Bình vẫn chưa hề cũ:
Mệnh lệnh và di chúc đi cùng năm tháng
BÌNH VẪN CHƯA HỀ CŨ
(Một thoáng nhìn về văn
kiện “MONITA AD MISSIONARIOS - NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI” của Công Đồng Yuthia
1664)
PHẦN MỘT: MỆNH LỆNH VÀ DI
CHÚC ĐI CÙNG NĂM THÁNG
Tác giả: Linh mục Giuse
Trương Đình Hiền
Khi bàn đến sự biến chuyển đổi thay của vũ trụ vạn
vật, của lịch sử và xã hội con người…, người ta hay nại đến lời phát biểu và
cũng là một “định đề triết học” thời danh của một triết gia thời cổ đại phương
Tây, Heraclitus[1]: “Không
ai tắm hai lần trên một dòng sông”[2]. Bởi vì “dòng sông hôm nay, bây giờ” không
còn là “dòng sông cũ của hôm qua”; và “người tắm hôm nay”, một cách nào đó, cũng
không còn nguyên vẹn y chang như “kẻ tắm hôm qua ngày trước”.
Định đề đó có thể “có lý” nếu áp dụng vào lãnh vực
thuần tuý vật chất, sinh vật hữu hạn… như tác giả Thánh Vịnh đã từng cảm nhận:
“Ngài cuốn đi,
chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng
trổi mọc ban mai,
nở
hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều
về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 89,5-6).
Tuy nhiên, nguyên tắc này, định đề “biến dịch” nầy
của Heraclitus không thể áp dụng vào lãnh vực niềm tin, vào chân lý cứu độ; nhất
là không thể áp dụng cho Thiên
Chúa[3], Đấng mà cũng
chính tác giả Thánh vịnh trên đã ca tụng rằng:
“Lạy Chúa, trải
qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là
nơi chúng con trú ẩn.
Ngay
cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu
và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài
vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.” (Tv 89,1-2);
hay nơi một Thánh vịnh khác:
“Xưa Chúa đã đặt nền
trái đất,
chính tay
Ngài tạo tác vòm trời.
Chúng
tiêu tan, Chúa còn hoài,
chúng
như áo cũ thảy rồi mòn hao.
Ngài
thay chúng khác nào thay áo,
nhưng
chính Ngài tiền hậu y nguyên;
tháng
năm Ngài vẫn triền miên.” (Tv 101,26-28).
Vâng, Thiên Chúa của Israel là “Thiên Chúa vĩnh
hằng”, là “Đấng Hằng hữu”, không cũ không mới, như chính Ngài đã mạc khải cho vị
“Đại Tiên Tri Môsê” trong “Khải tượng” “Bụi gai bốc cháy”: Thiên
Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con
cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu’ sai tôi đến với anh em.” (Xh 3,14). Khi tiến trình mạc
khải đến “hồi viên mãn” (Dt 1,1-2), thì Đấng “Thiên Chúa nhập
thể làm người” (Ga
1,14), Đấng tự xưng rằng “Tôi và Chúa Cha
là một” (Ga
10,30), cũng đã xác nhận “bản chất hằng hữu”, của mình ngay trong bi kịch
Thương Khó: “Người bảo họ: Khi
các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga
8,28);
một sự “hằng hữu”, bất biến…, mà trí óc con người chỉ có thể diễn tả được qua
phạm trù “An-pha và Ô-mê-ga” trong sách
Khải Huyền của thánh sử Gioan: Người lại phán với
tôi: “Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng…” (Kh
21,6).
Và điều này có liên quan gì tới Hội Thánh?
Có đấy! Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa,
một “Giáo Hội phổ quát được thành lập”; đó là cộng đoàn
bao gồm “những ai tin vào Đức Kitô”[4], “vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ
chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng
đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải
trên trời…”[5].
Về mặt “cơ chế, hữu hình”, Giáo Hội phải chịu những
tác động của không gian và thời gian; phải lớn lên, cập nhật, phát triển, đối
thay…; nhưng về mặt “Nhiệm Thể, thiêng liêng”, Giáo Hội luôn trung thành với
căn tính, trước sao sau vậy, “chỉ có một Giáo Hội
của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện,
công giáo và tông truyền”[6].
Nếu ví Giáo Hội như một “Dòng sông”, thì “Dòng
sông” đó có cội nguồn chính là “Thiên Chúa Ba
Ngôi”[7], “được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử
dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong
ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết
tận thời gian”[8].
Giáo Hội tại Việt Nam cách đây hơn bốn thế kỷ (nếu
lấy cột mốc năm 1533), hay chính ngay lúc này, chắc chắn đang ở trong giai đoạn
cuối cùng “sẽ được hoàn tất trong vinh quang…” như Công Đồng
Vaticanô II vừa nói ở trên; và dĩ nhiên, cho dù là một “Giáo Hội địa phương”
non trẻ và số tín hữu vẫn thuộc thành phần thiểu số, Giáo Hội Việt nam vẫn có đầy
đủ phẩm chất cơ bản của Giáo Hội Mẹ: vừa hữu hình vừa
thiêng liêng; vừa trần tục vừa nhiệm mầu.
Chính trên cái “phông nền” của lộ trình lịch sử
vừa “hữu hình” vừa “thiêng liêng”, vừa “thế
tục” vừa “nhiệm mầu” đó,
chúng ta thử tìm về những cách vận dụng “mệnh lệnh
truyền giáo của Đức Kitô” vào bối cảnh Á Châu trong thế kỷ 17 của Toà
Thánh và của các Thừa Sai. Nói cách khác, đây là cuộc “trở về nguồn” để cùng đọc,
suy tư và rút ra những định hướng thiết thực mà văn kiện MONITA
AD MISSIONARIOS” (NHẮN NHỦ CÁC THỪA SAI) của Công Đồng Yuthia 1664 đã để lại
cho Dân Chúa Việt Nam hôm nay (và cả Á Châu) như một gia tài quý báu. Chắc chắn, tư
liệu lịch sử liên
quan đến buổi đầu loan báo Tin Mừng tại Á Châu nầy sẽ chỉ cho chúng ta những
con đường, những định hướng mục vụ truyền giáo mang giá trị “vượt thời gian”;
nhưng đồng thời cũng sẽ giúp chúng ta khám phá những cách thế, phương tiện mà
thế hệ cha ông đã sử dụng như những công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng, cho
dù hôm nay đã không còn thích dụng.
Dĩ nhiên, đây không là thái độ “quyến
luyến không suy xét, không đắn đo và phi lý vào quá khứ”; hay là việc “đặt
bước chân của chúng ta vào những dấu chân của người đi trước”[9]; đơn giản: đây chính là để “hiểu
rõ hơn về lịch sử”; hay
nếu phải dùng một hình ảnh, thì đó là chấp nhận làm “những
người lùn đứng trên vai những người khổng lồ” để may ra có thể khám phá được chân lý,
phát hiện được những viên ngọc quý dưới lớp bụi thời gian[10].
Trong “Thư đệ trình Đức
Thánh Cha Clément IX” của
hai Giám Mục Tông toà François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, chúng ta đọc
thấy một đoạn trong phần “giới thiệu nội dung” tài liệu MONITA, như sau: “Chúng
con quan tâm đến việc cải thiện cách truyền bá Tin Mừng, dựa theo cách thức tuyệt
diệu của Chúa Kitô và các Tông đồ (ch. II, III và IV)…”[11].
Chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kĩ hơn nội dung trên
trong PHẦN HAI, khi đào sâu chính nội dung và bố cục của MONITA. Ở đây, chỉ muốn
dừng lại như một “chút thoáng qua” về những cách thức truyền bá Tin Mừng “tuyệt
diệu của Chúa Kitô và các Tông Đồ” như cách nhìn nhận của hai vị “Chủ chăn Tiền
bối” trên.
