Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

KITÔ HỮU LOAN BÁO TIN MỪNG

Kính thưa Quí Cha, Quí Tu Sĩ và anh chị em Tín Hữu thân mến!

            Trước hết, trong tình yêu của Chúa Kitô Loan Báo Tin Vui và trong tình mẫu tử của Mẹ Maria, người được Thiên Chúa sai đi, chúng ta xin chào nhau bằng một tràng pháo tay thật to.

            Kính thưa Quí Vị! Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 4 tháng 9 năm 2015 vừa qua, Đại Hội Loan Báo Tin Mừng toàn quốc lần thứ 3 của Giáo Hội VN  đã diễn ra tại tòa Tổng Giám Mục giáo phận Huế đã qui tụ 4 Giám Mục, 78 linh mục, 73 tu sĩ, và 70 giáo dân để cùng nhau, cầu nguyện, suy nghĩ và tìm cách để Thánh Thần thúc đẩy mọi người dấn thân vào công việc duy nhất mà Chúa đã yêu cầu các môn đệ trước khi về trời đó là: “Anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

            Trong phần khai mạc Đại Hội này, Đức Cha AnphongSô, Chủ Tịch UBLBTM trực thuộc HĐGMVN đã nhấn mạnh rằng: “Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ, nhưng cách đặc biệt cho mọi tín hữu”. Như vậy sứ vụ này không dành riêng cho bất cứ một ai, nhưng cho tất cả những ai mang danh là “Môn đệ của Đức Ki tô”. Để có một xác tín thật vững chắc về sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của người Tín Hữu, chúng ta cùng nhau xem lại Giáo Hội đã dậy chúng ta điều gì?

            I. QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN.

            Thật vậy, được soi dẫn bởi Lời Chúa nên trong suốt lịch sử của Hội Thánh, bằng nhiều thẩm quyền khác nhau Giáo Hội đã ra những chỉ dẫn cụ thể cho người giáo dân trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Chúng tôi xin trích dẫn một số những chỉ dẫn của Giáo Hội như sau:

Thánh Công Ðồng chung Vaticano khóa họp vào ngày 18 tháng 11 năm 1965 muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa1, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác 2. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11, 19-21; 18, 26; Rm 16, 1-16; Ph 4, 3).

Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.” (Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân số 1)

   Trong khi đó tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu (In Ecclesia in Asia) Giáo Hội cũng đả minh định rõ vai trò của Người Giáo Dân trong việc Loan Báo Tin Mừng như sau:

Do ân sủng và ơn gọi do bí tích Rửa Tội và Thêm sức, tất cả giáo dân là thừa sai; và sân khấu hoạt động tông đồ của họ là thế giới mênh mông và phức tạp, gồm có chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật và thể thao. Trong nhiều nước tại Á Châu, người giáo dân đã phục vụ như những nhà truyền giáo thực thụ, tiếp xúc những người bạn Á Châu, những người có lẽ chưa bao giờ gặp được hàng giáo sĩ và tu sĩ (220). Tôi thay mặt toàn thể Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn với họ, và tôi khuyến khích tất cả những người giáo dân nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, như là những chứng nhân cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào họ hiện diện.

Bổn phận của các vị Chủ Chăn là bảo đảm cho người giáo dân được huấn luyện thành người rao giảng Tin Mừng, có khả năng đương đầu với các thách thức của thế giới ngày nay, không phải với sự khôn ngoan và hiệu năng thế gian, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được vững mạnh bằng chân lý Đức Kitô (221). Đức Thánh Cha nói tiếp: “tôi hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng mà đề nghị thiết lập, ở cấp giáo phận hay quốc gia, những trung tâm huấn luyện người giáo dân, để chuẩn bị người giáo dân thi hành công tác truyền giáo của họ như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Á Châu ngày nay (222).

Còn Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiadi) thì số 70 đã viết:

Chính vì giáo dân, với ơn gọi riêng trong việc sống giữa lòng thế giới và đảm nhận những công tác trần gian khác nhau nhất, mà họ phải thực hiện một hình thức đặc biệt trong việc truyền bá phúc âm hoá.  

Công việc trọng yếu và trực tiếp nhất của họ không phải là thiết lập và phát triển cộng đồng Giáo hội - đây là vai trò riêng của các vị mục tử - mà là sử dụng mọi năng lực Kitô hữu và năng lực phúc âm được tiềm ẩn song đã hiện diện và chủ động nơi các sinh hoạt trần thế. Lãnh vực của hoạt động truyền bá phúc âm hoá riêng của họ là một thế giới rộng lớn và phức tạp về chính trị, xã hội và kinh tế, thế nhưng cũng là một thế giới về văn hoá, về khoa học và nghệ thuật, về sinh hoạt quốc tế, về truyền thông xã hội. Lãnh vực của họ cũng bao gồm cả những thực tại khác hướng đến việc truyền bá phúc âm hoá, như tình yêu nhân bản, gia đình, giáo dục con cái và vị thành niên, việc làm nghề nghiệp, chịu đựng khổ đau.

Gần đây nhất thì Hai Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã chỉ rõ cho chúng ta thấy vai trò người giáo dân quan trọng như thế nào?

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trong Tông Huấn Verbum Domini đã xác định rằng: “Giáo dân có trách nhiệm loan báo Tin Mừng”. Ngài viết:Vì toàn Dân Thiên Chúa là một dân tộc “được sai đi”, Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định rằng “sứ mạng loan báo Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa của họ[1]. Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ chỗ ta thuộc về Thân Thể Chúa Kitô theo cách bí tích. Ý thức này phải được thức tỉnh trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào Giáo Hội. Vậy, Giáo Hội như là Mầu nhiệm hiệp thông hoàn toàn có tính truyền giáo, và mỗi người, tùy theo bậc sống, đều được kêu gọi góp phần rõ ràng vào việc loan báo Chúa Kitô….

Giáo dân được kêu gọi thực thi nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ trực tiếp phát xuất từ phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, tại bất cứ nơi nào họ sinh sống[2]”. (Tông Huấn Lời Chúa số 94).

Mới nhất  trong Tông Huấn NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG của Đức Thánh Cha Phanxicô, số 102: Ngài cũng đã dậy chúng ta về Căn tính và Sứ mạng của Giáo dân như sau:

“Nói cách đơn giản, giáo dân là đa số rộng lớn của dân Thiên Chúa. Để phục vụ của họ, có một thiểu số: các các thừa tác viên có chức thánh. Ý thức về căn tính và sứ vụ của giáo dân trong Hội Thánh đang lớn dần. Chúng ta trông cậy vào một số giáo dân, mặc dù vẫn chưa đủ, với một ý thức sâu xa về cộng đồng và một lòng trung thành lớn lao với sự dấn thân trong các việc bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin. Nhưng ý thức về trách nhiệm của giáo dân phát sinh từ Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức không tỏ lộ cùng một cách với mọi người. Trong một số trường hợp vì họ không được đào tạo để đảm nhận trách nhiệm quan trọng, trong những trường hợp khác vì họ không tìm thấy chỗ đứng trong Hội Thánh địa phương để có thể lên tiếng và hoạt động, vì chế độ giáo sĩ trị quá mức, là điều gạt họ ra ngoài lề trong việc đi đến những quyết định. Ngoài ra, ngay cả khi có một sự tham gia của nhiều thừa tác viên giáo dân, việc dấn thân này không được phản ảnh trong sự thấm nhập các giá trị Kitô giáo vào thế giới xã hội, chính trị và kinh tế. Sự tham gia này thường bị giới hạn trong những công tác nội bộ của Hội Thánh mà không có một sự dấn thân thực sự trong việc áp dụng Tin Mừng vào việc biến đổi xã hội. Việc đào luyện giáo dân và rao giảng Tin Mừng của các loại chuyên nghiệp và trí thức là một thách đố mục vụ quan trọng.

Tại Giáo Hội Việt Nam, trong Đại Năm Thánh 2010 để mừng kỷ niệm 350 năm Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt và Mừng kỷ niệm 50 năm Thành Lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, UBLBTM trực thuộc HĐGMVN đã tổ chức Đại Hội Truyền Giáo lần thứ II tại VN, Trong dịp này Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn  đã gởi tới Đại Hội những nhận định như sau: “Qua Đại Hội này, hy vọng  vai trò của người Kitô hữu giáo dân sẽ được lưu ý nhiều hơn  trong sứ vụ Truyền Giáo tại Việt Nam như lời Công Đồng Vaticanô II: “Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt cuả một dân tộc nếu không có sự linh họat của giáo dân” (AG số 21). Còn Đức Cha Michael  Hoàng Đức Oanh là Chủ Tịch UBLBTM trực thuộc HĐGMVN lúc  đó trong phần khai mạc Đại Hội cũng đã tuyên bố chủ đề của Đại Hội lần thứ II này như sau: “KITÔ HỮU với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động của Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng” (AG 41). Đây cũng là nhiệm vụ và vinh dự của tất cả những ai đã cúi đầu nhận dòng nước Thanh Tẩy. Tất cả đều được sai đi Loan Báo Tin Mừng cho mọi người khắp mọi nơi theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu và theo dấu chân của các cha anh với những chỉ dậy rất rõ ràng và thiết thực “Bởi vì ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (AA.2)

            Từ những chỉ dẫn trên, giờ đây chúng ta dành ít thời giờ để lược duyệt qua về công việc Loan Báo Tin Mừng dành cho người giáo dân trong môi trường hiện nay ra sao?

II . THỰC TRẠNG CÔNG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG HIỆN NAY

            Theo bản thống kê Catholic Almalec thì tỉ lệ người Công Giáo toàncầu như sau: Năm 2014, tổng dân số toàn cầu là 6.933.310.000 người trong khi đó người Công Giáo chỉ chiếm 1.039.476.000 người chiếm tỉ lệ 18,6%. Tại Á Châu thì tỉ lệ này còn kém hơn nữa. Dân số Á Châu là 4.202.786.000 người trong khi đó dân Công Giáo chỉ có 132.238.000 người chiếm tỉ lệ có 3,1%. Đối với ngưới Công Giáo VN cũng chẳng khấm khá gì. Những con số cụ thể cho thấy từ năm 1960 đến năm 2008 tỉ lệ dân Công Giáo không tăng lên đuọc 1% vì năm 1960 dân Việt Nam là 30 172 000 mà dân Công Giáo là 2.094.000 Tỉ lệ là 6,93% Đến năm 2009 dân số VN là 85.846.977 người. Trong khi đó dân Công Giáo là 6.281.151 người tỉ lệ là 7%. Đến năm 2014 thì tỉ lệ dân Công Giáo và dân chúng vẫn là khoảng 7%.

            Tóm lại, trong suốt nhiều năm qua công cuộc Loan Báo Tin Mừng tại VN dường như không tiến bộ trong khi đó sự truyền đạo tại nhiều Giáo Hội bạn đã có nhiều tiến bộ chẳng hạn tại Giáo Hội Đại Hàn thì trong hơn 50 năm qua họ đã tăng tỉ lệ người Công Giáo từ 1% lên 14%. Chỉ trong năm 2014 vừa qua, số tân tòng của Giáo Hội Đại Hàn  đã tăng lên tới hơn 132.000 người. Giáo Hội Tin Lành của VN cũng vậy theo thống kê của nhà Nước cho thấy là từ ngày Giải Phóng đến nay anh em Tin Lành đã tăng gấp 7 lần so với số trước. Đó là về lượng, còn về phẩm của các tân tòng của chúng ta thì sao?

            Phải thành thật thừa nhận rằng: Số tân tòng hiện tại chúng ta có cũng không hoàn toàn như lòng chúng ta muốn. Đa số các tân tòng của chúng ta ta đều trở lại đạo vì lấy vợ, lấy chồng. Tôi đưa ra một ví dụ điển hình như tại giáo phận Xuân Lộc chẳng hạn: Năm 2015 vừa qua đã có 4427 nguòi trở lại đạo thì đã có 3468 người trở lại với lý do kết hôn. Như vậy chỉ có 760 người trở lại đạo vì những lý do khác. Nhưng rồi một câu hỏi khác lại được đặt ra là: Có bao nhiêu tân tòng sống niềm tin mà mình đã chọn lựa? Câu trả lời của những anh em chuyên lo công việc Loan Báo Tin Mừng là: số lượng mất đi trên 50%, thậm chí còn tới 60%.

            Bên đó một sự kiện đau lòng khác là hiện nay đã có những tín hữu bắt đầu rời xa Giáo Hội. Có những người đã cải đạo theo anh em Tin Lành, hay một thứ đạo được cải biến từ Giáo Hội Công Giáo ví dụ như đạo Về Nguồn, hay có những người mang danh là Công Giáo nhưng thực tế không còn sống đạo đang bắt đầu xảy ra trên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

            III. NGUYÊN NHÂN NÀO ĐƯA ĐẾN TÌNH TRẠNG NÀY?

            Chắc chắn có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng chúng ta có thể tạm đưa ra một số nguyên nhân chính như sau:

            1. Lối sống đạo xóm làng: Đây là một lối sống đạo có lẽ rất tốt cho việc giữ đạo vì các tín hữu giúp nhau giữ và sống Đức Tin. Họ cùng nhau chống lại những khuynh hướng tha hóa tôn giáo mình và cùng nhau củng cố đời sống đạo. Tuy nhiên lối sống đạo này không tiếp xúc được với anh em lương dân; Vô tình mình tách rời khỏi xã hội mình đang sống và không giời thiệu được Chúa Kitô cho anh em mình qua cuộc sống hằng ngày và lối sống này đi ngược với lối sống của các Vị Thừa Sai Tiền Bối của chúng ta. Các Ngài đã nay đây mai đó lăn xả để Loan Báo Tin Mừng. Lối sống mà Đức Thánh Cha Phanxico đã dậy: Hãy mở cửa ra đi về phía trước. Mở cửa không phải chỉ để nhìn ngắm nhân loại, nhưng phải là đi đến với nhân loại. Lối sống mà thư chung của HĐGMVN năm 1980 đã kêu gọi đó là đồng hành với dân tộc. Chính lối sống này mới hy vọng giới thiệu Chúa cho mọi người

            2. Lối sống đạo thiếu Thần Khí: Trong Đại Hội Loan Báo Tin Mừng lần III tại TGP Huế vừa qua, có rất nhiều đại biểu nhận định rằng: “Ngày nay đứng trước vấn đề Loan Báo Tin Vui có một thái độ rất đáng sợ đó là sự Im lặng”. Ai cũng nói đến việc phải Thi Hành Lệnh của Chúa. Nhưng khi nói đến việc phải  làm gì? thì ai cũng yên lặng. Thật vậy, từ giáo sĩ tới tu sĩ và giáo dân khi được hỏi là phải làm gì để thi hành lệnh quan trọng nhất của Chúa là “truyền giáo” thì xem ra mọi người đều ngơ ngác và thậm chí còn trả lời là không biết làm gì. Không có quyết tâm, không nhiệt thành, không có kế hoạch, không có ước mơ và kể cả không dám nghĩ tới thì làm gì mà có tân tòng. Con người nhiệt tâm với việc truyền giáo thì ít, mà người thờ ơ hay dửng dưng thì nhiều. Như vậy thì làm sao việc Truyền Giáo có được kết quả. Cách đây chừng 2 tuần, tôi có dịp thuyết trình với gần 400 linh mục về vấn đề Truyền Giáo và tôi có đề xuất là nhân dịp Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót xin mỗi xứ đạo quyết tâm đưa một gia đình lương dân về với Giáo Hội. Đức Ông Tú hỏi ý kiến các cha. Bầu không khí của hội trường yên lặng như tờ. Riêng tôi lòng cảm thấy quặn đau vì tôi trộm nghĩ: Các chủ chăn mà còn yên lặng như vậy thì công việc đó là của ai đây? Nhiệt huyết tông đồ không có, thì Chúa cũng đành bó tay.

            3. Lối sống đạo thiếu động viên: Ở đời có một sự thật rất phũ phàng đó là đã không làm thì thường cũng không muốn cho người khác làm. Công việc Loan Báo Tin Mừng cũng không ngoài những vất vả đó. Có rất nhiều những người có trách nhiệm về việc Loan Báo Tin Mừng không những đã không động viên mà nhiều khi còn trở thành sức cản cho các tông đồ giáo dân. Thiếu trách nhiệm đối với những lương dân. Coi họ như những người ngoài sự chăm sóc của mình mặc dầu họ sống ngay trong xứ đạo của mình. Còn nếu là giáo dân thì rất nhiều người không sống đời sống chứng nhân của Tin Mừng. Nhiều gương xấu được phơi bày ra trong đời sống thường ngày, vì thế anh em ngoài Kitô giáo không thể nhận ra thế nào là niềm tin đích thực mà họ trông chờ. Đàng khác đời sống thiếu công bình và bác ái của người Công Giáo cũng là những cản trở to lớn cho việc mở mang nước Chúa. Người ta không thể nào nhận ra một bộ mặt của  Đức Giêsu đầy yêu thương qua đời sống chứng tá của chúng ta. Vì thế chúng ta không thể nào truyền lại cho họ một cảm hứng để theo Đức Giêsu

            4. Lối sống đạo mang nặng cơ chế: Có một nguyên nhân mà ai cũng xác nhận đó là Giáo Hội Đại Hàn đã có một cuộc Loan Báo Tin Mừng vượt bậc vì nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân trổi vượt chính là bởi Giáo Hội này có một hàng giáo dân trưởng thành. Chính giáo dân đi tìm đạo và họ về truyền lại cho nhau. Trong khi đó thì Giáo Hội VN rất nặng về cơ cấu vì thế nếu giáo sĩ không chuyển thì mọi việc đều bó tay. Hiện chúng ta không có một chương trình nâng cao trình độ giáo lý của giáo dân lên. Các xứ đạo không có chương trình đào tạo giáo dân lo công việc truyền giáo; không dám giao phó cho người giáo dân chủ động trong một số chương trình hành đạo và truyền đạo. Đôi khi mọi sự đều dựa trên tinh thần vâng lời là chính; Không khuyến khích giáo dân có những sáng kiến. Vai trò người giáo dân rất yếu trong mọi cuộc tổ chức; trong khi tôi đi các nước thì bao giờ người giáo dân cũng song song với hàng giáo sĩ trong mọi công việc miễn đó không phải là các Bí Tích. Đàng khác thì một điều khác chúng ta cũng phải thừa nhận: Chương trình hoành tráng. Người VN chúng ta thích lễ hội, do đó chúng ta thích những cái bên ngoài hơn là chiều sâu của vấn đề nhất là vấn đề Loan Báo Tin Mừng. Điều này có thể làm thỏa mãn ước mơ của chúng ta, nhưng đôi khi nó lại phản nghịch lại công việc Truyền Giáo. Có nhiều nơi lương giáo đang sống đoàn kết, nhưng sau khi cơ sở Công Giáo nổi lên thì lương giáo không còn hòa hợp và vì thế công việc Truyền Giáo khó khăn. Nên cần có một tinh thần cởi mở, chan hòa với mọi người.

            5. Về Phía các chủ chăn cũng đang gặp những khó khăn:

            + Một cuộc sống mục tử quá bận rộn về cuộc sống Bí Tích nên không còn thời giờ chăm sóc cho lương dân hay không còn thời giờ để huấn luyện cho các tông đồ giáo dân. Do đó mà không vững tin vào khả năng của giáo dân nên không dám tin dùng vì thế không có cán bộ Loan Báo Tin Mừng

            + Thiếu một chương trình đào tạo sâu về Thần Học cũng như Giáo lý cho giáo dân nên không có nhiều những giáo dân trưởng thành trong đời sống đạo để hỗ trợ cho các sứ vụ tông đồ của các chủ chăn. Họ không dám tự tin lao vào công việc Loan Báo Tin Mừng

            + Cũng có những con chiên vì quá miệt mài với công tác tông đồ vì thế đi quá phạm vi mình được phép và gây nên một sụ ngộ nhận trong một số công việc làm cho các chủ chăn e ngại không dám giao phó trách nhiệm

            + Cuối cùng công cuộc LBTM ngày nay đòi hỏi nhiều tư duy mới, nhiều điều kiện mới hay nhiều cách làm mới, mới hy vọng có kết quả. Chính điều này đòi hỏi tất cả chúng ta nhiều hy sinh hơn, nhiều nỗ lực hơn và nhiều táo bạo hơn. Thời đại ngày nay là thời đại khoa học kỹ thuật vì thế cần có nhiều tư duy và sáng kiến mới trong việc LBTM. Chính vì thế mà Đại Hội III của việc LBTM tại Huế vừa qua đã lấy chủ đề là: “Canh tân hoạt động LBTM tại VN ngày nay”

            IV. TÍN HỮU LÊN ĐƯỜNG LOAN TIN VUI CỦA CHÚA

            Công cuộc Loan Báo Tin Mừng là công cuộc của Thánh Thần. Dù là linh mục hay tu sĩ hay người giáo dân, chúng ta đều được mời gọi để lên đường, chỉ cần một điều là chúng ta xác tín rằng chúng ta chỉ là khí cụ nhỏ bé của Chúa, chúng ta sẵn sàng để cho Ngài sử dụng. Chúng ta không quan trọng, chính Chúa mới là nguyên nhân chính của mọi cuộc Loan Báo Tin Mừng vì thế người giáo dân phải sẵn sàng mạnh dạn lên đường theo Thần Khí. Để cuộc lên đường đạt kết quả tốt, chúng ta cần phải thực hiện những việc sau đây:

            1. Hãy phó thác công việc trong sự cầu nguyện. Thật vậy, bất cứ cuộc trở về nào cũng đòi hỏi phải có ơn của Chúa vì thế chúng ta vừa hoạt động vừa cầu nguyện thì các linh hồn mới có cơ may trở về được hay bền vững trong ơn Chúa. Chúng ta đã từng thấy có nhiều anh em lương dân rất rành rẽ về đạo, về giáo lý, nhưng họ lại không mộ mến đạo vì thế họ đã không trở lại, bởi lẽ là họ thiếu ơn Chúa, thiếu sự cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta phải luôn xác tín điều này đó là công việc Loan Báo Tin Mừng nhất thiết phải dựa trên sự cầu nguyện, dựa vào tình thương của Chúa. Do đó bất cứ ai cũng có thể tham gia vào công việc Truyền Giáo: những người sống đời chiêm niệm cũng như sống đời hoạt động; kẻ già cũng như người trẻ; giáo dân hay là tu trì. Ai cũng được mời gọi tham gia vào công việc mở mang nước Chúa miễn là có tinh thần cầu nguyện

            2. Vừa qua tại Roma, Đức Thánh Cha Phanxico đã làm một cuộc sai đi cho cả hàng ngàn gia đình trên khắp thế giới. Họ sẽ dấn thân vào công việc loan báo Tin Mừng cho cả nhân loại trên khắp thế giới. Họ là bằng chứng của lòng tin thác của Giáo Hội vào hàng giáo dân. Hơn ai hết họ chứng minh cho toàn Giáo Hội là họ có khả năng tuyệt vời để thực hiện Lời tối quan trọng của Chúa là “Hãy đi rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Họ là biểu trưng cho cả hàng vạn gia đình Công Giáo đang âm thầm tham gia vào công việc Truyền Giáo. Hơn ai hết người giáo dân ngày nay trưởng thành từng bước để đáp lại lòng mong mỏi của Chúa cũng như Giáo Hội. Bắt chước họ và đáp lại lòng mong mỏi của Chúa và Giáo Hội, chúng ta phải lên đường theo môi trường và cách sống phù hợp với hoàn cảnh của mình qua gia đình cũng như nghề nghiệp. Hãy chủ động tham gia vào các phong trào hay các tổ chức Truyền Giáo khi đã được các Bề Trên chấp thuận các tổ chức này.

            3. Giáo Hội cần tạo điều kiện tốt nhất về thần học về giáo lý Truyền Giáo qua các lớp đào tạo để giáo dân có những kiến thức cơ bản về vấn đề này mà ra thực hành. Chính giáo dân phải tham dự vào các lớp đào tạo cán bộ truyền giáo thí dụ các lớp Tác Viên Tin Mừng thuộc địa phận Xuân Lộc hay tham gia các câu lạc bộ Truyền Giáo như câu lạc bộ truyền giáo 2000.

            4. Hãy lên đường bằng nhiều phương tiện khác nhau như báo chí, internet hay Yootube vì tất cả những phương tiện này đều hữu ích khi loan báo về việc chết đi và sống lại của Đức Kitô.

            5. Hãy tin vào tương lai vì việc Truyền Giáo là việc của Thần Khí. Chúng ta cứ làm và Thiên Chúa sẽ là Đống mang đế kết quả.

                        Lễ Các Thánh Tử Đạo VN ngày 15 tháng 11 năm 2015

                                                Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo



[1] Đề nghị 38.

[2] X. Đề nghị 38.


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     Giáo xứ tôi thao thức TRƯỚC TIẾNG GỌI TRUYỀN GIÁO. MM Tân, S.J.
     TRUYỀN GIÁO DỄ HAY KHÓ? (sưu tập)
     LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi, Redemptoris Missio. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Chuyện truyền giáo: NHỮNG KỶ NIỆM VUI BUỒN VỀ HƯNG HÓA. Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
     DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI NHẬP CƯ
     TRUYỀN GIÁO CHO XÃ HỘI HÔM NAY. GM. Giuse Đinh Đức Đạo
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015- BẢN TIN 07. Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     TRUYỀN GIÁO : DỄ HAY KHÓ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Linh mục TRĂNG THẬP TỰ