Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các Cha Sở của Giáo Phận Roma
Phòng Triều Yết Phaolô VI, Vatican Thứ 5 ngày 6 tháng 3 năm 2014
Khi cùng với Đức Hồng Y Tổng Đại Diện, Chúng Tôi đã nghĩ tới cuộc Gặp Gỡ này; Tôi đã nói với Ngài rằng Tôi muốn nói với thực hiện cho các Cha một bài suy niệm có chủ đề về : lòng thương xót. Bây giờ khởi đầu Mùa Chay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm, như là linh mục, về lòng thương xót, thì thật là tốt đẹp cho chúng ta. Tất cả chúng ta cần tới lòng thương xót. Và ngay cả giáo dân, bởi vì như là mục tử chúng ta phải ban phát biết bao nhiêu lòng thương xót, biết bao nhiêu!
Đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu (Mt 14, 13-14) mà chúng ta vừa nghe làm chúng ta đưa cái nhìn về Chúa Giêsu là Đấng bước đi khắp các thành phố và làng mạc. Và điều này có vẻ kỳ lạ. Đâu là chỗ Chúa thường lui tới hơn cả, đâu là chỗ Chúa có thể tìm ra được chỗ ở, cách dễ dàng hơn? Trên đường. Hình như có thể xẩy ra, như Ngài là kẻ không có nhà, bởi vì Ngài luôn ở ngoài đường. Đời sống của Chúa Giêsu là sống ngoài đường. Nhất là Ngài mời gọi chúng ta đón nhận chiều sâu của Trái tim Ngài, nghĩa là điều Ngài cảm nghiệm cho các đoàn dân chúng, cho đám dân mà Ngài gặp được: thái độ bên trong đó về "lòng cảm thương", khi nhìn thấy đoàn dân chúng, Ngài động lòng thương xót. Bởi vì Ngài nhìn thấy những con người "mệt mỏi vả kiệt sức, như đàn chiên không người chăn dắt". Chúng ta đã nghe biết bao nhiêu lần, các lời nói mà có lẽ chưa thấm nhập vào lòng, với tất cả sức mạnh của chúng. Nhưng chúng thực sự mạnh mẽ! Một phần nào đó như biết bao nhiêu người mà Anh Em gặp được hôm nay trên các con đường tại các khu phố Anh Em ở . . . Rồi viễn tượng lan rộng ra, và chúng ta hãy nhìn thấy rằng các thành này và các làng này không chỉ là Roma và Nước Italia, nhưng là cả thế giới . . . và các đoàn dân chúng bị kiệt sức đó là các đám dân của biết bao nhiêu Quốc Gia đang chịu đau khổ vì các tình trạng còn khó khăn hơn . . .
Vì thế chúng ta hiểu rằng, chúng ta ở đây để thực hiện một buổi tĩnh tâm thật tốt đẹp, vào lúc khai mạc Mùa Chay, nhưng là để lắng nghe tiếng của Thánh Thần nói với toàn thể Giáo Hội trong thời đại chúng ta, là chính thời đại của lòng Thương Xót. Về điểm này Tôi chắc chắn. Đó không chỉ là Mùa Chay; chúng ta đang sống trong thời đại của lòng Thương Xót, từ 30 năm nay hoặc hơn nữa, cho tới bây giờ.
1. Trong tất cả Giáo Hội, đó là thời gian của lòng Thương Xót
Đó là trực giác của Chân Phước Gioan Phaolô II. Ngài đã có "cảm nghiệm" rằng đây là thời gian của Lòng Thương Xót. Chúng ta nghĩ tới Lễ nghi phong chân phước và phong hiển thánh cho Nữ Tu Faustina Kowalski; rồi Đức Giáo Hoàng đã cho đem vào xử dụng Lễ về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Dần dần cứ tiến thêm, và tiến thêm trong các bước liên hệ khác.
Trong Bài Giảng lễ Phong Thánh, cử hành vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô gửi cho Nữ Tu Faustina, tính theo thời gian, thì sứ điệp này được đặt giữa 2 cuộc thế chiến và gắn thật chặt chẽ với lịch sử của thế kỷ 20. Và khi nhìn về tương lai, Ngài nói: "Điều gì được mang đến cho chúng ta vào những năm tháng đang ở trước chúng ta? Tương lai của con người trên trái đất sẽ ra sao? Với chúng ta, không được ơn để hiểu biết điều này. Tuy nhiên điều chắc chắn là bên cạnh các tiến bộ mới cũng không thiếu, rất tiếc, các kinh nghiệm đau thương. Nhưng ánh sáng của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Chúa đã muốn như trao phó lại cho thế giới qua đặc sủng của Nữ Tu Faustina, sẽ soi sáng hành trình của con người vào ngàn năm thứ ba". Đó điều rõ ràng. Ở đây một điều thật minh bạch, trong năm 2000, nhưng là một điều mà trong trọng tâm của nó, cần được chín mùi với dòng thời gian. Trong kinh nguyện của Thánh Nữ Ngài đã có trực giác này".
Ngày nay chúng ta quên đi tất cả, quên một cách quá nhanh chóng, ngay cả Giáo Quyền Tuyên Huấn! Một phần, đó là điều không thể nào tránh được, nhưng các nội dung lớn, các cảm nghiệm lớn và các lời giáo huấn để lại cho Dân của Thiên Chúa, chúng ta không thể nào quên các điều này được. Và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là một trong những giáo huấn này. Việc trao gửi giáo huấn mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, nhưng đã đến từ trên cao. Với chúng ta, như là các tác viên của Giáo Hội, hãy giữ cho sống động sứ điệp này, nhất là trong khi giảng dạy và trong các cử chỉ, các dấu hiệu, trong các chọn lựa mục vụ, thí dụ việc chọn lựa Bí Tích Hòa Giải đem vào hàng đầu mối ưu tiên mục vụ, và đồng thời đem vào trong các hành động của Lòng Thương Xót. Hòa giải, đem lại bình an qua Bí Tích, và cũng còn qua các lời nói, và các hành động của Lòng Thương Xót.
2. Lòng thương xót có ý nghĩa gì cho các linh mục?
Có một ý nghĩa về Lòng Thương Xót, đến trong đầu Tôi, là một vài người trong Anh Em, đã gọi điện thoại cho Tôi, đã viết thư cho Tôi, rồi Tôi đã nói qua điện thoại . . . "Nhưng Cha ơi, tại sao Cha có vấn đề với các linh mục?". Bởi vì các vị đó nói rằng Tôi đánh đập các linh mục! Tôi không đánh đập đâu . . .
Chúng ta hãy tự hỏi mình xem Lòng Thương Xót có nghĩa gì cho một linh mục, Anh Em hãy cho phép Tôi nói cho chúng ta, các linh mục. Với chúng ta, với tất cả chúng ta! Các linh mục hành động trước các con chiên, như Chúa Giêsu, khi Ngài nhìn thấy đám dân chúng mệt nhọc và kiệt sức như những đàn chiên không người chăm sóc. Chúa Giêsu có "lòng dạ" của Thiên Chúa, ngôn sứ Isaia nói rõ ràng : Ngài đầy sự dịu hiền đối với dân chúng, nhất là với những người bị loại bỏ, nghĩa là hướng về các tội nhân, hướng về các bệnh nhân, những người không ai chăm sóc . . . Như thế, giống hình ảnh của Người Chăn Chiên nhân lành, vị linh mục là một người của Lòng Thương Xót và cảm thương, gần gũi dân của mình và là đầy tớ của tất cả mọi người. Đó là một tiêu chuẩn mục vụ mà Tôi muốn nhấn mạnh thật nhiều: gần gũi. Sự sống sát cạnh và phục vụ, nhưng là gần gũi, bên cạnh! . . . Bất cứ ai bị tổn thương trong đời sống của họ, trong bất cứ cách thế nào, có thể tìm được nơi vị linh mục sự chú ý và việc lắng nghe . . . Đặc biệt vị linh mục tỏ ra lòng dạ của Lòng Thương Xót trong việc cử hành Bí Tích Hòa Giải; linh mục tỏ ra Lòng Thương Xót đó trong tất cả thái độ của ngài, trong cách đón tiếp, lắng nghe, cho lời khuyên bảo, tha tội . . . Nhưng điều này phải đến như do chính ngài đã sống Bí Tích nơi ngài, là người thứ nhất, theo cách thế để cho mình được Thiên Chúa Cha ôm hôn trong Việc xưng tội, và nằm lại trong vòng ôm hôn này . . . Nếu một người sống điều này nơi chính mình, trong con tim riêng của họ, thì họ cũng có thể trao ban điều này cho người khác trong khi thi hành tác vụ. Và Tôi đưa ra cho Anh Em một câu hỏi: Tôi xưng tội như thế nào? Tôi có để cho Thiên Chúa ôm hôn tôi không? Tôi nghĩ trong đầu của Tôi tới một vị linh mục thế