Thứ
Ba Tuần I Thường Niên
QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA
Lời
Chúa Mc
1,21-28
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và
giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la
lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà
ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của
Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này
!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh
ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là
gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả
các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền
Ga-li-lê.
Suy
niệm
Theo Tin Mừng
Mác cô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội
đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay
Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát. Bản văn Tin Mừng
hôm nay được xem như bài tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu: giảng dạy và trừ
quỷ. Cả hai đều tỏ cho thấy uy quyền có sức cứu độ của Ngài.
Chúa
Giêsu chính là vị Ngôn Sứ ưu việt đã được Mô-sê tiên
báo. Tin mừng Mác-cô hôm nay trình bày Chúa Giêsu
đã khởi đầu sứ mạng Thiên Sai vào ngày Sa-bát trong một hội đường ở
thành Caphácnaum thuộc miền Galilê. Lời giảng dạy và quyền uy của Chúa Giêsu
khiến mọi người thán phục như Tin mừng Mác-cô ghi nhận như sau: “Thiên hạ sửng sốt về lời
giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư ” (c 22).
Mọi người
trong hội đường đều kinh ngạc khi chứng kiến ma quỷ chịu khuất phục xuất ra
khỏi người chúng ám sau lời truyền của Chúa Giêsu. Họ nói với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới
mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế
và chúng phải tuân lệnh!” (c 27).
Chúa
Giêsu giải thích Lời Chúa trong hội đường Do thái khiến cho
nhiều người phải kinh ngạc, vì : “Người
giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc 1,22).
Vì
Người được Chúa Cha sai đến làm Đấng Thiên Sai, là chính Lời Thiên Chúa
nhập thể làm người nên Người chỉ nói Lời Thiên Chúa cho loài người chứ
không bị lệ thuộc vào thế giá của bất cứ ai, kể cả Mô-sê. Chúa Giêsu
đã biểu lộ uy quyền khi thay đổi các tập tục trong Luật
Mô-sê: “Anh em đã nghe Luật dạy
người xưa rằng: Chớ giết người… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh
em mình thì phải bị đưa ra tòa…” (Mt 5,21-22).
Tin
Mừng Mác-cô đã thuật lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành
Ca-phác-na-um gần biển hồ. Ngay ngày Sabát, Người vào hội đường mà giảng dạy.
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng của Người như một Đấng có quyền , chứ không như
các kinh sư của họ. Vì các kinh sư chỉ đọc và giải thích kinh
thánh như đã học mà không thêm điều gì mới, khác với
Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng lập Luật mới như Người cố ý chữa bệnh trong
ngày Sabát, và khi bị hạch hỏi Người đã cho thấy quan điểm của Người như sau: “Ngày Sabát được làm ra vì con người,
chứ không phải con người vì ngày Sabát; Bởi đó, Con Người
làm chủ luôn cả ngày Sabát” (Mc 2,27).
Chúa
Giêsu không những có uy quyền trong lời giảng, trong việc xua trừ ma quỷ, mà
Người còn có quyền trên thiên nhiên như: biến nước lã thành rượu nho, nhân bánh
ra nhiều, đi trên mặt nước, dẹp yên sóng gió, mẻ cá lạ lùng…
Người
cũng đã dùng lời quyền năng để chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân
như: cho người mù được sáng mắt, kẻ câm nói đươc, người điếc được nghe, người
què đi được, người phong cùi được sạch…
Người
đã phục sinh kẻ chết như cầm tay phục sinh một bé gái mới chết, cho chàng thanh
niên đang đem đi chôn ở cử thành Naim, cho Ladarô chết 4 ngày sống lại ra khỏi
mồ và chính Người đã từ trong cõi chết trỗi dậy đúng như Người đã tiên báo.
Ngày
nay chúng ta chỉ đi theo một vị Thầy là Chúa Giêsu noi gương Tông đồ Phêrô: Sau
bài giảng về Bánh Hằng Sống thì nhiều môn đệ đã tỏ ra chán nản không còn muốn
theo làm môn đệ Chúa Giê-su nữa, chỉ còn Nhóm Mười Hai còn ở lại. Dù vậy Chúa
Giêsu vẫn không rút lại ý định lập bí tích Thánh Thể và đòi các ông xác định
lập trường đi hay ở. Ông Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai trả lời rằng : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến
với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng
con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga
6,68-69).
Ngày
nay muốn trung thành với Chúa Giê-su, chúng ta cần năng học sống Lời Chúa: Mỗi
lần học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá thêm sự
mới mẻ của Lời Chúa, và nhận ra quyền năng Chúa trong thiên
nhiên và các dấu chỉ của thời đại. Nhờ năng tham dự các buổi học sống
Lời Chúa trong sinh hoạt hội đoàn hằng tuần tại nhà thờ, hay trong giờ
kinh tối gia đình hằng ngày… chúng ta hy vọng sẽ từng bước trở thành “muối
men” hòa lẫn vào thúng bột xã hội để làm dậy lên men tình yêu. “Ánh
sáng” của các việc lành chúng ta làm sẽ giúp anh em lương dân nhận biết và
ca tụng Thiên Chúa trên trời.
Bên cạnh
đó chúng ta cần ý thức sứ vụ của mình là cộng tác với Chúa xua trừ ma quỷ, và
các tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường sống: Hiện nay ma
quỉ vẫn luôn tìm cách phá hoại công trình cứu
độ của Chúa Giêsu và Hội thánh. Chúng ta cần dấn thân làm những
việc công ích và cộng tác với những người thiện chí xây dựng một môi
trường sống an toàn sạch đẹp và văn minh. Cần quan tâm an ủi những ai đang
gặp gian nan khốn khó bằng cách giúp họ tin tưởng cậy trông vào lòng Chúa
thương xót, xin Đức Mẹ và các thánh chuyển cầu và chính chúng ta cũng tích cực
giúp đỡ họ với hết khả năng của mình.
Huệ Minh