Thứ sáu tuần I Thường Niên Năm C
ANH BẤT TOẠI VÀ QUYỀN THA TỘI CỦA CHÚA GIÊSU
Mc 2, 1-12
Theo Tin mừng Thánh Mac cô , Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng tại Caphanaum (Mc 1, 13-14) Ngài được đông đảo dân chúng ngưỡng mộ, khâm phục, và hết sức ngạc nhiên, sửng sốt bởi những lời Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền (Mc 1,22) và những phép lạ Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (Mc 1,34). Hôm nay, nghe tin Ngài trở lại thành Caphanaum và đang ở nhà (Mc 2,1), dân chúng lập tức ùn ùn kéo đến, đông đến nỗi không còn chỗ nữa, cả ngoài cửa cũng không còn (Mc 2,2) , họ đã tạo thành một vành đai quanh Chúa Giêsu chắc chắn đến nỗi bốn thân nhân của anh bại liệt khiêng anh đến “gặp” Chúa nhưng không thể nào chọc thủng vành đai người để đưa anh đến gần Chúa được ( Mc 2,4). Đứng trước tình thế này, họ đã “dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống” Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu đã dùng quyền tha tội và chữa lành anh: “Này con, con đã được tha tội rồi.”
Chúng ta biết anh bị bệnh bất toại này, tức bị bại liệt, bất lực. Anh ta cũng như thân nhân mong được Chúa chữa lành thể xác cho anh. Chúa biết rất rõ nỗi khổ tâm bấy lâu nay và sự chờ mong ấy của họ. Nhưng tại sao Chúa lại nói lời tha tội? Có phải anh ta đang mắc tội nặng lắm hay sao?
Chúng ta thử tìm hiểu quan niệm về bệnh tật của người Do thái bấy giờ để hiểu ý Chúa. Theo họ, bệnh tật, đặc biệt là bệnh bại liệt là dấu chỉ người bệnh đã phạm tội (Lv 21,16 – 21) và bệnh càng nặng chứng tỏ tội càng nhiều, càng nặng. Phần bạn, bạn nghĩ thế nào về điều này?
Riêng Chúa Giêsu , Ngài không tán thành luật lệ; bệnh tật và tội lỗi là hai vấn đề khác nhau, không liên quan với nhau. Có thể, có những người vừa mắc tội vừa bị bệnh. Có những người có tội nhưng chẳng bị bệnh gì, hoặc có những người bệnh tật nhưng không phạm tội. Vậy điều Chúa muốn minh chứng cho mọi người cũng như các đồ đệ của Ngài biết là Ngài có quyền tha tội. Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Messia, Đấng cứu độ trần gian, Đấng giàu lòng thương xót, từ bi và tha thứ.
Thật vậy, đối với người Do thái chì có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, bằng chứng là Ngài đã tha tội và chữa lành để giải đáp những thành kiến, những nghi vấn trong lòng họ. Chúa đã thực hiện cả hai việc: vừa tha tội “này con, con đã được tha tội rồi.”, vừa chữa lành “ hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”
Vì thế điều kiện tiên quyết để gặp Chúa mà lãnh ơn cứu độ là tin tưởng, phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Chúa. Như anh bất toại, đức tin của chúng ta rất cần đến sự giúp đỡ của anh chị em xung quanh. Dù chỉ là một lời cầu nguyện đơn sơ hay những cử chỉ yêu thương bé nhỏ hằng ngày của họ cũng đủ để kéo lòng thương xót, tình yêu và ân sủng của Chúa trên chúng ta. Đó chẳng phải là đặc tính của niềm tin và tình yêu Ki tô giáo chúng ta sao?