Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 3

TẠI SAO LẠI CẦN SÁM HỐI?

diraogiang.jpg

Một số người thắc mắc tại sao Giáo Hội liên tục kêu gọi mọi người sám hối? Phải chăng Giáo Hội quá lẩm cẩm hoặc quá ám ảnh bởi tội nên Giáo Hội lặp lại nhiều lần như thế? Thưa – Giáo Hội không lẩm cẩm cũng không hề ám ánh bởi tình trạng tội lỗi trong thế gian, nhưng Giáo Hội như người mẹ, nhìn xa thấy trước và không muốn con mình rơi vào nguy hiểm bởi tội. Đàng khác, Giáo Hội như là “Xưởng Bảo Dưỡng Tâm Hồn” cho tất cả mọi người. Ngày nay khi sử dụng bất cứ thiết bị nào, nhất là các loại xe, nhà sản xuất luôn hướng dẫn cách sử dụng và còn bảo dưỡng định kỳ cho khách hàng. Một chiếc xe sẽ hoạt động an toàn, ổn định, bền lâu nếu được chăm sóc bảo dưỡng kiểm tra thường xuyên, như thay nhớt và kiểm tra máy móc thiết bị. Cũng vậy, nếu mỗi chúng ta đón nhận sự bảo dưỡng chăm sóc thường xuyên của Giáo Hội, chúng ta sẽ hoạt động cách hiệu quả trong cuộc đời mình, đem lại lợi ích cho bản thân và mọi người. Vì thế, hôm nay bước vào mùa Thường Niên, một lần nữa Lời Chúa lại mời gọi chúng ta: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Lời kêu gọi sám hối là lời mời gọi chính yếu được lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử cứu độ. Việc sám hối được thực hiện theo nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bài đọc một hôm nay nói về việc sám hối của dân thành Ninivê. Thành Ninivê được coi là một thành phố tội lỗi vì lối sống xa hoa hưởng thụ ăn chơi của dân thành, đã có lần Thiên Chúa nổi giận muốn tiêu diệt cả thành vì những tội lỗi ghê tởm của nó. Câu chuyện hôm nay kể lại: Thiên Chúa như một người cha nhân hậu, không muốn cho bất cứ người con nào phải chết, không muốn dân tộc nào bị huỷ diệt. Vì thế, Thiên Chúa đã sai tiên tri Giôna đến để kêu gọi dân thành sám hối, thay đổi lại đời sống để được Thiên Chúa xót thương tha thứ.

Tuy nhiên, Giôna không muốn cho dân Ninivê được tha thứ, ông tìm cách thoái thác lời mời gọi của Chúa và còn trốn tránh đi đến một vùng khác. Cuối cùng Thiên Chúa đã bắt buộc ông phải đến với dân Ninivê, ông rao giảng một cách miễn cưỡng vì nghĩ rằng, dân thành này không thể thay đổi đời sống của họ. Giôna chỉ mới đi một ngày đàng và kêu gọi mọi người hãy sám hối và tuyên bố: Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ. Thật lạ lùng, Thiên Chúa đã thay lòng đổi dạ cả dân thành, họ nghe lời giảng của Giôna, từ vua đến dân đều sám hối ăn chay đền tội. Thiên Chúa đã thấy họ từ bỏ đường gian ác để làm việc thiện, Thiên Chúa đã rút lại tai họa, Ngài không trừng phạt dân thành nữa.

Câu chuyện cho thấy, nhiều khi con người thất vọng về nhau, hoặc ngăn cản không tạo cơ hội và không muốn cho anh em mình thay đổi, nhưng với Thiên Chúa, không có gì là không thể thực hiện. Khi mỗi người chấp nhận sự thay đổi bản thân, từ bỏ điều xấu để làm điều tốt, họ có thể kéo được ơn tha thứ của Chúa xuống trên họ.

Khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai, rao giảng Tin Mừng, sứ điệp đầu tiên Người kêu gọi là: “Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Như vậy, Tin Mừng của Chúa Giêsu trước tiên là Tin Mừng của tình yêu thương và tha thứ. Những ai sám hối thì cũng đồng thời đón nhận được Tin Mừng là sự tha thứ của Thiên Chúa và được gia nhập vào vương quốc Nước Trời. Tin vào Tin Mừng chính là tin vào lòng bao dung thương xót của Thiên Chúa, thì sẽ được Thiên Chúa xót thương và thứ tha. Trong mắt của người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng vô cùng nghiêm khắc, nhưng nay Đức Giêsu giới thiệu cho họ một Thiên Chúa hết mực yêu thương và cảm thông. Qua đời sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu cho thấy chính Người là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa. Người sẽ thiết lập một triều đại mới, triều đại của tình yêu thương và ơn cứu rỗi.

Thánh Marcô đã kể lại những chàng trai đầu tiên đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu. Họ chấp nhận một cuộc từ bỏ và thay đổi hoàn toàn để bước theo Tin Mừng của Người: “Đang đi dọc bờ hồ Galilêa, Người thấy Simon và anh ông là Anre đang quăng lưới xuống biển, vì các anh làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người. Lập tức các anh bỏ chài lưới mà theo Người”.

Các chàng trai này đã bắt đầu một hành trình sám hối theo lời mời gọi của Chúa Giêsu và đã hoàn toàn tin vào Tin Mừng thương xót của Người. Việc sám hối, trước hết là dám thay đổi từ trong suy nghĩ đến việc làm, thay đổi toàn bộ cuộc đời để bước vào một giai đoạn mới. Như thế, có nghĩa là các chàng trai Simon và Anre đã nhanh chóng đáp lại lời mời gọi của Chúa, chấp nhận từ bỏ tất cả thuyền và lưới để bước vào một hành trình sám hối liên tục và liên tục thay đổi cuộc đời, để khám phá tình yêu thương của Thiên Chúa nơi con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Nếu như Simon và Anre đã chấp nhận từ bỏ thuyền và lưới là tài sản của các anh để bước theo lời mời gọi của Tin Mừng, thì hai anh em Gioan và Giacobê đẽ dám bỏ lại mối liên hệ ruột thịt là gia đình và các tình cảm cá nhân, bạn hữu để bước vào một con đường mới, con đường của Nước Trời.

Bốn chàng trai này đã đáp lại lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, họ đã dám từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu. Điều này cho thấy, việc sám hối không phải là việc chỉ dành cho người có tội, nhưng là việc hoán cải liên tục của tất cả mọi người, không ngừng làm mới bản thân theo khuôn mẫu của Tin Mừng.

Thánh Phaolô trong thư Côrintô chỉ cho ta cách sống thể hiện sự sám hối đó là sống siêu thoát, buông bỏ. Siêu thoát, buông bỏ không có nghĩa là sống trên mây, thiếu thực tế nhưng là dám sống: có như không có. Con người thường bị cám dỗ bám víu vào của cải vật chất và những cảm xúc tự nhiên, vì thế người ta tìm kiếm để thu tích và hưởng thụ cảm xúc. Nhưng thánh Phaolô khuyên chúng ta dám sống siêu thoát buông bỏ, tức là không để cho những vật chất và cảm xúc tự nhiên lôi cuốn và chi phối cuộc đời ta, khiến cho cuộc sống trở nên nặng nề trì trệ: “Ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy sống như không khóc; ai vui mừng, hãy sống như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì; người đang hưởng dùng hãy sống như không hưởng.

Thưa quý OBACE, nhiều khi chúng ta nghĩ việc sám hối là việc của những người có tội, những người xấu, còn ta vẫn đi nhà thờ, vẫn rước lễ đều đặn, không làm điều gì xấu, nên ta không cần phải sám hối. Nhưng, Lời Chúa hôm nay cho thấy lời mời gọi : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là lời mời gọi cho tất cả mọi người, người tốt cũng như người xấu.

Tất cả mỗi người đều được mời gọi thay đổi để bước theo sát Chúa Giêsu hơn và nên giống Chúa Giêsu hơn. Nói cách khác, sám hối theo gương của bốn môn đệ đầu tiên là chấp nhận từ bỏ mọi ràng buộc của vật chất, tình cảm để đi theo Chúa và được ở bên Chúa. Sám hối là dám để cho Chúa Giêsu bước vào cuộc đời của mình, để cho Người mở một trang mới, một cửa sổ mới trong cuộc đời của mình. Chúa Giêsu sẽ viết lên cuộc đời chúng ta bằng tình yêu thương của Người, và Ngài sẽ mở ra cho chúng ta một cái nhìn mới, cái nhìn của Tin Mừng, của lòng xót thương của Thiên Chúa. Từ đây, chúng ta sẽ sống theo một hành trình mới trong Vương quốc mới, nhìn nhau, cư xử với nhau theo cái nhìn của Chúa Chúa Giêsu và theo cách thức của Tin Mừng.

Nhiều khi chúng ta cũng giống như ông Giôna, không muốn thay đổi suy nghĩ của mình, không muốn người khác sám hối để được tha thứ và yêu thương, trái lại còn muốn Chúa trừng phạt người khác theo ý mình. Chúa đã bắt ông Giôna phải thay đổi suy nghĩ, buộc ông phải thay đổi hướng đi và chọn lựa cá nhân để làm theo ý Chúa. Khi ông hoàn toàn chấp nhận thuận theo ý Chúa, Chúa đã làm cho dân Ninivê thay đổi. Cũng vậy, là cha mẹ, chúng ta được mời gọi bắt đầu thay đổi cuộc sống cá nhân mình, thay đổi cách nghĩ, cách nói và cách cư xử với nhau trước,  chúng ta sẽ góp phần làm cho gia đình và cộng đoàn thay đổi.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc chúng ta sống sám hối bằng cách sống siêu thoát buông bỏ, để biết tín thác vào Chúa. Dù ta đang phải bươn chải với cuộc sống cơm áo gạo tiền, chúng ta vẫn được mời gọi sống tín thác vào Chúa, dám chọn Chúa làm cùng đích và là hạnh phúc đích thật cho cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa giúp ta biết thực hiện lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng mỗi ngày qua việc làm mới cuộc sống theo Tin Mừng của Chúa; xin cho chúng ta biết nhìn nhau theo cái nhìn của Chúa Giêsu và cư xử với nhau như Chúa cư xử với ta. Amen.

Lm Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời chúa Lễ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô, giám mục_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường - Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III - lúc Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Thường Niên Năm B - Lm Thái Nguyên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Thường Niên_ Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Chúa Nhật Mồng Hai Tết_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm C-LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa-Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên-Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc