Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016

BẢN TIN 04

vietvanduongtruong.jpg

 Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Ngày 31-01-2016, một số tác giả văn thơ Công giáo thuộc Giáo phận Nha Trang đã có cuộc gặp gỡ thân mật tại phòng khách nhà xứ Ngọc Thủy, Tp Nha Trang. Giáo xứ Ngọc Thủy nằm trên cù lao giữa dòng sông Cái, phía tây cầu Bóng, hiện do linh mục nhạc sĩ Mi Trầm làm quản xứ. Có 16 tác giả nam và 6 tác giả nữ từ khắp các giáo hạt về dự. Đặc biệt có sự hiện diện của Cha Giám đốc và 4 tác giả trẻ của ĐCV Sao Biển, hai tác giả trẻ hơn từ Chủng viện Lâm Bích. Đây là cuộc gặp gỡ do Giải Viết Văn Đường Trường và ban Văn Hóa Giáo phận Nha Trang phối hợp tổ chức, để giới thiệu và phát hành tập truyện ngắn ĐƯỜNG VỀ, để các tác giả có cơ hội quen biết nhau và cùng đóng góp kinh nghiệm xây dựng Ban Văn hóa Giáo phận. Trước hết cha Trăng Thập Tự đại diện Ban Tổ chức, chào mừng và giới thiệu các tham dự viên. Tiếp đó tác giả Lê Hồng Bảo, thuộc Ban Giám khảo Giải Viết Văn Đường Trường nói về Giải thưởng này, về các tác giả thuộc Giáo phận Nha Trang đạt giải trong ba năm qua, cách riêng về tác giả Phêrô Nguyễn Hoàng Hải, người đạt giải nhì cuộc thi Viết Văn Đường Trường lần I, năm 2013 và có tuyển tập truyện ngắn ĐƯỜNG VỀ, vừa được Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn ấn hành.

Hiện nay cuộc thi lần thứ 4 (2016) vẫn đang tiếp tục nhận bài dự thi. Xin mời xem thể lệ và các thông tin khác về cuộc thi tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Đang khi tác giả Phêrô Nguyễn Hoàng Hải ký tặng sách, cô Matta Nguyễn Ngọc Thanh Hiền trình bày về chương trình và kinh nghiệm tìm kiếm và đào tạo tài năng văn thơ trẻ tại Giáo phận Qui Nhơn suốt 7 năm qua. Sau đó, tác giả Khánh Liên thuộc hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận chia sẻ kinh nghiệm đến với văn thơ Công giáo của chị và 3 tập truyện của chị mới được xuất bản. Linh mục Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Nha Trang, Cha Inhaxiô Trần Ngà, trình bày về chương trình tổng quát của Ban mục vụ Văn Hóa Gp Nha Trang – đặc biệt về website Vườn Thiếu Nhi đã có mặt từ nhiều năm qua. Sau khi anh Đoàn Văn Tùng, giáo xứ Phan Rang,  giới thiệu trang web Thánh Ca Việt Nam, linh mục quản xứ, nhạc sĩ Mi Trầm giới thiệu Facebook và Fanpage của ngài với những triển vọng đáng mừng về mục vụ văn hóa mạng. Nói tóm, những năm qua, tại Giáo phận Nha Trang, mặc dù chưa được cơ cấu vào một hệ thống chung, các hoạt động mục vụ văn hóa đã nở hoa tuy chưa nhiều nhưng khá phong phú, đều khắp, cả về người viết, sách in và thể hiện trên truyền thông điện tử. Như một lời đúc kết, Cha G.B. Ngô Đình Tiến, Giám đốc Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang nhấn mạnh tầm quan trọng của mục vụ văn thơ Công giáo và nỗ lực những năm qua tại Đại chủng viện trong việc chăm sóc, đào tạo khả năng văn chương Việt ngữ cho chủng sinh. Sau cùng, cha Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Nha Trang xin mọi người đề cử một Ban Liên lạc để tiến dần đến một Ban Văn hóa có tổ chức và hoạt động hữu hiệu. Buổi gặp gỡ kết thúc với những chia sẻ thân tình giữa mọi người trong bữa ăn ngon, lành, bổ khỏe và ấm tình huynh đệ do Cha quản xứ Ngọc Thủy khoản đãi. Buổi phát hành tập truyện ngắn Đường Về có thể coi như kết thúc một năm hoạt động mục vụ văn hóa liên kết sống động giữa hai Giáo phận Qui Nhơn – Nha Trang và mở ra cho cả hai một chân trời mới.

Trong những ngày đầu xuân, xin kính mời quý độc giả thưởng thức 7 truyện mới trong 9 bài dự thi mang mã số từ 16-037 đến 16-045.

Hiện nay cuộc thi lần thứ 4 (2016) vẫn đang tiếp tục nhận bài dự thi.

Xin mời xem thể lệ cuộc thi ở cuối bản tin này và các thông tin khác về cuộc thi tại http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Qua bản thể lệ, quý vị và các bạn sẽ thấy cuộc thi có đề tài mở. Các tác giả có thể viết về bất cứ đề tài nào trong giáo lý Kitô giáo hoặc cuộc sống Kitô hữu. Cách riêng năm nay, trong thời sự Giáo hội có một số chủ đề nổi bật: Năm thánh Lòng Chúa thương xót, trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên theo thông điệp Laudato Si’. Ngoài ra các tác giả cũng có thể tìm cảm hứng từ dư âm kỷ niệm 50 năm Tòa thánh chấp thuận cho người tín hữu Việt Nam dùng các nghi thức cổ truyền để diễn tả lòng hiếu kính đối với Tổ tiên.

Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình này thật rộng rãi.

Xin chân thành cám ơn.

Qui Nhơn, ngày 10-02-2016

Thay lời Ban Tổ chức

 

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

BÀI DỰ THI

fmskf.jpg

 Mã số: 16-037

   CHIỀU “WEEKEND”

Với nhiều người, cuối tuần là ngày nghỉ ngơi, thong thả để tận hưởng cuộc sống, đi đó đây thưởng ngoạn, thư giản với thú vui câu cá hoặc một môn thể thao tại câu lạc bộ, chuẩn bị cho một cuộc hò hẹn với người tình, hay đơn giản là vài phút tán gẫu với bạn bè tại một quán nước. Và với anh em chúng tôi, những người sống theo một ơn gọi riêng, cũng có một cuộc hẹn hằng tuần. Đến hẹn lại lên, chiếc Zace đời đầu chở số lượng người hết mức cho phép luân phiên nhau mỗi chiều “tuấn cùi” lên “trại phong” thăm “người hủi” ở Bến Sắn. Chúng tôi luôn đi tối đa số ghế ngồi để lỡ khi nào xe chết máy thì có nhân lực đẩy xe, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với ý hướng tích cực hơn, để có nhiều anh em đến thăm trại.

Vừa nhìn thấy chiếc xe xanh dương rẽ vào, mọi người ở trại phong Bến Sắn hẳn đã quá quen chiếc xe của một cơ sở ở Sài thành chở những chàng trai trẻ ghé thăm. Và vì xem chúng tôi như người thân trong nhà, nên từ ngoài ngõ, bác bảo vệ hăng hái ra mở cổng, và không tiếc chi chào đón chúng tôi với nụ cười thật tươi thay cho lời thăm hỏi sức khoẻ. Qua khỏi cổng, trước tiên, chúng tôi đến khu các xơ Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đang sống và phục vụ. Nơi đây, chúng tôi được xơ đón tiếp với những ly nước mát để làm dịu bớt cái nắng chói chang và oi bức của đầu giờ chiều. Sau đó, xe lăn bánh thêm vài tua tiến vào con đường đá đỏ của ngôi làng trại phong.

Chiếc Zace âm thầm tiếp tục cuộc hành trình của mình đưa chúng tôi luân phiên mỗi tuần đến một khu: nào là khu Đôi bạn dành cho người có gia đình, khu Độc thân Nam, khu Độc thân Nữ, khu Dưỡng lão, và thậm chí có cả khu Tâm thần là nơi những bệnh nhân cùng một lúc chịu đựng tới hai căn bệnh. Lần này đến phiên khu Dưỡng lão Nữ. Các bà cụ đón chúng tôi bằng những “tràng pháo tay” với những tiếng pháo... lép. Chắc ai cũng có thể đoán ra tại sao lại là những tiếng “pháo lép”, và điều này khiến chúng tôi ít nhiều cảm thấy đắng lòng. Chúng tôi được các anh có kinh nghiệm chuẩn bị tâm lý trước trên xe, rằng nên tế nhị cất đi chiếc đồng hồ đang đeo hay những vật dụng gì ở nơi khuỷu tay để khỏi khơi lại nỗi đau và sự tự ti của những người phong đã bị mất đi một phần thân thể. Những nụ cười toe toét chỉ còn vài chiếc răng của các bà cụ trông càng rạng rỡ là món quà quý nhất mà họ có, và sẵn sàng trao cho chúng tôi một cách không thẹn thùng. Anh em chúng tôi cũng đáp lại bằng thái độ trân trọng trong cách ăn bận tươm tất và vui vẻ trong việc phục vụ.

Đến trại phong, có dịp cho chúng tôi được trở thành những “model designer” – những nhà tạo mẫu tóc nghiệp dư trong vài tiếng ngắn ngủi với yêu cầu đa dạng của các “khách hàng”: nào là cắt ngắn, tỉa sơ, cắt sát, hay cạo đầu cho... mát, cho đỡ ngứa mà không thể gãi được. Thêm vào đó, các “thượng khách” còn tha thiết yêu cầu chúng tôi “khuyến mãi” những việc nhỏ khác như nhổ lông mi quặp làm xốn xang đôi mắt mà không biết cách nào để giụi hay lượm giùm đồ vật rơi dưới đất v.v.. Tất cả đều được chúng tôi đáp ứng cách trân quý. Vừa cắt tóc, chúng tôi vừa tếu táo bắt chuyện để góp thêm niềm vui cho các khách VIP, qua đó cũng biết thêm nhiều hoàn cảnh, học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm từ những người từng trải với đời và học cách giao tiếp với nhiều người trong xã hội với những tính cách khác nhau; biết cả những phong tục, văn hoá từ những đồng bào dân tộc anh em hay những người Việt gốc các nước Đông Dương đang ngụ tại đây.

Một sự kiện được xem gây đậm dấu ấn trong tôi nhất, là sau khi hoàn thành kiểu tóc cho một bà cụ, bà cảm ơn tôi, hỏi thăm nào là tên tuổi, nơi chôn nhau cắt rốn... Và khi biết là người đồng hương, trông bà mừng ra mặt. Dường như từ lâu, con cái đã “lười” đến thăm bà; và cũng không biết từ lúc nào, con cái sợ bà lây nhiễm cho những đứa con của họ, họ cũng e ngại sự hiện diện của bà trong gia đình làm cản trở cuộc sống mưu sinh của con cháu. Còn bà, với mặc cảm khi ra đi đầy đủ tứ chi, giờ thì bị mất một phần thân thể nên cũng không muốn quay về nữa. Đối với bà, đây là nơi an toàn nhất để “giấu thân” như chàng thi sĩ họ Hàn, là “thiên đường” của bà nơi trần thế, nơi bà thấy được tình thương không những từ những người cùng cảnh ngộ mà còn đặc biệt từ các xơ, các thầy dòng và chủng sinh... đều đặn thăm hỏi và chăm sóc bà cùng những người chung quanh. Bà và những “cư dân trại phong” xem những người này như là sứ giả của Chúa gởi tới, những nam thanh nữ tú lành lặn và trẻ trung với tinh thần đầy nhiệt huyết. Họ phục vụ cách không quản ngại như thể họ đã có “kháng thể” với vi trùng lao, vi trùng cùi.

Từ đôi mắt đã bị kéo mây khiến bà không nhìn rõ được bóng người, nhưng dòng nước mắt không biết từ lúc nào lại lăn dài trên đôi gò má đã nhiều nếp nhăn của bà. Rồi bà nói tiếp: “Các xơ, các thầy là những ‘thiên thần của Chúa”. Với những gì còn lại của hai cánh tay mà giờ đây chỉ còn hai khuỷu tay trơ ra, bà nắm lấy bàn tay tôi xoa xoa. Hành động của bà dù không kèm theo lời nói nào, nhưng với trực giác và xúc giác của mình, dường như tôi đọc được từ đáy lòng bà cụ như muốn nhắn nhủ: “Hãy trân trọng đôi bàn tay quý giá mà Đấng Tạo Hoá ban cho và sử dụng chúng sinh ích vào những mục đích tốt”. Lúc đó, bất chợt tôi nhớ đến những dòng nhạc được nhạc sĩ Xuân Tưởng dệt nên trong bài “Lời Thiêng”: “Bàn tay con nâng lên cao, dâng Chúa hết những ý nghĩ, dâng Chúa trót xác thân con…”

Tôi xin dâng lên Chúa đôi tay này của anh em chúng tôi và của những người bước theo con đường dâng hiến, xin Chúa thánh hóa những người được Chúa gọi, xin Chúa hành động trong mỗi người chúng tôi, cho chúng tôi trở thành khí cụ mà Chúa muốn dùng theo ý Ngài. Và lúc đó, tôi càng biết phó thác hơn khi “... tương lai còn dài Chúa dắt con đi sợ gì những nỗi gian nguy.”

 

Mã số: 16-038

   NHỮNG CON CHIÊN CỦA CHÚA

1.

Hôm qua chị thấy dáng ai như dáng em gái chị đi ngang qua nhà thờ. Người giống em gái chị ngồi sau xe máy của một người đàn ông. Là bồ, là chồng, bạn, hay xe ôm chị không biết. Chị đứng bên kia đường ú ớ khi nhìn thấy cái dáng giống em gái mình. Chị cố cất tiếng kêu nhưng không kêu được. Khi chị qua được bên đường đầy những dòng xe ùn ùn tới như cố kéo chị đi, cất được tiếng kêu tên em gái thì chiếc xe đã mất hút rồi.

Chị ngồi xuống cổng nhà thờ, khóc nức nở.

Có thể nói em gái chị là một con chiên lạc và là con chiên tội nghiệp trong bầy chiên của Chúa. Mồ côi cha từ lúc nhỏ, mẹ đi bước nữa, hai chị em chị phải sống chung với mẹ, cha dượng và những đứa con của cha dượng. Nghèo thì cũng ráng chịu đựng được nhưng những trận đòn của cha dượng hết ngày này qua ngày khác dội xuống hai đứa con gái riêng của vợ thì không. Chị bỏ đi làm công nhân may khi chưa tốt nghiệp cấp ba để tự nuôi sống mình, gởi ít tiền cho mẹ và nuôi bầy em đi học. Tưởng em chị sẽ được học hành tử tế nhưng không ngờ sau khi bị cha dượng đánh đập và…hãm hiếp, em đã bỏ nhà ra đi.

Mẹ và chị đã khóc hết nước mắt. Có những năm tháng chị đi tìm em. Hỏi thăm những công nhân may, tới những xóm trọ dành cho những người nhập cư tứ xứ…Nhưng em bặt vô âm tín. Chị cũng không biết em chị làm gì để sống giữa cuộc đời mà không có vốn gì trong tay ngoài một con tim tan nát. Khi nghe có người nói ra nói vô là thấy em làm gái, đứng chỗ đường này, đường kia. Chị đã lặn lội đi tìm.

Một lần đúng là chị thấy em đứng chờ khách trên đường. Mặc chiếc váy sát đùi em chị đẹp một cách hoang dại. Làm nghề bị xã hội dè bỉu, lên án mà gương mặt em chị đẹp như một thiên thần. Chị đứng bên này đường nhìn em, cố len vào dòng xe máy ùn ùn để đi qua đường, không ngớt gọi tên em. Em ngẩng lên nhìn thấy chị, sững sờ vài giây rồi leo lên một chiếc xe máy đứng gần đó như là bảo kê của em dọt lẹ. Chị khóc gọi theo nhưng em không quay lại. Từ đó về sau em chị không còn quay về đứng con đường đó nữa mà đi xa hơn, đứng những con đường chị không biết, không tìm ra trong thành phố rộng lớn này.

Trong thành phố này có biết bao nhiêu con đường, con đường nào em chị đang đứng để chờ khách? Cứ mỗi chiều lòng chị lại quặn thắt lên. Đi nhà thờ, tan lễ đi ngang qua những con đường nhìn thấy những cô gái làm nghề như em chị đứng bên đường chờ khách nước mắt chị lại rơi. Đi lễ lần nào chị cũng cầu nguyện cho em. Cầu cho một con chiên lạc là em có lúc sẽ quay về.

Mà em có quay về không khi em đã đi lạc trên những con đường xa xôi như vậy. Em căm thù dượng vì những trận đòn, vì dượng đã hãm hiếp em. Cái đói, cái nghèo, những trận đòn, bị hành hạ về tinh thần lẫn thể xác, mẹ và chị lại không bảo vệ em được. Em đã bỏ ra đi mà không dám và cũng không muốn quay về. Càng đi em lại càng lạc thêm, xa thêm con đường của Chúa. Em cứ đi mãi trong bóng tối, đi mãi và đi mãi.

Nhưng chị- người chị gái của em cứ cầu nguyện và cầu nguyện. Chị biết làm gì hơn là cầu nguyện. Cầu cho em quay về như người đi lạc trên đường chợt nhìn thấy một ánh sao để biết phương biết hướng. Chị vẫn đi tìm em gái chị. Chị không có gì ngoài lời cầu nguyện và tình thương của một người chị ruột dành cho em gái tội nghiệp của mình.

Lời cầu đó chị tin chắc Chúa sẽ nghe và một ngày nào đó em gái chị cũng sẽ nghe.

2.

Buổi tập hát đã xong. Các ca đoàn viên về hết. Điện cũng đã tắt, chỉ còn ánh điện trên bàn thờ Chúa hắt xuống. Anh ngồi trong bóng đêm vừa muốn đứng lên, vừa muốn nán lại. Nước mắt rịn ra trên gương mặt anh lúc nào không biết.

Anh về nhà có gì? Ai chờ anh ở đó? Vợ anh vừa mới qua đời. Ở tuổi 50, chưa già anh trở thành người góa vợ. Hai đứa con đi làm trong thành phố. Chúng không có nghề nghiệp ổn định, làm công nhân cũng chật vật áo cơm, ít về thăm nhà.

Mà về nhà buồn quá. Đi ra, đi vào chỉ có anh thôi. Đứa cháu trai nhỏ con gái gởi vì ở thành phố không có đủ tiền đi nhà trẻ đang nằm ngủ ngon lành trên chiếc ghế trong nhà thờ. Ngày nào đi tập hát anh cũng dẫn nó theo. Anh trở thành gà trống nuôi cháu.

Anh quỳ đọc kinh, nghĩ về sự cô đơn và nhiều thứ khác.

Sự cô đơn lúc này và quãng thời gian dài dằng dặc nuôi vợ bệnh anh không biết thứ nào dễ chịu hơn? Hình như chẳng có thứ nào dễ chịu cả. Vợ anh bị ung thư, phải nằm chiến đấu với căn bệnh ung thư trong một thời gian dài. Những ngày trước đi đâu cũng hai vợ chồng, đi coi ruộng, gặt lúa, phơi lúa, đi nhà thờ…Đi tập hát về (anh là trưởng ca đoàn) lúc nào cũng có vợ chờ. Tiếng ti vi và tiếng vợ cười ấm áp căn nhà. Rồi vợ anh đổ bệnh, nằm như tàu lá, chưa chết nhưng chỉ nằm chờ chết. Một người sắp chết, đau đớn, chẳng còn thiết tha gì cuộc đời này ngoài việc được bớt những cơn đau. Bác sĩ chạy, chỉ nằm ở nhà chịu đựng những cơn đau đớn cuối đời. Mà lúc trẻ vợ anh rất hiền, chẳng làm đau ai, sao cuối đời lại phải chịu những cơn đau kinh hồn đến vậy?

Rồi vợ anh đi vì không chịu nổi những cơn đau nữa. Giờ đây anh đi đâu, làm gì cũng lủi thủi một mình. Đút cơm cho thằng cháu nhiều khi anh khóc. Anh không quen cô đơn cô độc.

Anh không biết cầu gì trong đêm tối này? Vợ anh mất rồi. Lúc trước anh cầu cho vợ anh lành bệnh, cầu cho vợ bớt đau. Nhưng Chúa không nghe hay Chúa có chương trình của Chúa mà anh không biết. Cầu cho hai đứa con anh ở thành phố. Chúng cũng tội nghiệp quá. Làm công nhân có gì vui? Ở trọ trong những căn phòng chật chội, ăn uống dè sẻn, tiết kiệm mà vẫn không đủ tiền trang trải sinh hoạt. Đi làm thì cả ngày nhốt mình trong nhà xưởng, không nhìn thấy ánh mặt trời. Có lúc tăng ca về nhà là người rã rời. Lấy vợ, lấy chồng, sinh con mà cũng chẳng có tiền nuôi. Cái đói, cái nghèo, sự thiếu thốn cứ đuổi theo mãi.

Anh còn một thứ là niềm vui, niềm hi vọng của anh. Thằng cháu đang ngủ chèo queo trên chiếc ghế bên cạnh anh. Nó biết mẹ nó ở xa, không có tiền nuôi nó, cha nó thì đã bỏ mẹ nó khi hai người không vượt qua được cuộc sống chật vật thiếu thốn áo cơm. Nó biết người đút cơm lâu nay cho nó là bà ngoại đã mất, bây giờ là ông ngoại. Nó biết thân biết phận lầm lũi theo anh, nắm tay anh, cùng trải qua cuộc sống cô độc với anh. Bây giờ nó lại là người nghe anh trò chuyện.

Một ca đoàn nhỏ của anh cũng có biết bao nhiêu thân phận. Vợ chồng bỏ nhau, li thân. Con cái không nghe lời, con cái đi làm xa, thất nghiệp. Trong nhà có người ốm đau. Rồi người này người kia cô độc…Hình như cuộc đời trần gian là vậy, hỉ nộ ái ố phong phú đủ màu sắc. Có khi đứng đánh nhịp, nghe tiếng hát, nhìn gương mặt anh biết ai đang hạnh phúc, ai đang đau khổ mà cố dằn lòng…

Lạy Chúa! Anh cầu nguyện trong đêm khuya…Anh cầu cho tương lai thằng cháu nhỏ và cầu cho hai đứa con mạnh khỏe ở xứ người. Nước mắt anh rịn ra trong đêm…

3.

Người đưa thư vừa đi ngang qua nhà anh. Có tiếng gọi ngoài cổng nhưng anh không mở cổng được. Anh cố nói to lên nhưng con bé đưa thư không nghe. Anh không biết thư gì? Chắc là mấy cái bill thu tiền điện, điện thoại. Chớ nhà anh làm gì có thư. Hai vợ chồng anh đều làm nông, cả đời không viết thư và cũng không nhận được bức thư nào kiểu như thư đúng nghĩa.

Anh đang ngồi trên một chiếc ghế và ngồi bất động, không nhúc nhích. Anh bị liệt nửa người. Lâu rồi anh không nhớ thời gian nữa. Tự nhiên cuộc đời anh lại ngồi đây, bất động trong chiếc ghế này. Không thể làm chồng và không thể làm một con người tự do đi lại.

Nếu vợ anh là một người ngoại đạo chắc vợ anh đã bỏ anh đi rồi. Nhưng vợ anh có đạo. Luật Chúa không cho phép li hôn. Và vợ anh cũng còn chút tình nghĩa với anh, chấp nhận nuôi anh- một người liệt.

Giờ này vợ anh đang ở ngoài ruộng. Nhổ cỏ mướn cho người ta hay đi thăm ruộng nhà anh. Còn anh thì ngày nào cũng ngồi trên chiếc ghế, không nhúc nhích, không di chuyển nhìn qua cửa sổ, nhìn chăm chăm những tán lá và chờ thời gian trôi.

Nếu có tiền anh sẽ mua cho mình một chiếc xe có bánh lăn để anh có thể di chuyển trong nhà hay ra ngoài ngõ. Nhưng nợ nần nhiều quá, tiền mua thuốc uống còn không có, một chiếc xe có bánh lăn để thay thế chân anh trở thành một giấc mơ xa xỉ. Anh không dám đòi hỏi nhiều ở vợ, cũng không dám đòi hỏi gì ở cuộc đời.

Thế giới của anh bây giờ chỉ là một ô cửa sổ. Nhà anh có ti vi nhưng để tiết kiệm tiền điện anh không mở ti vi. Anh không thể mở ti vi suốt ngày trong khi vợ đi làm quần quật ở ngoài, mà anh cũng không thể với tới cái bật ti vi. Anh chỉ có thể ngồi nhìn hai thứ: ô cửa sổ luôn mở cửa để anh ngó ra ngoài và chiếc đồng hồ trên tường cho anh biết mấy giờ. Lúc nào thì vợ anh đi ruộng về, đi chợ về, lúc nào con anh đi học về. Lúc ấy là phút giây anh hạnh phúc.

Trong đời người hạnh phúc ở mỗi giai đoạn có nội dung khác nhau. Với trẻ con, hạnh phúc đơn giản chỉ là đòi kẹo và người lớn cho nó kẹo. Mút một viên kẹo trẻ con đã thấy hạnh phúc rồi. Rồi hạnh phúc nằm trong chiếc áo mới, đôi giày mới, chiếc cặp mới, được điểm cao, được múa hát, được có đồ chơi yêu thích…Lớn lên hạnh phúc đòi hỏi tăng lên. Và một lúc nào đó hạnh phúc là tìm thấy một người khác, gắn bó với một người khác. Hạnh phúc có nghĩa là có đôi có cặp, không lẻ loi một mình. Và sau nữa hạnh phúc là vật chất. Là nhà, là xe, là tiện nghi đầy đủ. Hạnh phúc tiếp nối khi con cái lớn lên, thành đạt.

Không ai nghĩ rằng hạnh phúc là có đầy đủ thân thể (với người khuyết tật), hạnh phúc là bớt cơn đau (với một người đang chịu đựng những cơn đau), là có miếng ăn (với người không làm ra tiền mua thực phẩm), là đi lại được (với những người không thể đi lại, như anh đây bị liệt nửa người phía dưới). Hạnh phúc là thứ người ta thêm vào và còn là những thứ người ta không có, hay bị mất đi.

Hạnh phúc với anh bây giờ không phải là một đôi chân vì anh biết anh không thể có một đôi chân lành lặn, mà là một chiếc xe lăn. Nhưng anh nghèo quá, từ khi anh bệnh nợ nần gây ra cho vợ nhiều quá nên anh không với tới chiếc xe lăn được.

Nhiều khi ngồi một mình trong nhà, nhìn những chiếc lá ngoài cửa sổ anh ước gì gặp Chúa. Chúa bảo “Con đứng lên, rời khỏi chiếc ghế này đi”. Và thế là anh đứng lên, đi lại như đoạn kinh thánh anh đã nghe hồi đi lễ nhà thờ. Nhưng Chúa lại bảo “Con cứ ngồi trên chiếc ghế này và suy ngẫm cuộc đời đi”. Ôi chao! Anh đã trách Chúa nhiều biết bao, nhưng rồi anh không trách nữa. Vì anh biết anh không phải là người duy nhất trên thế giới bị cái hoàn cảnh này. Rất nhiều người, không hoàn cảnh này thì hoàn cảnh khác. Và anh chỉ là một trong số những nạn nhân.

Rồi sau này ngồi bất động trên chiếc ghế anh trò chuyện với Chúa, về vợ con anh,  những người anh quen biết. Anh cũng xin Chúa cho mình có được nụ cười. Rất lâu rồi anh không cười, vì bệnh và vì buồn.

Anh đã cười vô thức khi nhìn tán lá ngoài cửa sổ. Cười lúc tầm trưa cánh cửa nhà mở ra, vợ con anh trở về. Cười khi có người ghé nhà hỏi thăm. Và cười một mình khi nhìn con thằn lằn trên tường nhà…

Trong ngôi nhà đóng kín cửa, trên chiếc ghế bất động, không ai biết có một người đàn ông bị liệt mỉm cười.

4.

Một linh hồn nhỏ vừa bay ngang qua bầu trời. Bay qua phố đông có người chị gái lang thang tìm em, bay qua nhà thờ nhỏ có một người đàn ông ngồi khóc, bay qua ngôi nhà luôn đóng kín cửa có một người đàn ông bị liệt bên trong…Linh hồn nhỏ cứ bay và bay mãi.

Linh hồn nhỏ ấy đã bay lên bầu trời.

Chúa hỏi:

- Sao con lại về đây? Chẳng phải là con đã đến trần gian sao?

- Vâng, thưa Chúa- Linh hồn nhỏ dịu dàng đáp- Con đã đến trần gian nhưng mẹ con chưa sẵn sàng. Mẹ đã để con quay trở lại.

- Ta hiểu- Chúa vỗ về linh hồn nhỏ- Có rất nhiều linh hồn nhỏ đã quay về đây vì người mẹ chưa sẵn sàng. Nhưng con đừng giận mẹ con nhé. Chắc mẹ con cũng buồn nhiều lắm.

- Không, con không giận đâu ạ. Nhưng nếu một ngày nào đó mẹ con thay đổi ý định Chúa vẫn cho con được trở về với mẹ con nhé.

Chúa ôm linh hồn nhỏ vào lòng. Ru linh hồn bé bỏng ngủ. Và linh hồn nhỏ ngủ ngoan như những thiên thần.

* * *

Bạn đã xin gì trong cuộc đời mình? Miếng cơm manh áo, tìm được người thân, vượt qua sự cô độc, đầy đủ chân tay hay như linh hồn nhỏ được chào đời, được gọi tiếng “Mẹ” chứ không phải bay về lại cái hành trình dài trong lẻ loi và cô đơn. Hay bạn không cầu những điều trên vì bạn đã đầy đủ rồi. Bạn sẽ xin những thứ khác: sự thành công, giàu có, danh vọng. Bạn muốn rất nhiều, có thật nhiều thứ, và muốn có nhiều hơn.

Và nếu một lúc nào đó bạn thất bại, bạn cầu nguyện điều gì?

Chúa đang ru linh hồn nhỏ. Chúa cũng đang ru ta, những con chiên của Chúa, thành công hay thất bại, giàu sang hay đói khổ, kiêu hãnh đi đúng đường hay buồn khóc vì đi lạc…

Chúa đang nghe và Chúa đang ru ta. Giống như những cơn gió đi ngang qua nhà bạn, nhìn thấy nước mắt bạn và thổi khô chúng.

Những con chiên của Chúa

Đi trên đường cuộc đời

Khóc hay cười

Chúa luôn nhìn thấy

Chúa sẽ ru ta…

 

Mã số: 16-039

LỜI THÌ THẦM CỦA GIÓ

“Gió là lời thì thầm của các linh hồn”. Ai đó đã từng nói với tôi như vậy. Cơn gió chiều từng cơn xào xạc ở bệnh viện Chợ Rẫy này khiến người ta phát ớn lạnh. Lúc nhỏ, tôi hay nghe báo đài nhắc về bệnh viện Chợ Rẫy như cái nơi định mệnh của sự sống chết. Nơi mà thiên thần và ác quỷ dường như đang tranh giành từng sinh mạng.

- Thế đã gửi xe chưa? Vào thôi.- Tiếng gọi của cha giám đốc nhà ứng sinh khiến những suy nghĩ mơ màng của tôi vụt tắt.

- Hôm nay, cha vào xức dầu cho một cụ bà. Con của cụ là ân nhân trong nhiều năm của nhà dòng…- Vừa nói cha vừa đưa cho tôi chiếc khẩu trang y tế. Giống như người rành đường mọi ngóc ngách nơi đây, cha thoăn thoắt đi nhanh. Tôi còn bỡ ngỡ vì là lần đầu tiên đến đây.

Không khí nơi đây khiến người ta nhớ đến thời chiến tranh. Mùi của máu, tiếng thét gào, tiếng xầm xì ồn ào. Từ dãy cầu thang bộ đến phòng bệnh là người nằm kẻ đứng chật cả lối đi. Người ta nhìn. Người ta xầm xì. Người ta để ý người đàn ông mang cổ cồn trắng đang tiến vào dãy phòng bệnh.

Trong khi cha giám đốc của tôi đang cử hành bí tích xức dầu cho cụ bà thì tôi lân la ra ban công. Từ tầng cao của bệnh viện tôi nhìn ngắm xung quanh. Phía bên kia đang là dòng người ra vào. Tiếng còi xe hú vang, tiếng bước chân ai đó chạy dồn dập. Đột nhiên máu dưới da tôi lạnh toát. Từ đằng sau, có ai đó nắm giật giật áo của tôi. Tôi ngoảnh lại. Một đôi mắt to, tròn đen đang nhìn tôi.

- Anh là linh mục hả?-  Ánh mắt thành thật của chị đang nhìn tôi.

- Dạ không, cha ở trong kia.- Rồi tôi chỉ hướng về cha giám đốc của mình: “Em chỉ là người phụ tá thôi”.

Có chút im lặng bất ngờ khiến tôi muốn tiếp lời: “Chị muốn gặp linh mục không?”. Đôi mắt chị nhẹ nhàng chớp lia lịa như dấu chỉ cho sự đồng ý.

Đợi cho cha xong việc, tôi nhanh nhảu chạy vào thì thầm đôi ba câu. Dường như ngài hiểu ý, tiến thẳng về ghế đá nơi hành lang chị đang ngồi.

- Chào chị ! Chị muốn gặp tôi ư?

- Dạ vâng, thưa linh mục.

Chị sinh ra ở Long An, một tỉnh lỵ gần Sài Gòn. Học hành chẳng được mấy nên chị theo nghề hớt tóc để mong có cuộc sống khá hơn. Bẵng đi một thời gian, chị cũng có chút vốn liếng cho riêng mình. Chị quyết định lên Sài Gòn, vừa làm ăn vừa hỗ trợ đứa em trai đang học ở đây.

Tự dưng thấy mắt chị ứa lệ.

- Em con nó ham chơi hơn học, suốt ngày lêu lổng với mấy đứa con nhà giàu. Bao nhiêu tiền cũng không đủ với nó. Trong khi con mệt mỏi với đứa em, thì con gặp anh ấy.

Anh ấy là huynh trưởng một xứ đạo gần nơi chị sống. Hai anh chị quen nhau rồi yêu thương nhau. Anh ấy bằng tuổi chị, đang là chủ tiệm buôn bán xe máy. Anh ấy rất hiền, tính cách lại dễ gần nên sớm chiếm lấy cảm tình của chị.

Chị không ngại cùng anh đến nhà thờ. Trước giờ, chị không có thiện cảm lắm với người có đạo. Bởi họ cũng sống giống y như người ngoài đời. Nhưng nay, sao chị thấy Chúa cũng dễ thương quá, dễ thương giống anh.

- Con và anh ấy đã học xong giáo lý hôn nhân. Chuẩn bị về ra mắt gia đình con ở Long An thì …- Nói tới đây thì chị nghẹn ngào, nấc lên từng hồi, không nói tiếp được. Cha giám đốc nháy mắt cho tôi tỏ ý. Tôi chạy vội xuống căn-tin mua cho chị lon nước Coca.

Chị nhận từ tôi và nhẹ nhàng nói:

- Cám ơn anh.

Rồi chị tiếp lời:

- Em trai con bị tai nạn xe, hôn mê mấy ngày rồi qua đời. Con lo mọi việc từ cửa tiệm đến bệnh của em khiến con mệt nhoài, không còn sức lực để mà đứng vững được.

Tôi đứng đó, lắng nghe câu chuyện của chị, không biết chị thật sự đang cần điều gì nơi cha con chúng tôi.

- Năm trước, bác sĩ báo con bị nhiễm HIV, cũng là giai đoạn cuối rồi. Gia đình, bà con thân nhân chẳng ai dám đến đây thăm con. Người yêu cũ của con có đến mấy lần nhưng con tránh mặt. Con muốn anh ấy có một cuộc sống bình yên như bao người. Giờ đây cuộc sống với con mong manh lắm.

Cha giám đốc ân cần bảo:

- Tôi thông cảm với nỗi niềm chị. Không biết tôi giúp được gì cho chị?

- Thưa linh mục, con muốn được rửa tội.

Nghe đến đây tôi nghẹn ngào nhìn cha giám đốc của mình.

- Tôi đồng ý với chị.- Cha ôn tồn trả lời.

Sau một vài câu hỏi về đức tin cho người đã trưởng thành, cha chuẩn bị cử hành bí tích rửa tội cho chị.

Chị nhìn cha rồi nói khẽ:

-  Thưa linh mục, con có sẵn bao tay y tế ở đây. Dù sao con cũng là …

- Không ! Tôi sẽ làm bằng chính đôi tay của mình…

Nghe lời ấy, tôi thấy chị đã khóc thật sự, khóc cho nỗi niềm của chị bấy lâu, và khóc cho sự cảm động đang diễn ra trong sâu thẳm cõi lòng của chị.

- Madalena, Tôi rửa chị. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Những dòng nước từ trên mái tóc chị đổ xuống như muốn xóa sạch mọi ký ức đau buồn đã theo chị bấy lâu nay. Giờ đây chị sẽ có một đời mới thật sự.

Cha và tôi ra về. Loáng thoáng từ trên tầng lầu ấy, vẫn có người đứng nhìn chúng tôi. Tôi trở về cộng đoàn với nhiều boăn khoăn. Trong giờ kinh chiều, tôi cầu nguyện  cho các bệnh nhân, cách riêng cho chị, những người đang chống chọi hằng ngày với bệnh tật.

--o0o--

Sáng hôm sau giờ ăn sáng. Tôi nhận điện thoại của cha giám đốc:

- Alô! Huấn à!

- Dạ con nghe thưa cha.

- Cô gái hôm qua được cha rửa tội, sáng nay đã ra đi lúc 4h sáng. Con nói anh em thêm lời cầu nguyện cho cô ấy.

Đặt nhẹ điện thoại xuống bàn, tôi chợt nhớ đến đôi mắt to tròn của chị khi chị nhìn tôi lúc ấy. Sao nhanh quá vậy? Đâu đó có cơn gió bỗng nhiên lùa vào phòng. Gió là lời thì thầm của các linh hồn. Một linh hồn đang cố nói điều gì đó với tôi.

Mã số: 16-040

  MỘT BƯỚC NHẢY

Bên triền dốc núi Kỳ Sơn, có căn nhà lá nhỏ, nép giữa những bụi gai bàn chải. Ở đó có một bà góa quen gọi là bà Hai và cậu con trai tên Long.

Cậu là món quà đặc biệt, là gia sản quý hiếm của bà, tuy vất vả, mẹ con lúc nào cũng vui vẻ. Có những lúc thấy con thiếu thốn vật chất và thiếu tình thương của cha, bà rất xót xa nên ngày đêm cầu kinh khẩn Phật phù hộ độ trì cho con. Long rất hiền và ngoan. Học xong tiểu học trường làng cậu ở nhà làm thuê giúp mẹ. Mặc cho bà ép con lên huyện học tiếp. Trước mặt nhà là con đường chạy dài đến Tuy Phước, gọi là đường chứ thật ra chỉ là lối đi nhỏ mà người đi lỡ quên bước rộng hay dang tay ra là gai bàn chải sẽ gắn chặt vào thân. Toàn núi chỉ có gai bàn chải là sống sót, bởi đất cằn sỏi là sỏi với đá nên chẳng ai canh tác được. Ngoài những ngày chợ phiên ở Tuy Phước thì con đường rất vắng, nhưng đặc biệt là chủ nhật hằng tuần, cứ khoảng ba giờ sáng là lai rai từng tốp người đi ngang qua đây để về Gò Thị dự lễ. Họ là người có đạo, nhìn rất dễ phân biệt vì họ không gánh mang gì ngoài chiếc áo dài vắt vai và các đứa trẻ tay xách dép lon ton chạy theo người lớn. Đến gần trưa họ lại trở về, thế mà lúc nào Long cũng thấy họ vui tươi chuyện trò không tỏ ra mệt nhọc, không tiếc công sức. Tại sao họ lại thế, Long rất thắc mắc. Rồi thời gian cứ trôi, anh lớn lên và vài lần theo họ. Anh cũng tham dự lễ lớn như Giáng Sinh để rồi có một lần nhận ra anh là thanh niên trong xã, chú Tám là cán bộ xã là người đạo Công giáo. Tuần nào chú cũng đi lễ theo con đường này, chú đi chếc xe đạp trông oai lắm. Long và chú đã tâm sự nhiều, biết Long mộ đạo, chú hướng dẫn, Long thích lắm nhưng ngặt nỗi làm sao tỏ bày với mẹ đây. Anh lo quá, anh thẩn thờ như người mất hồn. Mẹ anh nhận ra nỗi buồn phiền đang gặm nhấm con trai mình. Bà gặng hỏi, không giấu được, anh đã trình bày.

- Con muốn theo đạo Chúa.

Xung quanh bà mọi vật như quay cuồng, con bà theo đạo bỏ bà sao? Sau này, ai là người cúng giỗ bà? Bà đã bỏ cơm và khóc suốt đêm. Từ đó Long không dám nhắc lại ý định của mình nữa, cả ngày anh chỉ biết đi làm, ăn, rồi ngủ, không có tiếng cười nói của anh, căn nhà lặng câm đáng sợ. Anh lầm lì, nhưng anh không trách mẹ, không cãi mẹ. Và rồi việc gì nó cũng có hồi kết. Bà Hai than thở:

- Đất không chịu trời, thì trời phải chịu đất thôi.

Bà chấp nhận cho Long  theo đạo nhưng không được tháo tượng Phật trên cổ, mà bao năm nay bà đã đeo cho anh. Chìu ý mẹ, Long vâng lời.Nhờ chú Tám giúp đỡ, anh được học đạo. Rồi ngày rửa tội đến. Ngày hồng ân đặc biệt ấy, chú Tám đã mời cơm anh. Trong bữa ăn, cả gia đình Bõ rất vui khi có mặt anh, ai cũng ép anh ăn nhiều, anh thấy có một tô thịt to thơm nức mũi, Bõ gắp bỏ vào chén cho anh, anh ăn thấy ngon và lạ miêng nên hỏi :

- Thịt gì ngon vậy Bõ?

Cười, Bõ đáp :

- Thịt chó đấy, chắc chưa bao giờ con dám ăn

- Dạ, mẹ con cấm ăn thịt chó, vì tu Phật tại gia như mẹ không được ăn.

Chú Tám cười diễn giải :

- Mọi con vật ở trên trái đất này, Thiên Chúa trao ban cho con người, mình được quyền ăn, tại sao cũng là vật nuôi mà trâu bò gà, vịt, mình ăn được, còn chó thì không?

Hình như nhờ tuổi cao, học biết nhiều nên cái gì Bõ cũng biết. Long an tâm có một người Bõ như chú Tám . Cũng ngày đầu tiên ấy, theo đạo Bõ đưa cho anh một tượng ảnh thánh giá bảo anh đeo vào cổ. Bao lâu nay, dù đeo tượng Phật nhưng chưa bao giờ anh để cho Bõ và người nhà Bõ biết. Nhưng nay thì sao, một liều ba bảy cũng liều. Tay nắm kỹ tượng Phật, tay kia anh xỏ tượng Chúa vào. Trước mặt Bõ, anh để tượng Chúa trước ngực, và tượng Phật nằm sau lưng. Khổ nỗi, khi về bên mẹ, anh phải làm ngược lại, tượng Phật trước ngực. Mới có một ngày, mà là ngày đầu tiên lãnh nhận phép rửa tội nữa chứ. Ngày mà bao lâu nay, anh mong chờ, nay đã thành sự thật. Vui rất là vui, nhưng lo như một tên phạm tội, sợ người ta phát hiện lỗi của mình. Anh không muốn mẹ buồn, lại không nỡ để Bõ mất niềm tin vào đứa con tinh thần đầu tiên. Anh biết rõ mình đã tin vào Chúa, anh theo đạo Chúa là đúng. Đêm ấy, anh ngủ ngon, sáng hôm sau, nhìn vẻ vui tươi của con. Bà Hai thấy một vầng sáng hiện rõ trên mặt, nhưng bà biết con chưa được hạnh phúc trọn vẹn, có lẽ nó đang lo cho bà, bà cũng suy nghĩ nhiều, bà định nói với Long, nhưng anh đã vòng tay lên cổ tháo tượng Phật hai tay đưa cho mẹ, anh nói thật khẽ nhưng rất rõ: “Mẹ! Con con biết, trong lòng mẹ chỉ có con và con cũng vậy nhưng cổ con không thể đeo hai tượng được, xin trao lại cho mẹ”. Anh tưởng sẽ nhìn thấy ánh mắt đau buồn, những câu hờn trách của mẹ. Nhưng kìa bà dang hai tay ôm con trai, cái thằng nay cao hơn mẹ nó một cái đầu mà lại sợ mẹ thế sao? Bà cười:

- Con hãy nói với chú Tám lo cho mẹ theo đạo đi, hổng lẽ con theo đạo Chúa, còn mẹ theo ai đây?

Long cấu chặt vào đùi mình.

- Ui đau! Chúa ơi, con tỉnh hay mê đây…- Và anh tin chắc mình đang tỉnh. Ghì chặt mẹ, anh thổn thức.

- Cám ơn mẹ, cám ơn Chúa nhiều lắm.

Gánh nặng ngàn cân đã trút khỏi phải vai anh.

Mã số: 16-042

   MÀU ÁO LAM

Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng Năm, công nhân viên chức các công ty, xí nghiệp đều được nghỉ lễ. Nhiều người rủ nhau đi chơi chỗ này tham quan chỗ kia một bữa để thư giãn đầu óc, tay chân. Mấy ngày trước, trong xóm trọ của Tí cũng có những tiếng bàn bạc rất xôm tụ từ anh chị em công nhân rủ nhau đi đây đi đó, hay ít ra tắt bếp một bữa, dắt nhau ra quán để mừng “Ngày đại lễ của giới Công nhân”.

Thế nhưng, không hiểu sao khi ngày giờ đã tới mà những người trong xóm trọ vẫn “án binh bất động” trước các đề xuất hoành tráng của mấy hôm rồi.

Sáng nay, Long, cậu bạn cùng phòng cũng hỏi Tí:

- Mày không đi đâu à?

Tí trả lời trong trạng thái uể oải:

- Tối qua tăng ca trễ quá, hôm nay đừ rồi!

Để có được ngày nghỉ hôm nay, các công nhân công ty của Tí tối qua phải tăng ca tới tận mười giờ đêm. Tuy nhiên, dẫu có lý do chính đáng để Tí có thể biện hộ cho việc mình ở nhà, nhưng Long và người bạn cùng phòng cũng như những người trong xóm nhập cư hiểu rõ, đó chỉ là lý do phụ so với điều không được nói ra chính là vì mức ương bèo bọt của giới công nhân. Và việc chọn “ăn lễ” bằng cách “đóng quân” tại phòng trọ được xem là kế sách tốt nhất cho những công nhân xa quê.

Tí ra vẻ rộng lượng như để che giấu đi nỗi buồn của mình:

- Mày và thằng Vũ sao không rủ mấy đứa kế bên đi đi, để tao coi nhà cho.

Lúc này Vũ mới lên tiếng:

- Tao thì có cái võng với góc bạch đàn ngoài sân làm bạn là được rồi, đi đi lại lại mỏi chân lắm, mai còn đi làm nữa!

Long cũng đồng cảm:

- Ông bà ta đã dạy rồi: “Liệu cơm gắp mắm”. Thời buổi kinh tế khó khăn mà! “Vung tay quá trán” có ngày ra đường mà nằm!

Căn phòng rộng chỉ vài mét vuông nhưng hiếm khi nào chứa tới ba chàng trai “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” như hôm nay. Tuy ba người ở ghép chung trong căn phòng trọ, nhưng vì làm khác ca nhau, nên thường khi đồng nghiệp vừa tan sở thì Tí cũng bắt đầu vào ca. Với chiếc áo đồng phục màu xanh lam quen thuộc, được tô điểm bằng tấm thẻ đeo trước ngực áo bay lất phất mỗi khi có cơn gió nhẹ bất chợt thoảng qua, nơi những con người công nhân tỉnh lẻ này toát lên vẻ gì đó vừa gần gũi, vừa thân thiện, lại vừa chất phác nữa.

