Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

ctt.jpg

Đức Giêsu đến trần gian để cứu độ loài người. Người đã rảo khắp các miền Thập tỉnh, hoà nhập với môi trường sống để loan báo tin mừng cho muôn dân. Các hoạt động của Ngài tuy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng phong phú và đa dạng dưới tác động của Chúa Thánh Thần: ngài cầu nguyện, rao giảng, thăm viếng, chữa lành, giảng dạy, bác ái, quan tâm tới mọi người nhất là những người nghèo, kẻ yếu đuối, bệnh tật…. và sau cùng Người kết thúc sứ mạng của mình bằng cái chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với loài người. Sứ mạng của Người là loan báo Nước Thiên Chúa và mời gọi các tâm hồn thiện chí bước theo con đường của Ngài[1].

Trải qua nhiều thời đại, một số trong những người đi theo Đức Kitô đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy[2] để sống một cuộc đời cô tịch hoặc lập ra các dòng tu được Hội Thánh công nhận và phê chuẩn. Từ đó, do thánh ý Thiên Chúa, đã nảy sinh biết bao Hội Dòng khác nhau nhằm xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng nhờ các “đoàn sủng” như thánh Phaolô nói: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người”[3].

1. Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ vụ của người thánh hiến

Lời xác quyết trên đây của Thánh Phaolô cho thấy tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người thánh hiến. Trong sắc lệnh về Truyền giáo số 5, Công đồng Vaticano II xác định “Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Hội Thánh bành trướng thêm mãi”. Quả vậy, đã hơn hai ngàn năm, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi Hội Thánh và khơi lên trong tâm hồn con người, nhất là những người thánh hiến, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, để làm cho Nước Chúa mau hiển trị qua những dấu chỉ của từng thời đại và các môi trường, văn hóa, kinh tế, chính trị khác nhau[4].

Khi đến với những người Do Thái, Đức Giêsu cũng được đầy tràn Thánh Thần để hoàn tất sứ mạng của Cha, vì Người cũng được Cha thánh hiến[5]: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…”[6]. Trong Cựu ước, người được xức dầu cũng đồng thời được trao cho một sứ mạng. Đặc biệt trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, hình ảnh chim bồ câu đậu xuống trên Người như báo hiệu giây phút Thiên Chúa Cha công khai gửi Đức Giêsu đi loan báo tin mừng cứu độ[7]. Từ đó, mọi hoạt động của Đức Giêsu tại thế (rao giảng, làm phép lạ, chữa lành, thăm viếng …) đều được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và hoạt động.

Người sống đời thánh hiến theo Chúa Kitô cũng vậy, từ khi lãnh bí tích Thanh tẩy, chúng ta được tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô trong cùng một Thánh Thần, nghĩa là được Thần Linh hướng dẫn và hoạt động trong toàn bộ đời sống của chúng ta[8]. Nhất là khi chúng ta tự nguyện theo Đức Kitô qua các lời khuyên Phúc âm, chúng ta cũng được thánh hiến, được xức dầu như Đức Kitô để được sai đi làm chứng cho Người. Về khía cạnh lịch sử, những thế kỷ đầu đã có những người nam người nữ được thúc đẩy sống đời độc thân trinh khiết để loan báo Tin Mừng. Hoặc có những người sống theo gương Đức Kitô bằng đời sống cô tịch, ẩn dật trong rừng hay trong sa mạc để cầu nguyện, chuyên cần đọc sách Thánh, tập tành các nhân đức v.v.. như thánh Antôn, thánh Pacôme hay thánh Basiliô. Nhưng cũng có những người được Thần Khí thúc đẩy để sống giữa môi trường xã hội và các trung tâm thành phố để làm chứng cho Người qua các lời khuyên Phúc Âm như thánh Phanxicô, thánh Đa Minh, thánh Âutinh... Trong thời kỳ Phục Hưng, một đàng Hội Thánh phải đối diện với những vấn đề mới và đa dạng, đàng khác vì sứ vụ truyền giáo ngày càng phát triển và khẩn cấp, nên cũng có những tâm hồn quảng đại, sẵn sàng theo dấu chân của Thầy ra đi rao giảng Tin Mừng tại các miền đất mới (trong đó có Việt Nam) như Dòng Tên, dòng Đa Minh. Sau cùng, trước một xã hội ngày càng phát triển, nhiều dòng tu “chuyên biệt” [9] cũng như các tu hội đời dần dần xuất hiện, đã góp phần tích cực và phong phú trong các hoạt động để phục vụ con người.

Vậy trong mọi thời đại, dù được mời gọi sống ẩn tu, chiêm niệm hay hoạt động giữa đời, các Dòng tu hay các Tu hội đều có chung nền tảng căn bản là “theo Đức Kitô”, Đấng đã được thánh hiến để thực hiện sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa Cha, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.  

2. Sự ra đời của Dòng tu như hoa trái của Chúa Thánh Thần

Trong cái nhìn thần học, việc xuất hiện một Dòng tu thường bắt đầu từ sự "hứng khởi nền tảng" của vị sáng lập dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, tuỳ hoàn cảnh lịch sử, để chọn một lối sống hoặc sứ mạng riêng phù hợp cho tập thể của mình, nhưng luôn hữu ích cho Hội Thánh[10].  Do đó, người tu sĩ, dù sống ở thời nào, cũng không ngừng khám phá những cách thế mời gọi của Thiên Chúa để cộng tác cách đặc biệt với Chúa Thánh Thần qua bàn tay, khối óc và con tim của mình.

Công việc này đòi người thánh hiến trước tiên phải có sự nhạy bén trước những cảnh hiện sinh mà chúng ta gặp. Có khi là một cảm xúc, một thúc đẩy bên trong thúc dục chúng ta phải làm nhưng chưa rõ. Lúc đó, chúng ta cần thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu những điều tiềm ẩn chất chứa bên trong những điều cần được nói ra. Mẹ Têrêsa Calcutta, khi chứng kiến cảnh một đám đông những người nghèo đói trên đường phố, hoặc chứng kiến một ông cụ già ăn mặc rách rúa đang rên la thảm thiết “tôi khát quá! tôi khát quá!” trên vỉa hè những người không nhà không cửa tại thành phố Calcutta, mẹ đã không cầm lòng, mẹ cảm thấy nặng lòng, xót xa cho những con người nghèo khổ.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở suy nghĩ thôi thì chưa đủ, những băn khoăn đó của chúng ta phải được Thiên Chúa xác chuẩn bằng việc cầu nguyện nhận định trong Thánh Thần với thái độ lắng nghe để biện phân đâu là ý Thiên Chúa, đâu là của con người, vì “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải”[11]. Tuy nhiên, để nghe được tiếng của Thánh Thần, người thánh hiến cần có sự thinh lặng nội tâm mới có thể nhận diện lời mời gọi của Chúa qua các biến cố, kể cả trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Vì thinh lặng chính là cơ hội giúp chúng ta hướng lòng lên Chúa, cầu nguyện thành tâm và kết hiệp liên lỉ với Người như ngôn sứ Hôsê chia sẻ: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”[12]. Tâm hồn cô tịch và thinh lặng chính là nơi Thiên Chúa chọn để bày tỏ ý muốn và quyền năng của Người. Trong trường hợp của mẹ Têrêsa, đúng là sau cầu nguyện, mẹ càng xác tín mạnh mẽ hơn về điều Thiên Chúa muốn khi mẹ tận mắt chứng kiến những sự kiện xảy ra trong thành phố. Mẹ chia sẻ với cha linh hướng: “Con nghe một tiếng gọi! Chúa đã cho con biết những gì con phải làm. Chúa cho chúng ta được biết Người qua những cảm xúc của riêng ta. Chúa nói với con rất rõ qua một người ăn xin : “này sơ, sơ có nhận ra là ông ta nói ‘Tôi khát quá không?’”.

Vâng, cho dù người thánh hiến có thể tự mình xác định là việc của Chúa, nhưng cũng cần có sự hướng dẫn khôn ngoan của vị linh hướng. Đành rằng đã có nhiều vị thánh không cần linh hướng, nhưng nói chung, những ai đạt tới sự hoàn thiện đều cần tới lời khuyên và sự hướng dẫn của vị linh hướng. Ngoài mục đích hướng dẫn linh hồn đạt tới sự hoàn thiện của đời sống kitô hữu, ngài còn giúp cho họ nhận định ý Chúa và thường xuyên hỗ trợ bằng lời cầu nguyện, động viên và khích lệ. Tuy nhiên, vị linh hướng chỉ là dụng cụ trong tay Chúa dùng, do đó công việc của vị linh hướng phải hoàn toàn được đặt trong sự qui phục của Chúa Thánh Thần[13]. Nhưng không phải áp dụng cho vị linh hướng mà thôi, cả người thụ huấn cũng phải mở lòng cho sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, nhất là lúc họ gặp khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và không thiếu những cam go, thử thách…

Tuy vậy, trong việc thực hành đức tin, đau khổ cũng là dịp để người thánh hiến biết khiêm nhường, gia tăng lòng tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa chứ không cậy vào sức riêng của mình, vì Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính trong việc thúc đẩy tâm hồn người thánh hiến thực hiện điều Chúa Cha muốn. Thánh Gioan Donbosco, vì khiêm nhường nên ngài từ bỏ ý riêng của mình để vâng phục Đức Tổng Giám Mục Torino theo lời đề nghị của Đức Thánh Cha, mặc dù bản thân ngài xác tín việc ngài đang làm chính là việc của Chúa. Nhưng rồi sau cơn mây dầy đặc u ám, chính Thiên Chúa cũng sẽ làm cho bầu trời toả sáng! Còn Mẹ Têrêsa Calcutta, trước thử thách cam go giữa hai lựa chọn: một là cởi áo dòng đến với người nghèo như một giáo dân (lựa chọn này chắc chắn sẽ bị nhiều người chế diễu, chê cười); hai là từ bỏ ý định phục vụ người nghèo để tiếp tục sống bình thường trong Dòng thì Mẹ đã chọn giải pháp thứ nhất. Mẹ chấp nhận bị chế diễu, chê cười vì xác tín rằng đó là việc của Chúa chứ không phải việc của mẹ; còn ở lại trong Dòng thì mẹ cảm thấy bất an, con tim của mẹ như bị thúc bách phải làm hơn là ngồi yên. Dầu vậy, hoa trái của lòng khiêm nhường và tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa sẽ đem lại cho người thánh hiến một sự bình an, hoan lạc khó tả[14]. Nhờ đó, họ có đủ sức mạnh thần linh, vượt thắng những rào cản bên trong cũng như bên ngoài để thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa muốn gửi gắm nơi mình cách hoàn hảo. 

