Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

THỨ 2 TUẦN 3 MÙA VỌNG C

LỄ KÍNH THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Trong Giáo Hội, chúng ta có nhiều thánh mang tên Gioan và mỗi vị có đặc sủng riêng. Chúng ta có thánh Gioan đi trước dọn đường cho Chúa bằng cách làm phép rửa nên được gọi là Gioan Tẩy giả hay Gioan tiền hô. Chúng ta có thánh Gioan được chính chúa Giêsu chọn trong số 12 tông đồ, sau này viết phúc âm thứ tư nên được gọi là Gioan tông đồ hay Gioan thánh sử. Chúng ta có thánh Gioan Bôscô được coi là thầy giới thanh thiếu niên vì ngài hiến dâng cuộc đời giáo dục thanh thiếu niên. Chúng ta có thánh Gioan Kim khẩu vì tài hùng biện lỗi lạc…Hôm nay chúng ta nói về một vị thánh có biệt hiệu là Gioan thánh giá vì lòng ngài yêu mến thập giá Đức Kitô.

Gioan sinh gần Avila, quê hương của Têrêsa Mẹ, về sau hai vị cộng tác với nhau trong việc canh tân Dòng Kín. Cha ngài làm thợ dệt, bị gia đình từ bỏ vì cưới một người vợ thuộc gia đình nghèo. Mẹ ngài là một phụ nữ thánh thiện, trở thành góa phụ sau khi sinh Gioan. Không nguồn lợi, với ba đứa con, bà phải làm thuê cho một người thợ dệt.

Bé Gioan tập học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa. Thừa hưởng lòng đạo đức của mẹ, cậu luôn đặt câu hỏi cho mình: “vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”. Cậu được học với các nữ tu ở Mêđina. Ở đây chẳng những được các nữ tu dạy chữ mà còn đào tạo về đức hạnh. Đặc biệt cậu thích sống khó nghèo và có lòng thương mến người nghèo.cậu thường theo các nữ tu đến bệnh viện, săn sóc bệnh nhân nghèo không ai giúp đỡ. Lớn lên, câu được gởi đến các cha dòng Tên để học văn chương và triết học. Chính trong thời gian ở đây, cậu thấy muốn dâng mình cho Chúa, và ao ước vào dòng khổ tu. Cậu tha thiết cầu nguyện để biết rõ ý định của Chúa. Năm 21 tuổi, chàng xin gia nhập dòng Camelo, và được gởi đi Salamanca để theo thần học. Năm 1567, được thụ phong linh mục, và ít lâu sau được gặp thánh Têrêsa. Thánh nữ mời ngài cộng tác thực hiện việc cải tổ dòng Camelô như thánh nữ đang làm. Ngài sẵn lòng trợ giúp. Thánh nữ nói với ngài: “Đây là công trình đòi hi sinh và máu, tôi không biết cha phải chịu đau khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ”. Trở thành người con thiêng liêng của vị nữ tu này, cha 25 tuổi, bà đã 52 tuổi. Bà gởi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch, và đây là nguồn gốc của dòng Camelô đi chân không. Thế là thánh nhân bắt đầu sống cuộc đời mới đầy gian khổ do công cuộc cân tân đem lại. Gioan muốn giúp các đan sĩ sống theo luật thánh Albertô trong tinh thần khó nghèo tuyệt đối. Sự khó nghèo thật khủng khiếp, chỉ sống bằng cây cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa. Nhiều người không chịu tuân theo và tìm đủ cách chống lại ngài. Ngài sống cách khác thường trong con mắt những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những ảnh hưởng giả dối, tạo cho họ một lòng yêu thích hi sinh. Sau khi chống lại đoàn thể các sinh viên Camelô ở Alcala, cha Gioan trở thành tuyên úy của tu viện Avvila trong 5 năm, thánh Têrêsa giới thiệu cha với các Ngài: “cha là một vị thánh”. Sự thánh thiện của cha vượt quá tầm hiểu biết của nhiều người khiến cha trở thành mục tiêu chống đối, việc cha canh tân bị tố cáo là nổi loạn. Năm 1577, các thày dòng nhóm chước giảm mang giày chống lại nhóm thầy dòng đi chân không. Họ bắt cha Gioan giam trong phòng tối và bỏ đói. Ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Gioan cảm thấy mình đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã được chịu nhục vì chính nghĩa canh tân. Trong hầm tối, ngài sáng tác những vần thơ bí nhiệm thành tuyển tập “bài ca thiêng liêng (cantiques spirituelles). Qua đau khổ và sỉ nhục, ngài củng cố lòng tin, tăng cường lòng mến và đời sống thần bí của ngài. Và khi được đau khổ và chịu sỉ nhục vì Chúa như vậy, ngài lấy làm vui mừng và hãnh diện, nên tự đặt cho mình tên Gioan thánh giá. Ngài tìm cách thoát ra khỏi ngục và đến trú ngụ tại tu viện Bêa. Trong thời gian ở đây, ngài đã viết quyển “Đường lên núi Camelô” là một trong những sách nổi tiếng nhất của ngài. Ngoài ra, ngài còn viết nhiều sách hướng dẫn đường thiêng liêng, với những ý tưởng thật sâu sắc uyên thâm, như những lời trích trong cuốn “bài ca thiêng liêng”: Ôi, chớ gì sau cùng mọi người hiểu biết rằng họ không thể nào đạt tới chiều sâu của các kho tàng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nếu trước đó đã không đi vào chiều sâu của lao nhọc, chịu đựng khổ sở nhiều cách, thậm chí phải từ bỏ cả những yên ủi và ước muốn riêng. Linh hồn nào mơ ước sự khôn ngoan đó của Thiên Chúa, thì trước hết phải ao ước đi vào con đường thập giá”. Vì thế thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Êphêsô” đừng ngã lòng trong khi bị thử thách để trở nên dũng mạnh, được đâm rễ và mọc sâu trong đức mến, hầu có thể cùng các thánh hiểu được thế nào là chiều rộng, chiều cao, chiều dài, chiều sâu, và biết được đức mến của Đức Kitô siêu vời cao vượt, để được no đầy trong sự viên mãn của Thiên Chúa. Bởi vì cửa dẫn vào kho tàng sung túc khôn ngoan của Thiên Chúa là thập giá, và cửa đó rất hẹp, nhiều người muốn hưởng những hoan lạc mà cửa đó có thể dẫn tới, nhưng rất ít người muốn đi qua cửa đó”.

Đức giáo hoàng và vua Philip II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ cha Gioan phải nhận nhiều trọng trách: ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Camelô Beza và ba năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính ngài xây dựng một thủy lộ, một tu viện. Cuối cùng, ngài trở thành tổng đại diện Andalousia. Lần kia, Gioan đã trả lời khi Chúa Giêsu hỏi ngài về phần thưởng ngài muốn, ngài thưa: “lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị kinh miệt vì Chúa”. Và Gioan đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết, và được chết trong khiêm hạ. Chúa đã nhận lời ngài. Những tháng năm bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể cha. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng, ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia ngài nói với người đói thoại: “xin lỗi, tôi không trả lời nổi,tôi bị đau nhức quá sức”. Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeaza, nơi người ta quí mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với ngài, Gioan đã chọn ở Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho ngài đau đớn thêm, nhưng Gioan cũng ôm chặt thánh giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin ngài tha thứ. Gioan báo trước mình sẽ chết vào đêm 14/12/1591. Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, ngài xin đọc sách Diễm tình ca. Các cơn đau đớn không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, Gioan cầm thánh giá nói: “Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay Chúa”. Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: “vào xế chiều cuộc sống này, bạn sẽ được phán xét về tình yêu”. Ngài được phong thánh năm 1726,và Đức Piô XI phong ngài làm tiến sĩ Hội thánh năm 1962.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng thánh nhan vinh hiển Chúa.

LM Long Thành


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn