GIẢI
VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
BẢN TIN 02
Thưa quý độc giả và quý tác giả,
Theo qui định trong bản thể lệ, những tác giả đạt
giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất
bản một tuyển tập riêng. Nước Mặn là tên một xóm nhỏ thuộc xã Phước Quang,
huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tại đây năm 1618 các thừa sai Dòng Tên đã lập
cư sở để khởi sự loan báo Tin mừng về Chúa Kitô Cứu Thế. Các nhà truyền giáo
ấy, đặc biệt là cha Francisco de Pina, đã bắt đầu tìm cách phiên âm tiếng Việt
theo mẫu tự ABC (mẫu tự La-tinh) và phôi thai hình thành hệ thống chữ quốc ngữ.
Ngày 13/01/2016, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Định đã
tổ chức một hội thảo khoa học mang tên “Bình Định và chữ quốc ngữ”. Hội thảo đã
diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước,
đóng góp những thông tin đáng giá về lịch sử chữ quốc ngữ, về ngữ học cũng như
về quá trình phổ biến chữ quốc ngữ để phát triển văn hóa giáo dục tại Bình
Định. Với những tài liệu hiện nay Nước Mặn có thể được xem là “cái nôi” sớm sủa
nhất của chữ quốc ngữ. Chiều hôm trước, 12/01, đoàn Hội Thảo đã đi thăm đài kỷ
niệm Nước Mặn và di tích nhà in tại Chủng viện Làng Sông. Xin mời xem thông tin
tại:
http://svhttdl.binhdinh.gov.vn/
và
http://gpquinhon.org/qn/news/nuoc-man/
“GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam, phát biểu kết luận tại Hội thảo: “Tôi thích ý tưởng của linh mục Võ
Đình Đệ. Ông coi sự ra đời của chữ Quốc ngữ như một dòng sông, và nguồn của
dòng sông đó là Nước Mặn. Tôi chỉ bổ sung thêm dòng sông chữ Quốc ngữ do nhiều
con suối tạo nên, trong đó Nước Mặn là 1 con suối, Thanh Chiêm là 1 con
suối, Hội An là 1 con suối.
Tôi nghĩ rằng không nên coi chữ Quốc ngữ là 1 sự
kiện gắn với 1 con người, 1 địa điểm quá chật quá hẹp. Đây là hiện tượng văn
hóa - xã hội có cả quá trình dài với sự tham gia của nhiều người. Vì vậy, đi
tìm 1 người, 1 nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ là điều hết sức chủ quan. Phải nhìn
rộng ra Bình Định trong vị trí của dinh Quảng Nam, trong vị trí của Đàng Trong
thì đây là một trong những nơi có thể là ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ
cùng với Hội An, Thanh Chiêm. Trong 3 trung tâm này thì Nước Mặn có quyền tự
hào là nơi ra đời chữ Quốc ngữ sớm hơn. Bình Định trong đó có Nước Mặn giữ vai
trò quan trọng trong giai đoạn đầu phôi thai nảy nở chữ Quốc ngữ. So với những
nơi khác, Nước Mặn vẫn còn một số di tích cần được quan tâm gìn giữ, nghiên cứu
thêm.” (Hoài Thu, Nước Mặn - Bình Định: Vai trò quan trọng hình thành chữ Quốc
ngữ, Baobinhdinh.com)
Trở lại với cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường
lần thứ 4 (2016), Ban Tổ chức xin cảm ơn các trang truyền thông Công giáo đã giúp
đỡ nhiệt tình để cuộc thi được nhiều người biết đến, hứa hẹn sẽ có nhiều tác
giả ở khắp các Giáo phận trong nước tham gia.
Trong bản tin số 1 chúng tôi giới thiệu 7 truyện
đã qua vòng sơ loại được chọn trong số 15 tác phẩm dự thi đợt đầu tiên. Hôm nay
chúng tôi hân hạnh giới thiệu tiếp 7 truyện mới được chọn trong số các bài dự
thi tiếp theo có số thứ tự từ 016 đến 024. Với tỉ lệ bài được chọn có chiều
hướng gia tăng này, cuộc thi hứa hẹn sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm giá trị.
Nhằm tìm kiếm và xây dựng các tài năng văn xuôi
cho văn học Công giáo, Giải Viết Văn Đường Trường được tổ chức liên tục trong 6
năm liền (2012-2018) dành cho những truyện ngắn có nội dung Kitô giáo. Cuộc thi
lần thứ ba đã được trao giải tại Qui Nhơn ngày 19-9-2015. Các tác phẩm đạt giải
được giới thiệu trong tuyển tập “Người Gieo Hạt”, có thể xem tại
http://gpquinhon.org/qn/download/van-hoa/Nguoi-gieo-hat/
Hiện nay cuộc thi lần thứ 4 (2016) vẫn đang tiếp
tục nhận bài dự thi. Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình
này thật rộng rãi. Và mong quý tác giả tiếp tục gởi bài dự thi thật rầm rộ để
cuộc thi đạt được kết quả mong muốn.
Xin mời xem thể lệ cuộc thi ở cuối bản tin này và
các thông tin khác về cuộc thi tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/
Xin cám ơn Bác Nguyễn Văn Tuy ở Sài Gòn đã cho
biết thông tin chính xác về bài dự thi mã số 16-002 (Hi Giêsu!) trên bản tin
01. Theo quy định trong thể lệ, những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài
dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà
lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương
“dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Xin chân thành cám ơn.
Qui Nhơn, ngày 14-01-2016
Thay lời Ban Tổ chức
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
Mã số:
16-016
ANH HAI
- Ê! Nhãi con! Có tiền không cho anh mày xin một
ít. Hôm nay, anh mày đi học mà quên đem tiền theo rồi.
- Tôi không có tiền mà cho các anh.
- Hả? Mày nói sao cơ? Bữa nay ăn trúng gì mà mạnh
miệng quá nhỉ?
Một đám con trai lớn hơn, khoảng chừng bảy tám đứa
đứng gần đó, ôm bụng cười ngặt nghẽo.
- Không có xu nào cho mấy anh đâu. Đừng hòng!
- Tụi bây! Đánh nó cho tao.
Thế là cả bọn xúm lại, đánh tới tấp vào người
Biên. Cu cậu cố gắng kêu cứu, giãy giụa cũng chả ăn thua gì vì nơi đây là một
ngõ hẻm hẻo lánh, ít người qua lại. Mà nếu có cũng chả ai dại gì mà dây vào lũ
thanh niên đầu đường xó chợ có tiếng này. Chúng vừa đánh, vừa nghiến răng nói:
- Cho mày chết này, có tiền trong người mà dám xạo
tụi anh hả?
- Anh Hai ơi! Cứu em, cứu em với!!!
- Nó gọi anh Hai kia mày ơi! Thằng này bị đánh đến
nỗi điên rồi bây ơi!
Một tên
trong bọn dừng lại, nhếch mép cười, tỏ vẻ đầy khinh rẻ rồi nói:
- Anh Hai mày ư? Một thằng mồ côi, không nơi nương
tựa như mày thì anh Hai đào đâu cho ra. Mày điên thật rồi!
- Không! Tôi nói thật. Anh Hai sẽ đến cứu tôi cho
mà xem. Các anh cứ chờ đó.
- Cứu mày hả? Thôi được! Để rồi xem ai sẽ cứu mày.
Tụi bay đánh tiếp cho tao.
- Anh Hai ơi! Mau đến cứu em!
- Này! Các cậu làm gì vậy? Sao lại đi đánh một
thằng nhóc hả? Tôi báo công an rồi đó. Khôn hồn thì chạy đi!
Một cậu
thanh niên vạm vỡ, khoảng chừng hai mươi tuổi gằn giọng, quát. Quay người lại,
thấy tên quát mình to lớn hơn rất nhiều cộng với nghe thấy hai từ công an, cả
bọn kiểu như không muốn dính vào rắc rối lần nữa, liền tháo chạy, tản ra như
đàn kiến vỡ tổ.
- Cậu bé, em không sao chứ?
Từ trong góc hẻm, Biên lồm cồm bò dậy. Cu cậu lê
từng bước, gắng sức ngồi dựa mình vào tường rồi thì thào nói:
- Em không sao! Cảm ơn anh đã giúp em.
- Sao lại bị đánh đến nỗi này? Để anh đưa em về.
Nói xong, người thanh niên bế thốc Biên lên sau
lưng rồi thu dọn cặp sách vở bị vung vãi của cu cậu. Vừa đi vừa cõng Biên trên
lưng, người thanh niên ân cần hỏi:
- Sao em lại bị bọn chúng đánh như vậy?
- Bị đánh là chuyện thường ngày của em rồi anh ạ.
Bọn chúng học cùng trường với em. Chúng đánh em vì em là đứa mồ côi, không cha
không mẹ. Ỷ thế mạnh mà ức hiếp em.
- Sao em không nói với người lớn?
- Em đâu còn người thân đâu mà nhờ họ giúp. Em
sống cùng với những bạn khác ở trại trẻ mồ côi gần đây, các bạn ấy thỉnh thoảng
cũng bị đánh, bị trêu ghẹo như em thì làm sao em nhờ các bạn giúp em được.
Không ai giúp tụi em cả, chỉ có các sơ mới thương tụi em.
Biên nghẹn ngào nói, dường như cu cậu đang khóc,
người thanh niên cảm nhận rõ những giọt nước mắt đau đớn rơi xuống từ trên vai
mình. Nó khiến lòng anh cũng đau buồn theo, thở dài, anh tiếp lời:
- Vậy sao em không nói với các sơ?
Trên lưng người thanh niên, Biên khẽ lắc đầu rồi đáp
với một giọng điệu buồn rầu:
- Em sợ các sơ buồn, lo lắng vì em. Các sơ còn
phải bận tâm nhiều việc lắm, em không nên làm phiền các sơ anh ạ.
- Em thật biết suy nghĩ đấy nhóc! Nhưng lúc nãy
anh có nghe em gọi anh Hai gì gì đó mà? Sao em không nói với người đó chuyện
này.
Nghe tới từ anh Hai, mặt Biên sáng bừng lên, khuôn
mặt vui vẻ hẳn. Nó dang mạnh đôi tay sang hai bên và hít thở thật sâu không khí
trong lành nơi mảnh đất đầy thân yêu cũng như đầy nỗi buồn này, rồi dõng dạc
nói:
- Anh hỏi về anh Hai em sao? Không phải khoe chứ
anh Hai em cực tốt, siêu tuyệt vời luôn!
- Thật sao? Người thanh niên tỏ vẻ ngạc nhiên
nhưng cũng đầy thích thú.
- Vâng. Anh Hai em luôn ở bên cạnh em, các bạn
cũng như các sơ đó. Anh luôn mỉm cười với chúng em và đặc biệt là luôn giúp đỡ
chúng em trong lúc khó khăn nhất.
- Vậy sao lúc nãy người đó không đến giúp em?-
Người thanh niên nói với vẻ hoài nghi.
- Là thật đó. Chỉ tại lúc đó anh đến trước anh Hai
em một xí xi thôi. Không thì ảnh cũng đến cứu em cho mà xem.
- Thật không đó?
- Thật mà! Hay lát nữa anh đưa em về tới trại mồ
côi em sẽ chỉ anh Hai cho anh coi nhé.
- Ừ! Được thôi.
Nằm trên lưng người thanh niên, Biên thấy rất êm
ái và dễ chịu, không hiểu vì sao lại cảm thấy thân thuộc đến như vậy. Thỉnh
thoảng lén nhìn sang khuôn mặt anh, có một cảm giác gì đó rất kì lạ, ban đầu
Biên hơi ngờ ngợ nhưng lúc sau lại cảm thấy khuôn mặt này vô cùng thân quen, có
vẻ như cu cậu đã nhìn thấy khuôn mặt này rất nhiều lần rồi thì phải. Biên để ý
bước đi của anh dường như rất nhẹ nhàng, có vẻ như sợ đụng vô những vết thương
hay làm đau đến Biên. Mặc kệ, Biên tặc lưỡi, khẽ thở dài cho qua.
Chẳng mấy chốc người thanh niên đã cõng cậu về đến
trại trẻ. Anh khẽ lay mình cậu.
- Này nhóc, xuống đi, tới nơi rồi! Anh Hai nhóc
đâu sao chả thấy ai hết trơn đây nè?
- Anh Hai em kia kìa!
Nói đoạn, cu Biên lấy tay chỉ thẳng vào trong nhà
thờ, nơi có bức tượng chúa Giê Su đang treo mình đau đớn trên thập giá, rồi
nói:
- Anh Hai em đó, ngày nào đi học về anh ấy cũng
đợi em. Ngày nào cũng lằng nghe em tâm sự, ngày nào cũng mỉm cười an ủi em vượt
qua mỗi trận đòn của đám côn đồ kia.
Biên say sưa nói mà không để ý rằng cũng có một
người thanh niên đứng phía sau đang mỉm cười y như vậy.
- Ai bảo em thế?
- Các sơ đó! Các sơ nói chúng em có chung một cha
trên trời, còn đó là con Người nên cũng là anh Hai của chúng em. Thế nên em
không còn phải sợ những tên đánh em nữa, bởi vì đã có anh Hai luôn ra tay giúp
em.
Cu cậu vừa
nói vừa cười thật tươi, không màng đến những đau đớn lúc nãy. Đôi mắt ánh lên
niềm hạnh phúc
- Vậy sao nhóc?
- Vâng, đúng vậy! Em không còn đơn độc nữa. Anh
Hai sẽ luôn bên cạnh và bảo vệ em. Anh thấy đúng không?
Biên quay đầu lại hỏi người thanh niên. Nhưng lạ
thay cu cậu chẳng thấy anh ấy đâu nữa cả. Xung quanh cậu bây giờ chỉ là một
khung cảnh tĩnh lặng. Cậu ngơ ngác đưa mắt tìm kiếm rồi quay lại nhìn thánh
giá. Lúc này đây, Biên sững sờ chợt nhận ra rằng khuôn mặt trên thánh giá kia
cũng chính là khuôn mặt người thanh niên đã giúp mình lúc nãy.
--**--
- Biên tỉnh lại đi con. Con làm các sơ lo quá!
Biên từ từ mở mắt ra, ngạc nhiên khi thấy các bạn
lẫn các sơ yêu quý đang ngồi cạnh mình. Cu cậu không hiểu chuyện gì đang xảy
ra, ngơ ngác nhìn chung quanh rồi hỏi:
- Tại sao con lại nằm đây?
- Con không nhớ sao? Sơ đi công chuyện về thì đã
thấy con nằm ngất trước cổng nhà thờ rồi. Con bị đánh nặng như vậy mà vẫn cố về
tới nhà. Thật tội cho con. Sơ đã biết hết mọi chuyện rồi. Sơ sẽ chuyển trường
cho con. Không để con bị đánh nữa.
Vị sơ già nghẹn ngào, vừa rưng rưng nước mắt vừa
nói. Biên khẽ mỉm cười rồi thì thầm trong miệng:
- Vậy là hôm qua mình đã gặp anh Hai, anh đã đến
giúp mình thật rồi.
- Sao cơ?
- À không có gì! Chỉ là con đã gặp được anh Hai
rồi.
Mọi người chẳng hiểu Biên đang nói gì, cứ nghĩ
rằng Biên vẫn còn mệt, cần tĩnh dưỡng nên ai nấy đều nhẹ nhàng đi ra khỏi
phòng. Chỉ có Biên mới hiểu rõ mình đã gặp chuyện gì. Chỉ biết tối hôm đó, các
bạn của Biên đã thấy cu cậu ngồi rất lâu dưới cây thánh giá, miệng luôn tươi
cười và thì thầm điều gì đó. Ánh mắt hiện rõ niềm hạnh phúc khôn tả.
Mã số:
16-017
TIẾNG GỌI
Chợt tỉnh giấc, Lâm thấy mình đã tới đồi thông.
Lấy tay dụi mắt, cậu ta cựa mình, ngồi thẳng dậy. Ôi chao, đến là mỏi. Tê hết
cả cánh tay vì phải dùng nó làm điểm tựa cho cái đầu. Ngủ trên xe bus như vậy
quả là chẳng dễ chịu chút nào, nhưng đối với một sinh viên, việc làm này đã quá
quen thuộc đến nỗi cậu ta thấy rất hài lòng khi được giấc ngủ ngon, dài từ Hà
Nội về tới Vĩnh Phúc. Chỉ còn khoảng ba cây số nữa là đến điểm dừng của mình,
Lâm không bỏ lỡ cơ hội đưa mắt sang ngắm nhìn hồ Đại Lải trước mắt. Đây là một
hồ nhân tạo chứa nước phục vụ cho nông nghiệp, nhưng tới nay, nó trở thành một
điểm du lịch của vùng quê này. Trong mắt Lâm, cậu thấy khung cảnh hài hòa, có
đồi, có hồ, y như các nhà du lịch học nhìn thấy tiềm năng của một điểm đến có
núi với biển nằm kề nhau vậy. Với một miền quê chẳng bao giờ thấy biển như nơi
đây thì sự so sánh ấy cũng chẳng có gì là quá đáng. Và cứ nghĩ tới ngày mai, cả
đám bạn rủ nhau lên chiếc cầu ở gần đập, rồi nhảy xuống hồ bơi lội, Lâm thấy
phấn chấn hẳn lên. Một ngày tự do, không bài vở, không lo học hành, không có
tiếng nói của cô giáo dạy Triết. Cậu ta mừng tới mức như muốn nhảy lên mà la
hét. Đang mộng mơ với những kế hoạch cho ngày cuối tuần, Lâm giật mình vì đã
đến điểm xuống. Cậu chỉ kịp chạy, phóng ào xuống trước khi cánh cửa đóng lại.
- Hù. Thật là may, xuýt nữa lại phải đi bộ trở lại
thì mệt.
Vừa mải nhìn bóng chiếc xe bus đi qua trong làn
khói bụi mù, Lâm nghe thấy khóc, tiếng đấm, tiếng đá uỳnh uỵch, tiếng chửi thề
ồn ào bên đường:
- Chết mày đi, chết này! Cho chừa cái thói nhìn
đểu.
- Hự… Hự…
- Quả đấm này dành cho con mắt của mày này.
…
Vừa nói, hai thằng bé vừa lao vào đánh, chúng lên
gối, đấm những cú mạnh, thẳng vào mặt nạn nhân. Lâm vội chạy tới, hô to, hai kẻ
du côn chạy biến mất, để lại người bị đánh lăn lộn dưới đất. Tiến lại gần, cậu
nhận ra Hồng hâm ở xóm bên. Anh này hơn Lâm hai tuổi, nhưng khi sinh ra đã
không bình thường. Người man mát, mắt thì bị lác, suốt ngày đi lang thang,
chẳng biết làm gì. Tới giờ cơm là bà mẹ phải đi tìm về. Nhà chỉ có hai mẹ con.
Bà mẹ cũng đã ngoài năm mươi. Chắc giờ này, bà lại phải khốn khổ đi tìm anh ta.
Lâm đỡ lấy anh dậy. Anh ta nặng quá, hơn hẳn cái thân hình gầy gò, thư sinh của
cậu. Người thì lấm lem, mùi hôi bốc lên, anh ta rên như người sắp về thế giới
bên kia chuẩn bị nói những lời từ giã cuối cùng, thật khó chịu. Cái thân xác
thì to béo mà đần, chỉ khổ cho bà mẹ - Lâm lẩm bẩm. Phải cố gắng lắm, cậu mới
dìu được anh ta đi tới cổng làng. Tới đây, vừa hay gặp bà mẹ. Thấy cái mặt tím
bầm, quần áo bẩn thỉu, bà đoán ngay ra sự việc. Chẳng hề quan tâm tới người đi
cùng con trai mình là ai, bà kêu lên, tru tréo như đã quen:
- Trời ơi là trời, sao tôi lại khổ như thế này,
sao ông trời không cho tôi chết quách đi cho đỡ khổ. Có mỗi thằng con mà chẳng
trông chờ gì được. Suốt ngày chỉ đi lang thang, khi thì bị xe tông, khi thì bị
bọn trẻ con nó đánh… to xác mà chẳng biết gì cả. Ông trời có mắt không khi cho
tôi cái thằng con này.
Hồng hâm nghe thấy tiếng mẹ thì cũng mếu máo theo.
Lâm gượng nhìn và định nói gì đó. Nhưng cậu không nói lên lời bởi chẳng biết
phải nói gì và nói với ai, với Hồng hâm hay mẹ anh ta. Cậu im lặng. Bà mẹ dắt
thằng con trai về, Lâm cũng đi về nhà mình.
***
Mở “list” nhạc trong chiếc laptop đặt ở bàn, Lâm
nằm sõng soài trên giường, ngâm nga theo những bài hát cậu yêu thích.
“Xin Cha cho con một ngày để nhớ, để mơ
Thương yêu như là cơn gió buộc con
Xin Cha cho con an bình bên trong chính con
Con nay, bơ vơ không còn tha thiết đánh nhau trong
lòng mình”.
- Thần thánh, Thiên Chúa chỉ là hình ảnh lý tưởng
của con người về bản thân. Người ta phóng chiếu lên những nhân vật đó cái siêu thực.
Khi cuộc sống đấy những bất hạnh, khó khăn, người ta mơ tới một cõi như thiên
đường. Ở nơi đó, người ta thoát khỏi hiện tại, mơ tới một cuộc sống hạnh phúc.
Bởi vậy, nó không có thực…. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân là thế.
- Rồi một ngày, tôn giáo sẽ biến mất.
- Nếu em tin Chúa an bài mọi sự, em còn đi học làm
gì, ở nhà Chúa sẽ lo liệu cho.
- Trời ơi là trời, sao tôi lại khổ như thế này.
Sao ông trời không cho tôi chết quách đi cho đỡ khổ.
- Em lý giải đi, tại sao Chúa để con người phải
đau khổ? Thiên Chúa ở đâu?
- Mẹ ơi, đau quá, hu hu…
- Không, không phải như vậy…. Đó không phải là sự
thật. Em không biết. Không phải thế.
Tiếng khóc, tiếng nói thách thức vang lên, Lâm hét
lên thật to. Thì ra, Lâm đang mơ. Nhưng không, đó không chỉ là giấc mơ, nó còn
là hiện thực. Dù muốn quên đi, nhưng những gì xảy ra trong ngày vẫn ám ảnh cậu.
Chuyện tiết học trên lớp, chuyện người thanh niên dở hơi bị đánh…. Tất cả còn
in sâu trong tâm trí Lâm. Tất cả là thực đi vào trong mơ và cũng trở lại thực.
Lâm không chạy trốn được. Lâm tin vào Chúa, nhưng những gì cậu tin sao mờ nhạt
vậy, chẳng có gì làm cơ sở để có thể chứng minh cho người ta thấy và cũng chẳng
có lý lẽ nào đủ để tự giải thích cho chính mình. Thách đố bây giờ không chỉ là
lý giải cho người khác nhưng Lâm còn cần một câu trả lời cho chính mình. Những
gì người ta hỏi cậu cũng rất có lý. Chúa của cậu ở đâu? Chúa thương con người
ta như vậy mà sao Chúa để họ phải khổ? Chúa có đang nghe tiếng than khóc của
loài người hay Ngài quay đi? Tại sao Chúa không làm những phép lạ cho tất cả
thế giới này biết có Ngài hiện hữu, để Lâm khỏi phải hổ thẹn như vậy trước cái
nhìn chế nhạo của những kẻ muốn chất vấn cậu. Bao câu hỏi dội lên trong đầu
Lâm, hình như cậu đang nghi ngờ chính niềm tin của mình? Không, cậu chỉ muốn
củng cố cái niềm tin yếu đuối đó thôi. Lâm ước gì có ai đó giúp, đưa cậu thoát
khỏi cái đám bòng bong này.
***
Sáng Chúa nhật, nhà thờ giáo xứ rộn ràng chuẩn bị
cho thánh lễ giới trẻ hàng tuần. Không khí nhộn nhịp, mọi người đã đến khá
đông, nhưng Lâm chưa thấy bóng dáng đám bạn thân đâu cả. Tranh thủ đứng chờ,
cậu tiến tới bảng thông tin cuối nhà thờ. Tin tức Giáo hội, các hoạt động của
nhà xứ,… được cha xứ đưa lên một cách ngắn gọn mà đầy đủ. Một mẩu tin nổi bật ở
góc bảng thu hút Lâm. Nó nổi bật không bởi hình ảnh sinh động như các tờ bướm
quảng cáo, nhưng vì đó là một tờ giấy cũ hơn các tờ giấy khác.
“ Đã bao giờ bạn tự hỏi mình về ý nghĩa của cuộc
sống này?
Đã bao giờ, bạn thao thức muốn làm một điều gì đó
tốt đẹp cho những người xung quanh mình?
Đã bao giờ bạn nhìn lên Thầy Chí Thánh Giê-su để
khao khát, ước muốn?
Hãy đến với chúng tôi – nơi ươm mầm ơn gọi linh
mục triều”
Tờ tin cũ mà đến hôm nay Lâm mới để ý tới. Chưa
bao giờ Lâm nghĩ tới ý định này, nhưng nghe cũng có vẻ hấp dẫn. Thêm vào đó,
tấm ảnh phía dưới với dòng chữ “anh em ứng sinh” càng làm cậu hào hứng. Những
gương mặt vui tươi, tràn đấy sức sống như đang lôi kéo cậu sinh viên vậy. Nhìn
trăm khuôn mặt trẻ, Lâm nhớ tới hình ảnh cả trăm người trên giảng đường đang
nhìn cậu, và ánh mắt của Hồng hâm chờ cậu tới nâng dậy. Một bàn tay đặt trên
vai làm Lâm giật bắn mình:
- Mừng lễ các thánh.
Lâm ngạc nhiên khi thấy Tùng, người bạn thân từ
hồi nhỏ xuất hiện. Đã hơn một năm, nay mới gặp lại. Sau khi tốt nghiệp phổ
thông, mỗi người một con đường, Lâm vào đại học Kiến trúc, còn bạn thì đi tu.
Buổi gặp gỡ này quả là bất ngờ.
- Sao cậu lại ở đây? Chẳng phải đang ở nhà ứng
sinh sao?
- Đúng là thế. Nhưng ngày mai là lễ cầu nguyện cho
các tín hữu đã qua đời, cha giáo cho anh em về quê thắp hương cho ông bà tổ
tiên nên giờ này mình mới có mặt ở đây đấy. Cậu khỏe chứ?
- Tớ khỏe. Đang nhìn xem cậu ở đâu đây này.
Vừa nói, Lâm chỉ cho Tùng thấy tấm hình trên bảng
thông tin. Trong ảnh, nhìn ai cũng như ai, Lâm không thể dò được chỗ bạn mình
đứng nữa. Quay lại nhìn Tùng, Lâm thấy bạn mình chững chạc, rạng rỡ quá, khác
hẳn cái vẻ u sầu, gầy còm cùng biệt danh “Tùng quắt” ngày xưa: chiếc áo sơ mi
trắng, quần tây đen đúng chất nhà tu, nét mặt hiền hiền, cử chỉ điềm đạm toát
lên sự thánh thiện.
