Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 5 CHAY NĂM C

Chúng ta có dấn thân trên con đường Sám Hối không? Nếu chúng ta sáng suốt, chúng ta sẽ nhận ra rằng lời mời gọi Sám Hối liên can đến chúng ta trong mức độ mà chúng ta xét đoán người khác. Chúng ta tự giam mình trong những nguyên tắc cứng nhắc, còn Chúa Giê su, đấng thanh sạch tuyệt vời, chỉ bày tỏ lòng Thương Xót và Kiên trì. Lễ Phục sinh gần đến, càng phải khẩn thiết cầu nguyện cho việc Sám Hối của chúng ta.

Sách Tiên tri Is 43,16-21

Trong cuộc lưu đày ở Ba by lon, người Do thái mơ về quá khứ vinh quang của họ. Một Tiên tri mời họ hướng về Tương lai. Không bao lâu nữa, Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc Xuất hành mới bằng cách đưa dân Người trở về quê hương ngang qua sa mạc. Tuy nhiên, cuộc Trở về phải kèm theo một cuộc Sám Hối trong cuộc sống.

Thánh Vịnh 125

Cuộc trở về từ Đất Hứa, cuộc xuất hành mới, cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Một lần nữa giải phóng dân Người sau cơn thử thách. Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan.

Thư gửi tín hữu Phi líp phê 3,8-14

Bị chinh phục bởi cuộc khám phá Đức Ki tô, thánh Phao lô giờ đây coi những lợi lộc của cuộc sống trước kia của ngài chỉ như rơm rác. Trước kia, ngài đã xác tín rằng nhờ vào Lề luật con người được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng khi đã khám phá sự bất hạnh của mình, ngài đã nhận ra thế nào là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Sau khi đã nhận thấy tương quan đích thực với Thiên Chúa Tình yêu, ngài không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Đức Ki tô và Đức Ki tô đã trở thành động lực cho cuộc sống.

Tin mừng Ga 8, 1-11

NGỮ CẢNH

Có lẽ đoạn Tin mừng nầy không phải của Gioan: văn phong đúng hơn là của Luca. Cấu trúc của nó giống cấu trúc thường thấy trong Tin Mừng Nhất Lãm: một câu truyện ngắn đề cao một câu nói của Chúa Giê su. Đàng khác chúng ta cũng biết Luca quan tâm đến nữ giới và lòng thương xót của Chúa Giê su đối với các tội nhân.

Tuy nhiên đoạn văn nầy vẫn có thể được nằm trong dàn bài tổng quát là cho thấy các âm mưu mà các địch thủ bày ra để gày bẫy nhằm tố cáo Chúa Giê su. Dựa trên một sự kiện chính xác “đang phạm tội ngoại tình”, và cái bẫy giương ra: “Luật dạy..”, “còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Trước tiên Chúa Giê su từ chối trả lời họ (8,6), kế đến Ngài hỏi vặn lại (8,7) khiến cho các địch thủ bị đặt trước lương tâm của mình nên rút lui từng người một (8,7-9). Bấy giờ Chúa Giê su cho biết ý kiến rằng Ngài cũng không kết án, nhưng tin vào tự do con người (8,10-11).

TÌM HIỂU

Núi Ô liu: việc Chúa Giê su đi lại từ núi Ô liu đến Đền thờ cũng được Luca nói đến 21,37-38, trong những ngày gần Tiệc li. Có lẽ tại đó tác giả đặt cảnh cho câu truyện nầy, như một vài thủ bản cổ gợi ý.

Các kinh sư: trong sách tin mừng Gioan, chỉ ở đây người ta mới nhắc đến các kinh sư, trong khi Nhất lãm thường xuyên nhắc tới họ như là đối thủ của Chúa Giê su.

Sách Luật: luật nầy gồm bộ luật hình sự áp dụng cho nhiều hình thức ngoại tình (Lv 20; Đnl 22). Hình phạt dự kiến là tử hình cho những kẻ tòng phạm. Các ký lục và Biệt phái dựa trên hai đoạn văn: một là đoạn Lv 20 ra lệnh giết chết người đàn ông và người đàn bà ngoại tình, và kế đến là đoạn Đnl 22,22-24 dạy ném đá người đàn bà ngoại tình với tòng phạm. Sự nghiêm khắc của Lề Luật tương phản gay gắt với lòng nhân từ mà Chúa Giê su rao giảng. Đây là cơ hội tốt để bắt bí Ngài, họ nghĩ thế. Nếu không theo Lề Luật, Ngài sẽ bị tố cáo phạm pháp; còn nếu theo Lề Luật, danh tiếng và giáo thuyết của Ngài về lòng nhân từ sẽ bị sụp đổ.

Thầy nghĩ sao ?: câu hỏi nầy vừa kín đáo khiêu khích Chúa Giê su chống lại Luật Môi sê, vừa công nhận giáo lí về lòng nhân từ của ngài. « Là người dạy ơn tha thứ của Thiên Chúa, là người đến để tìm kiếm kẻ tội lỗi, Thầy dạy sao về trường hợp nầy ? ».

Thử Ngài: ngoài cái bẫy luật do thái-luật la mã, Chúa Giê su còn bị gày một bẫy khác nguy hiểm hơn nhiều; nếu Ngài chống lại luật do thái, thì Ngài mâu thuẫn với giáo huấn của chính ngài về sự bất khả phân li của hôn nhân (Mc 10,1-12).

Viết trên đất: một cách để cho thấy câu hỏi đặt ra không ăn nhập gì tới mình ? hay chỉ là một lúc tạm ngưng để tăng giá trị cho câu trả lời và làm cho mọi người chú ý để mỗi người có thể tiếp nhận?

Ném trước đi: một khoản luật trong Đnl (17,5-7) buộc các nhân chứng tố cáo phải là người ném đá đầu tiên, rồi sau đó đám đông sẽ làm theo. Chúa Giê su đưa họ về thực tế: mời gọi họ tự coi mình là tội nhân và xét xử chính bản thân mình trước.

Lại viết: X. Câu 6, Chúa Giê su bắt đầu viết trên mặt đất để cho mọi người có thời gian đối diện với lương tâm của mình.

Người lớn tuổi: kiểu nói nầy không nhất thiết chỉ những người cao tuổi, nhưng có thể chỉ một người có trách nhiệm và thực hiện chức năng xét xử. Trong Đn 13,5.50, hai vị « trưởng lão », vu khống Suzanna là những vị thẩm phán hơn là những ông già.

Họ đâu cả rồi ?: bài học mà Chúa Giê su đưa ra đã có kết quả. Họ không thể tiếp tục hành vi lên án khi đứng trước « đấng đã đến để cứu độ những kẻ bị mất » (Lc 19,10), đấng mà Thiên Chúa « đã sai đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu» (3,17).

Không ai: do vậy không có một lời kết án nào của hội đồng Do thái. Đây là trường hợp vụng về mà người ta dựng lên để chống lại Chúa Giê su. Nếu không, những kẻ gắn bó với lề luật nầy đã ném đá rồi (x. Ga 10,31-33; 11,8 và Cv 7,57-59)

Từ nay đừng phạm tội nữa: Chúa Giê su không kết án mà cũng không chấp nhận tội lỗi. Ngài tha thứ và ban lại lòng tin. Ngài không hỏi cô có thống hối không và không giao việc đền tội. Ngài giải thoát cô mà không kèm theo một điều kiện nào, chỉ ban cho cô lí do để tin và hy vọng vào chính mình.

Bản văn nầy hoà điệu với các xác quyết quan trọng của Phaolô trong thư Rôma: « Mọi người đều đã phạm tội » (3,9), cả người Do Thái, nhân danh lề luật để xét xử các tội nhân (2,1.17). Nhưng người ki tô hữu, được giải thoát một cách nhưng không, không thể tiếp tục sống trong tội lỗi (6,1-2).

SỨ ĐIỆP

Phần mở đầu tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giê su trở lại đền thờ Giê ru sa lem, và bắt đầu giảng dạy dân chúng. Bấy giờ các luật sĩ và người Pha ri sêu dẫn đến cho Ngài một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, họ gài bẫy Ngài bằng câu hỏi: “Thầy nghĩ sao về trường hợp ấy?”.

Câu hỏi ấy luôn có tinh thời sự: “Thầy nghĩ sao về những kẻ chuyên làm giàu trên xương máu của những kẻ nghèo khổ? Thầy nghĩ sao về những kẻ quyền thế áp bức những người yếu? Thầy nghĩ sao về... bản kê khai có thể kéo dài. Chúng ta dễ có cùng cảm nghĩ như những người luật sĩ và Pha ri sêu: họ xứng đáng bị trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng hôm nay điều quan trọng không phải là dừng lại ở điều mà chúng ta cho là đúng, nhưng tìm hiểu Lời Chúa nói như thế nào và để cho Lời ấy mời gọi chúng ta.

Tất cả chúng ta đều nhận rằng thật khó mà có cái nhìn của Thiên Chúa về những người chung quanh. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ xấu về người khác, phê bình họ, nhận chìm họ sâu hơn trong quá khứ và tai tiếng của họ. Ngày hôm nay Chúa Giê su muốn cho chúng ta hiểu rằng thái độ đó cực kì tai hại. Nó đầu độc bầu khí lẽ ra phải trở nên thân hữu, và làm cho cuộc sống chung trở nên nặng nề. Cuối cùng tất cả sẽ quay lại chống đối người đã nói ra những điều xấu xa như thế.

Nếu đi sâu hơn vào nội dung của bài tin mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận thấy câu trả lời của Chúa Giê su khiến người nghe phải ngạc nhiên: nó không nhắm tới người phạm tội, nhưng muốn thức tỉnh những ai muốn nhân danh lề luật lên án người ấy. Tất cả được mời gọi nhìn về chính mình: “Ai không có tội, hãy ném đá người nầy trước đi”. Và Tin mừng kể lại, tất cả đều rút lui, bắt đầu từ những người nhiều tuổi nhất.

Chúng ta phải nhận thức rõ rằng trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Ngày hôm nay, Ngài tiếp tục mời gọi chúng ta suy nghĩ về chính mình. Khi nghiêm khắc lên án những kẻ phạm tội, thì đồng thời chúng ta cũng lên án chính mình. Lường nào mà chúng ta dùng cho họ, sẽ được dùng để đo chúng ta. Chúng ta là ai mà lên án người khác trong khi chúng ta rất cần được người khác tha thứ.

Những kẻ nắm giữ lề luật lặng lẽ rút lui sau khi lén bỏ những cục đá mà họ cầm trên tay xuống đất. Những lời cuối cùng của Chúa Giê su nhắm đến người phụ nữ: “Cả tôi, tôi cũng không kết án chị. Hãy đi về và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Qua câu nói nầy, Chúa Giê su không tán thành tội lỗi: Ngài không biện minh cho sự xấu. Tội muôn đời vẫn là tội và cần phải bị diệt trừ. Nhưng người có tội luôn luôn là một con người mà Chúa Giê su muốn cứu vớt. Ngài đến để tất cả được sống và được sống dồi dào.

Ai trong chúng ta cũng có thể tưởng tượng niềm vui của người phụ nữ đứng trước mặt Chúa Giê su. Trước hết, chị thoát khỏi một cái chết thảm khốc. Nhưng điều quan trọng hơn là một con đường mới mở ra trước mắt. Chị cảm nhận được rằng mình đã được yêu thương vượt quá tội lỗi của mình. Nhờ sự tha thứ của Chúa Giê su, chị không còn bị giam hãm trong chính quá tối tăm, trong sự bất trung và tai tiếng của mình nữa. Chị đã tìm gặp một ai đó đã mở ra một con đường mới, cho phép mình bắt đầu lại trong niềm hi vọng; “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Tất cả chúng ta được mời gọi làm lại trải nghiệm ấy nơi tình yêu của Thiên Chúa, đặc biệt trong bí tích hòa giải. Đó là cơ hội cho phép chúng ta khám phá ra sự cao cả của tình yêu Chúa Giê su đối với chúng ta và anh em chúng ta. Ngài trước hết và trên hết là Đấng chỉ biết đi tìm cứu độ và nâng chúng ta chỗi dậy khỏi quá khứ lầm lỗi. Và nhất là, Ngài không bao giờ lẫn lộn chúng ta với tội lỗi của chúng ta. Ngài mở ra cho chúng ta một con đường chân lí và sự sống. Chúng ta không còn phải bận tâm hay bị ám ảnh bởi quá khứ đè nặng lương tâm chúng ta, nhưng quyết tâm hướng tới tương lai mà Thiên Chúa mở ra cho chúng ta.

Trong suốt mùa Chay nầy, Đức Ki tô đồng hành với chúng ta. Ngài ở đó “giữa cuộc đời chúng ta. Ngài sai chúng ta đi bằng một một lời đầy hi vọng: “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     LỄ KÍNH THÁNH GIUSE - THÁNH GIUSE- NGƯỜI GIA TRƯỞNG GƯƠNG MẪU - Jos. Tạ Duy Tuyền
     Thứ bảy Tuần 4 Mùa chay Năm C - ĐIỂM TỰA CỦA NIỀM TIN
     THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY NĂM C- GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG- Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan O.P
     THỨ NĂM, TUẦN IV MÙA CHAY NĂM C- CHỨNG NHÂN- Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư O.P
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN IV MÙA CHAY NĂM C - Jos. Tạ Duy Tuyền
     CHỦ NHẬT 4 MÙA CHAY - ƠN CHA - Jos. Tạ Duy Tuyền
     CHỦ NHẬT 4 MÙA CHAY - Paul. Nguyễn Văn Đông
     THỨ SÁU SAU CHỦ NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C - GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
     THỨ BA SAU CHỦ NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C - NHÌN RA NGÓN TAT THIÊN CHÚA - Nt. Maria Giuse, OP.
     CHỦ ĐỀ CHO BA NGÀY TĨNH TÂM MÙA CHAY - Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền