Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 07

h.jpg

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Chúng tôi xin gửi đến quý vị bản tin số 7 với 8 truyện mới được  chọn qua vòng sơ loại.

Trong 95 tác giả dự thi lần này, có 69 người ghi rõ chức nghiệp. Bên cạnh 19 sinh viên, 4 học sinh cấp 3 và 14 giáo dân trẻ đang đi làm, có 19 chủng sinh,13 tu sĩ trẻ và ứng sinh các dòng nam và nữ. Tổng cộng có 32 người thánh hiến nam và nữ tham gia dự thi. Nhiều người trong đó đã được các Bề trên và nhà đào tạo chấp thuận và khuyến khích. Sự quan tâm này là một tín hiệu đáng mừng và con số những người thánh hiến dự thi tăng lên càng là tin đáng mừng cho tương lai của văn học Công giáo Việt Nam. Hy vọng các cuộc thi tiếp tục trong ba năm tới sẽ còn có thêm nhiều người khác. Và rồi mươi năm nữa, trong hàng ngũ linh mục và nam nữ tu sĩ, số những người quan tâm đến mục vụ văn hóa sẽ thêm đông, tạo thêm động lực cho nhiều người sáng tác văn thơ Công giáo.

Kết quả cuộc thi năm nay sẽ được công bố trong lễ trao giải được tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn tối Chúa nhật 20-9-2015. Tất cả các tác giả có bài vào chung khảo đều được mời tham dự ngày họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo lần thứ IV, từ chiều 19-9 đến tối 20-9-2015. Chúng tôi sẽ gửi thư mời riêng đến từng người.

Xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm, đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Cũng mong quí độc giả nào phát hiện có truyện dự thi đã sao chép từ một truyện khác, xin gởi thông tin về cho Ban tổ chức qua email: gopnhattho@yahoo.com – Khi có đầy đủ bằng chứng xác thực, chúng tôi sẽ loại bài đó và cả những bài khác của cùng tác giả ra khỏi cuộc thi.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Chúc tất cả một Mùa Phục Sinh đầy ơn phước Chúa.

Qui Nhơn, ngày 27-04-2015

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

BÀI DỰ THI

Mã số: 15-076

TỰ HÀO LÀ KITÔ HỮU

Trời lem nhem tối, nó cắp sách rời khỏi trường, một buổi học mệt mỏi vẫn chưa khép lại một ngày. Nó phóng xe thật nhanh về phòng kịp ăn để đi trực. Ai nấy cũng động lòng với sinh viên năm 2 ngành y, ban ngày đi học trên trường, tối đến lại phải túc trực ở bệnh viện, thế mà có mấy nhân viên cảm thông. Nghĩ đến đó nó lại thấy lạnh cả xương sống. Không biết tối nay nó phải trực với cô điều dưỡng nào? “Cầu Chúa không phải bà Lan là được. Con sẽ cố gắng làm việc, xin Chúa luôn đồng hành cùng con”.

Đường phố đã lên đèn, dòng người tấp nập chen nhau chạy xe nhanh hơn để được về với mái ấm gia đình sau một ngày làm việc, sinh viên các trường khác thì lác đác vài tốp chạy bộ, vài tốp la cà quán xá gọi nhau í ới. Nó thấy buồn tủi, nhưng nghĩ đến cảnh một người được khỏi bệnh ra viện nó lại quyết tâm phấn đấu hơn.

Đạp gần 3km, cuối cùng nó cũng về đến phòng, mồ hôi ướt đẫm cả áo, xả vội vài gáo nước, ăn lót bụng chén cơm nguội rồi chuẩn bị đồ đến bệnh viện.

Trời tối mịt, lòng nó nêm nếp lo sợ, vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm: “ Xin Chúa giúp con qua khỏi đêm nay?”. Rồi lại cười thầm vì nhận ra mình ngốc thật, đi học mà cứ như sắp bước vào hang cọp vậy. Cuộc đời sinh viên ngành y là thế, có mấy đứa vỗ ngực cho là mình không sợ đâu, chỉ có đứa may mắn được trực cùng điều dưỡng dễ tính, hiểu mình thì mới dám lên giọng thôi, có đứa lại phải nghỉ học giữa chừng vì không chịu nổi áp lực. Nói vậy chứ rồi cũng sẽ qua thôi, nó tự trấn an mình.

Rời khỏi những dòng suy nghĩ, nó liếc nhìn đồng hồ. “ Ui…chết…chỉ còn 10 phút nữa, đạp nhanh thôi không được đến trễ. “Mầy mà đến trễ là cả đêm không yên cho mà xem”. Nó cố lấy hết sức vượt qua cả mấy chiếc xe máy ọt ẹc chở  những bốn người của một gia đình nào đó, có lẽ là đang đi dạo mát. Người nó nóng bừng, hơi thở hổn hển liên hồi. Đáp vào nhà xe, nó chạy như bay lên phòng hành chính khoa nội – bệnh viện đa khoa X. Cửa phòng đang đóng, vẫn còn sớm 2 phút, may quá. Nó rón rén kéo nhẹ cánh cửa.

- Đúng giờ quá nhỉ?- Cái giọng chua chát, khinh khích của bà điều dưỡng Lan, người đàn bà  khét tiếng khó chịu, đáng ghét nhất khoa, làm nó giật thót tim. Vỡ mộng, nó bước thật nhanh vào cúi đầu: “Con chào cô ạ!” để lấy lòng bà ấy. Không đợi bà ta, nó tiếp lời:

- Tối nay cô trực một mình sao ạ?

- Ừ. Hôm nay cô trực một mình.

Da gà nó chực nổi lên khắp cả người vì câu trả lời mà chưa bao giờ có của bà ấy từ khi nó vào thực tập ở đây.

- Vô cất đồ đi ra cô chỉ làm cái này, rồi làm giúp cô.

Da gà nó lại nổi thêm lần nữa khi lớp lông dựng kia vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường.

- Dạ. Con vô rồi ra ngay ạ.

Thay vội áo blouse, nó cố nhấc chân nhẹ nhàng. Lòng thấy bất an, ngổn ngang những dòng suy nghĩ. Sao lạ quá, thường ngày bà ấy toàn chửi bới sao hôm nay lại ăn nói nhỏ nhẹ thế? Không biết “bom nổ chậm bao giờ nổ đây?”.

- Con lại đây cô chỉ làm bệnh án rồi làm giùm cô nè. Chiều giờ cô tiêm thuốc nên giờ sợ làm không kịp.

Nó há hốc miệng ngạc nhiên, mọi khi bà ấy đều chờ sinh viên lên rồi bắt tiêm hết, đứa nào chậm chạp là chửi la mà sao nay lại lạ thường thế. Đầu nó quẩn quanh với mớ câu hỏi chưa có đáp án.

- Cái này con xem bảng nhiệt độ, huyết áp đo sẵn rồi điền vào theo mẫu này, con đã học rồi đúng không?- Bà ta vừa nói vừa chỉ tay rất rõ ràng.

- Dạ. Con học rồi ạ.- Nó ngẩn ngơ trả lời.

Mỗi người một việc, ngồi hồi lâu không ai nói với ai chỉ chăm chú vào công việc, thỉnh thoảng nó liếc nhìn bà ta với vẻ mặt khó hiểu.

Có lẽ hôm nay là Chủ nhật nên phải chốt nhiều sổ sách, nhưng lạ thay đã ba tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa có bệnh vào, bệnh nhân cũng không ai kêu gì. Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm với nó.

- Con sao thế?

Không kiềm chế nổi sự tò mò, nó hỏi trong sợ sệt:

- Dạ. Con thấy hôm nay lạ quá cô à? Cả cô cũng thấy lạ. Hi…con…không có ý gì đâu ạ…chỉ là…

- Hôm nay là Chúa nhật mà con.

Câu trả lời dứt dạt đến giật gân, “ Chúa nhật ” phải chăng nó nghe nhầm. Sao bà ấy lại nói Chúa nhật…ôi khó hiểu quá. Nó cố lấy hết can đảm hỏi tiếp:

- Sao cô lại biết Chúa nhật? Chẳng phải chỉ có những người Công giáo như con mới biết Chúa nhật sao?

- Cô là người Công giáo mà?

- Gì cơ???- Nó tròn mắt nhìn bà ta với độ ngạc nhiên vượt ngưỡng.

Đón được ý nó qua vẻ mặt ngơ như nai. Bà ấy bình thản nói:

- Thật ra cô định cảm ơn con nhưng nói cảm ơn thì không quen, vì trước giờ trong mắt mọi người cô là một bà phù thủy.Haiz… Đúng là thế rồi.

- Không…Cô…Con…

- Cô nói sự thật mà, con không cần biện minh. Nhưng có mấy ai hiểu hết được cuộc sống con người, vì sức ép gia đình, vì tiền tài, địa vị, vì những đắng cay phải chịu đựng mà cô trở nên con người khô cằn, cay nghiệt, cáu gắt, khó chịu như thế đó. Ai cũng vừa sợ vừa ghét. Cũng đã xấp xỉ nửa cuộc đời rồi. Nhưng nhờ có con mà hôm nay cô mới thấy lòng mình thanh thản đến thế. Chắc con cũng tò mò lắm đúng không?- Giọng bà ấy trầm ngâm, buồn bã, đôi mắt ngấn lệ. Mắt nó tròn xoe nhìn bà ta mà lặng người.Gạt đi hàng nước mắt bà ta nói tiếp:

- Cảm ơn con đã tháo gỡ xiềng xích mà bấy lâu nay cô mang trong người. Thật ra cô cũng là người Công giáo. Lúc nhỏ rất sốt sắng kinh sách, từ khi ra trường không có việc làm vì cuộc sống mưu sinh nên cô lơ là việc đến với Chúa. Nhưng không vì thế mà cô trở nên thế này. Cớ sự là từ khi cô gặp chú, chú là bác sĩ N. Con biết đúng không? Cả hai yêu nhau thắm thiết, thề sống thề chết bên nhau nhưng trớ trêu thay gia đình chú không mấy ưa vì cô là người Công giáo, nên không cho cưới hỏi. Họ bảo: “Nếu muốn cưới thì đạo ai nấy giữ nhưng mọi giấy tờ sau này phải để “không” vào mục tôn giáo và họ sẽ đưa cô vào làm ở bệnh viện. Tình yêu và tiền bạc đã làm cô mờ mắt, cũng đắn đo suy nghĩ, cũng khóc thầm nhiều đêm nhưng rồi lại sập bẫy satan. Đồng ý với điều kiện của họ, cô có một gia đình, lúc đầu hạnh phúc ngập tràn, vợ chồng thương yêu nhau, đạo cô cô giữ, mỗi Chúa nhật cô đều đến với Chúa. Thế nhưng, hoa hồng rồi cũng có lúc tàn, chỉ vỏn vẹn được vài tháng chồng cô đổi tính, không cho cô đến nhà thờ nữa, ngày nào cũng lấy đạo ra mà nói hành, sống trong cảnh gia đình bội bạc nhưng nào dám ly hôn, cô đành cắn răng chịu đựng, vì thế mà mỗi khi đến bệnh viện cô lại trút hết mọi bực tức trong lòng nơi mọi người. Từ đó cô mang tiếng “phù thủy trên môi miệng họ”. Cho đến hôm nay, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo của nó, chú và cô đã được con thức tỉnh.

Nó đờ người nhớ ra…

***

Cốc. Cốc. Cốc…Bác ơi. Bệnh nhân cần cấp cứu.

Cốc cốc cốc… Bác ơi…

- Sinh viên thực tập mà dám gõ cửa gọi bác sĩ.- Giọng cao ngạo của bác sĩ N làm nó tức tối.

- Dạ bác. Con xin lỗi nhưng bệnh nhân giường 15, phòng 2 xuất huyết, ộc ra nhiều máu cần cấp cứu mà cô điều dưỡng không có ở phòng trực, người nhà đang rất lo lắng.

Người đàn ông nhìn nó với vẻ khinh thường. Chậm rãi nói:

- Không sao, những trường hợp này bình thường thôi, khoa tiêu hóa thì phải có xuất huyết, chỉ là biểu hiện của bệnh thôi.

- Nhưng … Bác ơi…

- Tôi đã nói không sao.- Lời nói cắt ngang lạnh lùng của một lương y làm nó hụt hẫng.

- Dạ, nhưng xin bác hãy nhanh lên!- Phản xạ tự nhiên trong tâm lý con người khi thấy người gặp nguy hiểm nhưng phải chăng là ông ấy đã chai lì vì làm bác sĩ nhiều năm.

- Không được rồi. Nó chạy nhanh lấy máy đo huyết áp xuống phòng bệnh, huyết áp tụt nhiều, bệnh nhân mất khá nhiều máu nhưng làm sao bây giờ khi không có chỉ định. Đứng trước vực thẳm sự sống của một mạng người nó không thể đợi chờ. Mặc kệ tất cả, “Chúa ơi xin hãy giúp người này, xin cho con biết con phải làm gì bây giờ”. Ngay trong nháy mắt, nó lấy dịch truyền cắm vào kim luồn đã có sẵn để tăng thể tích tuần hoàn giúp bệnh nhân tránh rơi vào tình trạng choáng. Chợt nhớ đến bác sĩ trực lãnh đạo, nó chạy vào phòng bấm số gọi…

- Tại sao chưa có chỉ định của tôi mà một sinh viên thực tập như cô lại dám làm. Để thế bệnh nhân không chết nhưng cô làm thế càng nguy hiểm hơn.- Vẫn cái giọng điệu đó.

- Dạ. Dạ con xin lỗi bác nhưng trường hợp này không như bác nghĩ đâu ạ. Con sợ…nên mới tự ý xử trí.

- Cô hơn tôi à?- Thái độ tự cao khiến nó giận dữ.

- Thưa bác, lương tâm của người Công giáo không cho phép con đứng nhìn người khác đang gặp nguy hiểm.- Nó nói dõng dạc phát một.

- Cô dạy đời tôi à? Công với chả giáo!- Giọng điệu mỉa mai làm nó nổi máu điên nhưng bệnh nhân vẫn còn nguy hiểm nó phải dằn lòng.

- Con sẽ chịu mọi trách nhiệm sau, còn bây giờ xin bác hãy đến khám và cho chỉ định.

Ông ta thản nhiên đi đến giường bệnh… và liền giật người hốt hoảng vì tình hình không như ông ấy chủ quan.

- Xả dịch chảy nhanh. Rửa dạ dày.

Chị điều dưỡng trực nghe đâu hì hục chạy lên xử trí cùng.

…30 phút trôi qua bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. Nó mệt mỏi ngồi phịch xuống ghế nuôi bệnh, những lời cảm ơn dồn dập của người nhà khiến lòng nó nhẹ nhõm, vui vẻ và mạnh mẽ hơn. “Cảm tạ Chúa đã giúp con”.

Đôi chân rã rời, nó lơ bước lên phòng hành chính.

- Tại sao anh chị lại vô trách nhiệm như thế? Lương tâm anh chị nằm ở đâu? Nếu bệnh nhân xảy ra vấn đề gì thì anh chị tính sao? Bệnh viện này sẽ thế nào?- Giọng gắt gỏng nghiêm khắc phê bình hơi to tiếng của bác sĩ trực lãnh đạo, phó giám đốc bệnh viện.

- Anh chị phải cảm ơn vì cô bé thực tập kia đã cứu anh chị đấy. Nếu cô ấy không cắm dịch thì bệnh nhân đã trụy mạch rồi.

- Anh chị sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.

- Còn anh N. Anh phải đích thân xin lỗi cô bé kia vì đã cư xử không đúng. Lúc nãy tôi đã nghe cả rồi.

Nó không buồn mở cửa phòng mà ngồi co ro nơi ghế đá, nghĩ về cuộc sống trần gian đầy tội lỗi này. Chẳng có bụi mà sao nước mắt lại cứ trào ra.

Hôm sau nó nhận được quà và lời xin lỗi của bác sĩ N: “Cảm ơn con- cô bé Công giáo”. Tin tức được lan truyền cả bệnh viện.

***

- Thì ra…Bác N là chồng cô.

- Ừ. Từ hôm ấy bác không còn cấm cản cô nữa, mà sáng nay còn đích thân đưa cô đến nhà thờ và xin theo học đạo. Khoảng khắc ấy cô hạnh phúc vô cùng con à. Tất cả là nhờ con, con đã cứu vợ chồng cô. Tạ ơn Chúa đã tạo ra một người con như con.

Đêm Chúa nhật thanh bình, lặng lẽ. Không khí trong lành, mát mẻ, nhẹ nhàng hạnh phúc như cành hồng đón đợi giọt sương mai. Lòng nó miên man trải theo làn gió. Một cảm giác là lạ lan khắp người nó làm ấm nóng tình yêu Chúa vô bờ. Một ngày Chúa nhật thật ý nghĩa, nó tự hào mình là Kitô hữu.

 

Mã số: 15-078

LÃO TÀNG

Từ xa, chưa đến ngõ vào nhà lão Tàng, người ta đã nghe tiếng gõ khi thì cạch cạch, lúc thì leng keng của dàn hợp âm muỗng, đũa, ly, nồi … Cả xóm của lão ai cũng lắc đầu, vợ con của lão thì đi lánh nạn ở tận nhà ngoại của mấy đứa nhỏ. Thử hỏi ai chịu cho nỗi lúc lão say nhè, đụng ai lão cũng chửi, chửi không cần lý do, chửi tuốt tuồn tuột. Vợ con lão nhiều lần phải hứng chịu cảnh đòn roi, sưng mày vếu mặt do con ma lưu linh đọa đày, thật tội nghiệp.

Lão chỉ sợ có mỗi Cha sở và bà Trưởng khu. Khi thấy có Cha sở đến, lão chạy ngay vào buồng mặc vội cái quần py-gia-ma nhàu nát ra tiếp khách. Cái mặt đỏ gay đầy nhử mắt của lão trông thật dữ tợn. Cha sở bảo gì lão cứ vâng dạ cho qua.  Khi nghe nói lão đã bỏ mùa Phục Sinh 32 năm, lão nhe hàm răng đầy bựa ra cười trừ và chỉ có một câu được lặp đi lặp lại cách nhàm chán: “Để rồi con tính!”.

Bà Khu trưởng rất kiên trì nhưng lắm lúc cũng tỏ ra thất vọng. Bà yêu cầu Cha sở phải có biện pháp mạnh với lão nhưng mạnh thế nào thì bà chẳng nói ra được. Cha sở bảo đây là vấn đề mà tự bản thân đương sự phải có nhận thức, tự nguyện quay về với Chúa dưới sự động viên,cầu nguyện và sự giúp sức của mọi người…

Nghe nói đâu trước đây, lão có bất đồng ý kiến với ông từ Kha về việc khi hết hồi chuông thứ ba, chuẩn bị đọc kinh thì phải đốt các đèn nến trên bàn thờ lên. Lão bảo ở nhà các anh, khi đọc kinh thì phải đốt đèn nến lên cả chứ, có đâu để tối om bàn thờ như trong chùa bà Đanh vậy. Ông từ Kha cũng chẳng tay vừa, ổng bảo chả có luật nào bắt phải thế. Khi chuẩn bị lễ thì bọn học trò giúp lễ mới đốt đèn lên mà thôi. Vụ việc được đưa lên Cha sở, ngài bảo đốt thì tốt mà đợi đến khi làm lễ đốt luôn cũng được. Lão Tàng không chịu và từ đó lão bỏ nhà thờ, sa vào rượu chè be bét luôn cho đến giờ. Một lý do thật lãng nhách!

Một hôm, khi trời đã sáng rõ, cửa nhà lão vẫn im ỉm. Người trong xóm gọi cửa mãi không được, họ phá cửa vào thì thấy lão đã chết cứng. Cái quạt máy Lifan vẫn còn quay vù vù. Bà cụ Vũ nhà ở bên cạnh có nghe lúc đầu hôm lão còn ngâm thơ:

                             “Tám Tàng … vốn thật … là ta

                      Làm phách chẳng có … chỉ ưa làm tàng…

                              Một bầu rượu với …cây đàn…

                      Ta say ta hát … xóm làng đừng có … cười ta …”

 

Mã số: 15-079

KHI THẬP TỰ NỞ HOA

Trong thần thoại Hy Lạp, một cô gái tên là Clytie đã yêu thần mặt trời Helios. Từ đó, cô không làm gì ngoài việc ngồi nhìn ngắm cỗ xe ngựa của thần Heliosđi qua bầu trời. Sau 9 ngày, cô hoá thân thành một bông hoa hướng dương. Những người hiểu biết vẫn xem hoa hướng dương là biểu tượng của sự hướng thượng cao quý.

*  *  *

Ngôi nhà hai tầng màu vàng nhạt nằm án ngữ ngay ngã ba. Con đường mới trải bê tông, hai bên rìa chưa kịp đắp đất. Những bụi tre oằn oại trong gió. Gọi là bụi cho hay chứ thực ra mỗi bụi chỉ còn độc mấy cây tre cộc, còi cọc cùng đám măng lổng chổng. Ít tre, con đường thoáng hơn. Đám con gái đi đêm không còn sợ ma nữa.

Gió đầu đông chợt thổi lạnh nổi da gà. Hòa trở về nhà trong tiếng đêm khe khẽ thở. Nhìn lên căn phòng tầng hai vẫn sáng ánh điện, bóng dáng cô em gái đang ngồi bên bàn học. Hòa mở cánh cổng sắt nặng nề. Những chiếc bản lề phát ra tiếng kêu kèn kẹt. Bà Dư thấy động liền đặt thằng nhỏ chưa đầy mười tháng tuổi xuống giường chạy ra ngoài.

- Mày đi đâu mà giờ này mới về, bố mày đi uống rượu về không thấy đâu lại chửi đổng suốt.

- Con đi học hát với học cử điệu và tập văn nghệ về chứ đi đâu.

- Phải liệu về sớm chứ!

- Thế bố con chằng bảo đi đâu thì đi đến mười giờ là phải về. Bây giờ mới chín rưỡi.

- Ừ... thôi kệ mày!

Bà Dư thở dài bước vào nhà. Hòa lững thững theo sau. Vào nhà, Hòa thấy ông Nhu đang nằm dài trên ghế. Ông Nhu có thói xấu cứ đi uống rượu say về là lại chửi bới linh tinh. Chửi chán, ông mới lăn ra ghế ngủ. Bình thường hàng ngày ông đi từ sáng đến tối mới về nên nhiều hôm không ăn ở nhà bữa nào. Hàng xóm cũng ít khi gặp, chỉ khi nào có việc gì quan trọng lắm như cưới xin, lễ tết gì mới thấy ông có mặt. Nhiều hôm lễ nghỉ, người làng vẫn thấy ông Nhu đánh xe đi làm.

Bước vào phòng mình, Hòa thấy Hảo đang ngồi nhắn tin. Hòa đến gần giật lấy điện thoại màu đỏ trên tay Hảo. Đọc qua, Hòa thấy trong điện thoại có dòng tin nhắn viết dở “kun yo, e nho a nhju lem”. Hoà chưa kịp hiểu. Nhanh như cắt, Hảo lao tới giật mạnh. Chiếc điện thoại rơi bịch xuống đất. Từng bộ phận bắn ra tung tóe. Hảo chồm đến bóp cổ Hòa hét: “Sao bà cướp điện thoại của tôi?”. Hòa gạt tay Hảo rồi nói: “Mày xưng tôi với ai, học không chịu học suốt ngày điện với thoại, mày thích tao cáo với bố mẹ không?”. Hảo ngồi thụp xuống nền gạch men bong nhoáng vừa khóc vừa đưa tay lượm các bộ phận của điện thoại.

Hảo là em gái Hòa. Hảo học lớp chín còn Hòa học lớp mười hai. Từ nhỏ, Hảo nghịch ngợm như con trai, lớn lên đi học hay gây gổ đánh nhau nên bị nhà trường kỷ luật mấy bận. Trước kia, khi chưa có thằng cu Quý, ông Nhu tỏ ra rất cay nghiệt với hai chị em Hòa. Cứ nhìn thấy, ông lại tìm cớ bới móc, mắng nhiếc. Chắc có lẽ, ông bà nội của Hòa chỉ có mỗi mình ông Nhu là con trai nên áp lực dòng dõi đè nặng lên ông. Nhưng điều đó ảnh hưởng ít thôi, cái nỗi đau lớn nhất của ông Nhu nằm ở chỗ cứ đi uống rượu là ông lại bị xếp ngồi mâm của đám không có thằng cu chống gậy. Có lần đi đám cưới nhà anh em, đang khi chén chú chén anh, tự dưng có tay xỏ xiên xổ ra câu đối: “Nhà cao cửa rộng con rể ở - Tiền lắm của nhiều cháu ngoại tiêu”. Ông Nhu tức khí cầm cái bát ném thẳng vào mặt hắn. Cuộc ẩu đả xảy ra…

Bà Dư không làm gì nên tội nhưng mười mấy năm phải sống trong sự cay nghiệt của chồng. Chỉ đến khi thằng cu Quý ra đời, bà mới được giải thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Ngày đầy tháng của con trai, ông Nhu đặt móng nhà mới. Nếu không sinh được thằng con trai thì không bao giờ ông Nhu xây nhà – ông đã từng thề như vậy. Từ đó đi đâu uống rượu, ông Nhu cũng phải dương dương tự đắc chém được mấy câu thế này: “Ruộng sâu, trâu nái, hai gái đầu lòng, Võ Tòng thứ ba”. Về nhà ông cũng ít chửi vợ con.

…Hoà nghe kể, ngày còn trẻ, bố mẹ mình tham gia vào công việc nhà Chúa rất nhiệt tình. Mọi chương trình, hoạt động của giới trẻ hai người đảm trách hết. Thời gian đó, ông Nhu đứng đầu một ca đoàn hùng mạnh. Cứ vào dịp Noel, trong vở hoạt cảnh Giáng Sinh, ông Nhu đóng vai Thánh Giuse còn bà Dư vào vai Đức Maria. Hai ông bà đóng rất đạt. Đạt đến mức trở thành vợchồng thật ngoài đời. Sau đám cưới, hai ông bà ít dần rồi nghỉ không tham gia hoạt động giới trẻ nữa.

Lúc bé Hòa được hai tuổi, ông Nhu đi làm phụ xe. Thỉnh thoảng về thăm, ông mua quà và đưa tiền cho vợ. Đến khi bà Dư sinh bé Hảo thì ông Nhu rất ít về, có thời gian ông biến mất tăm mấy tháng trời, tiền cũng không thèm gửi về. Người ta đồn rằng ông Nhu có bồ. Đám lái xe nhiều tiền  thằng nào không dính cờ bạc hay chích hút thì kiểu gì cũng đi ăn “phở”. Người ta thường bảo phở Hà Nội và Nam Định nổi tiếng không phải vì ngon mà vì ở đó người ta có thể giúp cho những kẻ “chán cơm thèm phở” thỏa mãn.

Kể từ đó, ông Nhu sống như người không đạo. Ông không còn đến nhà thờ như trước mà ngồi nhà xem ti vi với hút thuốc lào vặt. Thi thoảng lễ lớn, ông cũng lên xem chút rồi lẻn về như kẻ trộm. Thời gian trôi nhanh, mới đó mà đã mười mấy năm, ông Nhu không xưng tội. Khô khan, nguội lạnh một mình đã đành, đằng này nhiều khi ông còn gây khó dễ cho vợ con. Bà Dư ngồi cầu nguyện là ông mở nhạc thật to. Hòa đi nhà thờ về thì kiểu gì ông cũng càu nhàu vài câu. Ổng hay lải nhải, Đạo tại tâm, đến nhà thờ lắm có mang được gạo về ăn không. Từ một người sốt sắng, ông Nhu trở thành con người sắt đá. Hay ông giận Chúa? – Bà Dư nghĩ vậy.

Nhiều khi, Hòa buồn lắm. Đi ra đường gặp người làng Hòa thấy tự ti, thấy mặc cảm. Gia đình người ta vui vẻ cùng nhau đi Lễ; gia đình mình không có nổi một bữa cơm yêu ấm. Có ngồi ăn cùng thì dấu ai có người ấy làm, kinh ai có người ấy đọc. Ông Nhu chẳng bao giờ đến nhà thờ lại còn ngăn cản không cho vợ con đi. Ai gặp ông ta cũng phải khiếp sợ mà lảng dần rồi tránh xa. Chẳng biết từ khi nào, ông Nhu nuôi bộ râu dài, đen ngòm, chi chít, san sát quanh miệng trông chẳng khác gì quỷ. Còn Hảo có vẻ học bố nên sống bất cần. Ai đời cứ tối đến là nó ngồi ệp vào bàn học. Nhưng ngồi đó, nó không đọc truyện thì lại viết thư vớ vẩn, đã thế dạo này lại có cái điện thoại nên nhắn tin suốt ngày đêm. Học hành chểnh mảng nên kỳ nào Hảo cũng chỉ đạt loại trung bình. Cứ khi nào mẹ hay chị nhắc đi nhà thờ đi Lễ là nó lại kêu, hết đau đầu lại đau bụng rồi chui tọt vào nhà vệ sinh ngồi trong đó rõ lâu. Riêng bà Dư muốn đi nhà thờ thì phải chờ khi ông Nhu không có nhà, hoặc khi ông say hoặc hôm nào ông vui vẻ. Bà chẳng biết làm gì hơn, lúc nào cũng thầm thĩ cầu nguyện. Bà xin cho ông Nhu và con Hảo thay đổi tính nết; xin cho gia đình bình an và sớm sinh được thằng con trai để nối dõi tông đường. Nhiều lúc bà thấy mình như sắp đổ gục nhưng tình Chúa nhiệm màu. Cuối cùng Chúa cũng ban cho bà thằng cu Quý.

Sau khi xây nhà xong, ông Nhu cùng với ông Cầu mở đại lý tạp hóa trên phố huyện. Ông Cầu phụ trách mảng bán lẻ và giới thiệu hàng. Còn ông Nhu thì chuyên nhận và giao hàng cho khách. Ông lái chiếc xe hơn một tấn đi đổ hàng khắpnơi trong huyện. Mới mở chưa đầy năm nhưng hai ông làm ăn phát đạt lắm. Hàng nhập về đến đâu hết đến đó. Dân làng đồn rằng, mấy tháng nữa ông Nhu sẽ mở đại lý  ngay tại làng.

…Hai tuần nữa, giáo xứ của Hòa sẽ đón Thánh Giá đại hội giới trẻ. Trong làng, từ người già đến người trẻ háo hức chờ đợi. Cờ hoa, biểu ngữ được giăng dọc suốt hai bên cổng nhà thờ. Ca đoàn của Hòa cũng gấp rút học hát và tập cử điệu. Chiều mưa nhẹ, khi đang chơi bên nhà hàng xóm cùng đám bạn, Hòa thấy Cha xứ đến nhà gặp và nói chuyện với bố mẹ mình rất lâu. Hòa ngạc nhiên vì từ trước đến nay Cha xứ có khi nào đến đâu, trừ hôm làm phép nhà. Tối về, Hòa hỏi mẹ. Bà Dư nói Cha xứ đến đề nghị bố con đưa xe ô tô đi đón Thánh Giá trong dịp tới.

...

Chiếc xe được trang hoàng lộng lẫy. Xung quanh xe treo băng rôn “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”. Các bạn trẻ trong ca đoàn của Hòa chung vai vác Thánh giá. Dòng người đưa đón thánh giá đông như trẫy hội. Nhiều cụ bà nhìn cây Thánh giá mà đôi mắt rưng rưng lệ. Từ trong đám đông có tiếng vọng ra: “Người ta lấy mất Thánh giá Chúa tôi rồi!”. Các bạn trẻ của hai giáo xứ  chuẩn bị cho chuyến giao lưu đầy hứa hẹn. Con đường trở về miền quê yêu dấu với những cảnh tượng tuyệt vời đang lơ lửng trong đầu Hoà.

Hai hàng người xếp dài từ cửa nhà thờ ra tận đường. Thánh giá được đưa lên xe ô tô nhà Hòa. Mọi người dùng vải đủ màu sắc để giữ cho Thánh giá cân bằng. Sáng nay, bỗng nhiên trời trở lạnh, mọi người say trong hương vị mùa đông sớm về. Những chiếc lá cuối thu đang trút dần hơi thở. Người ta dự báo với nhau mùa đông năm nay sẽ rất lạnh. Cánh giới trẻ thì thầm to nhỏ, bảo nhau cố phải kiếm lấy cái chăn ba bảy độ để ủ ấm trái tim. Hai Cha xứ bắt tay và chào nhau.

Mọi việc xong xuôi, người ta mới thấy ông Nhu từ đâu xuất hiện. Hai ngón tay  trỏ và giữa vàng khè kẹp chặt điếu thuốc. Lâu lắm rồi, hôm nay Hòa mới thấy bố mình mặc áo sơ mi cùng chiếc quần âu, râu ria cạo sạch.

Ông Nhu không nói không rằng, lạnh lùng bước lên xe. Ông đưa tay tra chìa vào ổ rồi khởi động. Lạ thay, chiếc xe không có động tĩnh gì. Làm đủ mọi cách, chiếc xe vẫn bất động. Mọi người xung quanh sững sờ không hiểu điều gì đang xảy ra. Ông Nhu tái mét mặt. Ông ngồi thừ ra ghế. Ông quản chạy đến gõ cửa. Ông Nhu giật mình. Ông cố gắng khởi động nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Ông bước xuống khỏi xe như kẻ mất hồn. Chưa bao giờ, người ta thấy ông Nhu rơi vào trạng thái này. Chính ông Nhu cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Từ ngày làm cái nghề này có bao giờ ông gặp chuyện tương tự như thế đâu. Rõ ràng sáng nay, chiếc xe vẫn chạy ngon lành. Kiểm tra kỹ càng mọi thứ, ông Nhu không thấy có vấn đề gì trục trặc.

Mọi người có mặt ở đó cảm thấy lo lắng. Không ai nói với ai một điều gì cả. Bầu khí trở nên ngột ngạt. Trong thời khắc ấy, Cha xứ bỗng xướng lên: “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”. Mọi người cùng hô vang…

 Một lần nữa, ông Nhu mở cửa bước lên xe. Lần này ông không tra chìa khóa vào ổ luôn mà ngồi dựa lưng vào ghế, đôi mắt lim dim để trấn tĩnh tâm can. Thấy mọi người đọc, ông Nhu cũng lẩm nhẩm đọc theo một cách vô thức. Lạ kỳ thay, vừa đọc xong ba lượt “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”, bỗng có tiếng lạch cạch rồi chiếc xe nổ máy. Chưa kịp định hình xem chuyện gì xảy ra nhưng với phản xạ nhà nghề, ông Nhu liền đạp chân vào phanh và côn xe. Chiếc xe rú lên tiếng ghê rợn. Ông Nhu đưa tay đẩy cần số. Chân phải nhẹ nhàng nhấn ga. Tay bấm còi và điều khiển chiếc xe. Cộng đoàn thở phào nhẹ nhõm.

Ông Nhu điều khiển chiếc xe cung nghinh Thánh giá chạy bon bon trên đường. Phía trước là xe hơi chở các Cha, theo sau là xe buýt chở các bạn trẻ. Con đường mới trải nhựa trông hệt như dải lụa vắt qua những cánh đồng. Cánh đồng vừa mới thu hoạch xong, gốc rạ đứng chỏng chơ, lất phất trong gió. Những thửa đất cao ít nước, người dân trong vùng trồng hướng dương. Những bông hoa vàng óng sắp trổ hạt khẽ đưa mình trong cơn gió se lạnh. Măt trời như  đứa trẻ con chập chững đi, cố ló đầu ra khỏi đám mây bạc. Những bông hoa hướng dương thẹn thùng đưa mắt lên nhìn. Dường như, cơn gió lạnh lùng chưa đủ sức cám dỗ những bông hoa mang tâm hồn hướng thượng.

Vừa ngắm cánh đồng, vừa lái xe, ông Nhu miên man phả khói thuốc. Ông đưa ra những giả thuyết về chuyện chiếc xe tự động nổ máy. Chợt nhìn xuống, ổ khóa không có chìa. Thật khó hiểu! Ông Nhu đưa tay vào túi quần rút ra chùm chìa khóa, không thấy chìa khóa xe ô tô đâu. Ông hoang mang, thò hết bên này lại ngó sang bên kia cũng chẳng thấy bóng dáng chiếc chìa khoá cần tìm. Chiếc xe không chìa khoá bon bon chạy. Ổ khóa vẫn chỉ vào chữ “OFF”. Ông Nhu trấn an mình: “Chuyện này chẳng có thần thánh hay ma quỷ gì hết chắc là do xe có gì trục trặc”. Suy nghĩ miên man. Ông Nhu đưa mắt nhìn ra ngoài... Trời! Chiếc gương chiếu hậu rịa thành từng ô nhỏ. Trong gương là hình ảnh một người đàn ông  bị treo trên thập giá; quanh đầu đội mạo gai. Từ năm vết thương chính trên cơ thể, dòng máu đỏ rực chảy ra quện vào nhìn như năm bông hoa hướng dương. Trong giây phút cực khổ ấy, người đàn ông vẫn hướng đôi mắt về xa xăm. Bên dưới cây thập tự, người phụ nữ mặc áo trắng ngước mắt nhìn, dòng lệ đang tuôn chảy như con suối xa nguồn… Trong khoảnh khắc ấy, ông Nhu kêu lên: “Giê su! Lạy Chúa tôi!”…

…Một chiếc xe container chạy ngược chiều vượt xe tải cùng chiều lao thẳng tới xe ông Nhu. Nhanh thoăn thoắt, ông Nhu đánh lái sang phải. Chiếc xe sa xuống mương thoát nước, táp vào một lùm cây thoát nạn. Mất thăng bằng, xe nghiêng hẳn về một bên. Nhưng chuyện lạ xảy ra, cây Thánh giá đáng lẽ phải nghiêng theo xe nhưng đằng này lại đứng thẳng như có người giữ. Ai nấy đều trợn tròn mắt ngạc nhiên. Có người quỳ xuống bái lạy.

Lát sau, ông trùm đứng dậy mở cửa ca bin. Ông Nhu mặt mũi tái mét nhưng tuyệt nhiên không có một vết thương nào. Hòa chứng kiến cảnh tượng đó thì gào khóc nức nở. Nó tưởng bố nó đã chết. Chỉ khi mọi người bảo, ông Nhu vẫn bình thường thì Hòa mới thở phào nhẹ nhõm. Sau khi trấn tĩnh lại, ông Nhu bảo mọi người lên xe để về cho kịp.

Sau bao khó nhọc, phái đoàn đón Thánh giá đã về đến nhà thờ giáo xứ. Dọc hai bên đường mọi người cầm cờ cầm hoa để đón chào Thánh giá Chúa. Cộng đoàn hát vang lời ca: “Niềm tự hào của tôi là Thánh giá Chúa tôi. Niềm tự hào của tôi là…”.

…Không nói với ai lời nào, ông Nhu lặng lẽ đi vào tòa giải tội. Trên cây Thập Tự, năm bông hoa hướng dương nở tươi hướng về phía mặt trời. Ông Nhu biết mình đang nói chuyện với ai.

 

Mã số: 15-080

LỜI KINH MÂN CÔI

Cha ngồi bên ô cửa sổ nghe gió ngoài đồng thổi về xào xạc. Trong gió nghe rõ mùi thơm của rạ, mùi của cỏ khô. Cha đốt điếu thuốc, rít một hơi, đưa mắt trông về phía cánh đồng, nơi những căn nhà của Đồng bào. Trong  ngôi làng nhỏ ấy, có gia đình vợ chồng A Khả. Ngày đầu tiên về  nhận xứ, cha đã nghĩ về gia đình A Khả, nghĩ nhiều lắm. Giờ là đêm cuối cùng ở giáo xứ, gia đình A Khả lại làm cha âu lo.

Ra trường, cha nhận bài sai về một giáo xứ miền quê nghèo, nằm heo hút dưới chân núi, khoảng vài đôi ba chục gia đình người Kinh sống quanh nhà thờ, họ là gia đình Công giáo nghèo, mới ăn buổi hôm đã lo gạo buổi mai. Cách nhà xứ một cánh đồng lúa vàng là làng Đồng bào, họ nghèo. Khi trao bài sai, Giám mục dặn rõ từng lời một:

- Cha cố gắng làm cho người Đồng bào biết Chúa Kitô!

Với nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ, cha đáp như một phản xạ tự nhiên:

- Dạ, thưa Đức Cha, con sẽ cố gắng. - Đáp xong mà thấy nhiệm vụ khó quá, khó với sức mình, với một linh mục mới ra trường thiếu kinh nghiệm truyền giáo.

Buổi sáng nhận xứ, buổi chiều cha đạp một vòng quanh làng đồng bào, thấy một gia đình ngộ ngộ. Bà vợ có nước da không đen như người đồng bào, cũng không trắng như người Kinh, lấm lem mồ hôi đang tất tả cuốc đất, còn chồng lượm cỏ, vun vồng trồng mướp (cái giàn đã lên sẵn trước khi vun vồng), hai thằng con ngồi bên bệ cửa học đánh vần. Đây cũng là gia đình duy nhất trong làng có hai đứa con ngồi học chữ mà cha thấy được. Thấy cha đi qua, cả nhà xúm lại nhìn cha. Cha mỉm cười chào, cả nhà lập bập chào lại. Trong âm thanh nghe cả tiếng Việt, tiếng đồng bào lẫn lộn. Cha nghĩ thầm: “Bắt đầu từ gia đình này”. Lúc cha nghĩ vậy cũng là lúc cha cảm thấy khó, khó vì không biết làm cách nào để người ta theo đạo.

Những chiều khi mặt trời núp sau dãy núi, khi đồng bào thôi việc nương đồng, cha dạo xuống làng. Cha gởi nụ cười, gởi cái cúi đầu, gởi lời chào tới  những  người gặp trên đường đi. Dần dần, người ta biết đó là ông cha ở trên nhà thờ. Chiều nào cha cũng ghé thăm trò chuyện với gia đình A Khả. Rồi gia đình A Khả được rửa tội, một vài gia đình đồng bào cũng được rửa tôi. A Khả trở thành trưởng giáo khu của làng. A Khả trở thành người thân của cha. Lúc nào buồn cha xuống làng trò chuyện với A Khả, với con A Khả, muốn biết thế sự trong làng cha cũng tìm gặp A Khả. A Khả cũng luôn gặp cha những khi có khó khăn, chuyện gia đình, chuyện của đồng bào A Khả đều tâm sự với cha. Mỗi lần đi phố về cha luôn mang về một thứ gì đó cho con A Khả, lúc thì bị bánh, lúc thì khẩu súng nước, lúc thì cái chong chóng gió. A Khả cũng mang lên cho cha lúc thì con trê đồng, lúc thì con gà rừng... nói cha ăn cho biết vị đồng quê. Cha dạy A Khả sống đạo, dạy A Khả dạy con, dạy con A Khả học, dạy cho A Khả biết lo cho tương lai, dạy A Khả biết dành dụm. A Khả chăm làm hơn, không như hồi trước làm một ngày nghĩ ba ngày, khi nào hết cái ăn là đi làm lại. A Khả biết tích lũy cho tương lai, không còn cái kiểu “làm đồng nào xào đồng nấy”. A Khả khoe với cha số tiền dành dụm được, cha  bảo A Khả mua thêm đôi bò để sinh lời sau này có đồng tiền mà xây nhà, mà lo cho con học hành... A Khả có thêm hai đôi bò, đã khá hơn những người khác. Cha bảo A Khả giàu lên là nhờ theo đạo, nhờ Chúa thương ban cho A Khả. A Khả tin điều cha nói, tin Chúa đã ban của cho A Khả vì A Khả hay đi lễ, vì A Khả sống đạo như cha dạy.

Giám mục báo tin cho cha phải chuẩn bị thu xếp đồ để đi du học. Bài sai lần này ra như hơi gấp gáp. Cha đi ba tháng sau mới có cha mới về, nhà thờ sẽ không có thánh lễ hằng ngày nhưng mỗi Chúa Nhật có cha nhà thờ dưới thị xã làm quản nhiệm sẽ dâng thánh lễ. Thời gian ở chưa bao lâu thì phải rời xứ, cha không buồn lắm, cũng thấy vui vui vì cũng đã rửa tội cho gần chục gia đình đồng bào, vì con chiên của mình đã trưởng thành, biết sống đạo, biết tin vào Chúa.

Một buổi tối của những ngày cuối vụ mùa thu hoạch, cha đang loay hoay thu xếp những vật dụng để rời xứ thì A Khả hốt hoảng chạy vào nhà xứ, nước mắt đầm đìa, A Khả nói:

- Thưa cha, mất hết rồi.

- Mất cái gì? - Cha thư thả bỏ chồng sách cuối cùng vào thùng không buồn ngước mặt lên.

- Mất đôi bò, cha à.

- Sao mất! - Cha hốt hoảng lên theo lời A Khả.

- Sáng nay, khi ra chuồng lùa bò ra đồng thì không thấy hai con bò đực đâu hết, chỉ thấy hai con bò cái không à. - A Khả thút thít, đưa tay quẹt nước mắt.

- Vậy A Khả đi tìm chưa, nó sẩy dây, rồi đi lạc đâu đó.

- Không đâu cha, A Khả và vợ đã đi tìm cả ngày nay rồi mà không có, người ta nói đã bị người Kinh dắt đi làm thịt rồi. A Khả bắt đền cha, bắt đền Chúa.

Thỉnh thoảng trong làng cũng hay mất trộm, mất con gà, con vịt, con chó..., nhưng chưa ai mất lớn như vợ chồng A Khả. Tưởng như đã yên lòng ra đi, cha đã dạy cho A Khả tin vào Chúa, mọi sự là do Chúa ban và Chúa không để A Khả nghèo, không để A Khả thiệt thân. Nhưng giờ gia đình A Khả ra thế này. Cha biết giải thích, biết khuyên bảo thế nào cho A Khả đây. Người Đồng bào đâu có kiểu vòng vo, thấy sao hiểu vậy... Ngập ngừng hồi lâu rồi cha bảo:

- A Khả cứ về tìm thêm đi, để thêm vài ngày nữa xem sao.

- Tìm không ra đâu cha à! Hay là A Khả đi xem thầy, người ta chỉ cho A Khả vậy đó.

- Không được, xem thầy là có tội mê tín - Đôi mắt cha nhìn về A Khả như sự trách móc. - A Khả hãy về đi, để cha nghĩ cách đã.

Cha nhìn lên tờ lịch, chỉ còn một ngày nữa, mai là rời xứ rồi. Từ ngoài sân, bóng dáng A Khả tiến lại gần cha:

- Cha cho A Khả đi xem thầy nghe! Chúa không chỉ cho cha biết ai đã lấy đôi bò của A Khả thì A Khả nhờ thầy bói xem, thầy bói xem đúng lắm cha à.

- A Khả nghe cha nè, A Khả không đựơc đi xem thầy, xem thầy cũng đâu có bằng chứng để đòi lại, có ai xem thầy mà đòi được của bị mất chưa?

- Dạ, chưa - A Khả lắp bắp đáp.

- A Khả đi xem thầy là có tội với Chúa, Chúa buồn lắm đó, cha cũng buồn. Mai cha đi rồi, cha đi, cha thương A Khả lắm. Xa A Khả cha buồn lắm, A Khả đừng có đi xem thầy nghe.

Nghe cha nói A Khả khóc, nước mắt A Khả chảy dài, mắt cha cũng thấy cay cay. A Khả  buồn vì mất đôi bò, thêm mất cha, mai là A Khả xa cha rồi, không còn cha nữa.

v  

Cha vẫn ngồi bên ô cửa, đôi mắt trông về phía cánh đồng. Gió vẫn thổi về từng cơn qua ô cửa. Có thể cha đi rồi A Khả sẽ đi xem thầy, rồi cũng có thể A Khả bỏ đạo luôn nếu như không tìm lại được đôi bò. Cha nghĩ mãi mà không có cách nào giúp A Khả vượt qua khó khăn này, không cách nào để A Khả vẫn tin vào Chúa. Điếu thuốc đã tắt lịm hồi nào, cha bật lửa châm thêm điếu thuốc nhưng cái hộp đã trống rỗng. Thở một hơi dài, nghe rõ sự mệt mõi, rồi cha đứng phắt dậy, bước xuống sân. Cha lấy trong túi tràng hạt, đi một vòng quanh sân dưới ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn neon trên đỉnh tháp chuông, rồi ngồi xuống trên hàng ghế đá đài Đức Mẹ, cha thiếp đi hồi nào. Ngồi dưới đài Đức Mẹ đọc kinh nhiều lắm, nhưng chưa đêm nào cha thiếp đi như vậy. Có lẽ lần này cha mệt mỏi lắm.

Sáng nay rời giáo xứ, ghé ngang qua nhà A Khả cha bùi ngùi nói:

- Cha đi đây, A Khả đừng buồn nữa, bữa nào cha sẽ về gặp lại gia đình A Khả.

Khi xe lăn bánh ra khỏi nhà, cha đưa cho vợ chồng A Khả tràng hạt và vói đầu lại dặn:

- Cha đi rồi, nhớ lần hạt nghe, phải tin vào Chúa đó. - Cha nói xong mà thấy lòng mông lung. Tự nhiên thấy mình như sinh con bỏ chợ, đưa người ta vào đạo, rồi khi người ta chưa thật vững chắc thực hành đạo thì mình lại ra đi, để người ta bơ vơ. Cha đi rồi chẳng hy vọng gì A Khả giữ đạo.

Cha không còn nhớ đến A Khả, cha quên những gì ở đất Việt. Quên để nhớ cái mới, nhớ một ngôn ngữ mới, nhớ bài học mới. Người ta muốn học một ngôn ngữ mới thì phải tẩy hết những cái cũ trong đầu, nhét chúng vào một xó xỉnh trong bộ nhớ, khi cần chỉ chạm nhẹ vào kí ức là tất cả hiện ra.

Kì vọng của Giám Mục, niềm tự hào của Giáo phận đặt nơi cha luôn thôi thúc cha phải nghiên cứu, dù mệt lả người nhưng không để một giây phút nào trôi đi vô ích. Với Cha là sách vở, là nghiên cứu.

Hai tiếng đồng hồ trôi qua mà không đọc hết mọt trang sách, cha cứ thẩn thờ, những ý niệm về Thiên Chúa cứ quẩn đi quẩn lại, càng nghiên cứu thần học cha càng thấy đức tin của mình rối bời lên bởi những phẩm tính của Thiên Chúa quá huyền nhiệm. Những khái niệm về Ba Ngôi sao quá rắc rối, nào là đồng bản thể, đồng bản tính, nào là giống nhau về bản thể, giống nhau về bản tính... Có thể việc vùi đầu vào sách vở, cũng có thể do những ý niệm phiêu bạt về Thiên Chúa của các tác giả mà cha đọc được làm cha vô định, rối bời. Có hôm, đang giữa đêm cha bật dậy, nghĩ đức tin của mình có đúng không ta? Sao càng lúc càng thấy giống các nhà thần học lạc giáo, ly giáo, càng nghiên cứu về Thiên Chúa lại có cảm giác xa Thiên Chúa. Rồi cha thấy mình giống A Khả quá, thấy thông cảm cho A Khả.

Có một trang sách cha đọc nói rằng, đức tin phải biến thành những lời cầu nguyện chân thật, hãy bắt đầu làm thần học bằng lời kinh Mân Côi. Bỗng cha giật mình nhận ra bấy lâu nay cha đâu có đọc kinh Mân Côi. Cha đã không còn giữ thói quen lần hạt mỗi tối, hễ rãnh là bắt tay vào sách vở, mọi lúc, mọi nơi đều có quyển sách bên mình. Cha tập lại thói quen đọc kinh Mân Côi mỗi ngày như hồi ở Việt Nam. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, cha dâng mình cho Đức Mẹ bằng một chuỗi Mân Côi.

Mười năm trôi qua, cha về lại Giáo phận với tấm bằng tiến sĩ thần học. Chiều nay, cha trở về giáo xứ cũng vào giữa tháng sáu. Mười năm đã có những đổi thay, những trục đường chính trong làng đã bê-tông-hóa. Nhà cửa cũng khang trang hẳn lên. Cái gió từ cánh đồng cũng đổi khác, ít mùi thơm của rạ khô và cỏ cháy. Hệ thống tưới tiêu làm cho cánh đồng màu mở, xanh tươi hơn, trong gió phảng phất mùi thơm của mạ non. Gặt lúa xong là dẫn nước, rồi gieo hạt liền nên màu xanh của mạ non và sắc vàng của lúa chín luôn nối tiếp nhau trên cánh đồng. Không ghé nhà thờ, cha xuống làng đồng bào muốn tìm về một kí ức, muốn xem gia đình A Khả có khá hơn không, có còn giữ đạo không, mười năm rồi, có thể A Khả bỏ đạo từ dạo mất đôi bò, cha cũng không chắc nữa, đức tin của cha cũng đã từng bị lung lay mà.

Cha đứng bần thần trước mảnh vườn năm xưa của A Khả, trên nền đất nhà A Khả mọc lên một căn nhà màu vàng nhạt rộng lớn, hàng rào gỗ thấp, bên hông dàn mướp trĩu quả như năm xưa. Cha ngờ ngợ không biết chủ nhân mới là ai, chẳng lẽ năm xưa mất đôi bò làm cho A Khả túng thiếu đến nổi bán nhà thế này à. Bước vào, cha gọi mãi không có người đáp, bên trong nhà im phăng phắc. Dù A Khả đi đâu thì cha cũng phải biết, nên cha cố chờ để hỏi xem A Khả đã bán nhà đi đâu. Hoàng hôn đã bắt đầu rớt xuống chân núi, ngoài đường đã văng vẵng tiếng tắc, rì của những đứa trẻ chăn bò, tiếng cười nói của những người đi làm về. Nghe phía sau nhà có tiếng nói quen thuộc, cha đứng dậy, bước xuống tam cấp, nhìn về phía sau dàn mướp, nơi có âm thanh quen vang lên. Cha nhận ra người quen, vợ chồng A Khả nhận ra cha.

A Khả nói hai đứa con A Khả  đi học đại học rồi, chỉ còn vợ chồng ở nhà thôi, nhà này A Khả xây hai năm trước, lớn nhất làng, A Khả xây được nhà vui lắm. Cha hỏi A Khả:

- Thế A Khả còn giữ đạo không?

- Còn chớ cha - Vợ A Khả tiếp lời- Nhờ giữ đạo mà xây được nhà đó cha.

Cha cười, hỏi:

- Vậy à, xây bằng cách nào?

Giọng A Khả hơi ngậm ngùi:

- Hồi đó mất đôi bò, thêm cha đi A Khả buồn lắm, A Khả định bỏ nhà thờ. Nhưng thương cha, nghe lời cha A Khả gắng đi lễ Chúa Nhật, còn ngày thường A Khả và vợ  đọc kinh lần hạt theo như cha dạy đó. - A Khả nói xong chạy vụt vào nhà lấy tràng chuổi đưa lên thủng thẳng. - Đó, tràng chuổi của cha đó.

- Thế tiền đâu A Khả xây nhà?

- Nhờ Mẹ ban cho A Khả đó cha.

- Ban cách nào?

- Lúc đó A Khả mất bò đực, chỉ còn hai con bò cái. A Khả cố nuôi để nó đẻ con. Buồn lắm cha, hai con bò mẹ không chịu đẻ bò đực. A Khả buồn lắm, lần nào nó cũng đẻ bò cái. Bò cái không ai mua hết, rẻ lắm cha à. A Khả buồn, bán thì rẻ quá nên A Khả giữ lại nuôi luôn. Thấy bò người ta đẻ bò đực nên A Khả mua bò cái của người ta để lấy giống. A Khả đọc kinh lần hạt, cầu Đức Mẹ cho bò A Khả đẻ bò đực nhưng nó cũng không chịu đẻ bò đực. Cả chuồng bò đều là bò cái hết. Rồi bỗng nhiên A Khả nghe người ta nói dịch cúm gia cầm, rồi dịch heo tai xanh, người ta không cho ăn thịt heo và thịt gia cầm nữa. Người ta ăn thịt bò. Rồi người ta vào làng mua bò. Người ta mua bò cái đắt lắm, mua cao gắp ba lần lúc trước, mua bò cái làm giống để đẻ bò con đó cha. Rồi A Khả bán để lấy tiền xây nhà, lấy tiền cho con đi học, chỉ chừa lại hai con bò mẹ thôi. A Khả tin Mẹ đã phù hộ cho A Khả.

- A Khả tin vậy à? - Cha mĩm cười.

- Dạ, A Khả tin nhờ tràng hạt mà cha đưa cho A Khả.

- Cha cũng nhờ tràng hạt mà vượt qua khó khăn trở về với A Khả nè.

- Cha về đây, vậy là nhà thờ có hai ông cha à. - Vẻ mặt của vợ A Khả toát lên sự ngạc nhiên.

- Không, chỉ ghé thăm vợ chồng A Khả thôi, cha về Chủng Viện dạy các sinh viên.

Cha nghĩ bài thần học đầu tiên cha sẽ dạy cho các sinh viên Chủng Viện là lòng đạo đức bình dân với lời kinh Mân Côi. Đó là sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và là  ánh sáng dẫn lối cho con người đi tìm Thiên Chúa. 

 

Mã số: 15-084

NGƯỜI GÁC CHUÔNG NHÀ THỜ

Ở làng đạo có âm thanh nào quen thuộc và ấm áp hơn tiếng chuông nhà thờ? Tiếng chuông ai cũng nghe từ lúc nhỏ, suốt thời ấu thơ, lớn lên và cả về chiều xế bóng. Tiếng chuông báo hiệu lễ sáng, lễ chiều, báo cho những bà mẹ đưa con đầy tháng tuổi đến nhà thờ rửa tội, báo tin một người thân quen trong giáo xứ đã qua đời, về thế giới bên kia, về với Chúa.

Tiếng chuông nhà thờ cùng báo sinh và báo tử, báo niềm vui và nỗi buồn. Mỗi làng đạo đều có một ngôi nhà thờ. Mỗi nhà thờ có một tháp chuông. Và mỗi tháp chuông có một ông từ nghèo khó, siêng năng và lặng lẽ đứng kéo sợi dây chuông để giật lên những âm thanh vui buồn hay hạnh phúc.

Người gác chuông nhà thờ gắn đời mình vào gác chuông, không thể đi đâu. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang réo rắt nhưng người gác chuông thì vô cùng thầm lặng. Họ ít được biết tên và thậm chí bị lãng quên.

Có một người gác chuông ở một ngôi làng đạo bị lãng quên như thế. Rất ít người biết tên ông, mọi người gọi ông là “ông Từ”. Ông nhỏ con hơn mức bình thường, có một người vợ mù cũng nhỏ con và không con cái. Hai vợ chồng già không có nhà. Cha xứ cho họ một căn phòng cũ nhỏ, trong dãy nhà xứ dạy giáo lý. Họ ở đó, ngày ngày ông đi kéo chuông. Còn bà thì chống cây gậy đi từ căn phòng nhỏ lên nhà thờ dự lễ, rồi từ nhà thờ về nhà, không cần ai dẫn dắt. Họ cứ sống như thế.

Trẻ con trong ngôi làng đạo đánh nhau loạn xạ vì phân biệt “xóm trên” và “xóm dưới”. Xóm trên là những người khá giả, có ruộng, có tiền, có tầm nhìn cho con đi học nên trẻ con ở xóm trên phần lớn biết đọc chữ. Xóm dưới là những nhà lao động nghèo, ruộng vườn bán hết vì nợ, vì nghèo, vì...đánh bạc...Người lớn ở xóm dưới nhiều người bỏ làng ra đi kiếm miếng ăn ở thành phố lớn, bỏ những đứa trẻ lại với ông bà già ở nhà. Trẻ con xóm dưới thường không được đi học, nói tục và đánh lộn giỏi trở thành nỗi ám ảnh của con nít xóm trên.

Rồi cũng tới tuổi con nít xóm trên và xóm dưới phải đi học rước lễ bao đồng. Xóm trên thì dễ rồi. Trẻ con biết chữ nên cứ cầm cuốn sách thiên mà đọc thôi. Còn trẻ xóm dưới thì sao? Một chữ bẻ đôi cũng không biết. Có đứa chưa từng sờ vào một cuốn sách, làm sao đọc kinh thiên đây?

Rồi lại tức, rồi lại lao vào đánh lộn. Trẻ xóm dưới đánh xóm trên vì tụi xóm trên kêu xóm dưới là “đồ không biết chữ”. Nhà thờ lúc nào cũng lùm xùm sau khi lễ tan, một bầy con nít lao vào đánh nhau, người lớn can ra, bữa sau lại đánh tiếp.

Làm thế nào để những đứa nhóc không biết chữ vẫn thuộc kinh thiên, giáo lý của Chúa đây? Chẳng lẽ vì không biết chữ mà để tụi nhỏ không được rước Chúa hay sao? Chúa đến thế gian này là để yêu thương tất cả mà. Chúa rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ có ưu tiên người biết chữ và bỏ qua những người không biết chữ đâu?

Vậy là mấy đứa nhóc xóm dưới được gom lại, chắc cũng khoảng hơn chục đứa.  Những đứa trẻ không biết chữ này được giao cho...ông Từ nhà thờ. Ông sẽ kêu mấy đứa nhỏ này rung chuông giúp ông ư? Không phải. Ông lùa tụi nhỏ vào căn phòng nhỏ xíu xiu trong dãy nhà xứ của ông cho bà vợ mù của ông xử lí.

Một bà cụ mù ngồi giữa một bầy con nít không biết chữ, lì lợm, không có cha mẹ ở bên vì cha mẹ tụi nó đa số đi làm ăn xa. Đứa nào đứa nấy tóc vàng hoe, mặt đầy sẹo vì thường xuyên gây trò đánh nhau, người cũng hôi hám vì lười tắm. Ban đầu đúng là khủng khiếp. Bọn nhóc thi nhau chọc ghẹo bà. Đứa lấy nồi cơm của bà giấu đi, đứa lấy cây gậy của bà khèo khèo cái chân bà rồi cười khanh khách. Đứa phá cái này, đứa phá cái nọ, rồi cãi nhau, đánh nhau, văng tục um sùm.

Cô giáo mà ngồi giữa đám học trò cá biệt này đảm bảo chạy dài liền. Chỉ có phép mầu của Chúa mới trị nổi chúng thôi. Mà đây lại là một bà cụ già, đã vậy còn mù nữa, làm gì để trị chúng bây giờ?

Trị không nổi, la cũng không xong, bà cụ mù tội nghiệp chỉ biết chịu trận với chúng thôi. Ngày nào chúng nghịch nhiều bà căng mình ra chịu đựng, ngày nào chúng nghịch ít mà thầm cảm ơn Chúa trong lòng. Rồi bà bắt đầu dạy cho chúng những câu kinh mà bà đã thuộc. Bà cũng giống chúng, có biết chữ đâu. Đời bà chưa từng sờ vào một cuốn sách vì bà mù, lại không biết chữ sờ vào thứ ấy làm gì. Nhưng bà siêng đi đọc kinh, dự lễ nên cuốn sách kinh thiên hay những bài hát thánh ca nằm gọn trong đầu bà, không sót một bài nào. Xuân- hạ- thu- đông, mùa nào bà cũng dự lễ, đọc kinh. Đọc rổn rang, chưa từng quên một câu kinh nào. Giờ bà ngồi giữa đám nhỏ lì lợm và tội nghiệp, truyền miệng cho chúng những câu kinh.

Ban đầu chẳng có đứa nào chịu học. Khó quá. Lì quen rồi, giờ học thấy không quen. Nhưng rồi chúng cũng học. Không thuộc kinh thiên thì không rước lễ bao đồng, đâu có được xếp hàng rước Chúa? Nên phải ráng thôi.

Tiểu quỷ thì không thể nào trở thành thiên thần được nhưng cũng có ngày chúng hiền như bầy cừu. Ngồi xung quanh bà, lặp lại câu kinh bà vừa đọc, lặp lại nhiều lần cho đến khi nhớ thì thôi. Rồi bà như một cô giáo, gọi hết đứa này tới đứa kia, gọi rất đúng tên nhờ vào tiếng động quen thuộc chúng phát ra để dò lại bài kinh bà vừa truyền miệng. Việc thật khó tưởng như không bao giờ làm nổi. Vậy mà bà đã làm. Ngày nào cũng có một đám tiểu quỷ chui vào căn phòng nhỏ của hai vợ chồng bà, nghịch hết thứ này tới thứ khác. Nghịch chán lại đến bên bà ngồi, nghe bà đọc kinh và lặp lại. Bà còn bắt chúng đi đọc kinh, dự lễ cùng với bà. Lúc trước khi ông Từ chồng bà vội vã đi kéo chuông, thì bà một mình chống cây gậy vào nhà thờ sớm nhất. Bây giờ bà không đi một mình nữa vì có mấy đứa nhóc bà dạy kinh đến dắt bà đi. Đứa cầm gậy giúp bà, vẫn nghịch, có khi giấu luôn cây gậy, cười ha hả. Mấy đứa khác đã chạy tới đỡ bà, dắt bà đi mà không cần gậy. Bà chỉ còn biết mắng yêu.

Rồi cũng đến lúc trả kinh thiên để rước lễ, cái nhóm xóm dưới dù thuộc kinh không được trôi chảy nhưng cũng đã được rước Chúa. Đứa nào đứa nấy mặc áo trắng, hân hoan chạy tới khoe với hai vợ chồng bà. Tiễn hết lớp này đi, bà lại dạy tiếp lớp mới. Vì trong làng vẫn còn nhiều đứa trẻ không biết chữ, không thuộc nổi kinh thiên. Bà kiên nhẫn dạy chúng.

Không ai đếm bà đã dạy bao nhiêu đứa trẻ không biết chữ trong làng thuộc kinh thiên để rước Chúa. Cũng không ai nhớ hai vợ chồng người gác chuông đã sống bao lâu ở ngôi nhà thờ nhỏ? Đều đặn mỗi sáng, hè hay đông, ai cũng nghe tiếng chuông vang lên thật đúng giờ. Ông cụ thì đi kéo chuông, bà cụ mù thì dạy kinh thiên cho trẻ nhỏ. Họ cứ sống thầm lặng và đơn sơ như thế.

Một buổi sáng ông dậy sớm như thường lệ, đi trong đêm tối, rảo quanh nhà thờ để mở các cánh cửa. Bước tới gác chuông ông vấp phải một cái bọc. Ai đó trong làng đã bỏ một đứa trẻ trước gác chuông. Ông đã đem đứa nhỏ về cho bà nuôi. Một bà cụ mù, chưa từng có con, run run đón nhận một đứa bé trong cuộc đời mình. Không thấy mặt mũi đứa bé, bà sờ từng đường nét trên gương mặt nó. Những đứa nhóc bà dạy giáo lý rất thích thú khi nhà bà có một đứa nhỏ. Chúng thi nhau giúp bà quấy sữa, giúp em bé uống sữa rồi bồng bế mỗi khi em bé khóc. Mấy đứa nhóc ngày thường lì lợm vậy nhưng do ở nhà giữ em nhiều nên cũng rành rẽ công việc chăm sóc trẻ nhỏ. Hết đứa này đến đứa khác thi nhau ẵm em bé, hát cho em nghe rồi chọc em cười. Đứa nào bận phải dò kinh thì trao em bé cho đứa khác bế. Vậy mà em bé cũng lớn, lẫm chẫm đi, rồi lẫm chẫm cười, học nói. Căn phòng nhỏ vui hơn, có sức sống hơn khi có tiếng cười trẻ nhỏ.

Ông Từ thường mỉm cười khi đi kéo chuông. Ông nhớ buổi sáng ông ôm đứa bé về nhà. Nhưng ông nhớ hơn cái buổi sáng ông, bà và lũ trẻ ôm đứa nhỏ đến nhà thờ rửa tội. Ngày thường ông chỉ kéo chuông cho các bà mẹ trong làng ôm con đến nhà thờ rửa tội thôi. Lần này ông bước hẳn vào trong, đứng sau lưng bà, vừa làm một người ông, vừa làm một người cha. Bà cụ mù thì ôm chặt đứa bé vào lòng, rưng rưng khóc khi cha xứ đổ nước thánh lên đầu nó.

Đứa nhóc hai ông bà nuôi lớn thật nhanh giống như một cái cây. Ông thầm cảm ơn Chúa khi cho một đứa nhỏ xuất hiện trong cuộc đời của hai ông bà. Nhưng niềm vui đó của ông bà không kéo dài mãi mãi. Một buổi chiều khi ông chuẩn bị đi kéo chuông, một người phụ nữ trong làng đã đến căn phòng nhỏ của hai vợ chồng ông, quỳ sụp xuống, khóc nức nở. Chị muốn nhận lại con, đứa con vì tình yêu và một lần lỡ dại. Hồi đó chị sợ nhưng giờ chị gan dạ rồi. Chị cũng đã có tiền để cho con ăn học.

Ông nhìn bà. Bà đưa đôi mắt mù lòa nhìn vào khoảng không. Biết làm sao được! Con thì phải theo mẹ ruột của nó chứ? Mình có quyền gì mà bắt nó ở bên. Nước mắt ngắn dài, bà bịn rịn tiễn nó về nhà mẹ nó. Hai ông bà lại như xưa, lủi thủi trong căn phòng bé nhỏ. Bây giờ trong làng nhiều đứa trẻ đã biết chữ hơn, ngay cả những đứa xóm dưới nên lớp học của bà cũng ít học trò học kinh hơn. Thời gian làm mọi thứ đổi thay. Ông già đi, bà già đi, những đứa trẻ thì lớn lên và tiếng chuông nhà thờ vẫn réo rắt.

Có ai nhớ đến ông Từ nhà thờ cho dù ngày nào dân làng cũng nghe tiếng chuông. Công việc kéo chuông là một công việc vô cùng thầm lặng. Những đứa nhóc học lớp kinh của bà rồi cũng lớn. Chúng lại bước vào cuộc đời giống cha mẹ chúng: không biết chữ, không có nghề nghiệp ổn định, phải bỏ làng bỏ xứ kiếm miếng ăn nơi xứ lạ. Lâu lâu có đứa về thăm ông bà, cho chút quà nhỏ. Nhưng phần lớn chúng quên. Vì kiếm miếng ăn nơi xứ người cũng vất vả quá rồi. Ai còn nhớ lớp học kinh ngày xưa mà cô giáo là một bà cụ mù để về thăm cơ chứ?

Một ngày tiếng chuông nhà thờ bỗng nhiên khang khác ngày thường. Có người nhận ra, có người không. Hình như nhà thờ đã thay người kéo chuông mới? Có người hỏi, có người không. Ai kéo chuông thì cũng vậy thôi, có gì quan trọng đâu cơ chứ?

Một buổi chiều chạng vạng, một chàng thanh niên ghé lại thăm làng, đứng tần ngần trước gác chuông. Người gác chuông giờ là một người đàn ông trung niên hỏi thăm chàng trai:

- Cháu ở làng mình hả? Cháu từ đâu về? Muốn hỏi về ai?- Chú kéo chuông hỏi.

- Cháu hỏi vợ chồng ông Từ trước kéo chuông ở nhà thờ nè, giờ hai ông bà sống ở đâu hả chú?

- Hai ông bà mất lâu rồi. Mất bình yên nhưng đám tang nghèo lắm, vì họ không con cái.

- Có nhiều người dự đám tang ông bà không? Có ai đeo tang không?- Chàng trai hỏi.

- Cũng có người làng nhưng ít lắm. Có vài đứa hồi đó học kinh ở nhà bà tới lo tang lễ. Có một đứa đeo tang. À, cái thằng nhóc hồi đó bị bỏ trước gác chuông mà ông bà nuôi đó. Chính nó đeo tang và lập mộ.

- Dạ.

- Mà cháu là đứa nào? Còn ở làng mình không?

