GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015
BẢN TIN 06
Thưa quý độc giả và quý
tác giả,
Chưa có ai làm một bản
thống kê chính xác về độ tuổi các tác giả văn học Công giáo Việt Nam hiện nay,
cả trong và ngoài nước. Tuy thế, chỉ cần nhẩm tính từ 3 website lớn:
Vietcatholic, Thanhlinh.net và Conggiaovietnam đủ thấy hầu hết các tác giả đều
đã trên 50, nếu không nói là trên 55 tuổi. Số tác giả dưới độ tuổi ấy, cả nơi
giáo dân lẫn nơi giới tu sĩ, rất hiếm hoi. Không riêng khả năng sử dụng tiếng
Việt nơi thế hệ thứ ba và thứ tư của đồng bào người Việt hải ngoại bị giảm sút,
ngay cả nơi các bạn trẻ trong nước cũng thế, do đó số người thích thú với việc
viết văn không còn mấy. Trước sứ mạng loan báo ơn cứu rỗi cho đồng bào, tình
trạng này rất đáng âu lo. Nếu không tìm kiếm, cổ động và đào tạo, ít lâu nữa
chúng ta sẽ không còn những người loan báo Tin mừng cách hữu hiệu qua văn
chương nghệ thuật và các phương tiện truyền thông. Đó là lý do tại sao Ban mục
vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn nhận thấy cần phải đầu tư cho một
giải thưởng truyện ngắn kéo dài 6 năm mang tên: Giải Viết Văn Đường Trường.
Sau nửa chặng đường, số
lượng và độ tuổi các tác giả dự thi năm thứ ba (2015) đã đem lại một niềm hy
vọng lớn cho Ban Tổ chức. Trong số 95 tác giả dự thi, có 2 người chưa bổ sung
thông tin về năm sinh, còn lại 41 người ở độ tuổi 26-40 và 52 người ở độ tuổi
16-25. Ước mong quý độc giả, nhất là những vị giàu khả năng và tấm lòng, rộng
tay hỗ trợ về tài chính, để càng ngày cuộc thi càng đem lại nhiều kết quả, hứa
hẹn cho một tương lai khởi sắc của Giáo hội Việt Nam.
Kết quả cuộc thi năm nay
sẽ được công bố trong lễ trao giải được tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn tối
Chúa nhật 20-9-2015. Tất cả các tác giả có bài vào chung khảo đều được mời tham
dự ngày họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo lần thứ IV, từ chiều 19-9 đến tối
20-9-2015. Chúng tôi sẽ gửi thư mời riêng đến từng người.
Xin mời quý độc giả tiếp
tục theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn,
truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn?
Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm, đồng thời được hỗ trợ tiền
xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Quý độc giả có thể gửi
phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các
đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi
sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.
Cũng mong quí độc giả nào
phát hiện có truyện dự thi đã sao chép từ một truyện khác, xin gởi thông tin về
cho Ban tổ chức qua email: gopnhattho@yahoo.com – Khi có đầy đủ bằng
chứng xác thực, chúng tôi sẽ loại bài đó và cả những bài khác của cùng tác giả
ra khỏi cuộc thi.
Xin chân thành cám ơn các
trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám
ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi
cuộc thi. Chúc tất cả một Mùa Phục Sinh đầy ơn phước Chúa.
Qui Nhơn, ngày 08-04-2015
Thay lời Ban Tổ chức
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
BÀI DỰ THI
ĐƯỜNG VÀO…
Tốt nghiệp đại
học với tấm bằng loại ưu ngành kĩ thuật công trình xây dựng, anh xin được một
công việc ngon lành cho một công ty xây dựng có tiếng. Anh được phân công làm
giám sát hai công trình lớn ở thành phố, những tưởng đó là cơ hội cho anh phát
triển sự nghiệp, thì đó lại là nguyên do khiến anh bị hạ cấp, bị đưa về làm
giám sát cho một công trình nhỏ vùng quê ven đô này. Cái nguyên cớ cũng dễ
hiểu, anh “non nghề” nên không phát hiện được các mánh lới của các đội thợ
chuyên nghề “rút ruột” công trình, khi phát hiện ra, anh tố cáo thì bị những
sếp đã nuốt đầy bụng kia chèn ép, lập mưu hại anh, và thế là anh…bay. Lần cuối
đi kiểm tra công trình, anh nghe được người ta nói với anh rằng: “Không bị đuổi
thẳng đã là may đời rồi đấy, ngon hả, ăn không biết đường mà ăn”. Anh thở dài,
buồn, tức!
***
Ngày đầu về công trình mới này, anh đi kiểm
tra tất cả các hạng mục đã thi công trước đó để nắm bắt tình hình ở công trình
mới này. Anh ngạc nhiên phát hiện ra rằng tất cả các hạng mục đều đạt tiêu
chuẩn thiết kế. Quái lạ, chẳng lẽ còn có chiêu ăn bớt nào cao tay đến thế? Câu
hỏi cứ ám ảnh anh, khiến anh quyết tâm “điều tra” cho kì được.
Suốt giờ lao động, anh có mặt tại công
trường, tất cả các phần việc đều nằm trong tầm ngắm của anh, chỉ cần một dấu
hiệu nhỏ thôi là anh sẽ phát hiện ngay. “Tôi đây tinh đời rồi, không còn dại
nữa đâu, tôi mà tìm ra thì các người biết tay tôi”, anh nghĩ như thế suốt buổi.
Một tuần, hai tuần, ba tuần …rồi một tháng, hai tháng trôi qua, anh vẫn chẳng
nhận thấy bất kì một dấu hiệu khả nghi nào hết. Trái lại, anh còn nhận ra là
đội thợ này làm việc rất chăm, rất vui vẻ và đoàn kết với nhau, cứ như thể họ
đang xây nhà cho chính họ ở không bằng.
Không tìm được chứng cớ trực tiếp, anh nghĩ
ra kế sách để lừa tụi này vào tròng. Anh kéo riêng người trưởng cai ra một góc
kín, lịch sự mời ông một điếu thuốc rồi tỉ tê câu chuyện. Biết gia cảnh của cả
đội thợ đều là những người vùng quê nghèo, anh tỏ vẻ cảm thông. Rồi anh vào đề:
“Anh trưởng cai này, thật ra, anh em mình đều khó khăn cả, nếu chỉ chờ vào đồng
lương thì không đủ sống, với lại công trình này cũng là của nhà nước, thế nên
nếu các anh muốn có chút ít để mà uống cốc bia, thi thoảng gọi là cải thiện đời
sống thì cứ khéo mà làm, chỉ cần các anh đừng quên phần em là được rồi”. Đang
ngậm điếu thuốc trên miệng, người đàn ông dừng lại, từ từ bỏ điếu thuốc xuống,
chăm chú nhìn anh, vẻ mặt rất lạ. Ánh mắt đó làm anh lúng túng, không biết cái
nhìn này là ý gì, anh hồi hộp chờ bên kia lên tiếng. Khẽ thở dài, người đàn ông
có mái tóc hoa râm buông nhẹ: “Anh kĩ sư này, tôi nói thật, anh thông cảm, tôi
hiểu là cái thời này chuyện ăn rút, ăn trộm, ăn cắp nó như là đương nhiên. Tôi
cũng không chê trách hay coi thường anh, nhưng tôi phải nói thẳng với anh là từ
ngày tôi đi làm xây dựng tới nay, khó nhọc, khốn khổ nhiều, nhưng thợ của tôi
chưa bao giờ tôi cho phép họ làm những điều trái lương tâm như thế đâu anh ạ.
Anh thông cảm, chúng tôi là người Công Giáo”. Anh như bị dội gáo nước lạnh vào
mặt, bất chợt, anh đứng ngây người, không biết nói thế nào nữa, điếu thuốc lá
trên miệng anh không kịp bỏ ra, anh luống cuống. Người đàn ông hút thêm một hơi
thuốc rồi vứt xuống nền đất, đưa chiếc ủng dẫm cho tắt khói rồi bước qua mặt
anh, bỏ đi. Anh hoàn hồn, rút điếu thuốc ra, ném nhẹ xuống đất. “Mẹ kiếp, hắn
dám xúc phạm mình như thế này à? Nhục. Nhưng mà có khi nào hắn nói thật
không?”… Nghĩ ngợi một lúc, anh bỏ đi, không quên dẫm mạnh lên điếu thuốc còn
đang khói. “Được rồi, ông sẽ vạch mặt tụi mày ra”.
Những tối sau đó, anh cất công lên công
trình, ngồi gọn trong một góc của gian phòng bảo vệ chẳng khi nào có người,
ngay đầu công trình. Anh tin chắc rằng đám thợ kia vẫn có cách nào đó lấy trộm
vật liệu trong kho đem bán ban đêm, muốn ăn mà không muốn chia cho mình, vậy
nên anh ngồi rình ở đó, hy vọng sẽ bắt được quả tang. Hơn một tuần, anh không
bỏ tối nào. Anh thấy mệt mỏi vì thiếu ngủ. Mấy ngày sau anh không lên công
trường…
Nằm trên giường, anh cứ miên man suy nghĩ về
ba từ Đạo Công Giáo mà người đàn ông kia đã nhắc tới. Anh nhớ lại hồi học đại
học, anh cũng có một người bạn xưng là người Công Giáo. Anh bạn này cũng khác
biệt: không nói bậy bạ, không đàn đúm karaoke hay chơi games cùng đám bạn,
không chịu đóng tiền “đút” giáo viên bao giờ, dù nhiều lần bị giáo viên trù cho
điểm thấp. Anh càng nghĩ càng thấy lạ. Hồi đó, cả lớp anh đều cho là anh bạn đó
có vấn đề, cổ hủ, không thức thời, ngu. Riêng anh thì chỉ thấy lạ thôi, anh
không ghét anh bạn đó, vì anh ta là một người tử tế, lịch sự, hài hòa và vui
vẻ. Hình như cách đây không lâu, anh vô tình lướt Facebook thấy anh bạn đó đăng
một tấm ảnh mà anh cùng vài người khác mặc một bộ đồ đen dài từ cổ xuống chân.
Anh đọc một lượt các bình luận, cứ thấy người ta chúc mừng và gọi anh bạn đó là
“thầy”. Còn một điều nữa cứ vẩn vơ trong tâm trí anh, đó là những buổi đi
“rình” đám thợ, anh phát hiện ra là mỗi tối, cả đám thợ tập trung lại rồi cùng
rầm rì đọc đi đọc lại mấy câu “thần chú” nhà đạo thì phải. Gì đó mà anh chỉ
nghe được mấy câu “kính mừng Ma…” gì đó, và nhiều nhất là từ “a-men” thì phải.
Lạ thật, đám thợ này không biết chơi bài bạc về đêm như các đám thợ khác mà anh
đã từng làm việc cùng. “Niệm chú” xong, tắt điện, ngủ. Nghe nhiều, anh không
thuộc nhưng anh biết lúc nào sẽ đọc câu “a-men”, nhiều lần, vô thức anh cũng
buột miệng “a-men” theo nhịp của những lời đám thợ đọc. Xem ra đội thợ này là
người tốt thật!
Trưa ngày thứ ba, anh nhận được cuộc gọi của
người trưởng cai đoàn thợ hỏi về một số vấn đề kĩ thuật. Anh thấy mình thật sự
mệt nhừ, chân tay rã rời, miệng khô khốc, nhạt tệch. Ừm, mấy ngày nay anh chỉ
ăn mì gói thôi mà.
Cộc. . cộc. . cộc…, tiếng gõ cửa khá mạnh đưa
anh ra khỏi cơn mơ màng. Ai mà lại đến thăm mình nhỉ, từ ngày về đây có quen ai
đâu. Anh tính dậy mở cửa, nhưng không ổn rồi, hình như đôi chân đang đặt trên
giường là của ai đó, không phải của anh nữa. “Anh kĩ sư có nhà không vậy?”, có
tiếng người đàn ông cất lên. “Vào đi ạ”, anh cố cất giọng, the thé. Hình như nó
không đạt “vô-lum” như anh mong đợi. Cánh cửa từ từ mở, ánh sáng bên ngoài làm
anh lóa mắt, lúc người khách tới gần giường mình anh mới nhận ra đó là một
người đàn ông có mái tóc hoa râm: Ông trưởng cai! Anh tính cố ngồi dậy thì
người đàn ông đã vội giữ vai anh lại: “Chú cứ nằm nghỉ đi, lúc trưa, nghe giọng
chú anh đã đoán là chú không khỏe rồi, nhưng không ngờ chú lại nặng thế này.
Thế mà cũng chẳng cho anh biết tình hình gì cả”. Anh cười gượng gạo, hỏi một
câu không ăn nhập gì: “Mấy giờ rồi anh?” – “Ba giờ hơn rồi, chú bị sốt cao đấy,
nằm nghỉ, chờ anh một chút, anh chạy ra chợ kiếm cho chú bát cháo với mấy liều
thuốc”. Người đàn ông bỏ đi vội tới mức làm anh chưa kịp nghĩ ra phải nói thế
nào với người đàn ông. Cánh cửa khép lại, tiếng xe máy nổ nhỏ dần… Đầu óc anh
lại ngập tràn những ý nghĩ mông lung: sao anh trưởng cai này lại tốt thế nhỉ?
Mà mình có cho ai ở đội thợ biết địa chỉ đâu…. Anh ấy tốt thế, vậy mà mình lại
nghĩ xấu cho họ như thế, tội thật. Mà bây giờ biết nói thế nào với anh ấy đây…
Chập chờn hình ảnh mẹ anh hiện về trong tâm trí, mẹ đến gần, đặt tay lên trán
anh, kéo cái chăn mỏng đắp cho anh những ngày anh ốm. Anh cảm nhận sự ấm áp và
mềm mại của bàn tay mẹ anh… “Dậy ăn chút cháo cho khỏe chú kĩ sư ơi. ” Giọng
người đàn ông làm anh tỉnh giấc, nhận ra đó không phải bàn tay mẹ anh, nhưng là
chiếc khăn ấm ai đó mới đặt trên trán anh. Anh ngoan ngoãn nuốt từng thìa cháo
mà người đàn ông đưa vào miệng anh. Lạ thật, anh không phản kháng, không thắc
mắc… Tình thương là cái gì đó đi qua được tất cả các rào cản vững chắc nhất của
con người!
Chiều hôm đó, anh đã bộc bạch tất cả những ý
nghĩ, cả những hành động của anh nhằm “vạch trần” đội thợ của người đàn ông.
Người đàn ông nhìn anh chăm chú lắng nghe, thi thoảng lại mỉm cười, lắc nhẹ cái
đầu, nhìn bâng quơ ra phía cửa sổ… Khi anh nói lời xin lỗi, như để kết thúc
mạch kể chuyện, hay đúng hơn là màn thú tội của mình, người đàn ông cười, nhìn
lên trần nhà: “Tôi chẳng trách chú đâu, thời buổi này, tin tưởng nhau là một
cái gì đó quá xa xỉ, kiếm đâu được mấy người đáng tin! Chú nghi ngờ chúng tôi
cũng là hợp lí thôi mà”. Anh buột miệng: “Nếu ở đâu cũng là thợ xây Công Giáo
cả thì tụi em đỡ khổ!”. Người đàn ông cười vang: “Này, anh nhắc chú là không
phải người nào mang danh có đạo cũng đều đáng tin cả đâu”. Anh đăm chiêu, vẻ
mặt ngơ ngác. Người đàn ông hiểu được thắc mắc của anh, tiếp: “Thật sự là có
nhiều người theo đạo Công Giáo, nhưng họ không sống đúng theo đạo dạy chú ạ.
