BÀI
SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ
TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN B
LỜI
CHÚA : Lc 9,1- 6
(1) Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực
và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. (2) Người sai
các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (3)
Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương
thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. (4) Khi anh em vào bất cứ nhà
nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. (5) Hễ người ta không đón tiếp
anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối
họ". (6) Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng
và chữa bệnh khắp nơi.
SUY
NIỆM
Các kinh sư trong Cựu Ước cũng chiêu mộ các môn
sinh để chia sẻ cuộc sống của Thầy, nhưng không bao giờ sai các môn sinh ra đi
làm những công việc của Thầy, cộng tác với Thầy trong sứ vụ. Nhưng trong phúc
âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với nhóm mười hai “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con đi (Ga 20,23). Chúa
Cha mới có quyền sai và Chúa Giêsu mới là người đáng được sai đi. Chúa Giêsu
sai là Ngài thừa lệnh của Chúa Cha và các tông đồ được sai đi cũng chỉ với tư
cách thừa sai, thừa lệnh người sai mình để làm việc của người sai mình vả theo
ý của người sai mình chứ không có quyền làm theo ý riêng. Đó là cách hành xử rất
mới mẻ của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tập họp nhóm mười hai lại, họ không
phải là những người tài ba lổi lạc, có quyền cao chức trọng trong xã hội, họ
thuộc nhóm bình dân và xuất thân từ nhiều môi trường xã hội và chính trị khác
nhau, tính tình khuynh hướng khác nhau, nhưng Chúa mời gọi họ đến ở với Chúa,
xem xét nếp sống có Chúa, thấy các phép lạ Chúa làm, thấy cả những thất bại của
Chúa ở Nadarét, được Chúa huấn luyện, nghe những Lời Chúa giáo huấn, được Chúa
cải hóa để làm tông đồ cho Chúa, họ tạo được một mối tương quan với Chúa và với
nhau, sau đó họ còn phải đón nhận những huấn thị của Chúa, được Chúa ban cho
năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành các bệnh tật, để họ chế
ngự được Satan và sự dữ mà cứu giúp mọi người. Tất nhiên, trước tiên họ phải tự
chiến thắng được Satan và sự dữ nơi chính bản thân họ, không còn sống theo con người
cũ để trở nên những chứng nhân tiêu biểu nhờ sống bên cạnh Chúa Giêsu, họ đang
thay đổi cách sống, cách nghĩ, và thấm nhuần tinh thần của Nước Trời. Sau đó, họ
được Chúa sai đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân. Chúa
nói: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai
anh em” (Ga 20,23), đó là một
việc làm của Chúa Giêsu thật mới mẻ, khác với các kinh sư đã hành xử với các
môn sinh của họ. Chúa Giêsu chỉ thị cho họ rằng: “anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền
bạc, cũng đừng có hai áo”. Qua chỉ thị
này Chúa Giêsu muốn các tông đồ có
lòng siêu thoát với mọi sự trần gian, họ được tự do hăng say thi hành sứ vụ của
mình, luôn tìm của cải trên trời. Phong thái của họ cực kỳ đơn giản, giống như
những lữ hành lòng không vương vấn bất cứ sự gì, họ luôn sống trong tư thế lên
đường, sẳn sàng ra đi, không định cư ở một nơi nào nhất định, bởi vì họ còn có
những nơi khác cần đến sứ điệp họ loan báo. Với chỉ thị này Chúa Giêsu cũng đòi
hỏi các tông đồ phải có tinh thần phó thác và tin tưởng vào Chúa quan phòng. Sự
tin tưởng ấy là một dấu ấn của một thừa sai. Chúa Giêsu còn căn dặn: “khi anh em vào bất nhà nào thì ở lại đó và
cũng từ đó mà ra đi”, lời này chỉ dấu Chúa Giêsu cần căn dặn các tông đồ
một sự ổn định nào đó. Chúa Giêsu cũng tiên liệu cho các tông đồ: sứ điệp kêu
gọi hoán cải mà họ rao giảng có thể có những người khước từ, nên Chúa nói với
các ông “còn nơi nào người ta không đón
tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giủ bụi chân” để tỏ ý phản
đối họ, tuyệt giao với họ, chứ không phải có ý khinh bỉ, người khước từ sứ
điệp. Đây là một tập tục của người Do Thái sau một cuộc hành trình trở về, khi
đặt chân lên miền đất Philitinh, họ giũ bụi đường khỏi giày dép, không đưa bụi
phàm trần vào đất thánh của mình. Các tông đồ ra đi rảo qua các làng mạc loan
báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. Lúc này các tông đồ cho rao giảng về con
người của Đức Kitô vì họ khó hiểu được Ngài, họ chỉ chuẩn bị các tâm hồn kêu
gọi hoán cải. Lời rao giảng của họ kèm theo việc trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân và
chữa lành bệnh tật. Các tông đồ xức dầu không như một phương thuốc nhưng như
dấu chỉ biểu tượng một tác động siêu nhiên, về sau lại trở thành bí tích xức
dầu bệnh nhân. Việc trừ quỷ chữa lành
bệnh nhân là cử chỉ giải thoát họ khỏi ảnh hưởng của ma quỷ và tội lỗi, loan
báo thời đại của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chúng ta thi hành sứ vụ
tông đồ cần phải có tính siêu thoát với mọi sự thế gian với lòng phó thác tin
tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Luôn hăng say nhiệt thành trong sứ vụ, trước
hết hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn các điều khác Ngài sẽ ban cho sau. Sức mạnh
của người tông đồ không hệ tại của cải và thế lực, nhưng do ơn Chúa và Lời Chúa
hướng dẫn, cần cầu nguyện và sống Lời Chúa. Người tông đồ là người thừa sai,
nên luôn hoạt động theo ý Chúa và như Chúa, không theo ý riêng của mình cách tự
mãn, cũng không bất mãn thất vọng khi bị chống đối thất bại. Chúng ta làm tông
đồ cần có sự hiệp nhất, hợp tác, dù có sự khác biệt thì mới có kết quả. Người
tông đồ trước tiên phải là một chứng nhân, cần được ơn Chúa biến đổi nên người
mới để lời rao giảng được củng cố bằng chính đời sống của mình.
Lạy Chúa
Giêsu, Chúa đã chọn gọi con làm tông đồ của Chúa, dù con bất xứng, xin Chúa dạy
dỗ biến đổi con nên những chứng nhân của Chúa, và giúp con luôn hăng say trong
sứ vụ rao giảng, để con là một tông đồ
đắc lực cộng tác với Chúa luôn mãi.
Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
Đaminh Monteils