Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 25

CHÚA NHẬT XXV TNB

CÁM DỖ QUYỀN LỰC

jesus-cross.jpgThưa quý OBACE, quyền, tiền và địa vị là những cám dỗ triền miên của con người. Khi có tiền, người ta lại muốn tìm địa vị và quyền lực, và ngược lại khi có địa vị và quyền lực, người ta tìm mọi cách để vơ vét cho có thật nhiều tiền, và lại tiếp tục dùng tiền để mua quyền lực hoặc chi phối quyền lực. Cám dỗ này nó diễn ra từ trong băng nhóm tội phạm cho đến các cấp lãnh đạo các quốc gia, những người này sẵn sàng dùng tiền bạc để mua quyền lực, hạ uy tín của nhau và khi đã có quyền lực người ta sẵn sàng thủ tiêu hạ uy tín của nhau. Chúng ta cũng có thể thấy những sự tranh giành quyền lực nơi các công ty xí nghiệp, nơi đời sống cá nhân…, ai cũng muốn mình là vua, là nhất, là người đứng đầu người khác, hơn người khác. Cám dỗ về quyền và tiền cũng là cám dỗ triền miên nơi những người môn đệ của Chúa, nơi mỗi người chúng ta dù là linh mục tu sĩ hay giáo dân.

Câu chuyện trong Tin Mừng Maccô cho thấy các tông đồ là những người đã đi theo Chúa, bỏ cha mẹ vợ con anh em ruộng vườn để theo Chúa, tuy nhiên cái mục đích và ý hướng đi theo Chúa không phải lúc nào cũng trong sáng hay tinh ròng, các tông đồ đi theo Chúa nhưng vẫn nuôi ở trong lòng một cái khao khát trần thế phàm tục, đó là khao khát quyền lực. Trong khi Các tông đồ đang theo Thày lên Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn thập giá, Chúa đã nói trước với các ông về những việc sắp xảy ra cho Người: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau Người sẽ sống lại. Tuy nhiên các tông đồ đã không hiểu hay không muốn hiểu, không chấp nhận sự thật, vì các ông vẫn nuôi hy vọng Thày các ông sẽ làm một cuộc khởi nghĩa đánh đuổi đế quốc Roma, Thày sẽ làm vua, và các ông chắc chắn sẽ được chia sẻ quyền lực địa vị với Thày.

Điều các tông đồ quan tâm không phải là lời tiên báo của Chúa về cuộc tử nạn thập giá, mà các ông đang mải phân chia quyền lực xem ai là người lớn nhất, nắm giữ chức chủ tịch hay thủ tướng. Biết các học trò của mình đã có những suy nghĩ sai lầm, đang tranh giành quyền lực, Chúa Giêsu lên tiếng hỏi họ: Dọc đường các con bàn tán chuyện gì vậy? Họ đã không dám nói về cuộc tranh cãi của mình. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã dạy họ một bài học về sư khiêm nhường và phục vu: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người sau hết, ai muốn làm lớn thì phải trở thành người phục vụ mọi người. Như vậy đòi hỏi của chúa Giêsu hoàn toàn khác với những khuynh hướng của trần gian. Ở trần gian người ta tranh giành quyền lực để có thể sai khiến mọi người, để mọi người phải suy tôn mình, phục vụ mình, còn Chúa Giêsu lại muốn một thứ quyền lực của tình yêu thương và phục vụ. Quyền lực của tình yêu thì được dùng để tôn trọng và nâng anh em mình lên, chứ không phải để đè bẹp người khác, và địa vị mà Chúa Giêsu dạy là để cúi xuống phục vụ anh chị em, là làm giảm bớt những đau khổ của anh chị em, chứ không phải để cai trị hay ra lệnh ép buộc người khác. Địa vị và quyền lực của tình yêu thương không nhắm đến lợi ích cho riêng mình, không tìm kiếm tiền bạc của cải cho cá nhân, cho gia đình, mà là tìm kiếm và đem đến hạnh phúc cho người khác một cách vô vị lợi.

Dùng hình ảnh của một em bé làm ví dụ Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Ai đón nhận một em bé như em này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày. Một em bé thì không có gì để cho, và cũng không có gì đáng để quan tâm, tức là một con người không có gì để đáp trả, vì thế sự phục vụ của người môn đệ, của người muốn làm lớn trong anh em, là dám phục vụ một cách vô vị lợi, không tìm sự đền đáp, không đợi người khác mang ơn, giống như phục vụ đón tiếp một em bé. Tuy nhiên khi dám phục vụ những anh chị em bé nhỏ như thế một cách quảng đại thì Chúa Giêsu kể những việc đón tiếp phục ấy như là đón tiếp và phục vụ chính Chúa, và Chúa sẽ là Đấng đáp trả, đền ơn thay cho họ.

Chính Chúa Giêsu trước khi dạy các tông đồ bài học: Ai muốn làm người đứng đầu thì phải phục vụ anh em, thì Ngài đã làm gương cho các tông đồ. Là một vị Thiên Chúa quyền năng, song Đức Giêsu đã không tìm kiếm địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà chấp nhận hủy mình ra không, mang thân phận con người với sự giới hạn như bất cứ ai, sống vâng phục Thiên Chúa cho đến nỗi chấp nhận bị nộp vào tay người đời, và bị họ giết chết. Là một người Thày quyền năng, thế nhưng Đức Giêsu đã không tìm kiếm địa vị trần gian, dân chúng tôn làm vua thì Người trốn đi, người ta ca tụng thì Người bắt họ không được nói với ai; Là Chúa và là Thày, Ngài không tìm chỗ nhất chỗ nhì, mà đã cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình để dạy các ông về bài học yêu thương và phục vụ. Sách Khôn Ngoan đã nhìn thấy trước nơi Đức Giêsu hình ảnh của một con người khiêm nhường bị người đời ghét bỏ nhục mạ, tìm cách loại trừ và xỉ nhục, chỉ vì người ấy đã trung thành với Thiên Chúa.

