấn không bao giờ chạy,giáo dân trong vùng ai cũng ngao ngán với cách hành xử đó của Tuấn.

- Tuấn,Tuấn ơi!- Mới bảy giờ sáng- Giúp tao với Tuấn ơi!- Thằng bạn thân chí cốt của Tuấn đang đứng trước cổng nhà Tuấn.

-Gì vậy anh hai,mới sáng sớm mà om sòm mày!- Tuấn mắt còn đang líu nhíu bước ra cổng- Vào nhà đi rồi nói tiếp,thằng trời đánh thánh đâm- Ngáp dài.

- Tau muốn cho 2 đứa con tau một chuyến đi chơi dịp nghỉ hè- Vừa ngồi xuống ghế,thằng bạn đã lên tiếng- Tụi nó muốn đi hành hương Mẹ La Vang, nên tau qua đây nhờ mày chở nhà tau đi.

- Dẹp!- Đang cầm trong tay ly cà phê chưa kịp uống- Mày thừa biết là tau không chở tới bất cứ các địa điểm hành hương mà. Kiếm người khác đi,tao không giúp được.

- Thôi mà,tao biết điều đó chứ,nhưng mà kiếm cả mấy ngày mà nhà xe nào cũng bận hết. Với lại,tau nhớ hồi nhỏ mày đã từng ước muốn đi Mẹ La Vang mà!- Đứa bạn nói.

- Ừ thì đó là chuyện của mười mấy năm trước,giờ thì hết rồi,tóm lại là không đi.- Tuấn rít một hơi thuốc lá.

- Thôi mà bạn,giúp tao một lần này thôi,biết ơn mày lắm.Tao hứa mấy đứa nhỏ rồi,chẳng lẽ giờ thất hứa. Tao biết mày,nhưng cũng vì bất đắc dĩ mới nhờ mày đó chứ.-  Giọng năn nỉ của thằng bạn.

- Haizzzz…-  Tuấn thở dài- Ai biểu tao có thằng bạn thân là mày cơ chứ!

- Vậy là mày đồng ý rồi đúng không Tuấn,bạn tốt?- Một tiếng cười sảng khoái.

- Khi nào đi,để tao còn chuẩn bị xe cộ- Tuấn nói.

- Ba ngày nữa được không?- Đứa bạn đề nghị.

- Được, thứ hai tuần sau- Tuấn vừa nhìn tờ lịch treo tường vừa nói- Nhưng giá cắt cổ đó nghe mày!- Một nụ cười nham hiểm của Tuấn.

Miệng thằng bạn há hốc,tay đang cầm ly nước trà chưa kịp uống: Nói chơi hay nói đùa vậy anh hai?

- Đương nhiên phải cắt cổ rồi- Tuấn đáp- Mày đổ xăng tao chạy. Xong!

- Thế thì còn gì bằng,duyệt!- Thằng bạn đáp- Đúng là tao chọn không lầm bạn.

Sáng tinh sương bốn ngày sau, Tuấn và gia đình thằng bạn cũng vừa tới Thánh địa La Vang. Những tia nắng đầu ngày xuất hiện,những con gió nhẹ nhàng lướt trên những nhánh cây cao,cảnh vật dường như vẫn còn mê ngủ... Sau khi tấp xe đâu vào gần cổng chính của Thánh Địa,gia đình thằng bạn bắt đầu tiến vào cổng chính,một số nhóm khách hành hương gần đó cũng rạng rỡ tiến vào...Tuấn châm điếu thuốc,lững thững tản bộ vào những cái chòi ở cổng phụ,không khí trong lành,những ngọn cỏ vẫn còn đẫm sương đêm. Tuấn ngửa mặt nhìn trời ,rồi cúi nhìn đất,nhìn quanh hai bên đường,bắt gặp những bức tượng Mẹ Maria hiền từ cũng đang dõi theo Tuấn,Tuấn thấy xáo động trong lòng,cố gắng bước nhanh để khỏi nhìn thấy các bức tượng.Tuấn bất đầu tiến vào các khu nhà dành cho khách,nhà truyền thông nhưng giờ này chưa được mở.Điếu thuốc thứ hai lấy tinh thần,tiếp tục rẽ trái tiến đến ngôi tháp nhà thờ cổ. Tháp được xây dựng khi nào,Tuấn nghỉ,sao mà có vẻ còn khá chắc chắn,dù màu của những viên gạch có hơi xạm đi vì thời tiết,ở sau tháp cổ có một nhà nguyện nhỏ, giờ này chưa có tín đồ nào.Tuấn cũng vội vàng tiến đi,nhưng không biết lý do gì,Tuấn lưỡng lự rồi tiến vào giữa nhà nguyện,ngước mắt nhìn cây Thánh giá cùng với Con Người bị treo trên đó,hai đầu gối đã chạm nền sàn nhà lạnh khi nào Tuấn không thể nhớ.Một giọng nói ở xó xỉn tối tăm nào đó trong tâm Tuấn,mà từ rất lâu Tuấn đã không màng tới: “Ta đã vì con mà chịu treo trên Thánh Giá,sao con lại bỏ Ta? Tuấn bịt tai lại,cố gắng không nghe,và cũng không muốn nghe,. Lập tức,Tuấn chồm dậy,bỏ chạy ra ngoài,được hai bước ,Tuấn vấp phải cái chân ghế,ngã sỗng soài dưới nền ,lồm cồm đứng dậy tiếp tục chạy ra xa khỏi nhà nguyện,rồi chạy tới chiếc xe,giọng nói đó vẫn còn vang vọng....Những ngày tiếp theo sau đó,giọng nói đó vẫn cứ bám riết lấy Tuấn không hề buông tha... Rồi cũng tới lúc rời khỏi đó.

Trên đường về Tuấn vừa chạy xe ,vừa suy nghĩ,rất nhiều,tưởng chừng như suy nghĩ đó đang đi chu du một phương trời nào xa lắc... nhưng cũng phải chạy xe an toàn... Khi vừa để gia đình đứa bạn về tận nhà, Tuấn liền lao xe như điên không phải về nhà,nhưng là vào ngôi nhà thờ,với khuôn mặt thê thảm như một người bại trận. Ngôi nhà thờ xa lạ nhưng cũng thật gần gũi với Tuấn.Sau hai giờ đồng hồ, chiếc xe cùng với Tuấn nhẹ nhàng lướt ra khỏi cổng nhà thờ,khuôn mặt rạng rỡ,hạnh phúc như một đứa bé được mẹ tha thứ lỗi.Giờ đây Tuấn đã trở lại đạo.

Gia đình,bạn bè,hàng xóm rất bất ngờ với sự thay đổi một trăm tám mươi độ của Tuấn,đặc biệt,người ngạc nhiên nhất là vợ Tuấn, không thể diễn tả bằng lời vì từ khi quen Tuấn tới khi làm vợ,đây là lần đâu tiên thấy Tuấn thay đổi quyết định của mình.Tuấn cho hai đứa con học đạo và sinh hoạt các đoàn thể của giáo xứ. “Tuấn trở lại”, biệt danh này chắc sẽ đi suốt cuộc đời của Tuấn,và cũng kể từ đó,Tuấn hăng say trong công việc của nhà thờ.

 “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa,đến muôn đời con ngợi ca Danh Chúa,đến muôn đời”… Hồi chuông điện thoại vang lên,Tuấn giật mình thức giấc. Mười hai giờ trưa,mặt trời đã tới đỉnh đầu,khuôn viên nhà xứ vẫn im lặng như vốn có. Cha chưa về, Tuấn liếc nhìn chiếc điện thoại vợ gọi. Tuấn bắt máy,giọng trong trẻo của một đứa nhỏ vang lên, con của Tuấn. “Về ăn cơm”.Tuấn mỉm cười khi nghe giọng của con.

Cúp máy,Tuấn hạnh phúc khi có một gia đình ấm êm. Nghĩ về đời sống linh mục, cuộc đời hy sinh,hy sinh rất nhiều.Bước ra xe,khởi động máy và đi về nhà,không quên đọc kinh tạ ơn Chúa,Mẹ trước khi về…

 

Mã số: 15-060

BIẾN ĐỔI TRÁI TIM

Ở một góc hẻm cuối phố, có một tòa nhà rộng lớn, cũ kĩ và tối om. Không một ai dám bước chân vào nơi đó, ngoài… một cô gái. Mà không, cũng chẳng ai biết đó là một cô gái hay một bà lão nữa. Bởi ả luôn mặc một cái váy dài cũ kĩ, che kín từ cổ đến gót chân, cái mặt thì lúc nào cũng được che chắn kĩ càng bởi cái mũ to luôn được cụp sâu và cái khăn màu xám, nếu có là một cô gái thì cũng là một cô gái lạc hậu thôi! Cũng đúng thôi khi người ta dùng cái từ lạc hậu đối với cô ta . Chưa bao giờ trong suốt mấy năm qua, cô ta bước chân đi mua quần áo, sắm sửa gì đó cho mình. Thế nhưng cứ 5 giờ sáng cái bóng dáng đáng dị của cô ta trở nên thật quen thuộc. Cứ cái giờ đó, không sai 1 giây, cô ta đi nhanh đến một cửa tiệm tạp hóa gần đó mua đồ ăn rồi lại lúi húi trở về. Cứ thế cứ thế, ngày ngày lại trôi qua…

Thế nhưng, một tuần… một tháng … một năm trôi đi… không ai thấy cô ta đâu cả. Thay vào đó là sự xuất hiện của một gã đàn ông lạ mặt vào mỗi cuối tuần.

Gần tòa nhà ấy,có một gã hàng xóm, ham chơi cờ bạc, thiếu nợ rất nhiều. Vì bí bách quá, hắn đã vượt hàng rào lẩn vào nhà hòng kiếm được cái gì đó có thể bán.Căn nhà không một tiếng động, hắn bước đến chỗ giường… Hắn giật mình ngã xuống khi thấy một em bé đang nằm gọn ghẽ trong đó! Ngay lúc đó, có tiếng chân đến gần.Hắn nhanh chóng lẩn vào góc tối.

Nơi đó, lần đầu tiên hắn được nghe giọng ả, một giọng nói nhẹ nhàng thướt tha mà sâu lắng. Hắn tự hỏi trong đầu “Đứa bé là ai, lẽ nào là con cô ta? Ai lại đi làm cái chuyện đó với cô ta cơ chứ?” Nghĩ tới đó, bỗng một ý định nào đó nảy ra trong đầu hắn: “Có làm chuyện đó ở đây cũng đâu ai biết đâu?”. Thế nhưng, hắn bỗng ngừng suy nghĩ…

- Ba sẽ quay lại thôi! Sẽ quay lại thôi!

Thì ra đứa bé đó đích thực là con của ả sao? Thật là không thể ngờ được. Một ngọn đèn được thắp lên bên đầu giường của đứa bé! Một nàng tiên xinh đẹp từ đâu bỗng hiện ra … Nhưng sao cái dáng này quen thuộc đến thế! Hắn lắc mạnh cái đầu như chợt nhận ra điều gì? Phải! Đó chính là ả, người đàn bà đáng dị.

Biết bao năm hắn quan sát cô ta thế mà giờ đây hắn mới được nhìn mặt. Nhưng hắn chưa từng nghĩ ả lại xinh đẹp như thế!

Sau khi lẩm bẩm gì đó bên cạnh cái nôi. Cô ta nhẹ nhàng thổi tắt cây nến, di chuyển đi đâu đó! Đợi bóng cô ta khuất hẳn, hắn chui ra khỏi chỗ trú. Định lẩn đi ra, nhưng một ánh sáng lạ lùng từ chiếc nôi đã thu hút hắn. Hình như cái chân hắn đang run, từng bước… từng bước một. Hắn tiến gần đến chỗ cái nôi. Một ánh sáng nhỏ nhưng rất mạnh xuyên qua lớp chăn quấn quanh người cậu bé, nó nằm trước ngực phía trái của em.Hắn nghĩ: “Chắc hẳn đó là một viên kim cương”. Hắn đưa tay ra tiến đến gần vật sáng.

