Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

NHỮNG KỶ NIỆM VUI BUỒN VỀ HƯNG HÓA

                                                                                                Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

KỶ NIỆM MỘT

buoc chan.jpgiO agN 10x350.pngMình đi Sài Gòn để chuẩn bị ra Bắc. Trên xe có một người cao niên cứ dòm mình lom lom y như một tên gián điệp. Mình lờ đi, để đỗ giấc ngủ. Bỗng có một bàn tay cào vào vai mình:

-Xin lỗi, có phải bác là cha Tám Hậu không?

-Dường như thế.

-Vậy thì xin chào cha. Nghe nói cha định nhập địa phận Thanh Hóa phải không?

-Tôi định nhập tịch Hưng Hóa chứ không phải nhập tịch Thanh Hóa.

-Con chưa nghe tên Hưng Hóa bao giờ. Vậy Hưng Hóa ở chỗ nào trên bản đồ hả cha?

-Đời nhà Nguyễn, Hưng Hóa là một tỉnh cực lớn ở miền Bắc. Bây giờ nó chỉ là một thị trấn, thủ phủ của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tòa Giám mục ngày xưa đặt ở đó. Vào đầu thập niên 50 Tòa Giám mục tạm dời về Sơn Tây. Bởi vậy mới có cái bảng tên Tòa Giám Mục Hưng Hóa, 70 Lê Lợi, Sơn Tây.

-Vậy mà từ thuở nào tới giờ, con cứ tưởng cha là người của địa phận Thanh Hóa.

Tội nghiệp cho Hưng Hóa của tôi. Giáo phận Hưng Hóa được thành lập từ năm 1895, thọ trên 100 tuổi, thế mà nhiều người cứ lẫn nó với Thanh Hóa. Có mà như không. Ôi, tội nghiệp cho Hưng Hóa.

***

Chuyện buồn trên chuyến xe đêm Cà mau - Sài Gòn khiến mình nghĩ về Hưng Hóa để hãnh diện hơn là buồn tủi. Hưng Hóa là một vòng hoa của lịch sử Việt Nam. Đứng từ Tòa Giám mục Hưng Hóa, mình nhìn về phía Tây- Bắc thì thấy núi Ba Vì. Núi Ba Vì là nơi diễn ra huyền thoại Sơn Tinh- Thủy Tinh, chỉ cách chỗ mình đứng chừng 30 cây số. Cũng từ Tòa Giám mục mình đi bộ về hướng Bắc. Đi được hơn 3 cây số thì gặp đền thờ và lăng tẩm Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền. Đi thêm hơn 1 cây số nữa thì gặp miếu thờ bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng. Từ đây nhìn về hướng Bắc, xéo Tây Bắc chừng 45 cây số, thì thấy đền thờ của vua Hùng. Nếu từ Tòa Giám mục Sơn Tây đi xuôi về hướng Nam, thì chỉ mất 16 cây số là tới nơi Hai Bà Trưng tuẫn tiết vào năm 40, tức 40 năm sau ngày Chúa Giáng Sinh ở Belem.

Nhiều người chẳng biết Hưng Hóa hoặc tưởng nó là Thanh Hóa. Kệ, nó vẫn là một giáo phận đang ôm trong vòng tay tất cả lịch sử của thời khai nguyên tổ quốc Việt Nam. Vua Tản ở đây. Vua Hùng ở đây. Hai Bà Trưng ở đây. Phùng Hưng và Ngô Quyền ở đây…

***

KỶ NIỆM HAI

Năm 1989 mình về thăm Hưng Hóa sau 35 năm xa cách. Lúc ấy, giáo phận Hưng Hóa gồm 10 tỉnh: Hà Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình. 10 tỉnh chiếm 1/6 diện tích toàn quốc mà chỉ có 18 linh mục và không có giám mục. Số linh mục là 18 nhưng mình trừ đi mất 7, chỉ còn 11. Bảy linh mục bị trừ đi đó là: 1 vị mắc bệnh tâm thần; 1 vị chỉ còn sử dụng một nửa trí khôn; một vị bị tước quyền thi hành mục vụ; 4 vị còn lại đều đã ngoài bát tuần.

Qua 25 năm, số linh mục của Hưng Hóa đã tăng lên tới con số 76. Ngày 1 tháng 10 năm 2014 này, Hưng Hóa sẽ có thêm 8 tân linh mục. Nếu không có gì bất trắc xảy ra thì sang năm 2015, Hưng Hóa lại có thêm 12 tân linh mục nữa.

Như vậy từ buồn đến vui chỉ cách nhau có một gang tay. Tương lai của Hưng Hóa sẽ bừng sáng.

***

KỶ NIỆM BA

Mình được tháp tùng Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đi Sơn La, Mộc Châu và Chiềng Ân. Chiềng Ân là một giáo họ của dân tộc Hơ-Mông. Lần đầu tiên mình được dự một thánh lễ mà bài giảng của Đức cha được thông dịch. Lần đầu tiên mình được thấy một nhà thờ mà người dự lễ chỉ có đủ chỗ đứng, không đủ chỗ để quỳ. Người ta đứng chật như nêm cối.

Hôm ấy Đức cha ban phép Thêm Sức cho 460 người. Đức cha và cha quản xứ đều là người lần đầu tiên đặt chân tới đây. Vậy thì ai dạy giáo lý, ai rửa tội cho những người ấy? Mình bỡ ngỡ và hỏi như thế. Người ta trả lời một cách tự nhiên: “Các giáo lý viên dạy giáo lý và rửa tội cho họ. Bấy giờ Đức cha mới đến ban phép Thêm Sức cho họ”.

Mình liên tưởng đến giáo dân thời Công Vụ Tông Đồ, khi Saolô bắt đạo một cách tàn nhẫn, thì giáo dân xứ Giuđê trốn lên xứ Samari. Vừa tị nạn, vừa truyền giáo. Thế là Samari trở thành một giáo đoàn phồn thịnh và bình an vô sự. Giáo đoàn do giáo dân thành lập. Mãi về sau thánh Phêrô và Gioan mới đến thăm và ban phép Thêm Sức cho họ.

Chiềng Ân là một niềm hy vọng lớn cho Hưng Hóa trong tương lai.

***

KỶ NIỆM BỐN

Mùa Giáng Sinh năm 2013, mình được điều lên Sapa để chia sẻ công tác với cha xứ. Cha xứ Sapa phải kiêm thêm hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Chưa chết chìm, nhưng gần như chết đuối. Đuối sức chứ không đuối lòng.

Mình chỉ được đi Lai Châu, còn Điện Biên thì không còn giờ để đi. Lai Châu chưa có một giáo họ nào được chính thức công nhận. Tất cả chỉ là những cụm giáo dân mà hầu hết là thuộc vùng xa xôi hẻo lánh và thuộc dân tộc Hơ- Mông.

Mình được đến thăm chừng năm giáo điểm. Mỗi giáo điểm có chừng vài ba trăm giáo dân. Giáo điểm nào cũng nghèo và ít học. Dường như trăm phần trăm thiếu nhi đều qua các lớp tiểu học. Lên trung học cơ sở thì chỉ có vài ba em. Lên trung học phổ thông thì gần như không có em nào. Nguyên nhân bởi đâu? Nghèo là nguyên nhân chính. Nghèo sinh ra dốt. Dốt nên phải chịu cảnh nghèo.

Mình thiển nghĩ: phải diệt dốt trước vì hết dốt sẽ biết cách diệt nghèo. Mình ước tính phải có 1.000 học bổng cho các em học sinh nghèo của Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Mỗi học bổng là 1.000.000đ/năm. Như vậy mỗi năm phải có 1 tỷ. Cứ thế trong vòng 15 năm sẽ có 1000 em có trình độ văn hóa cao. Các em sẽ có nghề để sống thoát cảnh nghèo và các em sẽ là đầu tàu lôi kéo hàng ngàn em cho thế hệ kế tiếp.

Một tỷ cho một năm, có là bao. Vậy mà chưa bao giờ có. Giấc mơ ấy vẫn chỉ là giấc mơ. Cho đến bao giờ giấc mơ này mới thành hiện thực? Mình chỉ biết cúi đầu để buồn, để giận và để tức…Tức mình chứ chẳng dám tức ai.

KỶ NIỆM NĂM

Mình được đi thăm quan Hòa Bình nhiều lần.

Lần thứ nhất, mình dâng lễ trong một ngôi nhà nguyện chật hẹp quá đỗi. Đầu nhà nguyện thì đụng vách đồi. Hai bên thì bị kẹp bởi nhà dân. Đi ra đi vào mà cứ ngỡ là chui vào chui ra.

Cách hai tháng, mình lại được đi Hòa Bình. Đi chơi chứ không phải là đi dâng lễ. Mình ngẩn ngơ khi thấy một tòa nhà hoành tráng vươn lên giữa đồi núi trập trùng. Đó là ngôi nhà thờ mới đang được xây dựng. Chắc chắn là ngôi nhà thờ này chưa phải là ngôi nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Nhưng vị trí của nó thì mình chưa từng thấy nơi nào đẹp hơn. Từ sân nhà thờ, mình nhìn thấy toàn bộ thành phố Hòa Bình, nhìn thấy cả con Sông Đà, nhìn thấy cả nhà máy thủy điện lớn vào hạng nhất của Việt Nam, xa xa mình nhìn thấy hai dãy núi: núi gần màu lục; núi xa màu lam. Đẹp quá! Nên thơ quá. Mình hỏi cha Thoại:

Chừng nào thì khánh thành?

Tháng 11 tới.

Nhà thờ Hòa Bình là niềm kiêu hãnh của Hưng Hóa đấy. Dưới cái nhìn của tôi, thì nó là cửa ngõ đi vào sứ vụ truyền giáo của các tỉnh Tây- Bắc Việt Nam. Nó giống như Giêrikhô là cửa ngõ đi lên thủ đô Giêrusalem vậy.

Mình nôn nóng chờ đợi ngày khánh thành nhà thờ Hòa Bình. Mình mơ ước được thấy Tin Mừng đi qua Hòa Bình để đến với Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Hòa Bình ơi, ngươi là niềm kiêu hãnh của Hưng Hóa, ngươi là niềm hy vọng của sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Mong thay!


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     TÂM SỰ kết thành LỜI KINH TẠ ƠN CỦA một NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV. MM Tân, SJ. ghi lại
     Một không gian mở cho LỜI CHÚA LAN TRÀN. MM Tân, SJ.
     TIN MỪNG CHO DÂN TÔI. MM Tân, S.J.
     MẶT BẰNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH. MM Tân SJ.
     Xuân mới: Ngôi nhà TIN MỪNG HOÁ mới. MM Tân, S.J.
     SỐNG GIỮA THẾ GIAN MÀ KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN. G. Tuấn Anh
     Cầu nguyện, dìm mình trong Tháh Thần. MM Tân, S.J.
     LỜI CHÚA LAN TRÀN (Cv 6,7). MM Tân, S.J.
     Thần giữ cửa và người giữ lửa gia đình. MM Tân, S.J.
     Tân Tin Mừng Hoá Giáo Hội Tại Gia.MM Tân, S.J.