Theo Thánh Giacôbê chính cái tham vọng quyền lực, địa vị tiền bạc nó gây ra sự đau khổ cho người khác và gây bất bình bất ổn trong cuộc sống. Thánh Giacôbê đã giải thích như thế trong bài đọc hai: vì những khoái lạc, thèm muốn phát xuất từ trong tâm hồn mỗi người, đang sôi sục trong mỗi người, từ đó nó gây nên chém giết ghen ghét xung đột với nhau

Thưa quý OBACE, Theo Chúa Kitô không phải để chúng ta tìm kiếm quyền lực hay lợi lộc vật chất của thế gian, nhưng theo đức Kitô trước tiên là phải chấp nhận một Đức Giêsu khiêm hạ, phục vụ và nhất là phải chấp nhận một Đức Giêsu bị người đời bắt bớ đánh đập và giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Chính sự sống lại là niềm hy vọng và là sự đợi chờ của chúng ta, và cũng chính vì niềm hy vọng này, mà chúng ta dám chấp nhận cùng bước theo con đường của Đức Giêsu, cùng chấp nhận sự thiệt thòi trước con mắt người thế gian, để được hạnh phúc đời đời với Chúa Giêsu.

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta trốn tránh trách nhiệm trần thế, cũng không có nghĩa là chúng ta không cần đến của cải vật chất hoặc vị trí trong xã hội, đã là một xã hội thì luôn phải được tổ chức cho trật tự lớp lang và phân quyền phân nhiệm và có những vị trí khác nhau, thế nhưng điều khác biệt là ở tinh thần và thái độ của mỗi người khi hành sử theo địa vị trách nhiệm, hoặc khi sử dụng vật chất. Nếu chúng ta sử dụng địa vị và trách nhiệm trong tinh thần phục vụ thì đó là điều Chúa muốn, khác với thái độ cai trị, và khi chúng ta tìm mưu cầu hạnh phúc cho anh em thì khác với việc chỉ tìm lợi ích cho bản thân.

Cám dỗ tiền bạc và quyền lực là cám dỗ của mọi người từ người tu hành đến người tín hữu, từ những nhà chính trị cho đến băng đảng xã hội hoặc thường dân, từ trong gia đình cho đến ngoài xóm ngõ, nếu mỗi người không ý thức, mà để mình bị cuốn hút vào quyền lực, thì quyền lực, tiền bạc nó như con lốc xoáy sẽ phá hủy niềm vui và hạnh phúc của người khác, và có khi nó còn vùi sâu đương sự xuống tận đáy cơn lốc xoáy của nó, chúng ta có thể thấy điều đó qua các sự kiện xã hội.

Chính vì muốn thể hiện quyền lực của mình trong gia đình, nên nhiều người chồng đã mang nặng óc gia trưởng, không thông cảm, không lắng nghe vợ con của mình, luôn cho mình là người đúng nhất, có quyền tối thượng, và có quyền được phục vụ…, chính vì vậy mà nhiều gia đình đang phải chịu cảnh dầu sôi lửa bỏng và có nguy cơ đổ vỡ, con cái sợ hãi, gia đình không còn bầu khí yêu thương, không còn sự phục vụ.

Cám dỗ quyền lực và tiền bạc nó cũng không buông tha giới trẻ, vì muốn trở nên những con người có ảnh hưởng, có quyền có tiền, mà nhiều người đã không ngại chà đạp lên danh dự của người khác; Cái khao khát trở thành người nổi tiếng nó cũng là một hình thức của cái cám dỗ quyền lực vì nhiều người trẻ cho rằng đó là con đường ngắn nhất để có được nhiều tiền, và vì thế nhiều người đã lao vào và phải trả bằng những cái giá rất đắt.

Lời dạy của Chúa Giêsu: Ai muốn làm lớn, thì phải phục vụ mọi người, là lời nhắc nhở và cảnh tỉnh cho chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu, hãy trở về với tấm gương của Thày Giêsu: Ngài tuy là phận của Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mang thân phận con người, sống vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá- để chúng ta cũng dám sống và phục vụ như Ngài. Amen

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A- Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Matthêu, Tông Đồ - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm A - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B: DANH - QUYỀN - LỢI. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A- ÔNG ẤY LÀ AI?.Jos. Trần Quang Thắng
     GHEN TƯƠNG. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A- BẰNG LÒNG VỚI CỦA CHÚA BAN. Lm. Trần Bình Trọng
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A- SỰ HÀO PHÓNG CỦA ÔNG CHỦ. Lm Gioan B.Phan Kế Sự
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C- CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ CỦA ĐỨC KITÔ DẪN ĐẾN VINH QUANG. Lm.GioanB Lại Anh Tuấn
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C- ĐỨC GIÊSU LÀ AI?.LM. Giuse Phạm Đình Hiền