Với thời gian thử nghiệm sống và thực hành “ơn gọi mới” do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vị sáng lập đã gieo nơi vườn hoa của Hội Thánh một loại hoa thật đẹp và ý nghĩa, phù hợp với tên gọi và hướng đi của mình. Kết quả một Dòng tu ra đời, khởi đi từ một người thành một cộng đoàn cho đến một Dòng Tu, với linh đạo được trình bày trong Hiến pháp, Luật Dòng hoặc Qui chế riêng được thẩm quyền Tòa Thánh châu phê và công bố với Giám mục giáo phận hoặc với Đức Thánh Cha chính thức được thành lập, là hoa trái thiêng liêng của Chúa Thánh Thần.

Tạm kết

Không ai có thể phủ nhận vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ mạng của Đức Kitô cũng như của người thánh hiến. Ngay từ đầu sứ vụ công khai, Đức Kitô đã được Chúa Cha thánh hiến và sai đi dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Từ lúc đó, toàn bộ đời sống và hoạt động của Đức Kitô đều hướng về Chúa Thánh Thần. Người đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và hoàn toàn vâng theo ý định của Thiên Chúa Cha trong chương trình cứu độ loài người.

Chúa Thánh Thần còn có sứ mạng thánh hoá các tâm hồn, nhất là những người sống đời thánh hiến, để họ theo gương Đức Kitô trong đời sống và hoạt động tông đồ theo những đặc sủng mà Thần Khí ban cho dưới nhiều hình thức hiện diện khác nhau trong Hội Thánh.

Nhưng để có được những cộng đoàn Dòng tu đầy mầu sắc như thế, phải có những tâm hồn thánh hiến đầy can đảm, luôn nhạy bén trước lời mời gọi của Chúa nhờ đời sống nhiệm hiệp sâu sắc và khôn ngoan; khiêm nhường học hỏi và cậy trông nơi Chúa nhờ lắng nghe sự thúc đẩy bên trong, và sẵn lòng làm theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nt. Maria Phạm Thị Hoa

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi các dòng tu (Perfectae Caritatis), Roma 1965.

2. Đào Trung Hiệu, Đôi nét giới thiệu các dòng tu, http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100426/4685.

3. Nhiều tác giả, Chúa Thánh Thần đấng canh tân bộ mặt trái đất, Tài liệu năm thánh 2000, Roma 1998.

4. Phụng vụ giờ kinh, Kinh Thánh Cựu Tân Ước.

***

[1] x. Mt 19,12.

[2] x. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi các dòng tu (Perfectae Caritatis), Roma 1965, s. 2; Hiến chế về Giáo Hội, s.43.

[3] 1Cr 12, 8-11.

[4] x. Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Roma 1965, s.1.

[5] x. Is 61,1; Lc 4, 18.

[6] Lc 4, 18.

[7] x. Hoàng Minh Thắng, Chúa Thánh Thần đấng canh tân bộ mặt trái đất, Tài liệu năm thánh 2000, Roma 1998, tr.80.

[8] x. ĐTC Phanxicô, Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Chúa Nhật 11/1/2015.

[9] Dòng Gioan Thiên Chúa phục vụ bệnh nhân, Dòng Đức Bà truyền giáo, Dòng Lasan lo giáo dục, Dòng Salêdiêng giáo dục người trẻ, Dòng Vinh sơn Phaolô lo việc bác ái, Dòng "Nữ Tử Bác Ái" thực hiện phương châm "Lấy đường phố làm tu viện và người nghèo là đối tượng phục vụ". Dòng Phaolô chuyên việc bác ái. Dòng Chúa Cứu Thế giảng tĩnh tâm và những người nghèo, và nhiều Dòng tu khác cổ võ một việc thờ phượng tôn kính như : Dòng Thánh Tâm, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Thánh Thể, Dòng Trái Tim Đức Mẹ... (x. Đào Trung Hiệu, Đôi nét giới thiệu các dòng tu, http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100426/4685).

[10] x. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi các dòng tu (Perfectae Caritatis), Roma 1965, s. 2.

[11] Rm 8, 16b.

[12] Hs 1, 16.

[13] https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/09/19/linh-huong/

[14] x. Gal 5, 22.


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Số 14: Vùng trời của cái đẹp. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 13: XUÂN MỚI, MÙA XUÂN CỦA CHỨNG NHÂN. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: Năm mới, Đường mang tin vui mới. Mm Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 10. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ : TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – số 09. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 8. MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG (số 5). MM Tân S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. Diễm Ngọc chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. MM Tân, S.J. chia sẻ