- Đây là ảnh anh em chúng tớ chụp từ hồi tháng tư
trong lễ quảng bá ơn gọi. Vậy mà cha xứ vẫn giữ lại trên bảng thông tin.
- Phải giữ tới hôm nay để cho tớ đọc chứ – Lâm
cười hài hước, rồi vồn vã hỏi về cuộc sống của bạn - Ở đấy cậu làm những gì,
thấy thế nào, bạn hiền?
- Ở nhà ứng sinh, chúng tớ được học cầu nguyện,
nhân bản, những môn về giáo lý, kinh thánh, đàn nhạc, tu đức,…. Ngoài việc học,
chúng tớ có những giờ thể thao, lao động, sinh hoạt với giới trẻ, thực hành mục
vụ, thăm hỏi người nghèo, lương dân. Nhìn chung đa dạng lắm. Thời gian qua, tớ
thấy bình an và hạnh phúc vì con đường tớ đã lựa chọn. Phải nói thế nào nhỉ,
thật khó diễn tả, nhưng cậu cứ vào tu sẽ biết.
Lâm tròn đôi mắt với câu nói không biết thật hay
đùa của Tùng – Nhưng biết đâu được đấy – Cậu cười nhạt để đánh trống lảng cho
sự bối rối của mình. Tùng chắc hẳn đang rất hài lòng với cuộc sống cậu ấy chọn.
Còn Lâm, bước đường tiếp theo của cậu sẽ ra sao? Lâm đã luôn tự tin vào khả
năng của bản thân, để khi ra trường, cậu có quyền nghĩ tới một cuộc sống ổn định
với công việc thiết kế xây dựng và một gia đình hạnh phúc. Thế hệ của Lâm dí
dỏm về một mục tiêu phấn đấu: một vợ, hai con, nhà ba lầu, xe bốn bánh, du lịch
năm châu. Vậy mà giờ đây, Lâm thấy giấc mơ đó sao mà nhỏ nhoi vậy. Cậu đang
khắc khoải tới một điều gì lớn hơn, vượt lên trên những tính toán cho bản thân,
một cuộc sống đầy ý nghĩa và có giá trị. Dòng suy tưởng chưa kịp thành hình
quấn lấy tâm trí cậu. Vừa hay, mấy người bạn tới, họ rôm rả chuyện trò. Bạn bè
gặp nhau là đầy ắp tiếng cười mà không hết chuyện. Nhưng từ sâu thẳm tâm hồn,
Lâm thấy mình dường như trống rỗng tột cùng. Lòng cậu đang khao khát, thao thức
một điều gì đó mà chính bản thân cậu chưa thể gọi tên. Lâm chưa bao giờ được
tiếp nhận một kinh nghiệm như thế này. Nó không rõ ràng như các hình khối trong
những bản vẽ cậu được học trên ghế nhà trường. Càng không phải là những triết
thuyết của các tư tưởng gia cậu đã từng đọc. Mắt Lâm mơ hồ hướng lên bàn thờ,
nơi có vị linh mục dang tay đọc lời cầu nguyện. Chiếc áo lễ trắng phủ kín tầm
nhìn suy tư của chàng trai trẻ. Ý chí dường như bị khựng lại, Lâm thấy lòng
mình lắng xuống, một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.
* * *
Chỉ chờ cha xứ bước ra khỏi phòng thánh, ông trùm
Phong vội vã tiến tới thưa chuyện:
- Thưa cha, có anh Trường ở khu trên mới bị tai
nạn, đang trong cơn nguy tử, xin cha đến ban Bí tích ạ.
Sau ít phút chuẩn bị, cha xứ nhanh chóng đi tới
bệnh viện để ban Bí tích sức dầu. Trước mắt ngài, người thanh niên hiền lành,
ngoan đạo yếu ớt trong hơi thở dần tàn. Tội nghiệp anh, tội nghiệp bà mẹ góa
nuôi con. Hình ảnh này gợi lại cho ngài về những con người ở đâu đó, trong
tiếng khóc than, rên rỉ năm nào. Phải chăng, nếu Chúa Giê-su ở đây, Người cũng
sẽ chữa lành anh như chữa lành con trai bà góa thành Nain. Mở chiếc khăn thánh
một cách cẩn thận, ngài cung kính nâng Mình Thánh Chúa trao cho người bệnh với
một niềm tin tưởng, phó thác.
Mã số: 16-018
BÃO BIỂN
- 60 tỷ, ok chứ?
- Cô đừng nói chuyện tiền bạc ở đây. Nhà thờ là
tài sản của Giáo hội, của người Công giáo miệt này, tôi không quyết định được!
- Ối giời ơi, cầm từng ấy tiền linh mục muốn gì
mà chả được. Cứ mua mảnh đất rộng hơn, xây nhà thờ to vật vã, hoành tráng lên
cho dân chúng được nhờ…
Chưa dứt lời, người phụ nữ đã ngúng nguẫy ra xe.
Chiếc lexus đen bóng lao nhanh khỏi nhà xứ để lại đằng sau lớp bụi cát mịt mù.
Người đàn ông ngồi bất động, mặc ánh nắng chiều chếch xuống mái tóc hoa râm.
Hơn ba mươi năm từ khi cha Thể về đây coi xứ.
Ngày đó đảo còn hoang sơ lắm, đi đâu cũng gặp những bãi cát mịn trải dài,
những rặng dừa cong mình xanh mướt. Gia đình nào không có đất thì đi biển hoặc
làm công cho các nhà thùng sản xuất nước mắm. Nhà trên đảo không hề đóng cửa,
hiếm xảy ra chuyện trộm cắp. Ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm được yên giấc
không phải lo lắng. Và nhịp sống yên bình đó chỉ nhộn nhịp khi đoàn tàu cá quay
về. Chiều trên bãi biển, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ đứng đợi
người thân. Biển và bờ vỡ òa niềm vui khi từng con tàu cập bến. Cánh đàn
ông nói cười rôm rã, nhảy vội lên bờ chọn vài con cá, con mực tươi ngon biếu
người thân, chòm xóm, rồi mới bán cho thương lái. Tình người miền biển là vậy
dù cuộc mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn. Tính cách họ phóng khoáng, ầm ào như sóng
gió đại dương.
Lúc đầu, cha Thể lấy làm lạ vì cái kiểu ăn nói cộc
lốc ở đây. Dần dần, ông nghiệm ra đó là đặc trưng văn hóa của người miền biển.
Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền,
đã quen ăn to nói lớn. Nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu
gió”. Họ cục mịch nhưng chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung. Có thể ít
học, nhưng người ngư dân vùng này vẫn luôn cậy dựa, phó thác vào Chúa.
Sống cùng ngư dân, cha mới biết, những cơn bão
biển là nỗi ám ảnh triền miên đối với họ. Chỉ khi tận mắt chứng kiến,
người ta mới hiểu hết sức tàn phá khủng khiếp của bão và càng thấm thía
nỗi mất mát, đau thương khi cơn bão đi qua. Ngày bão giông, biển đổi màu đen
sậm. Trên cao, dọc ngang những vệt sấm chớp ngoằn ngoèo như xé nát bầu trời xám
ngắt. Bên dưới, từng đợt sóng to hất tung mọi ghềnh đá. Cây cối trên bờ rạp
mình nghiêng ngã. Biển cuồng điên, vẫy vùng đến nỗi xoá nhoà cả khoảng không
tưởng chừng vô tận giữa trời với nước. Biển nuôi dưỡng, vun đắp nhưng cũng huỷ
diệt sự sống. Biển đưa người đi và trong một ngày giông tố biển đã không đưa
người trở về. Biển mở rộng vòng tay đón nhận con người rồi cũng chính biển xiết
chặt, vùi sâu con người dưới lòng đại dương sâu thẳm. Mỗi cơn bão đi qua, nhiều
nỗi đau để lại. Những tiếng khóc thê lương giữa cảnh hoang tàn, đổ nát. Cha mẹ khóc
con, vợ khóc chồng và cả tiếng khóc ngơ ngác của nhiều đứa trẻ chưa kịp hiểu
hết hai tiếng mồ côi. Sau cơn bão, bãi biển trở thành bến đợi. Nơi chờ mong
những cuộc trở về. Để rồi khi thời gian không còn đủ cho những đợi chờ cũng
là lúc bãi tha ma cuối đảo xuất hiện thêm nhiều ngôi mộ gió. Và bao đời, biển
vẫn thế.
Nhưng hôm nay, cha Thể đang nghĩ đến cơn bão khác.
Một cơn bão đang từng ngày, từng giờ phá nát sự yên bình, làm thay đổi tận gốc
cuộc sống nơi đây. Cuộc gặp mặt giữa ông và người khách lạ vừa rồi đã nói lên
điều đó. Đúng như những lời đồn đoán, người phụ nữ kia đã tới tìm ông bằng cái
kiểu của kẻ lắm bạc, nhiều tiền. Bà đại diện một tập đoàn nước ngoài với dự án
xây dựng resort năm sao trên đảo. Chỉ trừ khuôn viên nhà thờ, còn lại bao nhiêu
đất đai, nhà cửa từ bãi dài đến sát chân núi đã bị bà thâu tóm nhanh gọn trong
vòng hai tháng. Cha sợ đến ngày ngôi nhà thờ duy nhất trên đảo cũng bị bứng
đi nhường chỗ cho các dự án du lịch. Bởi ông hiểu câu nói cửa miệng người đời: Cái
gì không mua được bằng tiền sẽ được mua bằng rất nhiều tiền.
Cơn sốt đất đã khiến nhiều gia đình bất ngờ trở
thành tỉ phú. Bi đát ở chỗ cuộc sống giàu sang đến với họ chỉ thoáng qua như
một giấc mơ. Nhiều ngư dân cả đời tần tảo, sống yên lành bên vườn dừa, bãi cát thì
nay chỉ trong chớp mắt được khoác lên người chiếc áo tỉ phú. Nhưng cùng lúc đó
họ phải rời xa nơi mình sinh sống. Thêm một tỉ phú thì cũng thêm nhiều người
trong gia đình mất đất, bỏ nghề. Ai cũng thấy, tiền có được từ trúng đất còn
gấp nhiều lần trúng số. Giờ đi trên đảo dễ dàng bắt gặp anh thợ hồ, chị
bán cá hay ông xe ôm đã từng biết qua cảm giác làm tỉ phú. Nhiều người cầm
tiền tỉ trong tay nhưng chẳng biết làm gì với số tiền vượt quá tầm quản lý của
họ. Bán đất dễ lắm, đến lúc cầm tiền rồi thì khó mà mua lại được miếng
khác trên đảo.
Số tiền bán đất cũng mang đến nhiều bất ổn cho
các gia đình Công giáo. Tiền bạc thêm nhiều càng dễ làm người ta thêm bạc
tình, bạc nghĩa. Họp ban hành giáo, tháng nào cha Thể cũng phải phân xử đủ loại
kiện tụng. Hầu như tệ nạn nào cũng có người Công giáo góp mặt tham gia. Chính
ông cũng không ngờ cuộc sống của bà con giáo dân giờ phức tạp, rối rắm đến vậy.
Như chuyện nhà Hai Tân ở bãi Giữa, bán đất xong, con cái lao vào bài bạc. Chơi
trên đảo chưa đã tay, thằng con ôm tiền qua Campuchia nướng tiếp vô casino. Tới
lúc thua hết, nó tự cầm mạng mình lấy tiền gỡ gạc. Cuối cùng ông Hai Tân phải
vác nửa tỉ bạc đi chuộc thằng quý tử về. Rồi vụ Ba Xê cũng ở gần đó, cầm mấy
chục tỉ tiền bán đất lao vô nhậu nhẹt, đá gà, cá độ rồi bỏ vợ, đi theo con nhỏ
tiếp viên đáng tuổi con cháu vô đất liền. Nhưng điều làm cha Thể đau lòng nhất
là chuyện nhà bà Bảy Châu. Bán hai công đất nghe đâu được vài chục tỉ. Tiền
chưa tới tay, mấy thằng con đã nhào vô tranh chấp, vác mã tấu rượt nhau rần
rần. Con không cha như nhà không nóc, ông Bảy mất tích sau trận bão lớn, giờ
một mình bà khóc cạn nước mắt nhìn cảnh huynh đệ tương tàn. Cũng mấy lần cha
Thể ghé qua thu xếp, giảng hoà nhưng đều thất bại. Rượu vào lời ra, ông cha chưa
kịp bước qua cổng tụi nó đã văng tục chửi rủa. Có lần thằng Trọng, đứa lớn
nhất, xách dao rượt ông và ban hành giáo chạy mất dép vì dám xía vô chuyện gia
đình tụi nó. Đưa ra chính quyền chỉ phạt hành chính rồi cho về. Người ta giải
thích, đó mới là hăm doạ thôi chứ chưa gây án nên không thể bắt giam hay đưa đi
cải tạo. Nhưng cha Thể vẫn thấy lo lắm vì từ lúc rủng rỉnh tiền bạc, tụi nó bắt
đầu tập tành hút hít. Khi bị kích động của ảo giác, ai dám chắc không xảy ra án
mạng.
Mỗi tuần cha Thể đi dâng lễ ở các giáo điểm rải
rác trên đảo. Càng đi, cha càng tiếc nuối vì đảo không còn xinh đẹp và bình
yên như ngày xưa nữa. Chỉ sau một tuần, những nơi ông đến đều thay đổi đến
mức không còn nhận ra. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cánh rừng bị phá nát,
phân lô chờ đền bù, giải toả. Có cầu thì ắt có cung, nhiều băng nhóm “giang hồ
đất” cát cứ từng vùng để giải quyết chuyện tranh chấp, mâu thuẫn đất đai
theo kiểu xã hội đen. Đảo khá xa đất liền nên là nơi ẩn náu lý tưởng của đủ
loại tội phạm. Những thứ xưa nay hiếm giờ nhan nhãn khắp nơi: lừa đảo, trộm
cắp, cướp giật, đâm chém, ma tuý, đĩ điếm…
Người ta đang khai thác đến cạn kiệt mọi thứ tài
nguyên nơi đây với lý do làm du lịch. Chỗ nào cũng thấy rác, cả hòn đảo ngập
ngụa trong rác. Khi thuỷ triều xuống, dọc bãi biển rác rến tràn lan. Bao nhiêu
nước thải đều tống thẳng ra biển tạo nên những dòng chảy đen ngòm, tanh tưởi.
Mấy năm gần đây những hàng phi lao ven biển đã bị đốn sạch để dọn đường cho
nhiều bãi tắm cao cấp, resort đắt tiền. Lợi ích chưa thấy đâu nhưng hậu quả mà
người dân đảo phải gánh chịu thì nhiều vô kể. Những hàng phi lao dày đặc trước
kia là bức tường xanh che chắn sóng gió mỗi mùa giông bão, giờ thì chỉ một cơn
gió cũng đủ làm cát biển bay mịt mù vô tận làng trên, xóm dưới. Cũng vì không
còn những hàng phi lao nên mỗi năm biển xâm thực càng sâu vào bên trong đảo.
Mỗi cơn bão đi qua, bờ biển lại thêm nham nhở, tan hoang.
Lúc chiều, gia đình Hai Tân tới chào cha trước lúc
đi xa. Gặng hỏi mãi, mới biết cả nhà khăn gói vô đất liền làm mướn kiếm sống.
Họ ra đi âm thầm không cho ai biết vì ngại ngùng, xấu hổ. Mới ngày nào còn
mang danh tỉ phú, giờ đất cát không còn, nghề ngỗng cũng không. Cha Thể tự
hỏi, sẽ đến lượt ai nối gót họ tha phương cầu thực trong những ngày sắp tới.
Bất chợt, đằng xa vẳng lại những tiếng la thét
hoảng loạn. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. Ông trùm Nam chạy vô nhà xứ với
nét mặt hớt hãi, tái mét:
- Thưa cha, thằng Trọng vừa đâm chết bà Bảy. Người
ta nói nó xài ma tuý đá nên hung hăng lắm, không ai dám nhào vô!
Cha Thể cảm giác rụng rời tay chân. Điều ông lo sợ
lâu nay đã đến, con chiên của ông đã thật sự bán mình cho quỷ. Bàn tay thằng
Trọng đang vấy máu chính người đã cưu mang, nuôi dưỡng nó. Tiếng súng vang lên
chát chúa, hình như công an bắn chỉ thiên để trấn áp. Ông Nam giật mình lắp
bắp:
- Vậy Cha có xuống xức dầu cho bà Bảy hay giải tội
cho nó trước lúc vô tù không, thưa Cha?
Cha Thể im lặng hồi lâu rồi thở dài lên
tiếng:
- Chắc không cần đâu. Bà Bảy chết rồi. Còn nó lúc
này ý thức được gì đâu mà xưng với thú. Chỉ cầu xin Lòng Thương Xót Chúa hoán
cải và tha thứ cái tội tày trời của nó!
Cha Thể bước ra sân, những cơn gió lạnh thấu xương
thổi ào ạt như muốn cuốn lấy, quật ngã ông. Ngoài xa từng con sóng đen ngòm nối
tiếp nhau tạo nên nhiều hình thù kỳ dị, ma quái phủ cao, dựng đứng rồi đổ ập
tung toé lên tận thềm nhà thờ. Bão đã vào bờ.
Mã số:
16-020
CÁT BỤI
- Út à, đi gặp ba không? Ba đang chờ ngoài cồn cát
đó.
Anh Hai nói khẽ, cố không để cho má và bà nội
nghe. Hai tuần hoặc một tháng, tôi chờ mong ba muốn thăm chúng tôi, đứng ngoài
cồn cát, chờ chúng tôi ra khỏi nhà để chạy đến bên ba. Bao lâu rồi ba không
sống chung với chúng tôi nữa?
Người lớn có những vấn đề phức tạp mà trẻ nhỏ
không thể nào giải thích được. Chính người lớn cũng không giải thích được. Ba
tôi là một thầy giáo ở trường học, là một giáo lý viên ở nhà thờ. Ba và mẹ có
một cuộc hôn nhân theo luật Chúa, sống hạnh phúc, có hai đứa chúng tôi. Nhưng
một ngày ba mở trang trại bò ở một làng dân tộc, nuôi bò kiếm thêm thu nhập để
lo cho chúng tôi ăn học. Ba bén duyên với một phụ nữ dân tộc chăn bò cho trang
trại của nhà chúng tôi. Tự dưng tôi có thêm một em gái. Mẹ tôi đã quậy ba tan
nát. Sự căm thù của một người đàn bà mất chồng, dù đã kết hôn theo luật Chúa và
luật đời thật cay nghiệt. Mẹ tôi đẹp hơn người phụ nữ dân tộc đó, cao sang hơn
và có tình có nghĩa với đời ba hơn. Chính mẹ đã đẻ cho ba hai đứa con, chăm sóc
nội, dành hết niềm tin, tình yêu, hy sinh của mình vào vai trò làm vợ, làm mẹ,
làm con dâu. Vậy mà ba lại lạc lòng, lạc đạo Chúa và luật đời, đi dan díu tình
cảm với một phụ nữ dân tộc thấp hèn, không có gì trong tay.
Những ngày đó thật đáng sợ. Nhà tôi toàn là tiếng
chửi rủa và nước mắt. Mẹ và bà nội thi nhau chửi rủa ba. Chính bà nội đã từ mặt
ba, đuổi ba ra khỏi nhà. Nội tuyên bố tài sản của nội sẽ trao cho hai đứa cháu
chứ không còn trao cho ba nữa. Ba rời bỏ trường học, rời bỏ nhà thờ. Ba sống
cùng người phụ nữ dân tộc trong trang trại bò cách khá xa khu dân cư và rất xa
làng tôi. Từ một thầy giáo ba trở thành kẻ chăn bò. Từ một con chiên ngoan đạo
ba trở thành một con chiên lạc. Ba không có lối về hay không muốn về?
Không có ba tất cả chúng tôi đều buồn. Nhớ lắm.
Đêm nào mẹ và nội cũng khóc. Nội nhớ con, mẹ nhớ chồng. Chúng tôi cũng rất nhớ
ba.
Ba biết mình có lỗi với chúng tôi. Nhưng làm sao
về? Về là cơn đau của mẹ lại trỗi dậy. Ghen tuông, cay đắng, uất ức cứ tuôn ra.
Tình yêu khi êm đềm là liều thuốc bổ nhưng khi làm nhau đớn đau chẳng khác nào
thuốc độc. Còn yêu đó mà không thể nhìn nhau, không thể tha thứ cho nhau. Tha
thứ làm sao đặng khi bên này có hai đứa con mà bên kia cũng có một đứa bé. Chúa
kêu tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng tha thứ trong trường hợp nào? Có tha thứ
được khi người này làm con tim người kia tan nát hay không?
Ba không về nhà. Có về cũng bị nội lấy chổi đuổi
như đuổi tà. Mẹ cũng không nhìn mặt. Nên cứ hai tuần, có khi một tháng, lâu hơn
thì hai tháng. Ba lần mò về làng cũ, đứng ở cồn cát, nhắn với một người quen.
Trời chạng vạng tối, hai anh em tôi nắm tay nhau chạy ra khỏi con đường làng, hai
bên bụi tre chằng chịt, vừa sợ ma vừa sợ bóng tối nhưng không ngăn nổi sự nôn
nao, hạnh phúc khi gặp ba mình. Qua hết bụi tre là ra cồn cát. Cát mênh mông,
từng ụn, từng ụn kéo nhau tít tắp phía chân trời. Nghĩa trang của làng chúng
tôi và làng bên cũng ở gần cồn cát. Nghĩa trang đạo của làng tôi hướng đông, có
cây thánh giá nơi cổng vào. Nghĩa trang làng bên hướng tây ngược lại với làng
tôi- dân ngoại. Chiều chạng vạng rất ít người ra cồn cát. Nên nhìn thấy cái
dáng đứng cô đơn trên cồn cát anh em tôi biết đó là ba. Chúng tôi chạy ào tới,
ôm lấy ba, vùi đầu, vùi mũi vào người ba, áo ba, hít lấy hít để cho thỏa nỗi
nhớ có ba mà không có ba. Gặp ba lần nào ba cha con cũng khóc. Hỏi nhau: “Nội
có khỏe không? Mẹ con có khỏe không?”, “ba có khỏe không?”. Khóc váng lên trên
cồn cát buồn.
Những cuộc gặp của cha con chúng tôi diễn ra trên
cồn cát vào những buổi chiều chạng vạng. Lần gặp nhau nào cũng bịn rịn. Tôi còn
nhỏ nên không hiểu cuộc đời, cứ hỏi Chúa tại sao con có ba mà không được sống
cùng ba? Sao Chúa không cho con có ba luôn, ở cùng ba luôn? Nhưng Chúa không
trả lời.
Lòng tôi và anh tôi đã buồn đến vậy, lòng nội tôi,
mẹ tôi càng buồn hơn. Mẹ càng ngày càng ít nói, khóc nhiều, già và suy sụp hơn.
Mẹ căm thù ba nhưng vẫn nhớ con người làm cho mẹ đau đớn, bẽ bàng. Còn nội,
muốn tha thứ cho ba nhưng thấy tội con dâu quá. Nó đã gắn cuộc đời nó cho nhà
chồng, hy sinh hết mình. Vậy mà thằng con mình còn làm nó khổ, sao nội dám tha
thứ cho thằng con?
Những ngày chủ nhật, nội dắt hai anh em tôi đi lễ.
Trong nhà thờ nội nói nhỏ với tôi:
- Con và nội cùng cầu nguyện cho ba con trở về
nghe.
- Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?-
Tôi hỏi.
Nội im lặng, mắt nhìn thánh giá Chúa, thở dài.
Đã mấy tháng rồi, chúng tôi không gặp ba. Chao ôi
là nhớ! Lâu nay ba toàn là người chủ động thăm chúng tôi. Chúng tôi đâu có biết
ba ở đâu mà đến? Nhưng mấy tháng rồi ba không thăm chúng tôi. Lẽ nào ba quên
các con của ba rồi?
Hai anh em tôi lén gặp một người chú quen trong
làng, hỏi chỗ ở của ba. Đi học về, trưa nắng, anh đạp chiếc xe chở tôi đi thăm
ba.
Đạp xe gần hai tiếng đồng hồ, hỏi thăm nhiều
người, hai anh em chúng tôi cũng tìm được nhà của ba và người phụ nữ dân tộc.
Chỉ tìm được nhà thôi chứ trang trại bò thì xa quá, ở đâu tận trên núi nên hai
anh em tôi không đến được. Vào nhà, chúng tôi thấy đứa nhỏ- con ba và cũng là
đứa em của chúng tôi. Ba tôi ở luôn trên trang trại. Buổi sáng dì nấu ăn cho
em, rồi tất tả lên núi với ba. Em ở lại làng ăn cơm, đi học, chiều tối dì mới
về. Em khá hiền và sợ sệt khi nhìn thấy hai anh em tôi.
Trong nhà có treo thánh giá và có bàn thờ để tượng
Đức Mẹ. Thì ra dù không còn là con chiên “ngoan” ba tôi cũng không bỏ đạo. Em
tôi cũng đã được rửa tội, nhưng do luật Chúa không cho ba ly hôn nên ba và dì
vẫn không kết hôn được ở nhà thờ.
Biết chúng tôi là con ba, là anh, chị của em nên
em đã mạnh dạn nói chuyện và cười đùa với chúng tôi. Trời đã chiều, phải quay
về nhà, nên hai anh em tôi phải tạm biệt em và đèo xe về. Em đứng ở thềm nhà,
ôm cây cột, mắt buồn bã tiễn hai anh em tôi. Đáng lẽ tôi phải ghét em- đứa nhỏ
cướp ba của mình mà tôi chỉ thấy tội em thôi. Tôi thiếu ba nhưng có mẹ và nội ở
bên. Còn em, cả ngày thiếu cả ba và mẹ. Tôi thấy tội và thương em. Trước khi đi
tôi hỏi em tên thánh gì? Mắt em long lanh nói: “Maria”.
Mẹ tôi cũng biết hai anh em tôi cả gan đạp xe mấy
chục cây số để đi thăm ba. Nhưng mẹ không nói gì. Mẹ giống nội, lần chuỗi cầu
nguyện hàng đêm nhưng không biết phải cầu thế nào cho phải? Cầu cho chồng quay
về. Còn người phụ nữ kia, đứa bé kia? Rồi quay về hai người có hạnh phúc như
xưa không? Hay vẫn đớn đau, tức giận khi phải nhìn thấy mặt nhau? Vậy thì cầu
nguyện làm sao cho hợp?
Chúng tôi chờ ba đến thăm như nắng hạn chờ mưa.
Gần cả năm rồi ba không đến thăm chúng tôi. Chiều chạng vạng tôi mong ước bao
nhiêu giây phút được chạy ra khỏi nhà, chạy như bay qua con đường mòn đầy tre,
leo lên cồn cát lún, gặp cái dáng ba đứng trên còn cát buồn. Úp mặt vào người
ba để nghe mùi ba. Bây giờ tôi mới hiểu phần nào nỗi buồn của mẹ. Nỗi buồn khi
thiếu vắng người mình thương yêu. Một nỗi buồn bất lực khi mình là người phải
chờ đợi chứ không được chủ động có được người yêu thương ấy.
Có một chiều mưa, làng tôi và làng bên cùng có đám
tang. Đứng ở sau nhà, chúng tôi ngóng lên cồn cát, nhìn hai đám rước đi về hai
nghĩa trang khác nhau. Hai đám rước đi song song cùng nhau. Một đám về nghĩa
trang của Chúa, một đám về nghĩa trang của đời. Hai linh hồn. Hai niềm tin khác
nhau. Họ đi trong chiều mưa buồn.
Tôi nhìn cồn cát trong mưa thèm biết bao trong
đoàn người đi ấy có dáng ba tôi. Chẳng còn sợ mẹ, tôi sẽ chạy lên kêu ba, dụi
đầu vào ba, khóc thật to cho thỏa nỗi nhớ ba. Mẹ đứng sau lưng tôi từ lúc nào.
Mẹ cũng nhìn lên cồn cát. Ánh mắt vô vọng, buồn buồn.
Một buổi tối, hai anh em tôi đi nhà thờ về nhìn
thấy một người phụ nữ lạ mặt ở trong nhà mình. Đó là dì- mẹ của đứa em gái tôi.
Tôi chưa từng gặp dì nhưng nhận ra dì nhờ những nét mà em giống dì. Dì quỳ
xuống chân nội tôi, mẹ tôi và khóc. Nội và mẹ cũng khóc. Hai anh em tôi đứng
chết lặng khi người lớn cuống quýt, ồn ào. Trong cái đám hỗn loạn than khóc đó
tôi cũng òa khóc thật to khi nghe tin ba tôi đang hấp hối. Trước khi mất ba nhờ
dì về báo với nội và mẹ, xin được gặp linh mục trước khi nhắm mắt.
Cả gia đình chúng tôi chở nhau đi trong đêm tối
buồn. Ba nằm hấp hối trong nhà dì, tay quấn tràng chuỗi mân côi. Giờ phút ba
hấp hối mọi nỗi đau buồn của tình cảm đều phải gác qua một bên, chỉ còn giây
phút tiễn biệt. Nội, mẹ, dì và ba đứa con ba đều nắm tay ba và khóc. Tiếng đọc
kinh vang dậy căn nhà nhỏ. Trong nhà chúng tôi còn có những người hàng xóm của
ba và dì. Họ đều là người dân tộc, họ không có đạo nhưng cũng đứng đó nghiêm
trang cùng chúng tôi tiễn biệt người thân, buồn với nỗi buồn của gia đình chúng
tôi.
Tôi vô cùng sợ hãi. Sao ba tôi lại nằm đó? Sao ba
không được sống thêm? Cuộc đời tôi đã thiếu vắng ba rồi lẽ nào bây giờ mất ba
luôn sao? Ba nằm nhắm mắt nghe chúng tôi đọc kinh, nhận dầu thánh từ tay linh
mục. Nước mắt chảy tràn trên đôi mắt ba. Và ba đi như thế. Rất bất ngờ, rất
nhanh trong một buổi tối buồn.
Khi ba còn sống, do lỗi lầm tình cảm ba không được
trở về nhà. Mà chắc ba cũng chọn cách không trở về. Trở về là những nỗi đau sống
dậy. Là cảm giác thua cuộc, là đay nghiến, là hành hạ nhau bằng cả cuộc đời còn
lại. Đã lạc đường rồi nên ba lạc luôn, cứ theo con đường mới mà đi, trúc trắc
trở ngại thì ba chịu, ba biết, sinh bệnh tật ba cũng nhận luôn. Nhưng khi mất,
ba được trở về, được cầu nguyện trong nhà thờ, được chôn trong nghĩa trang đạo
Chúa ở làng chứ không phải là một ngôi mộ nằm lẻ loi trên núi. Dì cũng muốn ba
trở về, dù biết ba chôn trong nghĩa trang đạo Chúa thì dì sẽ xa ba mãi mãi. Vì
dì theo tộc người Raglai, khi chết sẽ chôn trong rừng và sẽ được người thân làm
lễ bỏ mả. Sau khi làm lễ bỏ mả, theo tín ngưỡng của người Raglai, linh hồn sẽ
cắt đứt với người thân, họ hàng, sẽ ở luôn thế giới kia, không quay về nữa. Còn
linh hồn con chiên của Chúa lại được quay về thế giới này trong mỗi thánh lễ
nguyện cầu.
Ở trần gian dì có ba một quãng đường, nhưng khi
mất, linh hồn dì và ba lại khác đường với nhau bởi phong tục và tín ngưỡng.
Người ba nằm bên sau này lại là nội, là mẹ, chứ không phải là dì. Nhưng vì
nguyện vọng của ba, dì chấp nhận. Linh hồn ba đã trở về với chúng tôi.
Đám tang không trúng ngày mưa nhưng rất buồn.
Chúng tôi đi rước ba qua cồn cát, qua chỗ ngày trước ba lén lút chờ gặp chúng
tôi trong chiều chạng vạng để hỏi mọi người trong gia đình thế nào? Giờ ba cũng
đang đi qua nơi chốn đó.
Sau khi ba mất, mỗi khi đến thánh lễ cầu nguyện
cho ba dì lại dẫn đứa em tôi đến nhà thờ. Gia đình tôi: nội, mẹ, hai anh em
chúng tôi và hai mẹ con của dì lại đứng cùng nhau trong một nhà thờ. Ba đã mất,
nỗi đau bị chồng phản bội của mẹ cũng đã chai sạn, nhưng đứng cùng tình địch
trong một thánh lễ hẳn là mẹ tôi cũng buồn nhiều. Nhưng dì cũng là người của
ba. Người của nhau, cầu nguyện cho nhau là điều hợp lí. Tình cảm con người phức
tạp quá. Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi khổ ải. Nhưng con người khổ ải
vì điều gì? Bệnh tật, miếng cơm manh áo, hay những rối ren đau buồn vì chuyện
tình cảm tréo ngoe? Rồi Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai? Kẻ thù
của ta là ai? Là người chống ta, ghét ta, làm điều xấu cho ta hay là người ta
thương, ta yêu, từng yêu ta nhưng rồi làm ta đau khổ? Xác định kẻ thù thật
không dễ. Sao kẻ thù lại là người ta yêu được?
Dì và em tôi xuất hiện trong nhà thờ, trong những
thánh lễ của ba rồi đi đâu mất hút. Sau này chúng tôi không còn gặp lại dì và
em. Khi chúng tôi lớn, tôi và anh tôi có chở nhau đến ngôi nhà xưa để thăm hai
mẹ con dì nhưng hàng xóm cho biết hai mẹ con dì đã bỏ đi từ lâu.
Hai mẹ con dì đều theo đạo Chúa của ba. Nhưng ba
mất rồi, theo thời gian và phong tục khác nhau, không biết dì và em có giữ đạo?
Nếu dì mất, không biết dì được chôn cất theo đạo Chúa hay theo tín ngưỡng,
phong tục của người Raglai? Chôn trên núi và được làm lễ bỏ mả.
Còn mẹ tôi, giờ đã già nhưng vẫn giữ một nỗi đau
buồn trong tim, chưa tha thứ được. Có lúc mẹ tha thứ, có lúc mẹ lại căm giận.
Giận người đã phản bội mẹ và biến mẹ thành một người đàn bà tội nghiệp, thua
cuộc, không còn chút niềm tin vào hạnh phúc. Chiều chiều, mẹ đứng ở sau nhà,
nhìn lên cồn cát. Nhìn bọn trẻ con chạy đuổi nhau trên cát, nhìn những đám tang
đi qua. Rồi mẹ nhìn trân trân vào một chỗ mà tôi cũng không hiểu vì sao mẹ biết
chỗ đó mà nhìn? Đó là chỗ ba đứng khi ba lén lút đến thăm chúng tôi.
Mẹ nhìn trân trân chỗ chồng mình lén lút gặp hai
đứa con mình. Rồi mẹ ngồi, tay run run lần chuỗi, đôi mắt mờ đục ngước về hướng
ấy. Mẹ cầu cho người đàn ông ấy lên thiên đàng, hay cầu cho nội giờ cũng đã nằm
ở nghĩa trang?
Chúa tạo ra con người từ cát bụi rồi con người trở
về cát bụi. Nhưng hành trình ấy nào có được thẳng thớm, êm đềm? Người này gây
khổ cho người kia, người kia buồn khổ vì người nọ. Hận thù nhau, không tha thứ
cho nhau. Trở về cát bụi những linh hồn có biết tìm nhau để xoa dịu những đau
buồn? Ai cũng tưởng người kia còn sống mãi cho đến một ngày, nhắc về người đó
chỉ còn là hạt bụi bay trong trời mà thôi. Ba, nội giờ đã thành cát bụi. Dì
cũng mất hút. Mẹ đã già, chiều chiều ngồi lần chuỗi thanh thản chờ ngày trở về
với Chúa. Ngày mẹ cũng trở thành một hạt bụi, hòa vào đám bụi trên cồn cát kia.
Hạt bụi nào cũng giống nhau dù khi còn là xương thịt, đời sống khác nhau vô
cùng…
Mã số:
16-022
MỘT ĐỜI TẠ ƠN
Nghe tin ông Ba Khỏe xuất viện về lúc trưa, sau
giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót, Cha xứ và các ông bà trong hội Lòng Chúa Thương
Xót vội đến thăm ông.
- Chào ông Ba, ông Ba đã khỏe nhiều chưa?
- Con cám ơn Cha. Thưa Cha, con khỏe ạ, không
những một khỏe mà tới Ba Khỏe!
Mọi người đều cười trước sự dí dỏm của ông. Cha xứ
thắc mắc:
- Sao ông Ba phát hiện mình bị tai biến mà đi bệnh
viện kịp thời vậy?
- Thưa Cha, nhờ Chúa thương chứ con không biết.
Con tạ ơn Chúa quá lẽ, nếu con ở nhà chắc tiêu rồi, bằng không thì cũng bán
thân bất toại chứ chẳng được vầy đâu. Tuần trước con đi thăm vợ chồng thằng Tư
trên tỉnh. Ngày Chúa Nhật vợ cháu ở nhà không đi trực bệnh viện. Cũng tầm giờ
này, con đang ngồi lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót thì tràng chuỗi trượt khỏi
tay. Con khom xuống lượm nhưng sao bàn tay không có cảm giác và không điều
khiển được. Con với mấy lần mà chẳng nhặt được tràng chuỗi. Cháu chạy lại nhặt
đưa cho con, con cầm tràng chuỗi nhưng rồi lại rớt. Cháu ngước lên nhìn thì
thấy miệng con méo xệch, liền hỏi:
- Ba có sao không?
- Ba thấy hơi choáng.
Cháu liền đỡ con nằm dài xuống sàn nhà, rồi gọi xe
cấp cứu đưa con vào bệnh viện. Tạ ơn Chúa, nhờ kịp thời nên con mới được như
hôm nay.
Mọi người nói chuyện vui vẻ và cùng tạ ơn Chúa với
ông. Tiễn khách ra về, ông Ba nghe đứa cháu nội nói với đứa bạn hàng xóm đang
chơi trước sân nhà:
- Thôi! Tha cho nó đi, vì thầy tớ dạy thế.
- !!!
- Vì thầy tớ dạy thế!
Ông Ba chợt nhớ lại chuyện xưa, cũng nhờ câu nói:”
Thầy tớ dạy thế!” mà ông được nhận biết và theo Chúa cho tới hôm nay.
***
Hồi đó, ông Ba mười bảy tuổi được nhà nước tuyển
quân đi bộ đội. Trại quân đợt ấy khoảng hơn một trăm người, có một anh đạo Chúa
tên Tâm, thân ốm ròm mà việc gì cũng xông xáo, ai nhờ gì liền mau mắn giúp bất
kể mưa nắng hay đêm khuya. Lần kia anh Ba hỏi:
- Sao chuyện gì anh cũng vơ vào làm chi cho vất
vả, bọn họ đang lợi dụng anh đấy?
- Vì Thầy tớ dạy thế. Mình cứ sống yêu thương và
nghĩ tốt cho mọi người sẽ thấy vui trong lòng lắm!
Đang thời chiến sự gay gắt, chỉ nhà nào khá giả
mới có đồ tiếp tế. Hàng tháng nhận được gì là anh đem chia hết cho những anh
nghèo. Anh Ba hỏi thì anh lại trả lời:
- Vì Thầy tớ dạy thế. Mình đâu biết sống chết lúc
nào, vả lại lúc chết cũng bỏ lại hết, chỉ có tình thương là mang theo được mà
thôi.
- Thầy anh là ai mà nghe nhắc hoài vậy?
- Đó là Thầy Giêsu.
Anh ta lấy trong ví ra tấm ảnh một người đàn ông
trạc ba mươi tuổi. Nhưng cái lạ là trước ngực người ấy có hình trái tim chiếu
sáng, bên dưới ghi hàng chữ:” Đối nội vô tâm giả, đối ngoại hữu kỳ tâm”. Anh Ba
thắc mắc:
- Ủa, trái tim không để ở trong mà để ở ngoài thì
sống làm sao?
Nghĩa đen
thì như vậy, nhưng ẩn ý muốn nói rằng: Mình đừng sống cho mình mà hãy sống cho
người khác. Đây, anh xem Thầy nói này!
Anh ấy lật phía sau bức ảnh cho anh Ba xem. Anh Ba
lẩm nhẩm đọc:
- “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
- Thầy đã nói và đã sống như thế nên tớ muốn noi
theo cách sống của Thầy.
- Sống như vậy có khờ dại quá không?
- Khi nào anh sống theo Lời ấy, anh sẽ cảm được
niềm vui và hạnh phúc như tôi.
Từ đó, anh Ba thấy mến và muốn noi theo cách sống
của anh. Năm sau anh Ba bị bệnh sốt xuất huyết rất nặng. Lúc ấy, chưa có thuốc
đặc trị như bây giờ nên anh Ba chỉ còn nằm chờ chết. Thấy mình yếu sức dần anh
Ba hoảng loạn gào lên:
- Lạy ông Thầy Giêsu của thằng Tâm, xin ông cứu
tôi với!
Anh Tâm đoán có lẽ anh Ba không qua khỏi, liền lấy
nước rửa tội cho anh. Đêm đó, anh Ba mơ thấy Chúa Giêsu có trái tim hiện đến
nói với anh:” Ta sẽ chữa cho con!”. Sáng ngày anh Tâm đến thăm mang theo tấm
hình Thánh Tâm đưa cho anh Ba và hỏi:
- Anh có tin là Thầy Giêsu sẽ chữa lành cho anh
không?
- Tin. Tôi tin!
Rồi anh Ba kể cho anh Tâm nghe giấc mơ đêm qua.
Quả thật, Chúa đã chữa cho anh Ba và anh được khỏe lại trước sự ngạc nhiên của
các bác sĩ. Từ đó, anh Ba luôn mang theo tấm ảnh Thánh Tâm Chúa bên mình. Mấy
tháng sau, anh Tâm qua đời trong một đợt hành quân. Mọi người trong trại đều
khóc thương anh.
Xuất ngũ về, anh Ba xin học đạo và giữ đạo rất sốt
sắng. Anh siêng đi lễ và đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống theo gương anh
Tâm:” Thầy tớ dạy thế”. Anh Ba cầu xin và Chúa cho anh cưới được một cô vợ
trong xứ đạo đẹp người, đẹp nết. Hai người sống bên nhau rất hạnh phúc. Anh Ba
thầm tạ ơn Chúa vì ân ban này. Nhưng được hơn một năm thì chị qua đời, do đi
làm vườn cuốc phải quả mìn. Bên họ hàng nhà anh nói: ”Tại anh theo đạo Chúa,
phụ bạc Ông Bà tổ tiên nên bị quở”. Anh Ba âm thầm cam chịu, một lòng tin tưởng
phó thác vào Chúa.
Sau khi mãn tang vợ, nhờ người mai mối, Chúa lại
cho anh Ba Khỏe gặp được cô gái khác cũng có đạo và nết na, đức hạnh, giỏi
giang không kém gì cô trước. Cô sinh cho anh mười đứa con: năm trai, năm gái,
trong đó có bốn đứa bị câm điếc do di chứng chất độc của chiến tranh. Họ hàng
nhà anh lại tiếp tục xầm xì:” Tại anh theo đạo Chúa không lo hương khói cho Ông
Bà tổ tiên và Cha Mẹ nên phải lãnh hậu quả của sự bất hiếu”. Còn anh chị Ba thì
luôn tạ ơn Chúa vì bốn đứa ấy bị khuyết tật, nhưng trí não chúng vẫn bình
thường để học biết Chúa. Các con anh Ba đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, mọi
người trong xứ ai cũng mến thương. Chỉ có thằng Tám là ham chơi, lười học chẳng
chịu nghe lời cha mẹ, mặc cho bao lời răn dạy kể cả phạt đòn. Bốn đứa khuyết
tật thì anh Ba gởi vào trường nội trú của các Sơ để chúng học đạo, học chữ và
học nghề theo phương pháp riêng. Còn mấy đứa ở nhà, sáng nào cũng theo cha mẹ
đi lễ.
Có một chuyện mà giờ nhớ lại anh Ba còn thấy tức
cười và tạ ơn Chúa. Sáng hôm đó, cả nhà thức dậy đi lễ như mọi ngày. Cô gái lớn
của anh ở nhà nấu cơm cho các em ăn sáng để đi thi. Chị Ba đang lo đốt đuốc thì
hai đứa nhỏ lanh chanh chạy trước. Mới bước qua bờ rào, đứa đi trước vấp phải
vật cản té nhào, chúng la ỏm tỏi:
- Cha mẹ ơi, nhanh ra xem cái gì nằm giữa đường
này!
- Cái gì mà la om sòm vậy, hàng xóm còn đang ngủ
đó?
- Ai để đồ ở đây này!
Chị Ba soi đuốc đi ra thì thấy một giỏ đầy gà mà
không biết của ai. Mấy đứa nhỏ xúm nhau khiêng vô nhà, xếp ra cả thảy mười ba
con gà đều bị trói chân. Đi lễ về mới phát hiện ra đó là gà nhà bị bắt trộm.
Anh Ba nói:
- Tạ ơn Chúa, suýt chút nữa là mất toi mười mấy
con gà mái tơ rồi.
Đứa bị vấp té nói:
- Tội nghiệp người ăn trộm, không lấy được gà mà
còn mất cái giỏ mới.
- Tội nghiệp cái gì? Họ ăn trộm nhà mình mà tội
nghiệp.
- Tại em thấy họ bị mất cái giỏ mới toanh thì nói
như vậy. Phải chi mình biết của ai để đem trả cho họ.
Cả nhà cùng cười vì sự đơn sơ của hai đứa nhỏ.
Thấy gia đình êm ấm, hạnh phúc là do ơn Chúa ban, nên anh chị Ba Khỏe không
tiếc gì với Chúa và mọi người. Khi nhà xứ có việc thì cả nhà anh đến giúp. Còn
ai gặp khó khăn đến nhờ đều được giúp theo khả năng anh chị có. Vì thế mà hàng
xóm ai cũng quý gia đình anh. Thấy vậy, bên họ hàng nhà anh thôi xầm xì bàn
tán.
= o O o =
Thời gian thấm thoát trôi, các con có thể đảm đang
công việc nên ông bà Ba Khỏe tham gia vào Hội Phạt Tạ của giáo xứ, sau chuyển
thành Hội Lòng Chúa Thương Xót. Ông Ba còn tham gia vào Hội Trợ Tử, đi giúp
những người hấp hối trong giờ sau hết. Khi họ qua đời, ông Ba đi mua quan tài
giúp nhà hiếu,tìm mua heo hoặc bò để nấu đám. Có những gia đình nghèo sau đám
tang không đủ chi trả, ông Ba sẵn lòng góp thêm cho đủ. Có một lần ông làm mọi
người ngạc nhiên và cảm phục. Hôm đó ông cũng đi mua quan tài như mọi khi, vừa
đi ông vừa lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót cầu nguyện cho người mới qua đời vì
bị chìm đò. Trại hòm này vừa khai trương mấy tháng. Thấy ông ốm yếu, xềnh xoàng
cậu trai trẻ nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Ông Ba nhã nhặn lên tiếng
trước:
- Cậu cho tôi vào xem quan tài.
- Tự nhiên!
Ông Ba xem qua rồi hỏi:
- Cậu ơi, loại quan tài này bao nhiêu một chục?
Anh ta nghĩ thầm: Ông này cà chớn thật, quan tài
mà hỏi mua chục như trái cây, chắc đem về chôn cả nhà hay sao? Anh ta trả lời
cho bỏ ghét:
- Ở đây mua một vài cái thì tính tiền, chứ mua xài
một chục trở lên thì cho luôn không lấy tiền.
- Cậu nói chơi hay nói giỡn?
- Quân tử nhất ngôn!
- Vậy cậu để cho tôi mười bốn cái.
Biết mình lỡ lời anh ta lúng túng:
- Ông… Chú…Chú nói thật chứ?
- À! Xóm tôi mới bị chìm đò chết hết mười bốn
người.
- Vậy hả Chú?
- Cậu cho tôi thiếu, sau đám tôi góp lại trả luôn.
- Dạ, con lỡ lời xin Chú thứ lỗi. Để… để khi khác
con tính tiền, lần này cho con kính biếu để chia buồn với những gia đình gặp
nạn.
Nghe ông Ba kể, mọi người vừa buồn cười vừa khen
ông khéo nói. Ông Ba thầm cảm tạ Lòng Chúa Thương Xót, vì trong số các nạn nhân
có ba người không có đạo, ông xin Chúa cho họ được nhận biết Chúa. Từ đó, uy
tín ông Ba ngày càng tăng thêm, cả những người chưa nhận biết Chúa cũng mộ mến
ông.
Nhìn lại những biến cố xảy đến trong cuộc sống của
mình ông Ba càng xác tín vào tình thương và quyền năng của Chúa. Càng ngày ông
càng gắn bó với Chúa hơn, sống vị tha, hy sinh, quảng đại nhiều hơn. Một hôm bà
Ba đi chợ về, liền kêu ông vào nói:
- Anh vào đây em kể cho nghe chuyện này!
- Chuyện gì mà em làm coi bộ nghiêm trọng vậy?
- Anh Hai Hòa trong Hội Đồng Mục Vụ tranh chấp đất
đai với Chú Bảy nhà bên cạnh, hai bên làm om sòm lên và đưa vào Cha Xứ kiện cáo
nữa.
- Sao em biết?
- Hồi sáng em đi ngang nhà thấy họ đang lời qua
tiếng lại chửi nhau, hàng xóm vây kín chung quanh.
- Chắc có ẩn tình gì bên trong. Con người ta thật
mỏng manh yếu đuối lắm. Thôi chúng ta cùng cầu nguyện cho họ.
Sáng hôm sau, vừa lễ xong Cha xứ gọi ông Ba vào
trao đổi và nhờ giúp Cha giải gỡ vụ này. Ông Ba hứa với Cha sẽ khuyên giải đôi
bên sao cho êm đẹp mọi đàng. Ông về xin Hội Lòng Chúa Thương Xót làm Tuần Tam
Nhật. Sau đó ông đi gặp ông Hai Hòa. Mọi sự được giải quyết êm xuôi nên Cha xứ
và Hội Đồng Giáo xứ rất vui mừng. Ông Ba thầm tạ ơn Chúa và xác tín vững vàng
hơn vào Lòng Thương Xót của Chúa.
Ông Ba càng quảng đại với mọi người thì Chúa càng
hậu đãi ông. Lần kia, nhóm đạo tỳ của Giáo xứ và ông Ba được nhà hiếu của một
phật tử mời ở lại dùng cơm. Có tí men các bác quảng đại mua hết xấp vé số cho
một em bé, rồi chia nhau mỗi người một tờ, ông Ba không nhận vì trước giờ không
mua. Đến chiều, cả mười người cùng trúng độc đắc_ kể cả gia chủ. Họ nhờ ông Ba
lên tỉnh mua hộ mười chiếc xe Wave. Ông Ba vừa đi vừa lần chuỗi Lòng Chúa
Thương Xót xin Chúa cho mọi việc được tốt đẹp. Thấy ông Ba xách giỏ đệm bước
vô, các nhân viên ngạc nhiên.
- Chào các chú, cho tôi xem qua chiếc xe.
- Mời bố cứ tự nhiên.
Ông Ba xem thì giá đúng như con trai ông nói. Tuy
vậy ông cũng hỏi đùa:
- Xe Wave này mua một chục thì có bớt không các
chú?
- Bố mà mua một chục thì tặng thêm bố một chiếc.
- Thế à!
- Không đùa đâu bố ơi!
- Vậy bán cho tôi một chục.
- Thật… thật… hả bố?
- Không đùa đâu chú ơi!
Thế là Ông
Ba được chiếc xe miễn phí. Làm giấy tờ xong họ cho xe đem giao hàng tận nhà. Ông
Ba thầm tạ ơn Chúa vì món quà này. Về nhà ông Ba nhờ thằng Tám chỉ cho cách tập
xe. Một lúc sau ông chạy ngang nhà hô to:
- Tám ơi! Ôm mấy mớ rơm lớn để giữa sân cho cha.
Thằng Tám quay qua bà Ba:
- Chắc Cha định thịt con chó khao xe mới hay sao
mà bảo ôm rơm?
- Thì Cha bảo gì con mau làm đi!
Chặp sau ông Ba chạy xe về lủi vô đống rơm cho nó
dừng lại. Thì ra lúc nảy ông quên cái thắng ở chỗ nào. Cả nhà được một trận
cười vỡ bụng. Ông Ba thoát một phen hú vía liền tạ ơn Lòng Chúa Thương Xót đã
che chở, giữ gìn mình. Ông càng thêm xác tín rằng: Nếu mình luôn sống gắn bó
với Chúa, thì Chúa sẽ luôn phù trợ mọi nơi mọi lúc. Nhưng cũng có lúc Chúa thử
thách lòng trông cậy và sự kiên trì cầu nguyện của ông. Có một anh bợm nhậu
biệt danh Tư Xỉn ai cũng sợ, họ nhờ ông đến khuyên giải. Khi có rượu vô anh ta
mắng ông:
- Bộ ông rảnh lắm sao mà đi xía vô chuyện nhà
người ta? Thằng Tám con ông cũng rượu chè be bét sao không giỏi dạy nó đi, bày
đặt đi dạy đời người ta.
Ông Ba không chấp anh ta, chỉ nói với vợ ông cùng
cầu nguyện cho anh ta biết sửa đổi. Thấy thằng Tám lò mò về bà Ba nói:
- Con là đứa cha mẹ lo lắng nhất. Bộ con tính chờ
đến khi cha mẹ chết hết mới lo tu chỉnh hay sao?
- Mệt mẹ quá đi, kệ con!
Rồi nó lại quay lưng bỏ đi. Bà nói với ông:
- Ông xem đó! Nói động tới là nó bỏ đi.
Ông Ba ôn tồn:
- Thôi! Tạ ơn Chúa đã cho chín đứa kia tốt lành.
Có lẽ Chúa cho một đứa như vậy để mình biết cảm thông với người khác. Mình dạy
hết cách mà nó không nghe, đành phó thác cho Chúa vậy.
Mười ngày
sau, lúc bà Ba đi đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót về thì bị anh Tư Xỉn chạy xe
lạng quạng tông chết. Ông Ba đau khổ vô cùng. Nhiều người bảo:” Do ghét ông mà
anh ta trả thù như thế!”. Nhưng ông Ba nhớ Lời Chúa dạy:” Đừng xét đoán” và
“Hãy tha thứ” nên ông đồng ý làm giấy bãi nại cho anh. Sau thấy anh Tư lo tu
chí làm ăn, Ông Ba cho mượn thêm vốn. Được một năm anh Tư hoàn vốn cho ông và
cả nhà xin học đạo. Từ ngày bà Ba mất, thằng Tám cũng thôi đi chơi mà ở nhà phụ
giúp công việc và thỉnh thoảng theo ông đi đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót. Thấy
vậy, ông mừng rỡ vô cùng và thầm tạ ơn Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.
Mã số:
16-023
NIỀM TIN KHÔNG
MỎI
- Cô ơi, cô có đi ra Vạn Ninh không?
- Không, bà ạ.
- Chú có đi ra Vạn Ninh không chú?
- Dạ, không.
Bà lão ấy, năm nay đã gần bảy mươi.
Hồi nhỏ, mỗi lần gặp bà, tôi vui lắm, vì lần nào
bà cũng cho cái kẹo, cái bánh, đôi khi là bọc mít thơm lừng bà phơi, múi mít
qua mấy nắng khô queo, vừa dai vừa ngọt. Ngày ấy, bao giờ lễ xong bà cũng nán
lại chờ tôi ra để cho quà. Mấy lần Chúa Nhật, tôi lười, ở nhà đi chơi, lại thấy
mẹ đem về gói kẹo, bảo “bà gửi cho cái thằng nhác đi lễ, lần sau mẹ không mang
về nữa đâu”. Tôi cười cười, xé kẹo ăn ngon lành. Bà là mẹ đỡ đầu tôi, hồi nhỏ
mẹ bảo gọi bà là mẹ, tôi không chịu, vì bà già giống bà nội, bà ngoại tôi.
***
Ngày ông bà
đứng trong nhà thờ hứa yêu thương nhau trọn đời trước Chúa, tụi nhỏ che miệng
cười khúc khích “trên phim cô dâu chú rể mặc váy cưới đẹp lắm, không giống ông
bà vậy đâu”. Bà không mặc váy cưới, áo dài bà mặc cũng không đứng dáng vì lưng
đã còng, nhưng tôi thấy thời khắc ấy đẹp lắm! Người ta trẻ, người ta tự tin hứa
sẽ giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn
cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời.
Nhưng rồi người ta cũng bỏ Chúa, bỏ luôn người cùng đứng trong thánh đường hứa
hẹn với mình đó thôi. Ông bà đã thực hiện trước lời hứa ấy bằng gần cả cuộc đời
bên nhau rồi.
Giáo xứ tôi mới có nhà thờ và Cha xứ mấy năm trở
lại đây, trước đây vẫn thường gọi là giáo xứ mồ côi, lâu lâu được đón Cha trong
Huế về làm lễ, cả giáo xứ mừng quýnh, Cha thương con thiếu người chăn dắt, con
thương Cha vất vả đường xa, vất vả làm lễ trong nhà nguyện bé tí, nắng gió
Quảng Bình vừa nóng vừa khô. Nói là nhà nguyện chứ thật ra là gian nhà khách của
ông nội tôi, cả giáo xứ không nhà thờ, không Cha xứ. Cứ đến Chúa Nhật, mọi
người tập trung nhau lại trước bàn thờ Chúa to đẹp nhất xóm ở nhà ông nội, góp
tiền mua thêm ghế nhựa để ngồi, ngồi trong nhà không đủ, thì ngồi ngoài sân.
Tôi lúc đó không hiểu được ý nghĩa của ngày Chúa Nhật nhưng cũng ngồi im, không
dám quậy phá trong khi mọi người sốt sắng lần hạt mân côi, đọc kinh ngày Chúa
Nhật. Tiếng kinh đều đều vang lên trong xóm nhỏ, nuôi dưỡng đức tin nơi mảnh
đất suốt mấy chục năm không nhà thờ, không Cha xứ.
Bà ở khác huyện tôi, cách nhau hai mươi cây số.
Nhưng chẳng thấy có Chúa Nhật nào ông bà vắng mặt. Ngày cha về nhận coi sóc
giáo xứ tôi và thêm ba giáo xứ nữa trong huyện, người già, người trẻ quây quần
bên Cha, ông và bà cũng có mặt, bà bảo “biết là từ nay Chúa Nhật nào cũng sẽ
được dự thánh lễ do Cha chủ trì nhưng mừng quá phải ra gặp Cha bằng được”. Vậy
là từ nay giáo xứ mình hết mồ côi, vậy là sẽ được nghe Cha giảng lời Chúa, rồi
tụi nhỏ sẽ được học giáo lý thường xuyên, rồi sẽ có nhiều người con trở lại với
Chúa… Bà vừa nói vừa lau những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt nhiều nếp
nhăn của con người đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc đời.
Bà có con cháu đề huề, nhưng chỉ có ông bà theo
Chúa, những người con của bà lúc đầu phản đối, không cho ông bà đi lễ, vì ở nơi
đó, không ai theo đạo Chúa, mọi người cứ nghĩ theo Chúa là vì ngày xưa theo
giặc, rồi tới ngày giỗ của cha mẹ, ông bà không đặt mâm cơm cúng là bất hiếu,
là bỏ ông bà tổ tiên, nhưng ông bà cương quyết không bỏ Chúa. Bà vừa khóc vừa
nói:
- Các con đừng nghĩ mẹ không đốt vàng mã, không
đặt cơm cúng trước bàn thờ ông bà là bất hiếu. Đâu cần đợi tới ngày giỗ ông bà
mới nhớ ông bà, Chúa Nhật nào ba mẹ cũng xin lễ cho ông bà, ngày nào cũng cầu
nguyện cho ông bà. Không ai thờ cúng ông bà tổ tiên nhiều hơn đạo Chúa đâu.
Trước sự sốt sắng ấy của ông bà, các con ông bà
cũng dần chấp nhận để bố mẹ mình theo đạo, đi lễ. Bà hay nhắc tôi chăm chỉ học
giáo lý, để sau này dù người ta có nói gì đi nữa, dù có nhiều thứ cám dỗ cũng
không để mất đức tin, đức cậy, đức mến của mình. Bà hay tự trách mình chưa đủ
tốt để làm con cái yêu mến và đi theo Chúa. Rồi, mấy lần người ta hỏi:
- “Sao không thấy bà Quý đi lễ vậy?”
- “Chắc bà không xin được xe, khổ thân!”
Ngày trước còn khỏe, ông chở bà bằng xe đạp để đến
ngôi nhà nguyện nhỏ, nhưng bao giờ cũng đầy ắp người, những người con yêu Chúa.
Sau này, ông yếu hơn, hai ông bà sắm chiếc xe đạp điện rồi cùng nhau đến gặp
Chúa, rước Mình Máu Ngài. Nhưng rồi, ông bị tai biến, liệt nửa người, không thể
cử động như trước được. Mấy lần được về quê nghỉ hè, gặp bà, tôi hỏi bà có
trách Chúa không, bà cười, “Ông vẫn cùng đọc kinh sáng tối với bà, ông vẫn nói
chuyện được, vậy đã là hồng ân to lớn của Chúa dành cho ông bà rồi”. Bà không
biết đi xe nên những lúc con cháu được nghỉ bà nhờ chở đi, những lúc con cháu
bận, bà lại ra ngoài đường xem có ai đi ra Vạn Ninh không để xin đi nhờ, có
người cho, có người sợ chở người già phiền phức, lỡ có chuyện gì nên từ chối.
Cứ như vậy, tầm 12 giờ trưa Chủ Nhật, người ta lại thấy một bà lão đứng bên vệ
đường, xin đi nhờ xe cho kịp thánh lễ lúc 3 giờ chiều.
Cái nắng thiêu đốt mùa hè hắt hình người xuống mặt
đường bé tí, gió Lào thổi xốc đám bụi khô xoáy vòng.
- Cô có đi ra Vạn Ninh không?
- Chú có đi ra Vạn Ninh không chú?
Mã số: 16-024
ĐÊM GIÁNG SINH
DIỆU KỲ
Một buổi sáng cận ngày Noel, khi tiếng chuông Nhà
Thờ đổ liên hồi báo hiệu một đêm Giáng Sinh an lành sắp đến ; đêm Chúa Hài Đồng
sắp sinh ra đời. Đêm qua đã là đêm 22 tháng chạp. Và sáng nay, khi cây Noel
trong phòng Thiên Thanh vẫn còn rực sáng, cô bé choàng mình thức dậy vì tiếng
chuông điện thoại reo vang trên bàn học cạnh cửa sổ. Cố bé mắt nhắm mắt mở đưa
tay dụi mắt, tay kia cầm điện thoại trong lúc miệng liên tục ngáp
- Bố hả? Con đang ngủ ngon bị bố đánh thức dậy nè.
Bố mẹ về chưa? Sao vậy bố?
- Chưa về đâu con gái. Ông bà nội có khách giữ bố
mẹ ở lại chơi đến tối mới về con ạ. Bà nội gừi cho con bười con thích đó!
- Lại bưởi nữa hả bố! Con ngán bưởi lắm rồi! Sáng
nay con có tiết học Anh Văn ở trường. À, chiều bố về nhớ làm cho xong chiếc
hang đá nhé bố. Đêm 24, tụi bạn con muốn về nhà mình chơi đón Noel đó bố
- Được rồi, bố nhớ mà! Ngày Noel cũng là ngày sinh
nhật của con gái bố mà, phải không? Sao bố không nhớ chứ!
Sau câu nói vui vẻ của ông bố điện thoại đột nhiên
mất sóng kêu rè rè tiếng được tiếng mất. Một lát, điện thoại chỉ còn tiếng ù ù
xen lẫn những tiếng tạp âm. Thiên Thanh cười buồn gác máy bởi cô biết điện
thoại nhà mấy bữa nay bị hư đường truyên. Cô bé bước ra bên hàng hiên cửa sổ
hít một hơi thật dài, mùi hương nhài thơm dịu, cô bé thóang nhìn qua khung cửa
chổ hàng cây lan tím đang nẩy chồi xanh, một mảng nắng đầu ngay chiếu xuống
xuyên qua kẽ lá. Buổi sáng đang chào đón cô bé bằng tia nắng ấm áp
Buổi trưa, trời nắng gắt, Thiên Thanh đạp xe rẽ
vào khu phố vắng. Khu biệt thự Quận 2 nổi tiếng yên tĩnh, cứ trưa đến là im ăng
như tờ. Nhiều người thích không khí ở đây. Nhưng đường vắng không có nghĩa là
con đường đem đến bình an, nó luôn ẩn chứa những bất an cho những bé gái xinh
đẹp. Thiên Thanh đâu có biết, giữa khu khuôn viên biệt thự có những hàng cây
xanh tỏa bóng mát. Ba gã đàn ông đang đứng nói chuyện phía sau gốc cây Bàng,
cạnh đó là chiếc xe hơi màu đen đậu sẵn ở đó từ bao giờ. Khi Thiên vừa đạp xe
tới, lập tức ba gã đàn ông ra tay, chúng trang bị sẵn khẩu trang, kiếng mát và
mũ bảo hiểm đủ trùm kín mặt và chúng bắt đầu hành động. Hai tên chăn đầu cô bé.
Một tên xông tới bịt miệng Thiên Thanh bằng một chiếc khăn mùi xoa có tẩm thuốc
mê, sau đó cả hai lôi cô bé vào xe hơi. Tên thứ ba nhanh chóng giấu chiếc xe
đạp sau gốc cây Bàng. Tất cả diễn ra chỉ trong nháy mắt, cả khu biết thự vẫn
rất yên thắm. Cả bọn rút nhanh vào chiếc xe hơi. Một cuộc bắt cóc có kế hoạch
hoàn hảo
Buổi tối, cha mẹ Thiên Thanh hớt ha hớt hãi bước
vào đồn công an. Gương mặt họ đầy vè hoảng loạn
- Con…con gái tôi bị làm sao? Tại sao bọn chúng
lại bắt cóc con gái tôi! – Người bố hỏi mấy câu hỏi làm mấy anh cảnh sát cứng
đơ người, không biết phải trả lời ông thế nào
- Xin ông bà bình tĩnh. Đây có thể là một bọn bắt
cóc người tống tiền chuyên nghiệp, bọn chúng không để lại bất kỳ dấu vết nào
tại hiện trường ngoài chiếc xe đạp của cô bé
- Không …không thể như thế được…- Người mẹ gào lên
- Xin các anh làm ơn cứu con gái tôi… Hãy cứu con gái tôi
- Chúng tôi sẽ làm hết sức – Anh công an trấn an
bố mẹ Thiên Thanh – Nhất định chúng tôi sẽ tìm ra bọn bắt cóc. Xin ông bà cứ
bình tĩnh về đi, và cố gắng chờ đợi tin tức của anh em chúng tôi
Khi bố mẹ Thiên Thanh vừa ra về. Anh trưởng công
an liền quay sang hỏi một cán bộ điều tra:
- Con bé hằng ngày vẫn đi học về ngang qua đó sao?
- Vâng, vì đó là khu biệt thự độc lập có bảo vệ
túc trực ngày đêm kiểm tra mọi hoạt động ra vào trong khu này. Tiếc là, lúc xảy
ra vụ bắt cóc đám bảo vệ đi ăn trưa, chỉ một người ở lại trông coi thì anh ta
lại đi vệ sinh đúng vào thời điểm bọn bắt cóc hành động
- Vậy còn chiềc xe hơi?
- Không một ai biết rõ chiếc xe hơi đó. Bảo vệ
khẳng định họ không phát hiện một xe hơi lạ nào vào đó, thường ngày có rất
nhiều xe hơi ra vào, họ khai không thể biết được chiếc xe nào của bọn tội phạm
Nói vậy cũng bằng không. Phải bằng mọi giá truy
tìm ra chiếc xe hơi đó
- Anh em đang nỗ lực truy lùng bọn tội phạm. Có
thể hành động tiếp theo của bọn bắt cóc là nhắn tin cho bố mẹ cô bé đòi tiền
chuộc. Anh em sẽ cố gắng theo sát chuyện này
Thiên Thanh bị một bọn tổ chức buôn người bắt đóc
đưa về căn biệt thự kín cổng cao tường, xung quanh là rừng cây cối bao phủ. Đó
là một căn nhà hai tầng lầu nằm ở vùng ngoại ô Hà Nội. Bọn bắt cóc không đòi
tiền chuộc như nhiều người suy đoán, bọn chúng chuẩn bị đưa cô bé ra nước ngoài
bán cho môt động mãi dâm quốc tế. Trước khi đem cô bé đi bán, bọn chúng bí mật
tung hình ảnh cô bé gửi cho những khách hàng “ mối “ vốn là những gã đại gia
nhiều tiền thích của lạ. Tin về cô bé đưa đi còn nóng hổi. Bọn bắt cóc đã nhận
được lời đề nghị của một đại gia muốn sở hữu Thiên Thanh trong 3 ngày với giá
do bọn chúng đưa ra là 50 triệu, với điều kiên cô bé phải còn trinh tiêt. Sau
khi thỏa thuận xong, bọn chúng đưa Thiên Thanh lên một tầng lầu kín đáo nhất
của tòa nhà để chờ tối nay sẽ đưa cô bé tới một địa điểm bí mật
Thiên Thanh không hề biết chuyện gì sắp xảy ra cho
mình, không biết rằng mình sắp bị đưa đi làm trò vui cho gã đại gia, cũng chẳng
hề biết mình sắp bị đưa sang Singapore làm gái mãi dâm. 4 giờ chiều hôm đó bọn
bắt cóc đưa cô bé lên tầng hai ngôi nhà, nhốt cô vào căn phòng nhỏ như một nhà
kho chật chội, chỉ có chút ánh sáng từ ngoài hắt vào qua khung cửa sổ nhỏ.
Có lẽ vì lo sợ bị lộ nên bọn chúng đã đổi kế hoạch,
chưa vội giao “ hàng” cho gã đại gia. Suốt hai ngày trời bị nhốt trong gian
phòng kín, Thiên Thanh chỉ biết khóc gọi tên bố mẹ. Cô bé bị trói tay, không ăn
uống được nhiều dù bọn bắt cóc mang đến cho cô những món ăn ngon. Cứ khoảng một
vài giờ bọn chúng lại ghé qua phòng xem xét tình hình, có vẻ chúng sợ cô bỏ
trốn. Chúng khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng cô bé bằng những hành động cợt
nhã bỉ ổi, cốt làm cô gái sợ hãi
Thiên Thanh
không còn chịu đựng được nữa, cô bé đã khóc nhiều đến sưng húp mắt. Hai tay cô
bị trói quặt ra sau suốt ba ngày nay gây ra biết bao đau đớn khổ sở cho cô bé.
Mỗi ngày cô bé chỉ biết nhắm mắt gắng chịu đau liên tục xoay mạnh cổ tay để
mong sao sợi dây trói từ từ lỏng ra.
Chiều hôm đó, sau những ngày miệt mài đầy khó khăn,
cô bé đã tự cởi được trói cho mình với hai cổ tay đầy vết xước lẫn với máu.
Ngay lập tức cô bé đi lục lọi khắp căn phòng chưa đầy những đồ đạc lỉnh kỉnh,
chỉ duy nhất một chiếc tủ gỗ cũ kỹ dựng ở góc phòng. May sao, cô đã tìm được
một cây viết và một mảnh giấy nhỏ. Viết vội vài chữ vào mảnh giấy cô bé hy vọng
điều cô muốn nói trong giấy sẽ đến tay ai đó ở bên ngoài, họ sẽ báo cảnh sát
đến cứu cô. Và đó là hy vọng duy nhất mà cô bé có thể làm vào lúc này
Dù đã có
sẵn mảnh giấy trong tay, nhưng cô bé không biết làm cách nào để nó có thể lọt
ra ngoài, vì lẽ xung quanh căn nhà là một rừng cây cối bao phủ dày đặc, dẫu có
vứt được mảnh giấy ra ngoài thì cũng chẳng có bóng người nào. Cô bé bắt đầu cảm
thấy tuyệt vọng, bắt đầu nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi đây, nhưng bọn
bắt cóc vốn rất ma mãnh khôn ngoan đã lường được trước mọi bất trắc có thể xảy
ra. Chúng tin đó là địa điểm tuyệt đối an toàn, bởi nơi đây cảnh sát từng bó
tay nhiều vụ bắt cóc táo bạo, không hề dễ dàng cho cảnh sát nều như họ muốn tìm
ra dấu vết của bọn chúng
Thiên Thanh sực nhớ đến chuỗi hạt Mân Côi mẹ đã
mua cho cô bé hôm Chủ Nhật đi lễ Nhà Thờ, trước ngày bị bắt cóc. Lấy chuỗi hạt
ra khỏi cổ, cô bé thầm đọc kinh cầu nguyện với Đức Mẹ. Đang đọc dở chứng kinh
Kính Mừng, Thiên Thanh bỗng nghe thấy tiếng chim kêu ríu rít đâu đó bên ngoài.
Ngước nhìn lên ô cửa sỗ cô phát hiện một con chim sẻ không hiểu sao nó bị mắc
kẹt vào cánh cửa không thể thoát ra ngoài được
Thiên Thanh vội kéo chiếc bàn gỗ nhỏ gần đó rồi
leo lên, với tay lên cửa sổ cúu con chim thoát ra khỏi cách cửa. Giữ trong tay
con chim cô bé chợt nghĩ ra một cách. Tại sao không cột miếng giấy vào chân con
chim sẻ, thả nó bay đi, biết đâu miếng giấy sẽ đến tay ai đó và nó sẽ cứu cô ?
Dẫu chỉ là tia hy vọng mong manh, cô bé nghĩ mình chẳng còn có cơ hội nào khác
Sau khi thả con chim đi mang theo mảnh giấy đầy kỳ
vọng lên trời, cô bé đứng trong khung cửa sổ cố ngước nhìn lên Trời xanh mải
cho đến khi con chim mất hút. Cô bé không quên thầm nguyện xin Đức Mẹ cứp giúp
mình. Nhưng khi vừa bước xuống định tiếp tục đọc kinh thì cánh cửa căn phòng
bật mở. Một gã bậm trợn bước vào ra hiệu cho cô đi theo hắn. Không hiểu gã kia
đưa mình đi đâu và chuyện gì sẽ cảy ra với mình Thiên Thanh vẫn cố giữ điềm
tĩnh, bởi cô luôn nghĩ đến Đức Mẹ, nhất định Mẹ sẽ không để cho bọn chúng làm
hại cô. Thiên Thanh đã thấy một dấu lạ, Đức Mẹ đã che mắt gã kia khi hắn không
phát hiện ra việc cô bé đã tự cởi trói cho mình. Song cô bé vẫn nghĩ đến một
chuyện kinh khủng nhất trong cuộc đời cô. Nếu bị bọn chúng hãm hại, cô sẽ tìm
cách lao đầu vào tường. Thà rằng chết đi bảo toàn trinh tiết còn hơn sa vào tay
bọn quỷ dữ!
Thiên Thanh bị bịt mắt và bị kềm giữ bởi hai gã hộ
pháp lực lưỡng, bọn chúng đe dọa cô phải nghe theo lời chúng, nếu có hành vi
chống đối chúng sẽ lập tức trừng trị cô đích đáng. Bọn chúng đưa cô lên một
chiếc xe hơi rồi chở đi đâu đó. Một lát, chiếc xe dừng lại. Thiên Thanh bị đưa
vào một căn phòng sang trọng thơm nức mùi nước hoa. Chúng thúc dục cô bé đi tắm
rửa sạch sẽ. Lúc đó, Thiên Thanh vẫn ngây thơ, chưa biết chuyện gì sẽ xảy đến
với mình
Nói về chú chim sẻ, sau khi được Thiên Thanh thả
đi, nó bất ngờ sa vào bẫy lưới của một người chuyên đi săn bắt chim đem bán cho
những Phật tử mua chim để thả phóng sinh. Khi gỡ chim ra khỏi lưới người ta
phát hiện thấy đươi chân chim ai đó cột vào một mảnh giấy nhỏ màu xanh...
Trong căn phòng tắm sang trọng, Thiên Thanh không
hề tắm rửa theo như lời bọn bắt cóc. Cô bé đứng ở cửa nhà tắm hé mắt nhìn ra
ngoài, thoáng thấy một gã đàn ông ở trần đang nằm trên giường làm cô bé sợ run
rẩy, tinh thần bấn lọan. Cố giữ bỉnh tĩnh, cô nhắm mắt liều thân vội ù té bỏ
chạy ra phía cửa phòng, nhưng cánh cửa đã khóa chặt. Bất thình lình, gã đàn ông
bật dậy nhào đến ôm chặt lấy cô bé đẩy cô xuống giường. Gã đàn ông như con thú
đói lao vào Thiên Thanh cấu xé. Nhưng cô bé đã cắn mạnh vào tay gã khiến gã
điên tiết …Đúng lúc nguy khốn đó, cách cửa phòng bật mở, cảnh sát ập vào còng
tay gã đàn ông, trong khi Thiên Thanh vẫn còn nằm trên giường với vẻ mặt kinh
hoàng
Thiên Thanh thoát khỏi tay bọn bắt cóc nhờ vào
mãnh giấy nhỏ với hàng chữ do chính cô viết : XIN CỨU CON, CON ĐANG BỊ NHỐT
TRONG CĂN NHÀ NHIỀU CÂY CỐI XUNG QUANH …Cô bé tỏ ra rất thông minh biết cách
gây sự chú ý cho cảnh sát trong tình trạng tâm trí đang hoảng loạn. Nhờ mảnh
giấy cảnh sát đã nhanh chóng xác định được mục tiêu, vì đặc điểm của căn nhà :
xung quanh toàn cây cối nên họ nhanh chóng tìm ra
Đúng vào đêm mừng Chúa Giáng Sinh, Thiên Thanh được
cảnh sát đưa cô về tận gia đình. Bố mẹ cô chạy ra ôm chặt lấy cô bé trong niềm
vui khôn tả, Thiên Thanh tưởng đó chỉ là giấc mơ. Ngay khi ấy, Thiên Thanh vội
chạy ngay vào nhà, quỳ dưới chân hang đá Chúa Hài Đồng thì thầm : “ Con cám ơn
Chúa Hài Đồng. Con biết Chúa sẽ đến cứu con. Con cám ơn Mẹ Maria…”Lúc đó,
chuông Nhà Thờ đổ liên hồi, báo hiệu đêm nay sẽ là đêm vui nhất của con người
BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG
Cập nhật cho cuộc thi lần thứ tư - 2016
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa
& Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm
400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo
cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng
thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.
I. THỂ LỆ
1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu
(2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người
đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.
2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong
cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ
rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã
hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.
3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá
3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo,
website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.
4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ
xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại
theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp
theo.
5. Đề tài: đợt này cuộc thi ưu tiên nhấn mạnh hai
đề tài: Lòng Chúa thương xót – Việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo Việt
Nam – Trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên (theo thông điệp Laudato Si’ của Đức
Thánh Cha Phanxicô); tuy nhiên vẫn nhận cả những bài viết ngoài hai đề tài ấy,
miễn là có nội dung Kitô giáo.
6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05
bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.
7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi
attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu
điện.
8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút
danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số
điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài
đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ
dự thi.
9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi
đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.
10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện
chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.
11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm.
Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.
12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng
chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.
13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày
15-8 mỗi năm
14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.
15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt
giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.
16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên
trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org
và những trang mạng ủng hộ chương trình này.
17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển
tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.
II. TƯỞNG THƯỞNG
Cơ cấu giải thưởng
Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải
triển vọng.:
- một giải nhất: 20.000.000
$VN
- hai giải nhì, mỗi giải 12.000.000 $VN
- ba giải ba, mỗi giải 8.000.000 $VN
- 15 giải triển vọng, mỗi giải 3.000.000 $VN
Tuyển tập truyện ngắn riêng
Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt
giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất
bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô
giáo.
Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ
được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những
tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được
nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.
III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ
1. Bình chọn
Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt
được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1.
Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến
như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ
trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép
Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự
thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu
niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu
chân Hàn Mạc Tử”.
Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các
ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ
Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại:
0935-424-449.
Qui Nhơn, ngày 15-8-2015
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui
Nhơn