- Á! Nóng quá!- Hắn la lớn.

Tiếng la bị vang vọng trong căn nhà! Sợ bị lộ hắn liền bỏ chạy.

Từ đó, hắn càng tò mò hơn về cô gái, về đứa bé và về cái vật sáng kì lạ ấy. Hắn quyết định tới đó một lần nữa. Hắn lần theo lối cũ mà đi. Thế nhưng, căn nhà rộng rãi hoang sơ, không dẫn hắn đến căn phòng cũ mà lại dẫn hắn ra lối vườn cây. Hắn thấy 2 cái bóng người, 1 nam 1 nữ đang to nhỏ với nhau chuyện gì đó, hắn cố lắng tai nghe.

- Anh yêu em. Nhưng anh không thể theo đạo! Em hiểu điều đó mà!

- Em không nghe…- Vừa nói cô gái vừa đưa tay bịt tai lại.

- Em phải nghe, đó là trách nhiệm em phải làm.

- Trách nhiệm… Anh dám nói với tôi cái từ đó sao. Vậy còn con tôi! Con tôi lớn lên sẽ thế nào? Anh nói đi! Anh nói đi! Ai? Ai có trách nhiệm với nó đây?- Vừa nói cô ta vừa đánh chàng trai kia.

- Nhưng nếu anh thừa nhận 2 mẹ con, anh sẽ bị mất tất cả… Ngành của anh làm không thể theo đạo, em biết mà. Chẳng lẽ, em muốn thấy anh mất tất cả mới tốt sao?

Thì ra, đó là cô gái kì lạ và người yêu của cô ta, người cha của đứa bé. Thật nực cười, sao cô ta phải yêu một kẻ không biết hy sinh vì cô ta vậy chứ!

- Em à! Anh sẽ kiếm thật nhiều tiền chăm sóc em và con. Anh sẽ lo cho con mọi thứ! Em hãy cứ sống như bao năm nay em vẫn sống đi em!

Trong màn đêm tối, hắn không nhìn thấy rõ mặt người nhưng lại nhìn thấy rất rõ hai hàng nước mắt lấp lánh trên khuôn mặt kia. Nàng không la, không mắng nữa! Chỉ còn lại tiếng nấc tức tưởi và hai hàng nước mắt không ngừng rơi mà thôi. Cuối cùng, hắn cũng tìm ra được căn phòng hôm bữa! Vẫn cái nôi ấy, vẫn cậu bé ấy và vẫn là cái vật sáng kì lạ bên trong người cậu bé! Hắn tiến gần quan sát.

- Thì ra mi là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Một kẻ phản đạo. Mi sống là một tội lỗi. Hãy đi đi và về với Thiên Chúa.

Nói đến đó, hắn giơ tay để lên cổ cậu bé…! Nhưng…. Cái ánh sáng kì lạ kia lại tỏa ra, nó lạnh buốt khiến hắn không thể cử động được cánh tay.

Cậu bé mở mắt ra, cậu không la, không khóc, cậu nhìn chằm vào gã đàn ông xa lạ… Ánh mắt ấy khiến hắn nhớ đến đứa con của hắn. Đứa con vì hắn mà chết. Hắn rụt tay lại.

Hắn là một đứa trẻ nửa đạo nửa lương. Chính vì thế khi sinh ra, hắn đã không được thừa nhận của cả hai bên dòng họ. Nên hơn ai hết, hắn hiểu cuộc sống của một đứa trẻ lớn lên không được công nhận là như thế nào? Đau khổ hơn là chết! Cuộc sống đau khổ của hắn tưởng chừng như kết thúc khi lấy được người vợ hiền thục. Nhưng rồi, vào ngày sinh đứa bé, cô ấy đã ra đi vĩnh viễn. Mất vợ, cuộc sống của hắn rơi vào lầm than. Từ đó, hắn bắt đầu uống rượu. Lúc đầu chỉ uống cho đỡ mệt, cho đỡ buồn, đỡ chán. Và rồi dần dần, cứ thế nhiều lên.Hắn uống rượu thay nước hồi nào không hay. Một lần, vì say quá mà hắn ngủ ngoài đường, mặc cho đứa con mới được 3 tháng tuổi đang bị nhốt trong nhà hai ngày trời không có gì ăn. Nó gục xuống. Hắn không còn gì cả. Hắn lại rơi vào rượu chè, cờ bạc.

Tiếng bước chân người đang đến! Hắn vội bỏ đi.

Kể từ ngày hôm đó,hắn quan sát cái căn nhà ấy rất kĩ. Căn nhà lại trở về vị trí như ban đầu của nó.

Nhưng thật lạ! Một tuần sau, không thấy bóng dáng của người đàn ông kia đâu nữa mà thay vào đó là những việc kì lạ hơn… Cô gái không bịt kín nữa. Cô ra vườn trồng hoa. Cô thêu tranh và đem ra chợ bán… Hắn như không tin vào mắt mình. Không ai biết cô gái bán tranh xinh đẹp ấy chính là người đàn bà “đáng dị”, ngoại trừ hắn.

Thì ra, cô ta không muốn phụ thuộc vào hắn ta nữa.Cô ấy muốn sống. Muốn là con người. Hắn thấy mắt mình cay cay. Cô ta ra ngoài. Vậy, đứa bé! Nó đâu? Không dành thời gian để suy nghĩ, anh lẻn vào ngay căn phòng.

Bỗng nhiên, trong không gian im lặng ấy đứa bé òa lên khóc. Hình như nó đang đói. Anh chạy đến, ôm đứa bé vào lòng, hát ru…. Đứa bé thiu thiu, thiu thiu vào giấc ngủ…. Ánh sáng ấy lại lóe lên. Anh chợt giật mình nhận ra đây là lần đầu tiên hắn đụng được vào người cậu bé. Cái nơi tỏa ra ánh sáng kia không gắt gao cũng không hề lạnh buốt mà thay vào đó là sự ấm áp làm mát dịu lòng người. Mở lớp chăn kín ấy ra. Một viên kim cương nơi trái tim đang sáng lấp lánh, ẩn mờ trong đó như hình ảnh của Chúa, như sự chúc phúc của Người.

Thì ra, chỉ có trái tim trong sáng mới có thể chạm đến trái tim của Người – Chúa Kitô. Người sẽ tha thứ và đón chờ sự sửa đổi của con người.

Đúng lúc đó, cô gái xuất hiện! Anh và cô đứng lặng nhìn nhau…..

Một đôi điều muốn phân tích :

1.      Thiên Chúa dùng ánh sáng kì diệu của trái tim để thánh hóa con Người. Con người nếu chỉ tin và hướng đến Thiên Chúa ở cái bề ngoài như siêng năng đi lễ, đọc kinh… nhưng cái tâm không thiện, không hướng tới Người thì tội có lẽ càng nặng hơn.

2.      Không ai là không có lỗi nào đó. Do đó, các nhân vật của tôi không hề có một cái tên cụ thể nào, bởi họ chính là chúng ta, những người đang sống dưới ánh sáng của Chúa Kitô

3.      Đây là một kết thúc mở, tôi hy vọng anh chị em khi đọc nó có thể đồng sáng tạo, hiểu và có sự lựa chọn cho riêng mình. Câu chuyện chưa dừng lại. Nhưng người viết tiếp nó không phải là tôi mà là chính các bạn. Kết thúc mở, nó mở ra một chân trời mới tươi đẹp hay nó sẽ khép lại, tất cả đều phụ thuộc vào bạn.

 

Mã số: 15-064

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thầy Quý về cái xóm nhỏ này mới 3 tháng. Ông có dáng người gầy và nước da ngăm đen. Dù đã ngoài 60 nhưng đôi chân vẫn nhanh nhẹn và đôi mắt vẫn tinh anh. Thầy có 4 người con. Cô con gái đầu lấy chồng và ở lại Buôn Mê Thuột, cậu con trai thứ 2 đi tu và trở thành linh mục của dòng Xi-tô, anh con trai thứ 3 lập nghiệp và có gia đình ở Bình Dương. Cô con gái út lập nghiệp ở TPHCM. Từ Lâm Đồng, ông chuyển về đất Bình Dương xây phòng trọ cho thuê để an hưởng tuổi già. Ông luôn nói với mọi người rằng: “Tôi đã làm tất cả vì Chúa và Chúa đã cho tôi tất cả”.

Tình cờ gặp ông ở Lâm Đồng trong một chuyến thực tập 2 tuần của trường. Nhóm chúng tôi gồm 8 người nhưng chỉ có 2 người theo đạo Công giáo. Hai chúng tôi rất lo lắng không biết phải tìm nhà thờ và đi lễ Chúa nhật ở đâu vì cả hai không muốn bỏ lễ. Hôm ấy là sáng chủ nhật, chúng tôi vào nhà bác trưởng thôn nhờ giúp đỡ trong việc nghiên cứu. Thấy bàn thờ có tượng Thánh Gia, chúng tôi mới lân la hỏi về địa chỉ của nhà thờ. Bác trưởng thôn giới thiệu thầy Quý, người trông coi nhà thờ đang xây dựng ở gần đó. Chúng tôi trò chuyện cùng thầy như đã thân quen lắm.

Chiều đó, hai chúng tôi đi lễ. Thầy Quý để cho hai đứa đọc sách Thánh. Lần đầu tiên được đọc sách, cả hai đứa đều hân hoan vui mừng. Hai tuần thực tập trôi qua. Chúng tôi trở về TPHCM. Chỉ có tôi còn quay lại vài lần để thăm thầy. Rồi việc học, công việc ở thành phố hoa lệ đã cuốn chúng tôi vào guồng quay, chỉ còn thời gian gọi điện hỏi thăm thầy dăm ba phút. Chúng tôi không trở lại Lâm Đồng lần nào nữa.

Nghe tin thầy chuyển xuống Bình Dương, chỉ cách nơi tôi ở vài chục cây số. Chúng tôi dò đường xuống thăm thầy. Ngồi nghe thầy tâm sự: “Cả đời thầy lang bạt từ vùng đất Ninh Thuận, lên Đắk Lắk, xuống Lâm Đồng rồi về đất Bình Dương này”. Ở Ninh Thuận, thầy làm công tác giảng dạy ở các trường học trong tỉnh. Bên cạnh đó, thầy còn phụ trách công việc giảng dạy giáo lí hôn nhân ở giáo xứ Hạnh Trí và các giáo xứ lân cận.

Một thời gian sau, cả gia đình thầy chuyển lên vùng đất cao nguyên Buôn Mê Thuộc, lấy nghề trồng trọt và chăn nuôi để mưu sinh. Hồi đó, mảnh đất này còn hoang sơ lắm! Thấy dân Chúa chưa có nơi cầu nguyện, thầy đã tập trung 200 hộ lại, mỗi tối thứ 7, tất cả mọi người tụ họp tại nhà thầy đọc kinh, cầu nguyện. Thời ấy, vùng đất Buôn Mê Thuộc nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung thường xảy ra những biến loạn. Một số người nghe theo sự xúi giục của những kẻ phiến loạn nổi dậy chống lại chính quyền. Vì thế, việc tập trung đàn chiên của Chúa vào ngày thứ 7 làm cho nhiều người thời bấy giờ nghi ngờ thầy xúi giục dân chúng nổi dậy chống chính quyền.