- Cháu từng học lớp kinh của ông bà. Giờ ở xa lắm. Ở làng không kiếm nổi miếng ăn nên đi tứ xứ chú ơi. Thôi cháu ghé nghĩa trang thắp cho ông bà nén nhang. Hôm nay cháu ghé về làng rồi đi tứ xứ biết bao giờ ghé lại.

Người gác chuông nhìn chàng thanh niên quẩy chiếc ba lô sau lưng, rồi nhìn đồng hồ để kéo chuông báo thánh lễ.

Không có ai trong làng nhận ra tiếng chuông quen hay lạ. Tiếng chuông chỉ là tiếng chuông thôi. Người trẻ kéo chuông hơi mạnh, người già kéo chuông hơi yếu. Nhưng chuông vẫn là chuông thôi: ngân vang, réo rắt trong gió khi báo tin vui và da diết, thê lương khi báo tin buồn.

Nhưng Chúa thì biết sự khác biệt của những tiếng chuông. Chúa còn biết rõ từng người gác chuông trên tất cả mọi nhà thờ khác nhau, từ thời này qua thời khác. Chúa không quên ai dù đó là công việc vô cùng thầm lặng.

Không ai nhớ, nhưng chắc chắn Chúa luôn nhớ ông Từ già và người vợ mù, người kéo chuông, người dạy kinh dùm Chúa. Chúa đã ở bên họ, quan sát họ và giúp đỡ họ theo kiểu của Người. Để rồi cuối đời, có một người đeo tang cho họ và có một chàng thanh niên không biết chữ ở lớp học kinh ngày xưa về thắp cho họ nén nhang.

Tình nghĩa chỉ có vậy nhưng ở thế giới bên kia hai vợ chồng họ cũng sẽ thấy ấm lòng.

Người gác chuông

Với cuộc đời thầm lặng

Ai nhớ? Ai quên?

 

Mã số: 15-085

GIỌT NƯỚC MẮT HẠNH PHÚC

Bố và anh vượt biên khi Sài Gòn nặc mùi thuốc súng. Mẹ chết khi vừa bước chân tới hầm trú ẩn sau vườn, một viên đạn lạc đã biến Vân Anh trở thành đứa trẻ mồ côi. Sáu tuổi không cha, không mẹ, không người thân. Vân Anh ngồi ôm xác mẹ khóc, mặc cho tiếng súng nổ bay mùi khét lẹt. Dòng máu đỏ chảy từ ngực mẹ làm ướt đẫm manh áo vá chằng vá đụp của Vân Anh. Trời đất như sầu như thảm trước cảnh tượng đứa bé khóc ngất bên cái xác của mẹ nó. Một bàn tay nhanh nhẹn ôm lấy cái hình hài bé nhỏ mang đi trong tiếng gào thét nghe muốn xé ruột xé gan. Dì sáu, một Sơ dòng Mến Thánh Giá đi ngang qua đó, nghe tiếng khóc đã chạy vội vào mang Vân Anh đi trong tiếng gầm thét của bom đạn.

Tiếng súng chấm dứt, hòa bình trở lại, cộng đoàn các Sơ nơi Vân Anh ởdi chuyển xuống dưới tận Củ Chi. Trước khi đi, Vân Anh cũng chỉ kịp theo Dì Sáu ra thắp cho mẹ được một nén nhang. Gia tài của Vân Anh chỉ là một bức hình nhỏ chụp gia đình.Bảy tuổi, theo các Sơ xuống vùng Củ Chi, cái tuổi mà bao đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc bên cha bên mẹ thì Vân Anh lại chỉ biết lủi thủi một mình.

Dì sáu mất vì bạo bệnh, Vân Anh lại chìm vào nổi đau của đứa trẻ mất mẹ lần thứ hai. Tám tuổi, cái tuổi chưa đủ sức nhớ những gì cần phải nhớ để có thể gặp lại cha và anh.

Thời gian lặng lẽ trôi trong cái ký ức đau thương của Vân Anh. Mười lăm năm trời là cả một quãng những tháng ngày hờn tủi. Đi theo các Sơ bước vào con đường Thánh Hiến phục vụ trẻ em ngèo khổ, mồ côi, cô đơn và bất hạnh giúp Vân Anh phần nào nguôi ngoai nổi đau của ký ức. Những lúc rãnh rỗi, ngồi lặng lẽ bên Thánh Thể Chúa, lật trang Kinh Thánh có kẹp tấm hình gia đình trong đó, nước mắt Vân Anh lại chảy dài.

Hai mươi ba tuổi, Vân Anh được diễm phúc tuyên khấn lần đầu. Trong ngày lễ tiên khấn gia đình người thân của các chị em sum họp đông đủ, chỉ có Vân Anh lặng lẽ trong cái nhìn xót xa của các Sơ trong cộng đoàn. Vân Anh đứng đó, cố giấu những giọt lệ chực trào ra trên khóe mắt nhưng sao khó quá, sống mũi cay xè trong nỗi buồn sâu thẳm. Nụ cười và vòng tay của Mẹ Bề Trên khiến Vân Anh cảm thấy ấm lòng hơn.

Trong lúc buồn vui lẫn lộn với tiếng cười nói nhộn nhịp của hàng trăm con người, thì một vị khách từ xa bước đến bên Vân Anh. Đây là một vị ân nhân lớn của cộng đoàn. Ông từ bên Mĩ về Việt Nam công tác, nhân tiện nhận lời mời của các Sơ tới tham dự lễ tiên khấn. Cái bắt tay chúc mừng của ông khiến Vân Anh cảm thấy rất gần gũi. Ông tự giới thiệu tên là Đại Bình. Vừa nghe hai chữ Đại Bình tim Vân Anh giật thót lại. Hình bóng người cha nhạt nhòa trong tâm trí lại vội ngập tràn trong ký ức với cái tên Đại Bình mà cô đã chôn giấu trong trí nhớ suốt mười tám năm qua.

Vân Anh ngẹn ngào:

- Ba con cũng tên là Đại Bình… Nhưng giờ con không biết ba ở đâu nữa!

Vị  khách nhìn Vân Anh với con mắt ngỡ ngàng:

- Sơ tên là gì?- Ông Đại Bình hỏi.

- Dạ, con tên là Vân Anh.

- Mẹ Sơ tên là gì?- Ông Đại Bình vội vàng hỏi.

- Dạ... Mẹ con tên là Vân Sương… Nhưng mẹ con đã mất lâu rồi.

Vừa nghe hai chữ Vân Sương, ông Đại Bình như giật bắn người, hai tai ông lùng bùng như muôn vàn tiếng súng đang nổ. Đôi tay run run, ông lấy vội cái ví trong túi quần, mắt không rời khỏi Vân Anh, dường như ông sợ cô gái trước mắt ông chạy mất. Lấy vội tấm hình trong ví ra, ông đưa cho Vân Anh:

- Sơ có nhận ra ai trong tấm hình này không?

Vừa nhìn thấy tấm hình, Vân Anh như muốn giật lấy ngay trên tay vị khách.

- Dạ thưa bác… Làm sao bác có được tấm hình này ạ?

Không kịp để cho ông Đại Bình trả lời, Vân Anh chạy vội ra khỏi bàn tiệc, lao mình về  hướng nhà nguyện nhỏ của cộng đoàn, mặc cho bao con mắt tò mò dõi theo mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Ông Đại Bình đứng ngẩn ngơ ra đó mà không nói được lời nào, linh tính mách bảo cho ông biết, điều mà suốt mười tám năm nay ông đi tìm giờ đang xảy đến với ông.Ông chưa kịp trấn tỉnh thì Vân Anh lại chạy vào, trên tay cầm thêm một bức hình khác đưa cho ông xem. Tuy hai bức hình chụp khác nhau, nhưng những thành viên trong hai tấm hình chỉ là một. Ông Đại Bình cầm hai bức hình trên tay mà không nói được lời nào, cổ họng ông nghẹn đắng, nước mắt ông chực trào ra. Không thể nhầm lẫn vào đâu được nữa, Vân Anh chính là đứa con gái bé bỏng mà ông đã khổ tâm tìm kiếm suốt mười tám năm qua mà không một chút tin tức, giờ đang đứng trước mặt ông bằng xương bằng thịt.

Đã bao lần ông về lại ngôi nhà cũ ở Sài Gòn nhưng không một chút tin tức gì về hai mẹ con Vân Anh. Không một ai ở đó biết chuyện gì đã xảy ra cho hai mẹ con, vì những người ở đó đều là người nhập cư mới tới. Ông tưởng như đã hết hy vọng trong nổi đau tận cùng. Không hiểu vì sao hôm nay, ông lại hủy cuộc hẹn với đối tác làm ăn để nhận lời mời tham dự lễ khấn của các Sơ. Ông đứng như bất động trước đứa con gái bé bỏng của ông trong tà áo của một ma sơ, mà nước mắt ông cứ chảy dài.

Vân Anh cũng đã cảm nhận được nhịp đập của dòng máu phụ tử đang chảy trong huyết quản của mình.

- Anh trai con tên là Chí Hải.- Vân Anh nghẹn ngào cất tiếng.

- Nó ở ngoài kia kìa.- Vừa nói ông Đại Bình vừa nghẹn ngào lau vội giọt nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt đứa con bé bỏng của ông.

Dòng cảm xúc tuôn tràn, mặc cho bao ánh mắt ngạc nhiên sửng sốt của mọi người chung quanh, Vân Anh khóc nức lên:

- Ba…! Ba đi đâu giờ này mới về với con…hu…hu!

- Nín đi con…giờ ba về với con đây…!

Chí Hải bước vào, thân hình cao lớn với khuôn mặt vuông giống cha, đầy vẻ ngạc nhiên trước những giọt nước mắt của Cha mình.

- Ba… Có chuyện gì thế?

- Em con đó..!- Ông Đại Bình trả lời con trai trong tiếng khóc nghẹn ngào.

Sáu con mắt nhìn nhau không nói nên lời. Họ đứng như vậy trong tiếng chúc mừng cũng như niềm xúc động của bao người chung quanh. Những giọt nước mắt nóng hổi thi nhau tuôn chảy trong niềm vui vỡ òa của Vân Anh, của ông Đại Bình và Chí Hải.

Những giọt nước mắt tủi hờn của Vân Anh chảy dài trong các giờ chầu lặng lẽ bên Thánh Thể Chúa, giờ được thay vào đó là dòng suối lệ tuôn trào niềm hạnh phúc. Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái, đã không bỏ mặc tiếng khóc than của đứa con bé bỏng. Ngài lặng lẽ xếp đặt một chương trình. Vào lúc Ngài đón nhận đứa con bé bỏng của Ngài vào trong vòng tay tình yêu muôn thưở, thì cũng là lúc Ngài đem đến cho nó cái gọi là gia đình yêu thương.

Xin chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.

 

Mã số: 15-087

TÔI, NÓ VÀ CHÚA

7 giờ ngày 29/6/2010.

Chiếc xe lăn bánh tiến thẳng lên Sài gòn để chở các bạn trẻ tham dự một cuộc thi vô cùng quan trọng quyết định cuộc đời mỗi người, trong đó có tôi và nó.

Gia đình nó- một gia đình bên lương nhưng lại sống giữa xóm đạo của chúng tôi. Đó là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thường được Cha xứ quan tâm, giúp đỡ.

Ngày thi kề cận, gia đình nó trong lúc lo ngại về việc lo cho nó mọi thứ: nào là tiền xe, chỗ ăn, chỗ ở rồi việc đi lại trong lúc thi cử… thì nhận được thông báo từ Cha xứ gửi tới: Mọi sĩ tử trong khu vực sẽ được lên thành phố bằng xe của nhà xứ, sẽ đươc sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở, chở đi thi miễn phí, không phân biệt lương giáo.Nghe biết tin này gia đình nó rất vui, ba nó liền dắt nó đến gặp Cha xứ để đăng kí. Bạn bè cùng trang lứa với nó theo đạo cũng không ít, trong đó có tôi nên nó cũng không phải sợ lạ lẫm gì.

Gói ghém đồ đạc chúng tôi tạm biệt mọi người, tạ ơn Chúa rồi cùng lên xe. Trong lúc chúng tôi dâng lời kinh tạ ơn Chúa  và xin Mẹ ban bình an đi đường, thì nó bẽn lẽn một mình một phương trời, đứng yên, dường như có chút suy tư gì đó.

Sau 5 tiếng đồng hồ thì xe chúng tôi cũng đến nơi cần đến,  một dòng chữ thật to hiện lên trước mắt: “ĐIỂM TSMT GX TÂN PHƯỚC”.

Tôi và nó chơi khá thân nên lúc nào cũng đi với nhau nhưhình với bóng. Cầm thư và giấy giới thiệu của Cha xứ trên tay chúng tôi tiến vào bên trong xin gặp Cha phụ trách ở đó.Chúng tôi cũng như các bạn khác đều được Cha và quý anh chị phụ trách ở đó tiếp đón, hướng dẫn tận tình. Tôi và nó  được sắp xếp chỗ ngủ gần nhau.

 Buổi chiều ngày hôm đó có Thánh lễ chào đón và cầu nguyện cho các sĩ tử chúng tôi. Ai ai cũng tham gia. Nó hỏi tôi: “Tham gia cái đó để làm gì? Vô đó tao phải làm gì? Tao có biết Thánh lễ với cầu nguyện là gì đâu?...”. Tôi chỉ cười và nói: “Thì mày cứ đi đi, không mất miếng thịt nào đâu, với lại lúc đó tất cả mọi người đều tham gia mà!”. Thấy nó trầm ngâm, tôi nói tiếp: “Mày không muốn đi thì cũng không ai ép nhưng tao chỉ sợ lúc đó mày bị lạc loài thôi”. Sau một lúc suy nghĩ thì nó cũng chịu đi với tôi nhưng trong miễn cưỡng.

Trước giờ nó chưa từng bước vào nhà thờ (vì nó không thích) nên lúc này mọi thứ đều lạ lẫm với nó. Tính nó hơi loi nhoi một chút  nên khi bước vào nhà thờ tôi đã nói  với nó: “Bớt nhoi chút nghen, nghiêm trang nghen!”.

Suốt trong thời gian thánh lễ được cử hành thì dường như nó sợ một điều gì đó nên nó rất biết nghe lời và làm theo tôi. Và tôi cảm thấy sung sướng vì điều đó vì trước giờ nó có chịu nghe lời ai đâu. Tôi đứng lên trước thì nó đứng lên sau, tôi quỳ thì nó quỳ, ngồi thì nó ngồi theo. Cứ như đứa trẻ bắt chước những cử chỉ của mẹ vậy.

Tạ ơn Chúa, Thánh lễ được cử hành và hoàn thành một cách sốt sắng.

Vừa về tới phòng thì nó hỏi tôi: “Lúc nãy ông Cha, bà Sơ cầm cái hũ đựng cái bánh gì đem phát, trông nó có ngon, có hấp dẫn gì đâu mà ai ai cũng hớn hở lên nhận vậy?”. Tôi: “Hả? À… Đó được gọi là bánh lễ, tượng trưng cho mình-máu Chúa Giêsu, nên đã là Kitô hữu, khi tham dự Thánh lễ thì ai cũng muốn rước bánh lễ để được Chúa ngự trong lòng mình”.

- Vậy Giêsu là ai? Có phải cái ông bị treo trên cây thập giá trong nhà thờ không?

- Đúng rồi. Giêsu- người là con một của Chúa Cha- một Đấng siêu nhiên. Giêsu, người có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người. Trước tiên người là Thiên Chúa, nhưng vì loài người đầy tội lỗi nên người đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người để cứu chuộc nhân gian. Bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria. Là Thiên Chúa nhưng Người sống một cuộc sống khó nghèo. Năm 30 tuổi thì Người bắt đầu đi rao giảng về nước Thiên Chúa. Đến năm 33 tuổi thì Người bị bọn biệt phái bắt tội và chịu án là đóng đinh trên thập giá. Ngắn gọn là thế đó.Có tình yêu nào cao hơn tình yêu của người dám chết cho người mình yêu…

- Thôi thôi… Mày nói nhiều quá, tao nhức hết cả đầu rồi, để sau đi.

- Ừ, mày đi ngủ sớm đi, mai còn lên trường nữa. tao đọc kinh xong rồi ngủ sau.

Trong lời kinh tôi cầu nguyện cho nó vì tôi nghĩ nó không biết cầu nguyyện là gì nên sẽ không cầu nguyện đâu.

Ba ngày ở trong giáo xứ, tôi đã cảm nghiệm được tình anh em bốn biển, tình yêu của Thiên Chúa  dành cho mỗi người chúng tôi.

Tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành.

Xong đợt thi thứ nhất, chúng tôi trở về nhà. Cho đến đợt thi cao đẳng thì nó thi ở quê nên tôi và nó tạm chia tay nhau.

Các cuộc thi đã đến hồi kết thúc, lúc nhận được giấy báo từ các trường gửi về, một lầnnữa, trường của tôi và nó gần nhau nên chúng tôi lại được Cha xứ gửi vào ở chung trong một lưu xá của quý Sơ cho có bạn có bè.

Suốt ba năm ở trong lưu xá, tình cảm giữa tôi và nó ngày càng khắn khít, đã thân nay lại càng thân hơn và tôi đã hiểu nó nhiều hơn. Trải qua nhiều thăng trầm thì lúc nào tôi và nó cũng bên cạnh nhau. Điều đáng vui mừng hơn là nó đã chịu theo tôi đi lễ, lí do nó đưa ra là: “Mày đi lễ, ta ở phòng một mình chán lắm”.  Và dần dần đi lễ đã trở thành thói quen của nó, mặc dù nó không có ý muốn theo đạo. Nó bảo: “Cha giảng hay mà Sơ sinh hoạt cũng thân thiện nữa. tao bị ghiền rồi mày ơi…”.

- Ừ, vậy là tốt rồi. mày cứ đi lễ là được nghe Cha giảng, sau lễ ở lại là được gặp Sơ thôi.

- Ừ nhỉ, cám ơn mày nhiều.

Tôi học cao đẳng nên chỉ mất ba năm, thời gian thấm thoát qua nhanh, tôi đã hoàn thành mọi thứ, và chuẩn bị xin việc làm ở thành phố. Tôi phải rời xa lưu xá để nhường chỗ cho các sinh viên mới vào. Chia tay lưu xá, chia tay nó trong sự luyến tiếc, tôi không muốn tí nào nhưng rồi cũng phải đi.Nó bảo sẽ ra ngoài ở với tôi nhưng tôi không đồng ý, bảo nó ở lại lưu xá sẽ tốt hơn cho nó. Không có gì phải buồn vì tôi sẽ ghé thăm nó lúc rảnh rỗi.

May mắn thay, vừa ra trường thì tôi được nhận vào làm trong một công ty. Như lời đã hứa thì tôi cũng hay ghé thăm nó, rủ nó đi lễ. Theo lời nó kể thì những lúc không có tôi nó vẫn đi lễ như lúc trước. Tôi rất vui vì điều đó.Ra đi làm tôi không còn sốt sắng đi lễ như lúc còn ở lưu xá nữa. và dưởng như nó đã thay thế tôi về khoản đó.

Một năm tưởng chừng như dài lắm, lâu lắm nhưng chớp mắt cũng trôi qua. Nó đã tốt nghiệp ra trường. tôi đi làm, lương tháng cũng không tệ nhưng tôi không tìm thấy được niềm vui thật sự. Và có cái gì đó thúc bách tôi năng đến nhà thờ hơn, đến gần với Chúa hơn. Tôi dần hiểu ra ý Chúa nhưng còn mơ hồ lắm. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình. Tôi cảm thấy không thật sự hạnh phúc với hiện tại. Tôi muốn tìm kiếm một cái gì đó ẩn nấp bên trong tôi. Và tôi đã tìm hiểu ơn gọi tu trì.

Khoảng thời gian đó tôi không gặp nó nhiều, cũng không kể cho nó nghe về suy nghĩ của tôi. Tôi liên lạc với Dì phụ trách lưu xá để nhờ Dì giúp đỡ.Cùng lúc với tôi, nó cũng bắt đầu có “dấu hiệu lạ”, nó cũng tìm đến Dì để trình bày những suy nghĩ, tâm tư của nó và nhờ Dì phân giải giúp nó hiểu rõ hơn.Tôi và nó đều tìm về một người để nhờ giúp đỡ nhưng cả hai đều không biết gì.

Một hôm Dì gọi cho tôi, gọi tôi về lưu xá gặp Dì.Ngay lập tức, tôi bỏ việc giữa chừng, đi theo tiếng gọi con tim về lưu xá gặp Dì. Vừa bước vào phòng, tôi bắt gặp nó đang ngồi nói chuyện với Dì. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao nó lại ở đây? Chuyện chỉ có tôi và Dì biết thôi mà…

Khi nó thấy tôi thì nó cũng bất ngờ. nghe nó kể lại thì lúc đó nó cũng suy nghĩ như tôi vậy. Ôi! Đúng là ý Chúa.

Tôi và nó lần lượt trình bày những sưy nghĩ khác lạ và ý muốn khác lạ của mình cho Dì và nghe Dì phân tích, hướng dẫn chúng tôi tìm ra ý Chúa và hướng chúng tôi dấn thân theo con đường tận hiếnTôi nhìn nó, nó nhìn tôi với vẻ mặt thật phấn khởi, niềm vui niềm hạnh phúc thật sự. Tôi thì sẽ không có cản trở gì về gia đình vì gia đình tôi là đạo gốc, cũng được gọi là gia đình ngoan đạo, mà nếu tôi có được ơn gọi đi tu thì gia đình tôi sẽ vui mừng hoan hỉ vì điều đó. Còn gia đình nó, một gia đình bên lương, hoàn toàn không biết gì về Chúa. Ra trường đi làm thì nó sẽ là trụ cột của gia đình, rồi họ hàng nhà nó sẽ cho rằng nó bị “điên”, sẽ không ai ủng hộ nó. Nghĩ đến đây thôi, tôi cảm thấy thương nó hơn lúc nào hết. Tôi thầm trách: “Tại Chúa cả đấy! Chúa lo mà giải quyết giúp nó đi kìa.”  Tuy nó không nói ra, nhưng vẻ mặt và ánh mắt u buồn nhìn về một hướng nào đó xa xăm của nó, thì tôi có thể đoán ra và hiểu được phần nào.

Sau một tuần sống trong sự thinh lặng, chỉ có tôi, nó và Chúa thì tôi và nó đã cảm nghiệm được ơn gọi mà Chúa đã trao ban.Một lần nữa gói ghém đồ đạc, tạm rời xa nhà Dòng, tôi và nó về quê  để trình bày ước nguyện với gia đình, với Cha xứ.Tôi rất vui vì được gia đình ủng hộ, lúc này tôi cũng không khỏi lo lắng cho nó. Nhưng lạ lùng thay, gia đình nó không hề ngăn cản mà còn ủng hộ cho ước nguyện của nó hết mình nữa. Chắc có lẽ họ đã ngộ ra được điều gì đó chăng? Tôi và nó, cả hai đầu bất ngờ và không hiểu được tại sao mọi sự lại dễ dàng như thế?

Đó đúng là mầu nhiệm Chúa trao ban. Và tôi tin như vậy.

Cả gia đình nó đều quyết định gia nhập vào Công giáo. Niềm vui của tôi và nó được nhân lên gấp bội khi nó và gia đình chính thức được gọi là Kitô hữu.

-Chúa như thế thì con mới dám yêu Chúa chứ!

Tôi và nó, trong niềm hạnh phúc vô biên, đến nhà thờ để ca lời tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa. Thoang thoảng đâu đó trong nhà xứ vang lên câu hát: “ Bỗng một ngày Chúa gọi mời nghe xôn xao tim mình, bỗng một ngày tiếng thì thầm như thức tỉnh tâm linh, Chúa ơi! Con đã bị Ngài chinh phục rồi…”.

Quả thật tôi và nó đã bị người tình Giêsu chinh phục rồi! Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác nơi Ngài!

 

Mã số: 15-088

TRÁI TIM NỞ HOA

1.

- Má phải ráng ăn chút gì vô! Con biết má buồn và nhớ anh Hai nhưng nếu anh Hai thấy má như vậy, anh Hai có vui được không? - Đứa em an ủi mẹ.

Người mẹ từ từ bưng chén cơm lên, bà nhìn những bông hoa tím biếc được nâng niu cắm vào chiếc bình thủy tinh, nước mắt chực trào…

-------------------------------------------------------------

Chỉ còn vài tháng nữa là thi đại học, nó dồn hết tâm trí ôn tập, góc phòng của nó lúc nào cũng ngổn ngang sách vở. Nó học từ 4 giờ sáng đến 12 giờ khuya. Má lo cho nó, nó chỉ cười hè hè:

- Thi học kỳ xong con phải thi tốt nghiệp, giữa tháng 7 còn thi đại học nữa, bây giờ không ôn sợ không kịp, má đừng lo.

Nghe nó nói, má chỉ biết thở dài, đặt ly sữa lên bàn rồi đi xuống bếp. Nó cứ lao đầu vào học, học và lại học. Có lẽ do học hành quá nên mấy ngày nay nó hay bị đau đầu, nó nghĩ chắc là do nó thức khuya nên không bận tâm mấy. Thế nhưng những cơn đau đầu càng ngày càng nhiều và kéo dài hơn, nhiều lần nó còn bị chóng mặt rồi té ngã. Tất cả những việc đó nó đều giấu ba má, nó sợ ba má lo lắng. Cho đến một hôm, khi vừa với tay lấy cuốn sách trên kệ thì mắt mũi nó tối sầm, đầu nó choáng váng như bị ai đánh, nó chỉ kịp “Á” lên một tiếng rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy, ba má đã ở bên, dù rất đau nhưng nó vẫn gượng cười:

- Con …không…sao, chắc tại…con thiếu ngủ.

Nhìn đôi chân mày nhíu lại của ba và vẻ mặt lo lắng của má, nó biết nó không thể giấu ba má được nữa. Sáng hôm sau, ba đưa nó đi khám, sau một hồi chụp phim, đo điện não và làm các xét nghiệm linh tinh, cuối cùng cũng có kết quả. Lúc nhận được kết quả, khuôn mặt ba cứng đờ nhưng vẫn cố gượng cười trấn an nó, ba bảo nó ngồi đợi ba, ba đi gặp bác sĩ có việc. Lát sau, ba quay lại, khuôn mặt lộ rõ vẻ bất an:

- Chưa có kết quả chính xác. Bác sĩ nói ở đây trang thiết bị còn thiếu, mai ba đưa con lên bệnh viện tỉnh kiểm tra lại.

Nó biết ba đang giấu nó điều gì đó nhưng nó không tài nào đoán nổi. Đêm nay, cả nhà không ai ngủ được. Ba đưa võng đều đều, tiếng cót két, nghe não nề cả đêm. Má trăn trở, bất an, thở dài thườn thượt. Còn nó cứ lơ mơ suy đoán bệnh tình của mình.

Hôm sau, tại bệnh viện tỉnh, ba không thể giấu nó được nữa, nó đã chết lặng vài giây khi lén nghe được sự thật: Nó bị u não, khối u ngày càng lớn và chèn ép các dây thần kinh xung quanh, đây là nguyên nhân của những triệu chứng bất thường. Cách duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ nhưng vì khối u quá lớn nên tỉ lệ thành công chưa tới 20%, chưa kể sẽ có di chứng…Bác sĩ bảo cần phải phẩu thuật càng sớm càng tốt, nếu không thì…

Tai nó ù đi. Nó lặng người, đờ đẫn dựa vào tường. Khuôn mặt nó tái mét, rồi nó nghĩ tới số tiền gần tám trăm triệu chi phí cho ca phẫu thuật. Nó rùng mình ớn lạnh.

2.

Ngay hôm đó, nó nhập viện. Nằm trong bệnh viện, nó tua lại cuốn phim đời mình: Nó, một đứa con trai mười tám đầy mơ ước, hoài bão. Cách đây vài ngày nó còn đang nỗ lực mở cánh cửa tương lai. Còn bây giờ, nó đang lật ngửa những quân bài sinh tử để đánh cược với Thần Chết. Tỉ lệ sống 20% là cái gì đó quá mơ hồ. Tám trăm triệu? Gia đình nó chắt chiu mấy chục năm mới đủ? Cho dù phẫu thuật thành công thì đã sao? Di chứng? Câm, điếc hay trở thành người thực vật? Rồi nó sẽ giúp được gì cho ba má hay lại trở thành gánh nặng của gia đình. Sao cuộc đời tàn nhẫn quá, cứ muốn dồn nó vào đường cùng? Chúa ở đâu, sao Chúa  không giúp nó? À đúng rồi, sao nó không kêu cầu Chúa, nó là người Công giáo mà. Nghĩ về Chúa, một hi vọng lóe lên.

 Hôm sau, nó nhờ ba đem vào vài cuốn sách, nó phải học, nó sắp khỏi bệnh rồi, nó tin Thiên Chúa không bỏ rơi nó, nó tin phép lạ sẽ xảy ra. Nhưng liệu có phép lạ nào không? Phép lạ chỉ xảy ra với người mạnh tin, còn nó… Bao lâu nay, nó chỉ lao đầu vào học, học và lại học…Những lúc như vậy nó bỏ Chúa ở đâu? Ở nhà thờ chăng? Lâu rồi nó chưa đến nhà thờ. Trong lời cầu nguyện chăng? Bao lâu rồi nó chưa cầu nguyện? Khi nguy nan, người ta chạy đến Chúa, lúc bình yên, họ đè Chúa dưới những nhu cầu đời thường. Nó giật mình nhận ra, bao lâu nay nó đã đối xử với Chúa như vậy. Nó cố nhổm dậy, dựa lưng vào tường, bất cẩn cuốn Cựu ước kế bên rơi xuống, rồi mở ra. Nó nhặt lên, câu Thánh vịnh 126 đập vào mắt nó:

“Ví như Chúa chẳng xây nhà,

Thợ nề vất vả cũng là uổng công”

Nó dại đi, có phải Chúa đang phạt nó vì bấy lâu nay nó chỉ lo học mà quên Chúa? Uổng công…Uổng công…Hai từ ấy cứ ám ảnh nó. Bây giờ nó phải cầu nguyện, cầu nguyện để chuộc lỗi với Chúa…và để xin một phép lạ chữa lành. Nó chắp tay…Nó cầu nguyện…

Mới mà đã một tuần trôi qua, hằng ngày ba má thay phiên nhau chăm sóc nó, má hay nấu những món nó thích để cho nó vui. Tay nó run run cầm thìa, nó ăn, dù lưỡi không nếm được gì nhưng nó vẫn khen ngon. Đôi mắt má đỏ hoe, nước mắt lưng tròng mà không dám để chảy xuống. Còn ba, ban ngày phải chạy vạy tiền bạc, ban đêm lại thức trắng chăm sóc nó. Cái bóng người gầy gò ngoài hành lang, sao khắc khoải quá! Những lúc như vậy, nó thấy thương ba má vô cùng, nó không muốn sống nữa, nó muốn chết để dành tiền lo cho đứa em ngây thơ còn đang tuổi ăn học. Nhưng lòng thương yêu của ba má thấu suốt những gì nó nghĩ, má nắm lấy bàn tay nó, nghẹn ngào:

- Dù có chuyện gì, ba má cũng sẽ chữa cho con.

Má khóc. Nó cũng khóc.

Thời gian vùn vụt trôi, càng ngày nó càng yếu hơn, những ống dây cắm dày người nó, liều thuốc giảm đau tăng thêm. Người ta thấy rõ khuôn mặt nó gầy rạc đi, nước da tái xanh như tàu lá chuối. Tới bữa, má kiên trì đút cho nó từng thìa cháo nhỏ, nó nuốt từng thìa cháo như nuốt nước mắt vào lòng. Tuy rất yếu nhưng nó vẫn luôn đọc sách, nó không cho phép mình tuyệt vọng, nó tin Chúa sẽ chữa lành cho nó như chữa lành ông Gióp. Chúa là Đấng toàn năng mà.

3.

Vậy là ngày nào nó cũng nghĩ về phép lạ nhưng phép lạ chưa xuất hiện thì hung tin đã tới. Một hôm, tình cờ nó nghe tin đứa bạn thân nhập viện, trùng hợp là chung bệnh viện với nó. Nó nhờ ba đẩy sang phòng đứa bạn. Thấy nó, hắn bắt chuyện trước:

- Ê mầy, đi nghỉ mát mà không rủ tao mầy?

- Khùng hả mầy! Mầy bị sao mà vào đây? – Nó tỏ vẻ bình thường.

- Bị gì đâu, nghe tin mầy bệnh nên vô thăm.

- Thôi đi mầy, mầy đâu có tốt lành cỡ đó!

- Tao bị bệnh tim. Nặng lắm. – Hắn có vẻ thành thật.

- Chừng nào mầy chết? – Nó hỏi.

- Nay y học tiến bộ, bác sĩ bảo thay tim, chứ trước đây chắc chết thiệt!

- Khi nào mầy thay tim?

- Ai hiến tim mà thay? Thông minh, đẹp trai như tao mà chết sớm uổng. – Thằng bạn láu cá.

Tính thằng đó là vậy, luôn thích chọc phá mọi người, chơi lâu với hắn, nó cũng bị nhiễm theo, nó nói:

- Tưởng gì! Dễ ẹt. Tao là Tôn Ngộ Không, mầy muốn mấy trái, tao cho?

- Vậy cho tao xin hai trái, để dành mai mốt xài luôn. Hahaha…

Thằng bạn bật cười làm nó cười theo. Thằng đó lúc nào cũng lạc quan, có lần nó hỏi tại sao hắn luôn lạc quan như vậy, hắn đáp: “Đằng nào cũng chết, vậy tại sao không vui vẻ mà chết?”. Nó chợt hiểu ra, cuộc sống luôn có nhiều lựa chọn, lạc quan hay bi quan là do cách người ta lựa chọn. Thằng bạn nó đã lựa chọn tiếng cười. Còn nó, nó lựa chọn điều gì? Một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu nó.

4.

Cái ý nghĩ táo bạo ấy nhanh chóng bị dìm xuống bởi những cơn đau buốt óc. Các giác quan không còn nghe theo sự điều khiển của nó, nhiều lúc nó đau đớn ngất đi. Lúc đó nó nghe tiếng gọi. Nó tưởng  mình đã chết và Chúa Giêsu đang gọi mình, cho đến khi nghe tiếng má nức nở nó mới biết mình vẫn còn sống. Nó vừa tỉnh dậy thì bác sĩ vừa đến, sau khi kiểm tra tình trạng của nó, bác sĩ gọi ba má ra ngoài. Lúc ba má vào, nó thấy mặt má bần thần còn ba thì cố tình tránh mặt nó. Nó đoán, có thể lần sau nó sẽ không tỉnh lại nữa. Nó run sợ, cái ý nghĩ táo bạo lại lóe lên làm nó mất ngủ thêm một đêm nữa.  Hôm sau, lấy hết cảm đảm,  nó chủ động nói chuyện với ba má:

- Con muốn hiến tim.

Ba dứt khoát:

- Không được!

Nó biết tính ba, một khi ba đã quyết thì không có cách nào thay đổi, chính vì vậy nó quay sang thuyết phục má. Ấy vậy mà má cũng dứt khoát như ba:

- Không được!

- Đằng nào con cũng chết, nhưng nếu hiến tim con sẽ cứu được một người!

- Sống hay chết là quyền của Thiên Chúa. – Ba đáp gọn.

- Con biết gia đình mình khó khăn, hơn nữa chưa chắc phẫu thuật đã thành công. Xin ba má hãy cho con làm điều này trước khi về với Chúa! –Nó nài nỉ.

- Con không thể về với Chúa. – Ba nói chậm rãi từng tiếng. – Thân thể là đền thờ Chúa Thánh Thần và sống hay chết là quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, không ai được tự  ý quyết định. Đó là tội trọng.

- Thế  tại sao Thiên Chúa lại bắt con đau đớn thế này? –Nó nấc mạnh.

Má lại khóc.

- Đó là thập giá của con, con không được nghĩ đến cái chết nữa. –Ba kiên quyết.

- Nhưng mà…

- Nghe lời ba đi con! – Má ngậm ngùi…

Nhìn vào đôi mắt đỏ hoe, thâm quầng sau nhiều đêm thức trắng của má, nó nghẹn lời…

Vài ngày sau, nó lại nhờ ba đưa đi thăm thằng bạn. Vừa thấy nó, thằng bạn reo lên:

- Có người hiến tim cho tao rồi! – Đôi mắt lờ đờ vì bệnh tim của hắn ánh lên những tia hi vọng.

- Mầy may mắn đó. Mà ai hiến?

- Nghe ba má tao nói là một người bị tai nạn, chắc không qua khỏi nên gia đình họ quyết định hiến tim để giúp đỡ  những người như tao. Mà cũng may mắn thật, tim người đó hợp với tao, cùng tuổi, cùng giới tính và cùng nhóm máu nữa! – Thằng bạn hớn hở kể.

- Chừng nào mầy mổ?

- Cũng chưa biết, bác sĩ bảo tao cứ chuẩn bị tinh thần, khi nào ân nhân ấy về Thiên Đàng thì…Mà người tốt như vậy sẽ được lên Thiên Đàng phải không mầy? Mầy theo đạo Công giáo mà!

- Có lẽ vậy…

- Khi nào ra viện tao dẫn mầy đi ăn kem. Tao khao. – Đứa bạn cười hớn hở.

- Nhớ đấy, thiếu tiền tao không trả giùm đâu. - Nó cũng cười.

Sáng hôm sau, nó nhờ ba mời một vị linh mục đến cho nó xưng tội, nó thành tâm xưng thú tất cả tội lỗi, ngay cả việc nó đã từng muốn chết. Xưng tội xong, nó cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, thanh thản đến lạ kỳ. Từ hôm nay, nó phải luôn sẵn sàng. Chút thời gian ít ỏi còn lại, nó cố gắng ngắm nhìn cuộc sống xung quanh và khắc sâu khuôn mặt ba má vào tim. Rồi nó mường tượng ra khuôn mặt nhân ái của Thiên Chúa vì nó biết hình ảnh Thiên Chúa hiện diện trong mọi người.

5.

Thời gian vùn vụt trôi…

Những buổi sáng như những buổi sáng khác…

Những ngày như những ngày khác…

Cuốn Tin mừng luôn mở ở câu: “Hãy vác thập giá của mình theo Ta”.

Hai số phận nằm trên hai chiếc giường như những chiếc giường khác…

Một buổi sáng như những buổi sáng khác…

Một ngày như những ngày khác…

Cuốn Tin mừng luôn mở ở câu: “Hãy vác thập giá của mình Theo ta”.

Hai số phận nằm trên hai chiếc giường như những chiếc giường khác…

Chỉ có điều, hôm nay điểm đến của hai chiếc giường không giống nhau: Một chiếc được chuyển sang phòng hồi sức sau phẫu thuật.

Chiếc-còn-lại-có-phủ-một-tấm-khăn-trắng…

Và-được-đưa-xuống-nhà-xác…

Lúc thu dọn đồ đạc để đưa xác nó về, ba má tìm thấy một lá thư:

“Kính gửi ba má!

Con bất hiếu chưa đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ba má, đã vội đi xa. Con cảm ơn ba má suốt đời tần tảo nuôi con. Dù chưa một lần nói ra nhưng sâu trong tim con, con luôn yêu thương ba má. Vô cùng…

Ba à! Ba là trụ cột của gia đình, là người mạnh mẽ nhất, nhưng con biết bây giờ đôi mắt ba đã đỏ hoe rồi…Trong bệnh viện, nhiều lần con thấy ba tránh mặt con, con biết đó là lúc ba khóc. Nếu được sống, con luôn muốn trở thành một người đàn ông như ba…

Má ơi má! Con đi rồi, má nhớ phải cẩn thận, đừng làm việc quá sức mà bệnh đó má. Má đừng khóc nữa nhen má… đôi mắt má sưng lên rồi kìa…Con biết má đang nhớ con nhưng  má ơi, đừng buồn! Con chỉ về với Chúa thôi mà. Thiên Chúa sẽ yêu thương con như ba má yêu thương con. Trái tim của con vẫn còn đập, nghĩa là con vẫn còn sống. Trên Thiên Đàng con sẽ luôn dõi theo ba má. Con yêu ba má nhiều lắm.

“Em nè, cố gắng học hành nghen em, dừng ham chơi khiến ba má buồn. Hai xin lỗi vì mỗi ngày sinh nhật hay bổn mạng em Hai không thể mua quà cho em như anh của những đứa khác. Hai biết em không trách gì Hai nhưng Hai áy náy lắm. Đôi lúc Hai còn nghiêm khắc với em, chắc em ghét Hai lắm nhưng vì muốn em nên người, Hai vẫn phải làm. Ba má làm việc quần quật nuôi anh em mình nên ít quan tâm đến em, phận làm anh, Hai phải thay ba má chăm sóc em, thế nhưng nhiều khi Hai cũng quên mất. Hai xin lỗi….Em nè, Hai nhờ em một việc được không? Em báo hiếu ba má giúp Hai. Thương em nhiều lắm, thằng em khờ dại của Hai.”

Lúc xếp hành lý trước khi ra viện, thằng bạn nó phát hiện ra một mảnh giấy nhỏ trong cuốn sổ tay:

“Ê mầy, tao giữ đúng lời hứa rồi nhen nhưng tao chỉ có một trái tim, mầy ráng giữ mà xài, nhớ “bảo trì” theo định kỳ chứ không nó “hư”. À quên, mầy còn nợ tao một chầu kem nghe chưa?” - Thằng bạn sững sờ trước những gì đọc được.

Và trong những cuốn sách nó hay đọc khi nằm ở bệnh viện, người ta còn tìm thấy một ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh được kẹp trong quyển Youcat trang 286, câu 391, nói về việc hiến tặng cơ quan, trong đó có vài dấu gạch nổi những cụm từ: “phục vụ chính đáng”, “cách tự do và sáng suốt”, “người hiến tặng đã chết”… Dưới đó còn có những dòng chữ nguệch ngoạc:

“Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không bao giờ từ bỏ thập giá của mình nhưng đến khi Chúa nhấc thập giá khỏi vai con, xin Chúa hãy làm cho trái tim con nở hoa, nhen Chúa!”.

Và ngoài kia, dưới bầu trời xám xịt, một khoảng trời trong xanh vừa mới ló ra, những tia nắng vàng ươm nhẹ nhàng chiếu xuống mảnh vườn nhỏ nơi có loài hoa tím mà có một người khi còn sống rất thích, cạnh khóm hoa vừa chết, những mầm non xanh biếc đã nhú lên.


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     TRUYỀN GIÁO : DỄ HAY KHÓ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     HƯỚNG DẪN VÀI THỰC HÀNH CỤ THỂ ĐỂ ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN
     VÀI THỰC HÀNH TRUYỀN GIÁO TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO XỨ
     CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Đọc và chia sẻ Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Số 14: Vùng trời của cái đẹp. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 13: XUÂN MỚI, MÙA XUÂN CỦA CHỨNG NHÂN. MM Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: Năm mới, Đường mang tin vui mới. Mm Tân, S.J. chia sẻ
     Đọc và chia sẻ: TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – SỐ 10. MM Tân S.J. chia sẻ