HƯỚNG DẪN VÀI THỰC HÀNH CỤ THỂ ĐỂ ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG
DÂN
Trong Sứ điệp Truyền giáo 2014 này, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng
dẫn : “Ngày Thế Giới Truyền Giáo là giờ phút đặc biệt để các tín hữu trên
khắp các châu lục dấn mình cầu nguyện và có những hành vi liên đới cụ thể để
nâng đỡ các Giáo Hội trẻ... Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui…”.
Sau đây là vài hướng dẫn thực hành, để anh chị em giáo dân, ngoài
lời cầu nguyện cho việc truyền giáo, còn “có những hành vi liên đới cụ thể” với
anh em lương dân thân cận, như một “cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui” theo
tinh thần của Sứ điệp Truyền Giáo 2014. Và xin gợi ý nội dung một cuộc
thăm viếng anh em lương dân, tuỳ mức độ mà thực hành những bước sau đây :
1. Chia sẻ yêu thương : THĂM VIẾNG
Mỗi giáo dân quyết tâm đến thăm một người bạn lương dân thân quen,
hoặc ở quanh cận, xóm giềng như “Đức Maria, mang trong lòng mình Đức Giêsu,
người rao giảng Tin Mừng tuyệt vời, đến thăm bà Elisabét”.
“Với người Công giáo, đây là tháng/tuần-giao-lưu-lương-giáo…
Hôm nay tôi vui mừng đến thăm Bạn, là người thân cận nhất mà tôi nghĩ tới và
chọn thăm… Sức khoẻ, gia đình, việc làm, học hành, sự nghiệp… của Bạn lúc
này thế nào rồi? Cuộc sống Bạn có an vui, hạnh phúc, thuận lợi, may lành... ?”
2. Chia sẻ cuộc sống : SỨC KHOẺ
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tờ rơi ‘CHÚC NHAU SỨC KHOẺ’ là
cách gợi chuyện, một chia sẻ thân tình, một cách quan tâm tới nhau :
“Nhà thờ gởi tặng tôi mấy câu này… khá hay và thực
tế. Xin chuyền tay Bạn xem, mong sao chúng mình được mạnh khoẻ…”.
Tuỳ điều kiện, có thể móc túi, mở giỏ trao cho người bạn lương dân
một món quà nhỏ, với giải thích:
“Ghé mua mấy thứ cần dùng…, nhớ sẽ đến thăm Bạn, nên tôi
mua thêm một phần, gởi biếu Bạn… chút cho vui”.
Các ông tặng nhau : một hộp-bịch café, một cái cạo râu, một cây
lược… Các bà tặng nhau : chai dầu gội đầu, cuộn giấy, chai dầu gió, chục hột
gà, vài rau củ … Các bạn thanh niên tặng nhau : cây bút highlight, cái móc
khoá, cái kẹp tóc, … Thiếu nhi tặng nhau : cây kẹo, hộp đựng viết, tem keo dán…
Đơn giản nhất là ít trái cây.
3. Chia sẻ chữ hiếu : THƯ MỜI
Chuyển thư mời của Nhà thờ đến người bạn lương dân, và giải thích
:
“Khi cha mẹ còn sống, vì hiếu thảo, mình phụng dưỡng món ngon
vật lạ ; khi các ngài qua đời, mình nhờ nhà thờ cầu kinh hương khói … Vì thế,
có thư đây, mời Bạn đến dự Lễ Cầu siêu cho Ông Bà Tổ Tiên nội ngoại, một dịp để
báo hiếu đền ơn tiên nhân, vào Chúa Nhật 02.11.2014, lúc……”.
Nếu tiện tổ chức chung, mỗi người đem theo di ảnh của Tổ tiên quá
vãng, đặt trên kệ lớn trước bàn thờ, linh mục chủ tế và mọi người cùng tiến
thắp hương…
“Bạn có thể mang theo di ảnh của Ông Bà Cha Mẹ, để Nhà thờ
thắp hương xá lạy, cầu siêu cho tiên nhân… (rồi mang về). Nghi thức
thật hiếu nghĩa và cảm động lắm…!”.
4. Chia sẻ ước vọng : CẦU NGUYỆN
Lời cầu nguyện là một hình thức “biểu dương ân sủng và niềm vui”
theo tinh thần của Sứ điệp Truyền Giáo 2014. Nên trong cuộc chuyện, tuỳ hoàn
cảnh, trước khi ra về, có thể đề nghị một hoặc cả hai việc sau đây :
Lắng nghe ưu tư và
thao thức của người bạn lương dân, đề nghị bạn ghi ra trên mẫu giấy in sẵn
‘NGUYỆN CẦU CHO NHAU’, cất giữ và hứa sẽ cầu nguyện cho bạn trong [6 tháng/1
năm]. Đây là cách để giáo dân Công giáo ý thức truyền giáo bằng lời cầu nguyện
cụ thể cho một bạn lương dân quen biết :
“Qua lần thăm viếng giao lưu này, người công giáo chúng tôi có
quyết tâm mỗi khi cầu nguyện suốt [6 tháng/1năm] sẽ nhớ đến Bạn và gia đình
Bạn. Xin Bạn cứ ghi vào đây những ước nguyện Bạn mong cho mình và người thân…”.
Trước khi chia tay, đề nghị dâng lời cầu nguyện rất ngắn tại chỗ theo
ý bạn :
“Gặp nhau hôm nay, chúng con nguyện xin Chúa chúc lành cho tình
thân ái lương-giáo. Đồng thời, xin Chúa ban cho Bạn và gia đình này được mọi sự
an lành, thịnh đạt... theo ước nguyện chúng con vừa bày tỏ cho nhau... Amen.”
Chia sẻ của Giáo phận Cần Thơ
Nguồn : http://loantinmung.com