Thứ Hai Tuần II Mùa Chay Năm A
LÒNG NHÂN TỪ
LỜI CHÚA: Lc 6, 36-38
36 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.
SUY NIỆM
Zengetsu là một thiền sư chân chính, với các đệ tử muốn tu tập thành người, ông đã có những lời khuyên dạy như sau: -Sống trong thế gian nhưng không bám vào bụi đất thế gian, đó là đường thật của tu Thiền. Thấy việc thiện của một người thì hãy cố học theo. Nghe thấy lỗi lầm của người khác thì tự nhủ là không bắt chước. Dù ở một mình trong phòng cũng phải hành động như đang đối diện với một vị khách quí. Nghèo khó là kho báu, đừng bao giờ đổi nghèo khó lấy một đời sống dễ dãi.
Đừng đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài, trông họ có vẻ rất bình thường nhưng có thể họ là người hết sức thông thái. Đức hạnh là hoa trái của tự kỷ luật và phải tập luyện. Khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh. Hãy để người láng giềng khám phá ra con người của bạn hơn là bạn tự phô bày ra. Một trái tim cao thượng không bao giờ trả thù khi người khác xúc phạm đến mình, lời nói của nó có giá trị rất lớn như một viên ngọc quí.
Đối với một thiền sinh, sống thành thật là một ân phúc. Thời gian trôi qua nhưng thiền sinh không bao giờ trễ nải. Cả vinh quang cũng như nhục nhã đều không làm thiền sinh xao động. Khắt khe với chính mình nhưng quảng đại với người khác. Đừng bàn luận đúng hay sai. Giá trị của phẩm hạnh có thể được đón nhận sau nhiều thế hệ, nên chẳng vội phải nhận biết đúng sai tức thì.
Phẩm hạnh của một người luôn lấy đức Nhân làm gốc. Người có đức nhân thì sống vui vẻ hòa nhã, họ biết đặt lợi ích chung lên trên và mong muốn làm điều tốt cho người khác. Trong gia đình, đức nhân thể hiện ra bằng thái độ kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận, xóm giềng thân thiết.Ngoài xã hội, đức nhân thể hiện ở việc tuân thủ các luật lệ, giữ công bằng và không gây thiệt hại cho người khác.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên cách ứng xử của xã hội loài người mà vươn tới sự hoàn thiện đó là phải có lòng “Nhân Từ” như Thiên Chúa là Đấng rất mực nhân từ. Chúa Giêsu giải thích thêm, lòng nhân từ đó thể hiện qua thái độ không xét đoán người khác. Hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Hãy cho thì sẽ được cho lại với những đấu ân sủng đầy tràn.
Nội dung trong từng câu có ý tưởng song đối cân xứng chắc chắn như một chân lý, như khuôn vàng thước ngọc dành cho người môn đệ trong cách đối nhân xử thế. Thái độ cần phải có: “Hãy có lòng nhân từ. Hãy tha thứ. Hãy cho đi”. Thái độ phải tránh đó là “Đừng xét đoán. Đừng lên án”.
Thiên Chúa sẽ trả cho ta tất cả những gì ta đã làm cho người khác.Vì thế những gì chúng ta muốn Thiên Chúa thực hiện thì trước hết chúng ta phải làm cho người khác trước. Khi ta xét đoán và lên án người khác là ta đã đặt mình lên trên họ như một vị quan tòa. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, còn chúng ta là phàm nhân cũng đầy lầm lỗi yếu đuối nên không được xét đoán tha nhân.
Lòng nhân từ còn mời gọi chúng ta tha thứ cho người khác vì chính chúng ta cũng cần được Thiên Chúa thứ tha. Không ai trong chúng ta là người trong sạch ngoại trừ Thiên Chúa. Tội nguyên tổ đã di căn trên chúng ta khiến chúng ta phải đau khổ và phải chết. Chỉ có ơn công chính của Thiên Chúa mới rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại. Vì thế muốn được Thiên Chúa tha thứ chính chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa nhưng nó chỉ được thực hiện khi chúng ta mở lòng đón nhận và tha thứ cho người khác. Quả thực, lòng quảng đại của Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn nếu chúng ta biết khiêm tốn cầu xin. Việc thi hành lòng nhân từ còn là thái độ chia sẻ với tha nhân. Chia sẻ không làm chúng ta hao mòn mất mát nhưng để được phong phú hóa, được lớn lên trong ân sủng và tình yêu.
Ở một khía cạnh khác, lòng nhân từ còn được gọi là đức Mến, đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Như chiếc khăn được đan dệt bởi nhiều sợi chỉ ngang dọc làm nên tính bền chặt, đức mến thể hiện bằng mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nếu một trong hai tương quan đó gãy đổ thì chúng ta không thực thi được đức mến. Giáo hội dạy chúng ta một điều răn quan trọng nhất đó là mến Chúa yêu người. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng quyền năng đã tạo thành trời đất muôn vật. Người đã cho Con Một là Đức Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta phải yêu mến mọi người vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.
Như vậy, yêu mến tha nhân là thước đo lòng kính mến Thiên Chúa, vì như thánh Gioan đã khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Đức mến là cái gốc của mọi nhân đức. Nếu một người làm được những việc phi thường trong thiên hạ mà không có đức mến thì những việc đó chỉ vô ích, đó chỉ là nhà ảo thuật. Lời thánh Phaolô đã khẳng định: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần…, được ơn nói tiên tri…, có được đức tin chuyển núi dời non…, có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-3).
Yêu mến tha nhân là con đường dẫn đến với Thiên Chúa. Ai bước đi trên con đường ấy sẽ tìm thấy chân trời của Niềm Vui và Hạnh Phúc vĩnh cửu. Ước gì mỗi người chúng ta thấm nhuần lời Chúa dạy, không xét đoán và lên án người khác, dám quảng đại thứ tha và chia sẻ cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con vui bước trên con đường của Chúa với tất cả niềm hăng say yêu mến, để chúng con ra đi loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP