CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN B
Tính ghen tương đố kị ăn sâu trong lòng người: nó sinh ra hiểu lầm, bất khoan dung và chiến tranh. Lòng nhiệt thành của các môn đệ chứa đầy sự ghen tương bao lâu chưa được thấm nhuần tinh thần tin mừng. TIN MỪNG chính là tin tưởng và phục vụ Thiên Chúa là đấng hoàn tòan khác hẳn với những gì mà chúng ta suy nghĩ.
Sách Khôn ngoan:
Thật quá ngây thơ mà tưởng rằng người công chính được che chở khỏi bị sự ác tấn công. Không phải thế, vì sự Ác không còn là sự Ác bao lâu nó không gây ra những việc xấu xa hãm hại con người. Sự Ác lại thích làm hại người công chính và vô tội, những ai không được bảo vệ và không có sức mạnh.
Thánh Vịnh 53:
“Vì danh Chúa, lạy Chúa, xin cứu con!”. DANH là một cái gì hơn là tên gọi bình thường của một người, vì có thể nói, nó làm nên chúng ta, cho ta hiện hữu, thiết lập một mối giây liên kết giữa các ngôi vị, giữa người gọi và người được gọi. Thánh vịnh nầy nói đến một « quyền năng Cứu độ » nơi DANH của chính Thiên Chúa. DANH Thiên Chúa là quyền năng và năng lực của HỮU THỂ Người. Thiên Chúa tự đồng hóa với DANH của Người.
Thư thánh Gia cô bê :
Thiên Chúa là Nghệ sỹ tuyệt tài, mỗi vật Người dựng nên đều khác biệt. Không bao giờ có hai vật giống như nhau. Mỗi người là ĐỘC NHẤT. Sự ganh tỵ và bon chen thấm nhập vào cuộc sống con người như một chất giấm. Chúng làm hư bản chất chúng ta và những gì chúng ta làm ra. Thậm chí nó làm cho Lời cầu nguyện chúng ta trở nên vô ích. Vậy chúng ta đừng bao giờ so đo với người khác.
Tin mừng: Mc 9,30-37
NGỮ CẢNH
Sau khi chữa lành cho người bị quỉ ám mắc bệnh động kinh (9,14-29), Chúa Giê su loan báo Khổ nạn và Phục sinh lần thứ 2 (9,30-33). Rồi Ngài dành cho các môn đệ những giáo huấn đặc biệt dành cho những người sẽ phục vụ mọi người (34-37).
TÌM HIỂU
Đi băng qua: khác với Gio an nói đến nhiều chuyến đi của Chúa Giê su giữa miền Ga li lê và Giu đê, các tin mừng Nhất lãm chỉ ghi lại có một lần duy nhất lên Giê ru sa lem dẫn Chúa Giê su đến cuộc hiến tế của Ngài. Chính trong cuộc đi lên nầy Ngài đã ba lần loan báo số phận bi đát sẽ dành cho Ngài. Cuộc hành trình vội vã qua vùng Ga li lê trong đó Chúa Giê su tránh cho người ta nhận diện, tương ứng với lộ trình đầu tiên lên Giê ru sa lem.
Không muốn: có lẽ bí mật thiên sai hoặc một cuộc chạm trán với các thành phố vùng Ga li lê mà Mt đã nói trong đoạn 11,20-24 đã khiến Ngài hành động như thế nầy chăng? Dù sao, khi đến Giu đê, Chúa Giê su sẽ giáo huấn các đám đông (10,1). Và dường như cũng từ đầu cuộc hành trình nầy, việc chuẩn bị các môn đệ chịu đựng các cơn thử thách về lòng trung tín đang chờ đợi họ có phần quan trọng hơn là lời loan báo Tin mừng cho đám đông.
Sẽ bị nộp: so với hai lần kia, lời loan báo thứ hai nầy ít được khai triển nhất. Luca, trong đoạn song song (9,44), ghi lại một câu chính xác hơn: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Nói chung trong lời loan báo lần thứ hai trong Luca, người ta thấy được kiểu thức của lời loan báo Khổ nạn gần với các lời Chúa Giê su nói hơn. Mc chịu ảnh hưởng của lời rao giảng phục sinh (Cv 2,23-24; vv..), đã thêm phần loan báo phục sinh vào lời loan báo sự chết.
Chúa Giê su bị nộp bởi con người hay bởi Thiên Chúa? Trong Mc, thì chính Giu đa đã giao nộp Chúa Giê su cho thù địch: 3,19; 14,10.11. 18.21. 42.44. Còn các thầy Thượng tế thì giao nộp Ngài cho Phi la tô: 15,1; hoặc Phi la tô giao nộp Chúa Giê su cho bọn lính hành hình: 15,15. Nhưng ở đây, động từ dùng thể bị động cũng là một cách thức thường thấy nơi các môi trường Híp pri thời đó để chỉ Thiên Chúa, tránh gọi Thánh Danh Người vì kính trọng. Chúa Giê su đã nhìn thấy trong cuộc Khổ nạn của Ngài chương trình của Thiên Chúa Cha thực hiện bằng cách phó nộp Ngài trong tay loài người: “Đến như chính Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).
Bản văn nầy được soi sáng bởi một đoạn khác: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Vào tay người đời: ở đây không xác định rõ ai đã ra tay giết chết Chúa Giê su cũng như Ngài bị tra tấn như thế nào. Chúa Giê su đã bị bách hại như các tiên tri và người công chính trong thời CƯ (x. Đ n 7,25). Bản văn muốn nhấn mạnh sự tương phản giữa “Con Người” và “người đời”.
Không hiểu: Mc luôn ghi chú trong ba lần loan báo khổ nạn rằng các môn đệ không hiểu Chúa Giê su muốn nói gì.
Các ông sợ: một bầu khí lo sợ gia tăng trong cộng đoàn các môn đệ; chúng ta sẽ thấy ở đoạn sau: 10,32. Ở đây các môn đệ sợ nhắc lại cuộc loan báo khổ nạn và sợ chấp nhận nó. Mc ít nhấn mạnh đến tâm lí các môn đệ. Ông thích nhấn mạnh tính cách khó tin nơi sự hạ mình của Con Người.
Về tới nhà: x. 2,1;3,20.
Anh em đã bàn tán điều gì vậy?: câu hỏi nầy cho thấy khoảng cách bi thảm giữa cái nhìn của Chúa Giê su về số phận của Ngài và những toan tính tầm thường của các môn đệ Ngài. Và cũng như sau các lần loan báo khác (8,34-38; 10,41-45), đây là cơ hội để Ngài đưa ra một giáo huấn về thái độ phải có nơi các môn đệ. Giáo huấn nầy kéo dài cho tới câu 9,50.
Ngồi xuống: X. 4,1 và 13,3. Tư thế của thầy dạy. Khởi đầu long trọng cho một giáo huấn chính thức nhằm trả lời cho câu hỏi ở c. 34.
Nhóm Mười Hai: ở đây giáo huấn không nhắm tới đám đông hay các môn đệ, nhưng rõ ràng dành riêng cho Nhóm Mười Hai. Đây là một điều hiếm hoi trong Mc. Cách chung, Chúa Giê su đề cập đến những điều có liên quan đến Giáo Hội: sự chọn lựa những người sẽ là cột trụ, mời gọi đi truyền giáo và, ở đây, các điều kiện đời sống trong cộng đoàn. Chúa Giê su sẽ tách Nhóm Mười hai ra khỏi các môn đệ một lần nữa để loan báo cuộc Khổ nạn của Ngài đang tới gần và, sau sự can thiệp của Gia cô bê và Gioan, cho biết một ngày nào đó họ sẽ được liên kết vào trong sự khổ nạn của Ngài (10,32).
Nhóm Mười Hai sẽ còn được gọi tên trong các câu 11,11;14,17.
Người rốt hết: lời cắt nghĩa cần thiết cho “người lớn nhất” (9,34). Luật trong các tương quan với người lân cận được diễn tả mạnh mẽ bằng một tương phản. Không gì có thể soi sáng rõ ràng bằng gương của Chúa Giê su: “Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên gống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Vì thương yêu cho đến chết, nên trước khi từ biệt, Chúa Giê su đã rửa chân cho các môn đệ. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).-
Em nhỏ: một hình ảnh minh hoạ “người rốt hết” (9,35). Vì nhỏ bé, trong tư thế bị lệ thuộc, đứa bé là chính mẫu mực của người nghèo. Vào thời đó, đứa bé là thành phần làm nên sự giàu có của những người lớn, nhưng không được nhìn nhận như là một thực thể có giá trị. Chúa Giê su không những không xua đuổi trẻ nhỏ, mà còn tự đồng hoá với chúng khi nhìn nhận bản thân trong một đứa bé. Ngài đặt chúng ở giữa, một vị trí trân trọng. Chúng ta sẽ còn thấy các em bé ở 10,13.
Ôm lấy nó: x. 10,16.
Vì danh Thầy: tác giả cũng sẽ dùng lại kiểu nói nầy trong diễn từ truyền giáo: ở đây nói đến sự tiếp nhận dành cho các vị tông đồ đại diện Đức Ki tô (Mt 10,40). Kiểu nói “vì danh Thầy” còn xuất hiện nhiều lần trong chương nầy và phân nhịp điệu cho bản văn.
SỨ ĐIỆP
Thành công, vinh quang, và được mọi người ngưỡng mộ. Đối với một người thật không còn gì để mơ ước hơn. Nhưng với Chúa Giê su thì hòan tòan khác hẳn. Ngài loan báo con đường của Ngài chính là lên Giê ru sa lem, để bị bắt, bị giết và bị treo trên thập giá. Lời loan báo đó đã làm cho nhóm Mười Hai sửng sốt. Họ hoàn toàn không cùng ở trên một làn sóng. Họ thích kéo dài giấc mơ vinh quang trần thế mà họ đã theo đuổi từ mấy lâu nay.
Giấc mơ đó chính là chỗ nhất. Họ nghĩ đến lương lai sáng láng của họ. Họ tranh luận với nhau để biết xem ai là người lớn nhất. Khi cuộc khởi nghĩa chống lại người La mã thành công rồi, họ sẽ chia chác nhau. Phê rô đã không quên những gì Chúa Giê su nói với ông: “Chính tôi là người lớn nhất. chính tôi là người được trao chìa khóa Vương quốc”.
Chạy đua dành quyền lực và vinh quang thì thời buổi nào cũng có, và chúng ta thấy diễn ra hằng ngày. Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, dưới những chế độ độc tài. Những người yếu kém và bé nhỏ là những người thua thiệt nhất. Ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng muốn đặt mình lên trước, áp đặt lề luật, ý tưởng và ước muốn của chúng ta trên người khác. Hãy nhìn kỹ điều ấy xảy ra nơi chúng ta như thế nào và nhất là trong những trách nhiệm được giao phó cho chúng ta. Được người chung quanh tâng bốc cũng có khi mang lại niềm vui, nhưng nhìn kĩ lại, chúng ta còn ở xa sứ điệp tin mừng.
Thật vậy, với Chúa Giê su, không phải thế. “Ai làm vua thế gian phải làm đầy tớ mọi người”. Ngài quì gối trước mặt các môn đệ để rửa chân cho họ. Ngài chỉ cho họ thấy rằng không có gì xấu hổ khi phục vụ. Việc đứng đầu người khác chỉ có một quyền lợi duy nhất là dấn thân và phục vụ hơn nữa. Sẽ là điều tuyệt vời nếu cuộc chay đua dành những chức vị cao nhắm đến mục đích phục vụ ích chung.
Lời mời gọi ấy cũng đến với từng người chúng ta trong hoàn cảnh chúng ta đang sống. Tất cả chúng ta được mời gọi đi vào năng động phục vụ. Những việc phục vụ nhỏ là không phải là kém quan trọng, vì ngoài giá trị ra, chúng có lợi là trong tầm tay của mọi người. Chính những phục vụ ấy đem lại giá trị cho cuộc sống của chúng ta, vì qua đó, chúng ta có thể khai triển những đức tính tốt như sự tế nhị, nét dễ thương và quan tâm đến người khác. Hơn nữa, chúng còn giúp chúng ta xích lại gần nhau, và góp phần tạo nên một thế giới huynh đệ hơn.
Khi đến với Bí Tích Thánh Thể, chúng ta hướng về thánh giá Đức Ki tô. Ở đó, chúng ta khám phá Ngài đã tự hiến cho tình yêu đối với chúng ta đến mức độ nào. Một tình yêu vô biên vượt quá tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng và tất cả những gì mà chúng ta có thể nói được. Cuối thánh lễ, chúng ta được sai vào trần gian để làm chứng cho tình yêu mà chúng ta lãnh nhận từ nơi Ngài.
Ngày hôm nay, Chúa Giê su cắt nghĩa cho các môn đệ và từng người cho chúng ta rằng không đựơc cạnh tranh với nhau. Chúng ta cùng được sai đi làm việc chung với nhau trong cánh đồng truyền giáo. Hãy nhớ lại mẻ lưới nhiệm mầu. Nếu các môn đệ không hợp lực với nhau, thì có lẽ sẽ thất bại. Cuộc chạy đua tìm kiếm vinh dự và chỗ nhất chỉ là một phản chứng cho sứ mạng mà thôi.
Để giúp cho mọi người hiểu rõ, Chúa Giê su dùng một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa. Ngài gọi một đứa trẻ lại và đặt giữa họ. Khi tiếp nhận trẻ em, chúng ta tiếp nhận Chúa Giê su. Khi tiếp nhận Chúa Giê su, chúng ta tiếp nhận Thiên Chúa Cha. Cử chỉ và sứ điệp ấy rất có ý nghĩa. Nếu nhìn theo cách nhìn của thế gian thì thật là khó hiểu. Thật vậy, người đời vẫn thường coi trẻ em là biểu tượng cho sự tinh khiết, đơn giản và vô tội. Nhưng vào thời Chúa Giê su thì trẻ em không là gì cả, không đáng kể, chẳng những không được quyền ăn nói, không có của cải, là người nghèo đúng nghĩa, mà còn hòan toàn tùy thuộc vào người lớn quyền thế hơn chúng. Chính vì thế mà chúng ta không hiểu được tại sao một đứa bé làm vua.
Khi Chúa Giê su bồng một trẻ nhỏ trên tay, và đòi phải tiếp nhận chúng, Ngài muốn chuyển đến chúng ta một sứ điệp quan trọng. Đó là tiếp nhận và thăng tiến tất cả những gì không đáng kể trong xã hội, tất cả những gì nhỏ bé, tất cả những gì bị gạt bên lề.
Chính điều đó, Chúa Giê su đã thực hành trong suốt đời sống của mình. Ngài đã luôn luôn đứng về phía những người nghèo, những kẻ bị lọai trừ, những người phung cùi, những người thu thuế, tất cả những người phải tránh xa. Khi lui tới môi trường ấy, chính Ngài đã trở thành một kẻ bị lọai trừ. Rồi một ngày nọ, người ta sẽ dẫn Ngài ra khỏi thành và giết chết Ngài trên một cây thập giá. Tất cả chúng ta được mời gọi đi theo Chúa Giê su trên con đường Ngài đã chỉ cho chúng ta. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm hồn và ước muốn của chúng ta đến với một tương lai huynh đệ và yêu thương, qua sự phục vụ những người bé nhỏ.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: So với các sách khác trong bộ Cựu Ước, sách Khôn ngoan có những nét đặc biệt nào?
THƯA: Sách Khôn Ngoan có những nét đặc biệt nầy: 1. Đây là quyển các cuối cùng của bộ Cựu Ước, chỉ khoảng 30 hay 50 năm trước Chúa Giê su giáng sinh. 2. Sách Khôn ngoan được viết ở Ai cập chứ không trên đất Ít ra ên như phần lớn các sách Kinh Thánh khác. 3. Sách được viết bằng tiếng Hi lạp, chứ không bằng tiếng Híp pri hay A ra mây.
2. HỎI: Tác giả sách Khôn Ngoan là ai, và muốn nhắn gửi gì cho các đồng đạo của mình?
THƯA: Truyền thống vẫn coi Vua Sa lô mông là tác giả. Nhưng ngày nay nhiều người cho rằng đó là một tín hữu, đau lòng trước sự tan rã của cộng đoàn Do Thái nơi đất khách quê người, đã khuyên nhủ các đồng đạo hãy vững vàng trung thành với đức tin. Ông an ủi họ: Phải trung thành, dù đó là điều khó khăn. Khó khăn trước tiên vì đức tin Do thái rất đòi hỏi. Kế đến, vì họ sẽ bị đối phương thù ghét và nhục mạ và tìm cách bách hại.
3. HỎI: Trước những bách hại ấy, người tín hữu phải tin tưởng như thế nào?
THƯA: Tác giả khuyên họ phải vững tâm tin rằng: “Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi họ”, dù họ có thể bị kẻ thù thách thức: “Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ đượcThiên Chúa viếng thăm”.
4. HỎI: Chúa Giê su muốn nói gì khi loan báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”?
THƯA: Khi loan báo “Con Người sẽ bị hộp vào tay người đời”, Chúa Giê su muốn cho thấy cuộc Khổ nạn mà Ngài sắp phải chịu đúc kết và hoàn tất trọn hảo mọi nỗi đau khổ của những người công chính, sự bách hại của các tiên tri và cái chết của các vị tử đạo. Như vậy, qua lời loan báo trên, Chúa Giê su thấy trước Ngài sẽ chết và cái chết ấy là cao điểm của chương trình cứu độ.
5. HỎI: Tại sao các môn đệ không hiểu lời loan báo của Chúa Giê su?
THƯA: Các môn đệ không hiểu lời loan báo Khổ nạn của Chúa Giê su vì lời ấy tương phản hoàn toàn với những mộng tưởng của các ông về Đấng Messia. Trong khi các ông mong chờ Đấng Messia dùng quyền năng giải thoát Ít ra ên khỏi ách thống trị của người La mã, và tái lập Vương quốc Ít ra ên thì Chúa Giê su lại dạy rằng Đấng Messia phải chịu khổ nạn và bị treo trên thập giá.
6. HỎI: Mác cô cho biết Chúa Giê su và các môn đệ về nhà ở Ca phác na um, đó là nhà ai?
THƯA: Chúa Giê su và các môn đề về nhà ở thành Ca phác na um (c.33). Người ta không rõ thánh Mác cô muốn nói đến nhà của ai. Mát thêu trong câu 4, 13 cho biết Chúa Giê su đến ở tại Ca phác na um, còn Mác cô 1,29 nói rằng Phê có một ngôi nhà ở đó. Có lẽ ngôi nhà nầy cũng là nơi mà Mát thêu nói đến như nhà của Chúa Giê su chăng?
7. HỎI: Chúa Giê su dạy các môn đệ bài học gì?
THƯA: Khi biết họ tranh chấp với nhau về địa vị đứng đầu, Chúa Giê su dạy họ rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Người thủ lãnh phải là người phục vụ mọi người, đó là lí tưởng mà Chúa Giê su đã làm gương trong suốt cuộc đời.
8. HỎI: Các em nhỏ gợi lên điều gì đối với Chúa Giê su?
THƯA: Khi đặt một em nhỏ làm gương mẫu cho các môn đệ, Chúa Giê su không coi các em nhỏ như là biểu tượng cho sự vô tội hay bé nhỏ dễ thương. Thật ra, các em nhỏ là tượng trưng cho những người thấp kém, không có tiếng nói, quyền hạn hay giá trị gì trong xã hội lúc bấy giờ. Các em như những người không đáng kể, không quan trọng, không cần quan tâm và bị gạt ra ngoài cuộc sống chung. Khi yêu mến các em nhỏ, Chúa Giê su đề cao và yêu mến sự bé nhỏ.
9. HỎI: Tại sao Chúa Giê su nói đến việc đón tiếp một trẻ nhỏ?
THƯA: Chúa Giê su tự đồng hóa với những người đói khát nghèo khổ, những người bị khinh bỉ, bị coi thường như các em nhỏ. Vì thế, ai đón tiếp một em nhỏ là đón tiếp chính Chúa Giê su, và ai đón tiếp Chúa Giê su là đón tiếp Thiên Chúa Cha, đấng đã sai Chúa Giê su đến trần gian.
10. HỎI: Qua đó, Chúa Giê su muốn mạc khải điều gì?
THƯA: Chúa Giê su muốn dạy hai điều: Thứ 1. Sự cao cả đích thực dưới cái nhìn của Thiên Chúa không phải là thực hiện những hành vi to lớn vĩ đại, mà là làm vì Chúa Giê su Ki tô. Và thứ 2. Nếu muốn làm môn đệ Chúa Giê su, hãy tiếp nhận ơn cứu độ Thiên Chúa trong cuộc sống mình, và hãy theo con đường mà Chúa Giê su chỉ dạy, vì ngoài Ngài không có con đường nào khác.