giá ở Buenos Aires, ít tuổi hơn Tôi, khoảng 72 tuổi . . . Một lần ngài đã đến với Tôi. Đó là một cha giải tội có tiếng trong giáo phận : người ta luôn xếp hàng dài chờ ở tòa giải tội của ngài . . . Các linh mục, phần đông, đến xưng tội với ngài . . . Đó là một cha giải tội lừng danh. Một lần kia ngài đến hỏi Tôi: "Và thưa Cha . . ", "Xin Cha nói cho con biết", "Con hơi bối rối, bởi vì con biết rằng con tha thứ quá nhiều!"; "Xin Cha cầu nguyện . . . nếu Cha tha thứ quá nhiều . . . ". Và chúng tôi đã nói về Lòng Thương Xót. Vào một lúc nào đó ngài đã nói: "Cha biết không, khi con cảm thấy rằng cơn bối rối này thật mạnh, thì con đến nhà nguyện, trước Nhà Tạm, và con thưa với Chúa: Con xin lỗi, xin tha cho con, Chúa có lỗi, vì Chúa đã làm gương cho con, một gương xấu! Và con ra đi yên hàn . . .". Thật là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp về Lòng Thương Xót! Nếu nơi một vị linh mục nào đó, trong Tòa Giải Tội, sống điều này nơi mình, trong chính con tim của mình, thì ngài cũng có thể ban ơn đó cho người khác.
Vị linh mục được mời gọi để học biết điều này, để có một con tim biết rung cảm. Các linh mục - Tôi xin phép dung từ này - "nhiệm nhặt" các linh mục trong "phòng thí nghiệm", tất cả là trong sạch, tất cả là đẹp xinh, không giúp Giáo Hội. Giáo Hội ngày nay, chúng ta có thể nghĩ điều này, như một "bệnh xá bằng lều vải". Điều này, Tôi xin lỗi, Tôi lặp lại, bởi vì Tôi nhìn ra như thế, Tôi cảm nghiệm như thế: "một bệnh xá bằng lều vải". Cần chữa trị các vết thương, có biết bao nhiêu vết thương! Có biết bao nhiêu người bị thương, do các vấn đề vật chất, do các gương xấu, ngay cả trong Giáo Hội . . . Đám dân bị tổn thương vì các ảo tưởng trong thế giới . . . Chúng ta, các linh mục phải có mặt ở đó, phải gần gũi đám dân này. Lòng Thương Xót có nghĩa trước tiên, là chữa trị các vết thương. Khi một người bị thương, họ cần ngay điều này, không phải là các cuộc khám nghiệm phân tích, như các giá trị của bệnh colesterol, bệnh nhiễm trùng trong máu . . . Nhưng có vết thương, thì chữa vết thương, và rồi chúng ta sẽ phân tích sau. Rồi người ta sẽ làm các chữa trị chuyên môn, nhưng trước hết phải chữa trị các vết thương đang mở toang ra. Với Tôi, điều này, trong giây phút này, quan trọng hơn. Và rồi còn có những vết thương ngầm, bởi vì dân chúng đi ra xa để không cho người ta nhìn thấy các vết thương . . . Đến trong trí Tôi thói quen, với luật Maisen, của các người phong cùi vào thời Chúa Giêsu, luôn ở xa, để không gây truyền nhiễm . . . Có dân chúng ở xa vì xấu hổ, vì xấu hổ, nên không để cho người khác thấy các vết thương . . . Và người ta đi ra xa có lẽ một chút, với bộ mặt xị xuống, chống lại Giáo Hội, nhưng tự thâm tâm, ở bên trong có vết thương . . . Họ muốn có một cử chỉ vỗ về! Và Anh Em, các Anh Em đồng nghiệp thân mến - Tôi hỏi Anh Em - Anh Em có biết các vết thương của những người trong giáo xứ của Anh Em không? Anh Em có trực giác nhận ra các vết thương đó không? Anh Em có gần gũi họ không? Đó chỉ là một câu hỏi thôi . . .
3. Lòng thương xót có ý nghĩa không phải là một vạt áo mở rộng, cũng không phải là sự cứng rắn
Chúng ta trở lại với Bí Tích Hòa Giải. Thường xảy ra là, với chúng ta các linh mục, cảm nghiệm nơi tín hữu của chúng ta đến, họ kể cho chúng ta đã gặp trong Tòa Giải Tội một vị linh mục rất "ngặt", hoặc "rất rộng", nghiêm nhặt hay quá rộng. Và điều này không được. Giữa các cha giải tội có sự khác biệt về cung cách, đó là điều thường, nhưng các khác biệt này không có thể nhắm vào điều chính yếu, nghĩa là giáo huấn đúng về luân lý và về Lòng Thương Xót. Không rộng quá cũng không ngặt quá trong việc làm chứng tá về Đức Giêsu Kitô, bởi vì không phải vị này hay vị khác mang lấy trên mình con người mà linh mục gặp. Vị quá ngặt, rửa tay phủi bụi: quả thực ngài đóng đinh vào lề luật, được hiểu một cách lạnh nhạt và cứng nhắc; vị quá rộng, trái lại, cũng rửa tay: chỉ bên ngoài là có Lòng Thương Xót, nhưng thực ra ngài không coi trọng vấn đề của lương tâm đó, khi làm cho tội nhẹ đi. Lòng Thương Xót mang lấy trên mình chính con người, lưu tâm lắng nghe họ, đến gần họ với sự kính trọng và với sự thật như nhận ra trong tình trạng của hối nhân, và đồng hành với họ trên hành trình hòa giải. Và điều này thực mệt nhọc, phải, thật mệt nhọc. Vị linh mục thực sự có Lòng Thương Xót, nếu hành xử như Người Samaritano nhân hậu . . . nhưng tại sao làm như thế? Bởi vì con tim của ngài có khả năng bày tỏ lòng cảm thương, đó là con tim của Đức Kitô!
Chúng ta biết rõ rằng không phải thái độ quá rộng cũng không phải thái độ quá ngặt làm cho sự thánh thiện tăng trưởng lên. Có lẽ một vài vị quá ngặt như là vị thánh, vị thánh . . . Nhưng Anh Em hãy nghĩ tới ông Pelagio và rồi chúng ta nói . . . Họ không thánh hóa vị linh mục, và không thánh hóa người tín hữu, không phải thái độ quá rộng, cũng không phải thái độ quá ngặt! Trái lại Lòng Thương Xót đồng hành với hành trình nên thánh, đồng hành với sự thánh thiện này và làm cho lớn lên . . . Quá nhiều công việc cho một cha sở phải không? Đúng thế, quá nhiều việc! Và trong cách thế nào ngài đồng hành và làm lớn lên hành trình của sự thánh thiện? Qua đau khổ trong mục vụ, đó là hình thức của Lòng Thương Xót. Sự đau khổ trong mục vụ là gì? Điều này muốn nói là cho đi cùng với tất cả con người. Và điều này không phải dễ dàng! Đau khổ như một người cha và như một người mẹ đau khổ cho con cái của mình; Tôi xin phép để nói, đau khổ ngay cả với lo lắng ưu tư . . .
Để giải thích điều Tôi nói, Tôi cũng đưa ra cho Anh Em một vài câu hỏi, đã giúp Tôi, khi một linh mục đến với Tôi. Cũng giúp Tôi khi Tôi ở một mình trước Chúa!
Xin hãy nói cho Tôi: Bạn khóc phải không? Hoặc chúng ta hết nước mắt? Tôi nhớ rằng trong các Sách Lễ cổ, những sách thời xưa, có một kinh tuyệt đẹp xin ơn chảy nước mắt. Kinh bắt đầu, đọc lên như sau: "Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Ông Maisen lệnh truyền đánh vào tảng đá để nước vọt ra, xin hãy đánh vào tảng đá của con tim của con, để nước mắt cũng chảy ra . . . .": lời kinh là như thế, ít hay nhiều, đó là lời kinh. Lời kinh tuyệt đẹp. Nhưng, bao nhiêu người trong chúng ta khóc trước sự đau khổ của một em bé, trước sự tan nát của một gia đình, trước biết bao nhiêu người không tìm ra hành trình phải đi? . . . Tiếng khóc của vị linh mục . . . Bạn khóc phải không? Hoặc trong vị linh mục này chúng ta đã mất đi nước mắt?
Bạn có khóc vì dân của Bạn? Hãy nói cho Tôi, Bạn có cầu nguyện để chuyển cầu cho họ trước Nhà Tạm không?
Bạn chiến đấu với Chúa cho dân của Bạn, như Ông Abraham đã chiến đấu: "Và nếu không như thế thì sao? Và nếu chỉ có 25 người thôi" thì sao? Và nếu chỉ có 20 người thì sao? . . . " (xem St 18, 22-33). Lời cầu nguyện chuyển cầu đó thật can đảm . . . và chúng ta nói về sự can đảm, về sự can đảm tông đồ, và chúng ta nghĩ tới các chương trình mục vụ, điều này đúng, nhưng chính lòng can đảm thì cần thiết ngay cả trong khi cầu nguyện. Bạn có chiến đấu với Chúa không? Bạn có tranh luận với Chúa như ông Maisen đã làm không? Khi Chúa đã chán chường, nhọc mệt về dân của Ngài và Chúa nói với ông: "Con an tâm . . . Ta sẽ phá hủy tất cả, và Ta sẽ làm cho con nên người đứng đầu một dân khác". Ông Maisen đáp: "Không, không được! Nếu Chúa phá hủy dân này, xin Chúa cũng phá hủy cả con nữa!". Nhưng những người này có sức mạnh! Và Tôi đưa ra một câu hỏi: Chúng tôi có sức mạnh để chiến đấu với Thiên Chúa vì dân của dân chúng tôi?
Tôi đưa ra một câu hỏi khác : ban chiều, Bạn kết thúc ngày sống của Bạn như thế nào? Với Chúa hay với chiếc máy truyền hình TV?
Mối tương quan của Bạn với những người giúp con trở nên thương xót hơn, như thế nào? Nghĩa là, mối tương quan của con với trẻ con, với người già, với bệnh nhân như thế nào? Con có biết vỗ về vuốt ve họ không, hoặc con xấu hổ khi vuốt ve một cụ giả? Đừng xấu hổ vì xác thịt của người anh chị em của con (xem Reflexiones en esperanxa, đoạn I). Sau cùng, chúng ta sẽ bị phán xét về cách thế chúng ta biết đến gần "từng xác thịt" như thế nào - đó là lời của ngôn sứ Isai. Con đừng xấu hổ về xác thịt của anh chị em của con. "Hãy làm cho mình nên người thân cận với nhau": sự gần gũi, sự sát gần, làm cho chúng ta nên thân cận với xác thịt của người anh chị em. Vị linh mục và thày lêvi đi qua, trước người Samaritano nhân hậu, đã không biết đến gần gũi người bị hành hung bởi bọn cướp. Con tim của họ đóng kín lại. Có thể vị linh mục đã nhìn đồng hồ và nói: "Tôi phải đi dâng Lễ, tôi không thể đến dâng Lễ trễ", và ngài ra đi. Các lời bàu chữa. Bao nhiêu lần chúng ta đã bàu chữa, để tránh né vấn đề, để bỏ qua con người. Người khác, vị levi, hoặc vị luật sĩ, vị luật sĩ nói: "Không, tôi không thể, vì nếu tôi làm điều này ngày mai tôi phải đi làm chứng, tôi sẽ mất giờ . . . ". Xin lỗi! . . . Họ có con tim đóng kín. Nhưng con tim đóng kín luôn thanh minh về những gì họ không làm. Trái lại người Samaritano đó mở con tim của mình ra, để cho con tim rung cảm trong tâm can, và mối rung cảm bên trong này được bày tỏ ra trong hành động cụ thể, trong việc can thiệp cụ thể và hữu hiệu giúp đỡ con người.
Vào thời sau cùng, sẽ được nhận vào chiêm ngắm xác thịt được vinh quang của Đức Kitô, chỉ những ai đã không xấu hổ vì xác thịt của người anh chị em của mình bị thương và bị loại bỏ. Tôi xưng thú với Anh Em, một đôi lần với Tôi, là điều thật tốt, khi đọc bản liệt kê các điểm, theo đó tôi sẽ bị phán xét, điều này làm ích cho tội nhiều: trong Phúc Âm đoạn 25. Những điều này đến trong trí Tôi, để chia sẻ với Anh Em. Chỉ có một điều là hơi lộn xộn, như nó đến trong trí của Tôi . . . [Đức Hồng Y Vallini nói: "Thật là một cuộc xét mình tuyệt hay"]. Điều này là điều tốt chó chúng ta. [cả phòng vỗ ta]. Ở Buenos Aires - tôi nói tới một vị linh mục khác - có một vị giải tội danh tiếng: đó là một linh mục thuộc Dòng Thánh Thể. Hầu như hàng giáo sĩ đến xưng tội với ngài. Khi, một trong hai lần đến thăm Mục Vụ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin mời một vị giải tội đến Tòa Sứ Thần, thì chính vị linh mục này được mời đến. Là một vị linh mục già, rất già . . . Ngài đã là Giám Tỉnh trong Dòng của Ngài, đã là giáo sư, nhưng vẫn luôn là một cha giải tội, luôn là cha giải tội. Và luôn người ta xếp hàng xưng tội với ngài, ở đó, trong nhà thờ Mình Thánh Chúa. Trong thời đó, Tôi là Cha Tổng Đại Diện và Tôi ở trong Tòa Giám Mục, và mọi buổi sáng, thật sớm, Tôi đi xuống máy fax để xem có bản nào gửi đến không. Và vào buổi sáng Phục Sinh tôi đọc một bản fax của Cha Bề Trên cộng đoàn: "Hôm qua, nửa giờ trước Vọng Phục Sinh, đã ra đi Cha Aristi, vào tuổi 94 - hoặc 96 tuổi? Lễ an táng sẽ được cử hành vào ngày . . . ". Và sáng Phục Sinh Tôi phải đi dùng bữa trưa với các linh mục tại nhà hưu - Tôi thường làm như thế vào Ngày Phục Sinh - và rồi - người ta nói với Tôi - sau cơm trưa xin tới nhà thờ. Đó là một nhà thờ rộng lớn, rất lớn, với tầng hầm thật đẹp. Tôi đi xuống hầm nhà thờ và có một quan tài, chỉ có 2 bà lão già đang cầu nguyện ở đó, nhưng không có hoa. Tôi nghĩ: nhưng người này, đã tha thứ các tội của tất cả hàng giáo sĩ của Buenos Aires, cả cho tôi nữa, mà không có một bông hoa . . . Tôi đi lên và tôi đến tiệm bán bông - bởi vì ở Buenos Aires vào các ngã tư đường có các quán bán bông, trên đường, trong các nơi có dân chúng - và tôi đã mua bó hoa, hoa hồng . . . Tôi trở về và bắt đầu chuẩn bị quan tài, với bông hoa . . . Và Tôi nhìn cỗ tràng hạt cha cầm trong tay . . . Và ngay lập tức có ý nghĩ trong đầu Tôi - người trộm cắp mà tất cả chúng ta có trong chúng ta, phải không? - , và trong khi Tôi chuẩn bị cắm hoa Tôi đã lấy Thánh giá ở Xâu cuỗi, và dùng một chút sức mạnh Tôi lấy Thánh giá ra. Và trong lúc đó Tôi đã nhìn cha này và nói : "Xin ban cho con một nửa của lòng thương xót". Tôi nghe thấy một điều gì mạnh mẽ đã cho Tôi can đảm để làm điều này và làm lời nguyện này. Và rồi, Thánh giá đó Tôi đặt ở đây, trong túi. Các áo sơ mi của Vị Giáo Hoàng không có túi, nhưng Tôi luôn mang theo một túi nhỏ bằng vải, và từ ngày đó cho tới nay, Thánh giá đó ở với Tôi. Và khi đến với Tôi một tư tưởng xấu chống lại một con người, bàn tay Tôi đụng tới đây, luôn luôn như thế. Và Tôi cảm thấy có ơn thánh! Tôi cảm thấy rằng điều này đem lại ích lợi cho Tôi. Thật có nhiều điều tốt từ gương của linh mục đầy lòng thương xót, của một linh mục đến gần các vết thương đã làm điều tốt đẹp . . . Nếu Anh Em suy nghĩ, Anh Em chắc chắn đã biết tới bao nhiêu người, bao nhiêu người, bởi vì các linh mục của Nước Ý thật giỏi ! Các ngài thật tốt. Tôi tin rằng nếu Nước Ý còn mạnh mẽ như thế này, không phải nhờ Chúng tôi các Giám Mục, nhưng nhờ các Cha Sở, nhờ các Linh mục! Đúng thế, điều này đúng thật như thế! Không phải để xông hương an ủi Anh Em, Tôi nghĩ như thế. Lòng Thương Xót. Anh Em hãy nghĩ tới biết bao nhiêu linh mục ở trên trời và hãy cầu xin ơn này! Chớ gì các ngài ban ơn Thương Xót cho Anh Em, mà các vị đó đã được cùng với các tín hữu của mình. Và điều này đem lại kết quả thật tốt đẹp. Xin cám ơn Anh Em đã lắng nghe và đã đến đây.
Kinh Truyền Tin - Angelus Domini.
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biếng ngày 06-03-2014. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 06-03-2014).