Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 1

THỨ NĂM TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN

“Lợi dụng thì khổ tâm, yêu thật mới hạnh phúc”


Thứ Năm Tuần I TN.jpg

Lời Chúa   Mc 1,40-45

40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Suy niệm

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về tình yêu. Tuy nhiên, vẫn có chuẩn mực chung mà ai cũng phải thừa nhận. Chuẩn mực chung ấy là điều phải có để giúp con người có được hướng đi và lối sống đúng đắn trong hành trình làm người cũng như hành trình sống đời Kitô hữu. Nhờ đức tin, người Kitô hữu nhận biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) và Người cũng là chuẩn mực tuyệt hảo và tuyệt đối cho mọi loài. Trong ý hướng ấy, hôm nay chúng ta cùng để cho Lời Chúa soi dẫn mà học với Chúa kinh nghiệm sống đời yêu thương.

Nhìn lại mối tương quan của người Do Thái với Thiên Chúa trong Cựu ước mà bài đọc thứ nhất hôm nay kể lại, ta thấy có điều gì đó không ổn trong cách họ nghĩ về Thiên Chúa và cách họ sống với Người. Họ luôn luôn tự hào mình là Dân riêng được Chúa tuyển chọn. Điều ấy là tốt nhưng nó lại trở thành xấu khi họ, vì nghĩ như thế, rồi tự coi mình có đặc quyền hơn các dân tộc khác. Họ nghĩ rằng họ có Chúa nên họ không sợ ai, họ nghĩ mình có Chúa nên họ đánh đâu thắng đó. Ban đầu, nghĩa là khi Chúa lập Giao ước với họ tại núi Sinai, có thể họ không nghĩ như thế nhưng dần dần vì họ đi lệch ra khỏi đường lối của Chúa mà chạy theo các thói xấu và tội lỗi nên họ tương quan với Chúa không còn phải vì lòng yêu mến nhưng toàn vì ý riêng của họ. Thật vậy, lời Chúa hôm nay cho ta thấy rõ suy nghĩ lệch lạc của họ: “Tại sao hôm nay Thiên Chúa sát hại chúng ta trước mặt quân Philitinh? Chúng ta hãy đem hòm bia Thiên Chúa từ Silô đến giữa chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tay quân thù” (1Sm 4,3). Thay vì đến với Chúa để hỏi ý Chúa, họ lại mang theo Hòm Bia. Họ mang Hòm Bia đến và reo vui vang dậy nhưng kết quả là điều ấy chẳng thay đổi được tình hình: “Người Philitinh giao chiến, và dân Israel bị bại trận, và mạnh ai nấy chạy về trại mình. Và thật là một đại hoạ, bên Israel có đến ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm bia Thiên Chúa cũng bị chiếm đoạt. Cả hai con Hêli là Ophni và Phinê cũng tử trận” (1Sm 4,10-11). Là dân riêng mà họ lại không hiểu rằng Hòm Bia, dù quý giá vì biểu trưng sự hiện diện của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Thêm vào đó, họ lại còn dùng Hòm Bia theo ý thích cá nhân mà không thèm đếm xỉa gì tới ý muốn của Chúa! Một tương quan mờ nhạt với Chúa như thế, lại còn có ý định lợi dụng Chúa thì họ tự chuốc lấy thất bại và đau khổ thôi!

Ngược lại với cách suy nghĩ và lối sống của những người Do Thái vừa nói trên, người bệnh cùi trong bài Tin mừng hôm nay lại có một cách nhìn và cách sống khác hẳn trong tương quan giữa anh với Chúa. Chắc chắn anh rất đau khổ vì sự hành hạ của cơn bệnh quái ác, phải chịu bao vết thương cùng cực bên ngoài và cả bên trong tâm hồn khi anh bị loại ra khỏi cộng đồng và phải sống trốn chui trốn nhủi trong những khu vực dành riêng. Vậy mà chúng ta thấy anh đến với Chúa với một cung cách thật đặc biệt. Trước hết, việc anh “quỳ xuống” diễn tả đức tin mạnh mẽ của anh vào Chúa Giêsu. Hành động ấy cho thấy anh tin Chúa là Đấng từ trời xuống và có quyền năng để cứu anh. Ngay sau đó, dù tin Chúa có thể chữa lành cho anh nhưng anh không buộc Chúa làm theo ý mình. Anh cũng thưa với Chúa khát khao của anh nhưng anh phó thác để tuỳ ý Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40). Đọc và ngẫm cho kỹ ở chỗ này, ta sẽ thấy cốt lõi của đức tin, đó là một thái độ và cách sống tin vững vàng vào Chúa, chân thành với Chúa và phó thác mọi sự cho Người. Tấm lòng ấy của anh đã khiến Chúa “động lòng thương”. Kết quả là “Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Tôi muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch” (Mc 1,41-42).

Hai thái độ và cách sống đức tin từ hai bài đọc hôm nay phản ánh đời sống đạo của mỗi người Kitô hữu qua mọi thời đại. Thực vậy, dù là người có đức tin nhưng không hẳn mọi Kitô hữu đều tin vững vàng vào Chúa và sống đức tin như Chúa mong muốn. Từ đây, ngay lúc này, Chúa cũng mời gọi mỗi chúng ta xem lại đời sống đức tin của mình trong tương quan với Chúa cũng như với tha nhân.

Trước hết là trong tương quan giữa chúng ta với Chúa. Chúng ta là người có đạo nhưng còn phải có lòng đạo, bởi vì “đạo” ở đây có thể được ví như một danh hiệu còn “lòng đạo” là cái cốt lõi từ bên trong của người có đạo. Điều này cũng hợp với lời nhắn nhủ mà người ta vẫn hay nói với nhau: “Sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” được hiểu là “toàn thể những tình cảm thân ái, tha thiết hay sâu sắc nhất đối với người mình yêu quí hay cảm phục”[1]. Đây cũng chính là điều mà Chúa mong ước nơi dân của Người từ trong Cựu ước: “Phải chi họ luôn luôn có một tấm lòng như thế để kính sợ Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta mọi ngày, như vậy họ và con cái họ sẽ được hạnh phúc mãi mãi” (Đnl 5,29). Còn trong Tân ước, Chúa Giêsu nói rõ về tầm quan trọng của việc cần có một tấm lòng với Chúa khi Người nhắc lại lời đã viết trong sách tiên tri Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta” (Mt 15,8). Ước ao của Chúa là thế nhưng thực tế thì con người lại thường hay lợi dụng Chúa. Đó là trường hợp của những người vướng phải suy nghĩ hay lối sống “được thì theo, không thì bỏ”. Đây là kiểu sống hợp ý cá nhân thì theo và làm, không hợp ý hay trái ý thì bỏ hoặc làm ngơ. Cũng có thể coi đó như một kiểu theo đạo bên ngoài còn thực chất bên trong thì trống rỗng. Nếu vướng phải lối sống như thế thì chỉ mới là người có đạo chứ chưa có lòng đạo. Cần phải hiểu rằng đức tin không phải là một mớ lý thuyết hay tín điều phải tin nhưng là một cánh cửa để đưa con người vào trong tương quan với Thiên Chúa thần linh. Tương quan ấy không phải ngày một ngày hai hoặc “mưa nắng thất thường” theo kiểu cho có, cho qua mà có tính bền vững. Vì thế, người có lòng đạo đến với Chúa không phải chỉ để thoả mãn những nhu cầu của mình nhưng quan trọng hơn là đến để gặp gỡ, đến để ở cùng và đến với Chúa để cảm nhận nguồn sức sống và tình yêu nơi Chúa hầu chính bản thân cũng được múc lấy mà làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và vững mạnh. Như thế, người có lòng đạo, nghĩa là “có một tấm lòng với Chúa” là người biết làm mọi sự, mọi việc vì yêu mến Chúa và là người có một đời sống gắn bó thân tình với Chúa. Tuỳ theo hoàn cảnh cho phép, họ cố gắng đến với Chúa trong thánh lễ, trong cầu nguyện, trong giờ kinh gia đình; đồng thời, trong ngày sống, dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, thuận lợi hay không thuận lợi, họ cố gắng tìm những giây phút hướng về Chúa và kết hiệp với Chúa trong những lời nguyện tắt đơn sơ hoặc rước lễ thiêng liêng. Nhờ thế, họ luôn có một sức sống đủ mạnh để vui sống giữa đời. Họ không lợi dụng Chúa để bắt Chúa làm theo ý riêng nhưng nhờ tin tưởng, phó thác và kết hiệp với Chúa, họ tìm được bình an. Nhờ một tấm lòng với Chúa nên họ gặp được Chúa, có Chúa trong mình và nhờ đó tìm được hạnh phúc thật!

Từ tương quan với Chúa, chúng ta suy về tương quan giữa chúng ta với tha nhân. Là người Công giáo, chúng ta đều biết cốt lõi của đạo Kitô giáo là: “Mến Chúa yêu người”. Mến Chúa cũng phải trọn tấm lòng và yêu người cũng không miễn trừ điều ấy. Yêu người ở đây không phải yêu chung chung nhưng là yêu những người thân cận. Cụ thể, đó là gia đình của mỗi chúng ta hoặc là cộng đoàn trong đó chúng ta sống điều Chúa dạy. Tương quan này là tương quan yêu thương. Vậy, muốn nó lớn lên và trở nên vững mạnh thì mỗi người phải “có một tấm lòng” với nhau. Đã là tương quan yêu thương, cụ thể là gia đình, mà mỗi thành viên chỉ biết nghĩ và chỉ biết vun xới cho lợi ích cá nhân thì tương quan ấy chắc chắn sẽ èo uột, khô héo và chết dần chết mòn. Đây là thực tế của rất nhiều gia đình thời nay. Với họ, “gia đình” chỉ còn là cái mác, cái vỏ bề ngoài, còn thực chất bên trong đáng lý là tình yêu thì lại là sự ích kỷ! Cái lõi bên trong không có hoặc quá mờ nhạt thì cái vỏ bên ngoài chẳng mấy chốc cũng tan. Cũng có biết bao gia đình bên ngoài xem ra bình thường nhưng bên trong không còn sự tin tưởng, không còn sự gắn bó, không còn biết lo nghĩ cho nhau thì những gia đình ấy thật đau khổ biết dường nào! Đáng buồn thay khi nhiều người, ban đầu thì không để ý, nhưng rồi dần dần tự để mình bị cuốn theo vòng xoáy của đam mê, của các thói quen xấu và những cám dỗ của lối sống dễ dãi, hưởng thụ và cái tôi kiêu căng nên chẳng còn biết quan tâm đến người thân cận của mình. Tệ hơn nữa, có khi người ta sống với nhau nhưng chỉ để lợi dụng nhau vì những toan tính cá nhân thấp hèn. Những suy nghĩ và lối sống ấy khiến gia đình họ không thể gặp được nhau dù vẫn hiện diện trong một nhà; không thể ở cùng nhau để sẻ chia vui buồn, cảm thông những khó khăn hay nâng đỡ khi yếu đuối và cũng chẳng thể có “một tấm lòng với nhau”! Kết cục là đời sống gia đình của họ, thay vì hạnh phúc, thật nặng nề. Yêu theo thói đời như thế thì đúng là tự chúng ta tiễn hạnh phúc đi và rước khổ tâm về cho bản thân và cho người thân cận thôi!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vì yêu mà đến, ở cùng và chết vì chúng con. Chúa làm tất cả vì chúng con mà không tìm điều gì riêng cho Ngài. Qua gương sáng ấy, Chúa dạy chúng con phải có một tấm lòng với Chúa và một tấm lòng với nhau. Đây là điều cốt lõi để chúng con xây dựng tương quan yêu thương với Chúa cũng như với người thân cận. Để làm được điều đó, xin Chúa dạy chúng con tập bỏ những ích kỷ hẹp hòi, những ham muốn cá nhân và cái tôi tự cao để thay vào đó là noi gương Chúa mà sống khiêm nhường, quảng đại và khao khát tìm kiếm và xây dựng cho bản thân và gia đình chúng con những giá trị tốt lành như Chúa dạy. Có như thế, chúng con mới thực sự là những Kitô hữu tốt và là những người sống hạnh phúc cũng như xây dựng hạnh phúc cho người thân cận. Amen.

Thực hành: Tập mỗi ngày làm vài việc hy sinh để cầu nguyện cho người thân yêu.

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

 

 



[1] X. https://vi.wiktionary.org/wiki/t%E1%BA%A5m_l%C3%B2ng#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ bảy Tuần I Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Thường Niên - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Thường Niên - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí