Thuộc
tính là những đặc tính trọng yếu của một danh gọi, nó gồm vài nhân tố biểu hiện
đặc trưng, nhưng nếu thiếu đi một trong số đó thì danh xưng ấy không còn đúng với
cái tên của nó nữa nhưng buộc phải bị thay đổi cách gọi. Để dễ hình dung, xin
mượn khung cảnh nói về bản chất của Giáo Hội; Đạo Công Giáo có 4 đặc tính chủ yếu:
Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Nếu một quần thể sinh hoạt tôn
giáo nào mà thể hiện thiếu một trong 4 nhân tố đó thì đấy là một Giáo phái khác
chứ không thể gọi là hành đạo trong Giáo hội Công giáo được. Tương tự cũng có
thể lập luận, nếu một người sống Đạo mà thể hiện khiếm khuyết chỉ một trong 5
thuộc tính sau đây thì vẫn có thể đánh giá người đó là Kitô hữu mẫu mực nhưng
không thể coi họ như một Thừa sai. Tóm lại theo cách vừa giải thích, thì đời
hoạt động của Nhà truyền giáo, cơ bản luôn cần đầy đủ 5 đặc tính: Thánh thiện,
Trung tín, Nhiệt thành, Am hiểu và Mẫu mực. Tuy vậy trong vài hoàn cảnh đặc thù, vì
nhu cầu thi hành Sứ vụ cho đạt hiệu quả cao, thực tế còn đòi hỏi thêm những đặc
tính khác nữa, ví dụ: Kiên trì, nhẫn nhục, vâng phục, khó nghèo v.v...
Thuộc tính Thánh thiện: Để
miêu tả nguyên do vì sao cần xem trọng đức tính này và coi đó là nhân tố đầu
tiên được đề cập đến, xin được trích một đoạn phát biểu của Đức Pi-ô XI
trong Tông thư Maximum Illud số 26, ý tưởng diễn đạt tuy vắn tắt
nhưng khá đầy đủ ý nghĩa: “Nhưng có một
thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống Tông đồ. Một
điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện. Bởi
vì, ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Chúa. Ai
khuyên người khác từ bỏ tội lỗi thì chính mình cũng phải chê ghét tội lỗi. Giảng
bằng gương sáng thì hiệu quả hơn nhiều so với thuyết giảng bằng lời nói, đặc biệt
khi giảng cho những người không tin, họ dễ bị ấn tượng bởi những gì mắt họ nhìn
thấy hơn là bằng những lý luận được trình bày cho họ. Nếu có thể, cứ cho người
truyền giáo mọi tài năng tinh thần và trí tuệ có thể tưởng tượng ra được, cứ
cho họ có những kiến thức sâu rộng nhất và quán triệt các nền văn hoá xuất sắc
nhất. Nhưng nếu những đức tính này không được kèm theo với sự vẹn toàn của tinh
thần Thánh thiện, thì chúng sẽ trở nên ít ỏi hoặc chẳng có giá trị gì cho việc
Tông đồ. Trái lại, chúng có thể còn là nguyên nhân gây ra tai họa cho bản thân
họ và cho người khác.”[1]
Thuộc tính Trung tín: Nói
đến sự trung tín là hàm chỉ về cách thể hiện Niềm tin nơi Đức Kitô và lòng
trung thành đối với Giáo Hội. Cần nhận thức rằng một Thừa sai bị đánh giá là “kẻ
thiếu lòng trung tín” không phải vì ông ta đã phát biểu “tôi không tin Chúa”.
Không hẳn phải đợi biểu hiện một hành vi lộ liễu đến vậy, đời hoạt động của Nhà
truyền giáo chỉ cần đôi lúc vì sơ suất mà sống không phản ánh trung thực các Lời
dạy trong Phúc Âm thì đáng để bị gán với tội danh này rồi. Ngoài ra, những yếu
tố như: Tham vọng vật chất thế gian, phô trương kỳ công, cố chấp trong phương
pháp, thiếu sự vâng phục Đấng bề trên v.v..., trong lãnh vực Truyền giáo, những
cung cách đó cũng có thể được coi là tiêu biểu của kẻ “bất tín bất trung”. Vì
nhiệm vụ ràng buộc duy nhất đối với họ là lo cho Phần rỗi các Linh hồn và Mở
mang Nước Chúa, ngoài mục tiêu đó ra thì không nên liên tưởng đến lợi ích gì
khác cho bản thân cũng như vì mưu toan trần thế.
Yếu tố
Trung tín còn đòi hỏi nơi Thừa sai phải đón nhận sự hy sinh cho dù đến tận mạng.
Giả định tại một khu truyền giáo hẻo lánh, bọn thổ phỉ đến đòi lấy mạng những
ai theo Đạo, thật vô lý khi người ta chứng kiến một Vị Thừa sai mặc kệ Con
chiên mà quỳ van xin cho mình được tha mạng. Cứ vịn vào hình ảnh như vậy mà Nhà
truyền giáo cần tâm nguyện rằng phải luôn sống trong tư thế có thể bị trở nên vật
hiến tế bất cứ lúc nào, do vậy không bao giờ được đặt ra tiêu chuẩn, mình sẽ hy
sinh đến chừng mực nào là vừa đủ. Một cách tóm lược đầy đủ ý nghĩa cho phần
trình bày thuộc tính này, xin được trích số 89 trong Thông điệp Redemptoris
Missio[2]: “Như
Chúa Kitô, Nhà truyền giáo phải yêu mến Giáo Hội theo cách: Chúa Kitô đã yêu
thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Eph 5, 25). Tình yêu thương này, phải
đến độ hiến mạng sống mình và cũng là đích điểm mà họ nhắm đến. Chỉ có tình yêu
sâu xa đối với Giáo Hội mới có thể bảo toàn lòng trung tín của Nhà truyền giáo
mà thôi. Cái thôi thúc thường xuyên của Nhà truyền giáo phải trở nên, như Thánh
Phaolô nói: Nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội
Thánh (2Cor 11, 28). Đối với hết mọi Thừa sai: Lòng trung thành với Chúa Kitô
không thể nào tách lìa khỏi lòng trung thành với Giáo Hội[3].”
Thuộc tính nhiệt thành: Khi
tiếp cận với từ này người ta thường liên tưởng ngay đến tác phong của một con
người thể hiện sự hăng say trong công việc. Điều này cũng đúng đối với Thừa
sai, vì không thể trong tư thế ù lì, chểnh mảng mà nói là tôi đang gánh vác trọng
trách mang Ơn cứu độ đến cho tha nhân. Mọi người đều công nhận về mặt Tín lý,
Ma quỷ luôn lôi kéo con người ngã về phe của chúng, ấy vậy mà, Thừa sai lại
luôn tìm cách cứu vớt các Linh hồn. Bởi đó, phải đối đầu với Thần dữ thì hẳn
không thể cho phép chúng ta được ỷ lại và thiếu lòng hăng say. Bản năng mạnh mẽ
để thắng vượt tội lỗi và kháng cự lại những gì nghịch với điều Thiện khiến cho
Nhà truyền giáo cần trở nên nhiệt thành trên nhiều phương diện. Trước hết vì nỗi
bận tâm về một Sứ vụ thiêng liêng với những đặc tính cấp bách của nó, kế đến vì
thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa qua việc phụng sự tha nhân và sau cùng,
chính là bước nối tiếp của lòng Trung tín, như đã đề cập trong phần trình bày
trước đây, Thừa sai hằng mang tâm nguyện hy sinh đến cả mạng sống mình, vậy thì
ngày nào còn sống để phục vụ thì hãy ra sức đến tận lực. Chúng ta cũng ôn lại lời
khuyên của Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi để thấu hiểu hơn về
ý này: “Thời đại chúng ta cũng có nhiều trở ngại, trong
số đó Ta muốn đề cập đến việc thiếu lòng nhiệt thành. Nó càng trầm trọng hơn vì
xuất phát từ bên trong. Nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán chường, trong sự
chiếu lệ và hờ hững, và nhất là thiếu niềm vui và trông cậy. Vậy Ta nhắn nhủ tất
cả những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, dù ở địa vị hay mức độ nào
cũng phải nuôi dưỡng trong mình lòng nhiệt thành (Rm 12,11)..... Vì vậy chúng
ta hãy duy trì lòng nhiệt thành. Hãy bảo toàn niềm vui dịu dàng và niềm an ủi
được rao giảng, ngay cả lúc phải gieo trong nước mắt. Ước gì việc rao giảng đối
với chúng ta cũng như đối với Gioan Tẩy Giả, đối với Phêrô và Phaolô và các
Tông đồ khác cũng như đối với vô số nhà rao giảng, đáng thán phục khác trong suốt
lịch sử của Giáo Hội, ước gì việc rao giảng là một sự phấn khởi nội tâm mà
không ai, không một gì có thể dập tắt được. Ước gì đó là niềm vui lớn lao của đời
sống tận hiến của chúng ta. Và ước gì thế giới hôm nay đang tìm kiếm trong lo
âu hoặc hy vọng, có thể đón nhận Tin Mừng, không phải từ những nhà rao giảng buồn
bã hay thất vọng, bồn chồn hay lo âu; nhưng từ những Thừa tác viên của Tin Mừng
có đời sống đầy nhiệt thành vì đã đón nhận niềm vui của Đức Kitô và chấp nhận
xem thường mạng sống để cho Nước Trời được rao giảng và Giáo Hội được ăn sâu
vào giữa lòng thế giới.”[4]
Một khía
cạnh khác có liên quan đến lòng nhiệt thành mà cũng cần lưu tâm trong khi thi
hành Sứ vụ, theo nguyên tắc Truyền giáo học, đó là tinh thần biết dấn thân vào
sự mạo hiểm. Vì là người phải tới những vùng xa lạ, dám tiếp cận cùng dân nước
không đồng quan điểm với mình, sẽ quảng bá điều mà họ chưa từng nghe đến
v.v..., những yếu tố đó đòi buộc nơi Thừa sai phải ý thức vai trò tiên
phong của mình và cần chuẩn bị đối mặt trước nguy cơ của tính thời vận. Về quan
điểm này xin được ghi nhận một số kinh nghiệm do những tiền nhân đã truyền đạt
lại cho chúng ta sau quá trình hoạt động trong cuộc đời các Ngài: “Có
thể nói làm Thừa sai là dấn thân vào con đường mạo hiểm; mạo hiểm không phải vì
thích chơi trò rủi may, nhưng vì xác tín là ở bên kia còn có một kho tàng quý
giá đang chờ đợi chúng ta. Linh đạo truyền giáo không tiến bước trên những
con đường rãi nhựa, có lằn ranh mức rõ ràng; trái lại, nhiều lúc phải dấn bước
vào những khu vực thâm u xa lạ, phải khai mở những con đường mới với nguy cơ có
thể bị lạc hướng. Vì thế, cần phải táo bạo, mà cũng cần phải nghiêm túc cẩn trọng,
và cả khiêm nhường nữa để sửa sai. Thật ra, vùng ngoại biên là chân trời được
thúc bách, Thừa sai phải tìm cách đi xa hơn mãi, không bao giờ mãn nguyện với kết
quả đạt được. Là người tiên phong, là nhà thám hiểm thiêng liêng, Thừa sai cần
sống ‘Linh đạo ham biết, ưa thử nghiệm,’ cố đi tìm cái mới nơi lương dân, và
tìm cách trao cho họ cái mới của Phúc Âm.”
Thuộc tính am hiểu: Phần
diễn đạt ý nghĩa của thuộc tính này sẽ không được trình bày trong phần viết ở
đây, vì nó trùng hợp với nội dung của đề tài: Chiều kích Tư chất Thừa sai, mà
chúng ta sẽ đề cập ở phần sau. Tuy nhiên cũng lướt qua một ý nhỏ về tầm quan trọng
đối với tính năng Am hiểu: Chúng ta biết rằng động lực để hiến mình vì Sứ vụ của
Thừa sai tất yếu phải khởi nguồn từ tình yêu nơi Thiên Chúa, vậy thì chúng ta sẽ
yêu Ngài theo cách thức như thế nào ? Câu trả lời là cả một chủ đề rộng lớn của
các nhà Thần học Tu đức và các chuyên viên về Chiêm niệm. Riêng đối với khoa
Truyền giáo học, một cách vắn gọn, các Vị chuyên trách huấn dạy thường khuyên
chúng ta nên nghiền ngẫm câu nói sau đây trong Phúc Âm: “Ngươi
phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi... hết trí khôn” (Mc 12, 30).
Thuộc tính Mẫu mực: Thật
hiển nhiên bởi vì công việc là phải tiếp xúc và quảng bá Lời Chúa cho tha nhân,
người ta có thể hiểu ngay, Thừa sai đến đâu thì cần được bách tính chấp nhận sự
hiện diện của mình và trở nên biểu tượng đạo đức ở nơi đấy. Tuy vậy cũng cần
lưu ý một điều: Ngày xưa, Thừa sai được coi như là anh hùng, nhưng ngày nay xem
ra là kẻ ít được thông cảm, lại còn có thể bị chế giễu là thuộc thành phần bảo
thủ, chuyên xúi giục người khác làm điều ngu si v.v... Nhất là thời buổi hiện tại,
trong lãnh vực Truyền giáo, người ta còn thấy đôi khi Thừa sai phải chịu ngay cả
anh chị em đồng môn, chung Đạo thẳng thừng lên tiếng chỉ trích trên nhiều mặt, ở
một số điểm như: thiếu thực dụng, không thức thời, vụng về trong việc mưu sinh
lợi ích cho kẻ khác v.v... Đối mặt với những nghịch cảnh như thế, theo thời
gian, Nhà truyền giáo phải chuyển hóa từ ác cảm để biến thành thiện cảm, và rồi
đến khi người ta có chấp nhận được con người mình thì lúc đó mới hy vọng họ
cũng đón lấy các đường hướng tâm linh mà mình muốn truyền đạt.
Kinh
nghiệm của những Vị đi trước đã truyền đạt lại và thấy có ghi chép trong một
Giáo trình về tính Mẫu mực của Thừa sai, xin được trưng dẫn vài nét cơ bản như
sau: “Nhiều lúc Thừa sai phải sống một mình, cô đơn, ở
giữa những người không ai hiểu mình và không ai chia sẻ các giá trị của
mình..... Thế nên, những đường nét cần có trong tâm lý của người Thừa sai:
một tính tình quân bình hài hòa, mềm dẻo, biết rằng trừ Thiên Chúa ra, tất cả đều
tương đối, vì thế sẵn sàng nhường bước trên những gì gọi là yếu tố phụ thuộc để
rồi có thể giữ lại cẩn trọng những gì cho là cần thiết hơn. Không cực đoan
trong quan niệm, lập trường (chủ nghĩa), không cuồng tín trong Giáo thuyết. Phải
thể hiện hành động đầy can đảm nhưng không biểu lộ thách thức, lo giảng hòa,
quyết chịu đựng thay vì gây hại. Không khoe khoang, mà chỉ khiêm tốn nói lên sự
thật; biết đối thoại, dễ cởi mở đón nhận ý kiến người khác, có tài làm cho người
khác cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với mình; không lập dị trong các thói
quen; biết nhạy cảm trước thực trạng xã hội, văn hóa, tôn giáo v.v..., cũng như
biết lưu ý tới ''dấu chỉ thời đại'' mà Thần Khí dùng để tỏ cho thấy hướng Giáo
Hội phải đi. Cần có tính hài hước, và không ngả lòng khi gặp thất bại, hoặc kết
quả trái với ý muốn...”
Sau khi
quan sát một cách khá đa diện một số đức tính của Thừa sai như trên, giờ đây
chúng ta mới có thể cảm thấy được phép phát biểu một cách vắn gọn định nghĩa Thừa
sai là ai? Đó là những người nhờ được trang bị khả dĩ nơi mình 5 thuộc tính như
đã trình bày, rồi từ đó, bản thân họ mang tâm huyết muốn vâng phục Lệnh truyền
Chúa Kitô và quan tâm đến Phần rỗi tha nhân mà dâng hiến đời mình phụng sự Giáo
Hội qua Sứ vụ Loan báo Tin mừng. Ngoài ra chúng ta cũng cần nhắc lại cấu từ của
chữ Thừa sai ở phần định nghĩa Truyền giáo, Thừa sai: Thừa tác viên + Được sai
đi, tuy nhiên chúng ta cũng chấp nhận cách giải thích ngôn từ này nơi các tác
giả khác. Tiếp sau đây sẽ là phần trình bày về những chiều kích thuộc bản chất
và đời hoạt động của Nhà truyền giáo.
Khi nói
về Tư chất của một người là đề cập đến sức hiểu biết và khả năng phục vụ của
người đó. Còn tư chất nơi Thừa sai là những tính năng thuộc thực tại trần thế,
nhờ đó họ có thể đảm nhận để hoàn thành tốt phận vụ của mình trong sứ mệnh Giáo
Hội giao phó nhằm phục vụ và kêu gọi tha nhân ngoài Giáo Hội. Đồng thời cũng là
những người hội đủ điều kiện để đáp lại Lời mời gọi của Chúa Kitô một cách hiệu
quả đối với công việc lo cho Phần rỗi các Linh hồn.
Trước hết
xin đề cập đến Tư chất thuộc lãnh vực hiểu biết, nhờ trải qua quá trình đào tạo
mà phát huy được khả năng cũng như đáp ứng những đòi hỏi tất yếu trong khi
thi hành Sứ vụ. Yêu cầu theo quan điểm này, chúng ta có thể tìm thấy ý tưởng tương
thích nơi Tông thư Maximum Illud, số 22: “Trước khi bước
vào đời hoạt động tông đồ của mình, người truyền giáo phải có một sự đào tạo rất
cẩn thận. Điều này đúng cả khi người ta có thể vấn nạn rằng một người được kêu
gọi để rao giảng Đức Kitô tại những nơi xa cách nền văn minh thì không cần một
trình độ giáo dục cao siêu. Đương nhiên, chắc chắn là đối với việc cải hóa tâm
hồn người ta, sự trau dồi nhân đức thì quí giá hơn là một sự hiểu biết về những
điểm tinh tế của văn chương. Tuy nhiên, nếu một người đã không được cung cấp một
vốn hiểu biết đáng tin, người ấy sẽ thường xuyên nhận ra rằng mình đang thiếu
những gì có thể là một tài sản quan trọng để thi hành một cách hiệu quả công việc
tông đồ của mình. Không hiếm trường hợp một người truyền giáo rơi vào hoàn cảnh
không có sách vở gì cả và không có cơ hội tham khảo ý kiến một người khác có hiểu
biết hơn họ. Nhưng họ buộc phải trả lời cho bất cứ luận cứ nào chống lại đức
tin được đặt ra cho họ và họ thường được yêu cầu phải trả lời cho những câu hỏi
rất khó. Trong những trường hợp như thế, họ càng chứng tỏ có kiến thức bao
nhiêu thì danh tiếng và uy tín của họ càng cao bấy nhiêu, đặc biệt nếu họ đang
đối diện với những người rất coi trọng trình độ hàn lâm và sự hiểu biết. Trong
những tình huống như thế, sẽ là một cú sốc bất thường khi chứng kiến những người được
ủy thác việc truyền đạt Sứ điệp Chân lý ấy phải bị những thầy dạy lầm lạc đánh
bại.”[5]
Thêm vào
đó các tác giả Truyền giáo học cũng lưu ý: “Trước hết, Thừa
sai phải là chứng nhân của Ðức Kitô, trung thực phản ảnh con người, Giáo lý và
hành động của Ngài qua chính đời sống bằng lời nói và việc làm của mình. Tiếp
đó, Thừa sai phải là Chuyên viên về Kitô giáo, bởi không ai cho được cái mình
không có. Nói cách khác: nhất thiết phải có đủ hiểu biết về Thần học và Kinh
Thánh với những bước tiến triển không ngừng nối đuôi nhau, biết về tình trạng của
Giáo Hội và các sáng kiến Mục vụ tại nhiều nơi trong thế giới.....Tích cực hơn,
Thừa sai phải kiên trì nhắm vào tiêu đích chủ yếu là quy tập và đào tạo những
môn đệ mới cho Ðức Kitô. Ðể được vậy thì cần phải dùng đến một số công cụ như:
Trước tiên là ngôn ngữ, cần phải thạo tiếng địa phương để giao tiếp với những
người mình gặp gỡ giữa môi trường làm việc, phục vụ, nhất là ngôn ngữ riêng của
một dân tộc. Vì được quan niệm phổ quát như là người thuộc giới trí thức, Thừa
sai có bổn phận phải học biết đầy đủ kiến thức về văn hóa, tôn giáo, lịch sử,
phong tục, phẩm trật giá trị v.v... của môi trường hoạt động. Lý tưởng là biết
suy tư và lý luận với những phạm trù bản xứ, làm sao để có thể diễn đạt Mầu nhiệm
Ðức Kitô một cách dễ hiểu và quen thuộc đối với người bản xứ.”
Những ý
tưởng đề cập bên trên, liên quan đến tư chất có được là nhờ hấp thụ qua sự huấn
luyện, tuy nhiên người ta cũng còn xét đến tư chất do tính bẩm sinh của con người
Thừa sai nữa. Trước tiên, họ là những kẻ được hình tượng nên sau một quá trình
uốn nắn, giáo dục nơi gia đình và môi trường lý tưởng; từ trong tiềm thức sâu
xa, vì sống ở hoàn cảnh thiện hảo, họ có được lòng nhân ái vượt trội để bị cuốn
hút vào nỗi bận tâm lo cho mọi người. Lòng nhân ái của Thừa sai, là biết thường
xuyên quan tâm tới cuộc sống tiện ích chính đáng và những nỗi âu lo nơi thân phận
làm người của tha nhân. Không vì mục tiêu vị lợi, nhưng lại gánh vác nỗi buồn từ
cái buồn kẻ khác, đem đến niềm vui trọn vẹn cho những ai khi mà họ chưa thể với
tới; tóm lại, trọng tâm của lòng nhân ái là tận tụy chăm lo cuộc sống an bình
và đáp ứng những biểu lộ tình cảm nơi con người mà mình tiếp cận. Nhờ đó dẫn đến
hệ quả sau cùng là, Thừa sai hiểu được cách làm sao để mãn nguyện sự mong
chờ Niềm hạnh phúc từ Chân lý mà tha nhân chỉ vừa loáng thoáng nhận ra một cách
chưa tỏ tường. Có vậy, mới chính là lối diễn đạt đúng ý nghĩa của vai trò Thừa tác
viên Tin mừng. Nguyên tắc mà Thiên Chúa luôn mời gọi nơi các Chứng tá, là hãy tận
dụng những thực tại trần thế để quy hướng cho mọi người thấy được giá trị bền vững
Trên Trời.
Người Thừa
sai đón nhận câu Kinh Thánh sau đây để nhận thức về yếu tố phẩm hạnh cho cuộc đời
hoạt động Tông đồ của mình:“Anh em là những
người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy
có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3,
12). Xét về Phẩm hạnh của một người là xem đến tư cách đạo đức của con người
ấy, một dạng đạo đức có đủ sức mạnh để lan tỏa nét đẹp cao quý từ nhân phẩm
mình truyền sang cho người khác. Khi nói đến phẩm hạnh của một cá thể thì người
ta không liên tưởng đến bản năng bẩm sinh mà họ có được do hoàn cảnh hấp thụ tự
nhiên ở môi trường lớn lên, nhưng nó được kết tủa từ sự ý thức và tự tôi luyện
bản thân sau quá trình dài phấn đấu.
Trong
giáo trình Truyền Giáo Học của tác giả Gomez, khi bàn về: Thừa tác viên sứ mệnh
Truyền giáo, có đề cập vài ý tưởng như sau: “Làm Thừa
sai thì phải để ý đến một số điều kiện tự nhiên, tức những khả năng thích ứng với
môi trường hoạt động. Sức khỏe cần ở một nơi nhưng có thể không cần cho lắm ở một
nơi khác. Tính tình là điểm cần phải đặc biệt lưu ý: trước hết, cần phải biết
kiên nhẫn và khoan dung, phải biết tránh phán xét những điều mình không hoặc
chưa hiểu, rồi phải biết ý thức là còn có rất nhiều điều mình không hiểu trong
văn hóa, phong tục, tính tình, v.v... của dân nước mình mới tiếp xúc; có
như thế thì mới khỏi rơi vào tệ trạng hiểu lầm. Cần giữ phong thái hiền
lành, dễ mến, dễ thu nhận; biết lắng nghe trước khi nói và nghe nhiều hơn nói;
biết mềm dẻo thích nghi với từng hoàn cảnh; ít có nhu cầu riêng tư”.
Tương tự,
về thái độ biết xem xét và lắng nghe kẻ khác cũng được đặt ở tầm mức quan trọng
đối với phẩm hạnh Thừa sai, Đức Phanxicô lưu ý chúng ta: “Nhà
thuyết giảng cũng phải biết lắng nghe công chúng, để khám phá ra những ý tưởng
mà người tín hữu cần am hiểu. Cũng như Vị thuyết giảng tất phải chiêm niệm Lời
Chúa, và cũng vậy, Thừa sai cũng cần chiêm ngắm nhu cầu của người nghe. Bằng
cách này, họ mới có thể khám phá ra những nguyện vọng, những sự phong phú và những
hạn chế, những cách thức cầu nguyện, yêu thương; để khám phá mối quan tâm về cuộc
sống, về thế giới ở điểm này hoặc điểm khác nơi cõi nhân sinh; cũng để hiểu và
cảm thông nỗi âu lo thiết thực nơi công chúng và để hiểu được điều nghi vấn mà
người nghe muốn đặt ra.”[6]
Một đặc
điểm tiêu biểu về phẩm hạnh của Thừa sai là phải biết chấp nhận hy sinh trong
cuộc sống, về quan điểm này Đức Phanxicô cũng có đôi lời huấn dạy: “Người
môn đệ cần biết cách dâng hiến trọn đời mình và đón nhận dấn bước cho tới ngay
cả chặng đường tử vì đạo, như một nhân chứng của Chúa Giêsu Kitô; niềm ước mơ của
họ không phải là để có nhiều kẻ thù, mà đúng nghĩa hơn là để cho Lời Chúa được
đón nhận và bộc lộ sức mạnh giải thoát cùng với việc canh tân con người”[7]. Để khởi đầu đúng đắn cho tinh thần hy sinh, cách
chung người Thừa sai cần vun tưới đời sống tu đức bản thân theo một vài tiêu
chí cơ bản như sau:
- Biết
hoán cải: “Một khi gia nhập cộng đồng Giáo hội, họ sẽ hết sức
thất vọng nếu phải chứng kiến những người mà thể hiện một sức sống thiếu sốt mến
và chẳng có dấu hiệu gì là mới mẻ cả! Chúng ta không thể rao giảng việc ăn năn
hoán cải, trừ phi chính chúng ta biết tái ăn năn hoán cải mỗi ngày.”[8]
- Thái
độ khiêm tốn: “Ðối với Chúa, Thừa sai là tôi tớ, là chứng tá;
như thế có nghĩa: Sứ điệp mình mang theo là sứ điệp của Chúa, vườn nho mình vun
trồng là vườn nho của Chúa luôn; mình chỉ là tôi tớ vô dụng, không đáng kể. Từ
đó phát sinh thái độ khiêm nhường và an bình phó thác: nếu thành công là nhờ ơn
Chúa, nếu thất bại thì... Chúa cũng hiểu cho, Ngài cũng có cách bù đắp; nhiệm vụ
mình là gieo giống, chỉ mình Chúa làm cho trổ sinh hoa trái (1Cr 3:6)”.[9]
- Biết
quên mình: “Đời sống thiêng liêng Thừa sai cần mang nét Linh
đạo Tự hủy, có nghĩa là phải đón nhận tình trạng cụ thể của cuộc đời với tất cả
những giới hạn trong môi trường truyền giáo xa lạ, theo mẫu gương Ngôi Lời nhập thể.
Cũng có nghĩa là phải cởi bỏ chính mình cùng với những nhân tố cấu tạo căn
tính của mình: cởi bỏ thân phận (ông Tây, quý Cha, Nhà trí thức, Đấng đại diện
v.v...), các thứ thành kiến đủ loại, cởi bỏ văn hóa, cởi bỏ lề lối đã quen, cởi
bỏ ý riêng, dự án, phương pháp sẵn có.... để đi theo đường lối của Thần Khí.”
- Là người
quảng đại và dễ tha thứ: “Vì lý do khôn lường,
theo kế hoạch của Chúa Cha, việc Cứu độ con người phải trả một giá rất cao...
Trong lãnh vực Loan báo Tin Mừng, cũng phải đi qua ngõ hẹp, con đường thênh
thang không đưa đến sự sống (Mt 7, 13-14): “Lời Thập Giá” thì bao giờ cũng khó
nghe, chướng tai, nhất là đối với dư luận ngày nay, cả đến trong Giáo hội.
Trong “văn minh của thành công,” Ðức Giêsu bị coi như là một kẻ thất bại. Người
được sai đi giảng Tin Mừng, phải luôn luôn suy niệm về lời báo trước của Thầy
mình: Trò không hơn Thầy, họ đã làm cái gì với Thầy thì cũng sẽ làm với các con
như vậy (Mt chương X). Nhưng nếu thừa sai đảm nhận sứ mệnh của Ðức Kitô, thế tất
cũng phải nhận lấy cùng một số phận của Ngài.”
- Đón lấy
tinh thần khó nghèo: Là tiêu chí đầu tiên trong 8 Mối phúc thật; nhờ chấp nhận
cuộc sống này mà giúp Thừa sai được tinh luyện để trở nên giống Chúa Kitô hơn,
đồng thời được thông phần vào con đường Thập giá của Ngài.
Ngoài
ra, để cho mọi nỗ lực hoạt động của mình đi đến hiệu quả thì vấn đề cung cách ứng
xử trong giao tế, lời ăn tiếng nói cũng phải bộc lộ vẻ đẹp Đắc nhân tâm. Trong
khi quan tâm đến chuyên đề Hội nhập văn hóa, không ít tác giả đã lưu ý chúng ta
về đức tính này. Muốn tỏ ra là người thành tựu trong lãnh vực thu hút lòng người
thì phải trải qua quá trình ý thức, tìm hiểu và luyện tập; thật khó để phát biểu:
Một kẻ được nhiều người mến chuộng về phong cách là do tính bẩm sinh tự nhiên của
họ mà có.
Phần lớn
chúng ta thấy có một số Vị theo học Kinh Thánh khoa bảng là để dùng vào mục
đích truyền dạy lại môn ấy hoặc để thêm hiểu biết nhằm hỗ trợ, giúp ích trong
việc giảng huấn, tu đức v.v... Đối với người Tin lành, thái độ chuyên tâm trau
dồi và quảng bá Kinh Thánh đôi lúc, ở một số thành phần, dùng để biểu lộ cách
thức gần có vẻ đấy là một công cụ: dường như họ lý giải cho sự đối kháng trong
quá khứ ly giáo của họ. Vai trò Kinh Thánh đối với Thừa sai thì khác hẳn, cần
phải được xuất phát từ lòng ước muốn sống theo Lời dạy, vì lẽ đó mà nên chuyên
tâm tìm hiểu thấu đáo để áp dụng vào thực tiễn cho thật đúng đắn. Không chỉ am
tường nội dung phong phú của Kinh Thánh, không chỉ có khả năng nhạy cảm để giải
thích, chia sẻ Lời Chúa cho người khác, không chỉ tâm niệm đôi điều dạy bảo
trong đó rồi áp dụng thực thi vào cuộc sống một cách giản tiện. Chỉ chừng ấy
thành tích liên quan đến việc sống Lời Chúa như vậy thôi thì chưa đủ. Trong hoạt
động Sứ vụ Loan báo Tin mừng, một chuyên viên Kinh Thánh thì phải hiểu được giá
trị hệ quả của Tin Mừng mà khiến cho họ đi đến việc đánh đổi lợi lộc, tham vọng,
quyến rũ thế gian để nhận thức ra được Tình yêu và Chân lý thuộc cảnh giới Nước
Trời, từ đó quyết tâm đón lấy một cuộc sống xứng hợp với Lời dạy trong Kinh
Thánh. Đồng thời chính nhờ thế, Thừa sai mới hội đủ điều kiện đảm nhận vai trò
công bố Tin mừng cho muôn dân.
Theo chỉ
dạy trong giáo trình Truyền giáo học thì: “Thừa sai
là: Người của Lời, là người báo tin, là chuyên viên công bố Lời Chúa, do vậy tất
nhiên Kinh Thánh phải là sách cẩm nang của Thừa sai. Trong Kinh Thánh, Thừa sai
gặp được chính Lời mà mình có sứ mạng phải chuyển đạt và cũng chính mình là tiếng
vọng. Lời ấy là ánh sáng soi đường đi, là bánh nuôi sống cho đời sống thiêng
liêng, là suối dẫn nước đến cho tâm hồn khát uống, là nguồn ủi an mọi kẻ sầu khổ
v.v... Hơn bất cứ Kitô hữu nào khác, Thừa sai là môn đệ và, vì thế, phải biết lắng
nghe, như Người Tôi tớ Giavê: ''Ðức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như
một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người
đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ'' (Is
50, 4). Nếu việc tông đồ là Contemplata Aliis Tradere, chia sẻ cho người khác
những gì thu lượm được từ trong chiêm niệm, thì Thừa sai cũng phải biết kín múc
từ Kinh Thánh nội dung của cầu nguyện, của chiêm niệm, biết ‘nghe’ Chúa nói và
‘thấy’ Chúa làm, để có thể ‘làm chứng’ về Người trước mặt muôn dân. Có nghiền
ngẫm Kinh Thánh để cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm can thì mới có thể tự phát thốt
ra Lời ấy.”
Sống
chiêm niệm là một chiều kích chính yếu trong đời hoạt động của Thừa sai. Thật
khó mà chấp nhận khi thấy một Thừa sai không có một nhận thức gì về Chiêm niệm
hoặc trong cuộc sống không phản ánh được là mẫu người có mối mật thiết với tình
yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì đã có quá nhiều tư liệu đề cập một cách phong phú
về khía cạnh này rồi nên việc biên soạn nhận thấy không cần phải diễn tả điều
gì thêm. Vì thật ấn tượng với những lời huấn dạy của Đức Phanxicô, nên xin được
trích dẫn trọn số 264 trong Tông huấn Evangelii Gaudium như là cách trình bày ý
tưởng của phân mục: “Lý do đầu tiên
thúc đẩy chúng ta Loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã
nhận được, kinh nghiệm được Người cứu độ là điều thúc đẩy chúng ta yêu Người mỗi
ngày một hơn. Nhưng có loại tình yêu nào mà không làm cho chúng ta cảm thấy cần
phải nói về người mình yêu, chỉ cho người khác thấy về Người, làm cho Người được
biết đến không? Nếu chúng ta không cảm thấy có ước muốn mãnh liệt để truyền
thông tình yêu này, chúng ta cần phải tạm ngừng lại trong cầu nguyện để cầu xin
Người trở lại làm cho chúng ta say đắm. Chúng ta cần phải cầu xin mỗi ngày, để
ân sủng Người mở rộng con tim giá lạnh của chúng ta và cải tổ cuộc sống hờ hững
và nông cạn của chúng ta. Hãy đặt mình trước mặt Người bằng một con tim rộng mở,
hãy để cho Người ngắm nhìn chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra cái nhìn yêu thương
này là cái nhìn mà Nathaniel đã khám phá ra ngày Chúa Giêsu nói với ông: ''Tôi
nhìn thấy anh khi anh ở dưới cây vả" (Ga 1, 48). Êm dịu biết bao khi đứng
trước một cây Thánh Giá, hoặc quỳ trước Thánh Thể, và chỉ đơn thuần là ở trước
mắt Người! Tốt biết bao cho chúng ta khi Người trở lại chạm vào cuộc đời chúng
ta và thúc đẩy chúng ta truyền thông sự sống mới của Người! Vì vậy, kết cuộc
là, "những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe thì chúng tôi công bố" (1
Ga 1, 3). Ðộng lực tốt nhất cho quyết định truyền thông Tin Mừng là Chiêm niệm
nó với tình yêu, đọc chầm chậm những trang của nó và đọc bằng con tim của mình.
Nếu chúng ta đến gần Tin Mừng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ làm cho chúng ta ngạc
nhiên, và làm cho chúng ta say đắm mỗi lần chúng ta trở lại. Vì vậy, thật khẩn
cấp để phục hồi tinh thần Chiêm niệm, là điều cho phép chúng ta khám phá ra mỗi
ngày rằng chúng ta là những người được ủy thác cho một gia sản, là điều nhân bản
hóa chúng ta và giúp chúng ta sống một cuộc sống mới. Không có gì quý giá hơn để
truyền lại cho những người khác.”[10]
Trong
khi mô tả 5 thuộc tính của Thừa sai, người ta không thấy có đề cập đến yếu tố
này, nhưng lúc bàn đến bản chất hoạt động thì hẳn nhiên khó mà bỏ qua câu nói
dân gian, “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Thấu hiểu được Ý định Thiên
Chúa: Dùng thực tại trần thế để hướng đến những giá trị bền vững trên Trời,
chúng ta không thể thiếu quan tâm đến chức năng này của Nhà truyền giáo. Nếu
như bạn không có gì để “cho đi” thì cũng đừng hy vọng chi mà hướng cho ai thấy
được cõi phúc Thiên đường. Nhất là khi chúng ta, những người hoạt động để Loan
báo Tin mừng, được mời gọi ưu tiên quan tâm đến kẻ cùng khốn, như trong
Tông huấn Evangelii Gaudium Đức Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta hiểu mệnh
lệnh của Chúa Giêsu với các môn đệ: Các con hãy cho họ ăn (Mc 6, 37); và
điều này bao gồm cả việc hợp tác để giải quyết những nguyên nhân cấu trúc của nạn
nghèo đói và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như những cử
chỉ đơn giản nhất hàng ngày của tình đoàn kết khi đối diện với đau khổ rất cụ
thể mà chúng ta gặp.”[11]
Ngay cả
trong Sắc lệnh Công đồng Vatican II cũng lưu ý về tầm quan trọng của công việc
Từ thiện và Bác ái: “Ngoài ra, những
nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống, thường bị thay đổi tận gốc vì nhiều lý
do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy
Giáo Hội phải cân nhắc xem những hoàn cảnh đó có còn đòi phải hoạt động truyền
giáo nữa không? Ngoài ra đôi khi có những hoàn cảnh làm cho trong một thời gian
không thể trực tiếp thi hành ngay Sứ mệnh rao giảng Phúc Âm: Lúc đó, các Nhà
truyền giáo có thể và phải làm chứng về Chúa Kitô trong nhẫn nhục, khôn ngoan,
đồng thời trong tin tưởng vững vàng, ít nữa là làm chứng bằng lòng bác ái và
hành vi từ thiện; như thế là dọn đường cho Chúa và làm cho Ngài hiện diện một
cách nào đó.”[12]
Tuy
nhiên, chúng ta cũng xét đến cái để cho và cách cho, ví dụ trường hợp Cha
Charles de Foucauld, lịch sử ghi nhận Ngài hầu như không có nhiều vật chất để cống
hiến, nhưng cuộc đời san sẻ của Ngài là một tặng phẩm to lớn đối với dân cư miền
sa mạc Sahara. Dù rằng những kẻ chăm lo cho công cuộc Loan báo Tin mừng thì thường
không có điều kiện để tạo ra của cải vật chất hoặc có sẵn riêng tài sản dồi
dào, nhưng trong thực tế, chúng ta từng chứng kiến nhan nhãn những nỗ lực quyên
góp từ những quới nhân để có phương tiện phục vụ cho hoạt động này. Tuy nhiên,
khi phát biểu Thừa sai là các chuyên gia huy động nguồn cung cấp tài lực để thi
thố phân phát lại, thì xét thấy cũng hơi khó để mà khẳng định như thế. Song
hành với việc kêu gọi cống hiến vật chất, còn là nhận thức về bổn phận một cách
chính đáng hoặc phân định đâu là Thánh ý Thiên Chúa, thì mới tránh được nguy cơ
lạc lối khi tiếp xúc với quyền lực của cải thế gian.
Một cách
suy nghĩ khác, nếu có được một số phương tiện vật chất và cho rằng đấy là những
thuận lợi mà ý định Quan phòng gởi đến thì vấn đề: Phải sử dụng Ơn lành cho
nên, sẽ trở thành một mối quan tâm cần được xem xét thấu đáo. Người đời cũng
thường phê phán: “Của không trồng lòng không tiếc”; chính dựa trên nền tảng
đạo đức tuyệt hảo nơi con người Thừa sai mới có thể dẫn đến ý thức, phải tận dụng
tiện ích trần thế sao cho, đem lại hiệu quả tối ưu của công cuộc mở mang Nước
Chúa, một khía cạnh cần suy nghĩ mà cho đến nay những người thợ gặt cánh đồng
Truyền giáo lắm lúc còn hời hợt. Để tránh những thói quen chủ quan, Thừa sai cần
trang bị nơi mình những kiến thức về kinh nghiệm từ các bậc tiền nhân trong lịch
sử để tăng thêm sự ý thức và hiểu biết cặn kẽ tính chính đáng của vấn đề. Những
bài học về cuộc đời Đức Cha Lambert de la Motte, Giám mục Bá Đa Lộc, Cha
Charles de Foucauld v.v... là những gương phản ánh về nét tích cực lẫn tiêu cực
đối với mối tương quan giữa nhu cầu phương tiện và công việc Truyền giáo, mà
chúng ta không thể xem nhẹ và bỏ qua.
Một khi
càng có nhiều lợi thế về vật chất thì Thừa sai càng phải sống đời Chiêm niệm một
cách mật thiết với những gì thuộc cảnh vực Thiêng liêng, nhất là việc chú tâm
trau dồi Đức mến. Như thế mới có thể biến hóa những điều mình đang phục vụ mang
tính trần thế, sẽ hy vọng dẫn đưa tha nhân đến chỗ nhận thức được nguồn Ân phúc
đích thực. Nên luôn ý thức rằng, cuộc đời tận hiến trong thánh thiện nơi chính
con người Thừa sai thì phải quan trọng hơn là thái độ hào phóng với cái của
chóng qua đời này. Xin được trích một ý tưởng của những Nhà truyền giáo đi trước:
“Thừa sai phải sống đời cầu nguyện để có thể khẳng
định điều phát biểu mà không sợ là kẻ nói dối, mới có thể trung thực về kinh
nghiệm gần gũi với Chúa. Người thông thái tài cao học rộng hẳn phải có, tổ chức
bác ái từ thiện cũng thật cần, nhưng lãnh vực ‘chuyên nghiệp’ của Thừa sai là nội
tâm, là chiều kích siêu nhiên của con người. Giả dụ Thừa sai có nhiều tài năng,
sẵn sàng dấn thân hữu hiệu cho công tác mở mang, cùng thể hiện tiến bộ về mặt
kinh tế và văn hóa, mà thiếu đi chiều kích siêu nhiên, thì e rằng việc làm của
Thừa sai: chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.... Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có Đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13, 1-3). Có
đời sống thiêng liêng đâm rễ sâu trong Thần Khí, Thừa sai mới tránh được cám dỗ
khiến cho dẫn đến làm những điều chẳng khác gì những trò múa rối...”.
Ngay
trong tên gọi Sứ vụ đã hàm ý này rồi vì nó mang cụm từ “Loan báo Tin mừng”. Do
vậy, yêu cầu đòi hỏi của việc Rao giảng trong khi thi hành Sứ vụ là điều bất khả
phân ly đối với Thừa sai, như lời trong Thư Thánh Phaolô: “Thế
nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được
nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?
Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng..... Ấy vậy,
có Đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô.” (Rm 10,
14-17).
Tuy
nhiên, trước khi rao giảng bằng lời nói thì Nhà truyền giáo đã là người rao giảng
bằng đời sống Chứng nhân, điều ràng buộc mấu chốt không thể khác hơn. Từ hành
vi cử chỉ đến cung cách phục vụ phải làm tiền trạm cho những gì mà mình sẽ dùng
lời tương thích để thu phục nhân tâm kẻ khác. Giả như đặt ra 3 yêu cầu cơ bản đối
với Thừa tác viên rao giảng thuộc chức năng Chăm sóc Mục vụ, là phải soạn thảo
bài giảng kỹ càng trước; phải suy xét nội dung sao cho phù hợp với tầm mức tiếp
thu của người nghe, và cuối cùng là, phải kiểm điểm lại bản thân để coi, có nét
gì tương phản lộ rõ với chủ đề mà mình sắp truyền đạt. Thì Thừa sai cũng vậy,
phải xét duyệt lại chính con người mình cách nghiêm nhặt trong suốt quá trình
dài của đời sống làm Chứng nhân và rao giảng Tin Mừng.
Với những
ý tưởng vắn gọn như vừa trình bày bên trên, thiết nghĩ chừng đấy cũng là khuôn
khổ ranh mức để bài viết có thể được phép diễn đạt. Mặc dầu chức năng Rao giảng
Lời Chúa đối với đời hoạt động Thừa sai thật sự là bao la, nhưng khi đề cập đến
mô phỏng phương hướng thực thi công việc này cho cụ thể, thì xem ra việc biên
soạn cần suy xét, cũng không nên dẫm chân hơi sâu vào lãnh vực Thần học Thánh
kinh và Đường hướng Mục vụ của các Vị chuyên môn đảm trách lo việc giảng huấn
thuộc chuyên đề này.
Nội dung
phân mục này không liên quan đến việc mô tả về bản chất con người hay phong
cách hoạt động của Thừa sai, nhưng chỉ nêu lên đôi nét hướng tới mối tương quan
giữa Mẹ chúng ta đối với cuộc đời phục vụ mà kẻ Được sai đi cần luôn ý thức gắn
bó. Hầu hết cuối mỗi Tông huấn Giáo Hoàng thuộc chủ đề Loan báo Tin mừng cũng đều
có diễn đạt về vai trò đồng hành của Mẹ trong Sứ vụ. Và ngay cả trong những
giáo trình Truyền giáo học người ta cũng thường thấy các tác giả có luận bàn đến
mối dây thân thiết giữa phương thức Truyền giáo và lòng cậy trông vào Mẹ Maria.
Dường như mọi người đều tin tưởng rằng, khi nhận lấy Sứ mệnh cao cả này thì họ
cũng mang ý thức sẽ cùng Mẹ để đem Ơn Cứu Độ đến cho muôn dân. Bài biên soạn có
nhã ý xin nhường lời cho các Nhà thần học về Thánh mẫu học để triển khai thêm ý
tưởng này, về những gì liên quan đến hoạt động Sứ vụ và quá trình thi ân giáng
phúc mà Mẹ đã tác động đến công trình kỳ diệu của Giáo Hội. Do vậy nếu thuận tiện,
chúng ta sẽ cố gắng tìm dịp tham khảo chuyên sâu hơn nơi các tư liệu để hiểu
thêm mối tương quan giữa lòng tín thác vào Mẹ Maria và việc thi hành Sứ vụ Truyền
giáo. Sau đây tối thiểu cũng xin được đề nghị vài khía cạnh nhỏ để tạm gọi là
ít nhiều bày tỏ thiện ý liên tưởng đến hành trình Loan báo Tin Mừng của Thừa sai
mà tâm hồn vẫn hướng về Mẹ.
- Sống
Chiêm niệm với Tình yêu Mẹ dành cho Giáo hội và các hoạt động sứ vụ Thừa sai:
Những đoạn có liên quan về Mẹ được thuật lại trong Phúc Âm, đặc biệt Thánh thi
Magnificat, sẽ là những đề tài dẫn dắt chúng ta đi vào Chiêm niệm trong chuyên
đề này. Tất nhiên những buổi Chiêm niệm thường chỉ được khởi sắc trong thánh
thiện khi mà ở đời sống thường ngày, Thừa sai luôn ý thức sự hiện diện Tình yêu
của Mẹ luôn kề cận bên mình.
- Siêng
năng lần hạt Mân côi.
- Hành
hương đến những nơi, theo truyền thống từng có sự hiện diện của Mẹ trong quá khứ.
Hoặc có thể ghé chân qua các khu vực Thánh thiêng mà ở đó, thường xuyên qui tụ
đông đảo cộng đồng Dân chúa, họ đến với Mẹ với muôn vàn nguyên do, từ đó cũng vấy
lên đời sống đạo đức lan tỏa đến vùng kề cận. Suốt quãng đời phục vụ Thừa sai nếu
hoàn toàn thiếu những dịp ghé chân qua các hiện trường như mô tả thì xem ra
cũng có phần thiếu sót.
Không ít
các tư liệu thuộc chuyên đề này đều có đề cập về chức năng Thừa tác viên trong
Sứ vụ Loan báo Tin mừng, nó là điều gì cốt lõi đối với vai trò của Nhà truyền
giáo. Tuy nhiên, còn có một nhận thức khác kèm theo mang một ý nghĩa khá đậm
nét, để miêu tả tính chất đặc thù của quá trình hoạt động Thừa tác viên Loan
báo Tin mừng: đó là Thừa tác một chiều. Xin được phép tranh thủ thuật lại một mẩu
chuyện ngắn có thật để minh họa cho tĩnh từ “một chiều”.
Một Giáo
dân nọ thường xuyên mỗi Weed-end đến Giáo xứ để phụ trách công việc trùng tu cơ
sở sinh hoạt của Họ đạo. Vị Linh mục Quản xứ cũng hơi ngỡ ngàng và thán phục
anh ta về thái độ tận tụy làm việc mà còn tỏ ra vâng phục cách chính đáng nữa.
Một hôm nọ trong bữa cơm thân mật, anh thưa với Cha sở: “Thưa
Cha, người Cha ruột của con qua đời không lâu trước khi con bắt đầu đến làm việc
tại Giáo xứ, thời gian qua con thấy sao mà Cha có nhiều nét tính tình cá nhân
có vẻ trùng hợp giống với Cha con lắm. Vậy xin cho con xem Cha, ngoài đặc tính
của người Cha linh mục trong Giáo hội, được coi như là người Cha trần gian thay
thế cho Cha ruột của con. Có điều, tình nghĩa phụ giữa chúng ta chỉ là mối
tương quan một chiều”.
Do vậy từ
lúc ấy hệ quả là, khi Vị linh mục có cần anh Giáo dân đó phụ trách công việc nặng
nhọc theo như tình huống cần thiết đòi hỏi, thì cứ xem mình trong vai trò người
Cha ruột, nên cứ sai bảo con để nó làm mà không cần e ngại gì đến sự nặng nhọc
đối với nó. Nhưng khi muốn biểu lộ đôi chút tình cảm trần thế, ví dụ chiết ra
chút ít quà cáp do các Giáo dân tặng biếu dư thừa đặng muốn cho riêng anh ta,
thì tỏ ra hết sức dè dặt, vì nghĩ rằng mình là Cha linh mục của một Họ đạo
không được phép thiên vị riêng tư, như vậy là không tốt.
Cũng thế,
nếu như trong vai trò Thừa tác viên Chăm sóc Mục vụ, sau khi thi hành bổn phận
Thừa tác, thì ít nhiều vị Giáo sĩ cũng sẽ được nhận cung cách đáp trả của chiều
hướng đáo lại, cụ thể như: Phẩm phục chuyên biệt, phương tiện ăn ở đi lại ưu
đãi, hiện diện trang trọng nơi lễ hội công cộng, sự cung kính của Giáo dân
v.v... Càng rõ nét hơn khi ta quan sát: Một Linh mục nửa đêm đến nhà một bệnh
nhân để ban Phép Xức dầu, thì liền sau đó, gia đình thân nhân của người bệnh sẽ
có thái độ bày tỏ tâm tình cung kính tri ân khá đặc biệt.
Một Nhà
truyền giáo thực thụ thì không bao giờ được liên tưởng đến mấy thứ hình ảnh đại
loại như thế. Nếu muốn có được ơn huệ của chiều hướng đáo lại thì xin hãy đợi,
sẽ được tính trong “Phần thưởng đời sau”. Mọi người đều công nhận, ngay cả một
Giáo dân khi tận tình cống hiến cho Sứ mạng Truyền giáo của Giáo Hội thì, theo
Tông huấn các Giáo hoàng, họ vẫn được xem là có dự vào Thừa tác vụ Hội Thánh,
nhưng xin đừng quên, đó chỉ là ở vai trò Thừa tác viên một chiều mà thôi.
Hiển
nhiên sẽ còn rất nhiều vấn đề khác nữa nhằm mô tả về các chiều kích hoạt động của
Thừa sai. Dẫu sao, những gì gọi là cơ bản ban đầu thì thông thường chỉ cần lưu
tâm đến 6 chiều kích: Tư chất, phẩm hạnh, Kinh Thánh, Chiêm niệm, tiềm lực Cho
đi và kỹ năng Rao giảng. Để kết thúc bài viết, một cách tóm gọn, xin được trích
đoạn mô tả tiêu biểu về Thừa sai trong Sắc lệnh Ad Gentes như sau: “Trong
khi rao giảng Phúc Âm giữa muôn dân, Nhà truyền giáo phải mạnh dạn và tin tưởng
làm cho người ta nhận biết Mầu nhiệm Chúa Kitô mà họ là sứ giả, đến nỗi trong
Người, họ dám nói như phải nói, và không xấu hổ về sự ô nhục của Thập giá. Theo
gương Thầy mình, Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, họ phải biểu lộ cho
thấy ách Người êm ái và gánh Người nhẹ nhàng. Họ phải làm chứng về Chúa của họ
bằng đời sống Phúc Âm đích thực, đầy kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu mến
chân thành, và nếu cần, họ sẽ phải đổ máu mình ra. Họ sẽ nài xin Thiên
Chúa với lòng can đảm và sức mạnh để nhận ra nguồn vui sung mãn trong nhiều thử
thách khổ tâm và thiếu thốn cực độ. Họ phải xác tín rằng đức Vâng phục là sức mạnh
đặc biệt của những Thừa tác viên của Chúa Kitô, Ðấng đã dùng sự vâng phục để cứu
độ nhân loại.”[13]
WHĐ
(2.7.2021)
size=0 width="33%"
align=left>
Đức Giáo hoàng Pi-ô XI, Tông thư Maximum Illud, số 26
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 89
Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Các Linh
Mục Presbyterorum Ordinis, 14
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 80
Đức Giáo hoàng Pi-ô XI, Tông thư Maximum Illud, số 22
Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 154
Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 24
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 47
Filipe Gomez, SJ., Khái luận Truyền giáo học
Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 264
Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 188
Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 6
Công
đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes,
số 24
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com/