Cũng vì những người đó mà người ta nghĩ xấu cho đạo Công Giáo của anh nhiều
lắm”. Người đàn ông buông một tiếng thở dài, vẻ mặt buồn, nghĩ ngợi gì đó xa
xa…
Tối đó, căn phòng trọ của anh tắt điện khá
sớm, nhưng trong phòng vẳng nghe tiếng hai người đàn ông nói chuyện, một người
trẻ, một người trung tuổi. Họ nói với nhau gì đó, lâu lắm, chẳng biết nữa, chỉ
nghe loáng thoáng vài từ: Đạo Công Giáo…Giêsu…Maria…
Hết giờ làm trưa hôm sau, người đàn ông mang
đến hai xuất cơm hộp, kèm theo một quyển sách nhỏ, nói với người thanh niên:
“Đây, chú ở nhà, có thời gian rảnh thì đọc cuốn này, Thánh Kinh đấy, đọc mà
biết rõ về Đức Giêsu hơn, khỏi thắc mắc”.
Những ngày sau đó, anh đọc nghiền ngẫm từng
đoạn ghi trong cuốn mà anh bắt đầu tin là Sách Thánh. Rồi anh lên Facebook, cố
tìm lại địa chỉ của người bạn Công Giáo xưa, sau nhiều lần ngần ngại, cuối
cùng, một tin nhắn đã được gửi đi kèm theo với một “yêu cầu kết bạn”. Mọi sự cứ
đẩy đưa, từ lúc nào, anh đã bị các giờ “niệm chú” của đoàn thợ cuốn hút, anh
hiểu ra đó là lúc người Công Giáo cầu nguyện với người Mẹ của mình ở trên trời:
Mẹ Maria.
Bip…bip…tiếng âm báo điện thoại làm cho hai
người đàn ông đang bàn việc dừng lại. Người trẻ hơn rút điện thoại lên, xem
giờ, cười: “Thôi, tới giờ em học giáo lý “online” với người thầy bạn của em
rồi, anh cứ tiếp tục làm như vậy đi nhé”. Người đàn ông có mái tóc hoa râm
cười, vỗ vai: “Được rồi, chú học cho tốt nhé!”.
Dòng đời cứ trôi, những đàn chim sẻ vẫn bay
lên, đáp xuống trên triền đê của ngôi làng vên đô, những người công nhân cứ ngày
ngày miệt mài, tiếng kinh nguyện vẫn đêm đêm vang vẳng; cảnh sắc đất trời cứ
ngày ngày thay đổi một cách vô tình. Và, thế giới của người thanh niên kia cũng
thay đổi. Anh thay đổi suy nghĩ của mình về ý nghĩa cuộc đời, về mục đích của
đời người, của sự hiện diện của anh trên cõi đời này, của việc anh bị “đày” về
công trình nhỏ này… Anh như sống một đời sống khác, một đời sống có sự hiện
diện của một người có tên là Giêsu.
***
Người thanh niên mặc chiếc áo đen từ cổ tới
chân ngồi chấp tay, nhắm nhẹ đôi mắt trước chiếc máy tính đang mở trang
Facebook. Có giọt nước mắt đang luồn lách qua mí mắt anh. Trên màn hình vẫn còn
hiện vài tin nhắn đến: “Thầy bạn ơi, hôm nay, cha xứ đã kiểm tra giáo lý của
mình rồi, cha hỏi “Con biết gì về đạo Công Giáo mà con định theo?”, mình trả
lời không ấp úng: “Với con, Chúa là một người rất mực thương con và mọi người.
Chúa từ trên trời xuống làm người để giải thoát con người và cho con người được
biết về chính Thiên Chúa. Con nghĩ, nếu hôm nay Chúa Giêsu mà xuống thế làm người
nữa, có lẽ Chúa sẽ là một người thợ xây hiền lành. Chính Chúa đã cho con biết
được ý nghĩa đời con: Chúa muốn con sống hạnh phúc, Chúa yêu thương con cha ạ.
” – “Thế con nghĩ sao về các điều phải giữ khi theo đạo?”, cha hỏi tiếp. Mình
đã cười và nói thế này nè: Giống như những người thợ xây phải nghe theo các chỉ
dẫn của con, là một kĩ sư, để có được một công trình tốt đẹp, thì con nghe theo
các chỉ dẫn của Chúa để đời con được tốt đẹp, được hạnh phúc. Với lại, Chúa dạy
toàn những điều tốt đẹp, cớ sao mình không làm cha. Cha hỏi câu cuối: “Thế con
đã nhờ người đỡ đầu cho con chưa vậy?”. Mình trả lời ngay: Dạ, anh trưởng cai
đoàn thợ sẽ đỡ đầu cho con, có được không, thưa cha?. . . . ” Dòng nước mắt đã
lăn dài trên khuôn mặt phúc hậu đang đầy vẻ hạnh phúc của người thầy tu mặc
chiếc áo đen dài từ cổ tới chân…
Chuông nhà thờ đổ…. . Lễ đêm Phục Sinh…
***
Tôi kết thúc câu chuyện ở đây. Có người nói
tại sao không viết tiếp cho câu chuyện có kết. Tùy bạn thôi! Có người sẽ cho
anh kĩ sư trở thành một Kitô hữu tốt, người khác muốn cho anh đi tu, làm linh
mục… Tùy bạn thôi! Với tôi, đến với Chúa, đi theo Chúa là một hành trình. Còn
cái nhan đề, sao nó cũng lấp lửng, không trọn vẹn. Cũng tùy bạn thôi! Bạn có
thể thêm vào đó là đường vào đạo, đường vào hạnh phúc, đường vào thiên đàng…
Tôi muốn kết lại câu chuyện như vậy để mỗi người cũng đi tìm, đi tìm chính
mình, đi tìm người anh em, đi tìm Chúa, đi tìm “Đường vào”…. Người kĩ sư đó là
ai? Có thể bạn đã gặp đâu đó trên đường đời, có thể là chính bạn! Người đàn ông
có mái tóc hoa râm kia là ai? Tôi mong đó là sếp bạn, là người thân của bạn, là
tôi, là chính bạn! Người thầy tu mặc chiếc áo dòng đen kia là ai? Bạn hãy đi
tìm những câu trả lời trong chính cuộc sống mình. Riêng với ai là người Kitô
hữu, tôi mong họ đều là những người thợ trong đội thợ xây kia!
QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG
Tiếng chuông
nhà nguyện vang lên, nó cùng các chị em dự tu bước vào thánh đường, quỳ trước
tôn nhan Chúa và bắt đầu cầu nguyện. Giờ phút linh thiêng nhất sau một tháng
học tập mệt mỏi chính là lúc này. Chị em mỗi đứa một nơi cứ tới ngày này của
tháng lại tụ họp bên nhau, và hơn hết là được cùng nhau ngắm Mình Thánh Chúa,
chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng Người. Không khí thinh lặng tĩnh mịch đến
lạ thường, thoang thoảng đâu đó mùi hương trầm hòa quyện với bao sắc hoa trang
trí trên cung thánh, tất cả tạo nên một thiên đường hạnh phúc. Nó mơ hồ trong
khoảng không gian vô định, chợt nghe có tiếng ai đó gọi: “Hãy bước đến cùng
Ta”, và văng vẳng bên tai: “Hãy quay trở lại”. Quay đầu nhìn về hai hướng, nó
mông lung dừng bước lựa chọn. . .
***
Hai năm cho một
mối tình đầu, nó tình cờ quen hắn trên facebook vào đầu năm thứ 2 của thời sinh
viên. Câu chuyện bắt đầu bằng một lời khen qua mạng: “Nhìn bạn nhỏ nhắn dễ
thương nhỉ”. “Miếng ngọt lọt tới tai”, thế là nó và hắn bắt đầu quen nhau. Nó
không ngần ngại nói với hắn mình là một dự tu và mãi mãi sẽ theo Chúa nhưng hắn
chấp nhận tất cả. Một tháng, hai tháng nó và hắn chỉ là bạn với đôi dòng tin
nhắn hỏi thăm sức khỏe, học tập. Ba tháng, bốn tháng lại là anh em với hàng
chục tin nhắn báo hiệu cho tình yêu bắt đầu nảy nở như nụ hoa dần hé mở. Tình
cảm ấy lúc đầu chỉ là thử yêu nhưng ngày một lớn dần, đôi bạn tâm giao tình cờ
ngày nào không ngẫu nhiên mà yêu nhau dù rằng mỗi đứa mỗi nơi, mọi vui buồn
trong cuộc sống hàng ngày đều được san sẻ cùng nhau, chính điều đó đã gắn kết
nó và hắn với nhau. Khoảng thời gian ấy nó chỉ nghĩ đến hắn để rồi tự biện hộ
cho bản thân: “Hãy thử yêu để vững chắc hơn trên con đường tu trì sau này”.
Ngày ấy, cái
“tôi” của nó quá lớn để chấp nhận mình yếu đuối. Nó tự tin cho rằng mình sẽ không
dễ gì sa ngã như những người khác. Họ không làm được nhưng mình sẽ làm được.
Trong ý nghĩ non nớt của nó: “Yêu để sau này không phải vấp ngã, yêu để mạnh mẽ
hơn trong tình yêu Chúa”, mà quên rằng đó có thể là khởi đầu cám dỗ của ma quỷ.
Thế nhưng Chúa lại ưu ái cho nó, nó may mắn vì gặp được hắn - một anh chàng đạo
gốc rất sốt sắng, lại thấu tình đạt lý, hiền lành và tốt bụng. Dù biết nó có ý
định đi tu nhưng vẫn chấp nhận yêu đến khi nó đưa ra quyết định cuối cùng, tình
yêu trong sáng ấy càng làm nó bấp bênh hơn.
Hai năm yêu nhau chỉ vỏn vẹn hai lần gặp gỡ,
tuy xa mặt nhưng không cách lòng. Mỗi lần gặp nhau là một lần để quan tâm nhau
hơn, đó thật sự là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Trải qua những giận hờn,
trách móc nó lại càng thấm thía cái cảm giác yêu, hiểu và thông cảm cho nhau
nhưng trên hết tình yêu Chúa vẫn luôn định hướng nó. Sở dĩ nó giấu vì không
muốn mọi người hiểu sai tình yêu của nó, cho nó là kẻ làm tôi hai chủ. Nhưng
nào ngờ “kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra” . . .
- Sao mày lại
sống giả tạo như thế hả con kia?- Chị Hai nghiến răng hét vào mặt nó.
- Mày dối trên
lừa dưới thế mà tu với chả không. Đồ hai mặt!
Lời nói như xé
từng thớ thịt nó. Tim nó như ngừng đập, đau đớn đến tột cùng, hai hàng nước mắt
lăn dài trên má, tay chân bủn rủn vì lo sợ một điều gì đó sắp xảy đến, cổ họng
nghẹn ứ không nói nên lời. Chị nó vẫn tiếp tục. . .
- Mày như thế
mà bày đặt đi lễ, đọc kinh… Cái thứ giả dối!- Chị nó thốt ra những lời mỉa mai
chua chát mà không biết rằng lòng nó đau gấp ngàn lần.
Nó đã cố giấu
mọi người suốt hai năm qua, nhưng chị nó lại vô tình đọc được tin nhắn điện
thoại lúc nó không có ở nhà. Tất cả như hình phạt cho cái tội giả dối. Nó rơi
vào bế tắc, tuyệt vọng. Phải chăng đây là cách để nó chấm dứt tất cả. Nhưng
không… Nó thững người lại, nó không thể làm thế ngay lúc này, vì hắn đang phải
trải qua kì thi học kì. Nó đắn đo và rồi cố nuốt nước mắt chịu đựng trước những
lời nói cố chấp bắt tội của chị nó. Đêm nào nó cũng khóc, khóc để vơi đi tất
cả, khóc để lòng nhẹ nhõm hơn, khóc để ngày mai bước tiếp. Ai cũng cho đó là
sai trái và giả dối nhưng nào có ai hiểu, biết đâu đó có thể là thử thách Chúa
đặt ra cho nó vì nó cũng đâu muốn thế, cứ như một định mệnh đến rồi đi âm thầm
lặng lẽ quấn lấy nó. Bên trong thâm tâm, nó nghĩ rằng tất cả là thử thách của
Chúa chứ không phải là cám dỗ đời thường vì những lúc tưởng chừng như vấp ngã
Chúa lại thức tỉnh nó, giúp nó trưởng thành hơn trong suy nghĩ, lời nói và hành
động mà chỉ mình nó biết.
Thời gian thấm
thoát trôi qua mang theo tình yêu lớn dần cùng năm tháng. Năm cuối của đời sinh
viên, mỗi lần gặp, Soeur giáo lại hỏi về dự định sắp tới của nó. Nó phân vân,
do dự hẹn soeur vào tháng sau dù biết mình đang muốn hướng về bên nào nhưng
nghĩ đến hắn nó lại muốn vẹn cả đôi đường. Cứ như thế, thời hạn tìm hiểu ơn gọi
ba năm cũng đã gần hết, các chị em ai cũng đã đưa ra quyết định của mình, chỉ
có mình nó lúc nào cũng lo toan với mớ suy nghĩ hỗn độn. Nó chần chừ vì sợ mình
sẽ đi sai ơn gọi của Chúa, nó lo lắng vì sợ hắn sẽ không thể vượt qua nổi vì
tình yêu mà hắn dành cho nó có lẽ là quá lớn (nó cảm nhận điều đó). Lúc nào nó
cũng lẩm bẩm: “Lạy Chúa, nếu là thử thách Chúa muốn con vượt qua thì xin Chúa
hãy soi sáng, để con đưa ra quyết định đúng đắn theo như ý Chúa muốn”.
Thỉnh thoảng
dòng tin nhắn lại đến: “Anh sợ sẽ mất em. Đêm nào anh cũng mơ thấy mình xa
nhau. Dù biết mình phải tôn trọng quyết định của em nhưng giờ này với anh em là
tất cả. Anh sẽ chết mất nếu không còn em bên anh”. Lòng nó như thắt lại, cảm
giác lạnh đến thấu xương.
Và thỉnh
thoảng cha xứ lại bảo: “Đi tu đi con. Đời sống tu sẽ rất tốt cho con. Cha thấy
con có ơn gọi đó”. Mỗi khi gặp, soeur giáo lại hỏi: “Sao rồi con? Quyết định
nhanh để soeur còn chuẩn bị đồ nhập dòng chứ. Ai cũng xong cả rồi còn chờ mỗi
mình con thôi” . Tất cả cứ quanh quẩn trong đầu nó: “Làm sao để trọn vẹn cả đôi
đường, Chúa ơi?”. Nhiều lúc nó muốn phát điên lên…và ước đó chỉ là cơn ác mộng…
***
“Chúa ở cùng
chị em”, câu chúc lành của cha linh hướng vang khắp nhà nguyện làm nó giật thót
người. Thì ra nó đã quỳ như thế cả buổi, giờ kinh đã xong, giờ chầu cũng đã đến
hồi kết thúc. Nó bối rối đứng dậy trước hàng chục ánh mắt hướng về nó tự lúc
nào, mặt nó đỏ bừng, đôi chân chùng xuống vì tê buốt, hai hàng nước mắt vẫn còn
đó. Hướng lên Thánh Thể Chúa nó bỗng thấy lòng thanh thản, thì ra nó thuộc về
nơi này. Tất cả mọi thứ đều trở nên tươi mới giống như lòng nó ngay giờ phút
này. Dường như tình yêu đôi lứa mong manh trong nó đã nhường chỗ cho tình yêu
Thiên Chúa vô bờ. Một luồng gió nhẹ khẽ len lỏi qua ô cửa kính loang khắp nhà
nguyện, không khí thật ấm áp nồng nàn. Nó chợt nhận ra hình như xuân đã về, câu
lời Chúa lộc xuân mà nó vô tình hay hữu ý hái được sáng mồng một tết lại thánh
thót vang cả không trung: “Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc của con” (
Tv 15 ). Nó thầm xin Chúa luôn đồng hành giúp đỡ người ấy vượt qua mọi khó
khăn, đau khổ và nhanh chân bước lại gần soeur giáo thỏ thẻ bên tai người:
“Soeur ơi! Con đi tu nha”. Một chân trời mới mở ra trước mắt nó với những niềm
vui hay nỗi buồn mà chỉ có Chúa biết. Cảm tạ Hồng Ân Chúa. Nó nhận ra tình yêu
trần gian rồi sẽ có lúc tàn, chỉ có tình yêu Thiên Chúa là vĩnh hằng mãi mãi.