Một bữa nọ, mọi người đang tập trung đọc kinh vào ngày thứ 7 như thường lệ. Chính quyền xã ập vào nhà, tên công an xã hỏi thầy: “Các ông tụ tập ở đây nổi loạn phải không?”. Thầy trả lời: “ Hôm nay là ngày giỗ của ba tôi. Đạo Công Giáo chúng tôi thường không tụ tập ăn uống như các ông. Vào ngày giỗ, mọi người quây quần đọc kinh cầu nguyện cho người đã mất, có chăng chỉ uống thêm chén nước trà rồi ai về nhà nấy thôi”. Thầy cũng nói thêm rằng: “Bữa đó, cũng may nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà thầy lại để sẵn chiếc khăn tang thờ ba thầy lên bàn thờ nên cũng giống như một ngày giỗ bình thường”. Thầy kể tiếp, sáng hôm sau, xã trưởng sai người cho xe Cam - nhông bắt thầy lên xã làm việc. Tên xã trưởng bắt thầy làm bản kiểm điểm vì đã tụ tập, kích động dân chúng. Thầy nói với hắn ta rằng: “Tôi đã nói với các ông lí do rồi mà các ông không tin. Tôi không làm gì sai trái nên tôi không viết bản kiểm điểm. Các ông muốn làm gì tùy các ông”. Tên xã trưởng đập bàn dọa. Thầy nói: “Tôi đang nói chuyện với anh rất lịch sự, nếu anh có thái độ mất lịch sự, đập bàn đập ghế thì tôi cũng sẽ đối xử với anh như vậy. Anh đập bàn một cái thì tôi sẽ đập bàn hai cái”. Tên xã trưởng đuối lí, thấy chẳng có lí do gì giữ thầy lại, đành thả ông về. Ông lém lỉnh nói: “Các anh đưa tôi đến đây bằng xe thì các anh phải đưa tôi về. Nếu tôi đi xe máy lên thì tôi sẽ tự về. Đằng này, các anh chở tôi đến bằng xe mà lại bắt tôi về bộ. Nếu các anh không chở tôi về thì hãy giam tôi lại”. Tên xã trưởng đành cho người lấy xe chở thầy về tận nhà.

Tuy qua được tên xã trưởng một lần nhưng không thể theo cách này mãi được. Thầy đã kết thân với chính quyền, cố gắng quyên góp để xây dựng một nhà thờ cho bà con đến với Chúa. Sau khi nhà thờ thành lập một thời gian, cô con gái đầu lập gia đình và ở lại nhà chồng, thầy lại được giới thiệu xuống huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng giúp trông coi nhà thờ ở đây.

Bây giờ, thầy chuyển xuống sống gần anh con trai để an hưởng tuổi già. Về Bình Dương, thầy xây một dãy trọ, cho thuê để sinh sống. Thầy nói rằng: “Chúa đang trả công cho thầy vì trong khi các dãy trọ xung quanh đều thưa thớt người đến thuê phòng thì dãy trọ của thầy chưa xây xong đã có người đến đặt cọc xin ở”.

Giáng Sinh vừa rồi, muốn chia sẻ niềm vui Chúa Giáng Sinh cho mọi người trong xóm, thầy quyên góp tiền của những gia đình có đạo để tổ chức cho mọi người vui Giáng Sinh. Ở đây, chỉ có 4 hộ gia đình theo đạo Công Giáo. Thầy xin mỗi hộ góp 200 ngàn, còn lại thầy tự bỏ tiền ra mua quà phát cho thiếu nhi trong xóm. Em nào học giỏi được thêm một phần quà. Em nào ngoan cũng được thêm một phần quà nữa. Đêm ấy, cả xóm cùng mừng Chúa Giáng Sinh. Mọi người cùng trò chuyện, vui chơi không phân biệt tôn giáo.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về những việc làm và về đức tin mạnh mẽ của thầy. Thầy đặt một niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, làm mọi việc để vinh danh Chúa và Chúa đã cho thầy tất cả. Thầy không kể lể bằng lời nói nhưng nên thánh trong từng việc làm của mình. Chưa kể phần thưởng nước trời sau này nhưng ngay trước mắt thầy được đáp trả bằng tình yêu thương, quý mến của mọi người xung quanh. Thầy quả là tấm gương sống đạo giữa đời thường cho chính bản thân tôi và mọi người noi theo.



[1] 80cm


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     HƯỚNG DẪN VÀI THỰC HÀNH CỤ THỂ ĐỂ ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN
     VÀI THỰC HÀNH TRUYỀN GIÁO TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO XỨ
     CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Số 14: Vùng trời của cái đẹp. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 13: XUÂN MỚI, MÙA XUÂN CỦA CHỨNG NHÂN. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: Năm mới, Đường mang tin vui mới. Mm Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 10. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ : TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – số 09. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 8. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (số 5). MM Tân S.J. chia sẻ