Ngoài kia, ông mặt trời đã lên cao, những tia nắng óng vàng như một lớp thảm đang được trải rộng bắt đầu từ góc sân. Trên ngọn cây bạch đàn rũ lá, tiếng ve râm ran réo gọi hè mau mau trở về. Lâu lắm mới có ngày được nghỉ, Tí định “nằm nướng” thoả thích, không phải tất bật dậy sớm nào là nấu nước, nào là vừa thay quần áo vừa cho nước vào tô mì tôm, rồi và vội vội vàng vàng thêm chén cơm nguội còn dư lại của tối hôm trước mới đủ sức trụ được tới trưa, xong còn tranh thủ đạp xe cho kịp giờ làm như mọi hôm. Hôm nay, có thời gian để “xả hơi” sau bao ngày lao động vất vả cũng là một phần thưởng mà nhiều người với số lương công nhân còm cõi như Tí hằng mơ ước. Tuy nhiên, ước mơ nhỏ nhoi của “chú gấu” muốn vùi ngủ đông giữa những ngày hè mau chóng vụt tắt. Tí lại làu bàu với chính mình: “Kỳ lạ thiệt, ngày Quốc tế Lao động mà ông mặt trời dường như làm việc còn siêng năng hơn, chẳng bù với mấy đám mây lười biếng hôm nay vắng bóng hẳn, nghỉ lễ Lao động chắc! Mấy đám mây đúng là vô tâm, cả đám lớn lẫn đám nhỏ… Sao chẳng có đám mây nào chịu đoái hoài tới ông mặt trời đang làm việc nhễ nhại mồ hôi? Cũng chẳng có đám mây nào vô tình trôi trên nền trời xanh để ông mặt trời được nghỉ ngơi đôi chút!”…

Ánh nắng chẳng mấy chốc phủ đầy mái tôn cũ kỹ hấp nhiệt, lại được sự cộng hưởng của cái nóng như thiêu như đốt của tháng Tư, như muốn bốc hơi mau chóng những tảng băng mà “chú gấu” đang mơ tưởng, để có một lý do ẩn mình trong “cái bao diêm” chật hẹp và oi bức. Lúc này, Long và Vũ đã rời “bao diêm” từ lâu, rủ nhau ra “tám” với những đứa bạn chung dãy phòng trọ bên gốc bạch đàn cho quên đi cái đói ban sáng sau một đêm bao tử cật lực làm việc.

Trong khi ấy, Tí ra vẻ anh hùng, vẫn cố sức lim dim mắt. Lúc rỗi rảnh thế này, tâm trí của Tí gọi về sự kiện trước đây vài ngày, giá xăng dầu lại leo thang. Lẽ ra, nó cũng chẳng liên can gì với một người đang sở hữu chiếc “xế điếc” như Tí cũng như “các cua-rơ” chung dãy nhà trọ ngày ngày vẫn oằn mình cho xe quay đều quay đều tới xí nghiệp. Thấy vậy mà không phải vậy! Khi tăng giá, xăng “chẳng đi một mình” mà còn “kéo lê ì ạch cả đàn em đông đúc” các mặt hàng từ lương thực đến các nhu yếu phẩm… cũng đều tăng đồng loạt. Dường như có một quy luật bất thành văn nào đó! Rồi đây, tới lượt “những người khách không mời mà tới” nào giá điện, nước, phòng trọ cũng đỏng đảnh đòi ăn theo. Nghĩ tới đây, Tí chợt rùng mình trong căn phòng trọ đang nóng dần như bếp lò. Và rồi, Tí không sao chợp mắt tiếp được dù vẫn muốn chiều chuộng thân xác để “nướng” thêm một đỗi nữa cho tới khi mặt trời đứng bóng, hầu tiết kiệm được gói mì tôm nào nữa chăng!

Trời càng lúc càng tăng nhiệt, nhiều người trong dãy nhà trọ không ai bảo ai, lần lượt kéo nhau ra ngồi nấp bóng dưới những tán lá bạch đàn để trốn cái nóng hừng hực, vừa đỡ tốn tiền điện, lại có dịp để tán gẫu: nào là chuyện thất thường của thời tiết, chuyện thời sự trong khu xóm nhập cư, không thiếu chuyện về tình hình quê nhà đang trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Chưa hết, họ còn kể cho nhau nghe về chuyện gia đình hay những ký ức thời thơ ấu vui đùa nghịch ngợm với mấy đứa trẻ trâu cùng trang lứa. Nhờ vậy mà người miệt đồng bằng có thể biết chút ít về văn hóa vùng thượng lưu, kẻ sống trong Nam biết được chuyện tận ngoài Bắc. Chỉ bấy nhiêu thôi mà lần nào cũng đem ra “xào nấu” như tin nóng hổi vừa mới ra lò. Ngẫu hứng, ai đó trong nhóm bất chợt xen vào vài câu vọng cổ hay chuyện khôi hài, góp tiếng cười rôm rả cho vơi nỗi nhớ nhà. Mỗi khi một người trong nhóm bắt đầu kể chuyện thì những người còn lại đoán được mình sắp được nghe chuyện gì, thậm chí còn nhắc tuồng hay “vuốt đuôi”. Dẫu vậy, tất cả đều trân trọng nhau và lắng nghe há hốc miệng, vì họ biết rằng rồi sẽ tới lượt mình cũng đóng vai người kể chuyện. Thỉnh thoảng, họ cũng có những tin mới để chia sẻ cho nhau, nhưng thường thì đó là những tin mà cả người kể lẫn khán thính giả ước chi chẳng có để mà kể mà nghe: đó là chuyện “ông bà già” ở quê đau bệnh; chuyện căn nhà vừa bị tốc mái do trận bão vừa rồi; hay chuyện bầy vịt mà đứa em mới gầy được mấy tháng trước gặp phải trận dịch cúm chết tiệt làm mắc gió gần như cả đàn, đúng là “đã nghèo còn gặp cái eo”!

Cùng lúc ấy, Tí vẫn cố thủ trong bốn bức tường ngột ngạt. Mười lăm, ba mươi phút… rồi một tiếng đồng hồ… cũng vèo trôi qua. Bỗng có tiếng cốc… cốc… trên thành cửa thiếc. Tí vờ nằm im.

Lần này, tiếng gõ cửa kèm theo giọng gọi thật to: “Tí ơi”.

Thì ra thằng cu Tèo đồng hương đây mà. Mặc xác nó, Tí nói vọng ra, giọng nhừa nhựa:

- Ngày đại lễ của giới công nhân, cho tao ngủ thêm chút đi.

Nhưng giọng Tèo ra vẻ dứt khoát:

- Tao có chuyện vui cho mày đây, không mở cửa, tiếc ráng chịu.

 “Chú gấu lười” từ từ nhổm dậy, nét mặt ra vẻ đầy tò mò. Nhưng Tèo chẳng buồn bước vào “dinh thự” của Tí mà chỉ nói vọng vô:

- Nhanh lên, tao rủ mày đi chơi một ngày, đừng có nằm nướng nữa, sắp thành ổ bánh mì cháy khét rồi đó.

Tí lưỡng lự:

- Tao đang cháy túi. Còn mười ngày nữa mới lãnh lương.

Tèo ra vẻ đắc thắng:

- Mày khỏi lo, để tao!

Tí giật mình vì một thằng bị tụi bạn chọc là “quê ở mỏ than” như Tèo mà nay sao hào phóng sảng:

- Thôi đi ông tướng, bộ mới trúng số à? Hôm nay chứ không phải ngày Cá tháng Tư đâu mà định lừa tao.

Giọng cười thành tiếng của Tèo ra vẻ bí mật:

- Tao nói thiệt. Rủ thằng Long, Vũ và mấy anh chị em ngoài kia đi nữa.

Chẳng điều đình được với Tèo, “gấu lười” đành từ bỏ “giấc ngủ đông”. Đợi Tí rửa mặt xong, Tèo bảo:

- Tao nghe nói nhân dịp ngày Quốc tế Công nhân, cha xứ tổ chức “Ngày hội cho người xa quê”, mau thay quần áo rồi tao đèo mày lên tham gia. Để tao ra rủ mấy anh chị em “hội gốc bạch đàn” đi nữa cho vui.

Từ trước tới giờ, Tí rất nhút nhát, chẳng tham gia đoàn hội gì cả, lần này thử chí nam nhi xem sao… Mấy người ở dãy phòng trọ cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chẳng mấy chốc, những chiếc “xế điếc” lần lượt nối đuôi nhau tới nhà thờ gần đó theo sự chỉ đường của Tèo.

Tèo đạp xe đèo Tí từ từ tiến vào cửa nhà thờ. Xa xa, những nam thanh nữ tú trong các trang phục đủ sắc màu, khác hẳn bộ đồng phục công nhân với màu áo lam thường ngày, đang tập hợp nói cười râm ran. Tèo làm hướng dẫn viên giới thiệu nhóm của Tí với cha xứ và các tham dự viên. Sau giây phút làm quen, Tí và anh chị em cùng dãy nhà trọ mau chóng hòa nhập vào đám đông ấy.

Chương trình thật sinh động và dày đặc được cha xứ, quý thầy, quý dì cùng ban Hội đồng giáo xứ và các hội đoàn lên kế hoạch thực hiện thật chu đáo cho một “Ngày hội ngộ”: nào là sinh hoạt, vui chơi, thi đua giáo lý, ca hát, chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, một bữa cơm nối kết tình thân giữa kẻ ở sông Hồng với người ở Cửu Long giang. Nhờ vậy mà những người công nhân thấy mình được quan tâm, và dần dần họ trở nên năng động hơn, tham gia nhiệt tình, nói cười tíu tít, quen thêm nhiều bạn mới cũng như gặp lại đồng hương. Các bạn ở dãy phòng trọ của Tí trước nay vốn xa lạ với nơi nhà thờ nhà thánh, thậm chí dịp Noel rộn ràng nhưng thường thì họ phải tăng ca, chỉ có một đôi lần tan ca về sớm nhưng cũng chỉ dám đứng xa xa xem diễn nguyện Mừng Chúa Giáng Sinh, nay có dịp đặt chân tới nhà thờ, họ thấy nơi đây như một “ngôi nhà chung” rộng cửa chào đón mọi người tới tìm gặp sự an bình.

Cuối ngày Hội ngộ, cha xứ dâng Thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ, bổn mạng của người lao động, để cầu nguyện cho các công nhân-viên chức, không phân biệt lương giáo. Với “Nghi thức Sai đi” ở cuối chương trình, cha xứ mời gọi mọi người tiếp tục về lại nơi mình sống và làm việc thường ngày để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh bằng chính đời sống yêu thương và chân thật của mình nơi công sở, nơi xí nghiệp và trong khu xóm. Các tham dự viên tạm biệt nhau trong sự quyến luyến như muốn thời gian ngừng trôi để ngày họp mặt được kéo dài thêm, thêm nữa…

Về lại phòng trọ, điện cũng bị cúp như thỉnh thoảng vẫn thường xảy ra và bầu không khí cũng còn oi bức, và cũng những con người quen thuộc ấy lại tụ tập với nhau dưới tán cây bạch đàn khi có dịp. Nhưng chiều nay, trong lòng mỗi người cảm thấy dường như cây bạch đàn nhả khí ôxy nhiều hơn, cây vẫn rũ lá nhưng dường như lại có cơn gió bất chợt thổi quanh gốc bạch đàn, và câu chuyện đã có phần khởi sắc hơn. Lúc này đây, ai cũng muốn mình là người được kể chuyện: người thì kể chuyện quen được bạn mới; người khác thuật lại trò chơi ban trưa cười muốn lộn ruột; người khác nữa chân thành: “Hôm nay không biết sao tui ăn cơm tới ba chén, thường ngày sức ăn đâu dữ vậy!”; và anh nọ cũng chia sẻ: “Nghe nói ông cha thì sợ nhưng nay có dịp tiếp xúc thấy ông cha dễ thương”; cô kia thì khen: “Mấy người đi tu sao vui tính chứ không âu sầu như mình tưởng”; cô khác chen vào: “Người Công giáo tích cực trong việc bác ái hén”… Và còn biết bao câu chuyện, cảm nghiệm hiện rõ nét vui tươi hớn hở trên khuôn mặt mỗi người. Có một điều trước nay vẫn vậy, đó là họ cũng vẫn trân trọng nhau, nhường nhau và lắng nghe khi có người kể chuyện. Lúc này đây, dù là người ngồi nghe, nhưng chính mỗi người trong họ cảm nghiệm điều bạn mình chia sẻ cũng thay cho lời mình muốn nói. Đâu đó, Tí còn tự hào khi nghe được người bạn lương dân kế bên căn phòng trọ của Tí chia sẻ: “Giờ mới biết những công nhân như mình cũng có ông thánh Giuse phù hộ, nên bữa cháo bữa rau mà mình vẫn sống nỗi”, và “Hài Nhi Giêsu mà hôm bữa đứa nào kể sinh ra trong hang bò lừa nghèo nàn thì ra chính là Chúa Phục Sinh”.

Riêng với Tí, điều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cậu là phần chia sẻ về những cơ cực trong đời sống người công nhân xa quê, sự tương thân tương ái, và cách chia sẻ Lời Chúa mà người công nhân có thể thực hiện được trong xóm trọ. Nhờ lời Thánh Vịnh 118, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, Tí và Tèo cũng như anh chị em công nhân Công giáo từ nay tranh thủ dành ra một buổi trong tuần tập trung dưới tán cây bạch đàn ấy chia sẻ Lời Chúa, để tập sống Lời Chúa của Chúa nhật trong suốt một tuần, và giúp họ có cơ hội khám phá Tin Mừng mà Chúa Kitô phục sinh đã trao lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Sau ngày đó, Tí trở nên năng động hơn, nhiệt thành hơn; và nhất là, Tí đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô bằng việc giúp đỡ đồng nghiệp và những người trong lối xóm mà trong lòng Tí cũng như người tham dự hãy còn vang vọng lời mời gọi của cha xứ, trích từ lời chia sẻ của vị Chân phước Giáo hoàng Phaolô đệ VI: “Ngày nay, người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy”.

“Màu áo lam” nay đã phát huy được ý nghĩa màu sắc của nó: một màu áo của tinh thần trẻ, đầy sức sống và lòng hăng say của người môn đệ Chúa Kitô. Một điều đặc biệt không kém, hiện nay, Tí đã trở thành một ca viên trong ca đoàn giáo xứ, điều mà trước đây Tí chỉ dám tự hát cho chính mình nghe sau khi tiếng xe đạp cót két của người bạn cùng phòng ra tới cuối ngõ để vào ca.

Mã số: 16-043

NGƯỜI HÀNH KHẤT

Cứ tầm lễ sáng xong, khuôn viên nhà thờ trở lại yên ắng, người ta lại thấy một gã đàn ông, mặc bộ đồ gụ bạc thếch, yên lặng đứng ở thềm đá, trước tiền sảnh nhà thờ. Dưới chân gã chiếc nón lá đã bật vành úp lên cái bao tai, để thò ra ngoài cây gậy tre nhẵn bóng. Bất luận trời mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè, cứ giờ ấy, tầm ấy là y như lại có mặt gã. Ban sáng người đi chợ, người đi làm đồng qua, tất cả như vô tâm! Người làng đạo quen đến nỗi chả ai để ý xem cái lão (hâm) ấy đang làm gì, họa hoằn có mấy đứa trẻ ranh nhà ở gần, chờ lúc lão chắp tay, mất hồn vào tượng Chúa, chúng mới khom người đụng vào cây gậy của lão rồi reo lên:

-A ông ăn xin!

Và cùng lúc từ miệng ông thốt ra lời kinh nhật tụng:

- Xin Chúa cho con lương thực hàng ngày!

Bây giờ thì ông không còn nữa. Ông chết cũng được đến mấy năm.

Ngày còn học cấp hai, một trưa đi về, mẹ từ dưới bếp lên bảo tôi:

- Ông Phan sắp chết rồi con à.

Tôi lạnh cả người. Quái lạ! Hồi sáng đi học, tôi đạp xe qua nhà thờ, vẫn nhìn thấy ông chắp tay trước tượng Chúa, chỗ thềm đá nơi ông thường đứng, vẫn cái nón ấp lên bao tải và một chiếc gậy. Sao lại nhanh vậy ta? Tôi chưa kịp trả lời mẹ lại tiếp:

- Hồi nãy ông quản Hòa qua đây tìm con, rước cha kẻ liệt, ông bảo sáng có người đi chợ phiên, đã thấy ông nằm bất động nơi ngã Ba Cung. Người ta thuê xe đưa ông về nhà, không biết chừ có đỡ hơn không, thật rõ tội nghiệp!

 Nhà ông cạnh nhà thờ, khi tôi đến, đã thấy người ra vào nhốn nháo, ai cũng muốn làm một việc gì đó cho người sắp ra đi, nhưng rồi ai cũng không có việc để làm, người này nhìn người kia tự hỏi.

Người nhà quê nhiệt tình trong mọi công việc, nhưng phải có người gánh vác, cầm càng. Đằng này ông độc thân, anh em xa gần không có. Nghe mẹ tôi kể lại, miếng vườn, ngôi nhà mà ông đang ở, là của một người đàn bà không chồng, tên là Ân. Bà xin ông trong một lần đi chợ, ở tít mạn Hoàng Mai, Nghệ An. Hai mẹ con sống với nhau bằng gánh hàng vặt của bà. Rồi ông nhập đạo. Khi tôi học cấp một, ông cũng ở tuổi bốn mươi. Đa phần người trong làng gọi ông là ông Phan. Người đàn bà tên Ân cũng không còn. Bẵng đi một dạo không thấy ông về làng, người làng đồn ông về quê, người ta hỏi ông có thật không. Ông trả lời: “Quê không có đạo chả về!”. Rồi ông cười. Mấy chiếc răng còn sót lại cũng cười theo.

 Buổi đầu ông sống nhờ vào sự bố thí của bà con xóm đạo. Lân la nhà này nhà nọ, rồi ông trở thành người ăn xin. Mà ông lại là người đoảng tính, nói cà lăm, nên người làng có câu : "Lắp bắp như gặp ông Phan".

Căn nhà lợp tranh, tuềnh toàng trống hoác, nền đất ẩm mốc, nhiều chỗ trũng ổ gà, là nơi đi về của ông. Một cái phản gỗ, vừa là nơi ngủ, nơi để ăn. Chỗ trang trọng nhất trong nhà ông là bàn thờ. Nơi có tượng Chúa đóng đinh. Dưới chân còn nguyên một cành hoa dong đỏ ối, chắc sáng nay trước khi đi ông mới bẻ từ mấy bụi dong trong vườn dâng Ngài.

Công việc trong  ngày của ông, hôm nào cũng vậy, cứ kinh sáng ở nhà thờ xong, dân làng đạo ai về nhà nấy, là y như lại thấy ông chắp tay đứng dưới tượng Chúa, bất kể trời nắng hay mưa, đọc thật to câu kinh mà khởi đầu cho ngày làm việc ông vẫn đọc: “Xin Chúa cho con hôm nay lương thực hàng ngày!”, rồi ông ra đi. Người vô tâm gọi ông là Phan “hâm”, ông cười… Không hâm mà đến nước phải đi xin ăn còn đem cho người khác! Ông bảo: Họ khổ mà. Ông cười, mấy cái răng còn lại cũng cười. Mặt ông dãn ra, hân hoan như người bắt được của ...

Bây giờ thì ông nằm đó, nơi tấm phản gỗ ông vẫn nằm, sau một ngày mệt nhọc hết làng này đến làng khác, có hôm về đến nhà, trong bao tải chỉ còn vài bắp ngô sống. Những thứ đáng giá trong lúc “hâm” ông đã đem cho nhừng người "họ khổ mà".

Hai tay giữ chặt lấy tượng Chúa, mắt nhắm nghiền, trên môi vẫn giật nhẹ như ông đang mơ…

Trăng đầu tháng cũng đã lên cao, dòng sữa bạc chảy tràn xuống căn nhà xiêu vẹo. Một khóm hoa dong đang mùa trổ hoa. Mảnh sân nhỏ, chật kín người ra vào.

Ở quê tôi, những năm trước đây thiếu linh mục, tiếng là giáo xứ, nhưng cả tháng không có lễ. Công việc nhà đạo một mình cha già Khuất coi, mà ngài lại ở tận giáo xứ Ba Làng, cách nơi tôi chừng hai chục cây số. Ngày nào cha cũng phải đi. Ba giáo hạt, mười hai giáo xứ, bao nhiêu là họ lẻ, với một linh mục đã già. Không có ơn Chúa, sức người làm làm sao kham được!

Con đường hàng ngày cha đi, cũng là con đường ông Phan đi hàng ngày. Nên với ông, cha vừa là cha,vừa là bạn. Ông biếu cha ngô, khoai, những thứ ông xin được, cha cho ông nắm cơm mà mỗi sáng chị nấu bếp đã gói sẵn trong lá chuối với ít muối vừng, để đến nơi làm việc ngài ăn trưa. Gặp hôm trời mưa, hai cha con cùng đi bộ, cha dắt xe đạp, ông bị gậy theo sau. Thật tội nghiệp, nên nghe tin có cha là y như ở đó đông kịt người, chỗ này lạy cha, chỗ kia lạy cha, cả trăm con người như bị thôi miên vào một người đang cúi sát xuống ông Phan. Tay đặt nhẹ lên tay ông. Ánh trăng soi rõ từng cử chỉ yêu thương của ngài, tự nhiên tim tôi thắt lại, có ai đó không nén được đã òa lên, xung quanh bao nhiêu người ràn rụa nước mắt. Trời ơi,… cha! Tiếng kêu như một kẻ chịu ơn mà không có gì để trả.

Mặt ông Phan như dãn ra, môi ông giật nhẹ. Chắc ông muốn nói gì đó nhưng không nói được. Bóng người hành khất vẫn trùm lên ông. Người bạn đường đang cúi sát xuống: Con có nghe được cha nói không?

Trăng vẫn vô tư chảy những dòng sữa trắng, soi rõ từng khuôn mặt đẫm lệ…

Mã số: 16-045

12 GIỜ!

Keng! Keng! Keng...! Chỉ chờ anh đồng hồ điểm đúng 12 giờ trưa là chị chuông vội vàng cất lên những tiếng lanh lảnh: Koong kính koong! Kính koong! Kính koong…! Thật nhịp nhàng làm sao! Dường như anh đồng hồ và chị chuông đã thỏa hiệp với nhau cứ đúng giờ ngọ là họ “hẹn hò” với nhau vậy. Rồi đến anh bình nước phép cũng không giấu nổi niềm vui làm chị ghế gần bên cũng phải ganh tị.

- Cậu có gì vui mà cứ đến giờ này lại cuống quýt lên vậy?- Chị ghế gằn giọng hỏi.

Anh bình đáp:

- Ôi! Chị không biết à, em đang sửa soạn chỉnh chu lại quần áo để đón các em thiếu nhi đến viếng Thánh Thể đó!

Chị ghế tỏ vẻ buồn rầu đáp lại:

- Thế à! Từ lâu lắm rồi tôi chẳng buồn chuẩn bị quần áo đẹp để đón bà con giáo dân đến tham dự Thánh lễ nữa rồi! Nhớ lại ngày nào sao mà vui đến vậy cơ chứ! Họ cứ nườm nượp đi thờ đi Lễ, dù mình cứ phải thường xuyên quần áo chỉnh tề đón họ, tuy mệt nhưng vẫn thấy vui anh bình ạ!

- Em cũng cùng cảnh như bác thôi mà! Chỉ mới đây các em thiếu nhi năng đi khấn trưa thôi, chứ còn trước kia thì em cũng có buồn chăm chút sắc đẹp gì đâu cơ chứ!- Anh bình trả lời chị ghế và tiếp: Chị thấy đấy, đời sống đạo ngày nay xuống dốc nhanh đến chóng cả mặt, họ có cần đến nhà thờ nữa đâu chứ, họ bỏ Chúa rồi chị ạ!

Chị ghế thêm vào:

- Họ viện đủ cớ để bỏ Chúa, anh bình ạ! Ban ngày thì lo kiếm tiền nuôi con, khi về đến nhà thì “lễ” ti-vi, nào là phim Tây phim ta thì còn đâu ra thời giờ mà đến nhà thờ nữa!

- Úi dào, đến con cái họ còn chẳng muốn cho đến nhà thờ nhiều nữa là! Họ viện đủ lý do: Nào là ở nhà học bài học vở để sau này kiếm cái nghề cái nghiệp mà sống, chứ cứ đến nhà thờ thì lấy gì mà ăn?Và còn biết bao nhiêu lý do lý trấu nữa chứ! Ôi, thật là...!- Anh bình tiếp lời.

- Thật tội nghiệp bọn trẻ, chúng có muốn sống đạo đức hơn cũng khó! Cứ thế này thì tương lai của trẻ sẽ thế nào đây? Chắc nhà thờ nhà thánh rồi cũng chỉ dành cho mấy cụ già thôi…!- Chị ghế thở dài và than phiền.

Chị ghế nói tiếp:

- Mùa Đông đã lạnh mà bây giờ nhà thờ thường vắng tanh thế này thì còn lạnh hơn biết chừng nào. Nhớ ngày nào nhà thờ cứ kín lấy là người, ôi sao mà ấm áp đến thế cơ chứ! Mà tôi lại ngồi ngay cạnh cửa sổ trống huếch trống hoác thế này thì sao mà chẳng co ro chứ!

“12 giờ hồi chuông vang réo rắt, 12 giờ hẹn em đi viếng Chúa, 12 giờ đạp xe mau lên nhé!...”. Đâu đó tiếng hát lanh lảnh của trẻ đang tiến gần làm đứt quãng câu chuyện, chị ghế liền hỏi:

- Có chuyện gì thế anh bình?

- Ôi, thôi chết! Mải nói chuyện với chị mà quên chuẩn bị để đón các em thiếu nhi đến viếng Thánh Thể. Các em đang trên đường tiến về nhà thờ đấy chị ạ!

Anh bình lên tiếng trả lời và nói tiếp:

- Chị biết không, vai trò của em quan trọng lắm đấy nhá! Mỗi lần các em thiếu nhi đến viếng Chúa là em lại có cơ hội giúp các em tuyên xưng Đức tin đấy nhá! Tuy nhỏ bé đứng khép nép bên cánh cửa, nhưng em mang nước Thánh đấy chị ạ! Ai bước qua cửa cũng đều đến bên em đứng nghiêm trang làm dấu Thánh giá: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”, rồi mới vào hoặc ra khỏi nhà thờ đấy! Vậy là vai trò của em cũng quan trọng đấy chứ, phải không chị?

Chị ghế nói với giọng trả lời cho xong: “Ừ, tôi biết vai trò của cậu là quan trọng rồi…!”. Và chị ghế thầm nghĩ: Ước gì mình được là hàng ghế giữa nhỉ, nếu được vậy thì mình cũng sẽ được đón các em, cũng vui sướng chẳng kém gì cái cậu bình loắt choắt này.

“Chị đang nghĩ ngợi gì vậy?”- Anh bình liền hỏi.

Chị ghế vội trả lời như vừa bị phát giác điều gì đó: “À không… Cậu chuẩn bị chỉnh tề chu đáo đi, các em thiếu nhi đến rồi đó!”.

“Vậy thôi chị nhá! Lúc khác mình lại nói chuyện, em chuẩn bị đón các em vào nhà thờ viếng Chúa đây!”- Anh bình đáp lại.

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ tư - 2016

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài: đợt này cuộc thi ưu tiên nhấn mạnh hai đề tài: Lòng Chúa thương xót – Việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo Việt Nam – Trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên (theo thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô); tuy nhiên vẫn nhận cả những bài viết ngoài hai đề tài ấy, miễn là có nội dung Kitô giáo.

6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.

8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.comgopnhattho@yahoo.com.

11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.

15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng

Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:

- một giải nhất:                                                   20.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải                                        12.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải                                            8.000.000 $VN

- 15 giải triển vọng, mỗi giải                              3.000.000 $VN

 

Tuyển tập truyện ngắn riêng

Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

 

Qui Nhơn, ngày 15-8-2015

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_ BẢN TIN 03
     CÚ NGÃ... ĐỔI ĐỜI ! Lm. Đaminh Hương Quất
     Cùng nhau đi hái lộc đầu năm_ Trần Văn Tân, S.J.
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016_BẢN TIN 02
     KITÔ HỮU LOAN BÁO TIN MỪNG_ Lm. Đaminh Trần Xuân Thảo
     Giáo xứ tôi thao thức TRƯỚC TIẾNG GỌI TRUYỀN GIÁO. MM Tân, S.J.
     TRUYỀN GIÁO DỄ HAY KHÓ? (sưu tập)
     LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi, Redemptoris Missio. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Chuyện truyền giáo: NHỮNG KỶ NIỆM VUI BUỒN VỀ HƯNG HÓA. Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
     DẠY GIÁO LÝ CHO NGƯỜI NHẬP CƯ