TIA SÁNG NIỀM TIN
Trời đã tờ mờ sáng, sau
khi dìu Tâm vào phòng, chị mỏi mệt lảo đảo bước ra. Ngó bâng quơ vô định hồi
lâu, chị thọc tay vào túi áo lôi ra tờ giấy xét nghiệm được gấp làm đôi, chị
muốn xem lại nó lần nữa. “Nhỡ bác sĩ nhìn nhầm thì sao?”, cái suy nghĩ ấy
thoáng xuất hiện gợi lên trong chị chút hy vọng mong manh thật. Cầm tờ giấy,
tay chị run run ớn lạnh bởi nó như bản án tử mà hôm qua chị nhận được từ tay
bác sĩ. Chị vẫn chưa tin những gì đang xảy ra, phải chăng tất cả là một cơn ác
mộng, và trong cơn ác mộng đó, chị sắp phải mất đứa con độc nhất của mình. Chân
tay chị bủn rủn, mềm dần ra, và khi cảm thấy không còn khả năng trụ vững nữa,
chị thả mình rơi bịch xuống nền nhà. Tờ giấy xét nghiệm chị vẫn nắm chặt ở tay.
Sự hoang mang dần dà xâm chiếm lấy chị không một chút thương tiếc. Nhưng lúc
này chị phải mạnh mẽ, chị tự nhủ với mình như vậy, chị phải mạnh mẽ vì Tâm, chị
phải kiên cường vì Tâm. Chị ước tờ giấy xét nghiệm này là của chị chứ không
phải của bất cứ ai trong ngôi nhà bé nhỏ này. Mà còn có ai nữa đâu, ba Tâm bị
tai nạn và mất khi Tâm đang bập bẹ gọi ba, chị ở vậy nuôi Tâm cho trọn nghĩa, căn
nhà nhỏ có lẽ sẽ thêm hiu quạnh nếu một mai thiếu Tâm.
Liếc nhìn qua chồng sách vở vừa được Tâm bao
bọc dán nhãn cẩn thận mấy hôm trước mà nước mắt chị cứ ứa ra, lem nhòa. Không
phải chị tiếc vì phải bán tháo đàn gà để mua mới chúng, nhưng chị khóc vì nghĩ
tới niềm vui không được trọn vẹn của Tâm, còn cái cặp mới để trên kệ là phần
thưởng cho những nổ lực học tập của Tâm. Chị biết Tâm không đua đòi theo chúng
bạn nhưng chị không muốn vì nghèo mà Tâm phải thiếu thốn những gì cần thiết cho
việc học. Chị vẫn chưa quên ánh mắt tươi vui, hạnh phúc cùng những nụ cười giòn
tan của Tâm khi nhận được chiếc cặp mới.
-Cặp này đẹp
quá, mẹ mua cho con hả mẹ?
-Ừm, mẹ mua
cho con. Mẹ thấy cặp con cũ quá rồi, cái quai mẹ may lại mấy lần mà cũng bứt ra
rồi còn gì. Con thấy cặp mới sao, con thích màu này phải không?- Chị nở nụ cười
hiền, âu yếm áp cái cặp vào ngực Tâm. Mùi nhựa mới và hình dáng thời trang của
chiếc cặp như luồng gió xuân mát rượi quấn quýt vây kín lấy Tâm khiến Tâm không
khỏi thích thú reo lên sung sướng: “Thiệt hả mẹ, ôi sướng quá! Đẹp quá!”._Chị
cũng cười tít cả mắt theo Tâm, chị không ngờ Tâm lại thích thú đến thế, nếu chị
biết Tâm thích như vậy thì chị đã mua sớm hơn.
Chợt Tâm ngước
lên chị, phân vân hỏi:
-Nhưng mẹ ơi!
Cái này đắt không vậy mẹ?
-Không, cũng
rẽ thôi con.- Chị biết Tâm đang lo chị không có tiền, mấy ngày nay chị cứ loay
hoay, chạy ngược chạy xuôi mượn tiền đóng học phí cho Tâm, chẳng may Tâm nghe
được…Chị áy náy, Tâm buồn. Tâm nhìn chị, ánh mắt đượm buồn và có chút gì đó khó
xử, chị có thể dễ dàng nhận ra điều đó trong ánh mắt trong sáng của Tâm.
- Con đeo cặp
cũ không sao mẹ ạ, nó vẫn còn tốt lắm mà.
- Mẹ thấy nó
cũ quá, hình như mẹ mua nó cho con cũng đã bốn năm rồi còn gì! Con cố gắng học
thật giỏi là mẹ vui rồi.- Chị cúi xuống hôn lên trán Tâm khích lệ. Trong chị
bỗng dậy lên bao niềm hạnh phúc khó tả. Với chị, đó là một hồng ân tuyệt vời
Chúa ban cho chị. Tâm ôm chiếc cặp vào ngực xoa xoa như để thỏa niềm vui thích,
miệng lia thia cười nói: “Dạ, con cám ơn mẹ, con sẽ cố gắng hết sức!”.
Nhưng hôm nay
lại khác, vẫn cái không gian này, vậy mà chị lại có cảm giác nó như một khối bê
tông khổng lồ đang ra sức nhấn chìm chị xuống đầm lầy, chị thấy ngột ngạt và
muốn nổ tung ra. Tiếng rên rĩ khe khẽ của Tâm vọng ra từ căn phòng như từng lát
dao cứa vào tim chị, chị thấy tim của chị đau thật đau, chị muốn chạy thật
nhanh vào phòng để ôm lấy Tâm mà khóc. Nhưng chị không muốn Tâm biết những gì
chị đang biết, chị đành nắm chặt bàn tay đấm thình thịch vào ngực mình cho vơi
đi nỗi đau. Từ hồi đêm tới giờ, chị không chợp mắt, trên chuyến xe từ Sài Gòn
trở về Quảng Sơn, chị không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần nữa, nước mắt chị cứ
ứa ra mỗi lần Tâm đau nhức. Những đoạn đường gồ ghề là những cực hình đối với
Tâm, mỗi lần như thế, Tâm đều co rúm lại vì đau, lâu lâu Tâm lại quay sang chị
thì thào: “Mẹ ơi, con đau quá”, khiến lòng chị không khỏi xót xa. Chị ôm lấy
Tâm vào lòng mà khóc, chị ôm lấy Tâm như một bản năng, mắt chị nhắm nghiền lại
để không thấy những gì đang xảy ra, để cố gạt đi những cảnh tượng khủng khiếp
sắp đến, và để trong đầu chị lúc này không thể nghĩ gì khác ngoài việc ở gần
Tâm. Những lời bác sĩ cứ vang lên trong đầu chị, “Xin chị bình tĩnh… Chúng tôi
rất tiếc khi biết bệnh tình của con chị… Cháu bị ưng thư máu giai đoạn cuối…”.
Chúng như lũ ruồi đáng ghét đang bay loanh quanh dày đặc khắp nơi, chúng phát
ra những tiếng vo ve thật ù tai nhức óc, chúng khiến chị muốn hét lên những lời
than phiền trách móc: “Đáng ghét… Thật đáng ghét… Cút đi!”.
***
Bên ngoài, mặt trời đã nhô lên cao khỏi rặng
núi phía xa, ánh sáng len lỏi xuyên qua cánh cửa dọi vào ngay chổ chị. Chị ngồi
bật dậy, tự nhủ với lòng mình là phải mạnh mẽ, mà không, chị phải thật mạnh mẽ
mới được. Ngoài thời gian chị ở bên cạnh Tâm, công việc của chị là sắc thuốc,
sáng- trưa- tối, nghe ai mách thầy nào thuốc nào là chị không ngại đường xa,
vay mượn tiền bạc để mua về, nhưng những mảng tím trên da và những cơn đau nhức
của Tâm thì ngày một nhiều hơn. Thoáng đó mà đã năm ngày từ khi chị và Tâm từ
Sài Gòn trở về. Tối hôm đó, đang loay hoay sắc thuốc dưới bếp thì chị cứ có cảm
giác hồi hộp, tim chị đập vào thành ngực nghe bình bịch… Linh cảm khiến chị
nghĩ ngay đến Tâm: “Chẳng lẽ… chẳng lẽ…Tâm…”. “KHÔNG”- Chị thốt lên một tiếng
rồi vội chạy lên nhà trên, chị càng cố chạy thật nhanh thì chân chị càng xoắn
quíu lại. Chạm mép cửa, chị đứng khựng lại khi thấy Tâm đang nằm dài trên chiếc
đi-văng đưa mắt hướng về phía chị.
-Gì mà mẹ chạy
ghê thế?- Ánh mắt đầy thắc mắc, Tâm hỏi.
Thở hổn hển,
chị ấp úng, sự lung túng lộ rõ qua đôi tay quơ quơ vô phương trước mặt chị.
-À, có chuyện gì đâu, mẹ để quên…. quên bịch
thuốc bắc ở trong phòng nên vào lấy ấy mà! Mà con đang xem gì đó, sao không vào
phòng mà nằm, nằm đây cảm lạnh bây giờ!
-Dạ, nằm ở đây
thoáng hơn, với lại tối nay có chương trình này hay lắm! À, mà mẹ đang nấu gì
dưới bếp vậy mẹ?
- Mẹ sắc ít
thuốc cho con.- Vừa nói chị vừa bước đến ngồi xuống cạnh Tâm, rồi cúi người hôn
nhẹ lên trán Tâm, giọng nhẹ nhàng: “Con cố uống thuốc để mau khỏi bệnh nghen!”.
- Mẹ ơi, bác
sĩ nói con bị gì vậy mẹ?
Tâm lại hỏi làm chị có chút bối rối. Mấy ngày
nay, Tâm cứ hỏi lui hỏi tới mỗi câu hỏi này và chị cũng trả lời đúng như những
gì đã chuẩn bị trước, nhưng thấy Tâm cứ hỏi hoài, chị đâm ra lo: “Không có gì
đâu con, chỉ bị dị ứng thôi, chịu khó uống thuốc sẽ khỏi à”.- Chị cầm lấy đôi
bàn tay của Tâm đặt lên tay chị, xoa xoa nắn nắn, dưới ánh sáng mờ mờ của bóng
đèn điện, chị vẫn có thể thấy rõ những mảng tím in rõ trên cánh tay Tâm.
- Con còn đau
lắm không con?- Chị nhỏ nhẹ hỏi.
Tâm thoáng
nhìn lên chị, chậm rãi đáp: “Dạ còn, nhưng con thấy khá hơn nhiều rồi, mẹ đừng
lo. Mà mẹ ơi…”
-Gì vậy con?
Tâm ngập ngừng
hồi lâu, vẻ ngại ngùng nhưng rồi cũng nhìn thẳng vào mắt chị: “Con yêu mẹ, con
yêu mẹ nhất!”. Chị nghe Tâm nói mà lòng thổn thức bồi hồi, chúng như cơn gió
phút chốc thổi bay những sầu khổ, lo lắng đang ứ đọng trong chị, cái cảm giác
đó đối với chị ngay khoảng thời gian này là một điều xa xỉ. Chị thấy mắt mình
cay cay vì hạnh phúc, chị nâng bàn tay Tâm lên áp vào má chị, ánh mắt đong đầy
yêu thương. Nụ cười nở tươi trên môi chị thật tự nhiên như hoa hướng dương
hướng về phía mặt trời.
-Mẹ cũng yêu
con, cục cưng của mẹ! Con là tất cả của mẹ thì sao mẹ không lo cho con được
chứ…. khờ quá!- Vừa nói chị vừa nhếch nhếch vào má Tâm.
Chị toan nhỏm
người đứng dậy thì Tâm kéo ghì chị lại, nhìn thẳng vào mắt chị: “Mẹ ơi, tối nay
con chưa đi đâu. Hồi trưa con thấy Chúa, Ngài nói hai ngày nữa Ngài mới gọi con
mẹ ạ!”-Chị chợt rùng mình, bần thần tròn hai mắt ngỡ ngàng xen chút sợ hãi,
lòng tự hỏi có phải Tâm đang ở trước mặt chị không, ánh mắt của Tâm, ánh mắt đó
như đang xuyên thấu vào tâm khảm chị và đang đọc thấy nỗi sợ hãi của chị. Chị
lúng túng nói giật lại:
- Con nói bậy
gì thế?- Chị hằn giọng xuống để bớt run nhưng hơi thở vẫn bị đứt quảng, chị
gắt: “Mẹ cấm con không được nói vậy nữa, nghe không!”.
Tâm như cảm
nhận được tâm trạng của chị, liền nhanh nhảu cười hì hì: “Con chỉ đùa thôi, mẹ
đừng giận con nha mẹ, mà không phải mẹ đang sắc thuốc à?”.
- Ôi, mẹ quên
mất, chắc là cạn nước dưới rồi, con chờ mẹ chút!
Chị đặt nhẹ
tay Tâm xuống, kéo chăn phủ lên, rồi đứng phắt dậy chạy ùa xuống bếp, dường như
những ngày qua, chị không còn biết đi bộ là gì nữa, thay vào đó là những bước
chân sãi thật dài, thật nhanh…
***
Bếp lửa đã
tàn, chỉ còn lại đôi ba hòn than hồng được phủ kín bởi một lớp tro xám đục, đâu
đó cơn gió nhẹ thổi qua làm chúng đỏ hồng lên rồi lại lịm dần đi dưới lớp tro
ngày một dày thêm, mỗi lần như thế càng khiến chúng trông yếu ớt hơn trước.
Đứng trước nồi thuốc, chị bỗng cảm thấy có một sự trống trải vô hình nào đó
đang cấu xé tâm hồn chị ghê gớm, khóe mắt chị cay cay và rồi… Chị bắt đầu khóc,
chị khóc như chưa từng được khóc, những giọt nước mắt này có lẽ đã bị nén quá
lâu trong đôi mắt ngày một thâm quầng của chị, nó nóng ran muốn phỏng cả da
mặt. Mấy ngày qua, trước mặt Tâm, chị luôn cố giấu đi sự lo lắng, giấu đi nỗi
đau sắp mất Tâm. Nhưng giờ, chị có cảm tưởng Tâm biết rõ mọi thứ. Và nếu như
thế, Tâm làm sao chịu nổi? Cái ý nghĩ quái quỷ đó băm dằm những hy vọng nhỏ
nhoi còn sót lại trong chị, nó như đám mây đen ngòm giăng ngang bầu trời hy
vọng của lòng chị để chỉ còn lại một màu xám xịt vô vọng. Trong dòng nước mắt
nhuề nhòa, chị ngước lên nghẹn ngào: “Chúa đã lấy đi chồng con, sao bây giờ
Chúa còn muốn lấy đi con của con nữa vậy Chúa? Sao Chúa nỡ đối xử với con như
vậy? Sao không để con chịu hết những đau đớn đó, sao không để con thay thế con
của con, sao vậy Chúa?!”. Rồi chị quỵ xuống, ngồi bệt trên đất. Bất chợt chị
nghe có tiếng khóc dội lại từ sau lưng, ngoái đầu lại thì…Tâm đã ở ngay trước
mắt chị.
- Mẹ!- Tâm gọi
chị, rồi nhào đến ôm lấy cổ chị, và chị cũng nhanh chóng dang rộng cánh tay để
đón lấy Tâm. Sự xúc động cùng nước mắt khiến chị không còn nói được gì, nhưng
chính lúc đó, chị lại nhận ra giá trị của sự im lặng, im lặng để cảm nhận bằng
trái tim dạt dào tình yêu của người mẹ.
***
Ngày mai táng
Tâm, chị như người mất hồn, chị thẫn thờ bước sau chiếc xe tang đưa Tâm đến nhà
thờ. Khi chiếc xe tang dừng lại trước tiền sảnh nhà thờ, lòng chị chợt dâng lên
nỗi uất hận trách móc Chúa. Chị thấy Ngài thật bất công với chị, vậy mà Ngài
lại luôn nhận Ngài là Đấng công bình, đầy lòng yêu thương nhưng lại trừ chị ra…
Suốt Thánh lễ, lòng chị rối như tơ vò, chị phân vân giữa niềm tin vào sự quan
phòng của Chúa và nỗi đau mất Tâm. Phải chi Chúa dừng lại ở chồng chị, thì chị
đã không oán ghét Chúa như bây giờ. Tiếng hát, lời đáp thưa chúc tụng vang lên
như đang cố gợi lên trong chị điều gì đó mơ hồ không xác định, chị bỏ ngoài tai
tất cả, chị vẫn gục đầu câm lặng, chị còn muốn lòng mình ra chai lỳ, khô cứng…
Bởi chị nghĩ nếu chị có thốt ra lời nào thì lời đó cũng không phải để ca khen
Chúa. Càng nghĩ chị càng cảm thấy trái tim chị se thắt lại đau đớn, chị lại
khóc nhưng bây giờ chị không biết chị đang khóc vì cớ gì, về Tâm đang nằm trong
quan tài ư, hay về đức tin đang lung lay của chị? Chị không biết nữa, có chăng
chị chỉ muốn khóc cho cạn nước mắt để chị không còn khóc được nữa.
“Kính thưa quý
ông bà và anh chị em!”- Giọng vị linh mục từ tốn nhưng trần ấm vang lên. “…Chắc
chắn Chúa cũng đang khóc thương em Tâm như khóc thương anh Lazarô trong bài Tin
Mừng chúng ta vừa nghe… Tại sao?”- Vị linh mục thinh lặng một lúc, nhìn xuống
quan tài được đặt giữa lối đi vào nhà thờ, rồi chậm rãi nói tiếp: “Vì Người cảm
thấu được những đau khổ của chúng ta, vì Người đã từng sống với thân phận con
người, với những yếu đuối của xác thịt, đó là biết đau, biết đói, biết khát… và
biết khóc thương những người thân yêu của mình như chúng ta”. Vị Linh mục lại
thinh lặng khiến không gian yên ắng như tờ, chị sụt sùi ngước mắt hướng về
ngài, mắt vẫn còn nhòe lệ. “Vậy chúng ta mong chờ gì nơi Chúa? Được sống lâu ư?
Được giàu sang ư? Được mọi thứ theo đúng ý mình ư? Hay là theo ý Chúa để một
ngày nào đó Chúa đoái thương cho ta được hưởng nhan thánh của Người”… “Tôi cũng
thấy xót xa cho em Tâm vì em ra đi khi tuổi còn quá trẻ với biết bao ước mơ còn
dang dở, nhưng với niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, tôi lại được an ủi
và vui mừng vì hành trang em mang theo là một tâm hồn trẻ thơ và lòng tín thác,
tin tưởng vào Chúa… Đó chính là điều Chúa Giêsu đã truyền dạy cho chúng ta để
được vào Nước của Ngài. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng nhau dâng em Tâm cho
tình yêu của Chúa, và với niềm tin vào sự Phục Sinh, chúng ta cùng hiệp dâng
Thánh lễ cách sốt sắng để cầu nguyện cho em sớm hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa
chúc lành và nâng đỡ hết thảy chúng ta, nhất là gia đình tang quyến. Amen”.
Những lời vị Linh mục chia sẻ như liều thuốc
bổ cho niềm tin ốm yếu kiệt quệ của chị. Chị bật khóc nức nở, nhưng bây giờ là
những giọt nước mắt của sự hoán cải. Chị cảm thấy Chúa ở thật gần và đang ủi an
chị, chị ngước nhìn lên Chúa đang bị treo trên Thập giá và cầu nguyện với niềm
tin tưởng: “Lạy Chúa, xin thương đến con là kẻ đang đau khổ, xin nâng đỡ con
trước nỗi đau mất con, xin ban thêm đức tin cho con để con biết tin tưởng vào
sự quan phòng của Chúa”. Rồi chị ngước sang di ảnh Tâm trên chiếc quan tài, thì
thầm: “Tâm ơi, mẹ yêu con, mẹ yêu con nhất!”.
CHUYẾN PHÀ CUỐI CÙNG!
May quá vẫn
còn kịp!
Một ngày rong
ruổi, hai chúng tôi bước lên phà, tìm chỗ ngồi, hít thở không khí dịu mát của
sông nước. Tôi với tay định phủi chút bụi đất sót lại trên chiếc áo khoác, rồi
lại thôi, cứ để nó bám. Còn chỗ để bám víu cũng hay!
Con người
nhiều khi tìm một chỗ bám víu cuối cùng cũng không.
Mà thôi! Lắm
khi thế mà may. May rủi trong cuộc đời vô chừng không thể định hình, định dạng,
hoặc cân lường, đo đếm.
Gặp Anh cũng
là chuyện may!
Đứa bạn hay
cười trêu tôi:
- Cái gì cũng
qui chiếu cho sự may mắn, nếu không gặp Ông ấy thì bồ đâu có kéo tui lăn lê cả
ngày trên cái lộ trình không biết tên tuổi này.
Nói xong, Nó
cười ngây:
- Nói zị thui
mừ chứ việc đáng làm, đường đáng đi!
Nhỏ bạn hay
nói: “Làm được gì cho cuộc đời này cứ làm heng, để rồi không còn kịp, để rồi
nuối tiếc muộn màng”.
Tôi vốn dĩ sợ
phải hối tiếc, sợ phải ôm mối tơ lòng vò võ suốt quãng đường dài, nên cứ hễ gặp
chuyện là lao vào bất kể ngày tháng.
- Lạy Chúa,
phần con chỉ làm được có nhiêu đó, còn lại xin Ngài hãy mang Thánh Thần đến vì
phận con yếu hèn.
Thánh Thần đến
thật!
Tôi tin thế!
Nếu không lúc
nãy khi chào về bước ra khỏi cửa lòng tôi không do dự rồi như có sức mạnh đẩy
tôi trở ngược vào, chân tôi quay bước đầu ngoảnh lại và miệng tôi cất lên lời:
- Anh có muốn
vào đạo không?
Không do dự
anh đáp lời tôi:
- Tôi có suy
nghĩ vào đạo…!
Tôi thở phào
nhẹ nhõm.
- Tạ ơn Chúa!
…
Đứa bạn réo í
ớ:
- Định ngồi đó
luôn chắc? Lên thôi!
Còn hai mươi
lăm cây số, đoạn đường không phải ngắn, so với sức cạn kiệt dần. Bù lại tinh
thần phấn chấn, phía trước là thành phố Sóc Trăng, ánh đèn bắt đầu lên, phía
trước là chùm sáng. Chiếc xe vẫn đều đều nhẹ tênh lướt trên mặt đường, mà hơn
thế nữa lòng hai đứa cũng nhẹ nhõm, không nặng nề như lúc ra đi. Tôi huýt sáo
khe khẽ bài hát… “Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là cha nhân hiền…
Thì lạy chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay con đang cần đến Chúa từng
phút giây, nhờ ơn Chúa con kiên trì tín thác kể từ đây…”.
…
Rồi cũng về
đến nhà. Tắm rửa xong, tôi leo lên giường, trùm kín chăn, định bụng rằng sẽ
đánh một giấc thẳng kè.
Quái, Không
sao ngủ được! Tôi ngồi vào bàn, bắt đầu lọc cọc gõ, con chữ nhảy múa…
Ngày…tháng. .
. năm…
Lần đầu tiên
gặp Anh khi tôi tham dự workshop do hội đồng Anh tổ chức cho những giáo viên
dạy Tiếng Anh. Anh vui vẻ hoạt bát, ai cũng khen Anh có biệt tài thu hút học
sinh và vượt trên hết anh có tấm lòng yêu thương học trò nhiệt tâm của một nhà
giáo chân chính. Tôi biết anh, nói chung là cả giáo viên cùng tỉnh biết nhau
nhờ dịp đó.
Bẵng đi một
thời gian lâu, chúng tôi không gặp, nhờ có dự án 2020 đào tạo để giáo viên đạt
chuẩn C1 chúng tôi lại có dịp gặp nhau.
Mấy người bạn
xì xầm: “Anh bị ung thư phổi”, cái tin như sét đánh xéo ngang tai.
Đêm đó tôi
chập chờn khó ngủ, ngày mai sau giờ thi mỗi người chia tay nhau trở về…
Gần hai mươi
năm đeo đuổi nghề dạy học, giờ Anh chẳng còn gì ngoài căn bệnh ung thư phổi.
Anh bắt đầu
tuyệt vọng.
- Biết sao
giờ, trời kêu ai nấy dạ!
Lòng tôi bất
an, tôi nhìn nhanh vào cuộc đời mình, những cuộc đời na ná nhau thường có kết
cục bi thảm như nhau.
Thảo nào nhỏ
cháu tôi nó dị ứng với lời nhận xét:
- Hai cô cháu
mày giống nhau như hai giọt nước!
Nó không muốn
bước vào vết xe đổ, nó không muốn sống vì người khác để rồi kết cuộc bi đát.
Tôi biết nó hằn học thế thôi, chứ nó có tấm lòng, nó lúc nào cũng nghĩ cho
người khác, nó gánh hết cái gánh nặng vào người mà không nề hà rên xiết, mà có
rên lên cũng bằng thừa, thánh giá Chúa trao, vui sướng mà vác, hạnh phúc mà vác
vì được thông phần đau khổ để chung hưởng vinh quang. .
Lắm khi phải
tạ ơn, vì chúng tôi luôn có niềm tin vào Chúa, có nơi để bám víu lúc gặp sóng
gió cuộc đời, có bến để về và hy vọng một vinh quang sáng lạn. Còn Anh, Anh kể
nằm đó trong căn nhà lạnh tong teo hoang vắng vì mọi người đã về quê ăn tết,
cái trống vắng đến lạnh người, nỗi đau lên ngôi dày vò thân xác, cô đơn xâu xé
cõi lòng.
Anh tâm
sự:Những lúc nằm một mình, cơn đau đến, không người thân bên cạnh, anh thường
lấy hình Cha Diệp ra đọc kinh, xin Cha đồng hành với anh, xin Cha thêm lời cầu
xin cho anh biết gánh chịu nỗi đau.
Tôi không
biết, nhưng có tiếng nói từ sâu thẳm tâm hồn tôi, thúc giục tôi phải làm gì đó,
một cánh tay chìa ra chẳng hạn, một sợi giây liên kết, hay chỉ là một cây gậy
chống đỡ ven đường. Tiếng nói ấy vẫn liên hồi nhắc nhở lào xào trong tâm trí
tôi.
Hôm đó sau
buổi thi, tôi dúi vào tay Anh chiếc phong bì, trong đó là bức hình Cha Diệp và
tờ 50 đô mà một người bạn đã cho từ lâu tôi cất giữ, nó là số tiền lớn nhất mà
tôi có được. Tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hành động trên đức tin của Anh.
Tôi không biết nhờ ai, nên nhờ ân đức Cha Diệp mà hướng dẫn Anh con đường đến
với tình yêu Chúa. Trong thâm tâm tôi luôn muốn Anh được quay về bên cung lòng
Cha mà yên nghỉ.
Mấy ngày sau
tôi nhận được bức mail:
“Anh rất cảm
động, bật khóc khi nhận được bức hình Cha và sự giúp đỡ của Em. Anh đã đến mộ
Cha tạ ơn như lời Em nói. Anh từ đây sẽ có Cha để tâm sự, sẽ có Cha để sẻ chia.
Anh tin rằng, Cha sẽ giúp Anh, vượt qua nỗi cô độc và biết sống chấp nhận, sống
vui tươi trân trọng từng ngày được sống”.
Tạ ơn Chúa!
Tình yêu Ngài đang đụng chạm vào trái tim Anh, xin hãy ở lại trong Anh để tâm
hồn Anh được an lành.
…
Ngày cuối năm,
một Cha dòng Đa Minh được nhờ về làm lễ an táng cho một bà cụ vừa trở lại đạo
gần chỗ trọ của anh, vì là tuần lễ các Cha trong giáo phận cấm phòng.
Gửi cho anh
chút quà. Tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Chúa, tôi chỉ làm theo tiếng
lòng, sự thôi thúc của tâm hồn và hơn thế nữa niềm tin được ơn cứu rỗi.
Có những giậy
phút gặp gỡ ngắn ngủi nhưng kỳ diệu, có cái đụng chạm nhẹ nhưng được ơn chữa
lành, tôi nhớ đến người phụ nữ bị băng huyết được ơn cứu chữa khi có niềm tin
mãnh liệt, chỉ cần đụng vào áo Thầy Giê-su. Tôi tin cuộc gặp gỡ ngày mai sẽ
mang lại cho anh niềm vui mới, niềm vui được mở mắt ra.
…
Cha trao cho
tôi tập nhật ký và nói:
- Anh bạn có
vẻ yếu quá.
Mấy ngày trước
tôi nhận được tin nhắn anh trở bệnh đau nhức, không tiền, người ta bắt đầu đòi
nợ. Anh đang cầu xin Cha để được một bàn tay chìa ra giúp đỡ anh sẽ xuống tóc.
Đời rõ khổ!
Đêm đó, tôi
lại mất ngủ, lật tập nhật ký, lòng tôi miên man theo từng câu từng chữ nhạt
nhòa. Đó là một cuộc đời của một con người đó ư? Tôi tự hỏi, có cái gì đó cay
xé trong mắt tôi, bịn rịn trong lòng tôi…
…
Tôi, đứa bé
năm tuổi, không biết đó là sự chia lìa, nó chỉ như một chuyến đi xa, ham vì
được Má dắt đi. Cái dáng còng còng của Ba tôi dõi nhìn, in chặt vào đầu tôi.
Sau này lớn lên muốn tìm Ba, tôi hỏi Má. Má hằn học! Tôi với Má luôn bị ngăn
cách, bởi sự không thông hiểu nhau. Hai đứa em tôi lần lượt ra đi, vì đói, vì
khát, vì bệnh và trên hết là vì thiếu sự quan tâm. Má tôi một mình lăn lộn nuôi
mấy miệng ăn không nổi. Bà bước thêm bước nữa! Tôi lạc lõng lại càng lạc lõng
giữa chốn cuộc đời. Tội nghiệp thân tôi! Theo ở nhà đứa bạn, ở đây tôi được
tiếp tục đi học, được nhận làm con nuôi. Được bám víu để nuôi lớn một lý tưởng…
Tôi cắn chặt
môi, đọc tiếp…
Tôi bị người
ta dằn ca nước đá và hắt vào mặt, chỉ vì tôi khát quá sau chuyến chở hàng,
chuyển hàng nặng nhọc, uống mà quên hỏi xin phép. Tôi hiểu thân phận làm con
trong ngôi nhà này. Tôi hiểu vị trí của tôi. Tôi thèm lắm một người Cha, người
Mẹ ôm tôi vào lòng, xoa dịu lúc tôi đau buồn. Cuộc đời này tệ bạc với tôi quá,
càng tệ bạc sức vươn lên của tôi càng nhiều. Tôi cố gắng hết sức học, học,
học…học để thay đổi cuộc đời.
Có những vết
đau nhói từ trong tim…
Tôi đói quá
không chịu được, để tránh những ánh mắt dò xét, những lời xỉa xói. Tôi thậm chí
đợi cả nhà ngủ say, bới tô cơm nguội chui vào toilet ngồi ăn ngấu nghiến, nước
mắt lưng tròng. Đó là số mệnh của tôi! Tôi thầm nghĩ, nếu tôi có đủ đầy cha mẹ
tôi sẽ không phải rơi vào ngõ vắng này.
Tôi không chịu
đựng được nên gấp quyển nhật ký lại, giá như tôi có thể bật khóc thành tiếng,
hay hét lên thật to có lẽ dễ chịu hơn. Tôi bật máy định viết cái gì đó. Tôi
check mail.
… Anh gửi Em
quyển nhật ký, nhờ Em viết lại dùm anh chuyện một cuộc đời, Anh muốn đọc được
nó trước khi đi xa. Nhận thấy nơi Em một tấm lòng, một tình yêu của Đức Chúa.
Tôi định viết,
rồi lại thôi, tôi muốn cầu nguyện, tôi muốn thưa chuyện cùng Chúa, tôi không
muốn làm bất cứ điều gì, tôi tín thác hoàn toàn trong bàn tay nhân từ của Chúa.
…
Tôi không thể
ngồi chờ việc gì đến! Tôi phải làm một cái gì đó và cuối cùng tôi quyết định
vượt gần trăm cây số tìm đến nơi anh trọ. Căn phòng trống trãi, nó tố cáo sự
thiếu thốn, cuộc sống quạnh quẽ vì anh bạn cùng phòng đã về quê tết. Anh rất
vui vì gặp chúng tôi, người bạn đi chung mủi lòng, tay rung rung đưa chiếc
phong bì đã tích cóp được từ những tấm lòng hảo tâm. Cô quệt vội dòng nước mắt
đang trực trào ra, rồi như không ngăn được cô thốt lên: Sao Thầy không về quê?
Tôi cảm nhận
được, hoàn cảnh của anh đã chạm đến trái tim cô, trái tim luôn được dưỡng nuôi
bằng những ấm áp, trái tim chưa bị vấy khổ đau.
Còn tôi, chỉ
biết dâng lên lời tạ ơn vì đó là hồng ân Chúa để tôi gặp gỡ những mãnh đời đau
khổ như tôi, gặp gỡ những người kém may mắn hơn tôi vì ít ra tôi vẫn được bảo
vệ trong tình yêu của Ngài.
Để rồi tôi
nhận ra ân huệ của việc chìa tay ra níu kéo người khác hợp nhất trong tình yêu
Ngài là hạnh phúc.
Anh nói: “Lúc
này anh mong ước được vào đạo vì anh nhận ra tình yêu của Chúa qua những người
con của Ngài. Ngày mai anh sẽ tiếp tục về Sài Gòn để xạ trị, niềm tin rằng Chúa
sẽ an bài mọi sự cho cuộc đời anh”.
Chia tay anh
chúng tôi hỏi tìm đường đến nhà thờ gần nhất. Đã muộn màng nhưng vẫn kịp bữa
trưa, Cha sở đã tiếp chúng tôi bằng bữa ăn đạm bạc miền quê nhưng chan chứa
tình thương. Chúng tôi đã trao phó anh vào tay Cha sở. Ngài đón nhận như món
quà quí giá.
Tôi nói:
- Công việc
Chúa giao phó cho con bao nhiêu đó, phần còn lại cậy nhờ vào tình thương của
Cha và sự linh hướng của Chúa Thánh Thần.
Cha vui vẻ
nhận lời và tiễn đưa chúng tôi ra về với lời chúc bình an, mong rằng chúng tôi
vẫn an lành trên đường gần trăm cây số quay về.
Chuyến phà
chiều tưởng muôn màng nhưng vẫn kịp để chở chúng tôi về đất liền an toàn. Nó
sánh như chuyến đò cuộc đời anh, không muộn màng vì anh kịp nhận ra người đưa
đò vẫn kiên nhẫn chờ đợi anh, nhận ra rằng bên anh vẫn còn có nhiều người luôn
sẵn sàng chìa tay ra nắm lấy tay anh.
Ngày cuối năm
tôi check mail và hạnh phúc với tin nhắn.
Chúa đã yêu
thương anh, tình trạng bệnh của anh có phần thuyên giảm, anh đang học để chuẩn
bị vô đạo, Chúa sẽ an bài cho anh.
Chúc Em hưởng
một mùa xuân bình an trong tay Chúa.
Có lẽ anh rồi
cũng sẽ không thoát khỏi cái chết vì ai cũng thế, nhưng anh vẫn kịp đi chuyến
phà cuối cùng về nhà Cha…
Tôi nhắm mắt
lại thoang thoảng đâu đó lời bài ca vang lên …
Ngày nào mang
nỗi đau tôi mới hiểu nỗi đau là gì. Ngày nào trong khát khô tôi mới hiểu phận
người ăn xin, cần một ly nước thôi, cần một bát cơm vơi chờ đợi bàn tay ai đó
đưa ra…
Vì con chúa đã
đến trên trần gian Ngài mang lấy kiếp sống của phàm nhân…
Tôi thiếp đi
lòng an lành.
TIẾNG GỌI
Cánh đồng quê
ngan ngát mùi lúa sữa, những vòng xe chậm rãi lăn trên con đê làng, mặt trời đã
ngã xuống trời tây, làn gió nhẹ của cánh đồng quê làm Vương Bình quên hết những
căng thẳng của buổi học chiều nay.
Thủy Tiên vẫn
yên lặng đạp xe bên cạnh Vương Bình, cô không nói gì. Hình như trong lòng cô
cũng đang miên man với những suy nghĩ cho riêng mình.
Hai đứa thân
nhau từ hồi còn để chỏm, những lúc chăn trâu, những khi đi học, hai đứa đều đi
với nhau. Mới ngày nào đó còn nhõng nhẽo đòi mẹ mua cho cái cặp đựng sách, vậy
mà bây giờ những ngày cuối cấp ba đã gần kề.
Trong mắt
Vương Bình, Thủy Tiên ngày nào giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hiền
dịu. Cũng mới ngày nào đó, Vương Bình còn là một thằng nhóc hay giành nhau với
Thủy Tiên nắm khoai xéo mà hai đứa mang đi khi thả trâu, vậy mà bây giờ chàng
đã là một thanh niên tuấn tú khỏe mạnh.
Chiều nay, lúc
đạp xe bên Thủy Tiên, Vương Bình muốn cho cô biết quyết định của chàng khi học
hết cấp ba, nhưng sao miệng chàng cứ ngập ngừng không thốt nên lời. Bất giác
Thủy Tiên hỏi:
- Vương Bình…! Học xong cậu sẽ làm gì?
- Ờ…! Mình cũng chưa biết nữa… Thế còn Thủy Tiên?
- À! Mình nghĩ chắc là mình học tiếp để làm giáo
viên.
- Thủy Tiên nè…! Có bao giờ cậu nghĩ tới chuyện
đi tu không?
- Đi tu à…! Khẽ nhún vai Thủy Tiên nói tiếp. cũng
có lúc mình nghĩ tới, nhưng dù sao thì vẫn thích làm giáo viên hơn.
Tiếng chuông
chiều trên tháp nhà thờ vang lên, đàn có trắng tất bật dang cánh bay về nơi trú
ẩn. Vương Bình đang trầm tư trong suy nghĩ. Bất giác chàng khẽ nói:
- Mình thấy các thầy, các soeur cũng hay đấy chứ!
Họ yêu thương và đi phục vụ mọi người mà không đòi công lao.
- Vương Bình, bộ cậu muốn đi tu sao? Cậu đã quên
rồi sao…? Trước đây cậu nói là cậu sẽ thi vào trường âm nhạc cơ mà…!
- Thì mình có nói với cậu là mình đi tu đâu…!
Mãi nói
chuyện, hai người đã về tới gốc si già đầu xóm. Lũ trẻ đang nô đùa dưới dòng sông
mát rượi, có đứa nghịch leo lên tận cành cao của gốc si già mà nhảy xuống dòng
sông. Thủy Tiên nhìn Vương Bình cười nói:
- Vương Bình nè, cậu còn nhớ cái ngày cậu cứu
mình khỏi chết đuối không? Khiếp thật! Lúc đó suýt chút nữa là tớ…- Thủy Tiên
bỏ lửng câu nói của mình, cô nhìn Vương Bình trìu mến.
- Tớ đâu có quên được cái ngày đó!... Suýt chút
nữa là tớ bị cậu nhận chìm luôn đấy… Ôm người ta gì mà chặt cứng, làm người ta
không bơi được… Hì hì!
Thủy Tiên đỏ
bừng mặt, nguýt dài Vương Bình.
***
Rồi cũng đến
ngày hai đứa phải giã từ mái trường của tuổi học sinh đầy mộng mơ. Kỳ thi vừa
qua, làm cho Vương Bình và Thủy Tiên không có thời giờ suy nghĩ những dự định
cho tương lai. Tiếng thở phào nhẹ nhỏm của Thủy Tiên làm Vương Bình như trút
được gánh nặng của những ngày thi cử.
Tối nay, dưới
bầu trời đầy sao, ngồi ngoài sân hóng làn gió mát, mấy đứa em đang giành nhau
bắp ngô nướng mà Thủy Tiên mang sang.
Bố mẹ Vương
Bình cũng đang ngồi đấy, sự hiện diện của Thủy Tiên trong căn nhà đã quá quen
thuộc đối với họ. Cũng dễ hiểu, vì từ lúc để chỏm tới giờ, Thủy Tiên vẫn hay
sang nhà Vương Bình chơi.
Dưới ánh trăng
của tiết trời mùa hạ, Thủy Tiên trông thật xinh đẹp, đôi mắt tròn đen, lấp lánh
như vì sao, long lanh như những hạt sương đêm, mái tóc dài thon thả làm cô thêm
dịu dàng.
- Vương Bình! Cậu đệm bài “Tình thắm duyên quê”
để tớ hát đi.
- Chà! Mai mốt chắc tớ phải đi theo để đệm hát
cho cậu quá.
- Chứ sao nữa…!
Mẹ Vương Bình
đã nấu xong nồi chè đậu. Dưới làn gió mát rượi của tiết trời mùa hạ, mọi người
đều vui vẻ thưởng thức vị ngọt bùi của những hạt đậu.
Bố mẹ Vương
Bình rất quý Thủy Tiên, quý sự xinh đẹp mặn mà của cô một, quý sự siêng năng
hiền dịu của cô mười.
Trong trái tim
của Vương Bình, hình ảnh của Thủy Tiên hình như đã có chỗ đứng. Thủy Tiên cũng
thế, tình yêu mà cô dành cho Vương Bình ngày càng lớn dần theo năm tháng. Cô sợ
cái ngày đó sẽ xảy ra, cô sợ cái ý tưởng đi tu của Vương Bình lại đến với chàng,
cô sợ mất Vương Bình.
Còn Vương
Bình, cùng với năm tháng, lý tưởng đời tu đã từng ngày bám chặt vào tâm hồn
chàng, chàng không dám thổ lộ cho Thủy Tiên biết, chàng thật khó xử mỗi khi
muốn nói cho Thủy Tiên về ý định của mình.
***
Thời gian cứ
lặng lẽ trôi, rồi cái ngày ấy cũng đến, cái ngày định mệnh ấy cũng đến với Thủy
Tiên, khi cô tưởng chừng như nó không bao giờ tới.
Trời đã về
khuya, những vì sao lấp lánh trên bầu trời như đang nhảy múa, những con côn
trùng kêu rỉ rả như một dàn nhạc giao hưởng, tiếng con ễch ương vang lên đều
đặn, như muốn đếm thời gian trôi trong đêm.
Mọi người đã
đi ngủ cả, chỉ còn Thủy Tiên và Vương Bình ngồi lặng lẽ ngoài sân. Tiếng gió
rít trên bụi tre nhà Thủy Tiên làm cho màn đêm không buông được giấc ngủ yên
tĩnh.
- Thủy Tiên…! Mình muốn nói với cậu một điều.
- Chuyện gì vậy Vương Bình?
- Ngày mai mình đi. Ừ! ngày mai mình đi Thủy Tiên
à!
- Vương Bình…! Cậu đi đâu?
- Đi đến một nơi rất xa… rất xa !
- Vương Bình…! Chẳng lẽ cậu…
- Ừ! Thủy Tiên à! Mình sẽ đi tu.- Đôi mắt nhìn
vào cõi xa xăm Vương Bình trả lời.
- Không phải như vậy chứ…!- Khẽ nắm lấy bàn tay
của Vương Bình, Thủy Tiên nói.
- Đúng vậy Thủy Tiên à! Mình đã quyết định rồi,
mình không thể cưỡng lại tiếng nói trong tâm hồn mình, mình không thể từ chối
lời mời gọi trong đêm, trong giấc mơ của mình.
- Cậu nói là sẽ thi vào trường âm nhạc cơ mà… Cậu
nói là sẽ đệm đàn cho tớ hát suốt đời cơ mà… Hu hu…!
- Không, mình không thể…! Tiếng nói ấy quá mạnh
đến nỗi làm mình không còn ham muốn gì với những khát vọng trước đây của mình
nữa, mình choáng ngợp dưới ánh sáng tình yêu mà đời tu đem lại.
- Ngày mai ư…! Ngày mai ư…! Hu…hu…hu!
- Đừng khóc nữa… Mình xin lỗi cậu, mình không thể
từ chối tiếng gọi đã thôi thúc trong tâm hồn mình… Thủy Tiên à! Mình biết và
mình trân trọng sự tin tưởng của Thủy Tiên dành cho mình, mình sẽ mang tình bạn
tốt đẹp của chúng ta theo bước chân đời mình, cậu hãy vui lên, đừng khóc nữa để
mình được an tâm, cảm nghiệm được nỗi vui khi theo con đường riêng của mình.
- Mình không biết rồi đây mình sẽ buồn như thế
nào khi phải xa cậu Vương Bình à…! Mình trân trọng quyết định của cậu, mình
không ngăn cậu đâu, mình chỉ thấy hơi hụt hẫng khi cậu ra đi.
- Thủy Tiên…! Mình cảm ơn cậu đã hiểu cho mình,
từ đây mình muốn xem cậu như em gái của mình nếu như cậu đồng ý.
- Vâng… Em sẽ là em gái của anh Vương Bình à!
- Cám ơn em gái. Thôi em vào nghỉ đi, đã khuya
rồi anh cũng về đây, ngày mai anh còn phải đi sớm.
DẤU CHẤM LẶNG
''Cuộc sống có
những điều không nói, chỉ thể hiện như những dấu chấm lặng nhưng ẩn chứa đằng
sau nó là cả một khoảng trời yêu thương. . . ''
Hôm đi học ngang qua quán nước bà tám, nó nghe
bà tám kể với người ta mẹ nhận nó từ một bệnh viện vào một chiều mùa thu ảm đạm
và có nhiều hạt mưa lất phất bay. Mẹ ôm nó từ trong chiếc nôi của phòng chăm
sóc đặc biệt khoa nhi bệnh viện thành phố, một chiếc ba lô quần áo, 2 lon sữa
to đùng và một bức thư từ tay của cô y tá mà người mẹ ruột đã nhẫn tâm bỏ rơi
nó chỉ vì nó mang chứng bệnh bại não. . . Nó nghe nhưng không tin vì nó biết bà
tám rất nhiều chuyện, mà cũng vì chưa bao giờ nó thấy ba mẹ hay hai chị của nó
la mắng ghét gẫm nó, cả nhà luôn cưng chiều nó, ba nó hằng ngày đưa nó đến
trường, mẹ nó chăm nó từng li từng tí vì nó chẳng đi lại được, nó luôn nghĩ
rằng mình là con trai lại bệnh tật nên ba mẹ cưng mình là đúng, nhất là mẹ nó
luôn đáp ứng những gì nó muốn, cả việc mua chiếc bút cả triệu đồng mà đứa bạn ở
lớp khoe với nó, nó đòi mẹ nó cũng mua ngay khi năm đó nó chỉ mới học lớp hai
trong khi gia đình nó thì chẳng giàu có gì, ba mẹ nó phải thuê nhà sớm hôm mua
bán để kiếm tiền cho 3 chị em nó ăn học, dù đã nghe nhiều lần bà tám hay người
hàng xóm nói về nó nhưng chưa bao giờ nó bận tâm hay suy nghĩ vì nó nghĩ rằng
mọi người thích ghẹo nó cho vui thôi.
Lớn hơn tí
nữa, năm nó lên cấp 3 câu chuyện nó bị bỏ rơi cũng dần đi vào quên lãng, hai
chị của nó cũng lần lược rời khỏi nhà, chị lớn của nó thì theo chồng vào tận
miền nam, còn chị kế nó học hết đại học rồi vào tu viện phục vụ, chỉ còn nó
quanh quẩn bên chân cha mẹ, mẹ nó phải lo cho nó tất cả, kể cả việc nó đi vệ
sinh vì nó không đi lại được, mà nó cũng không bao giờ muốn tự lập, nó thích mẹ
nó chăm nó như vậy nên nó luôn ỷ lại chứ bác sĩ nói nếu nó siêng năng tập vật
lý trị liệu và châm cứu thì khả năng tự phục vụ mình là được.
Tóc ba mẹ nó
giờ đã bạc màu, khuôn mặt mẹ nó đã hằn lên nhiều vết nhăn vậy mà nó vẫn vô tư
không nghĩ đến nỗi lo của mẹ, càng về già mẹ nó càng lo sợ lỡ ba mẹ mất đi thì
ai sẽ thay mẹ mà lo cho nó, nỗi lo của mẹ càng lúc càng nhiều nhưng nó chẳng
bao giờ quan tâm đến.
Cho đến một
hôm nó tình cờ đọc được dòng quảng cáo rao vặt trên mạng ''TÌM BỐ MẸ RUỘT EM BÉ
BỊ BẠI NÃO BỊ BỎ RƠI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẢNG NGÃI. . . '' bên cạnh dòng chữ
là một tấm hình giống hệt tấm hình lúc nhỏ của nó trong quyển anh bum gia đình,
nó bắt đầu nghi ngờ, nó cố nhớ lại ngày xưa bà tám nói, nó lăn vội xe ra khỏi
phòng, nó đi tìm bà tám, nhưng đã muộn bà tám nằm viện đã mấy tuần nay vì bị
tai biến, nó quay về nhà, ngước nhìn ảnh Chúa khẽ cầu nguyện, đầu nó đau nhói ,
nó nằm liền mấy ngày, mẹ nó lo lắng khi nó chẳng nói chẳng rằng mà cứ nằm mê
man nên đã gọi bác sĩ đến điều trị.
Khi nó trấn
tĩnh trở lại, đầu nó đã bớt đau, nó không dám hỏi mẹ vì nó sợ. . . sợ điều gì
nó không hình dung được nên nó quyết tâm tự tìm kiếm sự thật, một sự thật mà nó
không muốn. Nó đợi ba mẹ đi làm, ba mẹ vừa ra khỏi nhà nó vội lăn xe vào phòng
ba mẹ, nó lục lọi giấy tờ và tìm kiếm như đứa ăn trộm, nhưng nó chẳng tìm được
gì, nó thở dài mặt ngước lên trời, và rồi nó thấy một cái cặp da treo lũng lẳng
, nó chồm, nó với tay, nó cố rướn người chồm tới, nó quên là nó đang ngồi trên
chiếc xe lăn, nó quên mất đôi chân tật nguyền, nó lấy hết sinh lực đứng lên,
thế là ào một cái thân hình nó đỗ ập xuống chiếc bàn xinh xắn mà mẹ nó hay ngồi
trang điểm, chiếc bàn nhỏ đổ ập lên người nó, tấm gương soi mặt của mẹ nó vỡ
tang tành đập vào đầu nó đến ướm máu, vậy mà nó chẳng thấy đau là gì.
Nó lồm cồm
chống hai tay cố gắng ngồi dậy, những mảnh vở đã chẳng may khứa vào tay nó,
từng giọt từng giọt máu đỏ thẩm nhỏ xuống nền, nó ngồi trầm ngâm một lúc thật
lâu chẳng nói chẳng rằng, đến khi nó nhích cái mông lên để lếch ra ngoài thì
dưới mông nó sột soạt một quyển sổ, nó lấy lên thì một mảnh giấy trong sổ rơi
ra, một ít máu của nó đã làm nhoè đi vài chữ nhưng nó vẫn đọc được ''ĐƠN XIN
CƯƯ MANG TRẺ BỊ BỆNH BẠI NÃO BỊ BỎ RƠI… '' mới chỉ thấy thoáng như thế nước mắt
nó đã nhoè nhẹt rơi xuống hoà lẫn vào vết máu vẫn còn ướt trên giấy, nó vội vội
vàng vàng lật sổ. . .
Trang thứ
nhất:
Ngày 21-06…
xin chaò thiên thần bé nhỏ của mẹ, hôm nay là đêm thứ nhất con được sưởi ấm
trong vòng tay yêu thương của mẹ, nhìn con kìa, cũng được 5 tháng tuổi rồi ấy
chứ, vậy mà chẳng biết quen lạ gì hết lại ôm vú mẹ mà bú chụt chụt chẳng ra
giọt sữa nào, mẹ thấy thương con quá.
Nó vội lật trang thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư,
thứ năm, thứ sáu, thứ. . . nó dừng lại:
Ngày 21-06… hôm nay nữa là con đã tròn 7năm về
với mẹ rồi con biết không?. Sắp vào năm học mới rồi vậy mà chó cưng của mẹ lại
không biết đi, biết làm sao để con đến trường mà không bị chúng bạn trêu chọc
đây, thôi thì để khai giảng mẹ sẽ đi học cùng con nhé ! con yêu của mẹ…
Nó lật thêm trang nữa, trang nữa…
Ngày 19-09… chắc tại trời lạnh quá nên chó con
của mẹ mới bị đau như vậy, nhìn con sốt miên man mà mẹ thấy đau cả lòng, …
“Lạy Chúa, xin hãy che chở đứa con tội nghiệp
này của con, đời nó đã quá bất hạnh xin hãy để con gánh đỡ và đền bù lại cho
nó. . . ”
Nó lại lật, lật tiếp, lật tiếp, một trang hai
trang rồi lại ba trang. . . nhưng rồi nó chẳng đọc được gì nữa, mắt nó đã nhoè
nhẹt nhỏ từng giọt xuống quyển sổ, nó lại ngồi hồi lâu bất động…
Đầu nó bắt đầu tỉnh hơn, nó lợm từng mảnh
gương vở, từng hộp kem, hộp phấn, cây cọ… nó dọn sạch mọi thứ đỗ vỡ, nó cố đỡ
chiếc bàn nhỏ của mẹ trở lại ngay ngắn và xếp mọi thứ vào chỗ cũ, nhưng thiếu
chiếc gương vì nó đã bị vỡ nát.
Trưa mẹ về nấu cơm, nó ngồi trong phòng như
chưa từng xẩy ra việc gì, nó nhờ mẹ đỡ nó lên xe, nó xin mẹ ra ngoài có tí
việc, mẹ nó bảo “con cần gì thì để mẹ đi mua cho, con chưa khoẻ hẳn không nên
đi ra ngoài”
Nó nghe nhưng
vẫn lăn đều bánh xe chẳng nói chẳng rằng như thường ngày nó vẫn làm với mẹ nó
như vậy, riết rồi quen nên mẹ nó cũng không đợi câu trả lời của nó, bà tất bật
xuống bếp nấu cơm vì trời cũng đã khá trưa rồi.
Nó lăn xe ra
tiệm nơi ba mẹ nó mua bán, ba thấy nó ra một mình cũng ngạc nhiên, cứ nghĩ chắc
nó đau mấy hôm nay ở nhà buồn nên nó ra cho khuây khoả, nó tiến xe lăn lại gần
bên ba, ba nó thấy nhiều vết cắt trên đôi tay nó thì hốt hoảng hỏi: “sao vậy
con, con làm sao vậy con” rồi lật đật lấy dầu xoa, lấy băng keo cá nhân băng
những vết lớn cho nó, nó oà khóc ôm chặt lấy ba như đứa trẻ chỉ mới lên 3 lên
4, ba nó trấn an vài câu nói: “không sao đâu con, không sao đâu con” ông đâu
hiểu điều gì đang xẩy ra với nó, nó khóc đâu bởi vì đau mà nó khóc vì nó thấy
thương ba quá đỗi.
Nó bảo ba đóng
cửa tiệm đưa con đi mua cái này rồi mình cùng về ăn cơm với mẹ cho vui, ba nó
gật đầu đồng ý, nó lăn xe ra ngoài đợi ba, ba bảo nó cất xe lăn để ba chở đi
nhưng nó không chịu, lần đầu tiên ba thấy nó rất lạ, đời nào mà nó chịu ra
đường bằng xe lăn ngoài lúc đi học, nó muốn đi đâu ba mẹ phải đưa đi rồi cõng
nó trên lưng, mặc dù nó đã trở thành chàng thanh niên, nhưng vì thương nên ba
mẹ nó luôn chìu dù sức khoẻ đã mòn…
Đóng cửa xong
ba đẩy xe cho nó, ba nó lững thững bước từng bước thong thả đẩy xe hướng về
nhà, đi ngang qua tiệm tạp hoá mỹ phẩm nó bảo ba đẩy vào để nó mua một thứ, nó
chọn một chiếc gương treo tường đẹp nhất, rồi nhờ cô chủ quán gói lại cẩn thận
đẹp như món quà sinh nhật. Ba nó hỏi: “chiều nay con đi sinh nhật bạn hả?” nó
lắt đầu nhìn ba triều mến nở nụ cười gượng gạo, ba thấy tò mò vì hôm nay nó rất
lạ nhưng ông cũng chẳng nói gì.
Về đến cửa đã
thấy mẹ đứng đó từ bao giờ đợi nó về ăn cơm, mẹ hơi ngạc nhiên khi thấy hai cha
con cùng về trên tay nó lại cầm quà, vừa đến nó trao liền cho mẹ và nói lời xin
lỗi, mẹ nó chưa kịp nghĩ gì, nói gì thì nó đã oà khóc nức nỡ, khóc như chưa
từng được khóc, nó ôm cả ba và mẹ vào hai cánh tay đã to bè của nó, ba mẹ nó
chưa hiểu ra điều gì thì nó nói: “mười tám năm qua con là đứa nghỗ nhịch bất
hiếu, con đáng chết ngàn lần xin ba mẹ hãy tha thứ cho con, công nuôi dưỡng này
con có làm trâu làm ngựa đến mười kiếp cũng không thể trả hết được, . . . ” rồi
nó nấc lên không nói được gì nữa, bấy giờ ba mẹ nó mới hiểu là nó đã biết về
thân phận của nó, ba mẹ vỗ về vai nó rồi cũng sụt sùi theo. . .
Từ đó nó luôn
cố gắng để tự làm mọi thứ, nó không ngang ngạnh học đòi theo chúng bạn nữa, năm
đó nó đỗ vào đại học điểm khá cao, mẹ nó mừng đến rơi nước mắt, bà nuôi nó chỉ
ước mong có thế và giờ đây bà đã được toại nguyện, môi bà nở một nụ cười hiền
hoà sâu lắng khiến lòng nó thấy thương mẹ, thương thật là thương, nó miên mang
nghĩ về câu nói của ai đó ''CUỘC SỐNG CÓ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÓI, CHỈ THỂ HIỆN NHƯ
NHỮNG DẤU CHẤM LẶNG NHƯNG ẨN ĐẰNG SAU NÓ LÀ CẢ MỘT KHOẢNG TRỜI YÊU THƯƠNG '' và
bây giờ nó bắt đầu học ở mẹ nó điều đó, nó hứa với lòng sẽ cố gắng sống tốt mỗi
ngày, sẽ trong sáng như cái gương mà nó mua về tặng mẹ, sẽ nhiều nghị lực vượt
lên chính mình chứ không để cuộc đời dễ vỡ nát như tấm gương kia được.
Nó nói khe khẽ
chỉ đủ nó nghe: “Tạ ơn Chúa, cảm ơn Chúa đã cho con có một người mẹ như thế. .
. mẹ ơi, con yêu mẹ lắm mẹ ơi”
HAI PHÍA CON ĐƯỜNG
Con đường cao
tốc dài hun hút. Dòng xe cộ tấp nập lướt qua như những cơn gió cuối hạ đầu thu.
Bên vệ đường những người bán bánh đa đang giơ tay vẫy khách. Chiếc ôtô xanh
thẫm đã ngả màu sơn dừng lại trước mặt một phụ nữ. Mở cửa xe bước xuống, người
đàn ông mặc áo cổ cồn màu trắng, trạc khoảng gần bốn mươi. Mái tóc đen tuyền.
Đôi mắt long lanh đầy sức sống. Đôi môi nở nụ cười. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, con
người ấy toát lên vẻ chững chạc và nét thánh thiện đến lạ thường.
- Chào chị!
Chị cho hỏi bánh đa này bao nhiêu tiền một chiếc?
- Dạ bánh đa
có loại ba ngàn, có loại năm ngàn và cả loại mười ngàn.
- Vậy thì cho
tôi chục chiếc bánh mười ngàn.
Người đàn bà
khẽ đặt mười chiếc bánh vào hai cái túi nilon khá to và gói cẩn thận. Từ lúc
gặp người đàn ông này, người phụ nữ bán bánh chưa hề ngẩng đầu lên để nhìn mặt
vị khách một lần. Chị chỉ dám nhìn trộm qua khe thủng của chiếc nón mê giống
như một tội đồ. Người đàn ông rút tiền ra trả. Qua khe thủng, người bán bánh
nhìn thấy bàn tay phải của vị khách có một vết sẹo dài.
* * *
“Có một nhà tu hành đi truyền đạo. Đang khi
khát nước, nhà tu hành ghé vào ngôi nhà tranh ven đường. Ông ta bước vào và gặp
một bà lão. Nhà tu hành ngỏ lời muốn xin nước uống. Bà lão chỉ tay vào trong
nhà ra hiệu cho ông ta biết nước ở trong đó. Bước vào trong, nhà tu hành thấy
có một ấm nước đặt trên bàn, nhìn mãi không thấy chén bát đâu cả. Đang cơn
khát, ông ta cầm cả cái ấm lên định đưa vào miệng thì một cô gái chạy ra nói
to, giọng ngại ngùng:
- Thầy đừng tu
để con lấy…
- Ấy ấy chết,
đừng lấy vì tôi đã xuất gia.- Nhà tu hành hốt hoảng.
- Nhưng mà…à…
tu như thế là bất lịch sự…
- Nhưng lấy
như vậy là phá giới… - Nhà tu hành ra sức giải thích.
Đang giằng co
vì chuyện đó thì bà lão từ sân bước vào và nói: “Tu là việc của thầy, còn lấy
là chuyện của cô…”
Mười sáu năm
trước, thời còn là các chú, Nhân được bề trên cử về giúp một làng đạo chuyên
làm mì và tráng bánh đa. Con đường dẫn vào làng nhỏ và lầy lội. Muốn vào làng,
người ta phải đi qua cánh đồng. Hồi đó xe cộ còn hiếm, Nhân phải đi bộ từ đường
quốc lộ mất chừng hơn hai mươi phút mới vào tới nơi.
Ngôi nhà thờ của
làng đã gần trăm tuổi. Ngày xây nhà thờ chưa có xi măng, các cụ lấy mật trộn
với vôi và cát để làm vữa. Nhìn từ bên ngoài ngôi thánh đường có một nét kiến
trúc cổ kính, độc đáo. Móng cao chừng hơn một mét. Hệ thống móng được thiết kế
hình vòm bán nguyệt thông từ bên này sang bên kia. Tường cũng xây những đường
vòm bán nguyệt đồng tâm với vòm móng. Theo nhiều cụ có tuổi trong làng nói
trước đây khi mùa đông, bà con thường đốt lửa dưới nền để giữ ấm cho nhà thờ.
Ngọn tháp cao vút, bên trong đặt một đường ống thông khói nối với hệ thống lò
sưởi; bên ngoài có đặt một dây thu lôi. Mái nhà thờ lợp bằng ngói, ở bốn góc
đều có độ cong giống như kiến trúc đình, chùa. Bên trong nhà thờ được trang
hoàng lộng lẫy. Hai hàng cột làm bằng lim, một người ôm không hết. Bàn thờ
thiết kế tỉ mỉ và được sơn son thiếp vàng. Xung quanh tường là mười bốn bức
tranh sơn dầu vẽ về cuộc khổ nạn của Chúa. Trên tháp có treo hai quả chuông,
quả nhỏ để đánh hàng ngày, quả to đánh khi có Lễ. Tiếng chuông ở đây ngân ra
mấy làng bên. Ngay từ khi đặt chân đến đây, Nhân đã bị vẻ đẹp của ngôi thánh
đường cổ kính này chinh phục.
Ngoài việc đọc
kinh thường ngày cùng mọi người, cứ tối đến Nhân lại dạy nhạc và thánh ca cho
các bạn trẻ. Dịp đó đang mùa gặt nên thỉnh thoảng Nhân ra đồng giúp bà con
trong làng thu hoạch. Công việc mùa vụ bận tối mắt tối mũi vì thế mà có những
hôm Nhân phải ngồi chờ dài cổ mới có người đến học hát. Thế nhưng cứ vào lớp là
thầy miệt mài dạy, trò say sưa học đến quên cả giở. Nhân hát hay đàn giỏi nên
chỉ hơn một tháng sau ca đoàn đã lột xác hoàn toàn. Ai nấy đều cũng trầm trồ
khen ngợi. Bởi thế, Nhân được mọi người trong làng quý mến, cứ có con cá, quả
na, quả ổi… là lại đem cho.
Hồi đó, trong
lớp học nổi lên giọng ca diễn xướng trong trẻo và thánh thót. Người sở hữu
giọng hát đó là Hà – một cô gái nhỏ nhắn và xinh xắn với nước da trắng hồng. Hà
đang học cấp ba trường huyện. Hà học giỏi lại chăm học hát nên được nhiều anh
để ý. Ngoài hát hay, Hà còn viết chữ đẹp nên thường xuyên được chú Nhân nhờ
chép sách hát.
Nhiều tối, Hà
cùng mấy bạn trẻ lấy xe đạp chở chú Nhân qua làng bên dạy hát. Con đường sang
bên đó lầy lội lại phải leo qua ngọn đồi, rất ít người có thể đạp xe lên đến
đỉnh dốc. Vậy mà chú Nhân đèo thêm Hà phía sau mà cứ đạp phăng phăng băng qua
con dốc. Lên đến đỉnh đồi chú lại đứng thở dài rồi đi tiếp. Chú Nhân bảo đạp xe
như thế này rất tốt cho giọng hát. Mỗi lần đi cùng chú Nhân, Hà cảm thấy vui
lắm, có một cảm giác thật khó diễn tả ở trong con tim của Hà. Chú Nhân hay kể
truyện cười, có khi nghe xong Hà cười tít mắt nhưng có những truyện khi nghe
xong Hà cứ nghệt cái mặt ra vì không hiểu. Hà bắt chú Nhân phải giải thích rõ
ràng. Chú Nhân bảo, về tự suy nghĩ ba ngày sau hiểu ra sẽ khóc. Sao lại hiểu ra
thì khóc? – Hà hỏi. Chú Nhân bảo, khi hiểu ra Hà sẽ cảm thấy tủi thân vì sự dốt
nát của mình. Chú Nhân lại cười. Điệu cười đầy sảng khoái. Hà thích nhất là câu
truyện “tu và lấy” mà chú Nhân kể.
… Đã một tuần
nay, Hà không đi học hát. Chú Nhân lo lắng, bồn chồn. Chủ nhật chú đến nhà Hà
hỏi han xem lý do. Hà trả lời, do bận học, bận việc lại ốm và mệt nên không đi
học hát được. Bố của Hà bảo, nó lười không chịu đi đấy chứ có bận với ốm đau
gì. Nhân khuyên, Hà chịu khó đi học sau này còn giúp mọi người chứ mình sắp
phải về để đi học rồi. Hà chỉ gật gật cái đầu. Ánh mắt của Hà nhìn chú Nhân rất
lạ.
Mấy hôm sau,
Hà lại lấy xe đạp của mình chở chú Nhân đi dạy hát như thường lệ. Tối hôm đó
khi trở về Hà hỏi chú Nhân rất nhiều chuyện…
- Nếu không đi
tu chú sẽ làm gì? – Hà ngập ngừng hỏi
- Mình sẽ đi
dạy học. – Chú Nhân hồn nhiên trả lời.
- Thế đi tu
như thế này thì khổ lắm nhỉ?
- Khổ nhưng mà
vui thì làm gì còn khổ.
- Nếu bây giờ
có một người con gái yêu chú, chú sẽ làm thế nào?
- Mình sẽ xem
xét. Nếu như mình không yêu cô ấy thì mình sẽ vẫn đi tu như bình thường còn nếu
cảm thấy có tình cảm thực thì mình sẽ yêu cô ấy…
- Thế chú có….
Phựt… roạch…
roạch… Chiếc xe đạp đang đổ dốc, đột nhiên đứt phanh. Chú Nhân cố gắng để ghì
chiếc xe lại nhưng mọi nỗ lực bất thành. Chiếc xe phăng phăng lao xuống sườn
đồi, đâm thẳng vào một cây bạch đàn. Chú Nhân lộn liền mấy vòng. Tay phải của
chú chảy đầy máu. Chú vừa bo tay vừa bo đầu chạy đến chỗ Hà. Hà đang nằm bất
tỉnh. May mắn có người đi ngang qua nên đã đưa Nhân và Hà đi cấp cứu.
Ba ngày sau
Nhân được ra viện. Ông trùm đến báo, có giấy của bề bề trên gọi chú về gấp để
chuẩn bị đi học. Nhân đến chào Hà để lên đường.
Hà không nói.
Quay mặt vào tường, Hà khóc nức nở. Những giọt nước mắt vẫn rơi. Từ thẳm sâu,
tâm trí Hà đang tranh giành giằng co. Cô thấy mình giống như một kẻ tội đồ. Cô
đã yêu một người mà đáng ra không bao giờ được phép. Tình cảm đó cô không hề
muốn nhưng sao nó cứ ám ảnh, đeo đuổi không chịu buông tha.
Nhân cũng im
lặng. Cái im lặng đến nghẹt thở. Bỗng, Hà quay mặt lại. Hà gạt nước mắt. Hà cầm
tay Nhân. Nhân giật mình. Nhân lấy từ trong túi ra một chiếc khăn trắng tinh
đặt vào tay Hà. Nhân đứng dậy bước đi không một lời. Hình như trong làn gió
nhẹ, đôi mắt Nhân rươm rướm lệ…
…Hà bị gẫy
chân chữa trị mất mấy tháng trời mới khỏi. Nhưng thật buồn, Hà không còn có thể
đi lại như trước. Vết thương đã để lại dị tật. Hà đi một bên thấp, một bên cao.
Ai nhìn cũng thấy thương cho số phận của Hà. Hà quyết định bỏ học ở nhà làm mì
và tráng bánh đa giúp mẹ.
Từ ngày bị ngã
chẳng có anh nào thèm bén mảng, nhòm ngó, tán tỉnh hay hỏi cưới Hà. Hà trở nên
ít nói. Hà bỏ học hát. Sống âm thầm. Bọn trai làng thường bảo nhau, cái đồ chân
viết, chân xóa như Hà thì làm ăn cái khỉ gì. Nghe thấy thế, Hà buồn lắm. Thỉnh
thoảng cô lại mang rượu ra chỗ ngã xe ngồi uống một mình. Có người bắt gặp nên
đồn rằng Hà bị ma nhập. Vì thế mà người làng không dám đến gần hay nói chuyện
cùng cô. Sống mãi như vậy, dần dần Hà cũng quen.
Một hôm, ông
chú họ làng bên đến chơi và giới thiệu Nhã cho Hà. Nhà Nhã ở đầu con đường đi
vào làng. Nhã hơn Hà bảy tuổi. Nhã cục mịch, cả ngày cạy răng không ra nổi một
lời. Nhìn bề ngoài Nhã cũng không đến nỗi nào nhưng mắc cái bệnh hở van thượng
vị dạ dày nên lúc nào miệng cũng hôi không ai chịu nổi. Ngồi nói chuyện với Nhã
là người ta buồn nôn. Có lẽ vì thế nên không bao giờ Nhã dám nói chuyện với ai.
Được cái nhà Nhã theo đạo nên “cùng nước, cùng lọ” cũng dễ chịu, với lại ở
cương vị như Hà bây giờ làm gì có quyền chọn lựa, may mà người ta rước đi cho
là phúc bảy mươi đời.
Đám cưới Hà và
Nhã diễn ra rất đơn giản. Trong làng có kẻ độc mồm độc miệng bảo, “chồng thối
miệng, vợ thọt chân đẹp đôi ra phết”. Hai vợ chồng ăn ở với nhau sinh được hai
thằng con trai kháu khỉnh khác hẳn bố nhưng khổ một nỗi lại giống bố ở cái bệnh
hở van thượng vị dạ dày. Hà buồn lắm! Nhã thì không nói không rằng, chỉ biết
ngày ba bữa rồi lao vào làm việc hùng hục. Ngày qua ngày, hai vợ chồng dậy sớm
từ khi gà chưa gáy để làm mì, tráng bánh đa. Xong đâu đấy, Nhã cho con ăn rồi
đưa chúng đến trường, Hà chuẩn bị đi giao mì, chiều về lại ra ngồi ngoài đường
cao tốc bán bánh đa.
Cuộc sống cứ
thế trôi. Có lẽ mọi người đã quên Nhân. Chỉ có Hà là vẫn nhớ. Hà thường xuyên
hỏi thăm tin tức về Nhân. . . Tin vui
cuối cùng đã đến, sau nhiều năm du học bên Rô-ma, cuối năm ngoái Nhân về. Đợt
vừa rồi, Nhân được truyền chức linh mục. Một tháng sau Nhân về dâng Lễ tạ ơn ở
giáo xứ đã từng đến giúp khi còn là các chú. Chú Nhân gầy gò ngày nào nay đã
thành Cha. Cả làng vui lắm, làm cỗ to để đón tiếp. Trong bữa tiệc Cha Nhân đi
khắp các mâm cỗ như để tìm ai đó. Trong thánh lễ, tiếng Cha nhân ấm áp vang
lên, có chỗ nghẹn lại xúc động rỗi lại vỡ òa cảm kích: “Dù đi đâu tôi cũng luôn
nhớ về giáo xứ này, với ngôi thánh đường cổ kính và vị bánh đa ngọt ngào như
con người nơi đây”.
* * *
Mải miên man
suy nghĩ về điều gì đó, người đàn bà chợt giật mình khi vị khách áo trắng cổ
cồn đóng cửa chiếc ôtô. Ngồi trên xe, người đàn ông đưa tay phải với vết sẹo
dài ngoằng vẫy chào trước khi nổ máy. Chiếc xe cứ thế lao vút đi về một miền xa
lắc. Những chiếc bánh đa đi theo vị khách áo trắng cổ cồn nhưng người bán bánh
đa thì ở lại.
Trời tối sầm,
gió thổi mạnh cuốn văng bụi đường. Tiếng sấm nổ đùng đoàng. Chớp giật liên hồi.
Cơn mưa rào bất chợt kéo đến. Người phụ nữ chân thấp chân cao tất tưởi chạy dọn
những giàng bánh đa. Nhưng cơn mưa đổ xuống nhanh quá. Chị chạy không kịp. Đột
nhiên, chị ngồi thụp xuống. Vết thương ở chân tái phát. Chị rút ra chiếc khăn
trắng tinh che mặt. Gió giật mạnh. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Những giàng bánh
đa tan chảy theo dòng mưa mùa. Vệt trắng dài do bánh đa tan chảy hệt như vết
sẹo trắng xóa trên cánh đồng mươn mướt xanh.
CHIẾU TỎA NIỀM TIN
Cảnh trường
nhộn nhịp sinh viên ra vào. Nhiều khuôn mặt còn bỡ ngỡ trong ngày đầu đến
trường đại học như Ân. Hôm nay, anh có hai tiết Triết học. Giảng viên là một
thầy giáo được nhiều sinh viên bình chọn là khó nhất trường. Anh lo lắng không
biết điều gì đang chờ đợi khi mình lại đến trễ.
Ân vào lớp,
đón gặp ánh mắt đầy vẻ khó chịu của thầy.
- Em chào thầy
ạ! Em xin lỗi vì đến trễ.
Nói xong, Ân
định lùi về phía cuối lớp, tìm một chỗ an toàn.
- Anh khinh
thường tôi phải không? Đây là cái chợ hay sao mà anh muốn đến lúc nào cũng
được. Anh lên bàn đầu ngồi!
Ân ngồi vào
bàn không một chút thoải mái. Nhất là khi ở quá gần thầy, nhìn thấy khuôn mặt
nghiêm nghị của thầy, anh sợ.
- Đừng ai tỏ
ra đặc biệt khiến tôi để ý tới, chẳng có lợi gì cho người đó đâu… Trước khi tôi
giảng bài cho các anh chị, cho tôi hỏi ở đây có ai theo đạo Thiên Chúa không?
Ân giơ tay lên
một cách rất tự nhiên vì anh nghĩ chẳng có gì phải ái ngại khi mình là một Kitô
hữu, nhưng nhìn quanh thì chẳng thấy cánh tay nào nữa. Kiểu này thì thầy quan
tâm đặc biệt đến mình là cái chắc.
- Vậy là trong
lớp có hai người theo đạo Thiên Chúa…
Hai… không
phải một… anh nhủ thầm. Không hiểu sao lúc đó anh yêu thích số hai đến thế.
Nghoảnh đầu lại, lần này anh thấy có một cánh tay giơ lên. Một cô gái ngồi cuối
lớp.
- Tôi nói
trước, những gì tôi giảng dạy có thể sẽ đụng chạm đến niềm tin tôn giáo, cho
nên các anh chị hoặc là chấp nhận những gì tôi giảng dạy hoặc là rời khỏi lớp
này và mong chờ gặp được một giáo viên khác.
Sau một bài
nhắc nhở thật dài, thầy giáo cũng bắt đầu vào bài giảng. Ân cũng chỉ trông mong
thế, để thầy đừng chú ý mình nữa. Thỉnh thoảng, Ân làm bộ mệt mỏi để cố tình
ngoảnh đầu lại, xem thử mặt mũi của người đồng đạo. Cô gái mặc chiếc áo xanh
lam, tóc sau buông dài, buộc rìa hai bên bằng chiếc nơ xanh, tóc trước chấn
ngang mi tô thêm vẻ tròn trĩnh cho khuôn mặt. Nói chung là mới nhìn sơ qua cũng
bị thu hút bởi nét rất duyên. Giọng thầy tiếp tục:
- Cac Mac nói
rằng: tôn giáo là một liều thuốc phiện cho người kém lý trí, là tinh thần trong
một con người kiệt quệ…
- Thưa thầy,
không phải thế đâu ạ. Tôn giáo không phải thế…
Tiếng nói
trong trẻo cắt ngang bài giảng của thầy làm cả lớp ngạc nhiên. Đó là cô gái áo
xanh lam. Ân thầm khen giọng nói của cô ấy cũng dễ thương như khuôn mặt. Thầy
giáo nói lại:
- Sao, đụng
chạm đến niềm tin rồi hả? Chị dám phản bác lại ý kiến của một triết gia vĩ đại
sao?
Cô gái đứng
lên trả lời:
- Thưa thầy,
tôn giáo giúp cho con người sống tốt hơn.
- Có thật sự
giúp con người sống tốt hơn không? Trong phòng này có rất nhiều người không
theo tôn giáo chẳng lẽ họ không sống tốt chắc?
Thầy khoanh
tay nói tiếp:
- À quên, còn
một người nữa. . . Anh có nghĩ là theo đạo thì sống tốt hơn người khác không?
Thầy giáo nói
xong, mới liếc mắt nhìn Ân, lúc đó anh mới ngộ ra là thầy đang nói với mình.
Chết chưa… khó sống hòa bình rồi đây. Ân rụt rè đứng lên:
- Dạ thưa
thầy, đúng là tôn giáo giúp người ta sống tốt hơn.
Thầy quát lớn
tiếng:
- Lừa gạt, tôn
giáo chỉ là trò bịp bượm. Làm gì có Thiên Chúa trên đời này.
Cô gái trả
lời:
- Dạ thưa
thầy, có Thiên Chúa trên đời này. Cả giáo xứ của em đều tin như thế cả.
- Đó chỉ là
một con số ít ỏi trong biển người vẫn không tin.
Thầy nói tiếp
bằng giọng mỉa mai:
- Được rồi,
chị hãy chứng minh cho tôi thấy là trên đời này có Thiên Chúa đi… Đừng có chỉ
vào thánh giá chị đeo trên tay và nói rằng đó là Chúa nhé…
Cả lớp cười ồ
lên, tiếng nói nhỏ bé của cô gái cũng chẳng có ai nghe. Tiếng chuông điện vang
lên, hết giờ học. Ân vẫn còn nhìn thấy nụ cười khinh bỉ còn lưu lại trên nét
mặt của thầy trước khi ra khỏi lớp. Ân nhanh chân theo sau người đồng đạo. Hai
người đi với nhau, chưa nói gì nhưng tự nhiên có mối thiện cảm với nhau. Đi hết
dãy hàng lang, qua hàng ghế đá cũ kỹ, bên lề là hàng cây lộc vừng đang mùa hoa,
rụng đỏ cả lối đi. Một bông hoa rơi nhè nhẹ trên mái tóc của cô gái khiền lòng
anh bồi hồi. Ân khẽ gọi:
- Bạn cũng là
người Công giáo hả?
- Ừ, mình là
Linh!
- Mình là Ân.
Ân Linh, nghe hợp nhau đó há!
Linh ngượng
ngùng, chiếc cằm hơi cúi, giấu ánh mắt cảm xúc.
- Hồi nãy cuối
giờ lớp, Linh nói gì mà mình nghe không rõ?
- À, thầy bảo
chứng minh có Thiên Chúa. Mình trả lời là Chúa Giêsu đã dạy cho ta biết về
Thiên Chúa và có rất nhiều vị tử đạo đã đổ máu mình ra để làm chứng cho điều
này.
- Nếu thầy nói
lại là Chúa Giêsu và các vị tử đạo không phải là những triết gia thì sao?
Câu hỏi làm
Linh ngẩng mặt, đưa tay chống cằm, càng lộ nét ngây thơ trên khuôn mặt.
- Ừ há… Nếu họ
không tin vào Chúa Giêsu thì sao?
Mặc cho Linh
đang mãi nghĩ ngợi, Ân chẳng ưu tư chút nào về những câu hỏi đó, anh chỉ chú ý
đến Linh đang đi cạnh mình, cánh hoa lộc vừng vẫn rơi trong cảnh chiều cuối
thu. Chợt, Linh nhìn đồng hồ:
- Ấy, trễ rồi,
mình phải về nhà thôi!
- Về nhà chứ
có phải đi học đâu mà trễ.
- Trễ thiệt
mà.
- Ân chở Linh
về nhé?
- Không cần đâu,
Linh về bằng xe buýt.
Đã mấy ngày
trôi qua, kể từ lần gặp Linh, anh vẫn mong được gặp lại người đồng đạo. Hai đứa
khác chuyên ngành, chỉ học cùng nhau môn triết vì trường thiếu giáo viên. Anh
mong đến giờ triết tuần tới để được gặp lại Linh nhưng nghĩ đến ông thầy đó thì
niềm mong ước của anh cũng giảm đi nhiều. Nghe chuông nhà thờ vang lên, anh nhớ
ra hôm nay là Chúa nhật nên anh đi lễ. Sau giờ lễ, anh vẫn nán lại trong nhà
thờ. Chúa đang hiện diện trước mắt anh trong nhà Tạm. Đức tin nói cho anh biết điều
đó. Nhưng làm sao chỉ cho những người khác, như người thầy giáo đó biết được có
Chúa trên đời này.
Thấy anh đi
ra, vị linh mục già đến bắt tay anh:
- Hôm nay
trông con cầu nguyện rất sốt sắng.
- Dạ, vì con
đang có tâm trạng…
Hai người tiến
đến hàng ghế đá bên đài Đức Mẹ. Anh hỏi:
- Làm sao để
chỉ cho người khác thấy Chúa hả cha?
- Con muốn chỉ
cho ai?
- Thầy giáo
dạy môn triết học lớp con. Thầy bảo con chứng minh có Chúa.
- Con à, chúng
ta nhận biết được Thiên Chúa là nhờ ánh sáng đức tin mà Chúa đã ban cho. Nhưng
bằng lý trí, người ta vẫn có thể nhận biết được có Thiên Chúa.
- Làm sao biết
được hả cha?
- Các triết
gia Kitô giáo đã rất nỗ lực để chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Cha sẽ đưa cho
con vài tài liệu để giúp con hiểu rõ thêm, nhưng con hãy luôn nhớ rằng, đức tin
là quà tặng của Chúa và bằng chứng có sức thuyết phục người ta tin nhất đó
không phải là một bài diễn thuyết hay mà đó là đời sống của ta. Người ta sẽ
nhận sẽ nhận ra Chúa khi đời sống của ta chiếu tỏa niềm tin.
Một tuần trôi
qua, đã đến giờ học Ân mong đợi. Không chỉ vì anh mong được gặp Linh mà còn vì
trong mấy ngày qua, anh đã đọc các tài liệu mà cha xứ đưa. Anh hy vọng có thể
thuyết phục được người thầy của mình. Ân vào lớp, nhìn thấy Linh cũng đã đến
rồi. Thầy giáo bước vào, vẫn là ánh mắt đó, giọng điệu đó:
- Hai anh chị
ngồi vào bàn đầu cho tôi. Và kể từ nay, hai anh chị sẽ ngồi ở đó.
Không biết
Linh cảm thấy thế nào, chứ Ân thì vui lắm vì được ngồi gần Linh. Giọng người
thầy chen vào, làm niềm vui của Ân tan biến:
- Chúng ta nói
tiếp về chủ đề tuần trước chứ hả? Anh chị hãy chỉ cho tôi thấy Chúa đi!
Ân cũng đang
chờ đợi thầy hỏi câu đó. Anh liền trả lời:
- Thưa thầy,
có Chúa ở trên đời. Em xin phép được hỏi thầy câu này: Ai sinh ra thầy?
Cả lớp cười ồ
lên, thầy cũng cười, hỏi lại:
- Em hỏi có ý
gì? Hay là sáng nay em quên uống thuốc?
- Em đang
chứng minh có Thiên Chúa, xin thầy trả lời câu hỏi của em!
- À, cha mẹ
tôi sinh ra tôi.
- Ai sinh ra
cha mẹ thầy?
- Ông bà nội
ngoại của tôi.
- Ai sinh ra
ông bà của thầy?
- Ông bà cố của
tôi.
Linh nghe hỏi
liền mấy câu như thế cũng chẳng hiểu gì, nhưng nghe giọng điệu tự tin của Ân,
Linh cũng thấy an tâm phần nào.
- Vậy, cho em
hỏi thầy: Nếu ta cứ tiếp tục tìm về người đời trước như thế, chúng ta sẽ tìm
đến người đầu tiên trên mặt đất này.
- Vậy thì sao?
- Người đầu
tiên này không được sinh ra bởi một người nào, mà được Chúa dựng nên.
Thầy nói ngay:
- Không, Dac
Uyn cho rằng, con người bởi vượn tiến hóa nên. Các nhà khoa học cũng đã chứng
minh điều đó.
Cả lớp vỗ tay,
đồng ý với ý kiến của thầy.
- Vậy thưa
thầy, nếu ta tiếp tục hỏi: Vượn bởi đâu mà ra? Vũ trụ bởi đâu mà hình thành?
Thì thử hỏi cái gì là nguyên nhân đầu tiên làm phát sinh mọi sự như thế?
Thầy không
chút tỏ ra bối rối:
- Mọi thứ
trong vũ trụ này đều phát sinh từ một vụ nổ Big Bang, từ đó hình thành nên
những nguyên tử, phân tử, hợp chất vô cơ, hữu cơ, rồi đến cơ thể đơn bào, đa
bào, động vật bậc thấp, động vật bậc cao và cuối cùng là những con người đang
có mặt ở đây. Tất cả đều bởi tự nhiên.
Cả lớp vỗ tay
hoan hô thầy, một phần cũng vì để lấy lòng thầy. Ân đứng lặng im, cố nhớ một
điều mình đã đọc mà vẫn không nhớ nổi. Linh nhìn thấy sự bối rối của bạn mình.
Cô góp lời:
- Dù cho mọi
điều thầy nói có đúng đi chăng nữa thì Chúa vẫn có, Chúa vẫn đang hiện diện
trong lớp này.
- Đâu, đâu, ở
đó hay ở đây, có ai thấy Chúa không cả lớp?
Cả lớp đồng
thanh:
- Không!
Lần này thì cả
Ân và Linh đều im lặng. Cả hai biết rằng có thuyết phục thế nào cũng vô ích. Ân
cảm thấy buồn vì những cố gắng của mình chẳng đem lại kết quả gì. Điều đó cũng
đúng thôi, Ân chỉ mới suy tư về sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ trong mấy ngày
nay, trong khi đó, người thầy của anh đã có tới mấy năm liền nghiên cứu chuyên
sâu về vấn đề này, đặc biệt đối với thầy là một người chẳng tin có Thiên Chúa
cho nên thầy ra sức tìm đủ mọi học thuyết để bênh vực cho quan điểm của mình.
- Các triết
gia và các nhà khoa học nói chẳng có Chúa. Em là ai mà nói rằng có Chúa… Đó là
lý do tại sao chúng ta phải học những tư tưởng vĩ đại của các triết gia. Hôm
nay chúng ta học về…
Tuần này nối
tiếp tuần nọ. Ân và Linh vẫn ngồi ở bàn đầu, vẫn là những câu hỏi châm chọc của
thầy vào đầu giờ. Về sau, hai người bạn của chúng ta cũng chẳng nói lại gì
trước những câu châm chọc đó. Hai bạn vẫn kiên trì giữ thái độ học rất nghiêm
túc.
Tan giờ học,
Ân đi cùng Linh:
- Thầy giáo cứ
mãi đụng chạm đến niềm tin của mình. Linh có cảm thấy khó chịu không?
- Không, chỉ
hơi buồn về thầy thôi…
- Hôm nay Ân
chở Linh về nhé!
- Không được
đâu, với lại nhà Linh xa lắm.
- Không có xa
xôi gì hết. Linh thích đi xe buýt lắm hả? Mùi máy lạnh trên xe dễ chịu lắm hả?
Năn nỉ mãi,
Linh mới chịu lên xe ngồi. Ân chạy chậm chậm, rẽ qua những con đường theo hướng
chỉ của Linh. Bất thình lình, phía trước có người phụ nữ đang nằm trên mặt đường,
bên cạnh chiếc xe máy bị ngã. Chị đang gắng sức chồm dậy nhưng vô ích. Chị quằn
quại kêu cứu những người qua đường nhưng chẳng có ai dừng lại, mặc cho chị rên
rỉ thảm thiết thế nào. Ân tấp xe vào lề, lao đến hỏi:
- Chị có sao
không?
- Ư… chân của
chị… không cử động được… đau quá!
Linh nhìn vào
chân của chị:
- Mình phải
đưa chị vào bệnh viện thôi.
Ân dắt chiếc
xe máy của chị gởi vào một quán sửa xe gần đó. Anh gọi một chiếc taxi, giúp
Linh đưa chị ấy lên taxi, còn mình thì chạy xe theo sau.
Bác sĩ chẩn
đoán rằng chân chị đã bị gãy và bảo người nhà làm thủ tục để tiến hành điều
trị. Linh nhẹ nhàng an ủi chị:
- Chị cứ an
tâm, chị không sao cả, chỉ bị thương ở chân thôi.
- Cảm ơn hai
em… em giúp chị gọi chồng chị đến được không, số máy là…
Không lâu sau,
giọng một người đàn ông trước cửa phòng:
- Vợ tôi sao
rồi bác sĩ…
- Vợ anh sẽ
được phẫu thuật chân… anh vào với chị ấy đi!
Cánh cửa hé
mở… bóng một người đàn ông bước vào. Cả Ân và Linh đều ngạc nhiên. Người đàn
ông đó chính là thầy giáo môn triết của mình. Người thầy cũng bất ngờ khi gặp
học trò của mình ở đây. Anh vội quay sang chị đang nằm trên giường bệnh:
- Em có bị sao
không? Đau ở nơi nào không?
Chị thấy anh
đến thì không kiềm được nước mắt nữa, chị òa lên:
- Chân của em…
đau quá…!
- Không sao cả,
có bác sĩ rồi, em an tâm đi!
Chị thút thít
kể lại:
- Em đang chạy
xe thì choáng váng, mất tay lái nên ngã xuống đường… Cái chân em đau quá, đứng
dậy có được đâu, kêu cứu mọi người mà chẳng có ai đến giúp cả… Toàn là người vô
tâm… may mà gặp được hai em này… nếu không thì…huhu…
Nói đến đó thì
chị lại òa lên khóc nữa.
Người thầy đã
hiểu ra lý do mà hai học trò của mình có mặt ở đây. Anh quay mặt sang hai trò
với ánh mắt đầy lòng biết ơn. Chưa kịp để thầy nói lời nào, Ân nhanh miệng:
- Chúng em
đang đi học về thì gặp cô như thế…
Chị lại nũng
nịu:
- Cũng tại anh
đi dạy hoài, bỏ em đi một mình nên…huhu
- Thôi, nín đi
em, đừng khóc nữa… anh sẽ không xa em nữa đâu!
Hai người bạn
cùng bật cười. Cũng phải thôi, lần đầu tiên được nghe thầy nói những lời dịu
dàng đến thế, khác hẳn với giọng điệu nghiêm nghị, đầy mỉa mai ở lớp. Thấy hai
vợ chồng đang thắm thiết với nhau, Linh kéo tay Ân và thưa:
- Thưa thầy và
cô, chúng em đi đây ạ!
Thấy hai học
trò đi vội, thầy giáo chạy ra cửa, nói vọng theo:
- Cảm ơn hai
em nhiều lắm!
Mặc dù chưa
biết buổi học tuần sau như thế nào, có còn những lời mỉa mai, châm chọc, nhưng
hai bạn trẻ đều có thêm niềm hy vọng rằng thầy sẽ có một cái nhìn lạc quan về
đạo Công giáo.
- Ân chở Linh
về nha!
- Ừ!
- Đến rồi…
Chiếc xe dừng
lại trước cổng của ngôi nhà lớn, có bãi cỏ rộng và một cây Thánh Giá lớn. Ân
đọc dòng chữ trước cổng:
- Dòng Mến
Thánh Giá…
Ân vẫn chưa
hiểu hỏi lại:
- Linh ở trong
này hả?
- Ừ…
Vừa nói xong,
Linh chạy vội vào nhà, trên khuôn mặt nở một nụ cười, để lại vẻ mặt đầy ngơ
ngác và luyến tiếc của Ân.