Trong khoa “Thần học về Truyền Giáo” của Giáo Hội,
nguyên vấn đề “từ ngữ” thôi cũng là một “câu chuyện dài” phức tạp[12]. Thật vậy, các từ
ngữ như Sứ vụ truyền giáo (Missio), Rao giảng Tin Mừng (Praedicare Evangelium),
Dạy dỗ muôn dân (Docere omnes gentes), Truyền bá đức tin (Propaganda Fide),
Phúc âm hoá các dân tộc (Evangelizatio Populorum), Loan Tin Mừng, Phúc âm hoá
(Evangelizatio), Tân Phúc Âm hoá (Nova Evangelizatio)… lần lượt xuất hiện qua
dòng thời gian, và đã được hiểu, được sử dụng, kiện toàn… trải dài theo năm
tháng, cùng với những thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thích dụng.
Để thấy rõ hơn, xin đơn cử một thí dụ: chỉ trong
một cuốn sách - “TỰ ĐIỂN CÔNG GIÁO” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã có hai
mục từ, có thể nói được, có “nội hàm” không khác nhau bao nhiêu, hay chỉ là
“hai mặt của một vấn đề”, nhưng được diễn đạt bằng nhiều cách: mục từ “TRUYỀN
GIÁO”[13], và mục từ “PHÚC
ÂM HOÁ”[14]. Riêng chỉ trong
mục từ “TRUYỀN GIÁO” thôi, thì chúng ta có thể “lọc” ra được “một lô” định nghĩa[15]. (Xin trích):
- “Truyền
giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi
dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô…”
- “Truyền
giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên
Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người.”
- “Truyền
giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi
Thiên Chúa;…”
- (Truyền giáo) “làm cho
Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống…
- “Truyền
giáo chỉ công việc truyền bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn
mới nơi các dân tộc hay nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô;…”
- (Truyền giáo là) “làm
cho Phúc Âm thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc;…”
- (Truyền giáo là
việc) “một số người có ơn gọi đặc biệt và được Hội
Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết Chúa Kitô”… (Hết
trích).
Sau hai ngàn năm, cho dầu khái niệm, ý nghĩa, luận
đề, chuyên đề “truyền giáo” được thuyên giải, định nghĩa, quảng diễn thế nào mặc
lòng, thì điểm xuất phát uyên nguyên cố định vẫn là từ “mệnh
lệnh của Đấng Sáng Lập”[16], của chính Chúa
Kitô, nhất là “mệnh lệnh” sau biến cố Phục Sinh, trước khi “Người lên trời ngự
bên hữu Chúa Cha”.
2.1. Dấu chứng của Tin Mừng
- Mệnh lệnh trong
Tin Mừng Máccô 16,15: Người nói với các
ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo”.
- Mệnh lệnh trong
Tin Mừng Matthêô 28,19-20: “Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho
anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
- “Lệnh lên đường”
trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6): Bản văn nầy đặc
biệt liên quan đến “tư cách, thái độ, hành trang…” của “nhà truyền giáo” mà
không ít tác giả gọi là “lệnh lên đường”: Đức Giê-su tập họp
Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và
chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa
lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy,
bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ
nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp
anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các
ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. (Lc
9,1-6).
Có thể nói được, khi Hội Thánh (hay bất cứ ai)
muốn trình bày, cắt nghĩa… về “Truyền giáo” đều phải trở về với các “mệnh
lệnh của Đấng Sáng lập” được Tin Mừng lưu giữ.
2.2. Cội nguồn của “mệnh lệnh”
Dĩ nhiên, để có được hay “đi tới” mệnh lệnh nầy,
là cả một công trình kỳ diệu phát xuất từ “ý định của Thiên Chúa”, như cách cắt
nghĩa của Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes): “Ý định nầy tuôn
trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chính
là nguyên lý tối thượng, bởi Ngài, Chúa Con được sinh ra, đồng thời cũng bởi
Ngài và qua Chúa Con, nhiệm xuất Chúa Thánh Thần, cũng là Đấng vì lòng nhân từ
thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham
dự vào sự sống và vinh quang của Ngài… để Ngài được vinh hiển và chúng ta được
hạnh phúc…” (AG số 2).
Riêng hai chữ “chúng ta” mà Sắc lệnh Truyền
Giáo vừa nói tới có nghĩa là: “Thiên Chúa muốn mời
gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không chỉ từng cá nhân không liên
quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó
con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được quy tụ về một mối” (AG số 2).
Vâng, nói cho cùng, truyền giáo chính là làm cho “ý
định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại” được hiện thực
(AG số 3); để “Lời Chúa được lan
rộng và toả sáng” (2 Ts 3,1) và để “Nước
Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian” (AG số 1); để “giải
thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và sa tan” và để “phục
hồi vạn vật trong Đức Kitô” (AG số 3); để “rao giảng
Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự
giải thoát cho những người bị giam cầm, và cho những kẻ đui mù được nhìn thấy”
(Lc 4,18); và
để “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt những
gì đã hư mất” (Lc 19,10) (AG số 3)…
Và như đã nói ở trên, “xuất
phát điểm của Truyền Giáo” chính là “Mệnh lệnh của Đấng
Sáng Lập”. Tuy
nhiên, mệnh lệnh đó lại nhắm trực tiếp đến các Tông Đồ và các môn sinh được
chính Đức Kitô chọn gọi, sống với Ngài, được Ngài dạy dỗ, sai đi rao giảng, chứng
kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài…(x. Mc 3,13; AG số 5).
Sau biến cố “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” dịp lễ
Ngũ Tuần, các Tông Đồ bắt đầu thi hành “sứ vụ truyền giáo” đúng như mệnh lệnh của
Thầy Chí Thánh: “Hãy đi rao giảng…,
làm phép rửa…”.
3.1. Phêrô và “Nhóm Mười Hai” khởi động truyền
giáo
Ngay từ buổi đầu, sách Công vụ Tông đồ đã cho thấy
cách các Tông đồ thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô với hai hoạt động chính: “các
con hãy… giảng dạy…; làm phép rửa…”. Đó chính là nội
dung cốt lõi của “Sứ điệp sơ truyền” (Kerygma); cũng là “nội dung và nền tảng cốt
yếu” của công cuộc truyền giáo, Phúc âm hoá hay “Tân Phúc Âm hoá” của Giáo Hội
muôn nơi muôn thuở
- Giảng
dạy muôn dân (Docete
omnes gentes)[17]: Bấy
giờ ông Phêrô đứng chung với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:…;
- Làm phép Rửa (Baptizantes eos): “Anh
em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được
ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”… Và hôm ấy đã có thêm
khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,14-41).
Phần đầu của sách Công vụ Tông đồ, có thể nói được,
là “Công vụ Phúc Âm hoá của Thánh Phêrô”. Chính nơi những
trang đầu tiên đó, chúng ta gặp một “nhà truyền giáo Phêrô” hùng biện, can đảm,
xông xáo… rao giảng và làm chứng về Đức Kitô tử nạn – phục sinh, khiến tầng lớp
lãnh đạo Do Thái giáo phải e dè, kinh ngạc, tìm cách loại trừ (x. Cv 4,1-21;
5,21-33…).
3.2. Công cuộc truyền giáo của Phaolô, Tông Đồ
dân ngoại
Phaolô và công cuộc truyền giáo của Ngài đóng một
vai trò tối quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Kitô giáo trên
toàn thế giới; đến đổi có người dám ví von cách “thậm xưng”: “Không
phải Chúa Giêsu mà chính Phaolô mới là vị sáng lập thật sự của Kitô giáo”[18]. Vì là một
“chuyên đề sâu rộng” nên đây chỉ là một cuộc “cỡi ngựa xem hoa”.
Sau đây, xin đan cử một đôi trích đoạn Lời Chúa
liên quan đến một “Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại”:
- Truyền giáo
chính là lẽ sống, là sứ mệnh tối hậu: “Vì nếu tôi rao giảng
Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải
làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
- Truyền giáo là
chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa và cả cuộc sống mình: “Chúng
tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những
chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất
thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Ts 2,8).
- Truyền giáo là chia sẻ chính “bằng chứng
xác thực của Thần Khí” chứ không quảng bá cái “tôi”: “Thưa
anh chị em, khi tôi đến với anh chị em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc
triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa… Tôi nói, tôi giảng mà
chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của
Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh chị em mới không dựa
vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1 Cor
2,1-5).
- Truyền giáo là cậy
vào sức mạnh của Chúa để muôn dân nghe biết Tin Mừng: “Lần
thứ nhất khi cha phải ra biện hộ trước tòa án, chẳng có ai bênh vực cha. Tất cả
đều đã bỏ rơi cha. Con đừng chấp nhất với họ. Nhưng có Chúa ở bên cạnh cha, Người
đã ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả
các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4,16-17)…
Nếu có thời gian, xin mở sách Công vụ và cùng đọc
và suy niệm “ba cuộc truyền
giáo của ngài” (x.
Cv 13-14; Cv 15-18; Cv 18-21).
3.3. Cả Hội Thánh đã lên đường
Qua sách Công vụ Tông Đồ và các Thư mục Tân Ước
khác, chúng ta có thể nói được “cả Hội Thánh đã lên đường” trong buổi bình minh
của Thiên Niên kỷ thứ nhất. Ngoài các gương mặt nổi trội như Phêrô, Gioan,
Giacôbe, Phaolô, Barnaba…, chúng ta còn thấy những Phó tế như Stêphanô - Vị Tử
đạo tiên khởi của Kitô giáo, Philipphê…; và tiếp sau đó là những Luca, Máccô,
Timôthê, Titô…; các cộng đoàn như Giêrusalem, Antiokia, Côrintô, Têsalônica…
Vâng, công cuộc truyền giáo không phải của riêng
ai mà của cả một đoàn dân “loan truyền kỳ công của Thiên Chúa”, như lời quả quyết
của Thánh Phêrô: “Còn anh em, anh
em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân
riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những
kỳ công của Người,
Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr
2,9).
Và sở dĩ cộng đoàn Giáo Hội sơ khai “thành công
trong việc truyền giáo”, đã thuyết phục được nhiều người tin Chúa Giêsu và gia
nhập Hội Thánh, phải chăng nhờ các yếu tố then chốt nầy: hiệp nhất, yêu thương,
chuyên chăm Lời Chúa, nguyện cầu, trung thành với Thánh Thể: Các
tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ,
vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với
nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho
mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền
Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng
Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm
những người được cứu độ. (Cv 2,42-47).
Đấng trao sứ mệnh truyền giáo cũng là Đấng ra những
chỉ thị, định hướng cần thiết như chúng ta đọc thấy trong “bản Lệnh Lên đường”
của các Tin Mừng Nhất lãm: Mt 10, 1.5-14; Mc
6,7-13; Lc 9,1-6;
và dĩ nhiên, đó cũng là “Kim Chỉ Nam truyền giáo” tiên khởi mẫu mực cho Giáo Hội
muôn nơi, muôn thuở.
Tuy nhiên, trước hết và trên hết, chân dung của
“người truyền giáo”, của kẻ “Loan báo Tin Mừng” theo đúng nguyện vọng và ước muốn
của “Đấng Sáng Lập” lại là “CHỨNG NHÂN”: “Chính anh em là chứng
nhân về
những điều nầy” (Lc 24,48); “Bấy giờ anh em sẽ là chứng
nhân của
Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”
(Cv 1,8).
Và rồi, trước những “biến động dồn dập” ở
Giêrusalem trong “cái thuở ban đầu” ấy, tưởng rằng các môn sinh của Chúa Kitô
đã quên bẵng ước muốn của Thầy; nhưng không, họ vẫn nhớ như in:
- Thánh Phêrô ngay
từ buổi đầu Giáo Hội đã trung thành với “kim chỉ nam” đó: “Một
trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người
đã phục sinh” (Cv 1,22); “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi;
nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa
đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại
cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm
chứng,
cùng với Thánh Thần…” (Cv 5,30-31)…
- Thánh Phaolô
cũng đã xác nhận việc “làm chứng” của các Tông Đồ: “Trong
nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên
Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người
trước mặt dân” (Cv 13,31) và của chính mình: “Nhưng mạng sống
tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu
toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm
chứng cho
Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24); sách Công Vụ
Tông Đồ còn minh xác cả về “địa chỉ làm chứng” của Phaolô: Đêm
ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm
chứng cho
Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm
chứng như
vậy tại Rôma nữa” (Cv 23,11)…
Cốt lõi là như thế; còn thể hiện, vận dụng việc
“làm chứng” như thế nào thì, có thể nói được, toàn bộ Lời Chúa là “ánh
sáng dẫn lối đưa đường” (Tv 119,105) cùng với sự soi dẫn của Chúa
Thánh Thần trải qua các thời đại, các thế hệ con người, các nền văn hoá, các trực
giác khôn ngoan, các phát kiến sáng tạo, các biến cố thăng trầm của lịch sử…
Vâng, câu chuyện “đưa
thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4) là một “thiên anh hùng ca” bi
tráng trải dài qua hai thiên niên kỷ; và nơi đó không chỉ được dệt đan hoà điệu
bởi các Thánh nhân, các vị Giáo hoàng, Giáo phụ… lừng danh; mà còn được góp phần
của cả những giáo dân âm thầm, những thừa sai thành tâm thiện chí, ngay cả
trong các Giáo Hội anh em ngoài Công giáo (Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo…);
có khi là các tội nhân hay cả những kẻ chống lại Tin Mừng… Đó cũng là một bức
tranh hùng vĩ đan xen muôn gam màu, chất liệu…, không chỉ rực rỡ oai hùng của
thành công, thắng lợi; nhưng cũng chất chứa rất nhiều những đau thương, bách hại,
máu xương, nước mắt…
Trong bài khảo luận nhỏ dẫn vào văn kiện MONITA
nầy, chỉ xin được ghi lại vài điểm nhấn truyền giáo từ Công Đồng Vatican II đến
hôm nay.
Trong cuộc “lữ hành đức tin” của Dân Chúa suốt
hai ngàn năm, Truyền Giáo là một “câu chuyện dài đầy lâm ly bi đát”; có những
thành công vang dội, cũng như đầy dẫy những tháng ngày “xương rơi máu đổ”; có
những “thăng trầm bể dâu” nhưng cũng đầy những biến thiên chẳng ngờ…, mà cuộc
“lật ngược thế cờ cách ngoạn mục liên quan đến đế quốc Rôma” là một bức minh hoạ
rõ nét và sống động cho câu chuyện này: chính quan chức Rôma đã lên án đóng
đinh Chúa Cứu Thế vào đầu thế kỷ thứ nhất tại Giêrusalem; và cũng chính các
hoàng đế Rôma, nhất là thời bạo chúa Nêrô, đã bách hại tàn khốc các Kitô hữu tại
thủ phủ Rôma và trên toàn đế quốc…; thì cũng chính một hoàng đế Rôma –
Constantino – vào đầu thế kỷ thứ tư (312), đã quyết chọn Kitô giáo làm quốc giáo[19] !
Cho đến thế kỷ 21 nầy, không tính các anh chị em
Kitô hữu thuộc Chính Thống giáo, Tin Lành và Anh Giáo, thì Giáo Hội Công Giáo
Rôma đã có số tín hữu vượt xa con số “nghìn triệu”; tức trên dưới 1/6 dân số thế
giới. Để có được thành quả “những hạt lúa vàng ắp đầy trong kho lẫm nầy”, nhất
là, như nhận định của tác giả Richard Holloway, để “trở
thành một thiết chế quyền lực bậc nhất trên địa cầu, ngay cả các vị vua cũng phải
nép mình trước uy quyền đó”[20], Giáo Hội đã phải
nỗ lực truyền giáo bằng một cái giá thực sự đắt đỏ; đắt đỏ bởi trí tuệ, công sức,
máu xương của con người và nhất là “ân sủng của Thiên Chúa”. Vâng cái giá của việc “Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Vì trọng tâm của bài khảo luận nầy chính là văn
kiện MONITA của Công đồng Yutthia 1664, nên ở đây chỉ xin nêu ra vài “điểm nhấn
quan trọng” trên lộ trình hướng dẫn mục vụ truyền giáo của thời hiện đại, như
là một “bức phông nền cơ bản” để làm sáng
lên những giá trị vượt thời gian của MONITA.
Khởi đi từ “khẩu lệnh lên đường” được Đức Kitô
ban ra, có thể nói được, cuộc hành trình xuyên suốt hai ngàn năm của Hội Thánh
chính là cuộc lên đường không ngừng nghỉ để “đến với muôn dân”. Mỗi thời đại với
mỗi hoàn cảnh, tuỳ điều kiện không gian cũng như thời gian, địa lý hay văn hoá,
chính trị hay kinh tế…, công cuộc “đến với muôn dân” luôn mang những
nét đặc trưng và để lại những dấu ấn…, làm nên cả một kho
tàng kinh nghiệm phong phú cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Vào thời đại của chúng ta, đặc biệt, vào hậu bán
thế kỷ 20, một biến cố đức tin và cũng là một dấu ấn lịch sử sâu đậm nhất của Hội
Thánh Công Giáo đó chính là Công Đồng Vaticano II[21], mà tinh thần và
định hướng vẫn còn tác động lâu dài trên toàn thể sinh hoạt của Giáo Hội, trong
đó, sinh hoạt “loan báo Tin Mừng” là dễ nhận thấy nhất. (x. CÁC MÔ HÌNH TRUYỀN
GIÁO TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO trong tác phẩm “Thần học truyền
giáo cho hôm nay”)[22].
Thật vậy, Vatican II, theo ý nguyện ban đầu của
Đức Gioan XXIII, Vị Giáo Hoàng được ơn soi sáng khai mở Công Đồng, đó là một
Công Đồng mang tính “mục vụ”[23], như một giai thoại
được lưu lại: “Khi được hỏi tại
sao Đức Giáo Hoàng muốn triệu tập Công Đồng, ngài hóm hỉnh trả lời, trong khi lấy
tay mở cửa sổ: “Tôi muốn toang các cửa sổ Giáo Hội để cho chúng ta nhìn ra được
và công chúng nhìn vào được”. Trong ý hướng đó, Đức Gioan XXIII mong muốn là
Giáo Hội cần phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại”, để có thể đáp ứng nhu
cầu cần thiết của nhân loại. Ngài sử dụng một từ ngữ của người Ý là
“aggiornamento”, có nghĩa là “cập nhật hóa”, để nói đến tính cấp bách của Giáo
hội lúc này là mở ra với toàn thế giới”[24]. (x. Những điều đã xảy ra tại Công Đồng
Vatican II)[25].
Điểm nhấn đầu tiên về truyền giáo của Công Đồng
Vatican II chính là văn kiện: Sắc lệnh về hoạt động
truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG)[26], một văn kiện mang tính “thực hành” và “áp dụng”
các “định hướng mục vụ của Công Đồng Vaticano II” như Lời Giới thiệu văn kiện
đã trình bày: “Sắc Lệnh này khảo
luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời
đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các
chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương
quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền
tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi
hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một
hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành
ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi”[27].
Và đây, có thể nói được, là áng văn đẹp nhất của
văn kiện diễn tả sứ vụ truyền giáo được Giáo Hội
thực thi “theo mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập”: “Vì thế, vâng lệnh
Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội
thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng
cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những
phương thế trao ban an sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với đức tin, đón nhận ơn
giải thoát và bình an của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững
chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô” (AG 5).
Dĩ nhiên, bên cạnh văn kiện mang tính “chuyên đề
truyền giáo” nầy, Vaticano II gần như đã “phả hương thơm loan báo Tin Mừng” lên
các văn kiện quan trọng khác như Lumen Gentium (Hiến Chế Giáo Hội), Gaudium et
Spes (Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay), Apostolicam
Actuositatem (Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ Giáo dân), Sắc lệnh về Đại Kết
(Unitatis Redintegratio), Tuyên Ngôn về mối quan hệ của Hội Thánh với các Tôn
Giáo ngoài Kitô (Nostra Aetate), Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis
Humanae)[28]…
2.1. “Cánh cửa Công Đồng” và những luồng gió khủng
hoảng:
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày bế mạc (1965), Công
Đồng Vatican II vẫn còn âm hưởng mạnh mẽ bên trong (ad intra) lẫn bên ngoài (ad
extra) Hội Thánh; đặc biệt trong chiều kích “đọc những dấu chỉ
thời đại” và “nhìn
nhận hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa bên ngoài Giáo Hội Công Giáo”[29]. Quả thật,
Công Đồng đã mang lại cho Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một động lực trong
việc canh tân, đối thoại, hoà giải, đại kết…: “… Nhưng, có điều
chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần ‘canh tân
và hòa giải’ do Công Ðồng Vatican II thổi vào Giáo hội, đem lại cho Giáo Hội một
sức sống mới. Từ đây, Giáo Hội được nhìn nhận như một mầu nhiệm hiệp thông, là
cộng đoàn Dân Chúa, không còn nặng về tính cơ cấu và phẩm trật nữa…”[30].
Tuy nhiên, những thập niên sau Công Đồng, tức
khoảng thời gian từ 1965-1975, toàn thế giới gần như phải trải qua những xáo trộn,
đổi thay sâu sắc về nhiều phương diện, khiến công cuộc truyền giáo của Giáo
Hội cũng rơi vào khủng hoảng, như cách nhìn của tác giả Robert Schreiter[31] mà Roger P.
Schroeder, SVD đã tóm tắt trong bài viết “Giáo huấn Hội
thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”: “Schreiter
gọi thập niên sau Công đồng (1965-1975) là chặng khủng hoảng về truyền giáo. Thế
giới đang chuyển biến: phong trào nhân quyền tại Hoa kỳ, cuộc cách mạng văn hóa
bên Trung quốc, Chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông, Mùa Xuân Praha ở Tiệp khắc,
cuộc nổi dậy của sinh viên ở Mêxicô[32]. Trong Giáo hội cũng có nhiều nhân tố
góp phần cho cuộc khủng hoảng. Việc hồi tục của nhiều linh mục và tu sĩ đã làm
suy giảm nhân số các thừa sai. Cuộc chấm dứt chế độ thuộc địa, mà công cuộc
truyền giáo thường được gắn kết, cũng khiến cho nhiều người kêu gọi kết liễu việc
truyền giáo, hoặc ít là một đường lối truyền giáo. Ngoài ra, những biến chuyển
thần học của Công đồng – việc nhìn nhận bản chất truyền giáo của toàn Giáo hội
(AG 2), sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới như là các dấu chỉ thời đại
(GS 4), sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo
khác (NA 2), và khả năng có thể được cứu độ ngoài Hội thánh (LG 16) – đã cắt đứt
những động lực trước Công đồng về việc cứu độ các linh hồn và về việc thiết lập
Giáo hội hữu hình”[33]. (x. STEPHENS B.
BEVANS – ROGER P. SCHROEDER)[34].
2.2. Evangelii Nuntiandi: Đến với muôn dân hay
là việc Phúc Âm hoá mang tính toàn diện
Năm 1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã triệu tập
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (thứ III) để bàn sâu và rộng về việc “Loan
báo Tin mừng trong thế giới hiện đại”. Đúc kết những ý kiến của các nghị phụ, Đức
thánh cha đã soạn và ban hành tông huấn Evangelii
Nuntiandi (Loan báo
Tin mừng - EN) năm
1975, như một “điểm đến của Năm
Thánh vừa kết thúc (1975) và món quà kỷ niệm “10 năm bế mạc Công Đồng Vaticano
II”[35].
Đây được coi là văn kiện “định chuẩn” về sứ mệnh
truyền giáo của Hội Thánh; vừa bổ túc cho AD GENTES (chỉ mới xoay quanh MISSIO)[36] vừa mở ra những
định hướng mới sâu rộng hơn, bao quát hơn (với EVANGELIZATIO)[37]. Có thể nói được,
với 3 số 18,19,20, tông huấn Evangelii Nuntiandi đã phần nào diễn đạt khái quát
“nội hàm” của EVANGELIZATIO: Phúc Âm hoá chính là “Đổi
mới nhân loại”[38], là “Đổi
mới cảnh vực sống của nhân loại”[39] và “Phúc
Âm hoá những nền văn hoá”[40].
Và một trong những “điểm nhấn” quan trọng của
Tông huấn nầy đó “loan báo Tin Mừng qua đời sống chứng tá” mà lời phát biểu của
Đức Phaolô VI đã trở thành một câu châm ngôn: “Người đương thời
sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe
thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”[41].
2.3. Redemptoris Missio: Truyền giáo: câu trả lời
của niềm tin và tình yêu
Nhân dịp kỷ niệm “Ngân Khánh AD GENTES”
(1965-1990) và “Mười lăm năm EVANGELII NUNTIANDI” (1975-1990), Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ (REDEMPTORIS MISSIO -
RM) ngày 7.12.1990; và người ta cho rằng, đây là văn kiện quan trọng nhất của
triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II[42].
Về cơ bản “thần học truyền giáo” nơi “RM”, như
nhận xét của ROGER P. SCHROEDER, là một tổng hợp và bổ túc “dựa
trên AG (Sắc lệnh Truyền Giáo Ad Gentes) và EN (Tông huấn Loan báo Tin Mừng –
Evangelii Nuntiandi), nêu bật vai trò của Chúa Kitô và sự cần thiết phải loan
báo Đức Kitô là chủ tể”[43].
Thật vậy, “vẫn trên dòng sông cũ” của Giáo Hội,
Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” muốn mang Hội Thánh “Ad Gentes” triệt để hơn, rộng
khắp hơn, chính xác hơn…, như đến với những “Chân Trời Bao La”[44], bao gồm những
“vùng đất còn xa lạ với Tin Mừng”, những cộng đoàn Dân Chúa vững mạnh và những
Giáo Hội cần được “Tân Phúc Âm hoá”[45]. Và cũng từ viễn
tượng “Chân trời bao la” đó, RM muốn một lần nữa cống hiến câu trả lời dứt
khoát cho những ai, những trào lưu muốn đặt lại căn tính cũng như lý do của “sứ
mệnh truyền giáo” của Hội Thánh: “Đối với câu hỏi:
Tại sao phải truyền giáo ? Thì nhờ niềm tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, chúng
tôi xin trả lời rằng sự giải phóng đích thực là đón nhận tình yêu của Đức
Kitô... Truyền giáo là một vấn đề của niềm tin, đó thực là thước đo niềm tin của
chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào Tình yêu Người dành cho chúng ta” (RM số 11).
Vả lại, cũng từ cái nhìn lạc quan, phấn khởi,
Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế đã trang bị cho Hội Thánh và con cái của Giáo Hội
cả một “Linh đạo Truyền Giáo”, một phương thế, một con đường để “nên thánh”: “Hoạt
động truyền giáo đòi phải có một linh đạo đặc biệt, một linh đạo áp dụng riêng
cho tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi để trở thành những nhà truyền
giáo.” (RM số 87). Vâng, “Linh
đạo truyền giáo của Giáo Hội là một cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện”
(RM 90); và
đó là điều mà Vị Thánh Giáo Hoàng của chúng ta đã trực giác ngay từ thuở ban đầu
của Giáo Hội, và công cuộc Phúc Âm Hoá hôm nay cũng phải như thế: “chúng
ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi.
Bất chấp phương tiện di chuyển và truyền thông hạn hẹp vào những thời ấy, việc
loan truyền Phúc Âm vẫn nhanh chóng tiến đến tận cùng trái đất. Đó là tôn giáo
của một Con Người chết trên thập giá, của “một viên đá vấp phạm cho người Do
Thái và ngu xuẩn cho Dân Ngoại” (1Cor 1:23)! Bên dưới cái năng động truyền giáo
này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu
tiên khởi vậy” (RM 90). .
3.1. Evangelii Gaudium: Giáo Hội “Đi ra trong Niềm
vui”[46]:
Từ buổi sáng thứ Ba ngày 26/11/2013, cả thế giới
Công Giáo hân hoan khôn xiết khi được đón nhận một quà tặng tuyệt vời từ Vị Mục
Tử Tối Cao. Quà tặng tinh thần cao quý đó chính là Tông Huấn Evangelii
Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô
sau hơn 8 tháng trên ngai tòa Thánh Phêrô.
Trong viễn tượng “thời sự mục vụ”, có thể nói
Tông Huấn nầy là một đúc kết (như vẫn thường xảy ra) của Đức Thánh Cha sau cuộc
họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; ở đây, chính là văn kiện hậu Thượng
Hội Đồng Giám Mục thứ 13, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 tại
Rôma với chủ đề Tân phúc âm hóa để
thông truyền đức tin Ki-tô giáo.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho dù “nhiều
lần, Đức Thánh Cha Phanxicô tham chiếu các Đề nghị của Thượng Hội Đồng tháng Mười
2012, như thế ngài cho thấy sự đóng góp của Thượng Hội Đồng quan trọng là dường
nào trong việc soạn thảo Tông huấn này. Thế nhưng văn kiện này đi xa hơn kinh
nghiệm của Thượng Hội Đồng. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã in dấu không
chỉ kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài, nhưng còn lời mời gọi đón nhận thời điểm
ân sủng mà Giáo Hội đang sống, để xúc tiến cách tin tưởng, xác tín và nhiệt
thành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa.”[47].
Kể từ khi được công bố cho thế giới, quả thật
Tông Huấn EG[48] - cùng với
con người và “phong cách mục vụ” của ĐTC Phanxicô, đã thổi vào “cơ thể” Giáo Hội
và cả thế giới một luồng sinh khí mới mẻ đầy tươi mát, hân hoan và hy vọng, như
nhận xét tinh tế của Linh mục James Martin, SJ: “Chưa
bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên
và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”[49]. Vâng, có thể nói, đây chính là “tiếng kèn”
đánh thức để Dân Chúa lên đường Tân Phúc Âm hoá bằng cam kết “Đi
ra trong Niềm vui”.
3.2. Những điểm nhấn của “Evangelii Gaudium”:
3.2.1. Cốt lõi của
“Tân Phúc Âm hoá” là tìm lại “niềm vui
của Tin Mừng”: “NIỀM
VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa
Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội
lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn
được tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một
chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch
ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.”[50].
3.2.2. Hành động
và thái độ đầu tiên của tiến trình “Tân Phúc Âm hoá”: hoán
cải mục vụ để trở về với chọn lựa căn bản: truyền giáo chứ không phải “bảo tồn”:
-
“Trong những ngày này, nơi các GM chúng tôi, nhiều lần có những tiếng nói được
gióng lên nhắc nhở rằng để có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, thì trước
tiên Giáo Hội cần đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi rao giảng
Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải. Chúng ta hãy tin chắc rằng
chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với
quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới
cuộc sống nghèo nàn của chúng ta.”[51].
- “Tôi ước mơ một “chọn
lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự,
để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và
các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin
Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.”[52].
3.2.3. Một Hội
Thánh Tân Phúc Âm hoá phải là Một Hội Thánh “đi
ra” để gặp gỡ và cống hiến: “Vì
vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu
Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục
và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương
tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam
hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt
mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và
các thủ tục.”[53].
3.3. Christus Vivit: Để Giáo Hội “Trẻ trung
trong Hiệp Hành”:
Một trong các “môi trường mục vụ” để Hội Thánh
triển khai chương trình Tân phúc âm hóa để
thông truyền đức tin Ki-tô giáo, đó chính là “Giới Trẻ”; đây cũng chính là chủ đề
nghị sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thứ XV: Giới trẻ, Đức tin và Phân
định ơn gọi[54].
Trong tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ,
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “Christus Vivit” (Đức Kitô đang sống
- CV), như một động lực, một cơ hội để “Chính những người
trẻ có thể giúp Hội thánh giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại;
không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái, nhưng trở nên
nghèo khó và có khả năng làm chứng hơn nữa, gần gũi với những người hèn kém và
những người bị bỏ rơi, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận những
chất vấn. Người trẻ có thể đem đến cho Hội thánh vẻ đẹp của sự trẻ trung khi họ
khơi gợi khả năng ‘vui mừng về những khởi đầu, luôn cho đi chính mình, canh tân
và lại lên đường để đạt những thành quả mới’”[55].
Ngoài nhiều định hướng được đề nghị cho chương
trình mục vụ giới trẻ, có thể nói được, định hướng “Hiệp Hành” chính là điểm
quy chiếu quan trọng cho việc thực hiện tiến trình Tân Phúc Âm hoá, đặc biệt
cho người trẻ: “Sự tham gia của
giới trẻ đã giúp “đánh thức” mô thức hiệp hành, là một “chiều kích cấu thành của
Hội Thánh.” Như thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Hội Thánh đồng nghĩa với Hiệp Hành”,
bởi vì Hội Thánh không là gì khác mà chính là việc “cùng nhau bước đi” của đàn
chiên trên con đường lịch sử để gặp Đức Kitô” (Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm
50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Tính hiệp
hành đặc trưng cho cả đời sống lẫn sứ vụ của Hội Thánh, là Dân Chúa được tạo
thành bởi những người già, trẻ, nam, nữ thuộc mọi nền văn hóa và mọi giai cấp từ
mọi chân trời, và là Thân Thể Đức Kitô trong đó chúng ta là những chi thể của
nhau, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị chà đạp. Trong tiến
trình trao đổi và qua các chứng từ, Thượng Hội Đồng đã đưa ra một số đặc tính cơ
bản của kiểu hiệp hành mà chúng ta được mời gọi hoán cải.”[56].
Hy vọng, qua mô hình “Hiệp Hành” trong mục vụ giới
trẻ, Hội Thánh sẽ tìm được giải pháp tối ưu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá: “Mục
vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết
trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà
Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của
mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với
tinh thần nầy, chúng ta sẽ có thể tiến tới một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham
gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét
phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự
đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự
chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội
đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể
muốn xa lánh chúng ta”. (CV số 206).
Kể từ “mệnh lệnh đầu tiên” của Thầy Chí Thánh,
công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn như một dòng chảy bất tận mà toàn thể “Nhiệm Thể
Chúa Kitô” là nước, là phù sa, bãi bờ… mang đến cho nhân loại Tin Mừng và Hồng
ân cứu rỗi.
Về phương diện phàm
trần,
dĩ nhiên, con người hay định hướng, phương pháp, cách thế truyền giáo được Giáo
Hội chọn lựa mỗi thời mỗi khác, sao cho thích dụng với các thế hệ con người,
các môi trường xã hội, văn hoá… của mỗi thời đại.
Trong khi đó, viễn tượng siêu
nhiên sẽ
cho thấy: những điều cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng, của chân lý cứu độ, càng
ngày càng được đào sâu, củng cố, trình bày và chuyển tải sao cho, vừa trung
thành với đức tin Tông Truyền, với nguồn cội; vừa trở nên “quà tặng”, giải
pháp, con đường được thuyết phục và đón nhận đối với tâm thức nhân loại hôm nay.
Hy vọng chúng ta sẽ tìm gặp hai chiều kích đó
ngay trong văn kiện MONITA, Kim Chỉ nam cho các thừa sai đi gieo hạt giống Tin
Mừng trên vùng đất Á Châu vào thế kỷ 17.
(Còn tiếp: PHẦN 2: BÌNH VẪN
CHƯA HỀ CŨ)
WHĐ (30.6.2021)
Heraclitus
(Khoảng 544-484 TCN), xuất thân từ Ephesus (Hy Lạp), thuộc nhóm triết gia của
“trường phái Elea” (Eleatic school) như Xenophanes (570-475 TCN), Parmenides
(540-470 TCN)…, một trong những trường phái nổi tiếng nhất của “triết học tiền
Socrate”.
JOHANNES
HIRSCHBERGER; Lịch sử Triết học
Tập I, Triết học Cổ đại và Trung đại; tập thể dịch giả: Dương Anh Xuân và Thánh Pháp;
Công ty sách Thời đại – Nhà xuất bản Tri Thức 2020; tr. 45-46: Và
Plato nhận xét: “Tương truyền Heraclitus cho rằng mọi vật đều vận động và không
có gì đứng yên; ông so sánh chúng với dòng sông, và nói rằng không ai tắm hai lần
trên một dòng sông” (Cratylus, 402 a; ed. Jowett, Vol. I, P. 191).
GHI
CHÚ RIÊNG: Để khai triển sâu hơn chiều kích “biến dịch” nầy, Heraclitus còn vận
dụng khái niệm “Logos”, như là “Nguyên uỷ”, “Thần linh” hay “Nguyên lý phổ
quát” chi phối sự đổi thay và biến dịch. Khái niệm về “Logos” nầy hoàn toàn đối
lập với khái niệm “Logos” của Thánh Gioan Tông Đồ, là Ngôi Lời và là chính
Thiên Chúa, Đấng Hằng hữu, vô thuỷ vô chung: “Lúc khỏi đầu đã
có Ngôi Lời (Logos). Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên
Chúa” (Ga
1,1). (x. SĐD: JOHANNES HIRSCHBERGER, Lịch sử Triết học…
; tr. 47).
HỘI
ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN; Công
Đồng Vaticanô II; nxb. Tôn giáo 2012; Hiến chế tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium
(LG), số 2; tr. 70.
SĐD
(LG), số 8; tr. 80.
SĐD
(LG), số 8; tr. 81.
SĐD
(LG), số 4; tr. 72: “Như thế, Giáo Hội
phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của
Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
SĐD
(LG), số 2; tr. 70.
TÀI
LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ GIÁO PHẬN QUI NHƠN; Kim Chỉ Nam Truyền
Giáo thế kỷ 17; Những
lời nhận định trong phần “DẪN NHẬP” của tác giả G. Espie cho lần Tái bản sách
MONITA; tr. 32.
SĐD (Kim
Chỉ Nam…);
tr. 32: “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy chân lý nếu
chúng ta hài lòng với việc đặt những bước chân của chúng ta vào những dấu chân
của người đi trước. Chúng ta nhìn xa hơn họ, bởi lẽ chúng ta là những người lùn đứng
trên vai những người khổng lồ”.
SĐD (Kim
Chỉ Nam…);
tr. 39.
LM.
GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP; Thần học về truyền
giáo; website Giáo phận Đà Lạt: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/30ThanHocTruyenGiao.htm.
HỘI
ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO; Tự
Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935
SĐD (Tự
Điển Công Giáo…); mục từ PHÚC ÂM HOÁ, VIỆC; tr. 692-693.
SĐD (Tự
Điển Công Giáo…); mục từ TRUYỀN GIÁO; tr. 934-935: “… Truyền giáo có
gốc tiếng Latinh là missio – nghĩa là sai đi.
-
Theo nghĩa rộng: Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, tức là loan báo
Phúc Âm cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh Chúa Kitô (x. Mc 16,15; Mt
28,19-20; GLHTCG 849). Như vậy, truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và
niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và
cứu độ muôn người. Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho loài người được
tham dự, hiệp thông trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. GLHTCG 850), làm
cho Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thấm nhập mọi chiều kích cuộc sống (x. AG 21).
- Theo nghĩa hẹp: truyền giáo chỉ công việc truyền
bá đức tin Kitô giáo và việc thành lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay
nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô (x. GLHTCG 854), làm cho Phúc Âm thấm nhập
vào trong nền văn hoá các dân tộc (x. TĐ Redemptoris Missio 48). Mọi Kitô hữu đều
có bổn phận truyền giáo (x. AG 15; GLHTCG 856). Tuy nhiên, một số người có ơn gọi
đặc biệt và được Hội Thánh sai đi loan báo Phúc Âm cho các dân tộc chưa nhận biết
Chúa Kitô”.
CÔNG
ĐỒNG VATICANÔ II; bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo
lý Đức tin; Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012; Sắc lệnh về hoạt động
truyền giáo của Giáo Hội – Ad Gentes (AG); số 1; tr. 641: “Được
Thiên Chúa sai đến với muôn
dân để nên bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc
tính công giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng
Sáng Lập,
Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.”
Mt
28,19-20: Theo Bản Vulgata
RICHARD
HOLLOWAY; Lược sử tôn giáo; Loan Vũ dịch; Nhà
xuất Bản Thế Giới 2019; tr. 149: “Đó là lý do vì
sao có ý kiến cho rằng không phải Giêxu mà Paul mới là vị sáng lập thật sự của
Kitô giáo. Không có Paul thì phong trào của Giêxu đã phai nhạt như một nhánh
tin vào đấng cứu thế khác đã từng thất bại trong Do Thái giáo. Chính nhờ Paul
đã hiện thực hoá nó trong lịch sử. Điều đó đúng, nhưng nên nhớ rằng Paul cũng
đã mang theo Giêxu. Đối tượng được ông thuyết giảng là Giêxu: một Giêxu mà Paul
gặp trên đường đi Damascus; một Giêxu đã tiết lộ tin mừng về tình yêu của Thiên
Chúa dành cho thế giới; một Giêxu sẽ sớm trở lại nên không thể trì hoãn việc
loan tin thêm nữa”.
SĐD
(RICHARD HOLLOWAY…); tr. 155-157: “… Như vậy, chỉ
trong vòng hai mươi năm, một cuộc đảo ngược thế cờ ngoạn mục đã diễn ra: từ chỗ
là nhóm bên lề bị áp bức cho đến tôn giáo được ân sủng của hoàng đế (…). Chính
thế lực đã đóng đinh Ngài giờ đã quyết định sẽ dùng hình tượng của Ngài cho các
mục đích của họ…”.
SĐD
(RICHARD HOLLOWAY…); tr. 157.
HỘI
ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO; Tự
Điển Công Giáo; Nhà Xuất Bản Tôn giáo 2016; mục từ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II; tr. 175-176: “Công
Đồng Vatican II là công đồng chung thứ XXI của Hội Thánh, diễn ra tại Vaticano
từ năm 1962 đến năm 1965, do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII
(1881-1963) triệu tập, sau đó được tiếp tục và phê chuẩn bởi ĐGH Phaolô VI
(1897-1978)…”.
STEPHENS
B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và
thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 400-419: “Mô
tả của Robert Schreiter về phong trào truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo trong
thế kỷ XX theo 4 giai đoạn cung cấp cho chúng ta một khung tổng quát tuyệt vời
cho phần này. Sau một thời kỳ ban đầu xác tín, sang thập kỷ
1960 là thời kỳ sôi động và chuyển tiếp,
chủ yếu nhờ Công Đồng Vaticanô II. Sau một quãng thời gian khủng
hoảng,
Giáo Hội Công Giáo đã có một cuộc tái sinh về thần học
và thực hành truyền giáo của mình, được phát triển thành các trào lưu và các
cách diễn tả đa dạng của cùng một sứ mạng Kitô duy nhất…”.
THÁNH
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 1; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Piô X; tái bản tại
nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Nhập Đề Tổng quát; tr. 30:”Đức
Gioan XXIII mong mỏi Công Đồng này sẽ là Công Đồng “mục vụ”. Ngài không muốn
Công Đồng đề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông, cũng như không bận tâm đến các
tín điều…”.
LM.
GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin
nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; website Kênh Thông
tin Xuân Bích Việt Nam: https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày
18/10/2012.
Để
hiểu rõ hơn về khái niệm “aggiornamento” của Vaticano
II, xin đọc: JOHN W. Ơ MALLEY; Những điều đã xảy
ra tại Công Đồng Vatican II; Lm. Nguyễn Đức Thông, C.S.s.R, dịch; nxb Phương
Đông 2015; tr. 75-78.
THÁNH
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tập 4; bản dịch: Giáo Hoàng Học viện Piô X; tái bản tại
nhà in Nguyễn Bá Tòng 20.2.1975; Sắc lệnh về hoạt động
truyền giáo của Giáo Hội- Ad Gentes (AG); phần Nhập Đề; tr. 523-524: “…
Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394
phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất
cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là “Sắc Lệnh về vấn đề
truyền giáo”. Tựa đề hiện nay “Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” lần đầu
tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc thay
đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động và
Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về sứ
mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động
truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động
khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v... Sự tương quan của Sắc Lệnh này với Hiến
Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện
“Ánh Sáng muôn dân” và “đến muôn dân”. Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri
Isaia (42,6 và 49,6)…”
SĐD (Sắc
lệnh về… AG);
tr. 524-525.
Có
thể xem đầy đủ “nội dung truyền giáo” qua các văn kiện của Công Đồng Vaticano
II nơi tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung
Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 409-411.
STEPHENS
B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và
thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 399.
LM.
GIOAN B. NGUYỄN VĂN HẢO; bài viết Sống Năm Đức Tin
nhân dịp 50 năm Khai mạc Công Đồng Vatican II; 5. Thành quả sau Công Đồng; website Kênh Thông
tin Xuân Bích Việt Nam:
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/18/song-nam-duc-tin-nhn-ky-niem-50-nam-khai-mac-cng-dong-vatican-ii/; đăng ngày
18/10/2012.
Robert
Schreiter, ‘Changes in Roman Catholic Attitudes toward Proselytism and
Mission.’ In New Directions in
Mission and Evangelization 2. Ed. James A. Scherer and Stephen B.
Bevans, Orbis Books, Maryknoll, NY 1994, p. 113-25.
x.
THẾ GIỚI CỦA THẾ KỶ XX của hai tác giả: STEPHENS B. BEVANS – ROGER P.
SCHROEDER; Trung Thành và
thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 394-400.
ROGER
P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội
thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm
Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày
14.10.2020.
STEPHENS
B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER; Trung Thành và
thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay; bản dịch Việt Ngữ:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn Giáo 2020; tr. 412.
ĐGH
PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo
Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt
Nam
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/;
số 2; đăng ngày 30.01.2011: “Đó là nhiệm vụ của
Ta muốn chu toàn ở đây, vào cuối năm thánh này, năm mà Giáo Hội dồn mọi nỗ lực
vào việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người (Ad Gentes số 1). Giáo Hội không mong
gì khác hơn là chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, được
công bố từ hai lần nhắc nhở căn bản “Hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24) và “
Hãy giao hoà cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Nhiệm vụ đó Ta cũng muốn thi hành dịp
kỷ niệm 10 năm ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II. Mục tiêu của công đồng này được
cô đọng trong câu: Làm cho Giáo Hội của thế kỷ 20 trở nên thích hợp hơn trong
việc loan báo Tin Mừng cho nhân loại của thế kỷ hai mươi. Ta cũng muốn chu toàn
nhiệm vụ đó nhân dịp một năm sau kỳ đại hội lần thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám
Mục, một đại hội mà ai cũng biết được dành riêng cho việc Phúc Âm hoá...”.
Để
hiểu rõ hơn về “Thần học truyền giáo của Ad Gentes” qua khái niệm “Missio”, xin
đọc thêm: Chương 9. Truyền giáo là tham dự vào sứ vụ của
Thiên Chúa Ba Ngôi trong tác phẩm “Trung Thành và thích nghi” (Constants in
Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay của STEPHENS B. BEVANS
– ROGER P. SCHROEDER; bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên; nxb. Tôn
Giáo 2020; tr. 469-499.
ROGER
P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội
thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm
Học vấn Đa Minh:
https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/;
đăng ngày 14.10.2020: “Có lẽ vì muốn
tránh đồng hóa “truyền giáo” với “thuộc địa” cho nên thuật ngữ “loan báo Tin mừng”
(evangelization)
được dùng thay cho “truyền giáo” (mission). Tuy rằng việc
loan báo Tin mừng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là công bố sứ điệp Phúc âm bằng lời
nói và chứng tá, nhưng ở đây Đức Phaolô VI muốn hiểu theo một nghĩa rất rộng,
bao gồm hết mọi hình thức của việc truyền đạo; hiểu như vậy, hai từ ngữ loan
báo Tin mừng (evangelization)
và “truyền giáo” (mission)
coi như đồng nghĩa”.
ĐGH
PHAOLO VI; Tông huấn Loan báo
Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi); Bản dịch của Lê Công Đức; website Xuân Bích Việt
Nam
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/;
số 18; đăng ngày 30.01.2011: “Đối với Giáo Hội,
Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc
này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một
vũ trụ mới” (Ap 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có
con người mới, không có sự sống mới nhờ phép Rửa tội (Rm 6,4) và do đời sống
theo Tin Mừng (Ep 4, 23-24). Vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là sự thay
đổi nội tâm đó, và nếu phải diễn tả một cách vắn tắt, thì ta có thể nói một
cách đúng đắn rằng Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ
điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương
tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn
thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”.
SĐD (Tông
huấn Loan…);
số 19: “Những cảnh vực sống của nhân loại đang biến đổi,
cho nên, đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Tin Mừng nơi những
vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm dân ngày càng đông,
nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin Mừng mà đảo lộn những
tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những
trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại, khi
những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương trình cứu độ”.
SĐD (Tông
huấn Loan…);
số 20: “Cần phải Phúc Âm hóa văn hóa và những nền văn
hóa của con người hiểu theo nghĩa phong phú và rộng rãi như trong Gaudium et
Spes (53) nghĩa là đi từ con người và lại quy về những tương quan giữa con người
với người và người với Thiên Chúa. Như thế Phúc Âm hóa các nền văn hóa phải được
thực hiện một cách sống động sâu xa cho tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách
trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt. (…).Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thảm trạng
của thời đại chúng ta cũng như của những thời đại trước. Như vậy phải dồn mọi nỗ
lực để tiến tới sự Phúc Âm hóa một cách rộng rãi, đúng hơn phải Phúc Âm hóa mọi
nền văn hóa. Chúng phải được cải hóa nhờ tiếp xúc với Tin Mừng, nhưng sẽ không
có tiếp xúc nếu Tin Mừng không được công bố”.
SĐD (Tông
huấn Loan…);
số 41: “Mới đây Ta đã nói với một nhóm giáo dân rằng:
“Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu
họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Thánh
Phêrô đã diễn tả rõ rệt điều này khi Ngài đưa ra một cách sống trong sạch và
đáng kính “Không dùng lời nói nhưng lại chinh phục được cả những kẻ từ chối tin
vào Lời” (1P 3,1). Vì vậy chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ
rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với
Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế
gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng”.
x.
ROGER P. SCHROEDER, SVD; bài viết “Giáo huấn Hội
thánh về truyền giáo sau Vaticanô II: 1975-2007”; website Trung Tâm
Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-phan-iii/; đăng ngày
14.10.2020.
SĐD
(ROGER P. SCHROEDER; bài viết “Giáo huấn Hội thánh … )
Đây
là chủ đề của Chương IV trong Tông huấn RM: NHỮNG CHÂN TRỜI
BAO LA CỦA CỦA SỨ VỤ “ĐẾN VỚI MUÔN DÂN”.
x.
Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (RM) số 33, 34, 37…
x.
BAN THƯỜNG HUẤN GPQN; Niềm vui Tin Mừng
– Một Hội Thánh mở cửa; Khoá Thường Huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn
2014; Bài thuyết trình: Hoán cải mục vụ (Convertion
pastorale) – Chương trình hành động của tiến trình Tân Phúc Âm hoá; tác giả:
Lm. Giuse Trương Đình Hiền; tr. 23-46.
Họp
báo giới thiệu Tông Huấn “Evangelii gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc
loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (26/11/2013). Nguồn: trang mạng
Xuân Bích Việt Nam. Tý Linh chuyển dịch.
Kể
từ đây, xin được sử dụng hai từ viết tắt EG để chỉ Tông Huấn Evangelii Gaudium.
VŨ
VĂN AN; Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium
của Đức Phanxicô;
website http://danchuausa.net
EG
1
Sứ
điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13 gửi Cộng đoàn Dân Chúa, số 5.
EG
27
EG
49
Hồng
Y Lorenzo Baldisseri Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng giới thiệu “Tài Liệu Làm Việc”
ngày 8.5.2018 tại Điện Vatican: “Ngày 6 tháng Mười
năm 2016, Đức Thánh Cha công bố chủ đề của Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ
XV của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”; website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/
ĐGH
PHANXICÔ; Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit); Bản dịch: Giám mục
Luy Nguyễn Anh Tuấn trực thuộc HĐGMVN; nxb Tôn Giáo 2019; số 37; tr. 26.
Tài
Liệu Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ; Giới
trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi; Phạm Xuân Khôi chuyển dịch; website http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/ ; số 121.
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/binh-van-chua-he-cu-menh-lenh-va-di-chuc-di-cung-nam-thang-42162