Thứ
Tư Tuần I Thường Niên
ĐỘNG LỰC CỦA
VIỆC TÔNG ĐỒ
Lời Chúa
Mc
1,29-39
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà
hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông
Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình
trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà
phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những
ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều
quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang
vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông
thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc
chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc
đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của
họ, và trừ quỷ.
Suy
niệm
Tin Mừng rất
nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút
gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên
tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết
hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống
của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Tại
nhà của ông Simôn, Chúa Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người
cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh
tật. Nhưng trong nhãn quan của Tim Mừng theo Thánh Maccô, bệnh tật cũng là do
ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ.
Ở
đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một
phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của mộtgia
đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu
đáo phục vụ các khách quý. Cũng như Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi
dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã chết, Người
cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể phục vụ Người
Hành
vi đó của Chúa Giêsu trong ngày đầu tiên hoạt động công khai đưa tới hậu quả là
dân chúng hiểu là khi ở trong tình trạng quẫn bách, họ có thể trông mong được
ai giúp đỡ. Khi chiều đến, họ đưa tất cả mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám
đến với Người. Đức Giêsu như bị cả một đại dương đau thương và bần khốn vây
quanh và tấn công; toàn thể niềm hy vọng được đặt để nơi Người. Người có thể
đương đầu với tình trạng quẫn bách này. Người có khả năng giúp đỡ và trong thực
tế Người đã giúp đỡ.
Trong
Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu
đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện”. Mặc dù bận rộn với rất
nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây
không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu
nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy
Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu
nguyện: “Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy
trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con
không thể làm được gì”.
Gương
Chúa Giêsu đi cầu nguyện khiến chúng ta phải xem lại cách chúng ta đánh giá ý
nghĩa của việc cầu nguyện cũng như những tiêu chuẩn giúp chúng ta sử dụng thì
giờ. Nếu chúng ta không thể hoặc không muốn dùng thì giờ mà làm cho mình được
tự do để sống cho Thiên Chúa, các động lực đang nâng đỡ hoạt động của chúng ta
rất có thể cần được xét lại. “Nếu Đấng không có tội mà còn cầu nguyện như thế,
những lẻ tội lỗi còn phải cầu nguyện đến thế nào. Nếu Người đã thức qua đêm mà
cầu nguyện liên lỉ, chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ và cũng phải canh thức đến
độ nào.
Cũng
nên coi lại giá trị chúng ta gán cho sự thinh lặng, sự yên tĩnh, sự cô tịch.
“Chính Chúa Giêsu, với sức mạnh không cần được nâng đỡ trong một cuộc tĩnh tâm,
cũng không bị ngáng trở bởi xã hội loài người, đã quan tâm để lại cho chúng ta
một gương sáng. Trước khi thực hiện sứ vụ rao giảng và làm phép lạ, Người đã
vào nơi cô tịch chịu thử thách cám dỗ và nhịn đói (Mt 4,1t). Kinh Thánh kể
lại cho chúng ta rằng, Người đã bỏ lại đó đám đông môn đệ, mà leo lên núi để
cầu nguyện (Mc 6,46). Rồi khi giờ Thương Khó đã đến gần, Người bỏ các môn
đệ, và ra đi cầu nguyện một mình (Mt 26,36): gương sáng này giúp chúng ta
hiểu sự cô tịch có lợi cho việc cầu nguyện đến thế nào, bởi vì Người không muốn
cầu nguyện bên cạnh các bạn đường, ngay cả các tông đồ.
Chúng
ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên
Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện
như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như
người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là việc
tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy
đến với Chúa như đứa con đến với cha mình”.
Chúng
ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một
ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa
trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha
nhân một cách hữu hiệu hơn.
Thường
người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi
đối chọi nhau. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc
làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là
một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã
dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở
thành kinh nguyện liên miên.
Chiêm
ngắm một ngày sống của Chúa, chúng ta được mời gọi sống như Ngài. Cuộc sống
người Kitô hữu không thể chỉ có những khoảnh khắc dành cho Chúa trong Thánh lễ
hay kinh nguyện, mà còn phải trải dài qua những sinh hoạt và gặp gỡ hằng ngày
trong cuộc sống. Người Kitô hữu phải biết thống nhất đời sống bằng cách biến
những giây phút hoạt động thành một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.
Huệ
Minh