DỤ NGÔN KHO TÀNG, VIÊN NGỌC, LƯỚI CÁ
CHÚ GIẢI CHI TIẾT.
“Về Nước Trời thì cũng giống như một kho báu”: Không phải là Nước Trời được so sánh với một kho báu, nhưng điều xảy ra khi một người tìm thấy kho báu được so sánh với điều xảy ra (hay phải xảy ra) khi một người khám phá Nước Trời.
"Người kia gặp thấy": Câu chuyện thật quá giản dị. Kho báu này không phải là vật do tổ tiên để lại hay phải tìm kiếm một cách gian khổ khó khăn; nó được chôn dấu, nhưng chẳng phải là ở một nơi nào hiểm trở, kẻ đến đầu tiên có thể bắt gặp được. Như Nước Trời trong con người Chúa Giêsu, kho báu đang nằm đấy, trước mặt con người không chủ ý tìm kiếm này. Nhưng một khi khám phá ra, tự nhiên anh ta bỏ rơi mọi điều khác. Sự từ bỏ theo tinh thần Tin Mừng không phải là phương thế để đạt đến Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá Nước đó.
"Anh đi bán tất cả những gì anh có": Anh làm một công việc mà chẳng người lân cận nào trông thấy mà không thắc mắc. Anh bán tất cả: giá thửa ruộng cao đến độ con người ấy phải phá sản, dĩ nhiên là một gia sản chẳng đáng bao nhiêu, nhưng điều quan trọng không phải là ở chỗ đó mà ở chỗ anh bán hết không để lại tí gì. Chính đấy là điểm mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn của người: Nước Trời là một kho báu đòi ta phải bỏ ra tất cả những gì mình có, kể cả bản thân, để tậu nó cho được.
"Một thương gia rảo tìm ngọc quý”: Có lẽ đừng xem việc người thương gia rảo tìm ngọc quý như là biểu tượng của việc tìm đạo; chẳng qua là ông ta làm nghề buôn bán thôi. Cái mà ông muốn tìm, đó là những viên ngọc đẹp, quý, chứ không phải là những viên ngọc "đắt giá". Thế mà ông lại bắt gặp một kho báu bất ngờ... Thành thử rốt cuộc dụ ngôn viên ngọc cũng tương tự và có cùng một ý nghĩa như dụ ngôn kho báu.
“Về Nước Trời thì lại còn giống như chiếc lưới": Như các dụ ngôn trước, phải hiểu Nước Trời không đồng hóa với chiếc lưới (là một phương tiện tạm thời), cũng chẳng với cá bắt được, mà với toàn thể công việc được miêu tả.
“…đã được thả”: Trái với cách dịch của BJ ("người ta thả”) động từ Hy lạp nói rằng lưới đã được thả, và được thả do ơn Chúa (thể thụ động ngụ ý Thiên Chúa là tác giả của hành động; điều này được xác nhận qua sự kiện không có câu nào đề cập đến các ngư phủ).
"Mọi thứ": Trong văn mạch, điều này muốn nói: Cá tốt lẫn cá xấu, như c. 48 sẽ bảo. Biển Galilê nổi tiếng là có rất nhiều giống cá. Cá "xấu" có lẽ là thứ bị luật Torah cấm ăn (Lv 11, 9-12; Đnl 14, 9-10) hay là quá bé nhỏ.
"Sẽ phân tách kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi quăng chúng vào lò lửa..”. Phải nhận là ở đây chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực của việc lựa lọc. Việc Nước Trời đến cách sung mãn không còn chịu được cảnh vàng thau lẫn lộn như trước nữa, và đòi hỏi phải triệt để loại bỏ kẻ dữ ra khỏi lòng mình. Trong lúc đoạn kết của lời chú giải dụ ngôn cỏ lùng (c. 43) gợi lên vinh quang của các người công chính “sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha họ", thì nơi đây lại không giống thế. Chắc hẳn một muốn chấm dứt diễn từ dụ ngôn của ông bằng lời cảnh giác có phần nghiêm khắc này, để thúc giục Kitô hữu hãy luôn cẩn thân canh chừng, chứ đừng buông thả.
