CHÚA THÁNH THẦN
TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Lời mở
Bàn về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Chúa Thánh Thần tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo hội và trong các phần tử của Giáo hội. Tuy nhiên, Người hiện diện và hoạt động ở khắp nơi, không bị giới hạn bởi không gian cũng như thời gian”. Vì thế, để tìm hiểu về đề tài này, chúng ta đề cập đến hai khía cạnh chủ chốt về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và ngoài biên cương của Giáo hội.
1. Thánh Thần hướng dẫn sứ vụ của Giáo hội
Trước hết, dựa vào nền thần học của thánh Gioan, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định sứ vụ của Giáo hội là công trình của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, khởi đi từ lễ Ngũ tuần, các tông đồ đầu tiên đã được Thần Khí của Đấng Phục sinh hướng dẫn, soi sáng tâm trí để hiểu về mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài (x. Ga 16, 13; 14, 26).
Cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ từ những người nhút nhát đã trở nên can đảm và xác tín một cách mạnh mẽ hơn vào Chúa đến độ họ không thể giữ riêng trong lòng mình: “điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng… chúng tôi loan báo cho cả anh em để anh em cũng được hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô” (1Ga 1, 1-3).
Vâng, chỉ khi các Tông đồ gặp được “Mặt Trời” chân lý thì lời rao giảng của họ sẽ không dừng lại tại một mớ lý thuyết trừu tượng khó hiểu như trước nữa, nhưng lời rao giảng của các Tông đồ càng trở nên xác tín hơn, sống động hơn xuyên qua một kinh nghiệm sống, một cuộc gặp gỡ thân tình với Đấng đã chết và đã sống lại. Và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, lời rao giảng của các Tông đồ giờ đây trở nên như “gươm hai lưỡi”, có sức đánh động và làm thay đổi tâm hồn con người như tác giả sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông đồ khác : thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Ông Phêrô đáp: “anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2, 37-38).
Theo trình thuật trên đây, Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh không chỉ hoạt động trong các Tông đồ - là những người được Đức Kitô tuyển chọn và sai đi (x. Mt 28, Mc 16, Lc 24 và Ga 20), mà chính Ngài còn làm cho những người nghe lời giảng của các Tông đồ được thấu hiểu và được biến đổi để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Nói khác đi, Chúa Thánh Thần vừa hoạt động trong những người rao giảng Tin mừng, vừa tác động một cách mạnh mẽ trong tâm hồn của những người nghe lời rao giảng.
Ngoài ra, để củng cố tinh thần hiệp nhất giữa các tông đồ, Thần Khí còn thúc đẩy họ biết sống chia sẻ tình hiệp thông huynh đệ, trở nên cộng đoàn kiểu mẫu của Giáo hội tiên khởi (x. Cv 2, 42-47) đồng thời tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã phục sinh (x. RM 26; EN 41-42).
Các Tông đồ làm chứng cho Chúa Phục Sinh, chắc chắn không chỉ bằng lời nói suông, song bằng cả hành động nữa (x. EN 75) kể cả khi họ gặp thử thách gian nan thì chính Thánh Thần sẽ dạy họ biết điều phải làm như chính Chúa Giêsu đã báo trước: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, nhưng là chính Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 18-20). Vậy Thánh Thần không chỉ hiện diện và hoạt động trong Giáo hội mà thôi, nhưng Đấng là “gió muốn thổi đâu thì thổi” cũng luôn hiện diện và tác động ngoài biên cương của Giáo hội.
2. Hoạt động của Thánh Thần ngoài Giáo hội
Như chúng ta đã biết, sách Tông đồ Công vụ kể lại việc Chúa Thánh Thần tác động trên viên đại đội trưởng Cornelio. Ông là một người lương dân, có lòng đạo đức, kính sợ Thiên Chúa và chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 10, 1-2) mặc dù ông chưa biết Thiên Chúa. Qua cung cách sống của ông và gia đình ông, có thể nói họ được soi chiếu dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần (x. Cv 10, 4). Còn Phêrô, khi tiếp nhận người ngoại giáo đầu tiên, trưởng hội đường Roma là Cornelio ở Cesarea vào cộng đoàn tiên khởi, Phêrô biết rõ không chút nghi ngờ về hành động tiếp nhận của ông. Chắc chắn thái độ này không phải do phong tục tôn giáo, nhưng là vì đó là ý muốn của Chúa như Phêrô đã xác tín điều đó giữa Hội đường rằng: “Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng tôi thì Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch” (Cv 10, 28). Theo đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, sự kiện này diễn tả một biến cố lớn lao trong lịch sử cứu độ đó là Phêrô đã giữ lại nguồn gốc cho Hội thánh tiên khởi; tuy nhiên, Phêrô cũng hiểu rằng mình còn phải là dụng cụ của Chúa Thánh Thần để khởi đầu sứ mệnh đến với “các dân tộc” theo lệnh truyền của Chúa Kitô (x. Mt 28, 19). Biến cố này cũng mạc khải tính cách phổ quát của Nước Thiên Chúa trong thế giới: Phêrô đã mở ra một con đường mới cho Luật mới, trong đó, Tin mừng của ơn cứu độ phải đạt tới nơi mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, quốc gia, văn hóa và tôn giáo.
Nhưng để đạt tới sự nhận thức đặc biệt về biến cố này, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nói thêm rằng sách Tông đồ Công vụ mô tả trước hết về một tiến trình nội tâm, một “thị kiến” mà qua đó, chúng phát sinh ra những vấn nạn, những suy tư mập mờ còn để lại trong tâm hồn của Phêrô do tác động của Chúa Thánh Thần liên hệ đến lệnh truyền của Chúa Kitô trong sứ mệnh truyền giảng Tin mừng: “Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Gia-phô, thì ông Phê-rô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu. Ông thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần. Ông thấy trời mở ra va một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: "Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! Ông Phê-rô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch". Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế". Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời”. (Cv 10, 9-16).
Khi tiến trình nội tâm đã thực hiện xong, thì Phêrô được sai đến nhà ông Cornelio bởi Thần Khí. Tại đây, Phêrô bằt đầu bài giảng của mình với những lời lẽ thần học truyền giáo: “Quả thật tôi biết Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Ngài đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin mừng bình an, nhờ đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người …” (Cv 10, 34-43). Đức Gioan Phaolô II cho rằng bài giảng kerygma và giáo lý về ngày lễ Ngũ tuần của Phêrô đã được lập lại ở Cesarea trong nhà của người ngoại giáo Cornelio, nơi biến cố tiệc ly diễn ra một lần nữa, biến cố đó có thể gọi là lễ Ngũ tuần cho các dân ngoại. Quả thật, “Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cũng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả dân ngoại nữa, bởi họ nghe những ngừơi này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa” (Cv 10, 44-45). Việc này không phải chỉ có các tông đồ biết, nhưng kể cả các “anh em” khác cũng cảm thấy hành động “thúc đẩy” của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như trừơng hợp của tông đồ Stephano (x. Cv 6, 5), Barnaba hay Phaolô (x. Cv 13, 2.4.9). Sau cùng, tác gỉa sách Công vụ kết luận Phêrô “truyền làm phép rửa cho họ nhân danh đức Giêsu Kitô” (Cv 10, 48). Với quyền của người tông đồ, Phêrô, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, đã khởi đầu việc truyền bá Tin mừng và Giáo hội của Người đến các biên cương của dân tộc Israel.
Vậy dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ là những người đại diện Giáo hội tiên khởi được sai đi rao giảng và đem Tin mừng cứu độ của Chúa Kitô, không chỉ cho dân tộc Do thái và những tín hữu đã tin vào Chúa Kitô mà thôi; nhưng khởi đi từ Giáo hội của Chúa Kitô, ơn cứu độ còn được Thánh Thần ban xuống cho các dân ngoại ở mọi nơi trong khắp cùng bờ cõi trái đất như thánh Tông đồ dân ngoại đã diễn tả một cách xác tín rằng: Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ và được nhận biết danh Ngài (x.1Tm 2, 4).
Nt. Minh Quang O.P