Thứ Bảy tuần 5 Mùa chay năm C
CHẾT THAY NGƯỜI KHÁC
Ga 11, 45-56
Trong tuần Cửu Nhật chuẩn bị Đại Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam tại Sở Kiện. Ngày thứ ba trong tuần cửu nhật đã mời gọi mọi người chiêm ngắm các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những bậc tiền nhân đã trở nên chứng nhân đức tin anh dũng của Giáo Hội. Chúa yêu thương dân tộc Việt Nam đến cùng; Chúa ban ơn đức tin cho nhiều người Việt Nam qua lời loan báo Tin Mừng của những vị thừa sai với hàng Giáo Phẩm được thành lập năm 1960. Đó là những lý do để chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vì qua cái chết hiến thân của các Ngài mà nhiều người Việt Nam đã được qui tụ vào trong Giáo Hội.
Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất là Thiên Chúa hằng sống. Trong thời Cựu Ước qua miệng Ngôn Sứ Ezêkiel, Thiên Chúa nói : “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó… và chỉ có một vua là vua tất cả” (Ed 37, 21). Điều Thiên Chúa nói là Ngài làm, đúng như lời Kinh thánh : “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi, nhưng là để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối : “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên với Ta”.
Hôm nay chúng ta đang chuẩn bị bước vào Tuần Thánh. Thầy Chí Thánh cũng đã mời gọi chúng ta vác thập gía hàng ngày của mỗi người mà bước theo Ngài. Đón nhận thập gía ấy bằng tất cả tình yêu là trở thành chứng nhân anh dũng như các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, từ “martus” : tử đạo chính là làm chứng. Còn cốt tủy của đời làm chứng là tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho tất cả anh em như Đức Giêsu, vị Tử Đạo đầu tiên đã làm nhân chứng mẫu mực cho tình yêu.
Thập gía hằng ngày của ta là tất cả những nỗi khổ nhục, vất vả, thất bại trong cuộc sống, là những nỗi bất hạnh, bệnh tật, gìa yếu của đời người. Chúng luôn mang tính cách tiêu cực mà chẳng ai muốn đón nhận, vì ai cũng muốn sống hạnh phúc, nhàn hạ, khoẻ mạnh, an lành. Nhưng khi ta vui lòng đón nhận chúng với tất cả niềm tin dâng về Chúa và tình yêu dành cho người anh em thì thập gía lại trở thành Thánh Gía. Từ đó thánh gía này mang lại những gía trị cứu độ lớn lao cho ta cũng như cho tất cả, vì ta đang hoàn thành nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy mà Giáo Hội cổ võ lòng yêu mến và tôn sùng Thánh Gía.
Tuy nhiên, Thập gía chỉ trở thành Thánh Gía nếu trên đó có Đức Giêsu bị đóng đinh, vì Ngài là Thiên Chúa chí thánh. Chỉ có Ngài có sức thánh hóa các thập gía đời ta. Muốn có Đức Giêsu gắn mình vào thập gía đó, ta phải yêu quý nó, chứ không phải chịu đựng bất đắc dĩ, vì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì yêu Chúa Cha và anh em, Ngài đã đón nhận thập gía đời mình. Ta cũng được mời gọi để yêu quý và thực hiện bằng tất cả con người, dù là những công việc có vẻ nhàm chán thường ngày cũng như những bất hạnh rủi ro …, nên như một chứng từ của tình yêu chứ không phải như một chứng từ bất đắc dĩ. Chính khi làm được điều đó, ta mới cảm thấy sức mạnh cứu độ diệu kỳ của thánh gía đời mình.
Kinh nghiệm đau khổ cho ta thấy rằng chỉ khi biết kết hợp đau khổ đời mình với Đức Kitô, thì đau khổ sẽ được Ngài biến đổi thành niềm vui ơn cứu độ, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cảm nghiệm sâu sắc về kinh nghiệm thiêng liêng đó. Vì thế chúng hãy noi theo các Thánh Tử Đạo Việt Nam, rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và nhiệt thành cổ võ lòng yêu mến Thánh Gía Ngài.
Thật lạ lùng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thay thế cho mọi người, và vô tình sự tính toán vụ lợi của con người đã giúp Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài. Chúng ta cũng hãy xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa, biết hy sinh hơn để dấn thân phục vụ như lời thánh Phanxico dạy chúng ta : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Lm. Giuse Lại Anh Tuấn