THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN
ĐẾN ĐỂ PHỤC
VỤ VÀ YÊU THƯƠNG
LỜI CHÚA: Mc 1,29-39
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi
đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt,
nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn
sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm
đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33
Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức
Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không
cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một
nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36
Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!”
38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy
đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì
Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. 39 Rồi
Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
SUY NIỆM
Mỗi người đều được Chúa ban
cho thời giờ để sống và làm việc. Có người dành thời gian để sống cho chính
mình, vui chơi thỏa chí, có người chăm chỉ làm việc góp phần phục vụ công ích
xã hội.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay
cho thấy một ngày của Đức Giêsu luôn bận rộn với nhiều công việc. Khởi đầu sứ vụ
công khai, Đức Giêsu đã chọn gọi các môn đệ cùng với Người đến Caphácnaum bắt đầu
rao giảng Tin Mừng. Ngay ngày đầu tiên, Đức Giêsu đã chữa lành cho một người bị
quỷ ám (Mc 1,21-28). Sau đó Người đến thăm nhà ông Simon và Anrê. Thấy bà mẹ vợ
ông Simon đang lên cơn sốt nằm trên giường, Đức Giêsu đến gần, cầm tay đỡ bà dậy,
lập tức cơn sốt liền dứt hẳn. Tiếng lành đồn xa, dân chúng nghe biết liền đem mọi
người đau bệnh và bị quỷ ám đến để được cứu chữa. Mãi đến chiều tối, cả thành vẫn
xúm lại trước cửa đến nỗi nhà ông Simon đông như một trạm xá. Dù vậy, Đức Giêsu
vẫn không ngừng nghỉ. Sáng hôm sau, Người đã chỗi dậy từ sớm tìm nơi yên tĩnh để
cầu nguyện. Các môn đệ không thấy Người đâu liền kéo nhau đi tìm. Đức Giêsu đề
nghị các ông hãy đi nơi khác, đến các làng mạc xung quanh để rao giảng, vì Người
ra đi cốt để làm việc đó (c.38).
Ý thức sứ mạng của Đấng Thiên
Sai, Đức Giêsu đến để khai mở một kỷ nguyên mới tràn ngập niềm vui. Từ đây những
ai ngồi trong bóng tối sẽ nhìn thấy ánh sáng cứu độ, những ai bị trói buộc bởi
sự xấu và cái ác đều được giải thoát. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha
- Đấng giàu lòng thương xót. Người đến xoa dịu mọi nỗi đau, băng bó chữa lành mọi
thương tật của loài người. Lòng thương xót của Thiên Chúa như tia nắng xuân ấm
áp làm cho cây cối xanh tươi, muôn hoa bừng nở sau mùa đông dài băng giá. Mọi
hoạt động của Chúa Giêsu nhằm mang đến cho con người niềm vui sự sống và bình
an hạnh phúc, vì Người đến để phục vụ và yêu thương.
Khi giảng dạy và chữa lành mọi
bệnh tật, Chúa Giêsu luôn giữ mối liên hệ thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.
Nhờ vậy Người mới có được sự khôn ngoan và sức mạnh thi hành sứ mạng cứu chuộc
muôn dân. Sau khi làm phép lạ, Chúa Giêsu luôn nhắc các môn đệ rời khỏi đám đông
dân chúng để các ông khỏi tự mãn trong thành công và chiến thắng mà quên mất
nhiệm vụ của mình.
Theo quan niệm của người Do Thái,
bệnh tật chính là hậu quả của tội, mà tội là sự phản nghịch và xa lìa Thiên
Chúa. Bà mẹ vợ ông Simon bị sốt nằm trên giường, bà không thể làm được việc gì,
nghĩa là bà đang bị tách ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội. Đức Giêsu đến cầm tay
nâng bà dậy, lập tức bệnh sốt chấm dứt. Bà đi lại phục vụ mọi người và trở lại
tham gia vào mọi sinh hoạt, nối lại các mối quan hệ trong gia đình. Còn những
người bị quỷ ám, họ bị trói buộc giam hãm trong thế giới tối tăm của sự xấu, họ
bị tách ra khỏi cuộc sống thường ngày. Vì thế Chúa Giêsu đến giải thoát đưa họ
trở về với thế giới của sự thiện.
Đau bệnh, tội lỗi và ma quỷ
luôn là mối nguy hiểm khiến con người chúng ta phải sống xa lìa Thiên Chúa. Chỉ
khi được chữa lành, chúng ta mới nối kết lại với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không
chỉ chữa bệnh về thể xác nhưng phục sinh số phận, đưa con người đến gần và ở
trong Thiên Chúa.
Bản chất của Thiên Chúa là
tình yêu. Loài người càng tội lỗi bao nhiêu, Thiên Chúa càng thể hiện lòng
thương xót sâu rộng bấy nhiêu. Tình yêu Thiên Chúa phủ lấp muôn vàn yếu đuối và
hố sâu tội lỗi của loài người. Chúa Giêsu đã vực dậy bao nhiêu số phận, bao
nhiêu con người đang mang ách nặng nề của tội lỗi và sự chết. Chúng ta cũng được
mời gọi nâng đỡ những ai đang mang gánh khổ đau của bệnh tật, những nạn nhân của
chiến tranh, bệnh dịch, nghèo đói và dốt nát. Họ đang cần một lời cảm thông an ủi,
một ánh mắt thân thiện giúp họ thoát khỏi mặc cảm tội lỗi dày vò mà đứng dậy bước
đi.
Thánh sử Mátcô lưu ý đến từng
thời khắc trong ngày sống của Chúa Giêsu bằng những cụm từ “chiều
đến, khi mặt trời đã lặn” (c.32), “sáng sớm,
lúc trời còn tối mịt” (c.35) để cho thấy mọi thời khắc của Chúa đều được
thánh hóa, được tận tụy thi hành theo ý Chúa Cha. Một ngày của Đức Giêsu là sự
kết hợp hài hòa giữa phục vụ và cầu nguyện, giữa con người với Thiên Chúa, giữa
cho và nhận. Đức Giêsu đã lãnh nhận tình yêu và sức mạnh từ Chúa Cha để chuyển
trao lại cho loài người.
Như nhịp đập của con tim, mỗi
lần thở ra và hít vào, chúng ta có thêm dưỡng khí, máu sẽ chảy về tim và chuyển
trao đến các cơ quan khác làm nên vòng tuần hoàn sự sống. Nếu không cầu nguyện,
không kín múc nguồn năng lượng, tâm hồn chúng ta xanh xao yếu nhược không còn sức
đề kháng với bệnh tật và tội lỗi. Ước gì chúng ta biết điều khiển ngày sống của
mình trong sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động với cầu nguyện, biết đem niềm vui
và ơn thánh Chúa đến cho mọi người, đặc biệt những ai đang đau bệnh về tinh thần
lẫn thể xác. Tin Mừng của Chúa không phải là điều gì xa lạ nhưng là mọi người có
được một tâm hồn bình an trong một thân thể mạnh khỏe.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng
ta mải mê với công việc mà không có sự gắn kết với Thiên Chúa. Chúng ta dễ dàng
bỏ thánh lễ ngày chúa nhật và những giờ cầu nguyện chung, nhưng lại không quên
các cuộc hẹn hò dã ngoại vui chơi với bạn bè. Chúng ta lao vào làm việc kiếm tiền
đến nỗi thân xác kiệt quệ và tinh thần rã rời. Hơn nữa, là một thụ tạo, con người
luôn mang trong mình những giới hạn bất toàn, luôn bị sự xấu và tội lỗi chế ngự.
Chỉ khi nào ý thức được đều này, chúng ta mới biết khiêm tốn xin Chúa chữa lành
và ban ơn thánh trợ lực. Những khi yếu đuối phạm tội, chúng ta càng cần đến ơn
Chúa giúp. Nhưng để nhận được ơn Chúa, chúng ta phải thiết tha cầu xin. Thiên
Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Trái lại Người luôn ôm ấp và thổn thức trước
mọi nỗi đau mà chúng ta đang gánh chịu.
Lạy Chúa Giêsu, một ngày làm
việc của Chúa thật ý nghĩa, vì Người đã luôn kết hiệp với Chúa Cha, xin thánh
hóa mọi công việc hàng ngày của chúng con. Xin cho chúng con biết hăng say phục
vụ trong sự nối kết với ơn Chúa. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của
thánh Phaolô khiêm tốn nhìn nhận “Tôi có
là gì nhờ cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). Mỗi ngày sống là ân huệ
của Thiên Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian Chúa ban để sinh ích
cho bản thân và mọi người, để từng ngày sống của chúng con không trôi qua trong
đơn điệu nhạt nhẽo nhưng là những nốt nhạc vui ca ngợi tình
thương Thiên Chúa. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP