Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

(câu chuyện ngày tân tòng)

HÁT CHO DÂN TÔI NGHE

Khanh nhat (14).JPG

Thiên Chúa yêu thương thế gian…” (Ga 3,16a)

“ông Trời có mắt” – ôm trọn nhân gian,

Con người lo toan – vẫn không mất lòng tin tưởng –

biết rằng “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”.

Các bậc tiền nhân qua bao đời đã ngước mặt nhìn trời khẩn cầu…lời kinh hòa vào tiếng ru ầu ơ của mẹ, rèn nên lòng dũng cảm của cha, làm thành những khúc dân ca mang giai điệu tình trời với đất, để muôn ngàn đời cháu con hát mãi bài ca dòng giống tiên rồng, tiến bước giữa đất trời, trên đôi tay quyền  năng của Chúa Trời.

Thật vậy, trong niềm tin của dân ta cũng như hầu hết các dân tộc,  thì Ông TRỜI, hay Chúa Trời, luôn yêu thương con người, bàn tay của Trời  được bầy tỏ và để lại dấu ấn sâu đậm trong văn  hóa và truyền thống muôn dân. Ngay như  tộc Việt chúng ta, khi tổ tiên dựng nước thì Trời dựng đạo, Trời sẵn có mặt trong lòng mỗi con người, nói với con người qua tiếng lương tâm, để rồi đưa con người vào trong tương giao gia đình, làng xóm và dân  nước, và thế là  trong vòng tay của Trời định hình nên tâm thức Việt, và dân ta có đạo Việt, được thể hiện bẳng lòng hiếu thảo: hiếu với Trời, với cha mẹ ông bà tổ tiên, và sống nghĩa đồng bào. Bước đường cuộc sống giữa Trời với người đã đưa dân ta vào một đường nẻo riêng, gọi là đạo hiếu.

Tiếc thay, nhiều người Việt lại cứ ngỡ rằng Trời ở mãi tận chốn cao xanh kia xa lắc xa lơ. Những truyền tụng dân gian như Trời sinh Trời dưỡng, hay lưới trời lộng lộng là để con người nghiệm ra tấm lòng trìu mến yêu thương che chở và gần  gũi của Trời, chứ có đâu cũng giống lòng dạ con ngừơi chỉ lo bắt lỗi thiên hạ.

Trời đã có mặt ngay trong luơng tâm từng người, thế nhưng con người lại cố kiếm thang để bắc lên Trời, cây thang thấm đậm  tình cảm, mang tính đổi trao, và đòi sòng phẳng, làm cho các nấc thang cứ đảo chiều lên lên xuống xuống. Thật vậy, con người yêu thương đó rồi giận ghét cũng đó, cũng một trái tim, bắc thang lên đỉnh cao mà chưa lên đã vội xuống, chưa thương đã vội ghét, cuối cùng có người leo cả cuộc đời mà vẫn dậm chân tại chỗ, cuộc sống buồn vui thương ghét lẫn lộn, cứ như là sân khấu tấu hài.

 Thế còn cuộc sống của bà con các sắc  tộc thiểu số thì sao?

Khi các bậc tổ tiên của bà con còn sống len lỏi giữa núi rừng, hoa lá, cỏ cây và sông suối, thì cũng không rời mắt khỏi Thiên Chúa mà bà con gọi là Yang, hay Brah. Lúc lên nương, khi vào rừng, đêm về hay sáng sớm hay gặp bất cứ chuyện gì đều cất tiếng gọi “ơi Yang!”. Trong vòng tay che chở của Yang, bà con luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, mỗi khi bẫy được con nai hay heo rừng đều chia nhau nhà nhà cùng ăn vui vẻ, mỗi lần được mời ăn đám cưới hỏi là đều có phần đem về cho ngừoi ở nhà, cứ thế, trên những nẻo đường của tình yêu và lòng  thương xót, từ cha ông bao đời cho mãi tới hôm nay, bà con đã dắt dìu nhau, vượt qua bao mùa đông giá và đói khát mà vẫn ấm áp, tưoi vui.

Đơn giản lắm, chúng ta hãy nghe tiếng của các bậc tiền nhân reo vui mỗi khi vượt khó:

“chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em” (1Ga 3,14).

Dĩ nhiên, nếu vườn địa đàng đã bị xóa nhòa vì sự dữ thì cuộc sống với bao chia rẽ ghét ghen và ích kỷ cũng làm đảo lộn tất cả. Ngày nay đường xá dẫn vào các buôn làng được mở mang, việc đi lại dễ dàng hơn, nhưng rừng bị phá tan tành, đất đai bị thu hẹp và khô cằn, sông suối cạn nguồn, làm cho cuộc sống đã cơ cực càng thêm cơ cực, đói khát, và nhất là thêm những tệ nạn, có người quay tới quay lui rồi lại về với  bùa ngải, một thứ vũ khí vừa để tự vệ và cũng để thỏa lòng thù ghét.

Thực ra, trên mọi vùng đất và trong mọi hoàn cảnh, “Thiên  Chúa của cha ông chúng ta” vẫn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta và giầu lòng xót thương, Người vẫn là ánh sáng của sự sống,  không ngừng ấp ủ con cái mình, vì thế  giữa núi rừng hoang vắng, Thiên Chúa của lòng thương xót qua bao đêm trường rong ruổi, đã trải lòng ấp ủ  bà con của chúng ta trong cảnh chơ vơ  giá lạnh, và đã nhiều phen xót xa:

“ta đã thấy nỗi khổ  nhục của dân ta… ta đã nghe…”,

và lòng thương xót đã trở thành hành động:

 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…(Ga 3,16), và đã đổ tràn lòng thương xót vô biên của Người khi làm cho Chúa Con “nhập thể với lòng thương xót”, từ đây lòng thương xót của Thiên Chúa mang khuôn mặt và hình hài nhân loại : Đức Giêsu Kitô.

Với Đức Kitô, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn  được tỏ lộ.

 khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, này con đây, con  đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con. (Dt 10,5-7)

 Người Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha, khi được sai vào trong thế gian để khai mở vương quốc Thiên Chúa, đã cất lên lời kinh với tất cả tấm lòng con thảo trước tình Cha yêu thương nhân  thế: “này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.

Ý Cha là yêu thương  nhân  thế, và Con cũng chung ước nguyện này, là đưa con người về lại tình cha với tấm lòng con thảo hiếu.

Nhân thế ơi, dòng người đang tất tả ngược suôi kia có nhận biết rằng Con Thiên Chúa đã làm người để con người nhận rõ con đường làm con  Thiên Chúa chưa,  

“Người đã đến nhà mình” để nói với mọi  người bằng tiếng nói con người, yêu thương bằng trái tim người, và mọi người có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã mở ra một con đường nối liền trời với đất: đường của Con Thiên Chúa làm người, trên con đường này, Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và con đường vươn tới Thiên Chúa giờ đây thật dễ dàng và gần gũi: đường chúng ta ở cùng Thiên Chúa.

Đất trời là đây, khi con người cùng chung lời kinh của người Con hiếu thảo: …lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài như Giêsu, với Giêsu  và trong Giêsu…“

NGƯỜI đã đến nhà mình…,

Để bất cứ ai đón nhận,

tức là những ai tin vào Danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên  Chúa (Ga 1,11-12).

Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, con của bác thợ mộc,

đã sống phận làm con Thiên Chúa trong phận người,  

với một trái tim lắng nghe và vâng phục.

để  mỗi chúng ta, phận người, với Giêsu, có thể cất tiếng gọi : Abba, CHA ơi, trong phẩm giá làm con Thiên Chúa,  

Niềm vui dâng trào, miệng tôi bập bẹ hai chữ ABBA, lòng tôi  rung theo giai điệu  bài tình ca Giêsu, Bài ca Con Thiên Chúa Làm người và ở cùng chúng ta, bài ca dìu tôi vào bước đường của con người làm con Thiên Chúa, và tôi thấy mình như  vừa lạc vào địa đàng, vì một thế giới đã trở thành diệu kỳ,  “vì một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”, và tôi cảm nhận đâu đây một thoáng thiên đàng.

Nhưng kìa, trời ạ, tiếng hát tôi bỗng dưng đứt quãng, cái thế giới diệu kỳ chuyển qua màu tối, tôi bắt gặp khuôn mặt của những con người chưa nghe biết Giêsu, và nhất là những người biết mà không nhận hoặc đã bỏ đi, và tôi cảm thấy xót xa trước cảnh  : “Người đã đến nhà  mình, mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Tôi lúng túng không biết phải xử sự ra sao khi dìm mình giữa những người con chối bỏ tình Cha, chối bỏ bước đường của Con Thiên Chúa làm người?

Lúc này đây và mai ngày, trên mọi nẻo đường cuộc sống, có thể tôi sẽ gào lên trong tiếng nấc nghẹn, không, tôi sẽ hát, tôi vẫn hát bài tình ca Giêsu: tiếng tôi ca sẽ ủi an, van nài, khích lệ và đỡ nâng mọi người tôi gặp,

Khi tiếng tôi ca êm ái, nhẹ nhàng,

Và lời ca hiền hòa, khiêm tốn,

cất lên từ trái tim đơn nghèo của người hiến dâng trọn vẹn để thì hành ý muốn của Cha,

thì đời tôi sẽ là một khúc hoan ca,

khúc hát đời tôi, 

hát với dân tôi là bài ca thảo hiếu

hát cho dân tôi nghe: bài tình ca Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đầy tràn ân nghĩa và sự thật

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 10. Lm. Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 09.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016: BẢN TIN 06 Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     Những người con của lòng CHÚA THƯƠNG XÓT_ MM Tân, S.J.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 05
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 04
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 03
     CÚ NGÃ... ĐỔI ĐỜI ! Lm. Đaminh Hương Quất
     Cùng nhau đi hái lộc đầu năm_ Trần Văn Tân, S.J.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_BẢN TIN 02