"Các con có hiểu các điều ấy không? - Có": Như đã thấy nơi dụ ngôn người gieo giống, động từ hiểu được tác giả Tin Mừng gán cho một tầm quan trọng đặc biệt. Ở đây, qua câu hỏi này, Chúa Giêsu cố ý quy về tất cả những điều Người đã nói với dân chúng bằng dụ ngôn. Câu trả lời là một tiếng tán đồng ngấn ngủi: Có, Ai trả lời? Văn mạch ngụ ý là các môn đồ đã hỏi Chúa Giêsu trước đây (c.36). Nhưng vì không minh nhiên đề cập đến các ông ấy, nên chắc là một muốn ngầm bảo là mọi độc giả Tin Mừng, mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm trả lời: chính câu trả lời đó đưa ta từ thân phận "đám đông" đi sang địa vị "môn đồ”.
KẾT LUẬN
Tất cả mọi dụ ngôn đều nói cho ta về Nước Trời; hết thảy chúng đều mặc khải một khía cạnh nào đó và trước hết diễn tả thực tại Chúa Giêsu, biến cố trung tâm của lịch sử và là giao điểm dứt khoát giữa đất và trời: trong Người, Nước Trời đã đến gần nhân loại một lần thay cho tất cả.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Nước Trời buộc ta phải bán hết thảy một khi ta đã khám ra ra nó. Không phải Nước Trời dẹp bỏ mọi thứ khác đâu, nhưng là chiếm đoạt tất cả để ban cho tất cả một chiều hướng, ý nghĩa mới. Cái nhân bản không bị xua trừ, nhưng được nâng lên để được đào sâu biến đổi, canh tân và đi vào thiên giới. Người ta chỉ dẹp bỏ trong cái nhân bản ấy những gì là chướng ngại vật của tình yêu. Kẻ đã tìm thấy Nước Trời là một người mới, sống động, rũ bỏ được mọi thần tượng, và trở nên trắng tay để nhận lãnh từ Thiên Chúa hiện tại và tương lai của mình.
2. "Tâm tình nào đã nung nấu hai kẻ tìm thấy kho tàng và bắt gặp viên ngộc đắt giá? Tâm tình mừng vui. Họ "hết sức vui mừng"! Cũng vui như thế khi tình yêu của Thiên Chúa, của phục sinh và Thập giá Ngài tràn ngập trong đời ta, khiến ta được nâng lên và bị chinh phục. Bấy giờ cái mà từ trước vẫn được xem như quý hóa thì mất hết giá trị, so với cái vừa mới nhận được, một cái thật cao giá vô cùng. Ai có Thiên Chúa là có tất cả vì chỉ mình Ngài là đủ. Đấy là một chân lý chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm sống. Não trạng "trần tục" của ta, không lo sợ mất mát hay thiếu một vật nào, nỗi ám ảnh muốn được bảo đảm an toàn, chương trình sống ích kỷ dò ta lập ra, sẽ luôn va chạm với chân lý căn bản này: chỉ Thiên Chúa mới có thể làm mãn nguyện những cõi lòng hiến dâng cho Ngài trọn vẹn.
3. Dù không gặp sự dữ ở đời này, dù xem ra được tranh công, được kính nể yêu vì, dù có vẻ tốt lành và chăng đáng bị chỉ trích, thì con người nào đó cũng chỉ lộ phẩm chất đích thực của mình trong ngày sau hết, vào lúc chung thẩm (như trong dụ ngôn lưới cá). Điều ấy mọi người phải ý thức rõ, dù là các Kitô hữu đã có một ngày nào tìm gặp viên ngọc quý hay kho báu chôn giấu trong ruộng đồng. Vì rất có thể đời sống thực của họ được che giấu dưới một mặt nạ đạo đức. Vì rất có thể họ là loại "xấu” nếu chỉ đi tìm kiếm bản thân, thay vì kiếm tìm một mình Thiên Chúa.