Ngày 24 tháng 01 năm 2022
Thứ hai, tuần III Mùa Thường Niên
“Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”
(Mc 3, 22-30)
2 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem
xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa
thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn
mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể
bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể
vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự
chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp
của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và
lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha
cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì
chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô
uế ám.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
1.
“Người dựa thế quỷ vương”?
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay khởi đầu và kết
thúc với lời nói của các kinh sư, cho rằng Đức Giê-su bị Quỉ Vương Bê-en-dê-bun
ám:
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói
rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám.
(c. 22)
Đó là vì họ đã nói:
“ông ấy bị thần ô uế ám”.
(c. 30)
Ở phần trung tâm của bài Tin Mừng (c. 23-29), đó là lời
của Đức Giê-su. Trước hết, bằng “ngôn ngữ dụ ngôn”, Người mời gọi các kinh sư
hãy học biết “phân định thiêng liêng”, nghĩa là phân biệt những gì thuộc về
Thiên Chúa, nguồn của sự sống, ánh sáng và sự thiện và những gì thuộc về Satan,
đó là sự chết, bóng tối và sự dữ (c. 23-27).
Sau cùng, Người mặc khải bản chất tội lỗi ở mức độ
tuyệt đối, được hàm chứa trong lời nói đồng hóa Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên
Chúa với “Quỉ Vương” (c. 28-29).
2.
“Nước nào… nhà nào”
Đức Giê-su bắt đầu bằng cách dùng những hình ảnh
“một nước” và “một nhà”, để cho thấy nhận định của họ không phù hợp qui luật
của hiện hữu: ở mức độ cá thể hay tập thể, điều gì đã hiện hữu thì tự bản chất nó
muốn hiện hữu dài lâu và nếu có thể hiện hữu mãi mãi; và để hiện hữu, hữu thể
không thể tự chia rẽ, vì như thế sẽ dẫn đến hậu quả tự hủy diệt chính mình.
Chính vì thế, ma quỉ (tiếng Hi-lạp là diabolos;
tiếp đầu ngữ dia có nghĩa là chia rẽ),
nghĩa là “Kẻ Tố Cáo” thường gieo rắc nộc độc chia rẽ bằng hành vi tố cáo, để
hủy diệt sự sống của con người.
Những người tự biến mình thành tay sai của Satan, hay bị Satan chi phối mà
không ý thức, cũng hành động như thế.
Sau đó, ngang một dụ ngôn thật nhỏ, nhưng rất “xấu”
(tương tự như dụ ngôn người quản lí bất lương): “Không ai vào nhà một người
mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới
cướp sạch nhà nó” (c. 27), Đức Giê-su mời gọi người nghe nhận ra một mầu nhiệm
thật lớn và thật đẹp, đó là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta (x. Mt
12, 28 và Lc 11, 20).
Triều Đại Thiên Chúa đã đến ngang qua lời nói, hành
động và chính ngôi vị của Đức Giê-su, vì nếu Satan bị đẩy lùi và bị trừ khử, thì
chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi, chỉ có thể là “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt
12, 28), chỉ có thể là “ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11, 20). Hơn nữa, theo các
Tin Mừng Nhất Lãm, ngôn ngữ dụ ngôn được Đức Giê-su ưu tiên dùng để nói về Nước
Thiên Chúa, đến độ “dụ ngôn Tin Mừng” tự nó có nghĩa là Nước Thiên Chúa, và Đức
Giê-su chính là một “Dụ Ngôn” nói cho chúng ta một cách hoàn hảo về Thiên Chúa
và về Triều Đại của Người.
3.
“Nói phạm đến Thánh Thần”
Sau đó, Đức Giê-su mặc khải tính nghiêm trọng tuyệt
đối (nghĩa là không thể tha thứ) của tội nói phạm đến Thánh Thần. Cả ba Tin
Mừng Nhất lãm đều kể lại lời của Đức Giê-su, nói về điều này (Mt 12, 31-32; Lc
12, 10), nhưng Tin Mừng theo thánh Mác-cô xác định rõ nhất lí do tại sao: “Đó
là vì họ đã nói ông ấy bị thần ô uế ám”.
Nơi Đức Giê-su, Thánh Thần hiện diện cách trọn vẹn
(x. Mc 1, 12), vì Người là Con Thiên Chúa. Do đó, lời nói cho rằng Đức Giê-su
bị ám bởi Quỉ Vương, ẩn chứa tội phạm đến Thánh Thần, mà chính người nói cũng
không biết, như lời Tv 19 diễn tả: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19, 23); và chính Đức Giê-su
mặc khải trong cuộc Thương Khó: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc
họ làm” (Lc 23, 34).
Bởi lẽ ai có thể nói phạm đến Đấng tuyệt đối, ngoài
một “tuyệt đối” khác, đúng hơn một “cực điểm” khác là Satan? Tương tự như trong
mầu nhiệm Thương Khó, tương ứng với khuôn mặt của Sự Thiện tuyệt đối, rạng ngời
nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh, chính là Sự Dữ, bị buộc phải lộ ra nguyên hình,
khởi đi từ hành động của những con người cụ thể.
* * *
Như thế, lời của Đức Giê-su về tội phạm đến Thánh
Thần vừa làm cho chúng ta bình an và vừa chất vấn chúng ta: Tôi không thể phạm
đến Thánh Thần được, nhưng tôi có thể để cho Sự Dữ hoạt động ở trong tôi, nói ở
trong tôi, làm xúc phạm đến Thánh Thần. Chỉ có Đức Giê-su, Đấng tràn đầy Thánh
Thần, Lời và Mình Máu Thánh của Người, mới giải thoát tôi khỏi Sự Dữ và tái
sinh tôi trong Thánh Thần của Người mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn
Văn Lộc